intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Khai thác giá trị ẩm thực phục vụ phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Hà Giang trong bối cảnh hội nhập

Chia sẻ: Tô Nhiễm | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

4
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Khai thác giá trị ẩm thực phục vụ phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Hà Giang trong bối cảnh hội nhập" đã đưa ra 4 giải pháp: (i) Phát triển du lịch thông minh; (ii) Đẩy mạnh quảng bá trên các nền tảng, phương tiện truyền thông; (iii) Tập huấn về công nghệ sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm và (iv) Minh bạch và ổn định giá nhằm phát triển du lịch Hà Giang bền vững trong bối cảnh hội nhập. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Khai thác giá trị ẩm thực phục vụ phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Hà Giang trong bối cảnh hội nhập

  1. KHAI THÁC GIÁ TRỊ ẨM THỰC PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG Ở TỈNH HÀ GIANG TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP Nguyễn Thị Quế Loan1 Tóm tắt: Nghiên cứu này được thực hiện tại tỉnh Hà Giang với mục đích tìm hiểu giá trị văn hoá ẩm thực ở Hà Giang và tiềm năng phát triển của nó. Để đạt được mục tiêu nghiên cứu, chúng tôi tiến hành điều tra, phỏng vấn 560 du khách khi đến Hà Giang trong thời gian tháng 5 và tháng 10/2023. Kết quả cho thấy Hà Giang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch ẩm thực nhưng chưa được chú trọng khai thác hợp lý để phát triển du lịch bền vững. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đã đưa ra 4 giải pháp: (i) Phát triển du lịch thông minh; (ii) Đẩy mạnh quảng bá trên các nền tảng, phương tiện truyền thông; (iii) Tập huấn về công nghệ sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm và (iv) Minh bạch và ổn định giá nhằm phát triển du lịch Hà Giang bền vững trong bối cảnh hội nhập. Từ khóa: Du lịch ẩm thực, Hà Giang, hội nhập, sản phẩm, tiềm năng phát triển. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Được mệnh danh là “ngành công nghiệp không khói”, du lịch đã và đang đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với phát triển kinh tế ở Việt Nam. Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, chỉ tính riêng năm 2023, ngành du lịch Việt Nam có sự phục hồi đáng kể với lượng khách du lịch quốc tế đạt 12.599.145 triệu lượt người (gấp gần 4 lần so với năm 2022), khách nội địa ước đạt 108 triệu lượt người (vượt 5,8% so với năm 2023). Doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống năm 2023 ước đạt 673,5 nghìn tỷ đồng, tăng 14,7% so với năm 2022 (Vietnam National Tourism Administration, 2023). Tuy nhiên, có thể thấy, dù vượt chỉ tiêu năm 2022, nhưng con số này mới chỉ bằng 70% so với năm 2019 (thời điểm chưa xảy ra đại dịch Covid-19). Theo Google Trends (công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google), từ đầu năm 2023 đến nay, nhu cầu về du lịch Việt Nam liên tục nằm trong tốp tăng nhanh nhất trên thế giới, lượng tìm kiếm của du khách quốc tế về du lịch Việt Nam từ vị trí thứ 11 lên vị trí thứ 6 (Tourist Information Center, 2023). Điều đó cho thấy, Việt Nam có cơ hội tốt trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch để thu hút khách quốc tế đến trong thời gian tới. Đặc biệt, khi thế giới trở nên “phẳng” hơn nhờ cuộc cách mạng công nghệ thông tin như hiện nay, việc sử dụng công nghệ thông tin phát triển du lịch thông minh, góp phần nâng cao hiệu quả quảng bá, tăng sức hấp dẫn Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. 1
