Hỏi thăm nỗi buồn
lượt xem 4
download
Vẫn thế! Cái vali kéo, chiếc túi khoác hờ trên vai, bước chân hơi ríu lại, chần chừ. Có một thoáng chị quay lại anh. Khi ấy đang đứng dựa cổng nhà, rít thuốc. Và ánh nhìn chị bắt gặp đôi mắt thản nhiên cố hữu của chồng. Một chút, một chút lửa yêu bừng lóe lên trong lòng chị, tắt ngúm. Và chị vội sập cửa xe. Rất nhanh và thật mạnh. Cánh cửa đã đóng chặt nhưng xe chưa rồ máy nên anh chưa quay vào nhà. ...
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Hỏi thăm nỗi buồn
- Hỏi thăm nỗi buồn Vẫn thế! Cái vali kéo, chiếc túi khoác hờ trên vai, bước chân hơi ríu lại, chần chừ. Có một thoáng chị quay lại anh. Khi ấy đang đứng dựa cổng nhà, rít thuốc. Và ánh nhìn chị bắt gặp đôi mắt thản nhiên cố hữu của chồng. Một chút, một chút lửa yêu bừng lóe lên trong lòng chị, tắt ngúm. Và chị vội sập cửa xe. Rất nhanh và thật mạnh. Cánh cửa đã đóng chặt nhưng xe chưa rồ máy nên anh chưa quay vào nhà. Có gì mà vội? Đằng nào thì xe cũng chạy và chị cũng đi. Kể cả một ngày chị đi hẳn. Ra khỏi ngôi nhà này, khu vườn này, ra khỏi cuộc đời anh. Đó là điều anh chẳng chờ mong nhưng cũng không hề ái ngại. Như bây giờ. Là anh một mình. Buổi sáng thường qua nhanh và anh cũng hay có bạn đến chơi. Vào hôm chị đi có cả thảy năm người đến, có một cặp vợ chồng và mấy cha con. Tất cả bọn họ đều rất mê chỗ ở của anh dẫu có hơi xa thành phố. Họ thích căn nhà cấp bốn với kiểu dáng rất lạ, cái cổng và màu sơn. Nhưng mê nhất vẫn là khu vườn. Cả bọn ngồi vây quanh cái bàn mây kê ở mái hiên. Ở đấy đỡ bị nắng xiên lại có thể thỏa thuê ngắm nhìn hoa cỏ chung quanh. Anh đem ra một bình trà ngon, mấy cái tách và quay vào trong làm thức uống cho mọi người. Trước, nhà mở quán cà phê nên đó là thứ công việc anh vốn quen và rất ưa thích. Anh pha sữa và bạc xỉu cho một trẻ con và một quý bà, đen và nâu cho ba quý ông còn lại. Anh ra ngồi với cả bọn và trầm ngâm với tách trà của mình.
- Anh vẫn rất hay như thế ngay cả khi có chị một bên. Đó là cảnh tượng rất bình thường trong con mắt của tất cả mọi người. Khi không phải đi đâu, chị cũng chẳng chịu ăn sáng cùng. Bảo, không chờ được cái tính đủng đỉnh của anh. Giá anh bận công to chuyện lớn gì cho cam. Đây lúi húi mãi ở ngoài vườn. Ai mà chờ nổi, ai mà chịu đói được. Ừ! Không chịu được thì thôi chứ sao! Nhà vỏn vẹn chỉ có hai người, chán lại thêm lười anh hay bỏ bữa. Khi các việc đã làm xong, anh thường dọn chiếc bàn con ra vườn ngồi. Chị cũng thường theo anh ra đấy. Ngồi quay lưng ra phía cổng và chăm chú vào trang báo mở rộng trong khi anh, một chỗ ngồi đối diện, lơ đễnh ngó ra con đường phía trước. Họ vẫn thế, người quay ra kẻ quay vào. Chẳng sao! Bởi vấn đề nào phải là ở một thế ngồi, một cách uống, một kiểu ăn. Đó là điều anh đã nghĩ thời gian đầu mới chung sống. Sự khác biệt, hồi đó, nghe ra lại kích thích anh. Nhưng đã ba mươi sáu năm như thế! Một khoảng thời gian dài đủ để anh chị tuần tự lên chức: chức chồng chức vợ, chức mẹ chức cha, chức ông chức bà. Và cũng đủ cho những khác biệt hiện hình trong những tích cực quẫy đạp, phá phách. Những đồng cảm, cộng hưởng ngày một thưa thớt, ít ỏi dần rồi mất biến. Trong anh vô vàn nỗi mệt mỏi, tràn lan và thẩm thấu. Bởi luôn phải cố gắng tận lực để thích nghi nhau. Anh cũng nhận ra điều ấy ở chị với tần số xuất hiện thường xuyên, cao hơn và dày thêm. Nhất là dăm năm sau này khi hai đứa con lớn của anh chị đã lập gia đình có con cái và ra riêng. Đứa nhỏ nhất hãy còn độc thân nhưng làm việc xa nhà. Anh quen với việc ít mở lời. Chỉ nghe là chính. Nghe chị hoan hỉ kể về những thành công trong việc kinh doanh của mình, chuyện mấy bà bạn già và chuyện các cháu… Nghe chị than thở về sự khó tính của bạn hàng, những ghen tuông vô lối của con gái, tính đểnh đoảng của con rể… Chỉ nghe. Không thấy cần đối thoại. Đã
- rất lâu, anh mất hẳn nhu cầu đó. Một nhu cầu là cấp thiết với không ít người. Nhu cầu được nói ra, được thể hiện, được phô trương, được phơi bày... Không chỉ với vợ, với các bạn anh cũng thường như thế. Gần như là im lặng trong những gặp gỡ, đoàn tụ. Như cái kiểu sáng này với mấy con người đang ngồi quanh đây. Anh chẳng nói năng gì, chỉ lắng nghe mọi người bàn luận sôi nổi về một chương trình mới trên truyền hình, về cái chết của một vị lãnh tụ, về sự tăng giá tiếp nối sau rất nhiều đợt tăng... Anh nghe có vẻ lơ đãng, đúng như cái cách của mình nhưng tiếp nhận rất đầy đủ. Nghe giữa những lặng lẽ khi đi lấy thêm nước sôi, chêm thêm trà, gắp đá. Khi gọt cắt trái cây cho mọi người dùng. Khi nấu hai gói mì thêm hai quả trứng gà cho ông bạn chưa kịp ăn sáng. Chỉ hơi thắc mắc, quay qua nhìn người vừa nhờ vả mình. Ngạc nhiên là sao có người ăn nhiều đến thế nhỉ? Khi anh bưng thức ăn ra bàn cũng là lúc cả đàn chim bay về. Chưa kịp đậu lại nơi nhánh cây quen thuộc đã dáo dác gọi nhau bay mất. Chắc chúng nhận ra nhà anh hôm nay có nhiều người và hãi sợ. Nghe tiếng chim gọi bầy tao tác nỗi bất an, anh nhận ra ngay những hoảng loạn của chúng và se lòng. Đã mấy năm nay, khu vườn nhà anh là chỗ đi về và trú ngụ của rất nhiều loài chim. Lưu trú thường xuyên là một bầy chim sâu và gia đình chim sẻ. Chim sâu có vẻ nhút nhát hơn nhưng thời gian sống bình yên tại đây đã đủ cho chúng những tin cậy. Thích lắm! Những lúc nhìn lên một tàng cây thấp nào đó và bắt gặp những chú chim sâu dùng mỏ cuốn lá, cuốn cỏ bện lại thành những cái tổ xinh xắn. Đã vậy, bọn sâu bọ vẫn quen đục phá hoa lá vườn nhà cũng bớt hẳn. Tiếng chích chích anh mới nghe đích thị là chim sẻ. Loại này không hề nhút nhát. Nhưng người đã đông mà ồn ĩ thế này, chúng biết sợ cũng phải. Không sao! Chỉ lát
