intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Một số chân dung của trí thức Việt Nam đương đại: Phần 1

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:586

2
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Cuốn sách "Trí thức tinh hoa Việt Nam đương đại - Một số chân dung" khắc họa chân dung rõ nét, sinh động 56 gương mặt trí thức Việt Nam tiêu biểu trong và ngoài nước, đủ mọi lĩnh vực. Nội dung cuốn sách được sắp xếp theo ba chương: Chương 1, trí thức thế hệ thứ nhất (từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945); chương 2, trí thức các thế hệ tiếp theo (từ sau ngày Hà Nội giải phóng năm 1954); chương 3, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Trong từng chương, sự sắp đặt các nhân vật trước sau chỉ căn cứ vào chữ tên nhân vật ấy để xếp theo trật tự chữ cái tiếng Việt (a, b, c...). Mời các bạn cùng tham khảo phần 1 cuốn sách sau đây.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Một số chân dung của trí thức Việt Nam đương đại: Phần 1

  1. BIỂU GHI BIÊN MỤC TRƯỚC XUẤT BẢN DO THƯ VIỆN KHTH TP.HCM THỰC HIỆN General Sciences Library Cataloging-in-Publication Data Hàm Châu Trí thức tinh hoa Việt Nam đương đại - Một số chân dung / Hàm Châu. - T.P. Hồ Chí Minh : Trẻ, 2014. 1220tr. : chân dung ; 23 cm. 1. Trí thức -- Việt Nam. 1. Intellectuals -- Vietnam. 305.552 -- dc 23 H198-C50
  2. LỜI NHÀ XUẤT BẢN Là một nhà báo kỳ cựu đã có thâm niên tiếp xúc gần gũi các nhà khoa học và trí thức đầu ngành Việt Nam từ những năm tháng chiến tranh, tác giả Hàm Châu có thể được xem như là một trong những người có nhiều thông tin về tiến trình thế hệ của những người làm khoa học nước nhà. Từ những trí thức đầu đàn lập quốc như các giáo sư Tạ Quang Bửu, Hồ Đắc Di, Hoàng Minh Giám, Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng... đến Nguyễn Tài Cẩn, Hoàng Tụy, Trịnh Xuân Thuận, Trần Thanh Vân và các thế hệ sau này như Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn, ông đều có những quan sát kỹ lưỡng từ xa đến gần, từ sự khái quát sự nghiệp của họ cho đến cuộc sống đời thường mà ông có dịp được biết. Lịch sử nền khoa học và sáng tạo Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng trống chưa được lấp, và cuốn sách của nhà báo Hàm Châu – Trí thức tinh hoa Việt Nam đương đại – Một số chân dung – là một nỗ lực góp phần lấp đầy khoảng trống đó. Ở đây, thái độ của một người cầu tiến và phẩm chất tinh thần “đồ Nghệ” đã giúp tác giả vượt qua những trở ngại về tư liệu cũng như sự ít ỏi của truyền thông khoa học kỹ thuật nhiều thập niên, để dựng nên bức tranh toàn cảnh về không khí học thuật, ghép từ những chân dung khá chi tiết. 56 gương mặt được giới thiệu trong cuốn sách này tất nhiên chỉ là phần nào trong đông đảo các trí thức người Việt đầy khao khát cống hiến, phụng sự xã hội cũng như chinh phục đỉnh cao trí tuệ. Họ không chỉ gồm các nhà khoa học, bác sĩ, kỹ sư, các nhà lý thuyết nhiều danh vọng mà còn cả những người thầy, những người nghệ sĩ. Trưởng thành và lập thân trong bối cảnh đất nước nhiều biến động,
