JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1075.2015-0220<br />
Educational Sci., 2015, Vol. 60, No. 8C, pp. 25-30<br />
This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
HỢP TÁC VỚI CHA MẸ TRONG GIÁO DỤC HÒA NHẬP<br />
TRẺ KHUYẾT TẬT Ở TRƯỜNG MẦM NON<br />
<br />
Bùi Thị Lâm<br />
Khoa Giáo dục Đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội<br />
<br />
Tóm tắt. Hợp tác với cha mẹ là một kĩ năng quan trọng của giáo viên mầm non trong giáo<br />
dục hòa nhập trẻ khuyết tật ở trường mầm non. Nội dung bài báo này đề cập đến các biện<br />
pháp giúp giáo viên hợp tác tốt với cha mẹ trẻ nhằm đáp ứng các nhu cầu cá nhân của từng<br />
trẻ. Các biện pháp bao gồm: hiểu gia đình trẻ, duy trì giao tiếp thường xuyên với cha mẹ<br />
trẻ, tăng cường sự tham gia của cha mẹ vào các hoạt động ở trường mầm non, cung cấp<br />
thông tin về chăm sóc- giáo dục trẻ cho cha mẹ.<br />
Từ khóa: Giáo dục hòa nhập, hợp tác với cha mẹ, trẻ khuyết tật, trường mầm non.<br />
<br />
1. Mở đầu<br />
Cha mẹ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giáo dục và phát triển trẻ em đặc biệt ở<br />
độ tuổi mầm non. Ngày nay, vấn đề củng cố vai trò của cha mẹ và tạo những điều kiện cần thiết để<br />
thực hiện những nhiệm vụ giáo dục gia đình cho trẻ mầm non đang rất được quan tâm. Cả lí thuyết<br />
và thực tiễn đều cho thấy rằng: nền tảng cho sự thành công của chương trình giáo dục mầm non<br />
cho trẻ khuyết tật là sự quan tâm, cộng tác của gia đình, là sự kiên trì, nỗ lực không ngừng của các<br />
bậc cha mẹ và những người thân của trẻ [6].<br />
Trường mầm non muốn thực hiện mục tiêu chăm sóc và giáo dục trẻ phát triển toàn diện<br />
cần phải dựa vào gia đình, phối hợp chặt chẽ với cha mẹ trẻ. Trong đề án phát triển giáo dục mầm<br />
non giai đoạn 2006- 2015 đã xác định: ”Việc chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non phải được thực hiện<br />
với sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội” [3]. Nhiệm vụ phối hợp với<br />
gia đình trong chăm sóc, giáo dục trẻ cũng đã được quy định tại Điều lệ Trường mầm non [1].<br />
Sự xuất hiện của trẻ khuyết tật trong gia đình có thể làm cho cha mẹ trẻ phải trải qua những<br />
cảm xúc khác nhau. Trẻ em và cha mẹ trẻ không khuyết tật cũng có nhiều quan điểm, cảm xúc<br />
khác nhau với sự có mặt của trẻ khuyết tật trong lớp học. Tất cả những điều này đều ảnh hưởng<br />
đến mối quan hệ giữa giáo viên với các cha mẹ trẻ em trong môi trường giáo dục hòa nhập. Do<br />
vậy, đòi hỏi giáo viên làm việc trong các lớp hòa nhập cần hiểu và có một số kĩ năng làm việc với<br />
cha mẹ trẻ trong các lớp học đa dạng. Giáo viên không chỉ cần phối hợp chặt chẽ với cha mẹ trẻ<br />
khuyết tật mà còn cần phối hợp tốt với cả cha mẹ các trẻ em khác, giải quyết mối quan hệ hài hòa<br />
giữa cha mẹ trẻ khuyết tật và các cha mẹ khác.<br />
Hiện nay, đã có một số nghiên cứu về sự hợp tác giữa cha mẹ và giáo viên trong giáo dục trẻ<br />
em nói chung và trẻ khuyết tật nói riêng của các tác giả Karen Kearns, Đỗ Thị Thảo,... [5, 7]. Tuy<br />