  2. 414 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... cho sản phẩm du lịch… có ảnh hưởng lớn đến quyết định điểm đến, thời gian lưu trú của du khách. Chính vì vậy, khai thác tiềm năng du lịch, trong đó có du lịch ẩm thực - một loại hình du lịch đầy sức hấp dẫn sẽ góp phần đáng kể thu hút du khách trong và ngoài nước. 2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU  Ăn uống là nhu cầu thiết yếu của con người và cũng là một trong những yếu tố phản ánh văn hoá tộc người. Mỗi tộc người đều có món ăn đặc trưng, cách chế biến, cách ứng xử, hành vi, thói quen, những kiêng kỵ, cách bày biện, thức thưởng thức món ăn, thức uống tạo thành nét riêng - giá trị riêng của tộc người mình. Chính vì vậy, ở những địa phương có nhiều tộc người sinh sống, văn hoá ẩm thực của mỗi tộc người sẽ trở thành tài sản quý giá của tộc người đó nói riêng, địa phương đó nói chung - đặc biệt là ở những địa phương có tiềm năng phát triển du lịch nếu như biết khai thác hợp lý. Giá trị ẩm thực được hiểu là tính ích dụng của sản phẩm ẩm thực được cộng đồng nhìn nhận, đánh giá, công nhận. Việc khai thác giá trị ẩm thực trong du lịch sẽ góp phần đem lại thu nhập cho cộng đồng tộc người ở địa phương, đồng thời góp phần giữ gìn, quảng bá, lưu giữ những nét đẹp trong văn hoá ẩm thực của địa phương/cộng đồng tộc người. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, các nhà phân tích cơ hội toàn cầu và dự báo ngành đánh giá thị trường du lịch ẩm thực sẽ tăng trưởng ổn định ngay cả khi gặp những thách thức, bất ổn toàn cầu bởi dù đi đến đâu, con người vẫn cần đồ ăn và thức uống để tồn tại, hay nói một cách khác ăn uống là nhu cầu thiết yếu của du khách ở tất cả các điểm du lịch (Faruk Seyitoglu, 2018). Chính vì vậy, du lịch ẩm thực đã trở nên quan trọng và trở thành một phần tăng trưởng nhanh chóng tạo nên sức hấp dẫn của điểm đến du lịch trong những năm gần đây. Mong muốn được trải nghiệm hương vị địa phương tại điểm đến và cơ sở lưu trú của du khách đã tạo tiền đề cho sự phát triển của du lịch ẩm thực (Umit Sormaz; Halil Akmese; Eda Gunes; Sercan Aras, 2016).  Song cũng nhờ ẩm thực, du khách có thể có được trải nghiệm du lịch khó quên. Chính vì vậy, trải nghiệm ẩm thực là một phần quan trọng trong hành trình du lịch của mỗi du khách. Du lịch ẩm thực được các nhà khoa học quan tâm cả trong nghiên cứu cơ bản cũng như các nghiên cứu ứng dụng. Trước hết, khái niệm Du lịch ẩm thực được nhìn nhận là “Các chuyến tham quan nơi sản xuất thực phẩm, lễ hội ẩm thực, nhà hàng và các địa điểm cụ thể mà hương vị ẩm thực và/hoặc trải nghiệm về đặc trưng của các sản phẩm thực phẩm điển hình là lý do chính cho chuyến đi” (Enrico Bonetti; Michele Simoni; Raffaele Cercola, 2014). Ashleigh Ellis và các cộng sự cho rằng “du lịch ẩm thực chính là nhân học văn hóa thông qua việc tìm hiểu sự tương tác của khách du lịch với địa điểm du lịch qua ẩm thực”. Du lịch ẩm thực là một trải nghiệm vượt xa việc tham quan thông thường “đó là việc thưởng thức hương vị của một vùng, hòa mình
  3. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 415 vào văn hóa ẩm thực của vùng đó và tìm hiểu về câu chuyện mà mỗi món ăn truyền tải” (UCF, 2019; Iqbal Uddin Abbasi, 2023). Dưới góc độ nhìn nhận, đánh giá vai trò của du lịch ẩm thực, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra du lịch ẩm thực mang lại lợi nhuận cho nền kinh tế địa phương và quốc gia. Theo Hiệp hội Du lịch Ẩm thực Thế giới (WFTA), 80% du khách nghiên cứu các lựa chọn đồ ăn và đồ uống khi đi du lịch đến một điểm đến mới. Hơn nữa, 53% trong số những du khách này coi mình là “khách du lịch ẩm thực” (WFTA, 2019). Trong số tất cả các lĩnh vực chi tiêu có thể có, khách du lịch ít có