intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

LỜI TỰA CUỐN “ĐẢO MÂY”Cách nay không lâu, tác giả tình cờ đọc mẩu tin

Chia sẻ: Nguyễn Văn Lân | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:73

94
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Cách nay không lâu, tác giả tình cờ đọc mẩu tin trên mạng kể lại rằng vào một ngày của năm 1998, có một tàu đánh cá bắt gặp một phụ nữ trang phục thuộc giới quý tộc của đầu thế kỳ 20. Bà ta xưng tên là Kate và bảo rằng trước đó mấy ngày bà là nạn nhân của vụ đám tàu Titanic và may mắn còn sống trôi giạt đến hòn đảo này. Không lâu sau đó, một tàu nghiên cứu hải dương lại phát hiện ở một hòn đảo khác một người đàn ông trang phục...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: LỜI TỰA CUỐN “ĐẢO MÂY”Cách nay không lâu, tác giả tình cờ đọc mẩu tin

  1. LỜI TỰA CUỐN “ĐẢO MÂY” Cách nay không lâu, tác giả tình cờ đọc mẩu tin trên mạng kể lại rằng vào một ngày của năm 1998, có một tàu đánh cá bắt gặp một phụ nữ trang phục thuộc giới quý tộc của đầu thế kỳ 20. Bà ta xưng tên là Kate và bảo rằng trước đó mấy ngày bà là nạn nhân của vụ đám tàu Titanic và may mắn còn sống trôi giạt đến hòn đảo này. Không lâu sau đó, một tàu nghiên cứu hải dương lại phát hiện ở một hòn đảo khác một người đàn ông trang phục sĩ quan hải quân tự xưng là Smith, thuyền trưởng tàu Titanic vừa bị đắm cách đây mấy hôm. Người này hoàn toàn trung thực bởi vì sau đó, người ta đã kiểm tra dấu vân tay và so đúng dấu vân tay của ông trong thư tịch lưu trữ. Năm 2005 Vụ đám tàu Titanic nổi tiếng thế giới đã xảy ra vào năm 1912 đó các bạn. Thế mà hơn tám mươi năm sau, người ta lại tìm thấy hai con người của tàu Titanic còn sống sót mà theo họ chỉ qua hai ba ngày gì đó thôi thì được cứu ! Có nghĩa là hai con người này đã trải qua một quãng thời gian khác biệt hẳn với thời gian mà chúng ta đang sống. Ông cha ta vẫn thường nói một ngày trên thiên đàng bằng mấy mươi năm trên Trái Đất Vậy hai người này đã lạc vào thiên đàng chăng ? Ở nước ta, chuyện xưa kể Từ Thức và Giáng Hương cũng có hoàn cảnh tương tự. Từ Thức đã được Giáng Hương mời đến đảo Bồng Lai ở chơi mấy tháng, sau đó Từ Thức về lại quê nhà thì đã “vật đổi sao dời”. Cuốn sách này nói về một hòn đảo trù phú mà chính Giáng Hương đã mời Từ Thức đến thăm. Từ Thức bây giờ không còn, đương nhiên, nhưng Giáng Hương thì vẫn ở đó, trẻ trung, xinh đẹp, sống mãi với thời gian. Hòn đảo ấy có tên là “Đảo Mây” và tác giả đã ghi lại bao nhiêu biến cố lạ lùng từng xảy ra ở đó để hầu chuyện bạn đọc. LỜI KỂ CỦA BẠN TÔI Tôi có may mắn quen thân với một người bạn làm nghề địa chất hơn tôi mấy tuổi. Câu chuyện của anh đặc biệt ly kỳ chưa bao giờ xảy ra trên thế giới này, vì những gì mà anh đã trải qua sau chuyến thám sát thềm lục địa miền Trung vào khoảng đầu năm 1980. Hiện giờ, đối với cơ quan mà anh công tác, kể cả đối với chúng ta, anh được coi là người bị mất tích trong thời bình, mất tích không phải lần đầu mà là lần thứ hai và lần này tôi biết là vĩnh viễn. Nhưng mất tích không có nghĩa là chết. Tôi biết rất rõ hiện anh đang ở đâu, đang sống trong 1
  2. một thế giới thanh bình hạnh phúc, hoàn toàn không có chém giết chiến tranh giành giật môi trường sống. Một thế giới không có bất cứ thói hư tật xấu nào, ở đó con người không hề bị ốm đau bệnh tật, sống trường thọ mà không phải dùng bất cứ bí quyết gì. Sau đây là câu chuyện anh kể sau lần mất tích thứ nhất kéo dài khoảng 20 năm do một trận đắm tàu. Tôi chợt tỉnh lại và mơ hồ nghe tiếng rì rào của sóng biển rõ dần như được ai vặn lớn từ từ nút tăng âm của loa. Tôi mở mắt nhưng vì quá chói nên vội nhắm lại và chợt nhận ra như có bóng dáng một khuôn mặt trẻ con đang chồm bên trên đầu tôi. Tôi lẩm bẩm khẽ nhưng đủ rõ để đứa bé nghe được : - Đây là đâu.... ? Tức khắc, một giọng trẻ con vui vẻ và thanh thoát reo lên : - Ông ơi, chú ấy nói tiếng mình, chú ấy đã tỉnh lại ! Thế là thoát rồi ! Không rõ các bạn có được may mắn như mình không ? Trí óc tỉnh táo đã hẳn, nhưng tôi vẫn cảm thấy còn mệt. Tai tôi cảm nhận rất rõ tiếng bước chân lạo xạo trên cát của nhiều người và rồi có ai đó di mạnh ngón tay lên huyệt đạo của môi trên ngay bên dưới sống mũi tôi. Tôi tỉnh hẳn và lần này mở to mắt nhìn mọi người đang vây quanh : - Tôi... đang ở....đâu đây ? - A, chú tỉnh hẳn rồi ! Tôi ngồi nhổm dậy và thấy quanh mình, ngoài hai ông cháu còn khoảng mươi người nữa hầu hết là thanh niên nam nữ. Ông già râu tóc muối tiêu, nét mặt phương phi, đôi mắt rất nhanh nhẹn, tinh anh. Thanh niên ai nấy đều khoẻ mạnh, vạm vỡ, còn các cô thì cô nào cũng duyên dáng, đẹp xinh. Mọi người hầu hết đều mặc những bộ quần áo nâu sồng, may theo kiểu cũ ở các vùng nông thôn miền Bắc ngày trước. Thanh niên buộc búi tó sau gáy. Phụ nữ tóc buộc khăn quấn trên đầu, mặc yếm đào, áo nâu, váy đen, rộng và dài đến khuỷu chân. Còn trẻ con thì đầu cạo trọc để chỏm, con trai một chỏm ở giữa, con gái hai chỏm hai bên. Theo lời chỉ bảo của ông cụ, hai thanh niên đến xốc nách và dìu tôi đứng dậy dẫn về ngôi nhà gần nhất. Những người khác phải giải tán, trở về với công việc đang làm của mình. Tôi nhìn kỹ ngôi nhà. Không có rào giậu. Nhà tuềnh toàng hai gian, vách ghép bằng gỗ tấm, mái lợp lá dừa, rất giống những căn nhà phổ biến của xứ dừa nghèo nước ta. Lần đi này, đoàn chúng tôi vẻn vẹn có năm người, chưa kể tài công. Kế hoạch thăm dò tiến hành trên thềm lục địa duyên hải miền Trung. Chiếc tàu nhỏ thôi, tôi không biết bao nhiêu mã lực. Trong khi đang làm việc vào gần trưa, chúng tôi nhận được tin từ đất liền là có cơn bão với sức gió cấp mười một xuất hiện. Chưa kịp xoay trở lui tàu, trời đang sáng sủa bỗng tối sầm, mây đen vần vũ kèm theo mưa quất rát mặt. Một con sóng khủng khiếp cao bằng tòa nhà năm tầng bất chợt ào tới chụp gọn con tàu của chúng tôi. Tàu bỗng chốc vỡ tan, hất văng tất cả mọi người trên boong xuống biển. Tôi ngoi ngóp trong sóng dữ, sặc sụa vì nước biển ập vào miệng mặn chát và chới với theo bản năng vớ lấy một tấm ván không biết từ đâu đến đang vật vờ trôi kề bên. Bấu chặt vào nó, tôi ngất đi và không còn biết gì nữa. 2
  3. Không hiểu làm thế nào mà tôi lại trôi giạt lên mảnh đất này. Người xây xát, da thịt rớm máu ngay tại những chỗ rách tả tơi của chiếc áo sơ mi trắng mới mua trước lúc lên đường. May mà tôi mặc chiếc quần gin dày cộp và mang đôi giày leo núi nên phần cơ thể từ thắt lưng trở xuống không việc gì. Mọi người ở đây rất ít nói, nhưng qua ánh mắt của họ nhìn tôi, tôi yên tâm vì không có biểu hiện gì là thù hằn hay cảnh giác. Ông già nhìn ngắm tôi một lúc, bấy giờ mới lên tiếng : - Anh nghỉ tạm tại nhà con gái tôi đây để chữa các vết thương và dưỡng sức rồi sau sẽ tính. Chị Hương - cô gái chủ căn nhà tên là Hương đang đứng gần đó - ra sau nhà hái nắm lá dấu rịt các vết thương cho anh. Ta về đây. Sẽ cho người đem đến chai rượu thuốc để giúp anh mau lại sức. Ông gật đầu chào tôi và bước ra. - Ông về ạ ! – Tôi chào ông đáp lễ. Theo cách nói năng của ông và thái độ cung kính của mọi người, tôi đoán ông có lẽ là người lãnh đạo ở đây. Trời đã về chiều. Tôi phân vân không biết đây là đâu, đất liền hay hải đảo, có người lạ xâm nhập mà không có cán bộ địa phương hay công an đến thăm hỏi như lẽ thường tình ở nhà. Khoảng chừng mười lăm phút sau, Hương từ sau nhà đi lên tay cầm một nắm lá, gọi vọng ra sân : - Tích, con mang nắm lá dấu xuống bếp giã giúp mẹ để rịt vết thương cho chú đây. - Vâng ! – Cậu bé khoảng sáu tuổi đang chơi lò cò trước sân với các bạn bước vào nhận nắm lá của mẹ và đi ra sau. Hương lại gọi vọng ra sân lần nữa bảo một bé gái cỡ chừng năm tuổi : - Vi, cháu về nhà thưa với bố cho cô mượn một bộ quần áo chưa dùng tới đem sang cho chú đây mặc tạm. Còn anh, mời theo tôi ra sau nhà. Trong buồng tắm có sẵn lu nước, anh cởi quần áo giội nước ngọt tắm qua cho sạch rồi tôi bôi thuốc. Quần áo bẩn để đấy tôi giặt. Cái gọi là buồng tắm gồm bốn cọc tre cắm ở bốn góc, trên là mái che bằng lá dừa. Chiếc lu sành to và cao ngang bụng luôn đầy tràn do nước suối trong veo từ đâu phía sau theo máng đổ vào không ngừng. Cái gáo dừa giắt ở bên vách. Cởi bỏ quần áo, tôi giội ào mấy gáo lên người. Nước mát lạnh. Nhìn quanh quất tìm xà phòng nhưng không thấy. Rõ là dân vùng này nghèo hệt như ở một số vùng nông thôn ta, tắm không cần xà phòng. Sau đó, xúng xính trong bộ cánh nâu lạ lẫm, tôi đã biến thành một thanh niên nông dân nước Việt cổ thực sự. Ở phòng trên, tôi thấy bày sẵn cái bát đựng lưng nửa nhúm lá xanh đã giã nát. - Anh cởi áo ra, tôi bôi thuốc cho Cô chủ nhà thân hình cân đối, đẹp một cách tự nhiên, dáng dấp một phụ nữ thượng lưu bẩm sinh chứ không có nét gì là quê mùa, cặp mắt long lanh ướt, dịu dàng nhìn tôi. Mặc dù lướt trên mặt tôi, trên người tôi là những ngón tay mềm mại nhẹ nhàng nhưng không cưỡng lại được cái cảm giác xót buốt, tôi nhăn mặt. - Anh gắng chịu. Cháu nó giã lá dấu với muối, xót một tẹo nhưng vết thương chóng lành. Trước đây nhiều người trôi giạt vào vùng này cũng đều bị giống như anh, có người trông còn thảm hại hơn. Vượt qua rặng đá ngầm lởm 3
  4. chởm cùng dải san hô rộng lớn, không cơ thể nào tránh khỏi bầm giập. Nào, xong rồi. Anh mặc áo lại nằm lên chõng nghỉ một lúc – Nói rồi, chị bước xuống bếp chuẩn bị cơm tối. Một cái chõng lát bằng thanh tre cật đã lên nước bóng trụ trên bốn chân vững chãi chôn hẳn xuống nền đất. Cái gối bằng sợi mây đan lên bộ khung hình hộp chữ nhật đặt ở đầu giường. Tôi ngả lưng, lim dim mắt trong tiếng sóng rì rào, tiếng chim líu lo rộn rã và mùi thơm tự nhiên, mùi của hoa thoảng trong gió mà bây giờ, bình tâm lại tôi mới nhận thấy. Tôi chợt nghĩ nếu tổ chức chọn nơi này làm du lịch sinh thái thì tốt biết mấy. Những năm kháng chiến, dân ta thiếu thốn đủ thứ, cơm không đủ no cá thịt quý hiếm, nhưng chim chóc nhiều vô kể có ai nghĩ đến chuyện săn bắt chúng để cải thiện bữa ăn đâu. Thế mà bây giờ, nước ta đã chuyển sang thời bình no đủ, trong bữa ăn nhiều nhà thịt cá không thiếu, hà cớ gì mà bao nhiêu chim chóc đều bị bắt sạch, cung cấp cho các nhà hàng đặc sản, đáp ứng thú vui cho một số người bệnh hoạn ? Hóa ra, những sinh linh bé nhỏ đó phần nào bị vạ lây trong cuộc chiến tranh của con người, giờ số còn lại tiếp tục bị tận diệt ngay trong thời bình của con người. Tôi đã từng sống một thời gian bên cạnh một tiệm bán cà phê giải khát ở thành phố Hồ Chí Minh. Sáng ra ngủ dậy, tôi đã nghe tiếng hót líu lo của nhiều chú chim và quá đỗi ngạc nhiên. Nhưng hỏi ra mới biết đó là tiếng hót của những chú chim lồng. Một số người chơi chim có lệ mang theo lồng chim đến tiệm cà phê buổi sáng, sau khi điểm tâm xong họ lại mang lồng về. Tôi chợp mắt dễ cũng được một tiếng, nghe tiếng bát đĩa khua lạch cạch, ngồi nhổm dậy. Trời đã sụp tối từ khi nào. Trên bàn, một ngọn đèn đất thắp bằng dầu dừa tỏa sáng. Ngọn lửa lung linh của đèn hoàn toàn không có khói đen sì như đèn dầu hỏa mà ta thường thấy. Tôi đoan chắc ở vùng này, người dân chưa từng biết đến xăng dầu là gì. - Nào, mời anh ngồi vào bàn. Tích, xới cơm ra bát đi con. Nhà chỉ có hai mẹ con, cộng thêm tôi là ba. Ba người ăn nhưng cái nồi đất nấu cơm cỡ cho năm người đầy vun. Cơm hạt nhỏ, dài trắng tinh, vừa dẻo vừa thơm ngào ngạt, đúng là nấu từ gạo tám xoan. Trên chiếc mâm gỗ mộc, chén, bát, đĩa cùng đều bằng đất nung. Đũa vót từ cật tre. Tất cả chế tác từ vật liệu thiên nhiên. Bữa ăn gồm những món truyền thống quen thuộc của người Việt Nam vùng quê : một bát canh rau ngót nấu nấm rạ, một đĩa rau khoai lang luộc chấm với tương, một đĩa cá kho và một đĩa tôm xào thơm lừng mùi dầu dừa tự nhiên. - Mời anh. Con mời chú đi con. - Mời chú xơi cơm ạ. - Cám ơn. Mời chị và cháu. Nhịn đói đã mấy ngày cộng với lạ miệng nên tôi ăn rất ngon. So với bình thường, tôi đã chén liền một lúc bằng số lượng gấp đôi. Trong khi ăn, tôi vẫn cứ thắc thỏm không biết đây là nơi nào. Nói giọng Bắc, chắc chắn họ gốc miền Bắc rồi, nhưng mà là nơi nào trên miền Bắc, đất liền hay hải đảo. Đồ dùng bằng nhựa hiện tràn ngập cả nước, thành thị, nông thôn, vùng sâu, vùng xa đều có cả, nhưng đây là nơi nào mà chúng chưa đến được ? Cũng chưa tiện hỏi đời tư của họ và điều lạ lùng nữa là ông cụ hoàn toàn tin tưởng bố trí cho tôi ở đây, căn nhà chỉ có hai người một lớn một bé, người mẹ trẻ và giòn kiểu gái một con. 4
  5. Gần cuối bữa cơm, chị chủ nhà rót rượu từ chiếc bầu khô nhỏ cạnh mâm một ly đưa cho tôi, chất men vàng óng sóng sánh và lên tiếng : - Mời anh ly rượu giải hàn. Bầu rượu sâm rừng của ông cụ vừa bảo người đưa sang cho anh uống sau bữa cơm. - Cảm ơn chị. Ông cụ chu đáo quá - Ông cụ còn muốn gặp anh sáng mai nói chuyện. Anh biết không, cụ có vẻ rất quý mến và cảm tình với anh, điều này hiếm khi xảy với những người lạ. Có thể anh cùng dòng máu Việt như chúng tôi, ngoài ra còn nhiều lý do khác nữa mà chỉ có cụ nói ra mới biết được. À, mà xin lỗi anh tên gì nhỉ ? - Tôi tên Nam. - Nhìn bộ dạng anh, mặt mũi trắng trẻo, chân tay mềm mại, chắc anh không thuộc dân chài lưới bị đắm thuyền chứ ? - Vâng, đúng vậy. - Anh làm nghề gì, ở đâu, sao trôi giạt đến đây ? - Tôi làm nghề địa chất. Đắm tàu chứ không phải đắm thuyền. Trong khi thăm dò thềm lục địa, tàu tôi gặp bão lớn, khoảng trưa ngày 15 tháng 5. Theo phản xạ tự nhiên, tôi đưa tay nhìn đồng hồ. Chiếc đồng hồ vỏ nhựa chỉ giờ, ngày và thứ trong tuần, mặt có thêm kim nam châm dùng như một la bàn, thuộc loại chống thấm nước vẫn còn hoạt động. Kim đồng hồ chỉ 6 giờ 20 chiều thứ hai ngày 17. Thế là tôi đã lênh đênh trên biển hơn một ngày trời, trưa ngày 17 dân ở đây tìm thấy tôi nằm mé bãi. Ấy là nhờ nước thủy triều lên và sóng đã đẩy tôi lướt trên đỉnh của rừng san hô và rặng đá lởm chởm vào bờ. Nhìn nét mặt của hai mẹ con khi nghe tôi trả lời, tôi biết chắc là họ không hiểu được gì nhiều, nhất là cái vật đen nhỏ tôi đeo trên tay vừa đưa lên xem. Nhưng tôi lờ đi, không phải lúc để giải thích cặn kẽ cho họ hiểu. Tôi cần phải hỏi họ nhiều hơn. - Chị Hương này, đây là đâu hở chị ? - Đảo Mây. - Đảo Mây ? Sao tôi không thấy nó trên bản đồ ? Mình là dân địa chất, tôi tự nhủ, khi thăm dò vùng biển này, mình đã có trong tay một bản đồ khá chi tiết. Nó có tên khác ? Hay nó quá nhỏ không đáng ghi lên bản đồ ? Hoặc là người ta chưa phát hiện ra nó ? Tất cả đều có thể. - Anh không biết là phải bởi vì tên đảo là do ông cụ đặt ra. Ngày đầu tiên, sau khi liều vượt qua lớp mây mù, dân chạy trốn chúng tôi mới nhìn thấy đảo. Thói thường, mây phải bay lên trời, không hiểu sao ở quanh đảo này mây cứ tụ lại trên mặt biển dày đặc mênh mông. Bởi thế, ông cụ mới đặt tên đảo theo chữ Nho là “Vân trung đảo” nghĩa là “Đảo trong mây” hay cứ gọi “Đảo Mây” cho gọn. Hình như ông trời cố tình giấu kín đảo không muốn cho người đến đây. Không có một tàu thuyền nào hoặc nhìn thấy hoặc dám mạo hiểm chui vào lớp mây mù rộng lớn dày đặc này bởi không biết có hiểm nguy nào rình rập ở phía trước. Cho nên, đã lâu lắm rồi, dân đảo chúng tôi không gặp lại ai nhất là người Việt mình. Bây giờ mới gặp được một người là anh... Thực ra, anh không phải là người Việt đầu tiên đến đây từ ngày chúng tôi định cư. - Người Việt đầu tiên là bố cháu – Tích buột miệng nói chen vào. - Tích ! Không được hỗn. Bao nhiêu lần mẹ dặn con rồi mà ! – Chị chủ nhà trừng mắt nhìn thằng bé. 5
  6. Tích xịu mặt : - Con xin lỗi. Tôi thấy thương thằng bé và có linh cảm dường như đã xảy ra chuyện gì ở cái tổ ấm nhỏ bé chỉ có hai mẹ con này. Tôi nói đỡ cho cháu : - Chị đừng mắng cháu. Trẻ con nơi nào, thời nào chẳng muốn gia đình có đầy đủ bố mẹ. - Không phải đâu anh ạ. Chuyện này dài dòng lắm. Để lúc khác tôi kể anh nghe. Anh chuẩn bị rửa ráy chân tay rồi đi ngủ cho lại sức. Anh nằm trên chõng. Mẹ con tôi ngủ trong buồng sau. Tích ! Con bê nồi cơm xuống bếp giúp mẹ. Cô chủ nhà thu gọn bát đĩa lên mâm rồi đi ra nhà sau cùng với đứa con. Tối hôm ấy, tôi đi nằm sớm. Đảo hoàn toàn yên tĩnh, chỉ nghe tiếng sóng rì rầm và tiếng lay động lào xào rất đặc trưng của tàu dừa mỗi khi gió thổi, vừa nhắm mắt là tôi ngủ say ngay không còn biết trời đất, không hề mộng mị. TRÒ CHUYỆN CÙNG ÔNG QUAN NHÀ HỒ CÒN SỐNG ĐẾN HÔM NAY Sáng hôm sau, tôi là người dậy muộn nhất trong số ba người ở căn nhà đơn sơ này. Trên chiếc bàn gỗ mộc mạc, chủ nhà đã dọn sẵn một rổ sắn nghi ngút khói. Bên cạnh là một chiếc ấm đất to đựng nước chè xanh mới hãm. Hai mẹ con biến đi đâu không rõ. Nhà lặng ngắt. Tôi vươn vai tập vài động tác thể dục và ra phía sau rửa mặt. Một đôi lợn thả rông và đàn gà khoảng mươi con đang bới đất tìm thức ăn, loại nhỏ bé trông như gà tre trong Nam, thấy người lạ nháo nhác chạy trốn. Tôi mặc kệ chúng, rửa qua mặt mũi và lên nhà trên ngồi nhâm nhi bữa sáng. Đi qua gian bếp, vẫn cảnh bình thường của những nhà ở nông thôn nghèo. Có hai bếp, mỗi bếp ba hòn đá đầu đen bóng vì muội than kê chụm vào nhau. Quan sát kỹ, tôi hoàn toàn không tìm thấy một mẩu củi hay nhúm tro nào. Quái lạ, ở đây chủ nhà nấu bằng gì ? Lên nhà trên, một mình tôi ngồi thưởng thức bữa sáng. Khoai chấm đường thốt nốt ăn cùng với cùi dừa cắt thành miếng, ngon tuyệt ! Khoảng tám giờ, Hương về. - Anh ăn sáng rồi chứ ? Có được không ? - Cảm ơn chị, rất ngon. Tôi chưa bao giờ được ăn khoai kèm dừa chấm đường thốt nốt vừa ngọt vừa béo như thế này. - Cây nhà lá vườn ấy mà ! À, mà vừa rồi anh nói đường gì ? - Đường thốt nốt. - Đường thốt nốt ? Cái cây giống như cây cọ ấy tên gọi là cây thốt nốt ư ? - Vâng. - Thế mà lâu nay dân đảo chúng tôi vẫn gọi cây “cọ đường” đấy, bởi vì nó khá giống cây cọ mà lại cho đường. - Ở miền Bắc và miền Trung nước ta không trồng cây thốt nốt. Ở miền Nam loại cây này được trồng nhiều ở Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng. Tôi nêu thắc mắc chuyện bếp núc vừa rồi : - Chị Hương này, ở đây ta nấu bằng gì mà tôi không thấy củi lửa ? - À, chúng tôi nấu bằng khí cháy đó anh. Thấy tôi còn ngạc nhiên, cô chủ nhà giải thích : 6
  7. - Chả là thế này. Chuyện tình cờ thôi. Cách nay hơn tháng, cu Tích nhà tôi đang nấu nước thấy gà bươi rác ở bên ngoài vung vãi bẩn thỉu bèn ném một que củi cháy ra xua đuổi. Không ngờ cháu thấy một tia lửa xanh lè phụt cháy ở một cái lỗ nhỏ cạnh que củi. Cháu chạy vội lên bảo mẹ ra sau mà xem, đất phụt lửa cháy, con sờ thấy nóng lắm. Tôi báo với cụ và mọi người trên đảo đổ xô đến nhà tôi xem hiện tượng lạ. Tôi bắc ba hòn đá đun thử nước, không ngờ nước sôi sùng sục. Sau đó, tôi dời luôn nhà bếp ra chỗ có lỗ cháy để tiện việc đun nấu. Các nhà khác thấy thế bắt chước cầm que củi cháy rà mảnh đất xung quanh nhà và cũng tìm thấy các lỗ khí cháy. Thế là từ đó, toàn đảo chỉ dùng khí cháy đun nấu, không nhà nào còn đi vào rừng lấy củi nữa. Ông cụ tôi bảo, tuy vậy phải đề phòng hỏa hoạn, nấu xong phải dùng vung chụp lỗ cháy lại. Tôi bảo : - Không phải chỉ có hỏa hoạn mà khí này độc lắm đấy. Chị thưa với cụ là bảo các gia đình rà xem ở trong các gian, các buồng trong nhà có khí rò rỉ không, nếu có lập tức tưới nước nện đất nền nhà thật kỹ. Ở đất liền có nhiều người bị chết do khí này khi ở trong phòng kín. Còn như gia đình nào ở nhà sàn thì không thành vấn đề. Hương nói tiếp : - Thế ư ? Tôi sẽ nói lại. Bây giờ anh theo tôi đi gặp ông cụ, cụ đang chờ anh. Tôi và Hương ra khỏi nhà, đi dọc theo bờ biển. Bãi cát trắng tinh, sạch bong như đã được người thường xuyên quét dọn, chăm sóc. Phía trong bờ, san sát những hàng dừa trĩu quả. Vài người dân đang trèo đẵn thảy xuống gốc những trái dừa khô. Biển lặn bởi nước thủy triều đang xuống, sóng chỉ gợn lăn tăn do rặng đá ngầm và bãi san hô trải dài mênh mông. Phía ngoài khơi, vẫn là lớp mây mù dày đặc. - Anh thấy lớp mây mù kia không – Hương lên tiếng – Từ ngày dân chúng tôi đặt chân lần đầu tiên đến đây, chưa khi nào thấy mây mù tan. Đảo diện tích hàng vạn mẫu, bốn bề đều bị mây mù che phủ. Thời tiết đông xuân, mây mù còn trùm kín cả đảo, suốt ngày không nhìn thấy ánh mặt trời, suốt đêm cũng chẳng thấy trăng sao. Lúc đi lại trên đảo, ta có cảm giác như đang đi trên mây. Khi có gió, mây trên đảo bị thổi bạt đi, tan dần rồi sau đó mọi thứ trong nhà đều bị ướt nhẹp hết. Nhưng khí hậu ở đây lạ lắm anh, chỉ cần một khắc sau mọi thứ trở nên khô ráo nhanh chóng như có phép màu. Tôi gợi chuyện bỏ dở tối hôm qua : - Chị Hương kể tôi nghe cái câu chuyện mà chị cho là dài dòng ấy đi ! - Chuyện bố cháu Tích ấy ư ? Thật ra, bố mẹ gia đình tôi tự nhận chứ anh ấy không hề biết mình có con ở đây. Mẹ con tôi chờ anh ấy trong vô vọng, xem như anh ấy mất tích, không biết còn sống hay đã chết. Cho nên, sau khi sinh cháu, tôi thưa với bố mẹ đặt tên cho cháu là Tích từ ý nghĩ ông ấy mất tích. - Nhỡ may mắn anh ấy trở về thì sao ? Chị sẽ đổi lại tên cháu chứ ? - Không bao giờ đâu, ông cụ đã bảo thế. Rồi Hương trầm ngâm hỏi lại tôi : - Ở trong đất liền,...anh có biết ông Từ Thức không ? À mà sao tôi hỏi thế nhỉ! Ông ấy là một quan nhỏ làm thư lại trong huyện. Có hàng trăm hàng nghìn ông quan nhỏ trong cả nước rộng lớn, làm sao anh biết được ! 7
  8. - Sao ? Ai chứ ông Từ Thức thì tôi có biết. Bất kỳ già trẻ lớn bé nào là dân Việt bây giờ đều biết ông Từ Thức. - Ông ấy nổi tiếng thế sao ? Ông ấy sau này chắc là được thăng quan tiến chức giữ trọng trách trong triều ? Tôi phì cười. - Không phải đâu. Ông Từ Thức là nhân vật trong một tích chèo, một câu chuyện dân gian đầy thơ mộng. - Anh bảo sao ? - Đại loại là câu chuyện bịa ra đưa lên chiếu chèo diễn mua vui đó mà. - Không ! Không bịa đâu anh. Ông ấy có thực đấy ! Thế người ta kể thế nào ? - Ông là một nho sĩ sống ở thế kỷ 18, theo một cô tiên đến Bồng Lai tiên cảnh non xanh nước biếc, ham chơi quên về. Được nửa năm khi nhớ nhà trở về thì xóm làng không còn ai thân thuộc. Không còn chút dấu vết gì của ngôi nhà cũ. Ông gặng hỏi người già nhất trong làng có biết nơi này ai tên Từ Thức không, cụ già bảo ngay từ thời còn bé ông đã nghe nói làng này có ông Từ Thức, đang làm quan trên huyện bỗng nhiên bỏ đi đâu mất, nghe đồn là theo một cô tiên về trời. Hương trầm ngâm, lẩm bẩm : - Không lẽ anh Từ Thức này ? Hay có người trùng tên Từ Thức ? Đã có một ông tên là Từ Thức đến đây ! Câu chuyện chưa ngã ngũ thì hai chúng tôi đã tới trước một cái cổng lớn. Hương bảo : - Đến nhà ông cụ rồi đó, anh ! Tôi và Hương bước qua cánh cổng xây bằng đá, mái lợp lá dừa nhưng thông thống không có cửa, nằm giữa vòng rào bao quanh một khu nhà khá rộng. Ở đây, cổng có lẽ chỉ để trang trí cho thêm phần tôn nghiêm chứ không có mục đích bảo vệ chống kẻ gian xâm nhập. Có thể nó còn nói lên vai trò của ông cụ trên đảo. Bên trong cổng là một cái sân gạch rộng và một căn nhà lớn kiến trúc hình chữ U hoàn toàn bằng gỗ, mái lợp lá dừa. Ngay từ ngoài sân, Hương nói vọng vào : - Bố ơi, con đưa anh ấy đến đó ạ. - Chào cụ ạ ! – Tôi lên tiếng. - Không dám. Mời anh vào ! Hình như ông cụ đang chờ từ lâu, quần nâu áo cánh trắng bằng lụa tơ tằm, vội vàng bước ra cửa đưa tay kéo tôi lên từ bậc tam cấp. Trên bàn, người nhà đã dọn sẵn một ấm chè bằng đất nung màu gan gà, loại thường dùng cho những người sành uống chè. Ông trỏ ghế mời tôi ngồi và Hương bắt đầu rót nước chè ra chén, sau đó cô đi xuống nhà dưới. Mùi chè Thái Nguyên thơm ngát và đậm đà gợi nhớ cho tôi những ngày sống cùng cơ quan nơi sơ tán tại vùng trung du miền Bắc. Kể cũng lạ, ở mãi tận hòn đảo xa xôi này, vẫn có người biết ướp sao chè theo công nghệ Thái Nguyên. - Anh tên gì nhỉ ? – Ông cụ bắt đầu câu chuyện. - Thưa, cháu tên Nam ạ. - Tôi hỏi khí không phải, anh bao nhiêu tuổi, có gia đình chưa, ông bà nhà anh chị em thế nào ? 8
  9. - Dạ cháu hai nhăm ạ. Cháu chưa lập gia đình. Cháu còn bố mẹ. Hai ông bà già cháu hiếm muộn, chỉ sinh có mỗi mình cháu. - Anh cỡ tuổi cháu Hương nhà tôi đó. Anh làm nghề gì và sao bỗng chốc trôi giạt đến đây ? - Cháu làm nghề địa chất, tiến sĩ địa chất. Đang cùng đoàn năm người đi trên tàu thăm dò thềm lục địa. Bão nổi bất ngờ không lui về kịp bị sóng thần chụp làm chìm tàu. Cháu kịp vớ lấy mảnh ván trôi bên cạnh rồi sau đó không còn biết gì nữa. - May cho anh đó ! Lâu nay, không mấy người bị nạn giạt vào đảo này mà còn sống. Sóng biển đã xô anh vào bờ khi nước thủy triều đang lên, còn bình thường, anh bị kẹt trong dãy đá ngầm hoặc rặng san hô dày đặc xung quanh đảo là cái chắc. À, mà anh nói gì nhỉ ? Anh đỗ tiến sĩ kỳ thi đình dưới triều nào ? Anh chuyên về địa lý xem đất đai mồ mả à ? Rõ ông cụ này thật cổ lỗ, cứ như người sống ở thời phong kiến. - Dạ không ạ. Địa chất chứ không phải địa lý. Nghề địa chất tìm hiểu bên dưới đất có những loại khoáng sản gì, tỷ dụ như có than, có quặng kim loại, có mạch nước ngầm, có dầu mỏ không, sau đó đánh giá trữ lượng rồi đề nghị Nhà nước khai thác. Nước Việt Nam hiện nay không còn vua quan phong kiến. Nhà Nguyễn là triều đại cuối cùng, bắt đầu từ vua Gia Long và kết thúc là vua Bảo Đại. Suốt 80 năm cùng với triều đại này, người Pháp đô hộ nước ta. Mãi đến năm 1945, cả nước giành chính quyền, chuyển sang chế độ dân chủ, kháng chiến chống Pháp 9 năm rồi chống Mỹ 20 năm, bây giờ mới hoàn toàn độc lập. Ông cụ nghe tôi nói không giấu nổi ngạc nhiên. Tôi phải hỏi lại cụ : - Thưa cụ, thế cụ cho rằng nước ta đang ở thời đại nào ? - Ta không rõ nên mới hỏi anh đây. Không giấu gì anh, ta chính là quan tư đồ (1) nhà Hồ, dưới triều vua Hồ Quý Ly. Vua Hồ soán ngôi nhà Trần nên nhiều quan lại của nhà Trần không phục, không ai chịu làm việc cho triều nhà Hồ. Những người hiền tài đều lánh về quê, dạy học ở ẩn. Để có người giỏi ra giúp nước, ngay từ năm đầu tiên vua đã mở khoa thi chọn người tài, còn trẻ chưa từng là bề tôi hưởng lộc nhà Trần. Trong kỳ thi đình, ta đỗ tiến sĩ đệ nhất đầu bảng, được phong Trạng nguyên. Ta vốn là quan văn, am hiểu ngũ kinh tứ thư. Khi bói quẻ, ta biết nhà Hồ trụ không được lâu do mệnh Trời và cũng còn do lòng người. Sau khi đoạt ngôi nhà Trần, đáng lẽ phải an sức dân, nhưng nhà vua chỉ chú tâm đến công việc phòng thủ, bắt dân xây thành đắp lũy, chế tạo thần công mà không nghĩ rằng lòng người không thuận bởi để dân tình đói khổ. Ta thấy không ổn nên đã bàn với quan đề đốc (2) thủy sư là bạn chí cốt vừa đồng hương vừa đồng môn của ta rời bỏ đất nước tìm nơi ẩn thân. Lúc đầu quan đề đốc bảo làm thế là không trung với vua. Ta phải nói lý là “tam cương ngũ thường” do người Tàu đề ra chứ không phải của ta. Nước ta từ thời các vua Hùng cho đến nay quan niệm khác Tàu. Làm quan là phải trung với nước, hiếu với dân. Vua quan chỉ là nhất thời, dân nước mới là vạn đại. Vua hiền thì được lòng dân, trị vì được lâu, còn không thì triều đại khác lên thay là lẽ Trời. Nếu vua không ra gì mà bề tôi cứ một mực trung thành theo kiểu người Tàu thì sẽ chẳng được gì. Ta còn nói, theo quẻ đã xem số --------- (1) Tư đồ – chức quan to thời xưa có nhiệm vụ khác nhau tùy triều đại, (2) Đề đốc – chức quan võ chỉ huy quân đội trong một tỉnh thời phong kiến. 9
  10. mệnh của ta và quan đề đốc khá đặc biệt, quá tuổi ba mươi phải bỏ xứ mà đi chứ không được thờ vua. Thế thì ta theo mệnh vua hay theo mệnh Trời ? Đến lượt tôi không giấu nổi ngạc nhiên khi nghe ông cụ nói như nói chuyện cổ tích chứ không phải chuyện hiện tại. - Xin lỗi cụ, cháu hỏi khí không phải. Lúc bỏ xứ ra đi cụ bao nhiêu tuổi và bây giờ cụ bao nhiêu tuổi ? - Lúc đó ta ba hai, còn bây giờ ta đã sang tuổi năm bảy rồi ! Đầu óc tôi bỗng rối tung lên. Hồ Quý Ly đoạt ngôi nhà Trần, làm vua từ năm 1400 cách nay đã là 580 năm. Chỉ 7 năm sau, giặc Minh lật đổ nhà Hồ, xâm chiếm đất nước. Nếu thời đó ông cụ 32 tuổi bỏ xứ mà đi vào năm 1407 thì bây giờ cụ phải 612 tuổi rồi, chỉ thua ông Bành Tổ sống đến 800 năm. Thế mà cụ nói mới đến tuổi 57. Có cái gì ẩn khuất ở đây chăng ? Lẽ nào ông cụ bị bệnh tâm thần ? - Hồ Quý Ly là một ông vua thông minh, có nhiều tài năng trong việc kinh bang nhưng cũng lắm thủ đoạn làm nhiều người không phục. Bình sinh, ông có hai bạn thân, một quan văn là Phạm Cự Lượng, một quan võ là Nguyễn Đa Phương. Tuy ông Phương vừa là bạn chí cốt vừa là con thầy dạy võ của mình nhưng đã bị ông Ly hại chết. Con người này – chỉ ông Hồ Quý Ly – thông minh tài trí nhưng thiếu lòng nhân nghĩa. - Thế từ bấy đến nay, cụ có biết tình hình vua quan nhà Hồ và giặc Minh đã xâm chiếm nước ta kết cục thế nào rồi ? - Ta có biết một ít khi Từ Thức đến đây. - Từ Thức ? … Tôi thực sự không giấu nỗi ngạc nhiên. Chưa kịp hỏi gì thêm thì Hương từ nhà dưới đi lên, ngắt ngang câu chuyện : - Bố, anh Nam chưa lại sức chắc anh ấy mệt rồi. Bố cho anh ấy về, mai hai người tâm sự tiếp. - Phải đấy, mải câu chuyện, ta quên khuấy đi mất. Anh về nghỉ đi, mai ta lại tiếp tục. Ta cần hỏi anh nhiều điều lắm đó. - Dạ chào cụ ạ ! - Không dám. - Chào bố, con về ạ. Hương tay xách nách mang lỉnh kỉnh mấy thứ. Tôi đón lấy mang hộ cô cái bầu khô đựng chất nước gì đó lắc có vẻ đậm đặc. Hương bảo đó là mật ong rừng mẹ cô cho cùng với giỏ trứng đem về bồi dưỡng anh mau chóng lại sức. Ra khỏi nhà ông cụ, Hương lại tiếp tuc câu chuyện bỏ dở. - Cụ tôi bói quẻ giỏi lắm đó, anh. Cụ biết trước khoảng mấy ngày là anh sẽ đến đây. Cụ nói vui là sẽ có khách quý, người tộc Việt. Cho nên khi nhìn thấy anh nằm trên bãi biển, không ai ngạc nhiên. Cụ còn bảo anh có duyên nợ với hòn đảo này. - Vừa rồi, cụ có nói với tôi cụ là quan triều Hồ Quý Ly đúng không ? - Đúng. - A,..thôi được. Chị hãy kể chuyện ông Từ Thức đến đây như thế nào đi. Hương trầm ngâm một lúc không trả lời ngay mà hỏi ngược lại tôi : - Thế ở trong nước, ngoài Từ Thức ra, người ta có biết Giáng Hương không ? 10
