MỞ RỘNG TÍNH ỨNG DỤNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO<br />
ĐẠI HỌC KHI TRIỂN KHAI THỰC HIỆN HỌC CHẾ TÍN CHỈ<br />
<br />
PGS.TS. Nguyễn Minh Đức<br />
Khoa Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Văn Hiến<br />
<br />
<br />
1. Lợi ích của đào tạo theo học chế tín chỉ<br />
Xuất phát từ Đại học Harvard (Hoa Kỳ), học chế tín chỉ đã nhanh chóng được thừa<br />
nhận và áp dụng phổ biến trên toàn thế giới. Tuy được du nhập vào Việt Nam từ những<br />
năm 1950-1960 nhưng việc chuyển đổi từ đào tạo theo niên chế sang học chế tín chỉ tại<br />
Việt Nam chỉ mới được nghiên cứu, thảo luận và áp dụng rộng rãi trong vòng một thập<br />
niên gần đây, tính từ năm 2005 Bộ Giáo dục Đào tạo chính thức chỉ đạo các trường cao<br />
đẳng, đại học công lập chuyển đổi từ đào tạo niên chế sang đào tạo tín chỉ. Được xem là<br />
một "cuộc cách mạng" trong "công nghệ đào tạo" bậc đại học, đào tạo theo học chế tín chỉ<br />
là một quy trình đào tạo linh hoạt, lấy người học làm trung tâm, nâng cao tính chủ động<br />
của sinh viên từ việc lập kế hoạch học tập cho đến việc lựa chọn phương thức và nội dung<br />
học tập. Chương trình đào tạo tín chỉ sẽ tạo cho sinh viên tính chủ động cao trong việc lựa<br />
chọn kiến thức để trang bị cho bản thân và lựa chọn tiến trình học phù hợp với năng lực,<br />
điều kiện thực tế của mình. Người học được chủ động về mặt thời gian, nếu học tốt, có thể<br />
rút ngắn thời gian học; nếu không đủ khả năng cũng có thể vừa học, vừa làm, hoặc nghỉ<br />
học vài năm, sau đó, quay lại học tiếp, phù hợp với xu thế học tập suốt đời. Người học<br />
cũng chủ động trong việc tiếp thu các khối lượng kiến thức của ngành học khi có thể lựa<br />
chọn các học phần khác nhau được thiết kế trong chương trình.<br />
Phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ cũng phản ánh được những mối quan tâm<br />
và những yêu cầu của sinh viên thông qua việc lựa chọn các học phần khác nhau để đáp<br />
ứng với nhu cầu luôn thay đổi của thị trường lao động.<br />
Phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ không chỉ có lợi cho sinh viên mà còn có<br />
lợi cho các nhà quản lý các trường đại học khi nó tạo ra một thước đo khả năng học tập của<br />
người học (thông qua số lượng tín chỉ được tích lũy) và cũng cũng là thước đo hiệu quả,<br />
thời gian làm việc của giảng viên (thông qua số lượng sinh viên đăng ký học).<br />
Nếu trong chương trình đào tạo theo niên chế, quá trình truyền thụ kiến thức và kinh<br />
nghiệm từ người dạy sang người học được xem trọng thì trong phương thức đào tạo theo<br />
tín chỉ, quá trình tự học, tự nghiên cứu, tự tìm kiến thức và tự tích lũy kinh nghiệm của<br />
sinh viên được xem là điểm cốt lõi của chương trình đào tạo. Sinh viên có thể tham khảo<br />
cố vấn học tập trong việc chọn những môn học phù hợp với khả năng và hoàn cảnh của<br />
mình để hoàn thành những yêu cầu cho một văn bằng tốt nghiệp cũng như phục vụ cho<br />
nghề nghiệp trong tương lai. Tận dụng tính mềm dẻo, linh hoạt và sự phổ biến của học chế<br />
tín chỉ, các chương trình đào tạo thường được xây dựng theo hình thức module hóa với các<br />