Ngày nhận bài: 20/7/2015. Ngày nhận đăng: 15/9/2015.<br />
Liên hệ: Bùi Thị Lâm, e-mail: lambt@hnue.edu.vn<br />
<br />
<br />
<br />
25<br />
Bùi Thị Lâm<br />
<br />
<br />
nhiên, vẫn thiếu các chỉ dẫn cụ thể cho giáo viên mầm non trong hợp tác với các cha mẹ trẻ em,<br />
giải quyết các tình huống xảy ra trong mối quan hệ với cha mẹ trẻ và các cha mẹ với nhau trong<br />
môi trường giáo dục hòa nhập. Vấn đề này cần được nghiên cứu và đưa ra các chỉ dẫn giúp giáo<br />
viên thực hiện tốt hơn vai trò của mình trong quá trình hợp tác với cha mẹ.<br />
<br />
2. Nội dung nghiên cứu<br />
2.1. Khái niệm hợp tác với cha mẹ trẻ<br />
Hợp tác là cùng nhau thực hiện một kế hoạch và cùng đi đến một mục đích [2]. Sự hợp tác<br />
giữa giáo viên và cha mẹ trong chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường mầm non hòa nhập là cùng nhau<br />
làm việc, chia sẻ thông tin giữa giáo viên và cha mẹ vì một mục đích chung là chăm sóc, giáo dục<br />
trẻ trong môi trường giáo dục hòa nhập ở trường mầm non.<br />
Sự hợp tác giữa giáo viên và cha mẹ trong chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường mầm non hòa<br />
nhập mang tính hai chiều: cha mẹ đóng góp, tham gia vào các hoạt động, hợp tác, chia sẻ trách<br />
nhiệm chăm sóc, giáo dục trẻ, chia sẻ thông tin cho giáo viên, nhà trường. Giáo viên và nhà trường<br />
tạo điều kiện cho cha mẹ có cơ hội phối hợp với nhà trường, chia sẻ thông tin, tư vấn bồi dưỡng<br />
nâng cao kiến thức, kĩ năng giáo dục trẻ cho cha mẹ.<br />
Sự hợp tác giữa giáo viên với cha mẹ trẻ là điều kiện thuận lợi tạo sự thống nhất về mục<br />
tiêu, nội dung và phương pháp, biện pháp chăm sóc giáo dục trẻ, mang lại lợi ích cho trẻ em, gia<br />
đình, trường mầm non và cộng đồng. Sự hợp tác chặt chẽ giữa giáo viên và cha mẹ giúp trẻ nhận<br />
được sự giáo dục phù hợp với đặc điểm cá nhân, có cách tiếp cận tích cực với nhà trường, tự tin<br />
vào giá trị của bản thân và nâng cao kết quả học tập, phát triển.<br />
<br />
2.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hợp tác với cha mẹ trẻ ở trường mầm non hòa<br />
nhập<br />
Trường mầm non hòa nhập với sự đa dạng về đối tượng trẻ em dẫn đến sự đa dạng về cha<br />
mẹ và các yếu tố ảnh hưởng đến sự hợp tác, trong đó bao gồm các yếu tố chính là:<br />
- Nhận thức của cha mẹ về vai trò của giáo dục trẻ em trong những năm đầu đời, các cha<br />
mẹ nhận thức tốt về vai trò của giáo dục trẻ sẽ quan tâm hơn đến con cái và các vấn đề ở trường.<br />
- Nghề nghiệp, công việc của cha mẹ có thể phản ánh mối quan hệ, thái độ, giá trị và niềm<br />
tin vào tác động của giáo dục và mối quan hệ với giáo viên.<br />
- Hoàn cảnh sống của gia đình trẻ, các gia đình có hoàn cảnh éo le họ có thể gặp một số<br />
khó khăn trong chia sẻ thông tin, sự cởi mở trong mối quan hệ với giáo viên.<br />
- Mức độ ưu tiên, sự kì vọng của cha mẹ vào trẻ. Các bậc cha mẹ có sự kì vọng vào sự phát<br />
triển của trẻ sẽ nỗ lực hỗ trợ để giúp trẻ đạt được các mục tiêu đã đặt ra.<br />
- Ngôn ngữ, khi giáo viên và cha mẹ trẻ không sử dụng cùng một ngôn ngữ sẽ ảnh hưởng<br />
