intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Mô hình kinh tế chia sẻ trong thời đại CMCN 4.0 – Hướng đi mới cho Việt Nam

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

15
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Mô hình kinh tế chia sẻ trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 – Hướng đi mới cho Việt Nam" trình bày về: Lịch sử hình thành mô hình “kinh tế chia sẻ"; Các đặc điểm của mô hình kinh tế chia sẻ; Hiện trạng phát triển mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam;...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Mô hình kinh tế chia sẻ trong thời đại CMCN 4.0 – Hướng đi mới cho Việt Nam

  1. MÔ HÌNH KINH TẾ CHIA SẺ TRONG THỜI ĐẠI CMCN 4.0 – HƯỚNG ĐI MỚI CHO VIỆT NAM ThS. Nguyễn Thị Thùy Dung1, ThS. Trần Xuân Quân2 (1),(2) Trường Đại học Quy Nhơn Tóm tắt: Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang bùng nổ và phát triển mạnh mẽ khắp toàn cầu với với sự xuất hiện và kết hợp thông minh của các công nghệ trí tuệ nhân tạo, thực tại ảo, mạng di động, IoT-Internet of Things, điện toán đám mây... Cuộc cách mạng công nghệ số đã tạo ra cách tiếp cận hoàn toàn mới, làm cách mạng hóa cách thức mà các cá nhân và tổ chức hoạt động và cộng tác. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà đặc trưng là việc ứng dụng rộng khắp các công nghệ số, những công nghệ này là nền tảng thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển của các mô hình kinh tế chia sẻ vốn trước đây bị hạn chế nhiều do năng lực của hệ thống hạ tầng công nghệ chưa đáp ứng được và người tiêu dùng thiếu công cụ, nhận thức để tham gia. Tại Việt Nam, thuật ngữ “kinh tế chia sẻ” đang còn khá mới mẻ và chưa thực sự phát triển mặc dù bản chất của nó đã tồn tại trước đó như cho thuê xe máy, thư viện, câu lạc bộ.... CMCN 4.0 là điều tất yếu diễn ra và mô hình kinh tế chia sẻ là động lực quan trọng trong quá trình Việt Nam tham gia vào cuộc CMCN 4.0 cùng thế giới. Từ khóa: CMCN 4.0, mô hình kinh tế chia sẻ, Internet. 1. Lịch sử hình thành mô hình “kinh tế chia sẻ” - Khái niệm về mô hình “kinh tế chia sẻ”: Chia sẻ dưới góc độ kinh tế được xem như là một công cụ tập hợp các nguồn lực đầy đủ theo cách rẻ hơn, hiệu quả hơn, mở rộng hơn. Mô hình “kinh tế chia sẻ” là một thuật ngữ đề cập đến mô hình kinh doanh khai thác các yếu tố tài nguyên sẵn có của người dùng cuối cùng và kết hợp với các yếu tố công nghệ để tập hợp người, tài sản và dữ liệu, tạo ra các cách thức tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ hoàn toàn mới. Mô hình “kinh tế chia sẻ” là mô hình thị trường kết hợp sở hữu và chia sẻ, dựa trên sự chia sẻ quyền sử dụng hàng hóa và dịch vụ nhằm gia tăng lợi ích cho các bên tham gia, là sự kết nối giữa một bên muốn tận dụng tài sản chưa dùng đến và một bên muốn tiêu dùng chúng; giúp cho việc chia sẻ, tận dụng tối đa các nguồn lực dư thừa của nhau như nhà cửa, xe cộ và vật dụng thay vì phải chi phí đầu tư mới cho việc mua sắm, sở hữu tài sản đó. Mô hình “kinh tế chia sẻ” góp phần giảm bớt các rào cản đổi với các doanh nghiệp và cá nhân trong việc tạo ra của cải, làm thay đổi môi trường cá nhân và làm việc. - Quá trình hình thành mô hình “kinh tế chia sẻ”: Mô hình kinh tế chia sẻ được bắt đầu manh nha khái niệm từ năm 1995, khởi điểm tại Mỹ với mô hình ban đầu có tính chất “chia sẻ ngang hàng” nhưng không rõ rệt. Nó khởi đầu bằng dịch vụ website thông tin cho thuê quảng cáo, người tìm việc, việc tìm người… và giúp cho những cá nhân có thể kiếm được việc làm, kiếm được tiền quảng cáo. Mô hình kinh doanh này thực sự phát triển mạnh mẽ khi cuộ khủng hoảng kinh tế – tài chính bùng nổ năm 2008, giá cả tăng cao, thất nghiệp tràn lan, đời sống khó khăn khiến cho người tiêu dùng ở mọi quốc gia đều phải tìm cách thắt chặt chi tiêu, và tìm những phương cách để tận dụng tối đa những tài sản sẵn có để tăng thêm thu nhập cho mình. Người dân buộc phải thay đổi cách tiêu dùng để thích ứng với bối cảnh khó khăn và là thời điểm họ bắt đầu đón nhận các mô hình kinh doanh mang tính chất “chia sẻ ngang hàng” dựa vào nhu cầu của người tiêu dùng. Việc “chia sẻ” những tài nguyên sẵn có bằng các ứng dụng công nghệ cùng những khoản lợi nhuận khổng lồ đem lại cho nhà cung ứng dịch vụ lẫn người cho thuê và sử dụng tài nguyên, đã khiến mô hình kinh doanh này nhanh chóng phát triển vượt ra khỏi biên giới Mỹ, lan rộng khắp châu Âu và toàn thế giới. Các quốc gia khác cũng đang chứng kiến sự gia tăng của các 150
  2. ứng dụng mô hình kinh tế chia sẻ, như Singapore, nơi Hiệp hội Kinh tế Chia sẻ được thành lập vào năm 2014 để quảng bá lĩnh vực này. Tư vấn cho hiệp hội, nghiên cứu về kinh tế chia sẻ, các vấn đề về hành vi và các ảnh hưởng xã hội, và các nền tảng công nghệ, là những sáng kiến cho Hiệp hội Kinh tế chia sẻ. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các mô hình kinh tế chia sẻ ngày càng bùng nổ, xuất hiện trong nhiều lĩnh vực như chuỗi cung ứng & sản xuất, tiêu dùng, tài chính, giáo dục. Trong sự thành công của kinh tế chia sẻ có thể kể đến nhiều tên tuổi nổi tiếng như Airbnb, Uber, RabbitTask, Coursera... Các công ty này sử dụng công nghệ điện thoại, GPS, 3G, thanh toán Online khiến cho mô hình nền kinh tế chia sẻ hoạt động với hiệu suất cao, tiết kiệm chi phí, tăng lợi ích cho người cung ứng, người có nhu cầu và người trung gian. Đồng thời việc tiết kiệm vốn của công ty mà sử dụng vốn cộng đồng giúp các công ty có thể lan nhanh ra toàn thế giới. Airbnb là dịch vụ kết nối những người cần thuê chỗ lưu trú với những người sở hữu nhà. Năm 2008, dịch vụ chia sẻ chỗ ở Airbnb.com ra đời và đã thu hút được khoảng 3.000 tòa lâu đài, biệt thự; 2.000 căn hộ ngoài trời; 900 hòn đảo và hàng chục nghìn ngôi nhà bình thường khác trên toàn thế giới tham gia và hệ thống cho thuê và chia sẻ chỗ ở. Tốc độ tăng trưởng của Airbnb rất chóng mặt, đến năm 2015, dịch vụ Airbnb.com đã được định giá khoảng 20 tỷ USD. Cùng với Airbnb.com, trong năm 2016, rất nhiều các dịch vụ khác đã và đang, tiếp tục phát triển mạnh, chia sẻ và cho thuê gần như mọi thứ: đào tạo mở trực tuyến và cung cấp chứng chỉ; dịch vụ không gian chung làm việc và sáng chế; đào tạo kỹ năng trên nền tảng cộng đồng chuyên gia; thiết kế và sản xuất cộng tác; hoàn tất đơn hàng thông minh. Có thể thấy, mô hình kinh tế chia sẻ mang lại nhiều lợi ích rất lớn. Thông qua việc chuyển giao quyền lực từ tập trung ở các tổ chức/doanh nghiệp sang quyền lực chung dựa vào uy tín cộng đồng khiến cho người tiêu dùng được sử dụng dịch vụ tốt hơn Bên cạnh đó, mô hình kinh doanh này tận dụng tối đa nguồn lực dư thừa trong xã hội, dựa trên việc cho thuê, trao đổi tài sản giữa người