khả năng cắt giảm ngân sách thực phẩm của họ nhất. Thậm chí, đối với một số khách du lịch, mục đích duy nhất khi đến thăm một địa điểm là trải nghiệm ẩm thực (Norman Au; Rob Law, 2002). Bốn hoạt động du lịch ẩm thực hàng đầu của du khách là: ăn uống tại các nhà hàng dành cho người sành ăn, ăn uống tại quán bar/nhà hàng nổi tiếng, thưởng thức ẩm thực đường phố và tận hưởng trải nghiệm ăn uống tổng thể thông qua chuyến thăm các nhà máy sản xuất thực phẩm, món ăn, thức uống ở địa phương, lễ hội ẩm thực, chợ, để tận hưởng trải nghiệm văn hóa (WFTA, 2019). Du lịch ẩm thực mang lại nhiều lợi ích cho cả khách du lịch và điểm đến, nó cho phép du khách khám phá một nền văn hóa mới thông qua ẩm thực (Ashleigh Ellis; Eerang Park; Sangkyun Kim; Ian Yeoman, 2018). Việc nếm thử các món ăn và đồ uống địa phương cũng là một cách để kết nối với người dân địa phương và hiểu sâu hơn về lịch sử, truyền thống và lối sống của cư dân điểm đến. Mặt khác du lịch ẩm thực cũng hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế địa phương và thúc đẩy du lịch bền vững qua việc chi tiêu cho ẩm thực của du khách (Dennis Nunes, 2023). Du lịch ẩm thực có thể tạo thêm doanh thu và tạo việc làm trong ngành khách sạn và thực phẩm. Với vai trò quan trọng của du lịch ẩm thực, Jeou-Shyan Horng, Chen-Tsang (Simon) cho rằng mỗi quốc gia cần phải có chiến lược phát triển du lịch ẩm thực bằng cách: (i) xác định và sử dụng hiệu quả tài nguyên du lịch ẩm thực; (ii) đánh giá các nguyên tắc của chính phủ trong việc thúc đẩy du lịch ẩm thực; (iii) áp dụng chiến lược tiếp thị để quảng bá lĩnh vực văn hóa ẩm thực; và (iv) xây dựng môi trường giáo dục văn hóa ẩm thực và du lịch (Jeou-Shyan Horng, Chen-Tsang (Simon) , 2012). Nhìn nhận về vai trò của du lịch ẩm thực không chỉ với góc độ kinh tế, Matthew J. Stone và các cộng sự đã chứng minh yếu tố dẫn đến trải nghiệm du lịch đáng nhớ của du khách chính là những trải nghiệm ẩm thực/đồ uống đáng nhớ. Do đó các nhà cung cấp dịch vụ du lịch có thể sử dụng yếu tố này để tạo nên câu chuyện ẩm thực cho điểm đến của họ tốt hơn (Matthew J. Stone; Joelle Soulard and Erik Wolf, 2017). Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 với xu hướng phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, việc sử dụng các ứng dụng và trang web du lịch tập trung vào ẩm thực như Yelp, TripAdvisor, OpenTable, EatWith, LocalEats và FoodSpotting… nhằm cung cấp cho khách du lịch thông tin chi tiết về ẩm thực địa phương, nhà hàng và các chuyến tham quan ẩm thực được nhiều du khách trẻ tuổi sử dụng sẽ là cách quảng bá thúc đẩy phát triển du lịch địa phương nói chung, du lịch ẩm thực nói riêng (Dennis Nunes, 2023).
  4. 416 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... Việt Nam là quốc gia đa tộc người với những sắc thái ẩm thực đa dạng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Dương Quế Nhu và các cộng sự đã chỉ ra những yếu tố hấp dẫn du khách là hương vị thức ăn ngon, sự đa dạng về cách kết hợp nguyên liệu tạo nên món ăn có lợi cho sức khỏe được đánh giá là yếu tố độc nhất của ẩm thực Việt Nam (Dương Quế Nhu; Nguyễn Tri Nam Khang; Nguyễn Thị Thảo Ly, 2014). Tuy nhiên, để ẩm thực Việt Nam có thể trở thành sản phẩm du lịch và có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực, cần có điểm nhấn và trở thành loại hình du lịch chuyên nghiệp, hấp dẫn để thu hút du khách trong và ngoài nước (Phạm Thu Huyền, 2023). Một số địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hội An, Đà Lạt, Cần Thơ, Huế… đã chú trọng khai thác ẩm thực trong du lịch góp phần làm đa dạng hệ thống sản phẩm du lịch, quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam ra thế giới (Lê Thị Thu Hiền; Lê Thị Diệu Mi, 2019). Mặc dù vậy, nhìn chung, du lịch ẩm thực mới được một số đơn vị khai thác du lịch thực hiện, song chưa được chú trọng ở tầm chiến lược (Vương Xuân Tình, 2018).  