đến việc giao tiếp, hiểu và chia sẻ thông tin.<br />
- Sự chấp nhận của cha mẹ đối với khuyết tật của con mình và sự chấp nhận của các cha mẹ<br />
trẻ bình thường đối với trẻ khuyết tật.<br />
- Mối quan tâm của cha mẹ đối với trẻ khuyết tật ở lớp, trường mầm non.<br />
Trong các yếu tố trên thì mối quan tâm của cha mẹ trẻ là yếu tố có ảnh hưởng quan trọng<br />
đến sự hợp tác giữa cha mẹ với giáo viên. Ở lớp mầm non có nhiều nhóm cha mẹ khác nhau, tuy<br />
nhiên trong môi trường giáo dục hòa nhập có thể chia thành hai nhóm chính đó là cha mẹ trẻ không<br />
khuyết tật và cha mẹ trẻ khuyết tật. Đây là hai nhóm cha mẹ có các nhu cầu và mối quan tâm khác<br />
<br />
<br />
26<br />
Hợp tác với cha mẹ trong giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật ở trường mầm non<br />
<br />
<br />
nhau khi đưa con đến trường.<br />
Đối với cha mẹ trẻ không khuyết tật, điều họ quan tâm nhất là con họ ở lớp như thế nào, trẻ<br />
có ăn uống được không, trẻ có tham gia các hoat động cùng các bạn không, giáo viên đối xử với<br />
trẻ như thế nào? Nhìn chung, những cha mẹ của trẻ bình thường không quá quan tâm đến việc có<br />
mặt của trẻ khuyết tật trong lớp. Tuy nhiên, họ cũng có thể có một vài vấn đề quan tâm như con<br />
họ có thể học những hành vi không phù hợp từ các trẻ khuyết tật, thời gian của giáo viên dành cho<br />
con họ, trẻ khuyết tật có thể làm đau con họ. Các vấn đề này nếu được giáo viên giải thích một<br />
cách bình tĩnh, có lí và khách quan, cha mẹ trẻ không khuyết tật cũng có thể nhận thấy những lợi<br />
ích thiết thực đối với con họ khi học cùng với trẻ khuyết tật.<br />
Cha mẹ trẻ khuyết tật thì khác, họ có thể phải trải qua các cảm xúc khác nhau khi có con<br />
khuyết tật như sự mặc cảm, cảm thấy có lỗi, ghen tị [6]... Những cảm xúc này có thể ảnh hưởng<br />
đến mối quan hệ giữa họ với con mình, với giáo viên và các cha mẹ trẻ em không khuyết tật. Cha<br />
mẹ trẻ khuyết tật thường có một số mối quan tâm đặc biệt đó là: khả năng tham gia của trẻ vào<br />
lớp học: Trẻ có tham gia được các hoạt động ở lớp không? Chương trình giáo dục có phù hợp với<br />
con họ không? Sự chấp nhận của những trẻ khác, trẻ có được chấp nhận ở lớp học không? những<br />
trẻ khác có trêu chọc con họ không; thời gian của giáo viên dành cho trẻ; sự tiến bộ và tương lai<br />
của trẻ.<br />
<br />
2.3. Biện pháp hợp tác với cha mẹ trẻ trong giáo dục hòa nhập ở trường mầm<br />
non<br />
2.3.1. Hiểu gia đình trẻ<br />
Để có được mối quan hệ hợp tác tốt với cha mẹ trẻ, trước hết giáo viên cần dành thời gian<br />
để tìm hiểu về gia đình trẻ và điều mà cha mẹ trẻ thực sự mong muốn. Mỗi gia đình trẻ là khác<br />
nhau, các ông bố, bà mẹ cũng rất khác nhau trong tính cách, nghề nghiệp, năng lực, sự sẵn sàng<br />
tham gia. . . Giáo viên cần nhận ra các thế mạnh của mỗi người về chuyên môn và năng lực để có<br />
thể phối kết hợp, thu hút họ tham gia có hiệu quả trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ.<br />
Tìm hiểu hoàn cảnh của các gia đình có thể dựa vào một số đặc điểm về văn hóa – xã hội:<br />