  3. không phải lúc nào cũng sẵn điều kiện cho họ làm việc, thậm chí quá thiệt thòi cho tài năng, những bậc trí thức lớn vẫn tìm cách thích nghi và vượt qua để làm được việc, để thành nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ người Việt. Họ là mảng tinh hoa của đời sống hòa bình, đời sống xây dựng đất nước, để cân bằng với đời sống chiến tranh vốn dĩ đã đẩy đất nước vào tình thế phát triển bất bình thường. Từng là Tổng biên tập của báo Tổ Quốc, nhà báo Hàm Châu đã quen thuộc với bạn đọc nhiều thập niên về những tuyến bài viết về các học giả nước nhà, cũng như các trí thức Việt Nam sinh sống ở nước ngoài. Với văn phong đậm chất giáo khoa, nghiêm túc và mạch lạc, Trí thức tinh hoa Việt Nam đương đại – Một số chân dung thực sự hữu ích cho những bạn đọc trẻ cần tìm hiểu về một hệ thống phát triển của giới trí thức, đặc biệt là mảng khoa học. Người đọc sẽ tìm thấy niềm tự hào về những thế hệ người Việt đã tiếp cận nền khoa học nhân loại, và cả những nỗi tiếc nuối về những công trình bỏ lỡ do thời cuộc. Đằng sau đó là sự hi vọng về một tương lai nước nhà, chỉ có lòng hiếu học và tri thức mới đưa đất nước tiến bộ. Nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc đánh giá cuốn sách là “một bích họa hoành tráng phản ánh giai đoạn lịch sử Việt Nam đương đại”. Đó cũng là một đóng góp của cuốn sách, cho dù như lời tác giả khiêm tốn gửi gắm: “Tất nhiên, tôi làm sao đủ sức viết nổi về tất cả những trí thức tiêu biểu của nước Việt Nam đương đại. Trong sách, chỉ là một số chân dung những trí thức ít nhiều tiêu biểu mà tôi may mắn từng được gặp mặt, chuyện trò”. Nhà xuất bản Trẻ cũng hi vọng sẽ còn có những cuốn sách tiếp nối về các trí thức đương đại khác, trở thành nguồn cảm hứng chinh phục đỉnh cao trí tuệ cho bạn đọc nước nhà. Xin trân trọng giới thiệu tác phẩm này. NHÀ XUẤT BẢN TRẺ
  4. ĐÔI ĐIỀU TÂM NIỆM Khi viết về thân thế, sự nghiệp một nhân vật trong quá khứ xa xăm - như Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) hay Ngô Thì Sĩ (1726-1780) - các tác giả hiện nay chẳng có phép thần thông nào làm cho mấy vị ấy sống lại, để chính mình được gặp mặt, chuyện trò, rồi ghi lấy những gì quan sát được, những ấn tượng, cảm xúc! Người viết chỉ còn cách sưu tầm những tư liệu còn rơi rớt lại sau bao phen binh lửa, để rồi từ đó phác ra một số nét về cuộc đời và sự nghiệp của nhân vật ấy. Những tư liệu gốc ở nước ta, từ thế kỷ XVIII trở về trước, hầu hết đều ghi bằng chữ Hán, chữ Nôm, do đó, các tác giả phải là người am tường thứ văn tự biểu ý ấy - như Nguyễn Tài Cẩn hay Trần Thị Băng Thanh - thì mới mong viết ra được những điều đáng tin cậy, có tính khoa học. Tất nhiên, tác phẩm được tạo thành sẽ là một công trình nghiên cứu văn - sử, chứ không phải một tác phẩm ký chân dung. Khi viết về cuộc đời và sự nghiệp một nhân vật cùng thời, tác giả may mắn hơn ở chỗ có thể “diện kiến, phiếm đàm” với chính nhân vật ấy. Nghề làm báo tạo thuận lợi cho việc giao tiếp. Bởi thế, có nhà lý luận báo chí cho rằng, một phóng viên giỏi, với cuốn sổ tay, chiếc máy ghi âm - ghi hình và tài năng phân tích, đánh giá, rất có thể trở thành một “nhà chép sử đương đại” qua các tác phẩm ký chân xác, đáng tin về những sự kiện, con người của thời đại anh ta đang sống. Tôi bước vào nghề báo từ năm 22 tuổi. Sau dăm ba năm đầu “thử bút”, tập viết bình luận quốc tế, suốt mấy thập niên sau, tôi chuyên hẳn vào lĩnh vực khoa học - giáo dục, và thầm coi đó là “đất dụng võ” của mình. Những nhân vật mà 5