- nữa thôi cả bầy sẽ quay lại. Chưa bao giờ chúng chịu bay đi khi thấy anh có mỗi một mình. Chúng ưa đứng rón chân trên song cửa, ríu rít liên hồi. Có hôm chúng còn bay vào nhà, đậu ngay nơi chiếc ghế anh đang ngồi và cũng không thôi chích chích. Những tiếng hót nghe mới đến là cảm động bởi thấu được những hỏi han, những sẻ chia hết sức ân cần. Chúng làm anh vui khi bay chuyền khắp gian phòng. Đậu lại nơi những chồng sách chất cao, nghiêng cánh trên hũ rượu đặt ở góc phòng hay trên cây ghita treo tường… Chích chích và chích chích, khi giành nhau nắm gạo được anh vãi tung giữa sàn. Những rộn ràng của chúng đem đến cho anh rất nhiều những khoảnh khắc ấm áp. Anh cũng thích nói chuyện với chúng và ngày nào cũng chỉ chừng đó những câu hỏi: “Tối qua ngủ ở đâu? Đã ăn gì hôm nay? Có no bụng không?”. Và, bao giờ cũng thế. Là câu cuối: “Có buồn nhiều không?”. *** Đâu cần kíp lắm để chị phải ra khỏi nhà vào khoảng này. Vào một mùa như thế này. Ấy là nói theo thời tiết ở thành phố của chị. Ở một nơi vẫn có đủ bốn mùa. Đủ là hay rồi. Nói thật là trước đây mùa hết sức rõ nét. Đông ra đông. Hạ chính xác là hạ. Nhưng độ khoảng năm nay cũng có hơi nhích qua nhích lại, hơi lấn áp nhau tí chút. Giả như, cỡ rằm tháng tám thu thật sự là thu, chả cần chút nhân nhượng nào. Nhưng đấy, vừa rồi… Cả nắng cả mưa nhào nặn khiến tiết trời phai tạp và thu nhòa lẫn với hạ với đông. Chị bảo: Rõ chán! Mà cũng phải thôi! Lòng người cũng chẳng còn giữ nổi cái sự thuần chất, nói gì… Bạn chị cười khì: Do biến đổi khí hậu, bà ngoại ạ! Bạn chị gọi chị là bà ngoại rất thường trực vì chị có hai con gái. Nhưng chị chẳng bao giờ gọi
- mụ ấy là bà nội đâu nhé! Gọi thế già chết. Như với chồng, chị cũng chẳng mấy khi ông ông, tôi tôi như cái cách của rất nhiều người. Chị gọi chồng theo kiểu của mấy đứa con. Gọi là bố. Thế nên anh mới kêu là mẹ cho nó đề huề. Cứ bố bố mẹ mẹ, từ lúc có đứa con đầu. Gọi mãi thấy cũng chẳng có gì là lạ thế mà đôi lần chị lại thấy thèm được chồng gọi là em: “Cái sơmi của anh, em đã ủi chưa?”, “Em đang làm gì?”, “Em ơi! Anh đói bụng quá!”… Chẳng có gì ở một cách xưng hô, một kiểu gọi nhưng cùng với những bố bố, mẹ mẹ có vẻ chàng trai nhiều háo hức, ngang ngạnh trong anh đã thay đổi. Những nhanh nhảu nhường cho sự điềm đạm, xốc nổi giảm và tỉnh táo tăng, cáu giận ít nhín nhịn nhiều… Cứ thế! Lấn bớt và thay thế dần từ. Và em và anh khi cao, lúc thấp, âm buồn giọng vui mỗi ngày một thưa thớt rồi mất biến. Và sau rốt là gì? Là “bố” và là “mẹ” khô rang những rành rẽ và sự mạnh mẽ. Những bố và những mẹ rất mực đĩnh đạc uy quyền. Đêm qua trời đổ mưa lớn. Rất may, chị và mụ bạn kịp trở về khách sạn. Qua tuổi sáu mươi bạn chị đề nghị khi cần ám chỉ nhau cứ mụ, mụ mà réo, nghe có vẻ già dặn đàng hoàng hơn. Chứ nó nó… Trẻ con lắm mà trơ trốc hỗn hào. Rất không phải là cái loại phụ nữ đã làm sui, đã lên chức bà. Nghe chỏi lắm! Mưa, có vẻ như hơi khuya nhưng buổi tối thì còn rất lâu mới qua hết. Có lên phòng, chị và bạn cũng chỉ biết nằm dài đối diện với cái tivi và mấy cái chương trình vớ vẩn. Chán! Thế là hai mụ đàn bà ngồi ì ra nơi tiền sảnh. Bạn chị mở điện thoại coi đi coi lại hình mấy đứa cháu. Chị lằng lặng buồn, thấy nhớ bữa cơm tối ở nhà với chỉ hai con người lằng lặng ăn, lằng lặng nghĩ, lằng lặng đối diện nhau. Bao lâu rồi ngôi nhà của anh chị không mùi, không màu, không động tĩnh. Thế mà anh, thời gian đầu chung sống giận dữ một chút là thích đập đồ.