học phần có thời lượng tương đồng (thường là 3 tín chỉ ~ 45 tiết lý thuyết trên lớp) mang<br />
tính liên thông dọc (nghĩa là liên thông từ bậc học thấp lên bậc cao hơn), liên thông ngang<br />
(giữa các ngành nghề khác nhau) và liên thông giữa các đơn vị đào tạo khác nhau. Hiện<br />
nay, các trường đại học ở Việt Nam đang xây dựng các chương trình đào tạo theo định<br />
hướng này. Tuy nhiên, việc xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo theo hướng<br />
ứng dụng lại ít được các trường chú trọng. Trong quá trình chuyển đổi sang đào tạo theo<br />
học chế tín chỉ, bên cạnh việc thay đổi tư duy và phương pháp dạy đại học của đội ngũ<br />
giảng viên, cũng như sự thay đổi trong tư duy và phương pháp học của sinh viên, một điều<br />
đáng lưu ý là chú trọng mở rộng tính ứng dụng của chương trình đào tạo.<br />
2. Vì sao sinh viên các trường đại học Việt Nam thiếu kiến thức thực tế?<br />
Chương trình đào tạo đại học ở Việt Nam được thiết kế theo học chế tín chỉ thường<br />
bao gồm một hệ thống những học phần (thường được gọi là môn học) thuộc ba khối chính:<br />
khối kiến thức cơ bản, khối kiến thức cơ sở và khối kiến thức chuyên ngành. Mỗi khối kiến<br />
thức được chia làm 2 phần: bắt buộc và tự chọn. Phần tự chọn sẽ có số lượng những học<br />
phần với số tín chỉ tương ứng lớn hơn số lượng tín chỉ yêu cầu sinh viên phải tích lũy để<br />
hoàn thành những yêu cầu cho một văn bằng bậc đại học. Các học phần này bao gồm cả<br />
khối lượng kiến thức lý thuyết lẫn kỹ năng thực hành. Tuy nhiên, sinh viên các trường đại<br />
học Việt Nam, dù đảm bảo số tín chỉ tích lũy để đạt văn bằng tốt nghiệp vẫn thường bị<br />
đánh giá là thiếu kiến thức thực tế và kinh nghiệm nghề nghiệp. Các nguyên nhân xuất phát<br />
từ nhiều phía nhưng có thể tập trung vào ba nhóm sau:<br />
Từ phía người học:<br />
- Do chưa hoàn thiện của hệ thống cố vấn học tập, nói đúng hơn là vai trò cố vấn<br />
còn mờ nhạt nên sinh viên thường chọn những học phần lý thuyết mà bỏ qua các học phần<br />
thực hành, thực tập trong các học phần tự chọn;<br />
- Thời lượng cho 1 tín chỉ thực hành dài hơn 1 tín chỉ lý thuyết, chi phí phải trả và<br />
công sức bỏ ra cho 1 tín chỉ thực hành nhiều hơn;<br />
- Sinh viên mong muốn tốt nghiệp sớm để tiết kiệm chi phí, nhanh chóng có việc<br />
làm;…<br />
Từ phía người dạy:<br />
- Thời gian dạy cho 1 tín chỉ thực hành dài hơn 1 tín chỉ lý thuyết nhưng thù lao<br />
giảng dạy cho 1 tiết giảng thấp hơn, thường được nhân với hệ số 0,5-0,7, do sự khống chế<br />
về số lượng sinh viên trong 1 nhóm thực tập;<br />
- Sự thiếu thốn của đội ngũ giảng viên nên không thể bố trí đội ngũ trợ giảng phụ<br />
trách thực hành thực tập cho các học phần lý thuyết;<br />
- Phương pháp và kỹ năng dạy đại học bao gồm thực hành và thực tập còn hạn chế;<br />
- Tư duy xem thực hành, thực tập chỉ là minh họa cho lý thuyết nên đẩy thực hành<br />
xuống hàng thứ yếu;<br />
- Sự hạn chế trong kỹ năng giảng dạy thực hành, thực tập;<br />
- Chức năng và vai trò nghiên cứu khoa học chưa được giảng viên xem trọng,<br />
thường được đặt ở vị trí thấp hơn chức năng giảng dạy…<br />
Từ phía nhà trường:<br />