  5. độc giả sẽ gặp trong sách Trí thức tinh hoa Việt Nam đương đại – Một số chân dung đều là những con người - dù đã qua đời hay đang còn sống - tôi từng tiếp xúc nhiều lần. Ấn tượng trực tiếp giúp người viết có thể tạo nên nét riêng cho bài ký. Những nhân vật mà tôi cố gắng thể hiện trong cuốn Trí thức tinh hoa Việt Nam đương đại – Một số chân dung hầu hết là nhà giáo, nhà khoa học, quen tư duy logic, rất “dị ứng” với những gì không chính xác, dù chỉ là một chi tiết nhỏ. Năm 1982, trong một bài về Giáo sư1 Hồ Đắc Di đăng trên báo Hà Nội Mới, tôi viết: “Từ những năm kháng chiến chống Pháp, bên con ngòi Quẵng giữa rừng sâu Chiêm Hóa lắm beo nhiều vắt, cho đến những năm hòa bình, ở một phố lớn nhìn sang vườn hoa Tao Đàn, giữa lòng Hà Nội, hai gia đình GS Hồ Đắc Di và GS Tôn Thất Tùng vẫn ở cùng nhà, ăn cùng mâm. Hằng ngày, hai người vẫn gặp nhau trên lối đi rải cuội trong thửa vườn nhà, hay bên màn ảnh nhỏ máy thu hình”. Sau khi báo phát hành, tôi được GS Di cho biết, trong đoạn văn trên, có chỗ chưa chính xác: Là nhà mổ xẻ, luôn cấp cứu bệnh nhân, GS Tùng hầu như chẳng có chút thời gian “nhàn hạ” nào để mà... ngồi xem TV! Một lần khác, trong bài về GS Đặng Vũ Hỷ đăng trên báo Nhân Dân, tôi viết về người vợ của giáo sư trong những năm chống Pháp, tản cư vào liên khu IV: “Là con gái một cụ thượng thư, thế mà bà trồng chuối, tưới rau, nuôi gà, gánh nước, kiếm củi y như một bà mẹ trẻ lam làm ở chốn làng quê”. Sau khi báo phát hành, GS Đặng Vũ Minh, lúc ấy là giám đốc Trung tâm Khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia, con trai GS Đặng Vũ Hỷ, nói với tôi: “Bài anh viết rất hay. Mẹ tôi và cả nhà tôi hết sức cảm ơn anh. Tuy nhiên, cũng phải nói thật, có một chỗ làm mẹ tôi... bật cười! Đúng là mẹ tôi vẫn trồng rau, nuôi gà. Nhưng bà... chưa quen ‘gánh nước’ vì... đau vai lắm!” 1 Trong sách, một số từ xin được viết tắt: Giáo sư - GS, Phó Giáo sư - PGS, Tiến sĩ - TS, Tiến sĩ khoa học - TSKH,... 6
  6. Vài chi tiết nhỏ chưa chính xác như thế, độc giả nói chung không phát hiện được. Nhưng, những người sống gần GS Tùng hay GS Hỷ thì cảm thấy... “sạn”! Bởi thế, để bảo đảm độ chính xác cao, có tính lịch sử, khi in lại, tôi dứt khoát gạch bỏ mấy chi tiết ấy. Tôi nghĩ, sức hấp dẫn của bài ký chân dung không phải ở chỗ tác giả “bịa” giỏi, hư cấu tài, mà là ở mức độ phong phú, sống động của các chi tiết có thật, được chọn lọc, và ở cảm xúc, lời bình của tác giả. Thời trẻ, tôi say mê đọc bộ Sử ký của Tư Mã Thiên (135-93 tr. CN). Tôi cảm thấy, sở dĩ bộ sách ấy hấp dẫn bạn đọc nhiều nước hơn hai thiên niên kỷ, là do tác giả không chỉ chép lại một cách đầy đủ, cặn kẽ những sự kiện