sở hữu với người có nhu cầu sử dụng giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng tính hiệu quả của nền kinh tế, giảm bớt sự lãng phí tài nguyên xã hội và sự dư thừa năng lực của các sản phẩm dịch vụ. 2. Các đặc điểm của mô hình kinh tế chia sẻ  Thứ nhất, một trong những đặc điểm chính của nền tảng “chia sẻ ngang hàng” là sự cân bằng giữa giảm thiểu chi phí giao dịch cho người sử dụng (ví dụ tìm kiếm và cân nhắc) và tối ưu hoá việc sử dụng thông tin để phù hợp với hai bên, với sự hiện diện của một mức độ không đồng nhất cao về cung và sở thích người tiêu dùng. Tính không đồng nhất có thể có một số hình thức và mối quan tâm: a) sở thích; b) nhà cung cấp và người tiêu dùng; và c) đối tượng của giao dịch. Mô hình cắt giảm các chi phí giao dịch liên quan đến việc tiếp thị những tài sản này bằng cách tạo ra một thị trường trực tuyến tập trung, dễ tiếp cận. Hiện nay, các startup như Airbnb, Uber dùng Internet để kết nối người chủ và người thuê, dùng định vị GPS để xác định vị trí của người cung cấp dịch vụ gần nhất, và sử dụng hệ thống thanh toán online để thực hiện thanh toán tự động. Nhờ có công nghệ, việc chia sẻ và giao dịch đã trở nên tiện lợi và rẻ đi rất nhiều so với trước kia.  Thứ hai, mô hình tạo ra không chỉ là một chợ buôn bán trực tuyến mà còn hoạt động một thị trường độc lập. Bằng cách mở ra những lựa chọn thay thế, các hoạt động kinh doanh nền tảng đã nhanh chóng được nhân rộng để tạo ra các dịch vụ mới từ giặt là đến mua sắm, từ những việc vặt cho đến đỗ xe, từ dịch vụ lưu trú tại các gia đình bản địa đến chia sẻ phương tiện di chuyển trong những chặng đường dài. Chúng có một điểm chung là: bằng cách kết nối cung và cầu theo một cách rất dễ tiếp cận (chi phí thấp), cung cấp cho người tiêu dùng các hàng hóa đa dạng, và cho phép cả hai bên tương tác và phản hồi, những nền tảng này do đó đã “gieo mầm” niềm tin. Nó cho phép sử dụng hiệu quả các tài sản vẫn chưa được tận dụng hết hiệu suất – tức là những gì thuộc quyền sở hữu của người mà trước đây chưa từng có ý niệm coi mình là bên cung (ví dụ chia sẻ một chỗ ngồi trong xe của họ, một phòng ngủ không 151
  3. dùng đến trong nhà của họ, một liên kết thương mại giữa các nhà bán lẻ và nhà sản xuất, hoặc thời gian và kỹ năng cung cấp một dịch vụ như giao hàng, sửa chữa nhà cửa hoặc các các công việc hành chính).  Thứ ba, mô hình kinh tế chia sẻ đi theo hai xu hướng: - Trong mô hình kinh tế chia sẻ, các sản phẩm và dịch vụ được thuê trong một khoảng thời gian. Đó là “sự tiếp cận” thay vì “sở hữu”, và bất kỳ sản phẩm nào cũng có thể chia sẻ, nó không giới hạn một ngành công nghiệp cụ thể nào, từ phương tiện vận tải, bất động sản cũng như kỹ năng, kiến thức.Tiến bộ công nghệ cho phép mô hình kinh doanh ngày càng lan rộng và trở nên thuận tiện và linh hoạt hơn. Ví dụ dịch vụ nghe nhạc “Spotify” cung cấp cho người tiêu dùng truy cập vào 13 triệu bản nhạc thông qua smartphone, máy tính bảng hoặc máy tính. - Mô hình kinh tế chia sẻ giúp tái phân phối các nguồn lực trong xã hội một cách hiệu quả hơn. Mô hình kinh tế này mang lại sự tiếp cận mở rộng hơn cho tất cả mọi người đối với tài sản và các nguồn lực nhàn rỗi khác mà họ không sở hữu. Đối với các mô hình thông thường, các công ty cung cấp truy cập cho người tiêu dùng đối với tài sản thuộc sở hữu công ty, trong khi mô