trình độ giáo dục của cha mẹ, vị trí của họ trong xã hội, đặc điểm phong tục, tập quán và lối sống<br />
gia đình; về kinh tế: nghề nghiệp của cha mẹ, điều kiện sống của gia đình; về vệ sinh: điều kiện ăn<br />
ở, nhà cửa, mức sống của gia đình; về số người trong gia đình và cơ cấu gia đình: số người cùng<br />
sống, có bao nhiêu thế hệ cùng sinh sống. Đối với gia đình trẻ khuyết tật cần tìm hiểu môi trường<br />
giáo dục trẻ tại gia đình, sự kì vọng của cha mẹ đối với trẻ.<br />
Hiểu gia đình của trẻ cũng có nghĩa là hiểu những giới hạn của gia đình trong việc chăm<br />
sóc giáo dục trẻ. Giáo viên cần biết được thực sự giới hạn của cha mẹ trẻ cả về kiến thức, thái độ<br />
và thực hành của cha mẹ trong chăm sóc, giáo dục trẻ, những điều kiện hỗ trợ từ môi trường gia<br />
đình cho trẻ. Đều này giúp đảm bảo những gợi ý của giáo viên cho cha mẹ trong làm việc với trẻ<br />
có thể dễ dàng đưa vào các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của gia đình, tìm kiếm những cách để<br />
giải quyết những hạn chế của gia đình.<br />
Tuy nhiên, giáo viên cần tôn trọng sự khác biệt về hoàn cảnh gia đình của các trẻ em<br />
trong lớp.<br />
2.3.2. Duy trì giao tiếp thường xuyên với cha mẹ trẻ<br />
Duy trì giao tiếp thường xuyên với cha mẹ là một biện pháp quan trọng trong hợp tác với<br />
cha mẹ trẻ trong chăm sóc, giáo dục trẻ em lứa tuổi mầm non. Giao tiếp với cha mẹ là cơ sở để xây<br />
dựng và duy trì mối quan hệ tốt, tạo sự tin cậy lẫn nhau với cha mẹ trẻ. Là một người giáo viên<br />
mầm non, điều quan trọng là phải biết giao tiếp, tạo mối quan hệ tốt với cha mẹ để cha mẹ hỗ trợ<br />
<br />
27<br />
Bùi Thị Lâm<br />
<br />
<br />
cùng mình đưa chất lượng chăm sóc trẻ đạt hiệu quả. Trong mối quan hệ hợp tác với cha mẹ trẻ,<br />
giáo viên không chỉ là người chủ động mà còn cần khuyến khích cha mẹ trẻ chủ động liên hệ với<br />
giáo viên thông qua quá trình giao tiếp với cha mẹ trẻ.<br />
Giáo viên nên duy trì liên lạc với cha mẹ trẻ càng nhiều càng tốt. Với bất cứ trẻ nào, giáo<br />
viên không nên chỉ liên lạc với cha mẹ khi trẻ có vấn đề.<br />
Giao tiếp của giáo viên với cha mẹ không phải khi nào cũng diễn ra tốt đẹp. Trong khi giao<br />
tiếp với cha mẹ, giáo viên cần đặt những câu hỏi thể hiện sự quan tâm thực sự của mình với những<br />
nhu cầu của đứa trẻ hơn là việc đổ lỗi hoặc chỉ trích cha mẹ đối với những vấn đề của trẻ. Chú<br />
trọng các hành vi tích cực của trẻ vì những hành vi tốt của trẻ làm cha mẹ vui, thích giao tiếp với<br />
giáo viên.<br />
Khi giao tiếp với cha mẹ trẻ khuyết tật, giáo viên cần tỏ thái độ tôn trọng, không phân biệt,<br />
không kì thị và định kiến với cha mẹ, chia sẻ cảm xúc với cha mẹ trẻ, hỗ trợ, động viên và thành<br />
thật với cha mẹ của trẻ<br />
Khi cha mẹ tiếp cận với giáo viên để phàn nàn, giáo viên nên thừa nhận tâm trạng của cha<br />
mẹ bằng cách biểu thị sự đồng cảm và nhạy cảm đối với quan điểm và trải nghiệm của cha mẹ,<br />
tránh phê phán hay lờ đi, lắng nghe và chấp nhận việc trình bày của cha mẹ song không nhất thiết<br />