- Mà sao khôn thế! Chỉ vớ ba cái bát đĩa cóc cáy ra sân sau ném mạnh. Sợ đập trong nhà, chị hay con bị trúng mảnh vỡ thì khổ. Và chị, thời gian đầu làm vợ hở một tí là ghen hờn, khóc la ồn ĩ. Hôn nhân thủa ấy toàn những gam màu đỏ chói, nhìn bắt hoa mắt. Nhưng thật vui. Chồng vợ thủa ấy gắt nồng và đặc sệt mùi giường chiếu, mắm muối, nước tiểu của con và khói bếp. “Choang choang” và những bu lu ba loa tiếp diễn liên hồi. Mà hay. Hay quá! Bạn chị rủ uống một ly vang, bảo: “Nhẹ lắm! Thêm nữa huyết áp tụi mình vốn thấp mà”. Nghe đến hai từ huyết áp, chị thoắt nghĩ ngay đến anh và giật mình. Anh không thích rượu bia dù nhà rất sẵn nhưng lại ưa ăn mặn và ghiền mắm. Trong kệ bếp ở nhà luôn có một ngăn tủ nhỏ chứa các loại mắm. Nào mắm thu, mắm ruột, mắm nêm, thế mà có việc đi đâu đó anh vẫn đùm gói đem về hằng bao nhiêu các thứ mắm khác. Vào miền Tây thì mắm linh, mắm sặt. Ra Huế thì mắm tôm, về Bắc thì mắm cáy, mắm tép... Chị ước mình như ngày trước, khi còn đủ những nhiệt tình với anh còn ngùn ngụt lửa nóng giận. Để có thể cấm cản anh quyết liệt dữ dằn. Vừa ước được đến đấy đã vội phì cười bởi anh hồi ấy đâu đã cao huyết áp. Chỉ cần mường tượng đến bữa cơm chỉ riêng anh và bao nhiêu loại mắm trên mâm là mắt chị đã hoa, lòng chị đã bới bời. Cứ như mấy hồi bị rối loạn tiền đình hay huyết áp tự nhiên bị tụt. Những nỗi lo kiểu này vắng bặt trong chị, quá lâu sao tối này ào ào trở lại. Có cảm giác như tim chị bị ai bóp nghẹt trong suốt thời gian chờ đầu dây bên anh trả lời. Giọng anh khan khan, đều đều bảo rằng mình chưa ăn cơm. Ở nhà đang mưa rất lớn lại còn cả dông và sấm chớp, bắt kinh hồn. Điện bị cắt cả khu vực này. Anh vừa rọi đèn pin, choàng áo tơi ra đóng cổng. Anh không thể tìm
- ra mấy cây nến và trong nhà đành để tối om. Cũng không thể cho mèo ăn. Người chẳng thiết gì nhưng là Mi nên rất thương. Nó đói kêu quá chừng chừng. Kêu bắt rát cổ và anh nghe bắt xót lòng. Đấy! Là chị phải tự suy diễn để tròn nghĩa đủ câu chứ tiếng anh lúc còn lúc mất. Chắc tại sóng vì thời tiết xấu đến thế cơ mà. Nhưng có câu này của anh thì chị nghe rõ lắm. Rõ cả cái âm buồn: “Có nhất thiết mẹ phải đi vào những lúc như thế này?”. Là câu hỏi cũng được mà không cũng được. Là trọn vẹn một câu cũng đúng mà lỡ dở cũng đúng. Nếu lỡ dở thì phần đầu là thế còn phần sau chắc là: “Có nhất thiết mẹ để bố thế này?”