- Chương trình đào tạo thường được một số giảng viên cơ hữu (thường là cán bộ<br />
quản lý) có kinh nghiệm giảng dạy lâu năm đảm trách, thiếu sự tham gia của thế giới việc<br />
làm liên quan đến chuyên ngành đào tạo;<br />
- Khối lượng thực hành, thực tập thường được bố trí ở năm cuối trong kế hoạch đào<br />
tạo với tư duy thực hành thực tập chỉ minh họa cho lý thuyết;<br />
- Các giáo trình quá hàn lâm, thiếu tính thực tế và thường được biên soạn dựa trên<br />
những giáo trình đã có sẵn trước đó, do đó nội dung giáo trình thường ít được cập nhật khi<br />
giảng viên ít hay không tham gia nghiên cứu các vấn đề xảy ra trong thực tế liên quan đến<br />
chuyên ngành đào tạo;<br />
- Cơ sở vật chất chưa đủ đáp ứng yêu cầu thực tập, chi phí cho thực hành thực tập<br />
cao;<br />
- Việc bố trí thực tập ngoài khuôn viên trường học sẽ ảnh hưởng đến việc tham dự<br />
lớp học của các học phần khác khi sinh viên khó có khả năng di chuyển từ nơi thực tập về<br />
lớp học;<br />
- Việc sắp xếp, bố trí phòng học, thời gian các học phần thực tập và học phần lý<br />
thuyết gặp nhiều khó khăn do phải chia nhỏ lớp học phần lý thuyết thành nhiều lớp học<br />
phần thực tập khác nhau,...<br />
Trong bối cảnh xã hội đang yêu cầu khả năng thích ứng của sinh viên đối với thực<br />
tế sản xuất, kinh doanh ngay từ khi tốt nghiệp, việc mở rộng và nâng cao tính ứng dụng<br />
của chương trình đào tạo cần được chú trọng hơn để giúp sinh viên thích ứng tốt hơn với<br />
thị trường lao động luôn biến đổi.<br />
3. Mở rộng tính ứng dụng của các chương trình đào tạo<br />
3.1. Chú trọng tính thực tế và tính đặc thù của trường đại học<br />
Để gia tăng tính ứng dụng của chương trình đào tạo, việc xây dựng chương trình<br />
đào tạo phải xuất phát từ thực tế, từ yêu cầu của thế giới việc làm. Do đó, các cuộc khảo<br />
sát thực tế về thị trường lao động và thế giới việc làm phải được tiến hành trước khi xây<br />
dựng hay cải tiến chương trình đào tạo của một chuyên ngành. Đối tượng khảo sát bao gồm<br />
các tổ chức/doanh nghiệp/người sử dụng lao động, các cựu sinh viên, các cán bộ quản lý,<br />
các nhân viên, lao động đang thực tế làm việc trong lĩnh vực liên quan đến chuyên ngành<br />
đào tạo để tìm hiểu các yêu cầu của các bên liên quan. Các cuộc khảo sát này sẽ xác định<br />
các yêu cầu tối thiểu về kiến thức và kỹ năng mà một sinh viên phải được đào tạo và tích<br />
lũy đủ để đạt được văn bằng tốt nghiệp (thường gọi là CĐR). Các cuộc khảo sát này cũng<br />
cần chỉ rõ những nội dung kiến thức và kỹ năng cần thiết để xây dựng các học phần và các<br />
đề cương môn học. Cần nhắc lại rằng việc khảo sát phải căn cơ, thấu đáo, tránh hình thức.<br />
Qua các cuộc khảo sát, mỗi trường đại học sẽ xác định được địa bàn, đối tượng phục<br />
vụ (phân khúc thị trường) của mình, từ đó, xây dựng chương trình đào tạo phù hợp cho các<br />
đối tượng (phân khúc) đó, hình thành tính đặc thù trong chương trình đào tạo của mỗi<br />
trường đại học, giúp thị trường việc làm dễ dàng nhận biết được những đặc điểm khác biệt<br />
cơ bản giữa các sinh viên tốt nghiệp từ nhiều trường khác nhau.<br />
Để mở rộng tính ứng dụng, chương trình đào tạo cần bố trí các học phần thực hành<br />
thực tập trải dài và xuyên suốt các năm học, tránh dồn vào năm học cuối với các đợt thực<br />
tập dồn dập trước khi bắt đầu một khóa luận hay một đề án tốt nghiệp đòi hỏi nhiều kinh<br />
phí và công sức. Các học phần thực tập này có thể bố trí vào cuối mỗi học kỳ hay trong<br />
học kỳ phụ.<br />
Trong đề cương các học phần lý thuyết, cần thiết phải có những tiết học thực hành,<br />
thực tập dưới nhiều hình thức khác nhau: thực hành bài tập, thảo luận nhóm, các đề án, bài<br />
tập lớn, tiểu luận môn học,... tận dụng tính tự học, tự nghiên cứu thực tế và tự tìm kiếm<br />
kiến thức của sinh viên. Thực tập, thực hành không chỉ là minh họa lý thuyết mà còn phải<br />
thể hiện vai trò gợi mở, tìm kiếm và tạo dựng lý thuyết. Từ đó, thực hành, thực tập sẽ hỗ<br />
trợ tốt hơn cho khả năng sáng tạo của sinh viên ngay từ giảng đường đại học.<br />
3.2. Xây dựng chương trình đào tạo theo hướng mở và linh hoạt<br />
Các chương trình đào tạo phải được cập nhật và cải tiến sau một thời gian nhất định,<br />
ví dụ 3-4 năm, để đáp ứng nhu cầu luôn thay đổi của thị trường lao động và thế giới việc<br />
làm. Kết cấu chương trình cần có nhiều học phần tự chọn hơn số học phần bắt buộc, cho<br />
phép giảng viên đề xuất các học phần mới phù hợp với yêu cầu thực tế và khả năng của<br />
giảng viên. Bên cạnh đó, cần tạo ra những qui định cho phép hủy bỏ học phần trong môn<br />
học sau một thời gian không có hay có quá ít sinh viên lựa chọn. Đề cương môn học cần<br />
được cập nhật và mang tính cạnh tranh giữa các giảng viên dạy cùng môn học, được công<br />
bố công khai cho sinh viên trong trường để sinh viên có thể lựa chọn học phần, lựa chọn<br />
giảng viên. Về mặt này, hiện phải cân nhắc vì sẽ có những mặt lợi bất cập hại.<br />
Việc mở rộng các môn tự chọn đảm bảo quyền lựa chọn của sinh viên và cho phép<br />
sinh viên hình thành các lợi thế cạnh tranh riêng so với các sinh viên khác theo học cùng<br />
chương trình; từ đó, tạo sự khác biệt cho những sinh viên tài năng khi tham gia thị trường<br />
lao động. Những sinh viên lựa chọn các môn học mang tính thực tế sẽ có nhiều lợi thế hơn<br />
trong việc tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp. Việc áp dụng một tỷ lệ tín chỉ đáng kể các<br />
môn tự chọn còn rèn luyện tính tự lập, tự chịu trách nhiệm của sinh viên khi họ phải tự<br />
quyết định số lượng các học phần tự chọn trong kế hoạch học tập của mình. Có ý kiến cho<br />
rằng hệ thống các môn học tự chọn có thể tạo cơ hội cho những sinh viên lười biếng khi<br />
họ chọn những môn học dễ nhất trong chương trình đào tạo đại học. Để trả lời ý kiến này,<br />
nên tham khảo trên trang web riêng (http://www.higher-<br />
ed.org/resources/Charles_Eliot.htm), Hiệu trưởng Elliot của Đại học Harvard đã cho rằng<br />
chính sách của một trường đại học không nhất thiết phải xây dựng dựa trên nhu cầu của<br />
những sinh viên kém cỏi nhất. “Việc thiết kế một chương trình đồng nhất cho mọi sinh<br />
viên, với những kiến thức hời hợt và ngăn cản sự chuyên sâu, là sự hy sinh những sinh viên<br />
xuất sắc nhất vì những kẻ trung bình”.<br />
3.3. Tạo dựng môi trường học tập phù hợp, hỗ trợ cho quá trình triển khai<br />
thực hiện chương trình đào tạo mang tính ứng dụng<br />
Một trong những yếu tố tối quan trọng và việc triển khai học chế tín chỉ là môi<br />
trường, không gian học tập phải phù hợp với học chế này, trong đó cơ sở vật chất của<br />
trường phải phù hợp và hỗ trợ cho việc đào tạo theo hướng ứng dụng thực tế. Các hình<br />
thức phòng học phải đa dạng, có sự khác biệt giữa những tiết lý thuyết và những tiết thực<br />
hành thực tập, tạo điều kiện cho việc tương tác giữa giảng viên và sinh viên và giữa sinh<br />
viên với nhau. Phòng thí nghiệm thực tập và thư viện nên có một cơ chế quản lý linh hoạt,<br />
dựa trên cơ sở phục vụ tốt nhất cho nhu cầu tự học của sinh viên và yêu cầu nghiên cứu<br />
của giảng viên. Khuôn viên trường nên có những địa điểm phù hợp cho việc học nhóm,<br />
thảo luận, hỗ trợ cho quá trình tự học, tự nghiên cứu của sinh viên.<br />
Sách giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo nên được cung cấp cho sinh viên với<br />
nhiều hình thức khác nhau. Mỗi trường đại học nên có một hệ thống giáo trình riêng, phù<br />
hợp với triết lý và định hướng ứng dụng của chương trình đào tạo, tạo nên tính đặc thù của<br />
mỗi chuyên ngành trong từng trường, giúp sinh viên và thế giới việc làm có thể phân biệt<br />
sự khác nhau cũng như thế mạnh giữa các trường đại học trong cùng một chương trình đào<br />
tạo. Nội dung giáo trình cũng nên gần gũi hơn với thực tế, tránh đưa quá nhiều kiến thức<br />
hàn lâm vào giáo trình, bài giảng dành cho sinh viên đại học.<br />
Trong môi trường học tập, nhà trường cũng nên tận dụng công nghệ thông tin để tạo<br />
sự tương tác giữa sinh viên và nhà trường, giữa sinh viên và giảng viên và giữa sinh viên<br />
với nhau. Hiện nay với sự phát triển nhanh chóng của Internet và công nghệ e-learning,<br />
sinh viên có nhiều cơ hội để tiếp cận nhiều hơn các bài giảng của các giảng viên nổi tiếng,<br />
đồng thời cũng có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận thực tế. Các trang web, các tài khoản trên<br />
các mạng xã hội online của các khoa chuyên môn, của trường đại học nên có thêm những<br />
nội dung giúp sinh viên tìm hiểu và tiếp cận tốt hơn với thực tế sản xuất như các bài phân<br />
tích thực tế xu hướng nghề nghiệp, thực trạng việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp,<br />
yêu cầu của các nhà tuyển dụng,…<br />
Các chương trình đào tạo cũng nên thể hiện mối quan hệ hợp tác giữa trường đại<br />
học và các tổ chức doanh nghiệp. Để khắc phục điểm yếu về kỹ năng thực hành và khả<br />
năng thích ứng ngay với thực tế sản xuất sau khi tốt nghiệp, sinh viên trong các trường đại<br />
học cần được tạo thêm nhiều cơ hội tiếp cận với thế giới nghề nghiệp, với các doanh nghiệp<br />
ngay từ khi còn đi học. Việc thiết lập, duy trì và phát triển mối quan hệ giữa các khoa<br />
chuyên môn thuộc các trường đại học với các tổ chức doanh nghiệp nên trở thành mối quan<br />
tâm hàng đầu của các nhà quản lý và của các giảng viên khi muốn thay đổi nội dung chương<br />
trình đào tạo theo định hướng ứng dụng. Mối quan hệ này có thể được thiết lập và phát<br />
triển thông qua các hoạt động nghiên cứu, tư vấn của giảng viên tại các doanh nghiệp, có<br />
thể thông qua việc ký kết hợp tác nghiên cứu và đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp,<br />
qua các buổi seminar chuyên đề với sự tham gia của doanh nghiệp và cũng có thể thông<br />
qua mạng lưới các cựu sinh viên của trường.<br />
3.4. Đội ngũ giảng viên<br />
Bên cạnh đội ngũ giảng viên cơ hữu, trường đại học cần có một đội ngũ giảng viên<br />
thỉnh giảng thường xuyên (dài hạn/bán cơ hữu) từ thế giới việc làm để kịp thời bổ sung<br />
giảng viên cho các học phần chuyên ngành thường thiếu giảng viên và để tăng tính thực tế<br />
cho các bài giảng, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các giảng viên giảng dạy cùng học<br />
phần/môn học. Mỗi học phần, đặc biệt là những học phần bắt buộc, sĩ số sinh viên đông,<br />
chương trình đào tạo nên bố trí ít nhất hai giảng viên đảm nhiệm với hai lớp (ca) khác nhau<br />
để tăng tính cạnh tranh của giảng viên trong việc cập nhật thực tế vào bài giảng.<br />
Trong phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ, hầu như tất cả các học phần đều<br />
bao gồm các hình thức tổ chức dạy - học khác nhau: giảng bài của giảng viên, thực tập,<br />
thực hành của sinh viên dưới sự hướng dẫn của giảng viên, và tự học, tự nghiên cứu của<br />
sinh viên. Do đó, giảng viên phải xây dựng đề cương chi tiết, cập nhật bài giảng, đáp ứng<br />
các yêu cầu mang tính thực tế của chương trình đào tạo và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao<br />
của thế giới việc làm, giúp sinh viên nâng cao khả năng cạnh tranh trong xu thế hội nhập<br />
của nền kinh tế.<br />
3.5. Sự chủ động của sinh viên trong việc tiếp cận thực tế nghề nghiệp<br />
Việc cải tiến chương trình đào tạo ngoài việc khảo sát thị trường và thế giới việc<br />
làm còn phải dựa trên ý kiến của sinh viên. Thông qua hệ thống các môn học tự chọn trong<br />
toàn trường, sinh viên sẽ lựa chọn và quyết định sự tồn tại của các học phần trong chương<br />
trình đào tạo. Sinh viên cũng có thể thể hiện vai trò chủ động của mình khi đề xuất các môn<br />
học hay học phần mới cho Hội đồng khoa học của trường và của các khoa, bổ sung vào<br />
chương trình đào tạo. Với sự chủ động trong việc xây dựng thời khóa biểu riêng của mỗi<br />
cá nhân, sinh viên sẽ sắp xếp tham gia các câu lạc bộ học thuật, thể thao, văn nghệ và các<br />
câu lạc bộ kỹ năng khác nhằm tự hoàn thiện mình, đáp ứng tốt nhất yêu cầu từ thực tế.<br />
Sinh viên cũng nên được khuyến khích và tạo cơ hội đi làm thêm, đặc biệt ở những<br />
công việc phù hợp với ngành đang đào tạo với một thời lượng nhất định ngoài giờ học.<br />
Điều đó, không chỉ giúp sinh viên có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn và rèn<br />
luyện kỹ năng mềm, quá trình làm thêm còn kích thích họ tự học, tự tìm kiếm lý thuyết<br />
trong quá trình học để lý giải những kinh nghiệm thực tế mà họ tích lũy được. Từ đó, sinh<br />
viên sẽ đưa ra những yêu cầu thực tế hơn để góp phần cải tiến chương trình đào tạo và nội<br />
dung các đề cương bài giảng theo hướng gần gũi hơn với thực tế.<br />