Có thể thấy, các nghiên cứu trên đã thừa nhận vai trò của du lịch ẩm thực, giúp điểm đến trở thành nơi thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, ở Hà Giang- một tỉnh miền núi có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống với kho tàng tri thức dân gian phong phú (Nguyễn Thị Quế Loan, 2015), những món ăn mang đầy sắc thái của các tộc người thì chưa được chú trọng nghiên cứu một cách có hệ thống. Do đó, nghiên cứu này nhằm mục đích tìm hiểu giá trị văn hoá ẩm thực và khả năng phát triển du lịch ẩm thực ở Hà Giang - một địa phương được nhận giải thưởng “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á” tháng 9/năm 2023. Câu hỏi nghiên cứu được chúng tôi đặt ra là: (i) Văn hoá ẩm thực của Hà Giang có được du khách đánh giá cao hay không? (ii) Những trải nghiệm về ẩm thực khi du khách đến với Hà Giang như thế nào? Trên cơ sở đó, chúng tôi đưa ra những gợi ý nhằm khai thác, phát triển du lịch ẩm thực Hà Giang bền vững. 3. DỮ LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Nghiên cứu áp dụng kết hợp phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng bằng tiếp cận và thu thập dữ liệu từ khảo sát bằng bảng câu hỏi với 560 du khách (được chọn ngẫu nhiên) để đo lường các khía cạnh: Đặc điểm của du khách (nhân khẩu xã hội, mức độ kinh tế); Lý do chính chọn Hà Giang là địa điểm du lịch; phản hồi ​​ du khách về trải nghiệm ẩm thực Hà Giang; món ăn họ yêu thích khi đến Hà của Giang; thói quen tiêu dùng khi du lịch. Nơi tiến hành khảo sát là một số nhà hàng ăn uống của địa phương, chợ phiên ở thành phố Hà Giang và Đồng Văn. Các nhà hàng được lựa chọn dựa trên hai điều kiện: địa điểm (ở nơi du lịch hoặc gần khách sạn lưu trú, ở chợ phiên và thực đơn). Khảo sát được thực hiện sau khi du khách vừa ăn sáng, trưa hoặc ăn tối xong, nên trải nghiệm ẩm thực còn mới mẻ trong tâm trí họ. Thời gian thực hiện khảo sát là tháng 5 và tháng 10/2023. Tỷ lệ phản hồi khảo sát là 100%, đích thân tác giả bài viết thực hiện giám sát và thu luôn phiếu khảo sát sau thực hiện. Dữ liệu thu thập được xử lý bằng phần mềm Excel.
  5. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 417 4. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU Hà Giang không phải là nơi sinh sống lý tưởng cho cư dân bởi Hà Giang không có lợi thế về thổ nhưỡng, do địa hình đồi núi dốc, khô cằn; vùng đồi núi thấp hay sạt lở. Tuy nhiên, Hà Giang lại là tỉnh có nhiều yếu tố độc đáo làm nên sức hấp dẫn đối với du khách nếu như biết khai thác và tận dụng. Trong đó, sự bất lợi về địa hình cũng là điểm đặc biệt mà các tỉnh thành khác không có khiến nơi đây trở thành điểm đến lý tưởng cho những du khách muốn tìm kiếm vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ. Đặc biệt, 19 tộc người thiểu số với văn hoá truyền thống, trong đó có văn hoá ẩm thực độc đáo, khiến Hà Giang trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn. Đó cũng là lý do tại Lễ trao giải thưởng World Travel Awards 2023 (WTA) khu vực châu Á và châu Đại Dương diễn ra tháng 9/2023, tỉnh Hà Giang đã vượt qua nhiều ứng viên vinh dự được nhận giải thưởng “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á năm 2023”. Để đạt được mục tiêu nghiên cứu đề ra, tác giả lựa chọn ngẫu nhiên 560 khách đang du lịch tại Hà Giang (Bảng 1). Bảng 1. Thông tin chung về du khách được khảo sát Thông tin cá nhân Số lượng (n=560) Tỷ lệ (%) Giới tính Nam 268 47,9 Nữ 292 52,1 