Kết cấu hạ tầng đồng bằng sông Cửu Long<br />
<br />
Cần một hệ thống thủy lợi bền vững<br />
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chiếm vị trí quan trọng trong<br />
chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và an ninh lương thực quốc gia,<br />
hàng năm đóng góp trên 50% tổng sản lượng lương thực quốc gia, cung<br />
cấp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản<br />
lượng trái cây cả nước. Tuy nhiên khu vực này đang đứng trước nhiều<br />
thách thức lớn do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nguy cơ ngập lụt do<br />
lũ, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt mùa kiệt… đòi hỏi phải có một kịch<br />
bản quy hoạch thủy lợi đồng bộ và bền vững.<br />
<br />
* Từng bước được nâng cấp, phục vụ đa mục tiêu<br />
<br />
Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, trước năm 1975, thủy lợi vùng<br />
ĐBSCL không có phát triển gì đáng kể, nhiều công trình thủy lợi còn thô sơ,<br />
chưa đồng bộ, không đủ sức đáp ứng nhu cầu khi chuyển đổi cơ cấu sản<br />
xuất. Tuy nhiên, cùng với các công trình thủy lợi được hình thành qua hàng<br />
trăm năm, trong hơn 30 năm đầu tư, xây dựng, ĐBSCL đã hình thành một hệ<br />
thống công trình thủy lợi khá hoàn chỉnh, từng bước đáp ứng yêu cầu phát<br />
triển kinh tế-xã hội của toàn đồng bằng. Quan niệm thủy lợi như là một<br />
ngành “dẫn thủy nhập điền” đã dần được thay đổi bởi khái niệm “phát triển<br />
thủy lợi tổng hợp”. Thủy lợi không còn là một ngành đơn thuần chỉ phục vụ<br />
sản xuất nông nghiệp mà hướng đến phục vụ cho nhiều đối tượng, nhiều<br />
ngành nghề, nhiều mục tiêu.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Làm thủy lợi nội đồng để đảm<br />
bảo nguồn nước tưới tiêu cho các<br />
mô hình sản xuất trong mùa khô<br />
ở xã Thạnh An, huyện Vĩnh<br />
Thạnh, TP Cần Thơ. Ảnh: H.P Ông Nguyễn Ngọc Anh – Viện<br />
trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi<br />
miền Nam cho biết, toàn ĐBSCL hiện có trên 15.000 km kênh trục và kênh<br />
cấp I, gần 27.000 km kênh cấp II, khoảng 50.000 kênh cấp III và nội đồng,<br />
80 cống rộng trên 5m, trên 800 cống rộng 2-4m và hàng vạn cống, bọng nhỏ,<br />
trên 1.000 trạm bơm điện lớn và vừa, hàng vạn máy bơm nhỏ để chủ động<br />
tưới, tiêu cho khoảng trên 1,4 triệu ha lúa (trên 90% diện tích vụ đông xuân<br />
và hè thu), kể cả những vùng có khó khăn về nguồn nước như Tứ giác Hà<br />
Tiên, Nam Măng Thít, Quản Lộ-Phụng Hiệp, Ô Môn –Xà No, ven biển<br />
Đông, biển Tây, vùng phèn nặng ở trung tâm Đồng Tháp Mười... Vừa qua,<br />
Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã tiến hành dự án Phát triển thủy<br />
lợi ĐBSCL giai đoạn 2 gồm 3 tiểu dự án: Nam Măng Thít (Trà Vinh-Vĩnh<br />
Long); Quản Lộ - Phụng Hiệp (Sóc Trăng – Bạc Liêu), Ô Môn – Xà No<br />
(Cần Thơ-Hậu Giang-Kiên Giang) nhằm phục vụ tưới tiêu, kiểm soát lũ,<br />
triều, ngăn mặn cho 450.000 ha đất tự nhiên.<br />
<br />
Để kiểm soát lũ, hiện vùng ngập lũ ĐBSCL đã hình thành hệ thống đê và bờ<br />
bao với tổng chiều dài khoảng 13.000 km, trong đó có 7.000 km bờ bao<br />
chống lũ để bảo vệ lúa hè thu (tháng 8) . Cùng với hệ thống các cụm dân cư<br />
được xây dựng theo chương trình dân cư vùng ngập lũ, hệ thống giao thông<br />
kết hợp thủy lợi đã kết nối các khu dân cư với hệ thống giao thông liên<br />
huyện, liên tỉnh và quốc gia, tạo thành địa bàn sinh sống vững chắc, an toàn<br />
và chủ động trong vùng ngập lũ. Về tiêu nước, do còn nhiều vùng trũng<br />
thấp, vùng ảnh hưởng lũ lớn, nên hiện hệ thống tiêu thoát nước chỉ có thể<br />
phục vụ tốt cho khoảng 80% diện tích sản xuất nông nghiệp với mục tiêu sản<br />
xuất ổn định 2 vụ lúa đông-xuân và hè-thu. Vùng ven biển và cửa sông<br />
ĐBSCL đã từng bước hình thành hệ thống đê ngăn mặn, kiểm soát triều<br />
cường, sóng cao và đang nâng dần lên khả năng chống chọi với nước dâng<br />
do bão. Nhiều tuyến đê đã phát huy tốt hiệu quả trong kiểm soát mặn và<br />
phòng tránh thiên tai như các tuyến đê biển Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc<br />
Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang... Về cải tạo và phát triển vùng đất phèn, sau<br />
nhiều năm phát triển hệ thống thủy lợi, cơ bản đã làm chủ được vùng đất<br />
phèn, biến những vùng đất phèn rộng lớn ở Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long<br />
Xuyên và Bán đảo Cà Mau thành những vùng sản xuất lúa ổn định 2-3 vụ.<br />
Hiện chỉ còn một ít đất phèn nặng ở vùng rốn phèn Đồng Tháp Mười (Bắc<br />
Đông-Bo Bo), Bán đảo Cà Mau (Hồng Dân, Phước Long)... nhưng cũng<br />
được sử dụng trồng tràm và cây công nghiệp.<br />
<br />
* Thách thức trước biến đổi khí hậu<br />
ĐBSCL bị chia cắt bởi một hệ thống chằng chịt kênh rạch, lại chịu tác động<br />
thủy triều (thường vào sâu tới 100km) từ biển Đông và biển Tây (ở phía<br />
Kiên Giang và Cà Mau) nhưng lại không có công trình phụ trợ nào để chủ<br />
động nguồn nước. Từ năm 2000 đến nay ĐBSCL đã xuất hiện nhiều đợt lũ<br />
lớn mang tính lịch sử, tình trạng xói lở bờ sông, bờ biển xảy ra với cường độ<br />
lớn và nhiều hơn. Trong điều kiện như vậy, ĐBSCL cần phải có một hệ<br />
thống thủy lợi kiên cố theo hướng đa mục tiêu, không chỉ phục vụ tốt cho<br />
sản xuất mà cả nuôi trồng, tiêu thoát lũ và đảm bảo an toàn dân sinh. Tuy<br />
nhiên, theo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, các kịch bản về ứng phó với Biến đổi<br />
khí hậu mang tầm quốc gia vẫn chưa được thông qua. Hiện chưa có phương<br />
án, công trình nào phản ánh rõ nét việc ứng phó với biến đổi khí hậu bởi<br />
phát triển thủy lợi không chỉ phục vụ sản xuất và gắn với giao thông, môi<br />
trường.<br />
<br />
Cũng theo Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, các dự án phát triển thủy lợi<br />
trong những thập niên trước đây thường thiên về phục vụ cho cây lúa, về sau<br />
này đã chuyển dần theo hướng đa mục tiêu, đặc biệt xuất hiện yêu cầu sử<br />
dụng nước cho thủy sản nước mặn, lợ. Song, công tác quy hoạch nhìn chung<br />
còn hạn chế trong việc lồng ghép, phối hợp giữa các ngành, các đối tượng<br />
dùng nước, giữa khai thác và sử dụng tài nguyên, giữa phát triển kinh tế-xã<br />
hội và bảo vệ môi trường, giữa đa dạng trong sản xuất nông nghiệp với sản<br />
xuất quy mô lớn các nông sản chủ lực. Trong khi đó, xâm nhập mặn là một<br />
hiện tượng phức tạp ở vùng cửa sông ảnh hưởng triều. Trong phát triển nông<br />
nghiệp ĐBSCL, bài toán xâm nhập mặn và khai thác nước mùa kiệt được<br />
xem là một trong hai bài toán cơ bản nhất.<br />
<br />
Ông Nguyễn Ngọc Thạch - Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông<br />
thôn huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng cho rằng, hiện chưa có sự phối hợp<br />
điều hành nguồn nước giữa vùng nuôi tôm Bạc Liêu với vùng chuyên trồng<br />
lúa Sóc Trăng. Cụ thể, nếu phía Bạc Liêu mở cửa cống lấy nước mặn vào<br />
nuôi tôm quá mạnh tay thì sẽ làm cho dòng nước mặn đẩy thẳng lên Ngã<br />
Năm, từ đó dòng mặn phân thành năm ngã đi lẫn vào đồng ruộng, nguy cơ<br />
gây hại lớn cho cây lúa (cây lúa chỉ chịu được nồng độ mặn dưới 2‰).<br />
Trong khi đó, các hộ nuôi tôm ở Bạc Liêu không có quỹ đất để làm hệ thống<br />
trữ nước mặn nên chỉ có thể lấy mặn một cách ồ ạt theo nhu cầu nuôi trồng<br />
hiện thời nên đã không kiểm soát lưu lượng nước cần dùng.<br />
<br />
Theo ông Đào Văn Bình- Phó trưởng ban Quản lý dự án kênh Quản Lộ -<br />
Phụng Hiệp (Sóc Trăng-Bạc Liêu), khi chưa có công trình phân ranh mặn<br />
ngọt như hiện nay, thủy triều lên nước mặn theo dòng sông Hậu đổ vào Bạc<br />
Liêu, thời điểm chưa chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng<br />
thì dòng nước mặn này chưa đổ lên Ngã Năm tràn vào ruộng đồng. Các nhà<br />
khoa học nghiên cứu dòng chảy và lưu lượng nước sông Hậu trong tình<br />
huống chưa chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, vì vậy cho dù cao trình<br />
nước biển lên 70mm/năm thì dòng mặn từ biển Bạc Liêu vẫn không thể tới 5<br />
ngã sông trên. Có một điều các nhà khoa học chưa lường trước là tốc độ biến<br />
đổi khí hậu và xâm mặn xảy ra nhanh hơn tính toán và dự kiến của kịch bản.<br />
<br />
Dự án phân ranh mặn ngọt giữa vùng đất tôm lúa của tỉnh Bạc Liêu với vùng<br />
chuyên lúa của tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng để ổn định thâm canh tăng năng<br />
suất cây trồng, nuôi trồng thủy sản, đảm bảo an ninh lương thực và phát triển<br />
bền vững cho vùng dự án với diện tích 165.000 ha. Hiện tại, dự án đã triển<br />
khai được 38/66 cống và đã bàn giao cho địa phương sử dụng 18 cống. Ông<br />
Bình cho biết, trước kia, để ngăn chặn nước mặn xâm chiếm nước ngọt,<br />
chính quyền địa phương các xã, huyện đã chủ động đắp đập ngăn mặn để<br />
“cứu” đồng ruộng. Tuy nhiên, mỗi năm phải đắp vào bới ra rất mất thời gian<br />
và gây nhiều tốn kém mà lại không chắc chắn. Khi dự án phân ranh mặn<br />
ngọt giữa hai tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng sẽ có một trạm điều hành chung<br />
của cả hệ thống, việc đóng mở đều được điều hành trên máy, phân bổ hài<br />
hòa nước mặn và nước ngọt cho nuôi trồng thủy sản, sản xuất lúa và trồng<br />
cây ăn trái.<br />
<br />
Nông nghiệp ở ĐBSCL có vai trò to lớn trong chiến lược an ninh lương thực<br />
quốc gia và xuất khẩu. Tuy nhiên, sự phát triển nông nghiệp sở dĩ còn gặp<br />
nhiều khó khăn, trở ngại bởi cơ sở hạ tầng phục vụ cho nông nghiệp, đặc<br />
biệt là công trình thủy lợi chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó, để đảm bảo an<br />
toàn cho vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng này trước những biến đổi bất<br />
thường của khí hậu, việc quy hoạch xây dựng hệ thống thủy lợi nhằm phát<br />
triển bền vững cho mảnh đất “Chín Rồng” đang là yêu cầu cấp thiết. Đây<br />
cũng là một trong những mục tiêu hướng đến xây dựng nông thôn mới<br />
ĐBSCL.<br />
<br />
VIỆT ÂU – HỒNG NHUNG (TTXVN)<br />