phải đồng tình với họ, đưa cha mẹ tham gia vào việc tìm ra một số cách có thể để giải quyết được<br />
vấn đề hoặc các bên thống nhất được với nhau. Hỏi ý kiến của các giáo viên/ cán bộ quản lí khác<br />
về làm thế nào giải quyết được vấn đề.<br />
Giáo viên giao tiếp với cha mẹ thông qua nhiều hình thức khác nhau như: trò chuyện trực<br />
tiếp hàng ngày, cuộc họp, hội thảo; nói chuyện qua điện thoại; ghi sổ liên lạc, gửi thư điện tử, trang<br />
website, facebook; viết thông báo hay báo cáo cho cha mẹ trẻ; trang thông tin của nhà trường, gửi<br />
chương trình của trẻ về nhà để giúp cha mẹ biết con họ đang học kĩ năng gì . . .<br />
2.3.3. Tăng cường sự tham gia của cha mẹ trẻ trong các hoạt động ở trường mầm non<br />
Tăng cường sự tham gia của cha mẹ vào các hoạt động ở trường mầm non là một biện pháp<br />
quan trọng để duy trì sự hợp tác cùng với giáo viên trong chăm sóc, giáo dục trẻ em. Sự tham gia<br />
của cha mẹ vào các hoạt động ở trường cũng giúp cha mẹ hiểu hơn công việc của giáo viên, hoạt<br />
động của trẻ, mối quan hẹ giữa các trẻ với nhau và an tâm hơn khi con ở trường.<br />
Để khuyến khích sự tham gia của cha mẹ giáo viên cần cụ thể hóa các vấn đề dựa trên tầm<br />
quan trọng đối với trẻ. Giáo viên có thể khuyến khích cha mẹ tham gia vào các hoạt động ở trường<br />
mầm non thông qua mời cha mẹ đến thăm và tham gia vào lớp học của con họ càng nhiều càng tốt.<br />
Đối với tất cả cha mẹ trẻ, các hoạt động dọn dẹp, sắp xếp lớp học, trang trí lớp học đặc<br />
biệt là góc địa phương trong lớp, trò chuyện với trẻ em về các ngành nghề, văn hóa, bài hát truyền<br />
thống của địa phương, cung cấp vật liệu làm đồ dùng, đồ chơi, tham gia vào các hội thi chế biến<br />
thức ăn cho trẻ, các sự kiện đặc biệt, trò chơi cho bố mẹ và con. . . là những cơ hội tốt để cha mẹ<br />
tham gia vào các hoạt động ở trường mầm non và hiểu hơn về trẻ em ở trường.<br />
Đối với cha mẹ trẻ khuyết tật, tham gia vào các hoạt động ở trường mầm non càng quan<br />
trọng hơn, đặc biệt tham gia vào các hoạt động can thiệp cá nhân cho trẻ. Điều quan trọng đối với<br />
giáo viên là không cần chỉ có kĩ năng tổ chức các hoạt động hỗ trợ cá nhân cho trẻ khuyết tật mà<br />
cần hướng dẫn để cha mẹ có thể tổ chức được cho trẻ tại gia đình. Cha mẹ có thể tham gia vào các<br />
giờ can thiệp cá nhân cho trẻ để học tập cách hướng dẫn cho trẻ tại gia đình, giúp cha mẹ đặt ra<br />
những mục tiêu phù hợp với trẻ. Để tăng cường sự tham gia của cha mẹ vào hoạt động can thiệp<br />
cá nhân cho trẻ khuyết tật thì cha mẹ cần được hướng dẫn các mục tiêu và nội dung và các phương<br />
pháp mà trẻ đang được can thiệp tại trường để về nhà cùng áp dụng và dạy con tại gia đình. Cha<br />
mẹ có thể tham gia một phần hoặc toàn bộ hoạt động can thiệp cá nhân cho trẻ khuyết tật. Cha mẹ<br />
<br />
28<br />
Hợp tác với cha mẹ trong giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật ở trường mầm non<br />
<br />
<br />
cũng có thể hỗ trợ về thời gian, công sức, đồ dùng đồ chơi cho giáo viên để chuẩn bị và thực hiện<br />
các hoạt động can thiệp cá nhân cho trẻ.<br />
