YOMEDIA
ADSENSE
Lễ hội Chùa Trông Hải Hưng
132
lượt xem 11
download
lượt xem 11
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
Lễ hội Chùa Trông Lễ hội Hải Hưng Chùa Trông nguyên có tên là Chùa Tông, Đại Nam nhất thống chí ghi là đền thờ Minh Không thiền sư, họ Nguyễn, tự Chí Thành. Thời phong kiến thuộc xã Hán Lý, tổng Văn Hội, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng.
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Lễ hội Chùa Trông Hải Hưng
- Lễ hội Chùa Trông Lễ hội Hải Hưng Chùa Trông nguyên có tên là Chùa Tông, Đại Nam nhất thống chí ghi là đền thờ Minh Không thiền sư, họ Nguyễn, tự Chí Thành. Thời phong kiến thuộc xã Hán Lý, tổng Văn Hội, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng. Từ năm 1947, Hán Lý là một thôn thuộc xã Hưng Long, huyện Ninh Giang Chùa Trông do Minh Không thiền sư xây dựng từ thời Lý (TK XI). Chùa thờ Phật và đức thánh Nguyễn Minh Không. Nguyễn Minh Không sinh 14/9 năm Bính Dần , thời Lý, nguyên có tên là Nguyễn Chí Thành, quê xã Đàm Xá , huyện Trường An (Ninh Bình), quê ngoại ở Hán Triền tức Hán Lý hiện nay. Minh Không là một nhà sư nổi tiếng ở thời Lý., khi viên tịch (26.3 năm Giáp Tuất) được thờ ở nhiều nơi, trong đó có chùa Trông. Chùa Trông được xây dựng từ thời Lý, đến thời Nguyễn , quan thượng thư Thượng Đoàn tôn tạo theo kiểu nội công ngoại quốc gồm : Tam quan nội, tam quan ngoại, tắc môn, giải vũ, nhà mẫu, chùa kiểu chữ đinh, đền Đức Thánh kiểu chữ đinh rất đồ sộ. Công trình đã bị tàn phá trong kháng chiến chống Pháp, chỉ còn lại hệ thống tam quan và một số cổ vật. Tam quan chùa Trông là công trình kiến trúc nghệ thuật lớn ở thời Nguyễn. Chùa hiện nay đã được khôi phục nhưng chưa được như xưa. Hội chùa Trông bắt nguồn từ kỷ niệm ngày mất của thiền sư Nguyễn Minh Không từ thời Lý. Đây là lễ hội lớn nhất vùng Hạ Hồng xưa và đã được ghi vào lịch sử dân tộc. Hội kéo dài 16 ngày, từ 15/3-1/4. Ngày 15/3, lễ thỉnh kinh, rước nước, tổ chức rước kiệu rất trịnh trọng ra sông Luộc lấy nước cúng. Ngày 16, lễ rước Thành Hoàng và tế tại chùa. Lễ hội chùa Trông là lễ hội chung của hai làng Hào Khê và Hán Lý, vì xa xưa nguyên là một làng. Sau khi chia tách, mỗi làng có một đình. Đình Hán Lý thờ thành hoàng là Đường Cát đại vương , một vị tướng của Khúc Thừa Dụ có công đánh giặc Đường ở TK X. Đình Hào Khê thờ thành hoàng là Lý Chiêu Hoàng, vua cuối cùng của triều Lý. Như vậy ngày hội phải tế 3 vị, gồm hai thành hoàng và một thiền sư. ở đây chỉ có tế nam, trang phục theo truyền thống gồm 3 mạnh bái, 16 bồi tế. Tên huý kiêng các từ: Minh, Lệ, Chiêu, Ứng. Quy trình tế gồm ngũ tuần: Tuần nhất: Dâng hương hoa. Tuần nhị: Dâng đăng trà. Tuần tam: Dâng quả thực. Tuần tứ: Đọc chúc văn. Tuần ngũ: Lễ Tất Sau lễ đức Thánh và nhị vị Đại vương là các trò vui dân gian kéo dài ba bốn ngày.
- 20/3, Lễ rước xuất Đông nhập Tây. Lễ này có từ khi xây dựng tam quan. Cổng phía Bắc ghi 3 chữ Bắc địa đầu-nghĩa là làng Hán Lý ở phía bắc. Cổng phía Nam ghi 3 chữ Nam thiên động- làng Hào Khê là động ở phía nam. Đoàn rước gồm: Kiệu bát hương, kiệu Đức thánh, hai kiệu Thành hoàng, kiệu Thánh mẫu. Kiệu này do nữ thanh đồng khiêng. Đoàn rước đi qua cổng phía đông, đi quanh hai làng , về cổng phía tây. Tối 25/3, mỗi giáp một mâm cỗ cúng tại đền Đức thánh, đọc kệ kể tiểu sử của Người. 26-30/3, tế lễ Đức thánh và Thành hoàng. Sau tế có lễ dâng hương do một đội múa gồm 16 người thực hiện trước tượng Đức thánh theo điệu Hoa chúc, Giao liên, mô phỏng múa cung đình. Trong những ngày lễ hội có các trò diễn dân gian Sáng 1/4, tổ chức rước Thành hoàng về các đình, kết thúc hội. Phần chia cỗ: Nếu tế bằng trâu bò, thì thủ biếu tiên chỉ một nửa, còn lại chia ba, một phần biếu già làng từ 60 tuổi trở lên, một phần biếu chức sắc, một phần biếu những người hành văn. Thịt chia theo đầu người từ hương ẩm trở lên. Hội chùa Trông bao giờ cũng mời đại biểu chùa Hoa Vân đền Tân La ( Quỳnh Phụ, Thái Bình). Đền Tranh, đền Trung Hoà ( Ninh Giang) . Trong những ngày hội, nhân dân Đào Phố, xã Hồng Phúc thường rước Thành hoàng lên chùa Trông dự cho hết hội, gọi là rước chạ. Hội chùa Trông nay vẫn đông vui, nội dung khá phong phú không kém hội xưa. Lễ hội Chùa Muống Chùa Muống tên tự là Quang Khánh tự, trước Cách mạng thuộc xã Dưỡng Mông, tổng Phù Tải, nay là một thôn thuộc xã Ngũ Phúc , huyện Kim Thành. Chùa ở tả ngạn sông Văn úc. Tương truyền, vào thời Lý Công Uẩn, dân đến khai khẩn vùng đất Dưỡng Mông, buổi đầu khai phá , đất chua phèn, chỉ có rau muống là nguồn thức ăn chính. Sau khi đất được cải tạo, trồng được hoa mầu và cây lương thực, cư dân đông đúc, lập thành làng. Để nhớ những ngày đầu gian khổ sống nhờ rau muống, những già làng đề nghị đặt tên là Dưỡng Mông, còn nghĩa là nhờ cây rau muống mà tồn tại. Chùa Quang Khánh là một trong những ngôi chuà được xây dựng sớm ở đất Kim Thành, đến thời Trần do sư Tuệ Nhẫn, một môn đệ của thiền phái Trúc Lâm chủ trì xây dựng hoành tráng. Đến thời Nguyễn chùa có trên 120 gian, có tài liệu ghi là 124 gian, 32 tháp sư, hàng trăm pho tượng cổ và nhiều bia ký có giá trị .Chùa được quy hoạch trên khuôn viên rộng 15.000m2. Quang Khánh là ngôi chùa lớn và nổi tiếng của Hải Dương. Lê Thánh Tông hai lần viếng thăm đều có thơ khắc vào bia đá. Năm 1947, do chiến tranh, chùa bị phá huỷ hoàn toàn. Sau
- ngày miền Bắc giải phóng, chùa bắt đầu được khôi phục, đến nay cũng chỉ đạt một phần nhỏ của kiến trúc cũ. Riêng hệ thống tháp vẫn được bảo tồn như xưa. Tuệ Nhẫn nguyên là Vương Thiên Huệ, hiệu Quán Viên, pháp hiệu Tuệ Nhẫn, biệt hiệu là Thánh tổ Non Đông, quê tại Dưỡng Mông. Cha mất sớm nhưng Thiên Huệ có ý chí từ nhỏ, rất chăm chỉ học hành, thấu triệt các sách. 19 tuổi di tu ở chùa Báo Ân, thụ giới sư Nghĩa Trụ, Chân Giám . Tuệ Nhẫn là một cao tăng đồng thời còn là một lương y. Ông có công xây dựng nhiều chùa lớn như: Vĩnh Nghiêm (Chí Linh), Siêu Loại (Bắc Ninh), Đông Khê, Do Nha (Hải Phòng)[1][1][1]Ông đã chữa khỏi mắt cho vua Trần Minh Tông. Nhà sư viên tịch ngày 27 tháng giêng, năm ất Sửu, Khai Thái thứ hai(1325). Tuệ Nhẫn không chỉ là một vị cao tăng mà sau khi mất còn được tôn làm Thành hoàng làng. Hội chùa Muống bắt nguồn từ kỷ niệm ngày mất của sư Tuệ Nhẫn, như vậy hội đã có truyền thống từ đầu TK XIV, mang hai yếu tố Thần và Phật. Thông lệ , hội bắt đầu từ 24-26 tháng giêng, 26 là ngày trọng hội. Ngày 24 làm lễ nhập tịch, cỗ chay gồm hoa quả, bánh dầy, bánh nếp[1][1][1]Sư sãi tụng kinh cả đêm, không khí thật sôi nổi. Ngày 25, theo lệ là ngày rước bánh dầy quanh chùa trước khi đưa vào tiền đường thờ Thánh tổ. Đây là một nghi thức mong mùa màng bội thu Ngày 26, lễ tập ngơi, thực chất là một cuộc tập dượt chuẩn bị cho ngày đại lễ. Trong ngày tổ chức tập rước kiệu, chuẩn bị chu đáo các thứ cho trọng hội, buổi tối , các sư làm lễ mộc dục. Ngày 27 là ngày trọng hội, khách đến dự rất đông từ sáng sớm. Lễ rước thực hiện như ở các đền và đình làng, gồm có bát biểu, tàn , long, đòn bát cống rước tượng Thánh tổ Non Đông, Thánh phụ, Thánh mẫu. Đoàn rước diễu xung quang chùa rồi ra tam quan làm lễ, xong lại chuyển vào chùa để các thần tượng được an vị. Hội kết thúc vào đêm 27. Hội chùa Muống là lễ hội lớn của Hải Dương, thu hút hàng vạn người tham gia. Hội chùa Muống hiên nay vẫn được duy trì tuy không được như xưa. Một số thuần phong mỹ tục vẫn tồn tại như: vào những ngày hội, các cụ bà phân công nhau đứng hàng dài trước cửa chùa, bưng cơi trầu, niềm nở mời khách thập phương, gây thiện cảm từ đầu cho khách đến dự hội. Lễ Hội Côn Sơn Côn Sơn là một di tích và danh thắng được lịch sử ghi nhận từ bẩy thế kỷ trước. Đây là chốn Phật tổ của thiền phái Trúc Lâm Việt Nam, nơi Đại tư đồ Trần Nguyên Đán dựng Thanh Hư động, vào thời Long Khánh(1373-1377), nơi Nguyễn Trãi sống thuở niên thiếu và những năm tháng cuối đời.
- Côn Sơn thời Trần thuộc xã Chi Ngại, huyện Phượng Sơn (Phượng Nhãn), phủ Lạng Giang, xứ Kinh Bắc. Đầu TK XVIII, được cắt chuyển về huyện Chi Linh, trấn Hải Dương. Sau Cách mạng tháng Tám, thuộc xã Cộng Hoà , huyện Chí Linh . Côn Sơn một năm có hai mùa hội, Hội mùa xuân bắt nguồn từ kỷ niệm ngày mất của Trúc Lâm đệ tam tổ Huyền Quang(22/. Hội mùa thu bắt nguồn từ kỷ niệm ngày mất của Nguyễn Trãi (16/8). Hội xuân có từ sau khi Huyền Quang qua đời(1334), hội thu hình thành từ năm 1962, thực sự trở thành hội lớn từ năm 1980, khi Nguyễn Trãi được tôn vinh là Danh nhân văn hoá thế giới. Quy mô hội thời Trần chưa rõ, từ thời Lê đến trước năm 1945, hội xuân không lớn nhưng giữ vai trò quan trọng của Phật giáo Việt Nam nên đã được Đại Nam nhất thống chí ghi nhận. Hội không chỉ của tín đồ Phật giáo mà còn dịp du xuân của thanh niên. Hội bắt đầu vào rằm tháng giêng, kết thúc vào 22 tháng giêng. Nay hội kéo dài suốt tháng giêng nhưng trọng hội vẫn vào ngày 18. Hội thuần tuý về tôn giáo. Các cụ bà đến đây tụng kinh niệm Phật, thanh niên leo núi du xuân. Buổi tối có các trò diễn dân gian. Hội xuân tuy là hội chùa nhưng khách đến chủ yếu là thanh niên, nên có thể nói Hội xuân Côn Sơn là hội của thanh niên. Hội khá đông, mỗi năm có tới hàng chục vạn khách, tuy thế số khách sang Kiếp Bạc rất ít , chỉ bằng 1/5 khách của Côn Sơn Hội thu trùng với hội Kiếp Bạc, đây là một thứ hội kép, hội liên danh Côn Sơn -Kiếp Bạc, bởi hai di tích chỉ cách nhau 6km và đường qua lại khá thuận tiện. Trong số khách đến Hội Kiếp Bạc có tới 2/3 sang Côn Sơn, ngược lại , khách đến hội thu Côn sơn đều sang Kiếp Bạc. Như vậy khách đến hội thu Côn Sơn chỉ bằng 2/3 lượng khách của Kiếp Bạc. Hội thu Côn Sơn kéo dài suốt tháng 8, trọng hội là ngày 18 , mặc dầu giỗ Nguyễn Trãi vào ngày 16. Hội xuân và hội thu Côn Sơn là hai lễ hội bắt nguồn từ kỷ niệm ngày mất của danh nhân, nhưng tính kỷ niêm rất mờ nhạt mà chỉ nặng về du lịch và tín ngưỡng. Hội xuân và hội thu Côn Sơn rất lớn nhưng ở đây không có truyền thống hội chợ. Hàng quán tuy có nhưng chủ yếu phục vụ ăn uống và lưu niệm mà thôi Lễ Hội Đền Cuối Đền Cối Xuyên nôm gọi là đền Cuối, thời Trần thuộc trang Cối Xuyên, năm 1672, đổi thành Hội Xuyên, sau Cách mạng thuộc xã Nghĩa Hưng, nay thuộc thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc. Đền Cối Xuyên thờ Nguyễn Chế Nghĩa, một danh tướng thời Trần , từng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Hội
- đền Cuối bắt nguồn từ kỷ niệm ngày mất của Nguyễn Chế Nghĩa(27.8). Hội diễn ra trong 3 ngày, từ 26-28.8 Trước vào đám 3 ngày, các thôn Cuối, Đại, Rỗ làm lễ tảo mộ tại khu lăng Đại vương. Trong 3 ngày vào đám không tổ chức rước kiệu vì kiệu đã được rước từ đầu tháng giêng. Ba làng Đại Liêu, Hội Xuyên, Vĩnh Dụ đều tổ chức rước Kiệu vào bãi Bái Quan để tế lễ, hôm sau lại rước về làng. Trong những ngày hội, có nhiều loại cỗ cúng Đại vương. Làng có 12 giáp , mỗi giáp làm một loại cỗ. Đây là một điển hình của hội đền Cuối. Trong 3 ngày lễ hội, ngày đầu cúng bằng cỗ ngũ quả , bày theo kiểu Thượng tam long, hạ tứ linh. Những ngày sau cúng bằng các loại cỗ. Cỗ đường: Gồm các loại bánh như: Bánh dầy , bánh cốm , bánh phu thê, bánh trôi, bánh chay, bánh nướng, bánh do, bánh bột lọc[1][1][1]Trên mặt bánh dán chữ thọ bằng giấy hồng điều. Bánh cốm, bánh gio, bánh bột lọc gói bằng lá chuối tươi, buộc lạt nhuộm đổ. Cỗ thầu: Gồm các loại thịt: luộc, nấu đông, giò , nem, chả, nem chạo, ninh, mọc[1][1][1]Các món đều đựng trong bát lớn. Cỗ tam sinh: Về tam sinh mỗi nơi quan niệm một khác, ở đây tam sinh là lợn, gà ,ngan hoặc ngỗng. Ba con vật này làm thịt xong, để thịt sống, tạo dáng như còn sống, trang trí giấy hồng điều, cúng thần xong, chia cho các giáp làm cỗ. Cỗ bò thui: Ngày thứ ba, mổ bò, thui. Thui xong, mang cả con bò và chậu tiết vào tế thần. Tế xong , giáp đăng cái khiêng bò về làm cỗ, chia phần. Ngoài các loại cỗ là trò vui dân gian như đấu vật, đập niêu, đặc biệt là trò đánh thó hay còn gọi là đánh gậy. Đây là võ thuật truyền thống có từ thời Trần mà Nguyễn Chế Nghĩa là người rất điêu luyện. Đánh thó được thực hiện hai người một , cùng lứa tuổi với cây gậy dài chừng 1,7m. Trò chời này nhằm duy trì truyền thống thượng võ từ thời Trần, đồng thời còn là một nghi lễ. Hiện nay hội làng cuối vẫn được duy trì, nội dung khá phong phú nhưng các loại cỗ không còn như xưa. Hội Pháo Đất Minh Đức Trong các trò chơi dân gian, pháo đất có lịch sử khá sớm, tồn tại trên phạm vi rộng ở đồng bằng Bắc bộ ,trọng tâm là hai huyện Tứ Kỳ và Ninh Giang. Tại xã Minh Đức, trò chơi pháo đất được toàn dân hưởng ứng và trở thành lễ hội mùa xuân hàng năm, thường tổ chức vào tháng 3, không có ngày cố định. Minh Đức là một vùng đất cổ, có con người cư trú từ đầu công nguyên. Vào TK XVII, có ông Nguyễn Thế Mỹ là một tướng quân có nhiều công trạng với triều
- Lê. Ông đã hưng công tôn tạo chùa Đông Dương có quy mô 54 gian khá hoành tráng. Công trình tuy bị hư hại trong kháng chiến chống Pháp, nhưng còn nhiều cổ vật có giá trị nên đã được xếp hạng quốc gia. Hội pháo đất của Minh Đức theo truyền thuyết có từ thời Hai Bà Trưng. Hội diễn ra từ tháng giêng đến tháng tư âm lịch, kết hợp với hội chùa và đình đám của các làng. Sau khi tế lễ Thành hoàng xong là bắt đầu hội thi pháo. Trước hết các xóm thi với nhau, chọn đội mạnh thi đấu ở cấp xã. Xã chọn đội mạnh thi đấu với các xã của huyện. Để có thể thắng cuộc, pháo thủ phải là người khoẻ , nắm chắc kỹ thuật từ khâu chọn đất, luyện đất, nặn pháo và đánh pháo. Pháo nặn hình bầu dục, bằng đất luyện kỹ, dầy khoảng 4cm, dài từ 80- 100cm, rộng từ 40-60cm. Tiếp theo là lên khung pháo, vê mép hay còn gọi là mông con. Nặn xong, lấy que tre rạch một đường xung quanh mông con và một gạch ngang tạo thành mõm pháo, rồi lấy tay miết lại. Khi đánh cần chọn 2-3 người phục vụ cho một người đánh, vì pháo khá nặng, mỗi quả tới 30-40kg. Người gieo pháo gọi là pháo thủ. Pháo thủ đứng thế hai chân mở rộng bằng vai, nâng pháo lên ngang vai, kẹp tay vào nách cho vững, lấy đà đập pháo về phía trước vào bàn gieo pháo. Bàn gieo pháo là một khoảng sân nhỏ đập phẳng, hơi nghiêng về phía pháo thủ. Nay bàn gieo pháo làm bằng bê tông, đến hội mang ra dùng, hết hội cất đi để năm sau dùng tiếp. Ngày xưa pháo thủ đóng khố cởi trần, nay mặc quần dài, áo cộc tay. Khi đánh pháo, đồng đội reo hò cổ vũ rất sôi nổi để tăng sức mạnh và niềm tin cho pháo thủ. Cách tính điểm: Pháo nổ nhưng không văng mông con hoặc có văng nhưng không đạt kích thước quy định (40cm), mông con văng ra nhưng đứt đoạn gọi là pháo bị bổ. Pháo đánh xuống không có tiếng kêu gọi là pháo xịt. Tất cả những trường hợp trên đều không được tính điểm. Trường hợp được tính điểm: Pháo nổ văng hết mông con, mông con ra đến đâu đo đến đó (lấy mõm xa nhất). Trong một lần đánh hay tổng số các lần đánh, người nào có số đo mông con dài nhất người ấy thắng Đánh pháo đất là một nghệ thuật, chỉ có người nông dân suốt đời gắn bó với đất , hiểu ngọn ngành từng thớ đất mới hy vọng trở thành pháo thủ giỏi. Giải thưởng thường rất giản dị. Xưa thường là 5 chai rượu Ông cụ, nay tuỳ theo quy định của từng xã và của từng năm. Trò chơi pháo đất hiện nay có ở xã Quang Khải (Tứ Kỳ), Nghĩa An, ứng Hoè, Bồ Dương, Hồng Thái, Kiến Quốc (Ninh Giang). Các xã này thường tổ chức đấu giao hữu nhưng sôi nổi nhất vẫn là Minh Đức. Lễ hội chùa Minh Khánh Chùa Minh Khánh còn có tên là chùa Hương Đại hay chùa Hương ở thôn Bình Hà , huyện Thanh Hà. Bình Hà nguyên là trang Bình Kha thời Lý, đến TK XIII,
- Trần Nhân Tông đổi thành Hương Đại, nay thuộc thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Hà. Hội chùa Minh Khánh bắt nguồn từ kỷ niệm ngày mất của Trần Nhân Tông(1/11âl). Hội bắt đầu vào ngày 30/10, kết thúc vào chiều 1.11, nhưng công tác chuẩn bị thực hiện trước đó hàng tuần không chỉ của Bình Hà mà của 5 xã kế cận. Thông lệ, chiều 29.10 làm lễ mộc dục, rước sắc từ đình Ngự Dội về chùa để mở hội. Hội có tục thi mâm ngũ quả và 5 loại bánh: Bánh dầy, bánh mật, bánh ít, bánh tày, bánh gấc. Sáng 30/10, các giáp rước cỗ và bánh về chùa cúng Vua và đức Phật, tổ chức trò diễn dân gian. Chiều 1.11, tế lễ xong, chấm giải cỗ , bánh, rước sắc về đình Ngự Dội, kết thúc hội. Trước Cách mạng, xã chia làm 12 giáp, đại diện cho 12 dòng họ. Mỗi giáp có 21 mẫu, 9 sào, 10 thước ruộng họ. Hoa lợi của ruộng họ được dùng vào việc họ và lễ hội. Trong những ngày hội, ông đám chịu trách nhiệm về các loại bánh và mâm ngũ quả. Mâm ngũ quả có tới trên 10 đề tài khác nhau như: Cửu long tranh châu, Cửu long bảo tháp, Long phượng kình quyền, Lưỡng long hồi đáp; Thượng tam long, hạ tứ linh; tử tòng mẫu[1][1][1]được tạo bằng các loại hoa quả của địa phương. Qua bàn tay nghệ nhân, mâm ngũ quả trở thành những hình tượng sinh động. Đây là phong tục độc đáo của một vùng hoa trái trù phú gắn liền với tục thờ vua còn duy trì đến nay. Hội chùa Hương và tục thi mâm ngũ quả cùng năm loại bánh đang được bảo tồn, duy trì và phát huy. Hiện nay, nghệ nhân am hiểu nghệ thuật cổ truyền phần lớn đã qua đời. Lớp trẻ không được hướng dẫn đến nơi đến chốn nên hình tượng tứ linh thường không sinh động, ngô nghê và thiếu tính nghệ thuật. Hội chùa đồng thời cũng là hội chợ của một vùng, vì chùa liền với chợ Trò vui dân gian trong những ngày hội Trong những ngày hội, ngoài phần lễ là các trò diễn dân gian, những trò này không chỉ lấy làm vui mà còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Từ trò diễn dân gian mà cha ông ta đã nâng lên thành các bộ môn nghệ thuật truyền thống. Có những trò vui trở thành phổ biến trong các lễ hội như : hát chèo, hát quan họ, đấu vật, kéo co, chọi gà..., có những trò vui chỉ có ở từng hội, như: đánh thó ở hội Cối Xuyên (Gia Lộc), thi quăng chài ở hội Từ Xá( Thanh Miện), thi mâm ngũ quả ở Chùa Minh Khánh(Thanh Hà)...Dưới đây là những trò vui thường thấy trong những ngày hội ở Hải Dương.
- 1-Hát chèo hay còn gọi là chèo sân đình. Nói sân đình là nói tính phổ biến, trong thực tế người ta ta có thể biểu diễn ở sân chùa, sân đền...Chèo nguyên thuỷ không có sân khấu, người ta giải chiếu ra sân rồi biểu diễn, người xem có thể đứng, ngồi xung quanh. Xưa gọi là đi xem hát, vì vừa nghe hát vừa xem biểu diễn, tức là nghe và nhìn. Các tích chèo sân đình hầu hết là tích cổ điển, như: Phạm Tải Ngọc Hoa, Trống Trân Cúc Hoa, Trương Viên, Tấm Cám, Nhị Độ Mai, Lưu Bình Dương Lễ...Khi diễn ở địa phương nào, người ta lại sáng tác một vài đoạn, lấy từ sự tích địa phương vào phần giáo đầu để được lòng chủ và cũng vui lòng khách. 2-Hát ca trù hay còn gọi là hát cô đầu, khi biểu diễn chỉ có một cô đào vừa gõ sênh vừa hát một làn điệu gọi là ca trù và một nhạc công đánh đàn tam, một người kéo nhị hoặc hồ, bên ngoài có một người cầm chầu, tức là người đánh trống chầu giữ nhịp, hết một câu lại gõ tom, chát. Người đánh trống chầu thường là các vị chức dịch trong các làng xã. Những cô đào tài hoa có thể vừa kéo nhị, vừa gõ sênh vừa hát, không cần nhạc công. 3-Hát đúm hình thành do những người đi cấy, đi cày, làm cỏ đồng, những cô cắt cỏ bên sông với những anh lái đò dọc, rồi trở thành trò vui trong các ngày hội làng mùa xuân, mùa thu. Ví dụ: Lời anh lái đò dọc: Hỡi cô cắt cỏ bên sông, Có muốn lấy chồng thì xuống với anh. Lời cô cắt cỏ: Anh ơi ghé mũi lại đây, Để em xắn váy bước vào mũi anh. Ngày nay người ta còn ghi được một số câu hát đúm, lời thơ mộc mạc, chất phác nhưng cũng rất ý nhị, sâu sắc, để từ đó ra đời những câu ca dao bất hủ cùng năm tháng. Quá trình hát đối đáp, người ta có thể lấy các tích trong truyện cổ, truyện nôm, ca dao, rồi sáng tác một vài câu cho phù hợp với hoàn cảnh và tình cảm của từng người, từng bên. Khi hát người ta chia làm hai phe, nam một bên, nữ một bên, mỗi phe 5-10 người, kể cả người xui hát, đứng cách xa nhau chừng 20-30m như ở hai bên sân đình, hồ đình hoặc hai bên bờ sông hẹp để có một khoảng cách cần thiết, nhưng cũng không xa quá để khi hát có thể nghe rõ, nếu ban ngày có thể nhìn rõ mặt nhau. Khi hát con trai thường hát trước. 4-Hát trống Quân là một cách hát theo nhịp một loại trống đặc biệt, lời theo thể thơ lục bát. Theo truyền thuyết hát trống quân có từ thời Hai Bà Trưng và tồn tại đến nay. Trống được tạo ra trên một mảnh đất bằng phẳng, người ta đào một cái hố sâu rộng chừng 50cm, kiểu hàm ếch, trên đặt một mâm gỗ, tương tự như một mặt trống; đóng một cọc cách hố chừng 15m, chăng một dây thừng qua mặt mâm đến đầu cọc. Khi hát, người ta lấy một đoạn tre dài khoảng 40cm, đánh lên đoạn dây trên mặt mâm, theo nhịp hát, tạo ra một âm thanh trầm ấm đặc biệt. Có thể thay mâm gỗ và dây thừng bằng mâm thau và dây thép nhưng âm thanh không trầm ấm như mâm gỗ, thứ âm thanh gợi nhớ về một quá khứ xa xăm của dân tộc. Hát trống quân cũng như hát đúm, chia làm nhiều nhóm, nhiều lứa
- tuổi khác nhau; nam một bên, nữ một bên; người ta thường đứng cách nhau 20- 30m, thường hát hai bên hồ hay bên sông, hát trống quân thường diễn ra vào mùa thu, giữa tuần trăng sáng, từ chập tối đến nửa đêm. 5-Múa rối nước là một loại hình múa rối, sân khấu đặt trên mặt nước, người ta điều khiến con rối ngầm dưới nước, tạo nên sự bất ngờ và sinh động, đây là một loại hình nghệ thuật độc đáo của Việt Nam. Hải Dương có hai phường trò rối nước nổi tiếng là Bồ Dương(Ninh Giang) và An Liệt( Thanh Hà). 6-Đi cầu kiều hay còn gọi là cầu thùm. Người ta chọn một cấy tre dài và thẳng, đặt gốc ở bờ, cách mặt nước chừng một mét; đóng hai cọc ở ao hay hồ cách bờ 6-7 mét, buộc dây vào ngọn tre ở tư thế thăng bằng, trên cọc có một cờ nhỏ. Ai di hết cầu, giật được lá cờ thì thắng cuộc. Nhiều người chỉ đi được một đoạn cầu đã rơi xuống nước, cùng vì thế mà gọi là cầu thùm. Trò vui đi cầu thùm nay vẫn còn nhưng không phổ biến như xưa. 7-Bơi trải là trò vui khá phổ biến ở vùng sông nước Hải Dương, bắt nguồn từ truyền thống thuỷ chiến xa xưa. ở đền Quát(Gia Lộc) và Chùa Hào Xá( Thanh Hà) bơi trải không chỉ là một trò vui mà như một nghi thức tế thành hoàng. Thuyền bơi trải có thể đan bằng tre hoặc đóng bằng gỗ, kiểu thon dài, mũi nhọn, lướt sóng nhẹ nhàng, dài 8-9m, mỗi thuyền có từ 14-18 người, trong đó có một người cầm lái, một người gõ mõ cầm nhịp, mặc áo dài, thắt lưng đỏ, còn lại là những tay chèo, đóng khố, cởi trần. Khi thi người ta có thể cho từ 3-6 trải bơi cùng một lúc, nếu nhiều hơn phải chia làm nhiều đội đấu loại trước khi vào chung kết. 8-Cờ người cũng là cờ tướng, bắt nguồn từ Trung Quốc, chỉ khác cờ tướng ở chỗ, quân cờ đóng bằng nam nữ chưa vợ, chưa chồng. Nam một bên, nữ một bên. Đóng tướng, sĩ phải là người có nhan sắc. Tướng trang phục như võ tướng, có hai lá cờ đuôi nheo cắm sau lưng rất oai vệ; sĩ đóng vai quan văn, đội mũ cánh chuồn chững chạc. Quân bên nữ mạc áo dài đỏ, chít khăn, thắt lưng xanh, đi hài thêu, môi son, má phấn. Nam mặc áo dài trắng, áo the ngoài, thắt lưng, chít khăn khác mầu bên nữ. Tướng ngồi ghế tựa, quân ngồi ghế đẩu; mỗi người cầm một biển gỗ, sơn son thiếp vàng, viết tên quân cờ hai mặt, có cán chừng một mét. Khi vào chơi cờ các đấu thủ phải qua khảo trịch. Khi đánh, hai đấu thủ vẫn đi trên bàn cờ thông thường; đi quân nào, có thừa sai phất cờ, dóng trống để quân đi đúng vị trí. Quân bị triệt, phải ra ngoài. Như vậy, người đi xem không chỉ xem đánh cờ mà còn được xem những người đóng quân cờ. 9-Cờ Bỏi cũng là một hình thức đánh cờ người, nhưng quân không phải bằng người mà chỉ bằng những thẻ gỗ sơn son thiếp vàng, có cán dài chừng 1m, viết tên quân cờ hai mặt, cắm vào các ô đã định sẵm trên sân. Người đánh phải tự
- nhấc quân mà đi, trước khi đi phải có hiệu lệnh bằng trống bỏi. Cờ bỏi là một hình thức mở rộng bàn cờ để nhiều người được xem trong ngày hội. 10-Tổ tôm điếm cũng như tổ tôm thường, chỉ khác là mỗi người đánh ngồi một điếm, 5 người ngồi ở 5 điếm cách nhau vài ba mét, trên một đường tròn, tuỳ theo sân rộng hay hẹp mà đặt các điếm cho phù hợp với không gian. Mỗi điếm có một giá cắm bài. Giữa sân có một điếm để chia bài, có giá để bài nọc. Nhưng nơi có điều kiện có thể che rạp cả sân để tránh mưa năng. Đánh bài có trống và thanh la làm hiệu, có người chạy bài giữa các điếm. Khi ăn bài hoặc dậy khàn, dậy thiên khai, hoặc ù đều có hiệu trống riêng, ví dụ: Ăn bài thì đánh một tiếng trống, phỗng thì đánh hai tiếng, dậy thiên khai đánh 4 tiếng, ù thì đánh liền một hồi, không ăn thì đánh một tiếng thanh la, khi còn lưỡng lự, suy nghĩ thì đánh một tiếng tùng, một tiếng cắc. Đánh sai hiệu lệnh thì không những không được ăn mà còn bị phạt. 11-Đáo đĩa. Đánh đáo là một trò chơi phổ biến của trẻ em nam và có nhiều cách đánh khác nhau, nhưng chỉ có đáo đĩa là thu hút nhiều người trong ngày hội. Khi đánh người ta cắm ba bốn cộ tre xuống hồ, ao hay sông cách bờ ba bốn mét, cũng có khi đặt trên sân. Trên cọc đặt một cái nia, giữa nia để một cái đĩa cỡ 12cm. Người chơi gọi là con, người đứng ra tổ chức gọi là cái. Người chơi cầm đồng xu cả vào đĩa, đồng xu nằm trong đĩa thì được thường gấp bao nhiêu lần tuỳ quy ước của cái, khoảng cách xa hay gần, đồng nào bật ra ngoài nia thì cái thu, đồng nào văng ra ngoài nia thì người chơi được nhận lại. 12-Đánh mãng. Nếu đánh đáo là trò chơi của con trai thì đánh mãng chủ yếu của con gái. Trò này phổ biến ở phía bắc Thanh Hà. Khi đánh các em vạch hai vạch thẳng trên sân phẳng, cách nhau khoảng 4m, vạch trên đặt đứng hai nửa viên gạch lục theo đường vạch, cách nhau chừng 1,5m. Mỗi lần có hai người chơi, mỗi người phải tự ghè một viên mãng bằng mảnh ngói mũi, đường kính khoảng 7cm. Khi chơi hai người đứng ở dưới vạch dưới. Động tác thứ nhất, cả hòn mãng vào hòn gạch, nếu đúng là được. Động tác thứ hai, đứng một chân, chân còn lại co lên, đặt hòn mãng trên đầu gối, nhấy lên 3 bước, tay hất hòn mãng xuống gòn gạch, nếu đúng là được. Động tác thứ ba, quặp hòn mãng vào khe ngón chân cái, ngẩy ba bước, văng vào hòn gạch, nếu trúng là được. đây chỉ là một trò chơi trong những ngày hội, chưa thấy ai lấy tiền của nhau nhưng được các cháu gái hướng ứng nhiệt liệt. Ngoài những trò chơi nói trên, trong nhừng ngày hội tuỳ tập quán từng nơi còn có các trò: Vật cầu, đá cầu, đánh phết, xông hệ, bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt dê, bắt vịt dưới nước, leo cột mỡ, đấu vật, kéo co, nấu cơm thi, thi quăng chài, thi mâm ngũ quả...
- Lễ hội đền Kiếp Bạc Lễ hội Kiếp Bạc là lễ hội có quy mô quốc gia. Nó được hình thành từ sau khi Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo qua đời, đến nay, hội ngày càng đông, giữ vai trò to lớn trong đời sống văn hoá và tín ngưỡng của dân tộc, vì vậy được các triều đại quan tâm, bảo tồn, phát huy. Mỗi mùa hội khách thập phương về dự có tới chục vạn người, dưới sông hàng nghìn con thuyền lớn nhỏ, trên bộ hàng vạn xe cộ ngược xuôi, trống phách vang lừng, cờ bay phất phới, không chỉ những thứ tốt đẹp nhất của thời đại được trưng diện mà thuần phong, mỹ tục, tinh hoa văn hoá dân tộc cũng được tái hiện, nâng cao. Thật hiếm có một di tích lịch sử, một ngôi đền nằm ở biên giới hai xã, hai tổng, hai huyện, hai phủ, hai trấn mà sau này gọi là hai tỉnh... Đền Kiếp Bạc nguyên là ngôi đền của quốc gia, do triều đình nhà Trần xây dựng tại phủ đệ Trần Hưng Đạo, thuộc địa phận hai xã Vạn Yên và Dược Sơn. Vạn Yên có tên nôm là Kiếp, Dược Sơn có tên nôm là Bạc, vì thế mà dân gian gọi là đền Kiếp - Bạc, nhưng tên tự của đền làTrần Hưng Đạo Vương từ. Vạn Yên từ thời Lê đến thời Nguyễn thuộc tổng Trạm Điền, huyện Phượng Nhãn ( Phượng Sơn ) phủ Lạng Giang, xứ rồi trấn Kinh Bắc . Dược Sơn thuộc tổng Chi Ngại, huyện Phượng Nhãn, đến đầu thể kỷ XVIII, cắt chuyển về trấn Hải Dương. Còn Vạn Yên đến năm 1899, mới chuyển về Hải Dương, nhưng lễ hội vẫn thuộc hai làng cùng tổ chức. Từ sau CM tháng Tám đến nay, Dược Sơn và Vạn Yên chỉ là hai thôn của một xã Hưng Đạo,nhưng việc tế lễ ở đền vẫn do hai làng song hành thực hiện. Căn cứ vào vị trí chiến lược của Kiếp Bạc trong sự nghiệp giữ nước, sau cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất,Trần Hưng Đạo đã lập phủ đệ ở Kiếp Bạc, đồng thời cũng là nơi ông được phong điền kiến ấp và sống ở đây cho tới khi qua đời. Kiếp Bạc còn là nơi diễn ra trận quyết chiến chiến lược năm 1285, trong cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ hai, một trung tâm sản xuất đồ gốm ở TK XIII-XIV, một cảnh quan đẹp mặc dầu nay đã phôi pha. Chính vì thế mà nơi đây đã in dấu chân danh nhân nhiều thời đại (xem mục Di tích). Thời kỳ Pháp xâm lược , hội Kiếp Bạc vẫn được nhân dân tổ chức trọng thể. Sau CM tháng Tám, danh nhân được kỷ niệm đầu tiên là Trần Hưng Đạo, lễ hội được tổ chức đầu tiên là lễ hội Kiếp Bạc. Sau ngày miền Bắc được giải phóng, Kiếp Bạc là một trong những di tích được nhà nước quan tâm, liệt hạng vào đợt đầu vào ngày 28/4/1962
- Lễ hội Kiếp Bạc bắt nguồn từ kỉ niệm ngày mất của Trần Hưng Đạo, ngày 20 tháng tám năm Canh Tý ( 1300 ) Lễ hội xưa bắt đầu từ 16.8 đến 20.8 âm lịch hằng năm. Nay đã khác, hội bắt đầu sớm hơn và kết thúc muộn hơn, tuy nhiên trọng hội vẫn là ngày 18 tháng 8 . Khách không chỉ đến Kiếp Bạc vào ngày hội mà quanh năm suốt tháng với số lượng ngày càng đông. Đền Kiếp Bạc còn ngày lễ trọng thứ hai vào 28.9 , ngày mất của Thiên Thành công chúa-phu nhân của Đại vương, nhưng ngày này không thành hội , chỉ có hai làng sở tại tổ chức tế lễ cùng vài đoàn khách xa. Những người được thờ trong đền Kiếp Bạc có: Trần Hưng Đạo, Thiên Thành công chúa -phu nhân đại vương, Hoàng thái hậu Quyên Thanh công chúa- phụ nhân Trần Nhân Tông, Anh Nguyên quận chúa- phu nhân Phạm Ngũ Lão. Năm vị này có tượng đồng. Ban thờ bốn con trai: Trần Quốc Hiến (Hiện), Trần Quốc Nghiễn, Trần Quốc Tảng, Trần quốc Uy(Uất), Yết Kiêu, Dã Tượng và gia tiên chỉ có bài vị và ngai thờ, quan Nam Tào, Bắc Đẩu có tượng đồng nhưng thờ trên núi Nam Tào, Bắc Đẩu. Thời trước Cách mạng, tuỳ từng năm mà chủ tế là quan triều hay quan tỉnh, thực hiện theo nghi thức quốc tế. Theo thông lệ thì quan tri huyện chịu trách nhiệm tổ chức lễ hội. Đây là công việc lớn, phức tạp, gồm nhiều công việc khác nhau về tiếp khách, nơi ăn, nghỉ, vui chơi, tế lễ, kiểm két, vệ sinh, an ninh cho hàng vạn khách hành hương từ mọi miền đất nước, từ quan triều cho đến thứ dân trong thời gian 5 ngày.Từ ngày 10 tháng 8, Tri huyện cùng các nhà chức trách của huyện xuống đền cắm đất, chia ô cho những người bán hàng phục vụ lễ hội, chỉ đạo việc vệ sinh, phân công trách nhiệm từng bộ phận, công bố những quy định về lễ hội. Về an ninh: Trương tuần hai xã phải trực tại đền cùng với số đinh tráng theo quy định. Lính khố xanh của huyện đóng tại hai nhà các, hai chánh tổng của Trạm Điền và Chi Ngãi (Ngại) trực ở hai hành lang. Mọi người làm việc tậm tâm, chu đáo, lịch sự. Bộ phận an ninh hướng dẫn việc dựng quán bán hàng, đậu thuyền theo quy định, giữ trật tự, vệ sinh trong quá trình lễ hội, không thu tiền bến bãi. Phần lễ: Ngày 10 tháng 8 làm lễ mở cửa đền, chuẩn bị cho lễ hội hằng năm, đây là môt việc làm chiếu lệ, thực tế thì đền ngày nào cũng mở cửa tiếp khách. Lễ vật khai hội : Làng Vạn sắm 8 mâm, mỗi mâm một lợn sống khoảng 70-80 kg, đại diện cho 8 giáp. Dược Sơn 4 mâm tương tự, đại diện cho 4 giáp. Về bánh trái có: Bánh trong, bánh bột lọc, bánh chằng gừng, bánh rán, bánh phu thê, xôi mầu và mâm ngũ quả. Trên đây là lễ vật của hai xã sở tại theo lệ, còn lễ vật của khách thập phương, quan lại các cấp thì có thể nói, cuộc sống đương đại có gì quý báu thì trên mâm lễ có thứ đó. Riêng dân chài lưới ở vùng duyên hải về hội, thường có lợn quay hay lợn sống để cả con, tế lễ xong mang xuống thuyền làm cỗ, ăn dần trong những ngày hội.