hình kinh tế chia sẻ, công ty tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận với tài sản người tiêu dùng sở hữu. Hầu hết các công ty này hoạt động thông qua hệ thống trực tuyến kết nối người tiêu dùng sở hữu tài sản với người tiêu dùng có nhu cầu tạm thời. Mô hình kinh doanh này tạo điều kiện cho sự chia sẻ ngang hàng về tiềm năng của tất cả các sản phẩm hoặc dịch vụ thuộc sở hữu người tiêu dùng. Các cá nhân/tổ chức có thể tham gia kinh tế chia sẻ với nhiều tư cách khác nhau, từ người sử dụng đến người cung cấp, từ người cho thuê, môi giới cho thuê đến người đi thuê. 3. Hiện trạng phát triển mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam  Những thuận lợi trong việc phát triển mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam: - Văn hóa chia sẻ cộng đồng ở Việt Nam: Theo một khảo sát được thực hiện năm 2015 của Công ty Nielsen với hơn 30.000 người tiêu dùng trực tuyến trên 60 quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu, châu Mỹ Latinh, Trung Đông, châu Phi và Bắc Mỹ đã cho thấy, mô hình kinh tế chia sẻ có tiềm năng lớn để phát triển tại Việt Nam. Theo khảo sát, cứ 4 người Việt Nam được hỏi thì có 3 người cho biết, họ thích ý tưởng về mô hình kinh doanh này; 75% người Việt Nam sẵn sàng sử dụng hàng hóa chia sẻ & tham gia kinh doanh dịch vụ chia sẻ, trong khi đó chỉ có 18% người được hỏi tại Việt Nam từ chối chia sẻ tài sản cá nhân của mình, thấp hơn 14 điểm phần trăm so với tỉ lệ trung bình trên toàn thế giới. Hơn nữa, với lợi thế có nhiều sự lựa chọn hơn khi sử dụng dịch vụ, chất lượng tốt, an toàn, giá rẻ hơn so với dịch vụ truyền thống, kinh tế chia sẻ đang ngày càng thu hút lượng người sử dụng. Hình 3.1. Tỷ lệ người tiêu dùng từ chối cho thuê tài sản cá nhân để tăng thêm thu nhập (so sánh khu vực Đông Nam Á và toàn cầu). Nguồn: Khảo sát của Nielsen năm 2015 - Tỷ lệ người sử dụng smartphone và Internet cao: Những con số về tốc độ phổ cập công nghệ và sự phát triển nhanh chóng của hạ tầng viễn thông cho thấy tiềm năng rộng lớn của mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam. Theo thống kê từ WeAreSocial tính tới tháng 3/2015, có tới 45% dân số nước ta dùng Internet, tức 41 triệu người. Thống kê cho thấy, thời gian sử dụng Internet của người Việt Nam trung bình là 5,2 giờ/ ngày, cao thứ 3 trong khu 152
  4. vực Đông Nam Á chỉ sau Thái Lan và Philippin và vượt xa các nước khác. Việt Nam cũng là thị trường smartphone có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, với tốc độ tăng trưởng năm 2012 hơn 100%. Mạng xã hội tại Việt Nam cũng đạt tăng trưởng người dùng ngoạn mục. Việt Nam hiện tại đã có 25 triệu tài khoản Facebook, tức là trung bình trong 10 người dùng Internet thì có 8 người dùng Facebook. Điều đó cho thấy hạ tầng và mức độ phổ cập của công nghệ sẽ sớm không còn là rào cản lớn cản trở sự phát triển của kinh tế chia sẻ ở Việt Nam nữa. Hình 3.2. Thời gian sử dụng Internet trung bình của các quốc gia Nguồn: Wearesocial.sg (2016) Theo một cuộc khảo sát người tiêu dùng Việt Nam năm 2016, tỷ lệ truy cập Internet chủ yếu từ điện thoại di động (89%), cao hơn tỷ lệ từ máy tính để bàn và xách tay. Có 48% người trả lời hàng ngày truy cập Internet từ thiết bị di động để tìm kiếm thông tin về hàng hóa dịch vụ muốn mua sắm. Đồng thời, điện thoại di động được sử dụng nhiều