. Với mưa, dông gió, sự cố cúp điện và một con mèo đang lồng lên vì đói hay không? Vậy là ở hai nơi, cả chỗ chị vừa rời đi và cả nơi chị mới ghé đến đều chung một tiết trời. Đều mưa cho hai người. Thật ra chuyến đi này đâu cần có chị. Mụ bạn bảo: “Bà ngoại ở nhà với ông ngoại cho nó lạnh nhà, nhé! Một mình tôi xoay trở ổn mà…”. Chị có bảo mụ bạn, một lần: “Lạ thật! Cảm như cái nhà u ám, ướt át hơn khi bọn tôi có đủ đôi, bà ạ!”. Để rồi từ hôm đấy hai chữ “lạnh nhà” thường trực, xuất hiện nơi miệng con mụ này. Ở xa anh, ý nghĩ cái thương còn vấn vương, cái tình còn xao động. Ở gần sao tỉnh táo, sao điềm nhiên bắt sợ? Không thấy ở anh một thoáng run rẩy khi nhịp tim chị bỗng nhanh đến bất thường. Chị cũng không hề thiếu bình tĩnh khi lấy thuốc huyết áp cho chồng. Anh vẫn có thể bị tai biến? Và chị vẫn có thể bị đột quỵ? Vậy mà sao không thấy họ hoảng hốt? Tại sao và tại sao? Lần đầu chị thấy giọng mình không còn cái sự rành rẽ, liến thoắng thường ngày. Nhắc anh đừng ăn mắm, đừng nấu nướng chi cách rách, lấy đỡ ít đồ nguội trong tủ lạnh làm cái xăng-uýt, đừng ra vườn kẻo mắc mưa, nhốt con mèo vào cũi rồi bỏ cho nó ít cơm nguội cá kho, uống tách trà gừng nóng trước khi lên giường và nhớ
- cúp cầu dao kẻo gặp sự cố điện. Không chỉ có giọng nói, cả người chị bỗng lạnh run. Đúng là cái ướt át từ nơi anh từ ngôi nhà mình cách đây hàng mấy trăm cây số cùng lúc ùa túa lên chị sũng ngập. Mắt chị nhòa hẳn đi… Cả khu vườn nhà ướt nhẹp, cây cối lẩy bẩy, những con chim sẻ chim sâu cụp cánh co ro, đậu núp trên những cành cây gió quật tơi tả… Những con chim làm anh vui và chưa ngày nào anh quên hỏi han chuyện trò với chúng. Đó, đó là điều anh đã kể cho chị nghe, một hôm nào đó. Và kể chỉ một lần duy nhất. Rồi thôi...
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
MẶT NẠ
3 p | 97 | 17
-
Yêu anh theo cách mù quáng của em
9 p | 159 | 10
-
Con vẹt xanh
5 p | 134 | 8
-
Thăm nàng Vương Chiêu Quân
6 p | 87 | 7
-
Vay Tiền
5 p | 98 | 6
-
CÓ MỘT VÙNG KÍ ỨC TUỔI THƠ TÔI
6 p | 74 | 5
-
Nợ nhau lời xin lỗi
11 p | 68 | 4
-
HẸN ƯỚC VỚI GIÓ
7 p | 39 | 4
-
1 phút
4 p | 55 | 3
-
Nỗi Buồn Mùa Tạ Ơn
7 p | 54 | 3
-
Nhộn nhịp phố Quảng Ninh (Hà Khẩu - Trung Quốc)
3 p | 52 | 3
-
Càn Long Du Giang Nam - Hồi 38
19 p | 76 | 3
-
Chữa bệnh "buồn"
4 p | 72 | 3
-
Nói Một Đường
4 p | 45 | 2
-
Những bản nhạc buồn
15 p | 66 | 2
-
VỢ TÔI ỐM NGHÉN
6 p | 84 | 2
-
Truyện ngắn Mối Tình Đầu
14 p | 99 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn