intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Liên kết hoạt động du lịch khu vực Bắc Trung Bộ - Nam sông Hồng hướng đến phát triển bền vững

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:5

34
lượt xem
7
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Liên kết hoạt động du lịch khu vực Bắc Trung Bộ - Nam sông Hồng hướng đến phát triển bền vững nhìn nhận về sự đa dạng, phong phú của tài nguyên lịch sử, văn hóa, sinh thái tại khu vực du lịch Bắc trung Bộ - Nam Sông Hồng - là một trong những yếu tố then chốt để phát triển du lịch. Trên cơ sở đó nhìn nhận hoạt động liên kết tại khu vực du lịch này hướng đến phát triển bền vững.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Liên kết hoạt động du lịch khu vực Bắc Trung Bộ - Nam sông Hồng hướng đến phát triển bền vững

  1. LIÊN KẾT HOẠT ĐỘNG DU LỊCH KHU VỰC BẮC TRUNG BỘ - NAM SÔNG HỒNG HƯỚNG ĐẾN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Nguyễn Thị Thanh Xuân(*) Trần Nhật Hải(**) TOURISM CLUSTERING IN NORTH CENTRAL – SOUTH RED RIVER TOWARDS SUSTAINABLE DEVELOPMENT Abstract The paper considers the diversity and abundance of historical, cultural and ecological resources in tourism area in North Central - South Red River - one of the key factors for tourism development. On the basis, it examines the clustering in the tourism area towards sustainable development. Its clustering is still inadequate and short of clustering elements towards sustainable development. The author has raised a number of criteria to cluster the regional tourism market for improvement of the tourism space linkage in North Central - South Red River towards sustainable development. * Khu vực du lịch Bắc Trung bộ và Nam sông Hồng gồm 10 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, với diện tích 5.523.500 km2, dân số 15.459.900 người (2011). Khu vực du lịch Bắc Trung bộ sở hữu nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp như: Bạch Mã, Phong Nha - Kẻ Bàng, Đakrông... Đặc biệt, vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, ngoài những giá trị về cảnh quan, sinh thái còn có hệ thống hang động đặc sắc đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới; nhiều bãi biển, nhiều vịnh vào loại đẹp nhất Việt Nam như: Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Thiên Cầm (Hà Tĩnh), Đá Nhảy, Nhật Lệ (Quảng Bình), Cửa Tùng, Cửa Việt, đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), Thuận An, Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế)... Trong đó vịnh Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) đã được công nhận là một trong những vịnh đẹp của thế giới. Với tiềm năng sinh thái rừng và biển phong phú, đa dạng, các tỉnh Bắc Trung bộ có điều kiện lý tưởng để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và thể thao mạo hiểm... Khu vực du lịch Nam Sông Hồng là nơi kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, có nhiều di tích thắng cảnh và hệ thống sinh thái phong phú như: Khu Ba Lạt, cửa sông Thái Bình, cửa sông Đáy có hệ sinh quyển châu thổ sông Hồng với gần 60 loài chim di cư, hơn 50 loài chim nước, nhiều loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ thế giới như: cò thìa, mòng bể, rẽ mỏ thìa, cò trắng bắc..., được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2004, Khu Ramsar Xuân Thuỷ (Nam Định) là khu rừng ngập mặn đầu tiên ở Đông Nam Á. Quần thể danh thắng Tràng An với hệ thống các hang động, thung nước, rừng cây và các di tích lịch sử gắn với kinh thành xưa của cố đô Hoa Lư đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình) được mệnh danh là "Nam thiên đệ nhị động" hay "vịnh Hạ Long cạn". Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long là khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước lớn nhất đồng bằng Bắc Bộ. Vườn quốc gia Cúc Phương với diện tích rừng nguyên sinh khoảng 22.000 ha, là rừng quốc gia đầu tiên của Việt Nam, cùng với khu hang (*) ThS., Trường Đại học Hồng Đức, Thanh Hoá. (**) ThS., Trường Đại học Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Thanh Hóa.
  2. động Tràng An, hệ thống núi rừng Cố đô Hoa Lư đang được đề cử là di sản thiên nhiên thế giới. Khu vực du lịch Bắc Trung bộ và Nam sông Hồng có nhiều di tích lịch sử, văn hóa cùng các giá trị truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc ít người cư trú trên địa bàn như: dân tộc Rục, Vân kiều, Tà ôi, Mường... với nhiều phong tục mang đậm nét văn hoá truyền thống và nhiều lễ hội dân gian đặc sắc. Nơi đây còn có nhiều loại hình văn hóa tôn giáo với hệ thống chùa chiền, miếu mạo, nhà thờ, các lễ hội tôn giáo - tâm linh độc đáo. Các giá trị văn hóa dân tộc, tôn giáo đã thu hút một số lượng đông đảo tín đồ tôn giáo hành hương và du khách đến sinh hoạt tín ngưỡng, nghiên cứu, khám phá và tham quan du lịch, trong đó ấn tượng nhất là Kiệu La Vang ở Quảng Trị và Lễ hội Phật Đản ở Thừa Thiên - Huế... Khu vực du lịch Bắc trung Bộ và Nam Sông Hồng cũng là khu vực mà cư dân quần tụ lâu đời và để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử với mật độ dầy đặc các di tích văn hóa. Cố đô Hoa Lư là kinh đô của nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên ở Việt Nam, hiện còn nhiều di tích cung điện, đền, chùa, lăng mộ... liên quan đến các triều đại Đinh, Tiền Lê và Lý, được Chính phủ Việt Nam xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Tức Mặc (Nam Định) là nơi phát tích của triều đại nhà Trần. Dấu ấn của vương triều Trần còn in đậm ở Thái Bình với Khu di tích đền thờ vương triều Trần (huyện Hưng Hà), đền Trần (Nam Định). Long Đọi Sơn (Hà Nam) gắn chính sách khuyến khích nông nghiệp từ thời Lý (lễ cày tịch điền). Ngoài ra, một số nhà nghiên cứu khẳng định Hà Nam là quê hương của Lê Hoàn với di tích còn lại là đền Lăng (Liêm Cần - Thanh Liêm) thờ vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Khu vực du lịch Bắc Trung bộ - Nam Sông Hồng còn có nhiều lợi thế khác để phát triển du lịch: Hệ thống giao thông nối liền hai miền Nam Bắc bằng đường quốc lộ 1A và hệ thống đường giao thông đến các nước khu vực Đông Nam Á (AH1: Asian Highway), các tuyến quốc lộ 21, quốc lộ 12, quốc lộ 15, quốc lộ 6 từ các Tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam kết nối du lịch Nam Sông Hồng sang tỉnh Huaphang (Lào). Cùng với hệ thống giao thông đường bộ, hệ thống sân bay, bến cảng, quốc lộ, đường sắt Bắc Nam, đường ngang Đông - Tây tương đối phát triển; tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) đi qua 4 nước Mianma - Thái Lan - Lào- Việt Nam đang phát triển mạnh, là nhân tố động lực để phát triển kinh tế khu vực, là hướng mở quan trọng để phát triển du lịch. Vấn đề kết nối thị trường của các địa phương thuộc vùng du lịch là tất yếu cho phát triển du lịch của mỗi địa phương và vùng. Khu vực du lịch Bắc Trung Bộ và Nam Sông Hồng có nhiều điều kiện thuận lợi để liên kết với các tỉnh thành, vùng miền trên cả nước trong phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng, có thể đẩy mạnh hợp tác với các nước láng giềng như Lào, Thái Lan trong việc thúc đẩy phát triển du lịch đường bộ và đường hàng không. Tuy nhiên, theo đánh giá của Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) thì các tỉnh trong khu vực lại chưa có liên kết chặt chẽ trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch chung cho toàn vùng và đặc biệt là chưa có các chương trình liên kết chặt chẽ về sản phẩm du lịch hướng đến phát triển bền vững. Điển hình như Thừa Thiên - Huế là trung tâm du lịch lớn, tập trung lượng khách du lịch đến tham quan di tích danh thắng. Là tỉnh tập trung lượng du khách đến với khu vực Bắc Trung Bộ, là nơi thu hút du khách từ khu vực Bắc trung bộ nói riêng và các khu vực khác trên phạm vi cả nước nói chung đến với Thừa Thiên Huế. Việc thu hút khách du lịch đến với Thừa Thừa Thiên Huế chỉ mang tính chất một chiều – du khách chỉ đến du lịch tại Huế rồi đi du lịch tại Đà Nẵng hay vào Thành phố Hồ Chí Minh hay quay ngược ra Hà Nội. Số lượng khách du lịch từ Huế đến với các tỉnh Bắc Trung Bộ - Nam sông Hồng chiếm tỷ trọng rất ít. Điều này có thể thấy ở các tỉnh khác có các tài nguyên du lịch đặc sắc nhưng chưa phát huy được lợi thế tạo sức hấp dẫn, chưa thu hút du khách đến du lịch tại các tỉnh trong khu vực lưu trú và tham quan trong khoảng thời gian dài. Đa phần các tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ - Nam sông Hồng là Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình đều có tài nguyên, tài nguyên