nhất (79%) để tìm kiếm thông tin trước khi mua sắm so với máy tính (73%) hay hỏi trực tiếp từ bạn bè và người thân (33%). Về phía doanh nghiệp, khảo sát cho thấy 15% doanh nghiệp có ứng dụng bán hàng trên thiết bị di động. Điều đó cho thấy tiềm năng phát triển mô hình kinh tế chia sẻ rất lớn ở Việt Nam. Các mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam hiện nay: Tại Việt Nam, thuật ngữ “nền kinh tế chia sẻ” mới chỉ thịnh hành từ 5-6 năm nay kể từ khi các ứng dụng “chia sẻ” lớn trên thế giới như Uber, Grab, Airbnb lan rộng khắp thế giới và vào tới Việt Nam. Ngoài dịch vụ vận chuyển Uber, Grab (taxi công nghệ), các dịch vụ tìm người giúp việc, giao hàng dựa trên nền tảng công nghệ đã xuất hiện và nhận được sự hưởng ứng của người tiêu dùng. Hiện nay, các nhà cung cấp phần mềm công nghệ ở Việt Nam đã phát triển nhiều ứng dụng theo mô hình kinh tế chia sẻ nhằm đáp ứng những nhu cầu mới của thị trường nội địa và bắt kịp với nhu cầu hội nhập toàn cầu như ứng dụng giao cơm văn phòng commenau.com, ứng dụng giao hàng Ahamove, Jupviec.vn là một ứng dụng trong lĩnh vực kết nối các cá nhân, hộ gia đình tìm kiếm dịch vụ việc nhà với chất lượng đảm bảo… Ngoài website, dịch vụ còn được mở rộng tương tác dịch vụ thông qua ứng dụng trên thiết bị điện thoại di động. Hệ thống này cung cấp nhiều dịch vụ như: giúp việc (dọn nhà cửa, nấu ăn, chăm sóc em bé, các công việc khác liên quan đến giúp việc gia đình theo yêu cầu của khách hàng) hay sửa chữa các thiết bị tại nhà (máy tính, điện lạnh, điện gia dụng, lấy mẫu xét nghiệm sức khỏe tại nhà, cứu hộ ôtô, thi công điện nước…). Đây được xem là giải pháp sử dụng dịch vụ giúp việc theo giờ phù hợp với nhu cầu của khách hàng ở các đô thị lớn.  Khó khăn trong việc phát triển mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam: Mặc dù hình thức cho thuê tài sản đã và đang tồn tại ở Việt Nam, tuy nhiên, mô hình kinh tế chia sẻ chưa thực sự phát triển. Một số hạn chế tồn tại ở thị trường Việt Nam khiến cho mô hình này vẫn còn gặp phải những khó khăn nhất định: 153
  5. - Tâm lý của người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn dè dặt với với các hình thức mua hàng online, các mô hình dịch vụ mới do sợ rằng chất lượng không đảm bảo hoặc sợ bị thiệt hại về tiền và tài sản. Cũng giống như trong thời kì đầu của xu hướng thương mại điện tử tại Việt Nam, người dân vẫn còn rất dè dặt và đề phòng với các dịch vụ trên mạng. Không những thế, bài toán về việc đảm bảo chất lượng dịch vụ, quy trình thanh toán an toàn, bảo hiểm rủi ro… trong vận hành mô hình cũng sẽ là một thách thức không hề nhỏ mà các startup sẽ phải giải quyết… Thậm chí sẽ cần nhiều thời gian hơn nữa để người dùng có thể tin tưởng một người lạ mặt thông qua mạng trực tuyến hoặc bỏ thời gian viết review và đánh giá chất lượng về các nhà cung cấp dịch vụ. Ví dụ như khách du lịch nội địa ở Việt Nam vẫn còn e ngại đối với những ứng dụng dịch vụ đặt phòng khách sạn trực tuyến theo hình thức chia sẻ, phần lớn họ sẽ gọi điện trực tiếp đến các khách sạn, homestay thay vì đặt trực tuyến. Trên thực tế, có những trường hợp khách hàng bày tỏ sự thất vọng về những hình ảnh phòng ở được đưa lên web so với lúc họ đến tận nơi, điều này khiến cho họ sẽ không sử dụng dịch vụ chia sẻ trực tuyến nữa và truyền đến tai những người tiêu dùng khác hoặc đánh giá và phản hồi chất lượng ngay trên các ứng dụng. Chính vì vậy, mặc dù dịch vụ này rất phát triển ở nhiều nước phát triển trên thế giới tuy nhiên khi hoạt động ở thị trường Việt Nam, mô hình kinh tế chia sẻ gặp nhiều trở ngại do yếu tố tâm lý và hiệu ứng đám đông ở Việt Nam rất lớn khi cá nhân và người tiêu dùng đang có điều kiện thuận lợi để tiếp cận với mô hình này. - Tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán chủ yếu, phương thức thanh toán điện tử chưa được người tiêu dùng sử dụng phổ biến. Mặc dù Internet, 3G và smartphone đã tương đối phổ biến ở Việt Nam, nhưng người dùng vẫn chưa thực sự quen thuộc trong việc thanh toán các dịch vụ thông qua Internet (như Internet Banking, Master Card…) hoặc ứng dụng di động. Sẽ phải mất thời gian để người dùng làm quen với các hoạt động như tìm kiếm trên mạng, cung cấp thông tin của mình online, sử dụng GPS trên điện thoại, dùng app để tìm đối tác, tìm hiểu các thao tác thanh toán qua thẻ… Do đó việc khuyến khích khách hàng sử dụng thanh toán online thay vì thanh toán bằng tiền mặt trả sau hiện vẫn còn hạn chế ở Việt Nam nhất là đối với những đối tượng có thu nhập trung bình và thấp là những người tiêu dùng chủ yếu hình thức kinh tế chia sẻ. - Sự cạnh tranh đến từ các DN truyền thống: doanh nghiệp truyền thống như Taxi, khách sạn cho rằng các doanh nghiệp theo mô hình kinh tế chia sẻ không đảm bảo rằng dịch vụ của họ đạt tiêu chuẩn. Ví dụ phòng trọ, tài xế không phải đi qua những kiểm duyệt. Họ cho rằng điều này khiến cho giá sản phẩm rẻ đi. Đây là cạnh tranh không lành mạnh. Gần đây nhất đã xảy ra một cuộc "Đại chiến" giữa taxi truyền thống với hãng Uber, Grab bằng cách dán các biểu ngữ "Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam". Các tài xế taxi truyền thống cho rằng hiện nay, họ phải chịu cảnh "một cổ nhiều tròng", cộng thêm việc lượng khách hàng giảm sút, khiến cho “hầu bao” của họ trở nên thất thu do sự xuất hiện tràn ngập của Uber và Grab. Bên cạnh đó, họ cũng chỉ ra Uber và Grab có các khuyết điểm như: Không quản lý được lái xe, không quan tâm chất lượng, không có bảo hiểm cho hành khách, gây ùn tắc giao thông, phá vỡ quy hoạch vận tải, có dấu hiệu gian lận thuế... Vì vậy, các hãng taxi truyền thống đã kiến nghị dừng khẩn cấp kế hoạch thí điểm các loại taxi công nghệ. - Bên cạnh đó, những nguyên nhân khác cũng cản trở sự thâm nhập của mô hình chia sẻ vào Việt Nam như mức độ phổ cập của điện thoại thông minh, Internet 3G chưa quá cao; dịch vụ chuyển phát và hoàn tất đơn hàng chưa theo kịp nhu cầu và quan trọng hơn là phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt là DN vừa và nhỏ chưa có sự đầu tư đúng mức cho hoạt động nghiên cứu tìm hiểu mô hình “kinh tế chia sẻ” cũng như thị hiếu của người tiêu dùng để bán hàng trực tiếp không qua phân phối trung gian, thiếu vắng những ý tưởng kinh doanh hiệu quả khiến cho thị trường Việt Nam chưa có một dịch vụ nào thực sự nổi bật ở mảng kinh tế chia sẻ này. - Mô hình “Kinh tế chia sẻ” đang đặt ra nhiều thách thức đối với các nhà quản lý chính sách như tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đảm bảo hài hòa lợi ích đối với các mô 154