- Văn tế Đức thánh Trần Triều ngày trọng hội của bản xã, do chủ tế đọc: Bát nguyệt, nhị thập nhật, chính kỳ tế văn Duy: Tuế thứ(Can Chi), bát nguyệt, nhị thập nhật. Hải Dương tỉnh, Chí Linh huyện, Trạm Điền tổng, Vạn Yên xã; kỳ lão, sắc mục, lý hương dịch toàn xã, thượng hạ đẳng, cẩn dĩ khiết sinh, cụ soạn, phù lang thanh chước, thứ chi nghi cẩm kỳ cáo vu. Thánh vương Trần triều, khâm sai thiết chế, thống lĩnh thiên hạ thuỷ bộ chư doanh, đại nguyên soái, tổng quốc chính, Thái sư Thượng phụ, Thượng quốc công, Nhân vũ Hưng Đạo Đại vương, lịch triều phổ tặng khai quốc an trinh, hồng đồ tá tự, hiển linh trác vĩ, minh đức chí nhân, phong huân hiển liệt, chí trung, đại nghĩa, dực bảo trung hưng, thượng đẳng tôn thần, ngọc bệ tiền. Nguyên Từ quốc mẫu, Thiên cảm thái trưởng công chúa, ngọc bệ hạ tiền. Cung duy: Thanh vương sơn nhạc giáng thần, càn khôn chung khí, nãi vũ, nãi văn, chí tinh, chí tuý, nội tham thứ chính áo, trần tộ ư Thái sơn, ngoại đổng binh nhung, điển hồ nguyên ư đẳng thuỷ quốc tôn thần, gia tôn, tử thịnh, lưu đức thanh sử chi thư. Sinh danh tương, hoá danh thần, dư uy hiệp cường hồ chi quỷ, anh linh hiển hách, hạp kiếm minh nhi phạm nghiệt quỷ tiêu, đức trạch tại nhân phương độ mạc, nhi dương nhân khang,. tỉ dương dương chính khí, thiên thu chi hương hoả, nhi tân ngột ngột, sùng từ vạn cổ chi tinh linh phấy truy, từ nhân tiên khuất thu, nhật kỳ, lễ dụng trần chu nghi tái tự, phục vọng giám thử. Thành tuy chi phúc, bạ đẳng lương thiếp thế, kính vu an ninh vật ấp nhân khang, tề tư dân vụ thọ chỉ. Đinh loại Kính phối: Thanh vương nhiên, tướng âm phù chi đại đức dã. Khải thánh vương phụ, Khâm minh đại vương. Khải thánh vương mẫu, kiền chúa chính trị phu nhân Thiên đạo quốc mẫu. Tứ vương thánh tử đại vương. Nhị vị vương nữ Hoàng thái hậu. Trần triều điện suý, thịnh chưởng chiêu cảm hùng văn Phạm đại vương tôn thần. Tiền hậu văn võ lưỡng ban, quan lĩnh đồng phối hưởng. Cẩn cáo. Văn tế của quan triều hay quan tỉnh tuỳ từng năm mà soạn, nhưng phần căn bản vẫn phải có nội dung như trên. Khách thập phương đến hội, công việc đầu tiên là phải lo phần lễ. Thông thường hội rất đông, không phải lúc nào cũng tới được trước thần tượng Đại vương, tìm được chỗ đặt mâm lễ lại càng khó. Vào những ngày hội, mỗi ngày có hàng trăm đoàn tế lễ. Người ta thường cử người đội lễ, làm các lễ nghi ở tiền tế hoặc ngoài sân, rồi vào thắp hương các ban thờ. Hiện nay việc thắp hương trong
- cung vào những ngày ngày hội đã bị cấm, người ta chỉ có thể khấn vái cầu phúc. Những người không biết khấn có thể nhờ các ông đồng, bà cốt khấn giúp, chỉ cần cho địa chỉ, tên họ và những yêu cầu cụ thể, tất nhiên là phải mất tiền. Bài khấn nôm hiện nay cho người đến nhờ lễ. Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hôm nay ngày ...tháng...năm(can chi) Con chắp tay con lạy chín phương trời, mười phương đất, chư Phật mười phương. Con lạy Trần triều hiển thánh Vương phụ, Vương mẫu, con lạy gia phong Nhân vũ Hưng Đạo Đại vương. Con lạy Trần triều hiển thánh Hưng Đạo Đại vương. Con lạy tứ vị thái tử Hưng Đạo Đại Vương. Con lạy đệ nhất vương cô Quyên Thanh công chúa, văn võ song toàn, phu nhân tướng quân Phạm Ngũ Lão. Con lạy tả quan Nam Tào, hữu quan Bắc Đẩu. Và những điều cần cầu cho chủ lễ. Lệ công đức: Vào dịp hội khách thập phương ít hay nhiều đều bỏ tiền công đức để tỏ lòng thành trước thần tượng đức thánh, góp phần bảo tồn di tích. Người nghèo bỏ một hai xu, người giầu có khi bỏ vài chỉ vàng vào hòm công đức, ngày nay người ta có thể công đức hàng chục triệu đồng. Đây chưa kể vào các dịp trùng tu tôn tạo, có người công đức vài lạng vàng, hàng chục lạng bạc, hàng trăm quan tiền. Ngoài tiền bạc, người ta còn công đức các đồ tế khí hoặc những đồ dùng thiết thực cho nhà đền. Đây là tài sản quan trọng góp phần làm cho đền ngày càng khang trang. Hiện nay, lệ công đức bằng tiền và hiện vật không kém thời phong kiến, có người trong lễ hội công đức tới vài chục triệu đồng. Câu đối đại tự không còn chỗ treo. Từ xưa tới nay, hội đền đồng thời cũng là hội chợ. Hàng quán ken dầy dọc hại bên đường từ cửa đền ra bờ sông, từ Nam Tào lên Bắc Đẩu. Người ta mang đến đây đủ loại hàng thiết yếu cho sinh hoạt gia đình và tín ngưỡng như: Đồ gốm, đồ đông, đồ gỗ sơn , quần áo, mũ , nón, võng, chiếu[1][1][1]; các loại đồ trang sức, đồ chơi của trẻ em; các loại hàng ăn, các loại lương thực thực phẩm phục vụ sắm lễ tại chỗ. Việc tế lễ và rước sách được thực hiên theo một thể thức theo quy định của hai làng. Khách thập phương đến tế lễ do ban tổ chức hướng dẫn. Đồng bóng, mê tín dị đoan ở đền xưa khá nặng nề. Dân gian quan niệm rằng, Trần Hưng Đạo là một vị thánh, đánh thắng giặc Nguyên Mông, cứu dân độ thế, lại diệt được Phạm Nhan, tên Việt gian thường làm hại phụ nữ, vì thế cứ vào dịp hội, bất cứ việc gì khó khăn trong đời sống là người ta cầu xin đức thánh Trần phụ hộ. Dựa vào tâm lý này, mà các ông đồng bà cốt tác oai tác quái không nhỏ.