2.3.4. Cung cấp thông tin cho cha mẹ trẻ về chăm sóc giáo dục trẻ tại gia đình<br />
Kết nối việc học của trẻ ở trường với ở nhà, tiếp tục hướng dẫn trẻ học và chơi trong sinh<br />
hoạt hàng ngày tại nhà tác động lên phát triển của trẻ rất nhiều. Tuy nhiên, rất nhiều bậc cha mẹ<br />
chưa biết cách hướng dẫn, hỗ trợ việc học tập và phát triển cho trẻ tại gia đình. Mặt khác, phần<br />
lớn trẻ khuyết tật được sinh ra trong các gia đình có cha mẹ là người bình thường [4], vì vậy các<br />
bậc cha mẹ trẻ khuyết tật thiếu kiến thức, kinh nghiệm giáo dục trẻ. Việc hỗ trợ, hướng dẫn cho<br />
cha mẹ trẻ khuyết tật cách thức chăm sóc - giáo dục trẻ, tận dụng các hoạt động hàng ngày để phát<br />
triển cho trẻ sẽ giúp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ ở độ tuổi mầm non và<br />
là một phần quan trọng của các chương trình hỗ trợ gia đình trẻ khuyết tật.<br />
Các thông tin cần cung cấp cho cha mẹ trẻ bảo gồm vai trò của giáo dục cho trẻ mầm non,<br />
cách chăm sóc- giáo dục trẻ tại gia đình, các cơ hội chăm sóc- giáo dục trẻ hàng ngày tại gia đình,<br />
hướng dẫn trẻ thực hiện vệ sinh, thực hiện các kĩ năng tự phục vụ tại nhà, giao tiếp với trẻ. . .<br />
Có nhiều cách khác nhau để cung cấp thông tin cho cha mẹ trẻ, đó là cuocj trao đổi trực<br />
tiếp, các buổi nói chuyện chuyên đề hoặc tập huấn cho cha mẹ. Hãy giải thích cho cha mẹ một<br />
cách đơn giản, phù hợp với khả năng của họ.<br />
Một trong những hình thức phổ biến để cung cấp thông tin cho cha mẹ trẻ là cung cấp tài<br />
liệu cho cha mẹ. Tài liệu cung cấp cho cha mẹ có thể dưới nhiều hình thức khác nhau như sách<br />
hướng dẫn, các đoạn video, tài liệu giáo viên tự tìm kiếm hoặc thiết kế cho cha mẹ. Khi xây dựng<br />
và lựa chọn tài liệu cần lưu ý: nội dung của tài liệu cần được chọn lọc sao cho phù hợp với đối<br />
tượng cha mẹ mà tài liệu phục vụ, thông tin ngắn gọn, rõ ràng, sử dụng ngôn ngữ thông dụng, Có<br />
hình ảnh minh hoạ.<br />
Nhiều cha mẹ trẻ khuyết tật có thể kì vọng nhiều hơn so với khả năng thực tế của trẻ. Khi<br />
họ làm theo các hướng dẫn của giáo viên họ luôn mong muốn trẻ có sự tiến bộ tốt hơn và nếu trẻ<br />
không đạt được như mong đợi cha mẹ rất lo lắng và buồn rầu. Giáo viên muốn xoa dịu sự lo lắng<br />
của cha mẹ, đó là một điều rất tự nhiên. Tuy nhiên giáo viên cần biết chắc chắn những thông tin<br />
mình cung cấp cho cha mẹ trẻ. Hãy trấn an cha mẹ nhưng phải trung thực. Với một số câu hỏi về<br />
những vấn đề của trẻ mà giáo viên không biết như: Điều gì xảy ra với trẻ? Cuối năm nay trẻ có thể<br />
nói được như những trẻ khác chứ? Câu trả lời cho những câu hỏi này thường rất phức tạp và thiếu<br />
chắc chắn. Giáo viên hãy giúp cha mẹ tìm những nhà chuyên môn có thể trao đổi về những điều họ<br />
quan tâm như chuyên gia trị liệu lời nói, ngôn ngữ. Nhưng giáo viên có thể lí giải và chứng minh<br />
rằng cha mẹ có thể giúp trẻ phát triển và giúp họ nhận ra nhiều khả năng mà họ có để dạy trẻ và<br />
nói với họ về những gì mà họ đã và đang làm tốt.<br />
<br />
3. Kết luận<br />