  6. hình kinh doanh dịch vụ truyền thống; kiểm soát việc minh bạch về thông tin; quản lý giao dịch điện tử, thanh toán quốc tế về thương mại bằng thẻ; quản lý chất lượng dịch vụ, sản phẩm; chống thất thoát thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân) và một số vấn đề xã hội khác nảy sinh như lao động, việc làm và an sinh xã hội. Kinh tế chia sẻ đòi hỏi suy nghĩ mới, cách thức khai thác, sử dụng nguồn lực mới để tận dụng tối đa các lợi thế. Trong khi đó, Việt Nam đang quản lý dựa trên các điều kiện về số lượng, phương thức, cách thức sản xuất, mô hình kinh doanh. Đây là rào cản rất lớn cần sửa đổi, loại bỏ để các đối tượng được tự do sáng tạo, thử nghiệm các mô hình, phương thức kinh doanh mới. Ngoài ra, về mặt cơ chế, chính sách cho loại hình này họat động và phát triển cũng chưa rõ ràng. Hiện Việt Nam mới chỉ áp dụng thí điểm Đề án ứng dụng công nghệ để quản lý và kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng (Uber/Grab). 4. Một số đề xuất cho mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam Mô hình kinh tế chia sẻ đang là xu hướng kinh tế phát triển mạnh mẽ, và đã có rất nhiều DN startup thành công từ mô hình này. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội mà Việt Nam cần phải nắm bắt, đưa ra giải pháp thiết thực, tận dụng tối đa các lợi thế để bắt kịp xu thế quốc tế. Đồng thời, tạo ra sự thay đổi về hình thái kinh doanh dịch vụ; tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp sáng tạo, đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ số và Internet. Tại thị trường Việt Nam, sự phù hợp về văn hóa cộng với sự thâm nhập nhanh chóng của công nghệ sẽ là những yếu tố thuận lợi để xu hướng mô hình “kinh tế chia sẻ” có thể phát triển nhanh trong tương lai. Tuy nhiên, với những đặc thù riêng về thị trường sẽ đòi hỏi các startup của Việt Nam không thể bắt chước y hệt mô hình của nước ngoài, mà cần phải có những sáng tạo riêng nhằm phù hợp với tâm lý và khả năng của người Việt hiện tại. Mô hình kinh tế chia sẻ sẽ nhanh chóng nở rộ ở Việt Nam trong tương lai không xa đem lại mối lo ngại về sự cạnh tranh không bình đẳng giữa mô hình truyền thống và mô hình này, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời và đúng đắn thì sẽ có nguy cơ gây ra sự bất ổn trong môi trường kinh doanh và sự khó khăn, rối ren của các nhà quản lý trong việc vận hành mô hình. Chính vì vậy, bài viết đề xuất một số giải pháp cần thực hiện ngay từ bây giờ của chính phủ như sau: Thứ nhất, cần hoàn thiện hành lang pháp lý và chính sách phù hợp để phát triển mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam. Mô hình kinh tế chia sẻ đã có những ảnh hưởng nhất định đến kinh tế của Việt Nam nhưng đến nay, vẫn chưa có hành lang pháp lý, khuôn khổ chính sách phù hợp để điều chỉnh các ngành kinh tế mới, đảm bảo hoạt động cho các doanh nghiệp tránh các xung đột diễn ra giữa mô hình kinh doanh truyền thống và mô hình này. Chính phủ đối mặt với hai khó khăn phải giải quyết đối với mô hình kinh tế chia sẻ: một là, làm thế nào để đưa ra một khái niệm mới đối với các loại dịch vụ không thuộc các loại dịch đang được quy định và hai là việc thu thuế cho các hoạt động kinh doanh mô hình này. Xây dựng hành lang pháp lý để mô hình kinh tế này hoạt động là việc cấp thiết, không những đảm bảo an ninh trật tự xã hội, hài hòa lợi ích các bên, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, mà sẽ là động lực để các DN start-up phát triển. Chính phủ cần sớm đưa ra các quy định, luật điều chỉnh và quản lý đối với mô hình kinh tế chia sẻ để có thể phản ứng kịp thời với tác động của công nghệ. Bên cạnh đó, Chính phủ phải xây dựng, sửa đổi các văn bản pháp luật trong rất nhiều lĩnh vực đang có xu hướng sử dụng công nghệ số nhanh như giao thông, y tế, môi trường, du lịch, thương mại điện tử… Thứ hai, cần xây dựng nền tảng trao đổi và đánh giá uy tín của các chủ thể tham gia giao dịch trực tuyến. Khi tiếp cận với nền kinh tế chia sẻ, người dân Việt Nam còn e ngại vì chất lượng dịch vụ, thói quen… Đây là biển hiện thường thấy đối với bất cứ cộng đồng nào khi tiếp xúc với mô hình kinh doanh mới. Vì vậy các DN theo mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam sẽ cần tập trung vào chất lượng dịch vụ, giá trị cho người tham gia nhằm dần dần xóa tan những mối nghi ngại của người dân. Đồng thời, các chủ thể tham gia giao dịch trực tuyến có thể nâng cao về tối ưu hóa thông tin (review phòng ở, review quán ăn, chia sẻ cách chữa 155
  7. bệnh…), tham gia xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn tối thiểu. Việc xây dựng lòng tin từ các quy chuẩn nhằm thuyết phục người tiêu dùng tham gia vào các hoạt động chia sẻ ngang hàng, ảnh hưởng lớn đến quyết định của người tiêu dùng sử dụng hệ thống cũng như đối với các đối tác sẵn sàng hợp tác với các DN mô hình kinh tế chia sẻ Thứ ba, cần triển khai các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy start-up thương mại điện tử và phát triển các hạ tầng cho mô hình kinh tế chia sẻ. Đối với thương mại điện tử, doanh nghiệp sẽ đóng vai trò nòng cốt triển khai, nhà nước đóng vai trò quản lý, thiết lập hạ tầng và môi trường cho thương mại điện tử phát triển. Các chính sách được xây dựng trên cơ sở thực tiễn, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng khi ứng dụng thương mại điện tử. Đa phần ở mô hình kinh tế chia sẻ, trang web/ứng dụng đóng vai trò là cầu nối thông tin, xác nhận danh tính của người mua và bán (qua các phương thức như Facebook, số điện thoại, email, bình luận chia sẻ…), giữ tiền đặt cọc của giao dịch và chuyển tiền sau khi giao dịch đã được xác nhận hoàn thành bởi hai bên. Vì vậy, chính phủ cần tập trung đầu tư phát triển mạng lưới internet, nâng cấp đảm bảo tính bảo mật tài khoản thanh toán trực tuyến, cả về số lượng và chất lượng. Khi chưa có sự phát triển mạnh mẽ của Internet tại Việt Nam thì sẽ không thể có một nền tảng tốt cho sự phát triển và thành công của kinh doanh chia sẻ. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Cristiano Codagnone and Bertin Martens (2016), Scoping the Sharing Economy: Origins, Definitions, Impact, and Regulatory Issues, Digital Economy Working Paper, Europe Commission. 2. Koopman, C., Mitchell, M., & Thierer, A. (2015), The Sharing Economy: Issues Facing Platforms, Participants, and Regulators. 3. Lại Việt Anh (2017), Xu hướng và thực trạng phát triển các mô hình kinh tế chia sẻ, Báo cáo của Bộ Công thương tại Diễn đàn Cách mạng công nghiệp 4.0. 4. Mai Hương Giang (2015), Một số mô hình của nền kinh tế chia sẻ và một số vấn đề đặt ra đối với nhà quản lý, Tạp chí Ngân hàng, số 5, tháng 3/2015. 5. Nguyễn Bá Ân (2017), Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức, Tạp chí Tài chính, Hà Nội. 156
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
7=>1