lịch sử “động trời” bên nước Trung Hoa thời Xuân Thu - Chiến Quốc và thời Tần - Hán, mà còn qua phần Bản kỷ và phần Liệt truyện, vẽ nên những bức chân dung sống động, đầy chi tiết về những con người “nhào nặn nên lịch sử”. Đó là những vị hoàng đế, vương hầu, công khanh, đại phu, cũng như những bậc trí thức lẫy lừng “trước thư lập ngôn” như Khổng Tử, Lão Tử, Khuất Nguyên, Mạnh Tử, Trang Tử, Tôn Tử, Ngô Khởi... Không đủ vốn hiểu biết trực tiếp để viết về những nhân vật chính trị, quân sự, ngoại giao lỗi lạc Việt Nam thời nay, tôi thầm nghĩ, nếu mình viết chân thật, sống động về những nhà trí thức Việt Nam đương đại, kể từ Cách mạng Tháng Tám về sau, thì may ra cũng có thể góp phần ghi lại đôi nét bóng dáng lịch sử ánh xạ qua số phận những con người ít nhiều tiêu biểu ấy. Khi đọc Trí thức tinh hoa Việt Nam đương đại – Một số chân dung, bạn đọc sẽ gặp những bài rất ngắn, cũng như những bài khá dài. Độ ngắn, dài của từng bài không hề phụ thuộc vào việc nhân vật trong bài đó cống hiến nhiều hay ít cho đất nước, mà chỉ do vốn hiểu biết của người viết về nhân vật ấy dày dặn đến mức nào. Đối với những nhân vật mà tác giả tiếp xúc không nhiều, thì thà viết gọn còn hơn “pha loãng”. Sách chia làm ba chương, viết về mấy thế hệ trí thức đương đại: 1. Trí thức thế hệ thứ nhất (từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945). 2. Trí thức các thế hệ tiếp theo (từ sau ngày Hà Nội giải phóng năm 1954). 3. Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài.. 7
  7. Trong từng chương, sự sắp đặt các nhân vật trước sau chỉ căn cứ vào chữ tên nhân vật ấy để xếp theo trật tự chữ cái tiếng Việt (a, b, c...). Tất nhiên, tôi làm sao đủ sức viết nổi về tất cả những trí thức tiêu biểu của nước Việt Nam đương đại. Trong sách, chỉ là một số chân dung những trí thức ít nhiều tiêu biểu mà tôi may mắn từng được gặp mặt, chuyện trò. Còn nhiều nhà trí thức nổi tiếng mà riêng tôi rất ngưỡng mộ như Hoàng Xuân Hãn, Đào Duy Anh, Lương Định Của, Lê Thành Khôi... nhưng do tôi chưa có dịp tiếp xúc nhiều, nên chưa thể phác họa chân dung. Cuốn Trí thức tinh hoa Việt Nam đương đại – Một số chân dung có thể ra mắt độc giả hôm nay là nhờ sự khích lệ đầy nhiệt tình và sự giúp đỡ cụ thể, thiết thực của Nhà xuất bản Trẻ, đặc biệt là của anh Nguyễn Thế Truật và các biên tập viên. Thành thật cảm ơn. Tôi cũng chân thành cảm ơn thạc sĩ Nguyễn Cẩm Ngọc, nghiên cứu sinh tiến sĩ Khoa học Chính trị, đã dành thời gian ít ỏi của chị để đọc kỹ từng chữ và nhiều lần toàn bộ bản thảo cuốn sách, sửa chữa các lỗi đánh máy vi tính, và góp ý về ngữ nghĩa và nội dung. TÁC GIẢ 8
  8. Chương I TRÍ THỨC THẾ HỆ THỨ NHẤT (từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945)
  9. TẠ QUANG BỬU - MỘT TRÍ TUỆ BÁCH KHOA, MỘT NHÀ LÃNH ĐẠO KHOA HỌC TỪ “ĐẤT HỌC” NAM ĐÀN Ông nội tôi, cụ Nguyễn Văn Chấn, đỗ phó bảng năm Ất Mùi (1895); tuy đỗ đại khoa, vẫn quay trở về quê hương Nam Đàn dạy học. Thuở nhỏ, tôi thường nghe ông tôi khuyên bảo: - Lớn lên, cháu phải gắng học cho chăm, cho giỏi. Cái vốn “cựu học” của ông bây giờ chẳng còn thích dụng nữa! Cháu phải noi gương các nhà “tân học” như ông Tạ Quang Bửu, con cụ cử Diễm ở dưới Hoành Sơn, hay ông Nguyễn Thúc Hào, con cụ bảng Dinh ở làng Xuân Liễu ta đây. Cả hai vị “tân học” ấy đều là dân Nam Đàn, là bà con gần của nhà ta đấy, cháu ạ... GS Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp trong những năm đạn bom, sơ tán; trên bàn làm việc luôn đặt sẵn cái mũ sắt. 10
  10. Thế là, ngay từ tuổi bé thơ đầy ảo mộng, trong tâm trí tôi, nhà “tân học” Tạ Quang Bửu đã là một mẫu mực tuyệt vời, một thiên “huyền thoại sống” xa xôi mà gần gũi. GS Tạ Quang Bửu sinh ngày 23-7-1910 tại thôn Hoành Sơn, xã Nam Hoành, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Các gia đình trí thức Nho gia xưa, khi đặt tên cho con cháu, thường suy tính rất kỹ, nhằm kín đáo gửi gắm niềm kỳ vọng của cha mẹ, ông bà. Bửu là cách đọc trệch âm của chữ Bảo [宝] có nghĩa là quý báu, chẳng hạn: bửu bối [宝贝], bửu kiếm [宝 剑]... Một số người trong hoàng tộc triều Nguyễn cũng có những cái tên bắt đầu bằng chữ Bửu, chẳng hạn: Bửu Hội [宝会], một nhà bác học hóa sinh ở thế kỷ XX; Bửu Đảo [宝 嶹] tức nhà vua Khải Định, v.v... Nam Đàn có làng Sen quê hương Bác Hồ, làng Đan Nhiễm quê hương cụ giải nguyên Phan Bội Châu; có con sông Lam nước ngời lam màu ngọc bích, có ngọn rú Đụn (tên chữ Hán là Độn Sơn) với đền Mai Hắc Đế cây cối um tùm, có rú Đại Huệ với suối khe róc rách, đôi bờ san sát những cái rày 1 bậc thang lắm cau, mít, nhiều cam, hồng... Làng quê GS Bửu ở tận cuối huyện, mạn đông-nam, bên kia bến đò Vạn Rú (rú ở đây là một dãy núi nằm ngang, được gọi một cách văn vẻ là Hoành Sơn). Ông nội GS Bửu là cụ Tạ Quang Oánh, đỗ cử nhân Nho học, nhưng vẫn cứ ở lại làng mình, cày ruộng, khi mất chẳng để lại ruộng cả, ao liền, bạc tiền, dinh thự gì cho con cháu cả! Trong tộc phả dòng họ Tạ ở Hoành Sơn còn ghi hai câu chữ Hán ngắn: 父教子登科 举人在贯. Phụ giáo tử đăng khoa Cử nhân tại quán. Có nghĩa: Cha dạy con đi thi, đã 11 đời rồi, đời nào cũng đỗ cử nhân. Nhưng, sau khi đỗ đạt, nhiều vị tân khoa họ Tạ vẫn cứ ở lại quê hương mình cày ruộng và dạy học, chẳng chịu ra làm quan, chẳng hám danh chuộng lợi... 1 Rày: Tiếng địa phương, có nghĩa là trại trồng cây lưu niên trên triền núi cao. 11
  11. Thân phụ GS Bửu là nhà nho Tạ Quang Diễm (cũng gọi là Tạ Diễm) nổi tiếng học giỏi từ thời trẻ. Thuở ấy, cụ phó bảng Đặng Nguyên Cẩn, biệt hiệu Thai Sơn (thân phụ nhà văn Đặng Thai Mai) mở trường tư dạy học ở vùng Thanh Chương - Nam Đàn. Dưới cổng trường cụ Thai Sơn, có nhiều người học trò văn hay chữ tốt nổi tiếng khắp vùng, như Tạ Diễm ở mạn Hoành Sơn, Trần Thông bên làng Thanh Thủy... Cho đến nay, trong số con cháu các ông đồ xứ Nghệ, vẫn còn lưu truyền bài văn sách (một thể văn xưa) viết về những môn sinh trường cụ Thai Sơn. Bài văn mở đầu: Thai Sơn môn hạ Làng giỏi cũng nhiều Hoành Sơn Tạ Diễm Thanh Thủy Trần Thông... Thông minh, ý nhị, để lại nhiều áng thơ hay, nhiều câu hát phường vải dí dỏm mãi đến nay vẫn còn truyền tụng; thế nhưng tính nghịch ngợm, ưa làm những câu thơ trêu chọc các bác “hủ nho”, các