Tuổi Từ 16-24 tuổi 130 23,2 Từ 25-34 tuổi 90 16,1 Từ 35-54 tuổi 162 28,9 Từ 55 tuổi trở lên 178 31,8 Nghề nghiệp Sinh viên 65 11,6 Tự do, không muốn trả lời 29 5,2 Cán bộ, công chức 142 25,4 Kinh doanh 92 16,4 Giáo viên 70 12,5 Hưu trí 162 28,9 Quê quán (tỉnh, quốc gia) Việt Nam 533 95,2 Mỹ 6 1,1 Anh 12 2,1 Hà Lan 5 0,9 Pháp 4 0,7 Nguồn: Tác giả khảo sát thực địa Có thể thấy phần lớn khách du lịch được khảo sát ở độ tuổi từ 55 tuổi trở lên (31,8%), tiếp theo là những người trong độ tuổi 35-54 (28,9%) và 16-24 (23,2%). Những người được hỏi đến từ 23 tỉnh, thành khác nhau và 5 quốc gia, trong đó, lượng khách trong nước đông nhất (95,2%). Về giới tính, khách nữ nhiều hơn khách nam, trong khi đi du lịch, đây cũng là số khách chi tiền cho việc mua sắm, ăn uống nhiều hơn. Ẩm thực Hà Giang phản ánh sự đa dạng văn hóa phong phú của các tộc người đang sinh sống, chịu ảnh hưởng từ văn hoá truyền thống bản địa của các tộc người cũng như sự
  6. 418 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... giao thoa văn hoá với các tộc người ở bên kia biên giới phía Bắc là Trung Quốc. Sự phong phú của các món ăn cùng với những câu chuyện văn hoá của món ăn, không gian ăn… đều có thể được khai thác thành những sản phẩm ẩm thực tạo sự hấp dẫn của điểm đến. Khi khảo sát đánh giá của du khách về các món ăn, thức uống đặc trưng du khách đã thưởng thức với các thang đo: bình thường (1điểm), thích (2 điểm), rất thích (3 điểm), tác giả thu được kết quả như sau: Bảng 2. Đánh giá của du khách về một số món ăn, thức uống đặc trưng ở Hà Giang STT Tên món ăn Đánh giá của du khách (n=560) TBC Bình thường Thích Rất thích 1 Cháo Ấu Tẩu 2 63 495 2.88 2 Bánh Tam Giác Mạch 13 55 492 2.85 3 Thắng Cố 42 5 513 2.84 4 Thắng Dền 11 12 537 2.93 5 Phở chua 0 43 517 2.92 6 Rêu nướng 24 165 371 2.33 7 Mèn Mén  54 321 185 2.20 8 Phở ngô 0 95 465 2.83 9 Cá bỗng 4 62 494 2.87 10 Bánh chưng gù 6 122 432 2.76 11 Rượu ngô 1 24 535 2.91 12 Rượu tam giác mạch 1 67 492 2.75 Nguồn: Kết quả khảo sát Như vậy, có thể thấy các món ăn đặc trưng của Hà Giang được du khách đánh giá cao. Phỏng vấn 15 du khách tác giả nhận được ý kiến chung “Sự đánh giá cao của du khách với ẩm thực của Hà Giang không phải là sự tinh tế trong chế biến mà là sự khác lạ, không gian văn hoá để thưởng thức món ăn”. Chị N.T.V.A cho biết đoàn chị quyết định ở lại thêm 1 ngày để sáng hôm sau được đi chợ phiên thưởng thức món thắng cố (cuzthanz) sau khi nghe câu chuyện về nguồn gốc của món ăn do hướng dẫn viên du lịch kể “thắng cố có nguồn gốc từ câu chuyện mà người Mông vẫn kể lại cho con cháu, nhắc nhở về lịch sử bi thương của họ đã từng bị những tộc người khác rượt đuổi khiến họ phải chạy từ Trung Quốc sang Việt Nam và nhiều nơi khác trên thế giới. Trong cuộc di tán ấy, cả đoàn người đói lả mà lương thực đã cạn kiệt chỉ còn những con ngựa. Cực chẳng đã, họ đành thịt dần chiến mã để qua cơn đói. Trong điều kiện lẩn trốn, không có xoong nồi, họ đã dùng da ngựa làm chảo lớn để nấu chín toàn bộ thứ còn lại của con ngựa. Thưởng thức thắng cố phải vào chợ phiên mới trải nghiệm hết cái đặc biệt của món ăn mang tính cộng cảm”. Theo đánh giá của đoàn chị, món thắng cố khá khó ăn, nhưng mọi người đều đánh giá cao những trải nghiệm khi được đi chợ phiên, ngồi bên chảo thắng cố nóng hổi, thưởng thức thắng cố nghi ngút khói
  7. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 419 được múc ra bên bát muối dầm ớt tươi, nhấm nháp từng ngụm rượu ngô sóng sánh, cay nồng, lắng nghe tiếng khèn, xem điệu múa của người Mông. Đánh giá của du khách về trải nghiệm ẩm thực ở Hà Giang ở một số khía cạnh, chúng tôi thu được kết quả như sau: Bảng 3. Đánh giá của du khách về trải nghiệm ẩm thực Nội dung Mức độ (n=560) TBC Không hài lòng Hài lòng Rất hài lòng Món ăn, thức uống ngon 0 0% 345 61,6% 215 38,4% 2,38 Vệ sinh an toàn thực phẩm 112 20% 232 17,8% 216 38,6% 2,18 Giá của món ăn, thức uống 230 41,1% 152 27,1% 178 31,8% 1,90 Thái độ phục vụ khách 227 40,5% 155 27,7% 178 31,8% 1,91 Không gian ăn, uống 119 21,2% 177 31,6% 264 47,1% 2,25 Nguồn: Kết quả khảo sát Kết quả Bảng 2 và 3 đều có sự tương đồng ở chỗ du khách đánh giá cao về món ăn, thức uống và không gian văn hoá ẩm thực ở Hà Giang. Điều này cho thấy Hà Giang có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch ẩm thực nhằm thu hút khách tăng thời gian lưu trú. Bên cạnh những yếu tố được du khách đánh giá tốt trong ẩm thực; một số vấn đề như vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả của món ăn và thái độ phục vụ du khách chưa được đánh giá cao. Kiểm tra lại kết quả này qua so sánh khảo sát lần 1 vào tháng 5 và khảo sát lần 2 vào tháng 10 chúng tôi nhận thấy: Tháng 5 không phải là tháng du lịch cao điểm, lượng khách đi du lịch ở Hà Giang ít hơn tháng 10 là tháng có khí hậu mát mẻ và hoa tam giác mạch nở. Tuy nhiên, số khách hài lòng và rất hài lòng lại chủ yếu rơi vào lượng khách du lịch vào tháng 5. Phỏng vấn du khách chúng tôi nhận thấy, vào những thời điểm có lượng khách du lịch đông như tháng 10, hiện tượng tăng giá ăn uống ở các nhà hàng; thiếu người phục vụ, phục vụ chưa được chu đáo… diễn ra, khiến du khách cảm thấy khó chịu. Đây cũng chính là vấn đề Hà Giang cần phải có những giải pháp khắc phục và điều chỉnh để nâng cao chất lượng phục vụ du khách, đặc biệt vào những mùa du lịch cao điểm. Với câu hỏi khảo sát du khách tự đánh mức độ tiêu dùng của cho ẩm thực so với các chi tiêu khác trong tổng số chi tiêu của chuyến du lịch, chúng tôi thu được kết quả như sau: Bảng 4. Đánh giá mức độ chi tiêu của du khách cho ẩm thực Nội dung Mức độ chi tiêu (n=560) Chiếm đáng kể Tỷ lệ (%) Không đáng kể Tỷ lệ (%) Chi tiêu cho sản phẩm ẩm thực 436 77,9 124 22,1 Nguồn: Kết quả khảo sát
  8. 420 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... Kết quả khảo sát trên cho thấy ẩm thực là thị trường đầy tiềm năng và là mối quan tâm lớn của du khách (chiếm 77,9%). Khi được hỏi họ có mong muốn có những tour trải nghiệm ẩm thực của các tộc người nơi đây hay không (cùng tham gia chế biến, quan sát chế biến; tham gia lễ hội ẩm thực, thu hoạch thực phẩm…) 100% đều trả lời, nếu có cơ hội họ sẵn sàng tham gia. Đặc biệt với các du khách quốc tế, họ mong muốn Hà Giang có nhiều sản phẩm ẩm thực để họ có thể mua về làm quà cho người thân. Do đó, nếu có chiến lược, đầu tư tốt thì rõ ràng Hà Giang sẽ khai thác được lợi nhuận tốt từ ẩm thực. 5. THẢO LUẬN KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ GIẢI PHÁP, KIẾN NGHỊ Vị trí địa lý của Hà Giang với những cung đường độc đạo hiểm trở, vẻ đẹp hoang sơ, khiến nơi đây trở thành điểm đến lý tưởng cho du lịch với những du khách muốn tìm kiếm sự độc đáo. Trong đó, ẩm thực của các tộc người thiểu số hoà quyện với nền văn hoá đặc sắc của các tộc người nơi đây sẽ là sự khát khao cho những ai chưa được đặt chân đến mảnh đất địa đầu của Tổ quốc. Kết quả khảo sát du khách về món ăn, trải nghiệm ẩm thực và thói quen chi tiêu cho ẩm thực khi đi du lịch cho thấy, Hà Giang có tiềm năng để phát triển du lịch ẩm thực bởi có nền văn hoá ẩm thực hấp dẫn. Du khách đến với Hà Giang mong muốn được có những trải nghiệm ẩm thực đích thực để khám phá văn hóa và di sản của điểm đến và nếu có cơ hội, họ đều muốn được quay trở lại du lịch ở Hà Giang để khám phá thêm về vùng đất đầy hấp dẫn này. Do đó, tỉnh Hà Giang cần phải thiết kế nhiều loại hình du lịch, trong đó, du lịch ẩm thực là một loại hình cần được chú trọng khai thác, phát triển nó trên cơ sở nền tảng tiềm năng sẵn có. Để loại hình du lịch ẩm thực phát triển, theo chúng tôi cần chú trọng những vấn đề sau: (i) Phát triển du lịch thông minh: Với sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0, xu hướng du khách sử dụng các thiết bị thông minh để tham khảo điểm đến, tìm kiếm thông tin du lịch, lựa chọn các dịch vụ du lịch… ngày càng trở nên phổ biến. Chính vì vậy, Hà Giang cần tận dụng ưu thế của công nghệ để thiết kế các sản phẩm ẩm thực theo hướng gia tăng giá trị trải nghiệm cũng như quảng bá sản phẩm ẩm thực tới du khách. Cung cấp cho khách du lịch những nhà hàng, món ăn tiêu biểu, địa điểm trải nghiệm ẩm thực ấn tượng… Điều này sẽ tạo nên sự thuận lợi khi khách muốn tìm hiểu về Hà Giang và dễ dàng lên kế hoạch cho chuyến du lịch. (ii) Đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu văn hoá ẩm thực của Hà Giang đến người dân, du khách trong và ngoài nước. Trong đó cần chú trọng quảng bá qua các chương trình truyền hình, sản xuất phim để có thể kết nối khán giả với văn hóa của các tộc người ở Hà Giang thông qua lăng kính du lịch ẩm thực. (iii) Tập huấn về công nghệ sản xuất, chế biến, bảo quản và lưu thông để phát triển trong cộng đồng nhằm phát triển văn hoá ẩm thực của Hà Giang, thu hút khách cũng như tăng mức độ chi tiêu của khách du lịch.
  9. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 421 Các nhà hàng cần đào tạo những nhân viên phục vụ với thái độ thân thiện, chuyên nghiệp, có những hiểu biết nhất định về bản sắc văn hoá ẩm thực địa phương để có thể giới thiệu với du khách về ẩm thực khi cần. Đối với các nhà hàng cần chú trọng về ẩm thực địa phương song cũng cần thay đổi thực đơn cho phù hợp với nhu cầu ẩm thực của khách du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh Hà Giang cần đầu tư về cơ sở hạ tầng để có thể thiết kế các tour cho khách du lịch muốn tham gia vào những trải nghiệm ẩm thực, đảm bảo một môi trường an toàn cho khách du lịch trong chuyến trải nghiệm ẩm thực. (iv) Các nhà hàng, cơ sở kinh doanh ẩm thực cần minh bạch và ổn định giá, chấm dứt hiện tượng tăng giá, ép giá khi có lượng khách du lịch đến đông, tạo sự thiện cảm và mong muốn được quay trở lại du lịch, đồng thời phải đảm bảo vệ sinh an toàn nơi công cộng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm. 6. KẾT LUẬN Thức ăn là một phần không thể thiếu của bất kỳ nền văn hóa nào; đối với nhiều người, nó là trọng tâm trong trải nghiệm du lịch của họ. Khi du khách ngày càng quan tâm đến việc hòa mình vào văn hóa địa phương, du lịch ẩm thực đã trở thành xu hướng phổ biến trên toàn thế giới. Ẩm thực trở thành yếu tố quan trọng trong việc quyết định điểm đến du lịch, từ ẩm thực đường phố đến ẩm thực cao cấp. Hà Giang với sự độc đáo về địa lý, sự phong phú văn hoá của các tộc người thiểu số là điểm đến hấp dẫn với nhiều đối tượng. Để thu hút du khách với những trải nghiệm quý giá, tỉnh Hà Giang cần chú trọng phát triển du lịch ẩm thực với các hoạt động cho du khách như: Trải nghiệm ẩm thực, học nấu ăn, khám phá vùng nguyên liệu chế biến, lễ hội ẩm thực… Tuy nhiên, để phát triển du lịch nói chung, du lịch ẩm thực nói riêng bền vững trong bối cảnh toàn cầu hoá, tỉnh Hà Giang cần có những giải pháp về đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng với lượng khách lớn; có chiến lược tận dụng môi trường số để quảng bá các sản phẩm du lịch trong đó có du lịch ẩm thực. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Ashleigh Ellis; Eerang Park; Sangkyun Kim; Ian Yeoman. (2018, October). What is food tourism? Tourism Management, 68, 250-263. doi:https://doi.org/10.1016/j.tourman.2018.03.025 2. Dennis Nunes. (2023, Mar 9). Savoring the World: The Growing Popularity of Culinary Tourism. Retrieved from Galagents: https://www.galagents.com/blog/savoring-the-world- the-growing-popularity-of-culinary-tourism/ 3. Dương Quế Nhu; Nguyễn Tri Nam Khang; Nguyễn Thị Thảo Ly. (2014). Nét độc đáo của ẩm thực Việt Nam qua đánh giá của du khách quốc tế. Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 30, 51-59. 4. Enrico Bonetti; Michele Simoni; Raffaele Cercola. (2014). Creative Tourism and Cultural Heritage: A New Perspective. In S. U. Naples, Handbook of Research on Management of Cultural Products: E-Relationship Marketing and Accessibility Perspectives (p. 29). Italy. doi:DOI: 10.4018/978-1-4666-5007-7.ch018
  10. 422 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... 5. Faruk Seyitoglu. (2018, December 24). Examination of Basic Issues in the Context of the Relationship between Gastronomy and Tourism. International Journal of Human Studies, 1 Issue: 2, 316 - 344. doi:https://doi.org/10.35235/uicd.466935 6. Jeou-Shyan Horng, Chen-Tsang (Simon). (2012, January/February). Culinary tourism strategic development: an Asia-Pacific perspective. International Journal of Tourism Research, 14(1), 40-45. doi:https://doi.org/10.1002/jtr.834 7. Lê Thị Thu Hiền, Lê Thị Diệu Mi. (2019). “Ẩm thực đường phố trong phát triển du lịch phố cổ Hội An”. Tạp chí Khoa học xã hội, nhân văn và Giáo dục, 3(9), 33-40. Retrieved from https://jshe.vn/index.php/jshe/article/view/124/99 8. Matthew J. Stone; Joelle Soulard and Erik Wolf. (2017, October 18). Elements of Memorable Food, Drink, and Culinary Tourism Experiences. Journal of Tourism Research , 57(8). doi:https://doi.org/10.1177/0047287517729758 9. Nguyễn Thị Quế Loan. (2015). “Đôi nét về tập quán ăn uống của người Hmông ở Hà Giang”. Dân tộc học, 1&2 (190), 41-48. 10. Norman Au; Rob Law. (2002, July). Categorical classification of tourism dining. Annals of Tourism Research (29, Issue 3), 819-833. doi:https://doi.org/10.1016/S0160-7383(01)00078-0 11. Phạm Thu Huyền. (2023). “Một số giải pháp phát triển ẩm thực cho ngành du lịch Việt Nam vươn tầm quốc tế”. Tạp chí Công thương. Retrieved 1/22, 2024, from https:// tapchicongthuong.vn/bai-viet/mot-so-giai-phap-phat-trien-am-thuc-cho-nganh-du-lich- viet-nam-vuon-tam-quoc-te-103565.htm 12. Tourist Information Center. (2023, June 27). https://thongke.tourism.vn. Retrieved January 18, 2024, from Demand for Vietnamese tourism is continuously among the fastest growing in the world: https://thongke.tourism.vn/index.php/news/items/126 13. Umit Sormaz; Halil Akmese; Eda Gunes; Sercan Aras. (2016). Gastronomy in Tourism. Procedia Economics and Finance, 39, 725-730. doi:https://doi.org/10.1016/S2212- 5671(16)30286-6 14. Vietnam National Tourism Administration. (2023, 12 29). https://thongke.tourism.vn/index. php/statistic/sub/13. Retrieved 1/18, 2024, from International visitors to Vietnam reach 12.6 million, 3.5 times more than in 2022: https://thongke.tourism.vn/index.php/news/items/147 15. Vương Xuân Tình. (2018). “Du lịch ẩm thực: Kinh nghiệm thế giới và thực trạng ở Việt Nam”. Thông tin Khoa học xã hội, 45-51. Retrieved from https://tinhvuongxuan.files. wordpress.com/2018/06/du-le1bb8bch-e1baa9m-the1bbb1c.pdf 16. WFTA. (2019, March). Food tourism: The impact of food tv shows on local industries. Retrieved from UCF online: https://www.ucf.edu/online/hospitality/news/food-tourism/
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2