Không ai có thể hiểu rõ một đứa trẻ tốt hơn cha mẹ của trẻ và họ cũng là những người có<br />
thể hỗ trợ tốt nhất trong sự phát triển toàn diện của trẻ đặc biệt ở độ tuổi mầm non. Khi cha mẹ<br />
được trang bị những kiến thức, kĩ năng và cam kết áp dụng những thực hành tích cực và hiệu quả,<br />
thì cha mẹ có thể hỗ trợ cho con mình đạt được mốc phát triển. Trong môi trường giáo dục hòa<br />
nhập, để đạt được các mục tiêu giáo dục, giáo viên và nhà trường cần phải dựa vào gia đình, hợp<br />
chặt chẽ với cha mẹ trẻ. Sự hợp tác giữa giáo viên và cha mẹ cần được xây dựng dựa trên sự thấu<br />
hiểu, chân thành, thương yêu và cảm thông. Duy trì, phát triển mối quan hệ hợp tác giữa giáo viên<br />
và cha mẹ là trách nhiệm và tự nguyện từ cả hai phía song vẫn luôn đòi hỏi giáo viên sáng tạo và<br />
linh hoạt trong quá trình giao tiếp, làm việc cùng cha mẹ.<br />
<br />
29<br />
Bùi Thị Lâm<br />
<br />
<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
<br />
[1] Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2008. Điều lệ trường mầm non (Ban hành kèm theo Quyết định số<br />
14 /2008/QĐ-BGDĐT ngày 07 tháng 4 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)<br />
[2] Bộ Giáo dục & Đào tạo, 2013. Hợp tác với cha mẹ trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ. Tài liệu<br />
nâng cao năng lực giáo viên mầm non.<br />
[3] Chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quyết định số: 149/2006/QĐ - TTg về<br />
việc phê duyệt Dự án đầu tư chiến lược phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2006 - 2015.<br />
[4] Gargiulo R.M., Kilgo J.L., 2000. Young Children with Special Needs. Delmar Publishers.<br />
[5] Karen Kearns, 2010. The big picture: Working in Children’s Services Series. Pearson<br />
Publisher.<br />
[6] Raver, S.A., 2009. Early childhood special education, 0 - 8 years: Strategies for positive<br />
outcomes. New Jersey: Pearson Education.<br />
[7] Đỗ Thị Thảo, 2011. Sự cần thiết của việc phối hợp giữa giáo viên và cha mẹ trong can thiệp<br />
sớm trẻ tự kỉ lứa tuổi mẫu giáo. Kỉ yếu hội thảo khoa học “Giáo dục đặc biệt Việt Nam -<br />
Kinh nghiệm và triển vọng”. Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội.<br />
<br />
ABSTRACT<br />
<br />
Cooperating with parents in preschools that include children with disabilities<br />
<br />
The ability to cooperate with parents is an important skill needed by preschool teachers<br />
in inclusive educational facilities that include children with disabilities. This article presents<br />
measures that can be followed to establish a positive relationship with children’s parents and an<br />
ability to work with them to ensure that the best possible care is provided for individual children.<br />
These measures include: understanding children’s families, regular communication with parents,<br />
involving parents in preschool activities and providing information to parents.<br />
Keywords: Inclusive education, cooperation with parents, children with disabilities,<br />
preschool.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
30<br />