  11. - Sao lại không ? Nếu không có Giáng Hương, làm sao có chuyện Từ Thức ? - Thế người ta đặt chuyện về Giáng Hương như thế nào ? Tôi kể ra những điều đọc được ở sách : - Nhân dự lễ hội chùa Thầy thờ sư Từ Đạo Hạnh, Từ Thức bỗng thấy một cô gái xinh đẹp đang bị người nhà chùa bắt giữ đòi tiền đền mấy nhành hoa trồng trong vườn bị cô vô ý làm gãy. Cô gái không mang theo tiền lúng túng chưa biết làm sao thì Từ Thức cởi chiếc áo dài đang mặc đền giúp cô. Để trả ơn cứu giúp, cô gái – thực chất là cô tiên – mời Từ Thức về nhà chơi, tức là đến Bồng lai nơi tiên ở. Chừng nửa năm sau, Từ Thức nhớ nhà đòi về. Khi về đến nhà hỏi ra mới biết mình mất tích đã 70 năm, mọi người thân quen không còn ai. Từ Thức buồn bã quay lại Bồng lai... - Anh kể hết chưa ? - Đại khái là như vậy. - Tôi chính là Giáng Hương đây, anh có tin không ? Tôi đột ngột quay ngoắt ra sau nhìn Hương. Qua ánh mắt, tôi không tìm thấy vẻ gì là đùa cợt ở đây. - Sao ? Chị là... - Là nàng Giáng Hương rủ rê Từ Thức đến chốn Bồng Lai. Giáng Hương chẳng phải là tiên, còn chốn Bồng Lai chính là đảo này đó ! - Chuyện ông Từ Thức cách nay hơn hai trăm năm, còn chị mới tuổi 25 theo như cụ nói ? Bây giờ đến lượt cô tiên bàng hoàng. - Anh Từ Thức mới trở về nhà cách nay sáu năm thôi ! Sao lại có chuyện trùng người trùng tên cách đây hai trăm năm ? Và rồi cô tiên bật khóc. Cô nức nở kể : - Khi sinh cháu Tích, ông cụ bói quẻ nói là cháu không bao giờ gặp được bố, nghĩa là anh ấy còn gia đình bố mẹ và công việc ở huyện nên không muốn trở lại đây. Vả lại anh đâu biết là mình có con với Giáng Hương mà trở lại. - Sao chị không vào đất liền tìm ông ấy ? - Ông cụ lần này không cho, nói là sẽ gặp rủi nhiều hơn may, vả cái số của tôi là không được gặp ông ấy lần thứ hai. Bố tôi không muốn cãi mệnh Trời. Tôi có linh cảm là bố tôi còn điều gì đó không muốn nói ra. Tôi chợt cảm nhận là có điều dị thường ở đây. Ở hai vùng đất khác nhau mà hai câu chuyện trùng nhau như một cặp sinh đôi, chỉ có điều trong đất liền là câu chuyện ảo còn ở đảo này là câu chuyện thực. Tôi tò mò muốn biết câu chuyện thực mới xảy ra tại đảo cách đây sáu năm như thế nào. - Chị kể tôi nghe câu chuyện chị đến chùa Thầy gặp ông Từ Thức thế nào đi. - Vâng. Sau đây là chuyện kể của Giáng Hương. CHUYỆN KỂ CỦA GIÁNG HƯƠNG Tôi được bố mẹ sinh ra trên đảo này. Từ bé, tôi đã từng nghe kể về nước Việt quê hương xứ sở mà những người lớn ở đây đã vội vàng rời bỏ để tránh giặc Minh sắp xâm chiếm bờ cõi. Thế giặc mạnh lắm mà lòng dân ly tán nên nhà Hồ chắc không chống cự nổi. Ở lại nhất định sẽ bị giết hoặc bị bắt sang Tàu. 11
  12. Không rõ bây giờ nước đã có vị vua nào đứng dậy đánh đuổi giặc Minh giành lại độc lập cho dân mình chưa ? Tôi có hỏi hai cụ tại sao không thử tìm về thăm lại quê hương, nhưng hai cụ không dám mạo hiểm. Đang sống yên vui bỗng nhiên rủ nhau về, chẳng may chui đầu vào hang hùm thì sao ? Giặc Tàu đã từng cai trị nước ta cả nghìn năm, mới hơn mươi năm thôi, chắc gì ta đã giành lại đất nước thoát ách ngoại xâm. Nhưng tôi có ý nghĩ ngây thơ là nếu bố mẹ không đi thì mình đi. Trong nước, bố từng làm quan to trong triều mới sợ chứ mình còn trẻ lại là con gái, sẽ chẳng ai thèm để ý đến mình. Ý nghĩ này nung nấu cho đến khi tôi tròn 18. Tôi xin phép gia đình, không hiểu sao bố tôi đồng ý ngay mà không chút đắn đo. Tôi nghĩ thầm trong bụng “Thế là Trời cho phép rồi !”. Cái lệ ở đây, hễ ai muốn làm gì phải đến thưa cụ trước, nếu cụ không đồng tình thì chớ có dại dột tự làm theo ý mình. Cụ ngăn là Trời cản đó. Ra đảo còn có quan đề đốc nhưng là con nhà tướng mà ở cái xứ không quá dăm chục mống sống trong cảnh thanh bình này nên không có đất dụng võ. Bố tôi là quan văn, am thông kinh Dịch, bói toán và lại biết nghề y nữa nên là linh hồn, là cuộc sống tinh thần của toàn đảo. Ở đảo lúc nào cũng sẵn hai loại bè, làm bằng tre lồ ô. Loại dùng cho dân đánh cá thì đơn sơ. Còn loại chuyên đưa ra khỏi đảo những khách không mời thì bền chắc hơn, có mái vòm để trú mưa nắng, có buồm, chèo, sào chống và tùy theo số phận mà được chu cấp thêm lương thực, nước uống nhiều ít hay không có. - Tại sao phân biệt đối xử như vậy ? - Nêú giạt vào đảo là xác chết thì đương nhiên không có lương thực nước uống rồi. Dân đảo không dành đất chôn người lạ. Nếu từ biển đến thì phải trở lại biển thôi. Lương thực nước uống cho người sống nhiều ít bao nhiêu là do cụ quyết định. Cụ biết rõ khách lạ cần bao nhiêu thời gian để về được đất liền hoặc gặp thuyền cứu hoặc sẽ làm mồi cho biển cả. - Những người còn sống có ai xin ở lại đảo không ? - Nếu ai xin không phải người Việt thì cụ không bao giờ nhận. Sau khi chữa lành vết thương, cụ cho khách uống thuốc ngủ kéo dài khoảng một ngày, buộc dây ngang người vào cột buồm và cho người đẩy bè ra khỏi lớp mây mù. Như vậy là tôi có sẵn bè chắc chắn. Ở nhà, mẹ và chị dâu chuẩn bị lương thực, nước uống đầy đủ là tôi lên đường một mình. Bác đề đốc cho tôi mượn chiếc la bàn và dặn cứ lái bè về hướng Tây thì thế nào cũng đến đất liền. Lâu nay, sống trong khung cảnh bị vây quanh bởi vành đai mây mù hạn chế tầm nhìn, bây giờ một mình một bè bé nhỏ giữa biển nước mênh mông không thấy đâu là bờ, tôi cảm thấy mình thật nhỏ nhoi và cô đơn lạ lùng còn hơn cả chiếc lá lìa cành rơi xuống trôi nhanh giữa dòng suối trong trên đảo. Lênh đênh trên biển mất một ngày một đêm, sáng tinh mơ hôm sau đến đất liền. Tôi tìm một ghềnh đá kín đáo buộc giấu bè rồi lên bờ. Từ bé lớn lên chỉ biết có đảo, bây giờ lên đất liền, nhìn cái gì cũng thấy lạ lẫm. Hôm ấy đúng ngày hội chùa Thầy. Dân ở đấy hình như nghỉ làm, đua nhau đi trẩy hội rất đông vui. Có điều làm tôi yên tâm là ai cũng nói tiếng Việt và cách ăn mặc của tôi không có gì khác với các cô gái vùng này. Bởi vậy, tôi hòa mình vào đám đông và dòng người trẩy hội dễ dàng. Gần trưa bụng hơi đói. Tôi chú ý đến một bà cụ đang 12
  13. ngồi trên đòn gánh giữa hai cái thúng to. Hỏi bà làm gì, bà bảo bán bánh đúc. À, món này rất quen đối với tôi. Ở nhà, tôi và dân đảo thường được ăn trong dịp lễ, Tết. Bà hỏi tôi : - Cháu lấy một đĩa nhé ? - Vâng ạ. Nhưng... Tôi chợt nhớ mẹ và chị dâu dặn ở đất liền, không ai cho ăn không, mà phải trả tiền. Nhưng tiền là gì, tôi chưa nhìn thấy bao giờ. Tôi đành phải thú thực : - Cháu không có tiền, bà ạ. Bà già lom lom nhìn tôi. Tôi không đoán được bà đang nghĩ gì. Bỗng bà bảo : - Chuỗi hạt cháu đeo ở cổ là của cháu đấy à ? - Vâng ạ. - Thế mà cháu bảo không có tiền ! - Cháu nói thật đấy. - Thế tiền đâu cháu mua chuỗi hạt kia ? Tôi sợ nhất điều mà bà già nghi vấn : ăn cắp. Cái từ này, mỗi lần nhắc lại mọi thói hư tật xấu của quê hương đất tổ khi xưa nhưng ở đảo không bao giờ có, bố mẹ tôi đều nhắc tới. Tôi tìm kế chuồn cho nhanh : - Bố mẹ cháu cho đấy ạ. Thế cháu ăn xong, trả bà chuỗi hạt này nhé ? - Mô Phật ! Nhà giàu nào có con cái khờ vậy ? Cháu cứ bứt trả lão một hạt thôi, cháu muốn ăn bao nhiêu đĩa cũng được. Tôi đón từ tay bà một đĩa bánh nhìn rất ngon mắt và cũng quá nhiều. Tôi lượng sức, dùng đũa gạt bớt mấy miếng vào thúng rồi ăn vội cho xong. Đoạn tôi tháo dây chuỗi ra khỏi cổ, bứt ra hai hạt đặt vào lòng bàn tay bà lão. Bà sững người ngạc nhiên : - Kìa cháu... Nhưng tôi đã lẩn nhanh, không nghe được những tiếng sau của bà. Thế là tôi biết giá trị ở đất liền của những viên ngọc trai này rồi. Không tiền nhưng dùng được ngọc trai thay thế. Mà xem ra, bà lão còn có vẻ thích lấy ngọc trai hơn tiền. Để khỏi bỡ ngỡ trong những tình huống lạ lẫm, tôi nảy ra ý nghĩ phải tìm bạn đường. Nhìn phía trước thấy có một cô gái ăn mặc diêm dúa rõ ra con nhà giàu đi một mình, tôi dấn nhanh lên, gạ : - Này bạn, mình không đủ tiền để đi tới hội chùa nhưng mình có ngọc trai, bạn giúp mình chứ ? Cô gái trông cũng xinh, tướng người phúc hậu, nhỏ hơn tôi một vài tuổi gì đó, nhìn tôi có vẻ thăm dò một lúc, sau đó gật đầu đồng ý. Vừa đi vừa chuyện trò, tôi mới biết cô bạn con nhà làm đồ trang sức giàu có trong vùng. Đúng là mình gặp may. Từ đó chúng tôi như hình với bóng, cùng đi, cùng nghỉ, cùng ăn vặt dọc đường, cùng dâng hương, lâm râm khấn vái và rút thẻ xem số, tất thảy cô bạn đều trả tiền. Khi nhận thấy người nhận thẻ đoán số trố mắt nhìn tôi với vẻ sững sốt, tôi vội kéo tay cô bạn lủi nhanh chứ không dám ở lại nghe phán. Vì vội vàng, tôi đã ngã vào vườn hoa làm đổ gãy mấy cây bông thược dược rất đẹp. Tức thì không rõ từ đâu, một chú tiểu xông tới níu áo tôi đòi bắt đền. Bạn tôi nói đền bao nhiêu tiền chú tiểu ấy cũng không chịu, chỉ đòi lột áo tôi thôi. Trời ạ, con gái bị lột áo thì còn ra thể thống gì ! Tiền có đó, nhưng ở chùa ai bán áo con gái mà mua. Có một anh dáng vẻ nho nhã thư sinh đứng gần đấy biết được câu chuyện, bèn cởi chiếc áo dài đang mặc đưa cho chú tiểu. Nhìn người đàn ông 13
  14. cởi áo, chú tiểu hơi ngần ngừ, dáng vẻ sợ sệt, miễn cưỡng chìa tay nhận áo. Chúng tôi cảm ơn ân nhân, rồi lẩn nhanh ra cổng. Bạn tôi bảo tu hành còn ghẹo gái, ngữ ấy chết đi quỷ sứ có bắt xuống âm phủ, Phật cũng chẳng cứu. Tôi và cô bạn cùng sát cánh bên nhau trên đường về. Khi đến ngả rẽ chia tay, biết từ giờ về sau không còn cần đến nữa, tôi đưa cả chuỗi ngọc trai cho bạn : - Mình cảm ơn bạn nhiều lắm. Số ngọc trai cho chuyến đi hôm nay thế này đủ chưa ? Cô bạn quá biết giá trị của ngọc nên thật thà trả lời : - Đâu nhiều đến thế ! Vài viên cũng đủ. Tôi khoát tay : - Được rồi bạn cứ lấy cả đi ! Mình biếu thêm bạn làm kỷ niệm ! Thật tình, qua chuyện này tôi muốn lẩn đi càng nhanh càng tốt. Tôi sợ một điều tệ hại là người ta nghi ngờ chuyện tôi có nhiều ngọc trai và truy tìm tông tích. Trong lúc vội vàng, tôi xô mạnh vào một ai đó làm người ấy liểng xiểng suýt ngã. Ngước nhìn, hóa ra là ân nhân của mình trên chùa. Vừa sững sờ vừa thẹn thùng, tôi lúng túng nói lời xin lỗi. Anh bảo không hề gì, hỏi tôi sao lại vướng chuyện lôi thôi. Tôi nói tôi làm gãy mấy bông hoa nhà chùa, bạn tôi đền tiền nhưng chú tiểu khăng khăng không nhận, bảo người nào làm người ấy phải đền. Chú đòi lột áo tôi đang mặc kìa. Anh ấy cười ngất : - Cô lại bị bắt nọn rồi ! Tôi nói : - Rất cảm ơn anh. May có anh mà tôi thoát nạn. Anh hỏi : - Cô người đâu tới ? Trẩy hội chùa bao nhiêu lần rồi ? Tôi trả lời : - Đây là lần đầu. Tôi sống ở ngoài đảo, đi bè tới đây. Anh có rỗi không, xin mời đến chơi. Muốn giấu tông tích lại mời người lạ ra đảo, thật là điên. Buột mồm nói ra, hối không kịp nữa. Chỉ mong người ta từ chối. Nhưng ngược lại điều tôi mong đợi, anh ấy cảm ơn và nhận lời. Tôi cố cản : - Đi biển gian nan lắm đó ! - Không sao ! - Anh đáp tỉnh bơ. Tôi nghi ngờ anh đang có tâm sự gì đây. Chịu đi theo một cô gái chưa hề quen. Thôi được, chắc là ông Trời định như thế, nếu không ông cụ đã dặn trước mình. Tôi dẫn anh ra chỗ giấu bè trong cảnh nhập nhoạng tối. Chiếc bè vẫn còn đấy. Tôi chỉ cho anh thấy : - Ta đi ra đảo bằng chiếc bè này. Phải hơn một ngày đêm mới tới đảo. Tôi lội xuống nước, anh bì bõm lò dò theo sau. Tôi dựng cột, căng buồm rồi ra sau giữ tay lái. Gió đêm thổi mạnh nên bè lao băng băng ra khơi. Tôi nhờ anh mồi lửa thắp cây đèn gió và canh la bàn cho tôi lái bè trực chỉ hướng Đông. Trời đêm mịt mù không thấy trăng sao. Nước biển dập dình đen như mực tàu. Bè cứ thế mà lướt gió. Lâu lắm không nghe anh nói năng gì. Tôi phá vỡ bầu không khí e dè ban đầu : - Trong khoang có đủ thức ăn nước uống. Tối rồi, anh lấy bánh chưng bánh dầy ra đây ta cùng ăn. 14
  15. Bên ánh đèn, anh hí hoáy mở lạt bóc lá bánh chưng đưa cho tôi một chiếc. Để tiện lúc đi đường, mẹ và chị dâu tôi chỉ gói bánh chưng cỡ nhỏ bóc lá ra là ăn ngay khỏi phải cắt. Tôi tò mò hỏi : - Anh làm nghề gì ? - Thư lại ở huyện. - Quý danh ? - Từ Thức. - Còn tôi tên Giáng Hương - Giáng Hương ? Cái tên đẹp làm sao ! Như một bài thơ. Mà cô cũng đẹp người rất xứng với cái tên. Cụ nhà khéo đặt đó. - Anh quá khen. Ở đảo, tôi chưa bao giờ được ai khen đẹp, con gái cỡ như tôi nhiều lắm. - Trong đất liền huyện tôi, cô thuộc hạng nhất nhì đó. - Ở nhà, cụ tôi vẫn thường bảo đẹp người không bằng tốt nết. - Cụ nói chí lý. Sống với nhau, tốt nết mới được lâu bền. Nhưng tốt nết mà cả đẹp người nữa thì càng hay chứ sao ! À mà này, theo cách đặt tên cho con, theo lối răn dạy người nhà, tôi đoán cụ không phải dân chài lưới ? - Anh nói đúng ! Cụ tôi từng làm quan trong triều. - Hóa ra, cô là con quan cơ đấy. Cũng khá khen cho cô chiêu con quan. Một mình thân gái dặm trường dám xông pha biển cả mà không sợ gì sao ? - Nhưng anh cũng thế đấy thôi ! - Lúc đầu tôi nghĩ đảo chỉ gần đây, đi giỏi lắm một canh giờ là cùng. Không ngờ lúc sắp lên bè, cô mới bảo khoảng hơn ngày giời. Thú thật, lúc đó tôi... cũng thấy chờn, nhưng sau lòng tự ái bảo tôi lẽ nào mình thua kém nữ nhi, thế là liều cùng cô một phen. Tôi cười ngất : - À ra thế ! Lúc mới lên bè, nhìn anh dáng vẻ trầm ngâm không nói, tôi không hiểu anh đang nghĩ gì. Té ra quân tử đang vấn lương tâm mình xem có còn xứng danh quân tử nữa không đấy. Anh cũng cười : - Được rồi, tôi chịu thua cô. Lên bờ đừng có mà đặt điều nói xấu tôi đấy nhá ! - Rành rành ra đấy mà bảo đặt điều. Nhưng tôi không có tâm địa tiểu nhân đâu, anh khỏi lo. Một lúc sau, anh hỏi : - Nhà cô Giáng Hương có mấy người ? - Bố, mẹ, ông anh cả đã lập gia đình riêng, một con. Bà chị hai ốm chết trong khi chạy nạn. Tôi là con gái út. - Nhìn cảnh này, tôi cứ tự hỏi làm sao mà một quan ông dám đánh cược số mạng cô gái rượu của mình với Hải vương ? - Anh không biết đấy thôi, bố tôi rất giỏi tướng số. Ông đã nói gì thì sự việc cứ thế xảy đến, không chệch đi đâu một ly một lai. Ông bảo số tôi hơi đặc biệt so với mấy cô gái trên đảo. Nhưng ông không nói rõ. Ông đã cho phép đi là cứ yên tâm đi. Lúc chiều, nhỡ lời mời anh ra đảo, sau hối lại không kịp. Anh đã nhận nhời, mình lại thoái thác thì đâu còn là... quân tử, à không, đâu còn là gái đứng đắn. Tôi sợ bố trách mắng, nhưng sau nghiền ngẫm tôi có quyền cãi lại bố vì sao 15