ông quan “phụ mẫu”, chứ chẳng chuộng lối văn trường quy khuôn sáo, cho nên chàng nho sinh Tạ Diễm cứ trượt hoài, mãi đến năm 1910, khi đã ngoài 26 tuổi, mới đỗ cử nhân Trường Nghệ (trường thi Nho học xưa dành cho vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh). Vì quen biết nhiều người trong Đông Kinh nghĩa thục, ông Tạ Diễm không “được” bổ đi làm quan huyện, quan phủ ở miền trung châu trù phú, mà bị đẩy ra làm huấn đạo ở làng Quý Hương (Thanh Hóa) - một làng nước độc, dân nghèo - rồi chuyển vào làm giáo thụ phủ Tam Kỳ (Quảng Nam). Có tiếng hay chữ, ông được mời ra chấm thi Trường Thừa (trường thi ở vùng Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế). Năm 1919, sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, Pháp bãi bỏ thi cử Nho học. Ông cử Diễm đành nhận dạy chữ Hán và Việt văn cho vài trường tiểu học ở Huế với đồng lương ít ỏi. 12
  12. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Đào, cháu nội cụ thám hoa Nguyễn Đức Đạt1, người Nam Đàn, một nhà giáo yêu nước nổi tiếng, sốt sắng tham gia phong trào Cần Vương, phò tá vua Hàm Nghi nhưng không thành. Bà Đào dạy nữ công và thỉnh thoảng đưa in mấy bài thơ vịnh cảnh nghèo, gửi gắm chút tình non nước trên các báo Tiếng Dân, Phụ Nữ Thời Đàm với bút danh Sầm Phố. Ông bà chỉ có hai người con trai là Tạ Quang Bửu và Tạ Quang Đệ (sau này, trở thành nhà báo nổi tiếng với bút danh Quang Đạm). Về nữ sĩ Sầm Phố, cách đây chưa lâu, GS Hoàng Như Mai - một nhà nghiên cứu văn học quen biết cuối đời làm việc tại TP Hồ Chí Minh - sưu tầm, sao chụp được một số bài thơ hay của bà in trên tờ Phụ Nữ Thời Đàm ở Sài Gòn thập niên 20 thế kỷ XX. “HẬN MẤY MUÔN ĐỜI, PHÚC LỘC THỌ MÀ CHI” Ông Cử Diễm mất năm 1925, khi ông mới 41 tuổi, và cậu con trai đầu là Tạ Quang Bửu mới học lớp đệ tam (chương trình nặng hơn lớp 8 hiện nay). “Bố tôi mất ngày mồng 6 tháng Tư âm lịch - sau này GS Tạ Quang Bửu kể lại. Lúc bấy giờ, tôi đang trọ tại nhà cụ phó bảng Nguyễn Thúc Dinh (thường gọi là cụ bảng Dinh, một người đồng hương Nam Đàn quen biết bố tôi, năm ấy đang làm quan ở Huế) để đi học Trường Quốc Học được gần hơn. Bỗng có người đến gọi tôi trở về nhà ngay, vì sáng hôm ấy, bố tôi thổ huyết, ngã giữa đường, 1 Trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa là ba vị trí cao nhất, gọi là “tam khôi”, trong các kỳ thi Hội tuyển chọn tiến sĩ thời xưa, Tuy nhiên, triều Nguyễn quy định không lấy ai đỗ trạng nguyên, cho nên bảng nhãn và thám hoa trở thành hai vị trí cao nhất. Triều Nguyễn còn đặt thêm học vị phó bảng; cũng là người đỗ đại khoa, nhưng chỉ được niêm yết họ tên trên phó bảng để phân biệt với tiến sĩ được niêm yết trên chính bảng. Các cụ Hoàng Diệu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Sinh Sắc đều đỗ phó bảng. Thám hoa Nguyễn Đức Đạt (1824-1887), biệt hiệu Nam Sơn Chủ Nhân, để lại nhiều tác phẩm, nổi tiếng nhất là cuốn Nam Sơn tùng thoại. Học trò ông, về sau, nhiều người nổi tiếng “hay chữ” như Phan Bội Châu, Cao Xuân Dục (thượng thư Bộ Học, tổng tài Quốc sử quán), Nguyễn Sinh Sắc (thân phụ Chủ tịch Hồ Chí Minh), Đặng Nguyên Cẩn (thân phụ nhà văn Đặng Thai Mai)... 13
  13. may mà có ai đó đi qua vực dậy. Bố chết, nhưng tôi còn bé, chưa hiểu gì cả, chưa biết thương bố. Bố tôi mắc bệnh lao phổi, vì cảnh nhà túng bấn, khi qua đời chẳng có gì để lại cho mẹ tôi ngoài... vài trăm đồng bạc... nợ! Đám chủ nợ có ý đợi tôi sau này đỗ đạt ra làm quan, rồi thì họ sẽ đòi, hoặc “bắt” tôi... “cưới” con gái họ! Bà con dân phố bảo tôi phải mặc áo xô, chít khăn tang trắng, nằm xuống đất, đợi người ta khiêng quan tài bố tôi đi qua, mới được đứng lên. Sau đó, quan tài đưa xuống thuyền, chở luồn qua phía dưới cầu Thanh Long, rồi đưa lên chôn ở Bến Ngự. Tôi biết từ nay mình sẽ khổ... Một vài người bạn của bố tôi bày cho tôi cách viết đơn xin học bổng. Khăn áo chỉnh tề, tôi mang đơn đến Tòa Khâm. Người giúp tôi lúc đó là ông Lê Thanh Cảnh. Theo sự chỉ bảo rất ân cần của ông, tôi đi tới một căn phòng ở đấy có một anh Tây trẻ đang ngồi, có lẽ anh ta chưa đến 25 tuổi. Tôi khúm núm bước lại gần với lá đơn trong tay. Không thấy anh Tây kia làm gì cả, ngoài việc cứ lấy tay nhổ râu. Bỗng một cái bạt tai như trời giáng! Đau quá! Tôi chỉ còn nhớ láng máng có một người Việt nào đó bước vào phòng, nói tiếng Pháp với anh Tây kia: “Sao ông lại tát nó? Nó mang khăn tang, chứ đâu phải vô lễ, không chịu bỏ mũ!”. Người dân xứ “bảo hộ” được “nước mẹ Đại Pháp” che chở như thế đấy! Cậu học trò Tạ Quang Bửu thấm hiểu điều ấy từ tuổi 15. Sau này, khi đã tham gia phong trào Hướng đạo, dựa vào giai điệu một bài dân ca Anh, tổng ủy viên Tạ Quang Bửu đặt lời Việt, kín đáo bày tỏ lòng căm giận đối với bọn ngoại bang chiếm đóng, đồng thời, nói lên niềm tin vào sức mạnh kết đoàn của “con Hồng cháu Lạc”. Lời ca đó khá phổ biến trong đám thanh niên trí thức trẻ nước ta thời bấy giờ: Hận mấy muôn đời, Hận mấy muôn đời, Trong vui cười vẫn còn hận! Hận mấy muôn đời Phúc Lộc Thọ mà chi! Hận mấy muôn đời, Trong vui cười vẫn còn hận! 14
  14. Còn người, còn ngày đẹp, lo gì! Một người một tay, đâu gây dựng nổi cơ đồ thuở trước? Triệu người triệu tay, rồi gây dựng sau này... ĐỖ THỦ KHOA TÚ TÀI BẢN XỨ, RỒI TÚ TÀI TÂY BAN TOÁN, BAN TRIẾT Năm 1917 ở phủ Tam Kỳ (Quảng Nam), mở một kỳ thi cho học sinh 7 tuổi, thi cả chữ Hán, Việt văn và toán, do ông đốc học Đinh Văn Chấp, tiến sĩ Nho học, chấm bài. Cậu bé Bửu dự thi và đỗ cao. Từ đó cậu nức tiếng học giỏi. Từ lớp đồng ấu đến lớp nhì, cậu học ở Quảng Nam; lên lớp nhất, mới ra Huế. Đỗ tiểu học ở Huế, năm 1922, cậu Bửu, 12 tuổi, thi vào Trường Quốc học, đỗ khá cao, thứ 11. Cũng năm ấy, Đào Duy Anh, 18 tuổi, đỗ đầu thành chung (tương đương tốt nghiệp trung học cơ sở hiện nay). “Theo thứ tự A, B, C của chữ tên - sau này, GS Bửu kể - tôi được ghi vào lớp đệ nhất A cùng các anh Lê Dung, Khương Hữu Dụng, Hồ Đắc Cáo. Các anh Phan Thanh, Nguyễn Học Sỹ (sau này là nhà thơ Nam Trân), Trịnh Thống... vào lớp đệ nhất B. Thầy dạy chúng tôi hồi đó là những người Pháp, hầu hết chỉ có bằng brevet supérieur (tương đương bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hiện nay), hiếm lắm mới thấy một ông tú hay một ông cử (như ông Bourotte). Họ dạy một cách máy móc, chỉ cốt sao cho học sinh thuộc lòng những quy tắc kinh điển. Chúng tôi học những môn nào có hệ số cao trong các kỳ thi học kỳ, thi lên lớp, thi tốt nghiệp. Chúng tôi cũng học chăm chỉ với những ông thầy nào biết tôn trọng học sinh, coi học sinh cũng là người, không bạt tai, đá đít. Tôi thích các môn sử, địa, vì các môn ấy rất có ích cho việc học giỏi tiếng Pháp. (...). Tôi không thích học toán bởi lẽ thầy Dubois hay đánh và thầy Bruel thường cứ nói tào lao. (...). Tôi ham học vật lý, hóa học. Thầy Surugue làm cho tôi thích thú cái pin đèn. Đó là một máy phát điện rất dễ làm. Đồng tiền Khải Định đúc bằng kẽm hoặc bằng đồng. Đồng bạc lúc bấy giờ đúc bằng bạc thật. Dây đồng thì dễ tìm thôi. Bóng đèn 2,5 vôn cũng chẳng khó kiếm. Thế là có pin và có điện, có bóng đèn loé 15
  15. sáng. Tôi thích điện vì nó có thể “đi xa”. (...). Đó là cái lãng mạn của tuổi trẻ... Trong các thầy dạy chúng tôi, có một thầy người Việt: Thầy Hoàng Gia Đức đỗ tú tài bên Pháp, đọc tiếng Pháp rất hay, hay hơn cả... thầy Tây! Ông chọn những bài văn, bài thơ Pháp tuyệt tác, đọc cho chúng tôi nghe. Chúng tôi nín thở lắng nghe, cứ như bị bỏ bùa mê và, riêng tôi, mãi đến tận bây giờ, vẫn như còn nghe vọng về giọng thầy ngâm nga những bài thơ êm ái của Hugo, Lamartine hay những đoạn văn xuôi trong suốt của Flaubert, Maupassant, Daudet...”. Anh Bửu là học sinh trẻ nhất lớp, thường bị các bạn trêu chọc gọi đùa là “người xứ Liliput”. Yêu văn học, nhưng anh bắt đầu thể hiện rõ khuynh hướng về khoa học tự nhiên. “Chúng tôi thích vô tuyến điện - GS Bửu kể tiếp. Tôi tìm đâu được một cái ống têlêphôn. Thế là tôi dựng ngay lên trong vườn nhà hai cái cột tre cao, rồi tìm hai núm sứ, lấy dây đồng nối chúng lại với nhau, coi như đã có ăngten. Rồi tôi nối cái ăngten với ống têlêphôn, và áp cái ống điện thoại kia vào tai, rồi... làm ra bộ đang... nghe... mặc dù chẳng nghe thấy gì cả! Có thể coi đây là một thứ “thí nghiệm tưởng tượng” được chăng? Dù sao, nhờ thói quen thích mày mò và suy tưởng ấy, sau này, khi học cơ học lượng tử, gặp các “thí nghiệm tưởng tượng”, tôi dễ hình dung và làm quen hơn...”. Đầu năm học 1925-1926, khi anh Bửu lên lớp đệ tứ, thì các anh Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Thúc Hào thi vào lớp đệ nhất, đỗ rất cao, học rất giỏi. Hè năm 1926, anh Bửu thi thành chung. Cùng thi với anh, ngoài các học sinh Trường Quốc học Huế, còn có các bạn từ Trường Quốc học Vinh vào (những bạn này đã thi viết ở Vinh, nay vào Huế thi vấn đáp). Đỗ đầu thành chung năm ấy là Hoàng Xuân Hãn, thứ nhì là Tạ Quang Bửu. Ra Hà Nội, anh Hãn vào Trường trung học Albert Sarraut, học theo chương trình dành cho học sinh Pháp, nhờ đó, rút ngắn được một năm, thi tú tài cùng anh Nguyễn Xiển 1, trước anh Bửu. Cả anh Xiển và anh Bửu đều học Trường trung học Bảo hộ (Lycée du Protectorat, thường được gọi là Trường Bưởi). 1 Cũng là một gương mặt trí thức được giới thiệu trong sách này. 16
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2