  3. thiên nhiên, tài nguyên di tích danh thắng, tiềm năng du lịch nhiều nhưng bởi do điều kiện kinh tế từng địa phương còn hạn chế, hạ tầng kỹ thuật du lịch còn thiếu và yếu cộng với việc sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, các vấn đề về cơ chế, chính sách đầu tư, quy hoạch du lịch khác nhau thường gắn với đặc trưng văn hóa, kinh tế của địa phương nên sức thu hút du khách đến tham quan tại điểm còn hạn chế. Thêm vào đó du lịch mỗi địa phương còn lãng phí nhiều nguồn lực (nhân lực và vật lực), hoạt động du lịch còn manh mún, du lịch vùng còn rời rạc thiếu tính đồng bộ, thiếu tính liên kết ở phạm vi vùng và khu vực, thiếu tính liên thông quốc gia và quốc tế; Trong xu thế hội nhập quốc tế, du lịch của mỗi nước, mỗi tỉnh có thể phát triển mạnh bằng việc đẩy mạnh việc liên kết và chia sẻ nguồn lực để hướng đến phát triển dài hơi trong tương lai. Chính vì vậy, để việc liên kết du lịch phạm vi vùng du lịch Bắc Trung Bộ - Nam Sông Hồng đạt hiệu quả cao hướng đến phát triển bền vững, các tỉnh cần phải đảm bảo một số các vấn đề như: Thứ nhất - Hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật ngành du lịch đến các điểm du lịch trọng điểm của các tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ - Nam Sông Hồng cần phải đảm bảo chuẩn và sử dụng dài lâu. Hệ thống giao thông có vai trò cực kỳ quan trọng để khai thác tiềm năng, phát triển du lịch. Do đó, hệ thống giao thông đảm bảo kỹ thuật và hoàn thiện các tuyến quốc lộ quan trọng trong vùng. Các tuyến quốc lộ có Cửa khẩu quốc tế như: Lao Bảo, cầu Treo và Cha Lo cần được đầu tư, nâng cấp, mở rộng đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế. Hoàn thiện tuyến đường Hồ Chí Minh nối Phong Nha (Quảng Bình), Suối Cá thần Cẩm Lương, Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa) - Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Bến Tắt, Đakrông (Quảng Trị)... Hệ thống đường nối quốc lộ, tỉnh lộ đến các khu, tuyến, điểm du lịch, di tích danh thắng cần phải được xây dựng và quy hoạch theo chuẩn khu vực. Chú trọng khai thác hiệu quả các sân bay: Thọ Xuân (Thanh Hóa), sân bay Vinh (Nghệ An), Phú Bài (Huế), Đồng Hới (Quảng Bình) và tuyến đường sắt Bắc Nam qua các ga: Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới, Đông Hà, Huế... Hệ thống nhà hàng, khách sạn, các khu vui chơi giải trí, hệ thống cung cấp xăng dầu, trạm dừng chân, dịch vụ các điểm tham quan... cần phải có sự phối hợp thẩm định, cấp biển đạt chuẩn cho các cơ sở này theo chuẩn quốc gia và khu vực. Hai là, Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, khu vui chơi giải trí tại các điểm du lịch, khu du lịch của vùng, cần phải đầu tư nâng cấp theo chuẩn chung và đảm bảo quy hoạch. Cùng nhau quy hoạch và triển khai đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch các địa phương trong vùng như: Hệ thống nhà hàng, khách sạn, các khu vui chơi giải trí, hệ thống cung cấp xăng dầu, trạm dừng chân, dịch vụ các điểm tham quan... phối hợp thẩm định, cấp giấy phép hoạt động đạt chuẩn cho các cơ sở này theo mức chuẩn chung của tổng cục du lịch Việt Nam. Đồng thời, các tỉnh trong khu vực cũng cần có những chính sách ưu đãi để khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất du lịch tại các tuyến, đầu mối giao thông quan trọng và tại các khu, điểm du lịch. Ba là, Có cơ chế chính sách khuyến khích phát triển đầu tư du lịch, quy hoạch và phát triển sản phẩm du lịch các địa phương trong vùng cần hướng đến phát triển bền vững. Cần có những chính sách ưu đãi để khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất du lịch tại các tuyến, đầu mối giao thông quan trọng và tại các khu, điểm du lịch. Các tỉnh Bắc Trung bộ - Nam Sông Hồng đều có đặc điểm sinh thái, đặc trưng văn hóa gần giống nhau, vì vậy cần thiết phải thực hiện công tác quy hoạch phát triển các sản
  4. phẩm du lịch, tránh trùng lặp, kém hiệu quả. Nếu làm được tốt điều này sẽ tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc, mang tính riêng biệt của mỗi tỉnh, mỗi vùng. Kết nối các sản phẩm du lịch đặc trưng của các địa phương thành chương trình du lịch phong phú và hấp dẫn của vùng để tạo điều kiện liên kết sản phẩm khu vực và vùng. Trong những năm qua, các tỉnh Bắc Trung bộ đã xây dựng được những sản phẩm du lịch có thương hiệu như “Con đường di sản miền Trung”, “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại”, “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội”, “ Hành lang kinh tế Đông- Tây” và gần đây nhất là chương trình du lịch Mưa Huế... các chương trình này đã được triển khai và bước đầu mang lại hiệu quả. Các địa phương cần hỗ trợ nhau trong việc sưu tập, phục hồi và phát triển các sản phẩm phục vụ du lịch như: Các làn điệu dân ca đặc trưng, các lễ hội đặc sắc, các làng nghề sản xuất hàng thủ công, mỹ nghệ, đồ lưu niệm, sản vật quý hiếm từng vùng miền... Những sản phẩm này được chọn lọc đưa vào từng chương trình du lịch, từng tour du lịch của các địa phương trong vùng, sẽ làm tăng tính hấp dẫn du khách. Bốn là: Hoàn thiện chính sách chung về vấn đề chia sẻ lợi ích thu đựơc từ hoạt động du lịch giữa các Tỉnh, các doanh nghiệp để hướng đến lợi ích dài lâu. Việc hợp tác liên kết giữa các tỉnh trong khu vực nhằm phát huy và khai thác thế mạnh của nhau, phát triển thị trường ngày càng trở nên cần thiết. Tuy nhiên, muốn tạo ra được mối liên hệ mật thiết với nhau trong hoạt động liên kết thì rất cần có một cơ chế liên kết, cơ chế chia sẻ quyền lợi và lợi nhuận tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch liên kết với nhau. Bên cạnh đó, cũng cần sự góp sức của các hiệp hội du lịch các tỉnh nhằm quản lý và điều khiển, kết nối, hỗ trợ và tạo điều kiện để các địa phương, các doanh nghiệp tham gia. Năm là: Có sự thống nhất chung của vùng về quản lý các hoạt động kinh doanh du lịch, lữ hành, hướng dẫn viên du lịch để bảo vệ khu vực du lịch. Cần phối hợp chặt chẽ với nhau để có biện pháp quản lý hiệu quả các hoạt động du lịch, nhất là lữ hành quốc tế; quản lý tốt các khu, điểm du lịch. Cần có quy chế cụ thể, bắt buộc các doanh nghiệp lữ hành quốc tế thực thi đúng, chấp hành nghiêm, đồng thời thông báo, phối hợp với tỉnh lân cận cần có biện pháp, chấn chỉnh, khắc phục các biểu hiện tiêu cực của cá nhân, tổ chức lợi dụng tình trạng quản lý lỏng lẻo để trục lợi; bằng mọi cách nhanh chóng đưa hoạt động lữ hành nội địa và quốc tế vào nề nếp, tăng hiệu quả, tạo dựng hình ảnh đẹp trong lòng du khách. Sáu là, Các tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ - Nam Sông Hồng cần xây dựng các dịch vụ bổ trợ để phát triển du lịch địa phương và vùng. Các Tỉnh cần có các chính sách kinh tế - xã hội về việc chủ động xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, dịch vụ cần thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh mẽ của du lịch địa phương và vùng. Hình thành các dịch vụ có chất lượng về điện nước, điện thoại, y tế, đổi tiền, lưu niệm và vệ sinh, sửa chữa phương tiện vận chuyển... tại các khu, tuyến, điểm du lịch. Khẩn trương xây dựng các trạm thông tin, hệ thống biển báo, Pano quảng cáo điểm đến, điểm dừng chân tham quan, nghỉ ngơi và làm thủ tục xuất nhập cảnh tại các tỉnh nhằm xây dựng thương hiệu của mỗi tỉnh trong chương trình du lịch vùng. Tổ chức các bộ phận thông tin du lịch tại các điểm công cộng, nơi khách du lịch thường dừng chân, thông tin sản phẩm du lịch, tour đặc trưng, chương trình đặc biệt, khuyến mãi và các thông tin cần thiết về điểm đến... Phối hợp xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch chung của vùng và của từng tỉnh, thành phố trên khu vực. Phối hợp xây dựng hình ảnh các điểm du lịch và các chương trình tour, xây dựng tập gấp, bản đồ, đĩa VCD và tờ rơi chung về du lịch; tổ chức hội chợ, hội thảo, hội nghị... du lịch chung của vùng. Liên kết các tour du lịch đặc trưng của các nước, cùng nhau xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm.
  5. Bảy là, Các tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ - Nam Sông Hồng phải có phương án hướng đến việc đảm bảo môi trường hoạt động du lịch xanh, hướng đến lợi ích xã hội. Dưới góc độ là một ngành thuộc một lĩnh vực kinh tế, các vùng du lịch nói chung và vùng du lịch Bắc Trung Bộ - Nam Sông Hồng không thể tách khỏi định hướng phát triển của một nền “Kinh tế xanh” và đòi hỏi cao hơn về vấn đề phát triển bền vững cho tương lai, là nhân tố phát triển đồng thời là hệ quả để đảm bảo sự phát triển bền vững vì du lịch là một trong những ngành có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, phát triển dựa vào môi trường rất nhiều cũng như dựa vào sự phát triển theo định hướng “xanh” của các ngành kinh tế khác. Chính vì vậy,cần xác định rõ và tăng cường các nguồn lực hấp dẫn khách tới vùng và điểm du lịch, cũng như quá trình quản lý hướng tới lợi ích lâu dài, hướng đến lợi ích xã hội do các hoạt động du lịch đưa lại. Vấn đề kết nối và liên kết khu vực du lịch để hướng đến phát triển bền vững là điều tất yếu cho phát triển du lịch của mỗi địa phương và vùng. Khu vực du lịch Bắc Trung Bộ - Nam Sông Hồng đã có nhiều yếu tố thuận lợi để liên kết với các tỉnh thành, vùng miền trên cả nước trong phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng. Tuy nhiên để liên kết khu vực du lịch hướng đến phát triển bền vững trong phạm vi vùng và khu vực diễn ra thuận lợi và hài hòa thì điều kiện cần và đủ ở chính mỗi tỉnh trong khu vực là cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng trong du lịch, yếu tố nhân lực quản lý, thực hiện và điều không kém phần quan trọng đó chính là sản phẩm du lịch, khuyếch trương quảng bá sản phẩm tại địa phương và vùng. Tài liệu tham khảo 1. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng bắc trung bộ đến năm 2020, và tầm nhìn đến 2030. 2. Nguyễn Văn Huân, Liên kết vùng từ lý luận đến thực tiễn, Phòng Nghiên cứu phát triển kinh tế vùng, Viện Kinh tế Việt Nam 3. Phạm Trung Lương, Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù nâng cao sức cạnh tranh của Du lịch Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch. 4. Liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh Bắc Trung bộ và các địa phương trên Hành lang kinh tế Đông - Tây. http://huonghoaquangtri.gov.vn/index.php?option=com_content&task=view&id=2337&Itemi d=370 5. Https://vi.wikipedia.org/wiki/Bắc_Trung_Bộ_(Việt_Nam) TÓM TẮT Bài viết nhìn nhận về sự đa dạng, phong phú của tài nguyên lịch sử, văn hóa, sinh thái tại khu vực du lịch Bắc trung Bộ - Nam Sông Hồng - là một trong những yếu tố then chốt để phát triển du lịch. Trên cơ sở đó nhìn nhận hoạt động liên kết tại khu vực du lịch này hướng đến phát triển bền vững. Việc liên kết khu vực du lịch này vẫn còn nhiều bất cập và chưa đảm bảo đủ các yếu tố liên kết hướng đến phát triển bền vững. Tác giả có nêu lên một số tiêu chí để liên kết thị trường du lịch khu vực nhằm góp phần cải thiện mối liên kết không gian du lịch khu vực Bắc Trung Bộ - Nam Sông Hồng hướng đến phát triển bền vững.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2