  16. biết chuyện sắp xảy đến mà không dặn con trước. Vậy đương nhiên anh được bố tôi cho phép ra thăm đảo rồi đó ! Chúng tôi chuyện trò quên cả buồn ngủ. Tôi hướng dẫn anh cách cầm lái và dõi theo la bàn để cho anh chỉnh hướng. Chỉ lúc sau là anh thành thạo ngay. Cuối cùng rồi cũng qua đêm. Sáng tinh mơ, trời trong veo không một áng mây. Nhìn thấy rõ một đường cong tuyệt mỹ ngăn đôi giữa trời và biển. Ngay chính trước mặt, vùng trời bắt đầu ửng hồng và không lâu sau, một quả cầu lửa như đã đẫy giấc một đêm dưới đáy biển từ từ nhô lên. Mặt trời sau đó lên cao chừng con sào là tỏa sáng rực rỡ chói mắt, không thể nhìn thẳng. Cảnh này đối với tôi rất lạ, từ bé đến giờ mới thấy, bởi vì ở đảo quanh năm mây mù trấn giữ chân trời. Ở đây, chỉ có trời và biển. Vòm trời trong xanh điểm mấy áng mây trắng hững hờ trôi. Mặt biển mênh mông lượn sóng nhấp nhô. Buồm no gió kéo bè của chúng tôi rẽ sóng lao nhanh về phía trước. Đôi lúc có những đàn cá heo rượt đuổi và vượt lên trước bè chúng tôi, vừa phóng ào ào trên sóng vừa kêu rin rít như thể chào hỏi bạn đường. Khi mặt trời hạ xuống về phía Tây cách đường chân trời khoảng con sào, chúng tôi nhìn thấy đám mây mù trước mặt. Khi bè đã vào bên trong, tôi hạ buồm vì không còn có gió nữa. Hai người ra sức chèo và theo la bàn chỉnh bè đúng hướng Đông. Không khí ẩm và lạnh nên không thấy mệt. Phải hơn một canh thì bè ra khỏi mây mù và đảo đã lộ rõ phía trước. May gặp lúc thủy triều đang lên nên vừa bơi vừa chống, không mấy lúc bè cặp bãi. Thấy bè của tôi, có mấy người đứng đợi và không khỏi ngạc nhiên nhìn người đàn ông lạ theo tôi lên bờ. Tôi đưa anh Thức vào nhà thì chạm mặt ngay bố tôi trước tiên. - Chào bố, con về đây ạ. Bố không nhìn tôi mà chỉ chú tâm nhìn qua vai tôi, ánh mắt thản nhiên không tỏ thái độ gì có thể gọi là đáng sợ. - Chào bác ạ. Chị Giáng Hương có nhã ý đưa cháu ra thăm bác, thăm đảo. - Mời anh ngồi. Chị dâu tôi hốt hoảng lôi tuột tôi xuống ngay nhà dưới. - Sao em dại thế ? - Ranh con – Mẹ tôi đã nhìn thấy chuyện xảy ra ở nhà trên, mắng té tát – Chị không còn muốn sống nữa hả mà đem của lạ về đây ? - Mẹ thứ lỗi, con nhỡ dại miệng mời anh ấy. Nhưng bố biết trước nên đã không dặn con. - Không dặn thì chớ mời mọc, sao chị lại làm ? Tôi phân bua : - Thật tình con chả hiểu ra làm sao nữa. Con trẩy hội chùa gặp nạn, anh ấy cứu. Đáng lẽ con cảm ơn anh ấy là xong nhưng con buột mồm mời anh ấy về nhà chơi, không ngờ anh ấy đồng ý ngay. Con đâu dám nói lại mình mời là mời lơi mời đùa, sợ anh ấy đánh giá con là gái lăng nhăng không đứng đắn. Chị dâu tôi đem nước lên mời khách, xong xuống bếp chuẩn bị ăn sáng. Tôi cũng ghé mắt nhìn trộm lên nhà trên, thấy hai người trò chuyện với nhau có vẻ tâm đầu ý hợp, tôi thở phào nhẹ nhõm. Xuống nhà bếp, chị dâu gặng hỏi : - Sao em về sớm vậy ? - Em sợ chết khiếp ! Từ bé em chỉ biết có đảo, chưa bao giờ đặt chân lên đất liền, hoàn toàn lạ cảnh lạ người. Đi xa mà không một chinh lận lưng. Ăn bánh 16
  17. đúc không tiền trả, bà lão gợi ý trả hạt ngọc trai em đeo ở cổ. Bà còn nghi em ăn cắp, nhưng nói trớ là em con nhà giàu mà khờ khạo. May có một cô gái tốt bụng chịu trả mọi chi phí bằng tiền cho em, sau em trả nợ cô ấy bằng ngọc trai. Ở đất liền, người ta quý ngọc trai lắm chị ạ. Khi đến chùa, em nhỡ giẫm gãy mấy cây hoa, có chú tiểu cứ khăng khăng đòi em cởi áo đền. Bạn em đền tiền không chịu. May nhờ có anh kia cởi áo dài đang mặc đền giúp em. Anh tên Thức họ Từ. - Em đã đi bao nhiêu lâu mà lắm chuyện xảy ra thế ? - Em lênh đênh trên biển một ngày một đêm, sáng sớm đến đất liền đi chơi cả ngày, chiều ra bè dong thẳng hướng Đông, lại một ngày một đêm nữa mới về đến nhà. - Thế mà chị tưởng... à không. Chị không hiểu sao em về chóng vậy. - Thế chị bảo em đã đi bao lâu. - Khoảng hai canh giờ thôi ! - Thật lạ lùng ! Bây giờ hai chị em không hẹn mà cùng có ý nghĩ rằng bố tôi cũng đã biết chuyện lạ này. Trên nhà, nghe thêm có tiếng người thứ ba. Đó là bác đề đốc mà bố tôi cho người đi mời sang ngay. Mãi sau này bố tôi mới thổ lộ cho cả nhà biết hồi xưa trong đất liền trước khi chạy nạn, bố tôi xem quẻ thấy gia đình hai nhà sẽ ra đi đến một xứ sở rất đặc biệt, cách ly hẳn đất nước. Bây giờ mọi người mới vỡ lẽ, cách ly đặc biệt không phải chỉ có nơi chốn mà còn cả thời gian nữa. Ở đảo, thời gian trôi rất chậm, còn ở đất liền thời gian trôi vùn vụt nhưng người của cả hai nơi đều không cảm nhận được. Hai cụ thay nhau hỏi chuyện anh Từ Thức. Điều lo lắng nhất là đất nước có còn bị giặc Minh xâm chiếm nữa không. Nếu không thì ai lãnh đạo dân chúng đứng lên đánh đuổi. Bây giờ là triều đại nào. Đời sống dân chúng ra sao. Hai cụ muốn biết tình hình đất nước trong thời gian từ ngày rời bỏ quê hương lánh giặc. Năm Ất Dậu (1405), nhà Minh bắt đầu xâm lấn vùng phía Bắc nước ta. Đến tháng Chạp năm Bính Tuất (1406), quân Minh đánh úp quân nhà Hồ ở bãi Mộc Hoàn và thừa thắng xông thẳng vào chiếm đất Long Đỗ (tức Đông Đô, kinh đô cũ nhà Trần). Đêm mồng Năm Tết năm Đinh Hợi (1407), cả gia đình hai ông quan nhà Hồ cùng gia nô lên thuyền giong buồm chạy trốn. Anh Từ Thức kể : - Tháng Tư năm Đinh Hợi, quân Minh đánh vào Lỗi Giang (Thanh Hoa) và cửa biển Điển Canh, tấn công ồ ạt quân nhà Hồ. Tháng Năm năm Đinh Hợi, Hồ Quý Ly bị bắt ngay tại Tây Đô. Mấy ngày sau đó, đến lượt Hồ Nguyên Trừng cùng cha con Hồ Hán Thương nối tiếp bị giặc bắt tại đất Kỳ La, Hà Tĩnh. Sau khi thôn tính bờ cõi, giặc Minh đưa cha con Hồ Quý Ly cùng một số đại thần nhà Hồ không chạy thoát, về Tàu cầm tù. Thế là nước ta bị nhà Minh chiếm giữ cho đến năm Đinh Mùi (1427). Ròng rã hai mươi năm trời, dân ta lầm than đói khổ không kể xiết. Tháng Giêng năm Mậu Tuất (1418), mười một năm sau khi nhà Hồ bị thất thủ, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, xưng Bình Định vương. Những trận đánh lớn vào năm Giáp Thìn (1424) trận Trà Long, năm Ất Tỵ (1425) trận Bồ Ải và trận cuối cùng quyết định vận mệnh của đất nước là vào năm Đinh Mùi (1427). Sau chiến thắng Tốt Động, thành Đông Quan bị quân ta bao vây. Liễu 17
  18. Thăng đem năm vạn quân sang tiếp cứu. Lê Lợi kéo quân từ Thanh ra, không đánh thẳng vào Đông Quan mà ra sức đánh quân tiếp viện. Chi Lăng, Xương Giang là hai chiến trường quyết định. Ở đây không thành quách, chỉ có đồi núi, đồng bằng nhưng quân ta đã tiêu diệt toàn bộ số quân này, chỉ có một mống chạy thoát. Vì đó, tổng binh Vương Thông ở Đông Quan phải hạ khí giới xin hàng, được Lê Lợi cấp lương thực, phương tiện vận chuyển kéo quân về, đến nước rồi còn ngực đập chân run. Nghe Từ Thức nói đến đây, hai ông quan cũ nhà Hồ đập bàn khoái chí, sai người nhà đem rượu ra gọi là khao quân, tuy rằng ở đây không có ai là quân của Lê Lợi. Mặc cảm về sự trốn chạy và nỗi đau mất nước canh cánh bên lòng bỗng nhiên lúc này được giải tỏa, lương tâm trở nên hoàn toàn thanh thản ở hai ông công dân nhà Hồ. Ba người bắt chặt tay nhau và cùng cụng ly như những bạn cố tri. Có lẽ vì đại sự đã thành ngoài mong đợi mà quan tư đồ từ đó trở đi xem Từ Thức như là khách quý, không phải loại không mời mà đến. – Như thế là nước ta thoát ách cai trị của nhà Minh từ đó – Từ Thức tiếp – Phò vua Lê, có công lớn nhất là nhà chiến lược xuất sắc Nguyễn Trãi, lưu danh với bài “Bình Ngô đại cáo” mà bất kỳ nhà Nho nào đời sau cũng đều thuộc lòng. Nói rồi, Từ Thức đọc liền một mạch, giọng ngân nga đầy diễn cảm toàn bộ bài Bình Ngô đại cáo. Hai ông quan nhà Hồ vừa nghe vừa gật gù. Họ thích nhất là mấy câu mở đầu của bài : Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, Quân điếu phạt trước lo trừ bạo. Như nước Đại Việt ta từ trước, Vốn xưng nền văn hiến đã lâu. Núi sông bờ cõi đã chia, Phong tục Bắc Nam cũng khác. Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần, bao đời xây nền độc lập, Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi bên hùng cứ một phương. Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, Song hào kiệt đời nào cũng có. Lại hai câu ở giữa bài : Lấy đại nghĩa mà thắng hung tàn ; Lấy chí nhân mà thay cường bạo. và các câu cuối : Càn khôn đã bĩ mà lại thái. Trời trăng đã mờ mà lại trong. Để mở nền thái bình muôn thuở. Để rửa nỗi sỉ nhục ngàn thu. - Nguyễn Trãi chính là con của Nguyễn Phi Khanh đỗ Thái học sinh (tức Tiến sĩ) vốn là đại thần nhà Hồ cùng bị bắt với cha con Hồ Quý Ly sang Tàu, còn bản thân bị giam lỏng ở Đông Quan. Nguyễn Trãi đỗ Thái học sinh năm 20 tuổi tức là năm Canh Thìn (1400), chắc là cùng khoa thi với bác ? - Đúng, Nguyễn Trãi là người thông minh tài trí, giỏi cả văn lẫn võ. Tuy đỗ đạt cao nhưng giữ chức quan nhỏ. Lúc đó, Nguyễn Phi Khanh là chánh chủ khảo khoa thi đầu tiên của triều nhà Hồ. 18
  19. - Khi nhà Minh bắt vua và các đại thần sang Tàu, Nguyễn Phi Khanh cũng có trong số đó. Nguyễn Trãi đi theo tiễn cha đến quan ải, được cha dặn mệnh con là người tài đức, sẽ tìm được minh chúa và có công lao rất lớn với đất nước nhưng rồi số con lận đận tai ương sẽ ập tới, con khó lòng tránh khỏi. Cha biết chỉ chừng ấy nên dặn con hãy đề phòng. Nguyễn Trãi bị giam lỏng ở Đông Quan (tức Đông Đô, sau này nhà Lê đổi tên là Đông Kinh) nên dễ dàng trốn vào Lam Sơn. Nguyễn Trãi dâng lên Lê Lợi Bình Ngô sách nêu rõ chiến lược quân sự dựa vào dân để đánh giặc Minh. Sau này, Nguyễn Trãi còn nổi tiếng lưu danh hậu thế với các tác phẩm khi viết bằng chữ Nho, khi viết bằng chữ Nôm, như Bình Ngô đại cáo, Quân trung từ mệnh tập, Quốc âm thi tập. Năm sau, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế lấy danh hiệu là Lê Thái Tổ, trị vì đất nước từ năm Mậu Thân (1428) cho đến năm Quý Sửu (1433). Nghe theo lời cha, Nguyễn Trãi sớm treo ấn từ quan sau khi công thành, danh toại. Vua Lê Thái Tổ băng hà truyền ngôi cho Lê Thái Tông. Vị vua này trị vì đến năm Nhâm Tuất (1442) thì bị cảm trong khi du ngoạn và băng hà đột ngột. Triều thần vu cho Nguyễn Thị Lộ, vợ lẽ của Nguyễn Trãi bấy giờ đang giữ chức Lễ nghi học sĩ đi theo hầu vua và đầu độc vua. Thế là Nguyễn Trãi bị triều đình khép tội tru di tam tộc. Đó là vụ án Lệ Chi viên nổi tiếng thảm khốc thời bấy giờ. Mãi hơn hai mươi năm sau, đời vua Lê Thánh Tông, triều nhà Lê mới minh oan cho Nguyễn Trãi. Văn học nước nhà cực thịnh vào thời ông vua này. Vua đam mê thi phú, lập nên thi đàn Nhị thập bát tú gồm hai mười tám vị đại thần cùng với vua (hai mươi tám ngôi sao) thường xuyên gặp mặt làm thơ ngâm vịnh. Các vua Lê truyền ngôi cho nhau đến đời Lê Cung Hoàng năm Đinh Hợi (1527) thì Mạc Đăng Dung cướp ngôi lập nên nhà Mạc. Tuy lúc đầu không được lòng dân, các sĩ phu phản ứng gay gắt, nhưng trong sáu mươi lăm năm trị vì của nhà Mạc, chính sử nhà Lê phải thừa nhận “Khoảng bấy nhiêu năm, đường sá không nhặt của rơi, cổng ngoài không đóng, thường được mùa to, trong cõi tạm yên”. Mạc Đăng Dung vốn là cháu bảy đời của Mạc Đĩnh Chi, dưới triều nhà Lê ứng thí đỗ Đệ nhất đô lực sĩ, được vua gả công chúa. Sau đó, thăng chức Thái sư và được phong tước vương. Khi nhà Minh có ý xâm lăng nước ta một lần nữa, cảm thấy không cậy được vào quân thần, nhà Mạc có ý định đầu hàng nhà Minh để giữ ngôi. Vì vậy mà chúa Trịnh lúc bấy giờ giương cao cờ phù Lê diệt Mạc, kêu gọi dân chúng đứng lên một lần nữa chống giặc Minh ngoại xâm. Từ người dân cùng khổ cho đến quan lại lớn nhỏ, vì lòng yêu nước nên ai cũng hưởng ứng. Do vậy, việc chiếm kinh đô, đánh đuổi vua Mạc không mấy khó khăn. Nhà Minh thấy thế mạnh của dân mình từ bỏ ý định sang giúp nhà Mạc. Từ năm Quý Tỵ (1533) tức là năm Lê Trang Tông lên ngôi, thực quyền do chúa Trịnh Kiểm thao túng. Đến năm Mậu Ngọ (1558) dưới triều Lê Anh Tông, chúa Nguyễn Hoàng sợ Trịnh Kiểm trừ khử đã xin vua vào trấn thủ Thanh Hóa từ đèo Ngang trở vào, mặc nhiên chiếm giữ hẳn cả vùng phía Nam tính từ sông Gianh. Kể từ năm Đinh Mão (1627) dưới triều Lê Thần Tông, cho đến năm Nhâm Tý (1672) dưới triều Lê Gia Tông, liên tục xảy ra xung đột vũ trang giữa hai chúa. Đất nước đang bị chia cắt tại sông Gianh... Từ Thức sinh năm Canh Thìn (1700) dưới triều vua Lê Hy Tông, khi cùng với Giáng Hương ra đảo là năm Canh Tý (1720) tức là ở tuổi 20 dưới triều vua Lê 19
  20. Dụ Tông năm thứ 15. Theo lời mời của hai cụ, anh Thức đồng ý ở lại đảo chơi một thời gian. Cùng với Giáng Hương ngao du sơn thủy. Anh khá rành chữ Nôm. Anh bảo từ đời Lý đã có chữ Nôm nhưng đến đời nhà Trần, ông Hàn Thuyên sử dụng chữ Nôm rất nhuần nhuyễn. Chữ Nôm là chữ của người Việt mình, dân chúng trong nước hưởng ứng nhiệt tình. Viết ra đọc lên là hiểu ngay, không phải dịch nghĩa lôi thôi. Anh thấy đấy, dân đảo không nhiều lắm. Cái ăn cái mặc không phải lo nên cụ tôi chủ trương toàn dân đảo phải học. Có biết chữ nghĩa của thánh hiền thì mới biết sống theo đạo lý, cụ tôi bảo thế. Lúc đầu học chữ Nho, chương trình gồm có tứ thư tức bốn bộ sách Nho giáo là Đại học, Trung dung, Luận ngữ và Mạnh Tử ; ngũ kinh là kinh Thi, kinh Thư, kinh Lễ, kinh Nhạc và kinh Xuân Thu do Khổng Tử đề xướng. Sau chữ Nho phải học thêm chữ Nôm bởi mình là dân Việt. Thật tình học chữ Nôm không dễ đâu anh. Giả dụ ta nói nhất, nhì chữ Nho dịch ra là một, hai cầm bút gạch ngang một nét, hai nét là xong, còn chữ Nôm mà viết một ( ), hai ( ) như thế này – Giáng Hương lấy que vẽ lên cát, anh có thấy nhiều nét lôi thôi không. Bởi vậy, trẻ con lúc đầu vẫn cứ học chữ Nho, sau một năm có vốn liếng ít nhiều mới cho chúng học song song chữ Nho với chữ Nôm, dịch nghĩa chữ Nho bằng chữ Nôm. Cứ vào độ cuối năm trước Tết mươi ngày, cụ tôi cho mở khoa thi. Cũng mở ba kỳ thi lần lượt như ở đất liền. Lúc đầu là thi hương, ai đỗ nhận danh hiệu tú tài và được dự tiếp kỳ thi hội. Ai đỗ kỳ thi hội nhận danh hiệu cử nhân. Kỳ thi thứ ba là thi đình, chỉ các cử nhân mới được thi và ai đỗ thì nhận danh hiệu tiến sĩ. Không đỗ kỳ này thì kỳ sau phải thi lại. Nhưng đỗ đạt để đó cho vui chứ không có triều đình để ra làm quan. Bố tôi giao trách nhiệm cho người học giỏi đỗ đạt phải làm thầy dạy lại người khác và đám con nít. Hằng ngày trẻ con trên đảo đều phải đi học. Tôi cũng học, cũng đỗ đạt anh có tin không ? Đôi lúc dân đảo gọi tôi là nghè Hương do tôi đỗ được tiến sĩ. Bác đề đốc thấy bố tôi quán xuyến nhiều việc, buồn tình nghĩ mình cũng là quan trong triều như ông ấy chẳng nhẽ ngồi chơi không. Thế là ông ngỏ ý muốn dạy võ cho dân đảo. Thấy bố tôi ngần ngừ, ông bảo anh coi chừng đấy, một ngày nào đó hải tặc xông vào chiếm đảo, liệu mọi người chống cự không nổi đành chịu chết sao. Bố tôi xem quẻ, trả lời bác là đảo này không ai có thể chiếm được, Trời cho chúng ta rồi. Bác đề đốc không chịu thua bảo bố tôi ông cha ta xưa có câu “Ý dân là ý Trời”, nghĩa là một số dân - ở đây là hải tặc - dám làm trái ý Trời, hậu quả bị Trời phạt đâu chưa thấy, đã thấy dân đảo ta thiệt thòi. Bố tôi thấy có lý đành chịu nhường. Vả lại học thêm võ, người khoẻ thêm, đâu có hại gì. Thế là từ đó, nghĩa là cách nay khoảng chục năm, toàn dân trên đảo đều phải học cả võ nữa. Ai chứ bọn con nít thì rất khoái học võ. Cũng có tổ chức cho mọi người đấu võ hằng năm, ai giỏi nhất thì giữ chức trạng võ, làm thầy luyện võ cho dân đảo. Anh biết không, lúc tôi vào đất liền trẩy hội chùa, may mà không có ai sàm sỡ với tôi. Nếu có, tôi quật ngã hắn ta ngay. Với chú tiểu, tôi tính tặng hắn một chiêu, còn đang ngần ngừ vì có đông người quá thì anh Thức kịp đến gỡ rối. Anh Thức ở đảo chừng chín mười ngày gì đó chứ không phải nửa năm như dân đất liền nói, không ngăn được nỗi nhớ nhà, nên xin về. Bố tôi biết ý không 20
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
7=>1