- Hội trước CM có nhiều trò vui dân gian như: Đấu vật, bơi trải, múa rối, tuồng, chèo... Bơi trải không chỉ là một trò vui mà còn như một nghi lễ để tế đức thánh, vì sinh thời, Đại vương có biệt tài thuỷ chiến. Hội vui nhất về ban đêm, vì phần lớn trò vui diễn ra ban đêm, trong đó có hàng chục chiếu chèo biểu diễn nhiều tích khác nhau tại sân đền. Khách lưu qua đêm hàng vạn người, không có nhà khách nào chứa nổi. Người ta ngủ trên thuyền, trong các nhà dân, nhưng phần lớn ngủ tại hành lang, sân đền và trong các quán hàng dọc theo bờ sông trước cửa đền. Những đêm dự hội như thế có thể trở thành kỷ niệm suốt cả đời người, thậm chí có đôi trai gái trở thành vợ chồng sau những ngày hội. Hội Kiếp Bạc là hội lớn của đất nước, hội lớn nhất của Hải Dương, có lịch sử 7 thế kỷ, được mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng nhiệt thành, được nhà nước quan tâm. Trong 10 năm lại đây, đồ tế tự nhân dân cung tiến trị giá hàng trăm triệu đồng, tiền công đức cũng tới hàng tỷ đồng, nhà nước đầu tư các hạng mục cũng rất lớn. Việc tổ chức lễ hội, quản lý các mặt hoạt động đã đạt được kết quả đáng kể, các tệ nan đã được khắc phục cơ bản. Lượng khách đến lễ hội hằng năm và tham quan di tích ngày càng tăng. Đây là cơ hội tốt để nâng cao tinh thần yêu nước, hun đúc lòng tự tin vào sức mạnh dân tộc trước hoạ xâm lăng, xây dựng nếp sống lành mạnh, tạo điều kiện cho du lịch phát triển. Lễ hội Đình Bầu Đình Bầu tức đình thôn Nhan Bầu, nay thuộc xã Thanh Hồng, Thanh Hà, thờ các vị Hoàng Linh Lang, Thái Đa, Chi Cảm, Hùng Doãn, những người có công chống giặc Minh xâm lược ở đầu TK XV, sau khi qua đời được tôn làm Thành hoàng, thờ ở Miếu Cây Đa và đình làng. Nhan Bầu là một vùng đất trù phú, có truyền thống hiếu học, thời phong kiến có nhiều người đỗ cử nhân, tú tài, làm quan hoặc mở trường dậy học, nhiều người có tài thơ văn, góp phần tạo nên một miền quê văn hiến. Trai gái thôn Bầu có tài ca hát các làn điệu dân ca như: trống quân, sa mạc, đò đưa, ca trù..., lại được rèn luyện trong các lễ hội nên ứng đối rất nhanh. Lễ hội Đình Bầu từ ngày... đến ngày... Trong những ngày hội có nhiều trò diễn dân gian, như: Hát chèo, hát ca trù, đấu vật, đi cầu thùm, tổ tôm điếm, vui nhất là hát đúm. đến nay người ta còn nhớ một số câu hát ở đình làng trước chiến tranh. Ví dụ:
- Nam: Lạ lùng anh mới tới đây, Mượn nàng chiếc chiếu trải ngay ra ngồi. Mượn nàmg cái điếu cái mồi, Hút năm ba điếu mà ngồi hát chơi. Nữ: Mượn chàng một đôi chiếu liền, Dải ra hai dẫy đôi bên cùng ngồi. Nay mừng chàng hát với tôi, Ai mà không hát cứ ngồi mà nghe. Mượn chàng ấm chén, cỗ chè, Cái khay gỗ chắp, chàng nghe thế nào? Bên nam thường hay có có thái độ trịch thượng, suồng sã, nên bên nữ thường phải rào đón ngăn chặn: Em khuyên tài tử vào ngồi, Em hát mấy nhời để được phân bua. Hát thì em cấm hát chua, Những người thô tục thì xua ra ngoài. Hát thì một chốc sang hai, Nào em bắc bậc khoe tài chi đâu. Truyện Kiều cấm kể một câu, Phan Trần cấm kể từ đầu chí đuôi. Cấm trống thì cấm cả dùi, Cấm cả người bảo người xui bên ngoài. Cấm không được lấy Nhị Độ Mai, Phan Trần, Kiều nẩy một vài ba câu. ... Đã đi đến đám thì chơi, Đã đi đến đám tiệc lời làm chi. Nam: Khen ai khéo xẻ gỗ thông, Em ra mở cửa đằng đông anh vào. Bà chủ có hỏi làm sao, Rằng anh là khách muốn vào hái hoa. Nên chăng anh hái đến già, Không nên anh hái nửa hoa anh về. Hoặc: Gặp đây anh nắm cổ tay, Hỏi rằng duyên ấy, tình này làm sao? Nữ: Người đâu vô ý vô tâm, Chưa trông thấy mặt đã cầm cổ tay. Truyện Kiều có bốn câu hay,
- Anh mà giảng được cầm tay thì cầm. Nam: Người đâu gặp gỡ làm chi, Trăm năm biết có duyên gì hay không. ... Khi có những đối thủ sàm sỡ, họ có thể tiến đến cầm cổ tay cô nào đó thách đố nhưng đã thua. Trong trường hợp này họ thường phản ứng tế nhị bằng một câu hát: Nữ: Anh như Hộ Pháp ban ngày, Sao anh được phép cầm tay Phật Bà. Nam: Anh đây tên gọi sứ thần, Trời sai anh xuống yểm tâm Phật Bà. Sau mỗi câu hát, bên nào thắng cuộc thường reo hò ầm ỹ, thách thức đối phương hát tiếp, tạo cho cuộc vui kéo dài như không muốn dừng. Thông thường những người tham gia hát đúm là thanh niên nam nữ, họ muốm tham gia hát đối đáp mà tìm hiểu nhau, thể hiện tâm tư tình cảm qua lời hát, nhưng khả năng sáng tác thường có hạn, vì thế mà mỗi bên hát cần nhữngngười xui- tương tự như cố vấn nghệ thuật. Những người này có tri thức văn hoá dân gian uyên thâm, thuộc nhiều thơ ca, từng tham dự nhiều hội hè đình đám, am hiểu nhiều luật tục, có kinh nghiệm sáng tác trong hát đối đáp kịp thời. Cuộc hát đúm sân đình có để lại ấn tượng sâu sắc hay không căn bản thuộc vào những người xui.
ADSENSE
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn