intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Một số chân dung của trí thức Việt Nam đương đại: Phần 2

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:638

7
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Phần 2 của cuốn sách "Trí thức tinh hoa Việt Nam đương đại - Một số chân dung" gồm có 2 chương, giới thiệu những trí thức các thế hệ sau (từ ngày Hà Nội giải phóng năm 1954 đến nay), và trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Mời các bạn cùng tham khảo phần 2 cuốn sách sau đây.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Một số chân dung của trí thức Việt Nam đương đại: Phần 2

  1. Chương II TRÍ THỨC CÁC THẾ HỆ SAU (từ ngày Hà Nội giải phóng năm 1954 đến nay) 583
  2. NGUYỄN HỮU BẢO VÀ TỔ GK2 - TÀU PHÁ THỦY LÔI KHÔNG NGƯỜI LÁI CHUYỆN KỂ TỪ SÂN THƯỢNG BÁCH KHOA Theo những bậc thang granito màu xanh dịu, tôi lên phòng làm việc của bộ môn truyền hình và điện tử ứng dụng ở tận cuối tầng tư. Gian phòng bề bộn các loại, các cỡ máy tính thu hình. Kỹ sư vô tuyến điện Đoàn Nhân Lộ1 đang ngồi bên một cái bàn dài, điều chỉnh những dây bọc nhựa xanh, hồng, những tụ, trở, linh kiện bán dẫn bé xíu. Bên cạnh anh, một anh kỹ sư khác đưa đi đưa lại trước ngực một cái núm nhỏ bằng đồng xu, rồi theo dõi trên màn hiện sóng những đường loằng ngoằng màu lục chói. - Chúng tôi sắp hoàn thành cái máy mẫu đo nhịp tim từ xa, theo hợp đồng ký với Bộ Y tế - anh Lộ nói. Với cái máy này, có thể đứng từ xa mà vẫn đếm được nhịp tim của người đang lao động nặng, không cần phải yêu cầu họ ngừng việc. - Vào một dịp khác, tôi sẽ xin hỏi kỹ anh về cái máy này. Còn hôm nay, tôi muốn anh kể lại, càng tỉ mỉ càng tốt, công trình GK2 mà anh đã tham gia. - Anh lại hỏi về GK2? - Anh Lộ cười, áy náy. Chuyện đã lâu rồi! Vả lại, tôi chỉ đóng góp một phần. Anh biết rõ cả còn gì? Gian phòng ồn quá, mấy bác phó mộc đang cưa bào, đục đẽo, đóng đinh chan chát vào những thanh gỗ để cố định vào mấy khung cửa kính. - Bộ môn sắp lắp máy lạnh, bảo vệ thiết bị điện tử. Thấy Lộ lúng túng không biết tiếp chuyện tôi ở đâu, tôi liền gợi ý: 1 Bài in lần đầu năm 1979. Về sau, kỹ sư Đoàn Nhân Lộ trở thành phó giáo sư. 584
  3. - Ta lên sân thượng, đi anh! Chúng tôi theo cái cầu thang lộ thiên xoắn tít ở đầu nhà C9 đi lên. Những ai đi đường Nam Bộ1, qua Trường đại học Bách khoa Hà Nội, đến cổng parabole, đều trông thấy cái cầu thang này như một nét kiến trúc bay lên. Ở những bậc granito bóng mịn phía trên, hầu như bậc nào cũng có một sinh viên ngồi ôn thi, ngồi ở đây thoáng mát, yên tĩnh. Những cuốn ngữ pháp tiếng Nga 2 , từ KS Nguyễn Hữu Bảo và KS Đoàn Nhân Lộ là hai tác điển Nga - Việt bày ngay giả chính của công trình tàu T5 - tàu phá thủy lôi không người lái. Tổ GK2, do KS Nguyễn Hữu Bảo trên lối đi, có lẽ sắp thi Nga làm tổ trưởng, được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh văn? Trông thấy thầy Lộ, các cùng một số đơn vị bạn chống phong tỏa. cô, cậu vội thu dọn sách vở, dành lối cho thầy đi, rồi đứng dậy chào: “Thầy ạ!”. Từ trên sân thượng tòa nhà, có thể nhìn bao quát cả một vùng rộng. Bên kia con sông Tô Lịch đang bị “thời gian lấp bùn”, là khu trường cũ với những tòa nhà nặng nề, kín mít của khu Đông Dương học xá, và những dãy nhà bốn tầng do ta xây dựng trong những năm đầu giải phóng Thủ đô, chỉ cốt có chỗ làm việc, học tập, chứ chưa kịp chú ý tới cái đẹp! Bên này sông Tô là khu trường mới. Nhà C1 lớn nhất, nhìn ra vườn hoa Thống Nhất với những “giảng đường bậc thang” chiếm cả hai tầng nhà. Nhà C2 với “hội trường kính” lóng lánh trong nắng sớm, một trong những hội trường đẹp nhất Hà Nội, với 1.000 chỗ ngồi. 1 Nay là đường Giải Phóng. 2 Dạo đó, ngoại ngữ chính dành cho học sinh, sinh viên là tiếng Nga. 585
  4. Ngay trong chiến tranh, tại những giảng đường bậc thang và hội trường kính ở đây đã tổ chức một số buổi thuyết giảng của những người đoạt Huy chương Fields về toán học hiện đại như Alexandre Grothendieck. (Nhiều năm sau, Trịnh Xuân Thuận cũng nói chuyện về thiên văn học tại hội trường kính nhà C2). Và những hành lang thoáng rộng, trụ lan can màu son, thanh ngang màu vàng tươi. Nối liền hai tòa nhà C1 và C3 là một nhà cầu nhẹ nhõm. Rồi đến C4, C5, C6, C7, C8, C9 - nơi làm việc của 8 khoa. Thầy trò hằng ngày sử dụng 80 phòng thí nghiệm hiện đại và một thư viện gần nửa triệu cuốn sách. Ở Hà Nội, có một tiểu khu duy nhất được vây kín trong bốn bức tường. Đó là tiểu khu Bách Khoa với một vạn dân1. Trong tương lai, chắc chắn nước ta sẽ có những trường đại học lớn hơn, đẹp hơn Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Nhưng, vào những năm chiến tranh chống Mỹ, mà xây dựng được một trung tâm khoa học như thế này, thì cũng đáng hãnh diện. - Sau này - anh Lộ nói - khi giải quyết tốt việc trị thủy sông Hồng, con đê La Thành được phá đi, thì trường chúng tôi sẽ mở cổng chính ra chỗ gần nhà thuyền Thống Nhất (cái hồ này trước đây vẫn gọi là hồ Bảy Mẫu, nhưng nay gọi thế có lẽ không đúng nữa, vì nó đào thêm, rộng hơn nhiều). Tôi còn nhớ hồi tháng 11-1965, khánh thành khu học tập mới, nhà trường cho thắp thử 6.000 bóng đèn neon (một nửa số đèn), làm rực sáng cả mặt hồ. Khách bơi thuyền thoi trên hồ có thể đọc sách. Nếu thắp cả 12.000 bóng thì còn sáng tới đâu? - Anh có hay bơi thuyền thoi trên hồ Thống Nhất không? - Ít thôi, anh ạ. Đâu chỉ có vài ba lần dạo đang “tìm hiểu”! Sau này, những hôm rỗi rãi, tôi thường đưa nhà tôi và cháu Vinh đi dạo bán đảo Phong Lan (cháu tên là Đoàn Chiến Vinh, cái tên tôi đặt kỷ niệm chuyến đi Vinh). Nhà tôi thích những cây ô rô, bỏng nổ được cắt, uốn rất khéo thành hình chim, thú. Con phượng kiễng chân, dang cánh sắp bay. Con cò co chân, vươn cổ. Và thân tình hơn cả là con nai nghiêng đôi gạc, dường như đang ngơ ngác lắng nghe một tiếng xạc xào nào, một chân trước co lên như muốn bỏ 1 Những con số thời 1979, khi bài ký được in lần đầu. Tiểu khu nay đổi thành phường. 586
  5. chạy. Tôi thì ưa cây khế tuổi ngót trăm. Cây si dáng phượng vũ. Cây thông dáng trực siêu. Cây bỏng nổ dáng hạc lập. Và những cây sanh dáng mẫu tử tương thân hay phụ tử tương tùy. Còn cháu Vinh thì chỉ mải xem cá vàng bơi, nhìn con sóc ăn bí đỏ, chuối tiêu, hay bầy vẹt mổ thóc. Những con vẹt đẹp quá chừng! Mỏ đỏ như quả ớt chín, mình xanh màu mạ non, ngực hồng, hai cánh vàng nhạt, cổ đen mịn. “Bố ơi, con vẹt nó học thuộc bài lắm phải không, hở bố?”; “Sao? Con bảo gì?”; “Người ta nói học như vẹt, nghĩa là gì hở bố?”. Nó cứ hỏi tôi miết... Ngừng kể về cháu Vinh, anh Lộ quay sang hỏi tôi: - Những năm chiến tranh, anh có dạo công viên Thống Nhất lần nào không? - Có, nhưng thi thoảng thôi. - Anh có dạo về phía Vân Hồ không? Phía có những cây bạch đàn trắng bạc kia? Dạo ấy, ở đấy, dựng lên mấy gian nhà khung sắt, mái bạt. Dăm ba chục anh thợ ngồi gò tôn, cuốn dây điện, hay hàn điện. Anh có đi qua cũng không thể nghĩ rằng đó là một bộ phận của Xưởng đóng tàu 3 từ Hải Phòng sơ tán lên! Tại đấy, chúng tôi đã hướng dẫn công nhân đóng tàu T5 phá thủy lôi không người lái, công trình GK2 mà anh hỏi đấy! - Tức là con tàu được đóng ở chỗ kia? - Đúng! Tôi nghe nói, trong dịp tháp tùng Henry Kissinger sang thăm Hà Nội, William Salivan, phó trợ lý của Kissinger, có đến xem bán đảo Phong Lan. Ông ta tỏ ra thích thú những cây uốn hình chim, thú, cây cảnh tuổi cao và rất ngạc nhiên khi thấy, mặc dù B-52 ném bom trải thảm, người trông coi vườn vẫn chăm bón, cắt tỉa cây, hoa, nuôi chim, cá vàng. Tôi nghĩ Salivan sẽ ngạc nhiên hơn nhiều nếu biết, ngay trong vườn hoa này, ta đóng tàu phá thủy lôi và, trên mặt hồ kia, ta cho chạy thử con tàu!... - Anh hãy kể thật tỉ mỉ đi. - Chúng tôi hạ thủy con tàu ngay chỗ nhà thuyền kia.Tàu mang tên T5, tức là Tháng 5 để kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ. Chúng tôi quen gọi là tàu, nhưng thật ra nó chỉ be bé như chiếc xuồng máy 4 chỗ ngồi mà nhà thuyền vẫn cho thuê. Anh đã đi xuồng máy ở trên hồ này lần nào chưa? 587
  6. - Chưa. Nhưng tôi đã có lần đi xuồng máy vòng quanh hồ Tây. - Con tàu nhỏ như chiếc xuồng, dài 4 m, không chỗ ngồi, không người lái. Thân tàu hình quả dưa, vòng quanh là một cuộn dây điện lớn. Khi đóng mạch, cả con tàu biến thành một nam châm điện. Mũi tàu hơi hếch, còn phần lái đằm trong nước. Chính là dưới gốc dừa kia - anh Lộ chỉ tay - bọn tôi đứng điều khiển con tàu. Sau khi nổ máy, anh thợ máy đậy nắp con tàu, khóa chặt. Rồi dùng sào đẩy nhẹ khỏi cầu thuyền. Lúc bấy giờ, người điều khiển khẽ ấn nút “tiến!” trên hộp lệnh, tàu lập tức quay chân vịt, rùng mình một cái, rồi tiến ra xa. - Không ai trực tiếp cầm lái. Chỉ đứng xa, ấn nút? - Đúng. Người điều khiển ấn nút “rẽ phải!” trên hộp lệnh, thế là tàu xăm xăm tiến về phía đảo Hoang (đảo này nay gọi là đảo Hòa Bình). Đợi cho con tàu tiến gần tới đảo, anh bấm nút “rẽ trái!”, thế là nó lại vòng về phía có những cột đá trắng đỡ giàn hoa tigôn1 ở bờ hồ bên kia. Đó chính là “bãi thủy lôi!” Người điều khiển ấn nút “phóng từ!” Qua ống nhòm, anh thấy ngọn đèn hiệu trên tàu nhấp nháy: Tàu đang chấp hành lệnh. Một tiếng nổ, một cột nước dựng trắng xóa - tất nhiên, chỉ trong tưởng tượng! - Thế đã xong chưa? - Chưa. Người điều khiển ấn tiếp nút “dừng!”. Rồi anh ta ấn nút “tắt từ!” và nút “lùi!”. Con tàu quay ngược chân vịt, lùi ra xa vùng đang có sóng lớn. Một lát sau, nó lại tiếp tục tiến vào “bãi mìn” theo lệnh của người điều khiển, phá nổ một số quả thủy lôi, rà đi quét lại nhiều lần. Xong nhiệm vụ, con tàu lướt qua phía bên ngoài bán đảo Phong Lan, đảo Dừa và trở về bến. Đến gần cầu thuyền, nó lượn một vòng, rồi dừng hẳn. Cuộc thử nghiệm nhằm kiểm tra con tàu có ăn lái hay không, việc truyền lệnh, nhận lệnh, chấp hành lệnh có gì trục trặc không. - Thí nghiệm ngay trong công viên, các anh không sợ lộ bí mật quốc gia hay sao? Công trình GK2 do hai bộ Giao thông và Đại học phối hợp cơ mà... 1 Bắt nguồn từ tiếng Pháp antigone. Trước kia, thường được Việt hóa, gọi là hoa tigôn, loài hoa được trồng nhiều trong các biệt thự ở Hà Nội. Thời Thơ Mới, có bài thơ nổi tiếng của T. T. Kh. Hai sắc tigôn. 588
  7. - Chiến tranh, mấy ai thuê thuyền perixoa1? Nhà thuyền vắng ngắt. Trong công viên, đây đó dăm anh bộ đội lỡ độ đường mắc võng nằm nghỉ. Và mấy chú bé câu cá. Chả ai buồn để ý đến cái “xuồng máy” của bọn tôi! Đôi khi “hớ hênh” quá, lại chẳng ai chú ý! - Anh hãy kể từ những mò mẫm đầu tiên! Tôi và Lộ dạo một vòng quanh sân thượng, tìm một chỗ nào râm mà thoáng gió để ngồi nói chuyện được lâu hơn vì có lẽ câu chuyện còn dài. Tôi để ý đến ba cái công sự phòng không, địa y đã phủ kín nền. Những năm đánh trả Johnson, rồi Nixon, từ mấy công sự ấy, tự vệ Bách khoa đã nã đạn vào máy bay Mỹ. Cuối cùng, chúng tôi cũng tìm được một chỗ thoải mái. Và Lộ lại tiếp tục câu chuyện... VÀO BẾN THỦY TÌM HIỂU THỰC TẾ RÀ PHÁ THỦY LÔI “Như tôi đã nói, vợ chồng tôi có đứa con trai là Đoàn Chiến Vinh. - Lời Đoàn Nhân Lộ. - Tôi đặt tên cháu vậy, là để kỷ niệm chuyến đi Vinh. Dạo ấy, vào khu IV cũ là vào tuyến lửa. Trước hôm lên đường, tôi đạp xe về Ân Thi thăm vợ. Cô ấy sơ tán về đây. Thấy tôi đến đột ngột, không phải vào ngày cuối tuần, nhà tôi lo lắng hỏi: - Có việc gì thế, anh? - Ngày mai, anh vào khu IV. - Đi với đoàn nào? - Với anh Bảo và mấy anh bên Giao thông. Nhìn nước da xanh xao của vợ, tôi ái ngại quá: - Em sắp sinh rồi, thế mà anh lại... - Anh vào khu IV có lâu không? - Tết dương lịch, chưa chắc đã về... Nếu sinh con trai, em đặt tên là Đoàn Chiến Vinh nhé. Anh muốn ghi nhớ chuyến đi vào Vinh chiến đấu. 1 Tiếng Pháp périssoire: thuyền thoi thể thao. 589
  8. - Hiểu “Chiến Vinh” là “đi vào Vinh chiến đấu” thì sai nghĩa đấy! - Nhà tôi cười, nói tiếp: - “Chiến Vinh” là “Vinh quang của một chiến công”. - Em giỏi văn hơn anh mà! - Nhưng, nếu nhỡ ra... - “Nhỡ ra” thế nào? Sinh con gái cũng tốt chứ sao. Con gái, vẫn cứ đặt tên là Vinh, em nhé, nhưng lót bằng chữ gì nhỉ? Lót bằng tên em, được không? Đoàn Thị Oanh Vinh? - Chẳng có nghĩa gì! Thôi, để em nghĩ sau. Anh dành cho em quyền quyết định chữ lót cho con nhé? Miễn nó tên Vinh là được, chứ gì? Không nán lại với vợ được một đêm ngắn ngủi, ngay chiều hôm đó, tôi trở về Hà Nội. Lúc bấy giờ, ai đi công tác khu IV được mua ở cửa hàng mậu dịch Phan Bội Châu một số “đặc sản” như lương khô, đồ hộp và một ít túi nhựa đựng lạc trộn vừng. Cứ mỗi lần chờ phà, cả bọn lại lôi ra, lắc lắc cho lạc nổi lên trên, rồi hớt lấy ăn dần, khi đến Vinh, chỉ còn toàn vừng! Nơi bọn tôi đến là đội rà phá bom mìn cảng Bến Thủy. Anh đội trưởng, tên Ninh. Đội có vài chục người - kể cả mấy o cấp dưỡng, y tá - ở trong mấy gian nhà lá. Nghe các anh, các o đàn hát, thật khó nghĩ họ luôn sát kề bên cái chết. Trên nền nhà, đặt mấy tấm mộ chí đá xanh, khắc tên từng người hy sinh, ngày mất, nơi xảy ra trận đánh. Anh Ninh vuốt vuốt mớ tóc lòa xòa trước trán, nói: - Khi anh em mất, tụi tôi chưa kịp lo cho anh em tiêm tất. Còn phải lao vào thông luồng, giải tỏa, không để canô, sàlan, tàu thuyền ứ nghẽn nối đuôi nhau dài hàng cây số! Bất cứ lúc nào máy bay địch cũng có thể ập tới. Từ đây ra Cửa Hội, Hòn Ngư, chỗ nào cũng có người đội tụi tôi ngã xuống... Sắp tới, mới đem mấy tấm mộ chí kia đến dựng ở nơi anh em yên nghỉ. Anh Ninh lại vuốt mớ tóc lòa xòa trước trán. Tôi chợt thấy giữa trán anh có một vết sẹo dài, chênh chếch như bị một nhát gươm chém. Anh nói ngay: - Đây là cái sẹo tôi bị khi rà mìn. Từ đầu chiến tranh phá hoại, Mỹ đã đánh phá dữ dội vùng khu IV cũ. Sau khi Johnson tuyên bố “ném bom hạn chế”, thì vùng này lại càng bị ném bom... không hạn chế! Nó trở thành cái túi hứng lấy tất cả số bom trước kia Mỹ ném rải ra khắp miền 590
  9. Bắc! Trên đất liền, chúng ném bom phá, bom bi, bom cháy, bom hơi, bom từ trường. Trên sông, thả thủy lôi MK-42 môđen 1. Loại này rất nhạy cảm trước các biến thiên rất nhỏ của từ trường. Tụi tôi chỉ biết rà phá, rồi rút kinh nghiệm. Hiểu biết có được phải đổi bằng máu! Chiếc thuyền gỗ đi qua, quả thủy lôi nổ. Do thuyền đóng đinh sắt. Nhưng chiếc thuyền nan đi qua, nó vẫn nổ! Vì sao? Thì ra anh chèo thuyền đeo cái khóa thắt lưng sắt! Cách rà phá ngày đầu là phóng canô lướt qua rồi, thủy lôi mới kịp nổ... vuốt đuôi! Đã có lần thành công. Nhưng cũng có lần nó nổ ngay phía trước, hoặc, tai hại hơn, nổ ngay dưới buồng lái! Canô bị hất tung lên, tan thành từng mảnh, rơi xuống lả tả, chìm nghỉm. Thuyền trưởng, thủy thủ, thợ máy hy sinh. Nếu thủy lôi nổ chếch đi, thì canô chỉ bị tung lên, mà không vỡ tan tành. Người không chết hay bị thương vì mảnh bom (bom nổ dưới nước, mảnh không vụn), mà chết, bị thương vì sức ép, va đập. Đập đầu vào xà cabin vỡ sọ, chùn cột sống. Đập người vào thành cabin gãy tay. Trường hợp của tôi: vập trán vào cái thanh ngang, để lại vết sẹo như gươm chém!... Mải nghe chuyện anh Ninh, tôi không để ý đến một ông cụ chống gậy bước vào. Có lẽ không phải là ông cụ? Vì khuôn mặt vẫn còn trẻ lắm, tóc đen nháy. Chỉ có cái lưng còng trĩu xuống. Trong tranh tối tranh sáng, thật khó đoán người mới vào ở độ tuổi nào. - Xin giới thiệu anh Vân, đội phó, đang chờ xe ra Việt - Đức. Thủy lôi nổ, anh bị chùn xương sống do va đập! Bấy giờ tôi mới nhìn kỹ, anh Vân chỉ trạc bốn mươi. - Nghe nói có cán bộ của Bộ vào nghiên cứu rà phá thủy lôi, tôi cố chống gậy sang. Các anh hiểu biết nhiều, hãy tìm cách chế tạo những phương tiện rà phá ít nguy hiểm hơn, để tiết kiệm xương máu cho tụi tôi. - Cách rà phá hiện nay nguy hiểm lắm! - Anh Ninh tiếp lời. Tụi tôi không dùng canô sắt thép nữa, mà dùng thuyền nan, thuyền gỗ đóng đinh nhôm, đinh đồng. Các anh gọi là gì nhỉ? - Thuyền tiêu từ 1. 1 Vì không có vật liệu sắt từ. 591
  10. - Vâng, anh em ngồi trên thuyền tiêu từ. Chiếc thuyền kéo theo phía sau một cái lưới, mắc một thỏi nam châm. Thuyền không có mui để tránh va đập. Thủy thủ mặc quần cộc, mình trần, đeo phao cứu sinh, tay ghì chặt lấy cọc thuyền. Thuyền đi qua, thủy lôi chưa nổ. Lưới quét qua, thủy lôi mới nổ. Anh em ngồi trên thuyền bị hất văng xuống sông. Nhưng như vậy, còn hơn là đập đầu vào mui thuyền. Nếu không bị ngất, thì cứ từ từ bơi vào bờ. Nếu bị ngất, thì đã sẵn có phao cứu sinh nâng đầu lên, cứ thế trôi theo dòng nước, đồng đội từ trong bờ chèo thuyền ra vớt. Thường rà phá về đêm, trên sông nước mênh mông, vắng lặng. Quả thủy lôi có thể nổ bất cứ lúc nào! Thần kinh căng như sợi dây đàn. 1 phút... 30 giây... 10 giây nữa... cái chết ập đến?... Những ngày sống với anh em ở đội rà phá, anh Bảo và tôi coi mình như người trong đội, cũng đeo phao, mặc quần cộc, ngồi thuyền tiêu từ, đi rà phá ở Cửa Hội. Trên mặt sông, thỉnh thoảng lại thấy những cọc tre còn cả lá lất phất, do dân quân cắm, đánh dấu nơi quả thủy lôi vừa rơi. Tôi vào Vinh lúc cháu Vinh chưa sinh, nay cháu đã lớn lắm rồi. Nhưng những hình ảnh về chuyến đi ấy tôi vẫn nhớ rõ lắm. Những tấm mộ chí. Vết sẹo ngang trán anh Ninh, đội trưởng. Cái lưng còng anh Vân, đội phó, Những hình ảnh ấy lởn vởn trong tâm trí tôi cả một thời gian dài. Anh em cán bộ kỹ thuật chúng tôi còn làm được quá ít để giảm bớt máu xương cho đồng đội. Chuyến đi khu IV càng cho thấy rõ sự bức thiết phải chế tạo cho được tàu phá thủy lôi không người lái. Chỉ có điều khiển từ xa, mới chắc chắn tránh được thương vong. Bất cứ phương tiện nào còn cần đến người lái ngồi ngay trong phương tiện, thì mối nguy chết người vẫn còn đó. Phải có phương tiện rà phá mới, càng sớm càng tốt. Sớm một ngày là một ngày đỡ máu xương! Đòi hỏi ấy cấp bách biết bao! Người cán bộ kỹ thuật có thể nào cứ nhẩn nha đàm đạo mãi về những lý thuyết viển vông vô bổ, hay ngồi tính toán quá “khôn” cho thiệt hơn của cá nhân mình? Cái chết và những thương tật suốt đời của bao đồng đội cứ xoáy mãi vào lương tâm, trách nhiệm của mỗi chúng tôi. Thực tế đặt ra những vấn đề nghiêm khắc đến phũ phàng!” 592
  11. TỔ GK2 DO KS NGUYỄN HỮU BẢO CHỦ TRÌ “Công trình nghiên cứu, thiết kế và chế tạo tàu phá thủy lôi điều khiển từ xa - anh Lộ kể tiếp - là công trình tập thể. Anh Nguyễn Hữu Bảo, kỹ sư Phân viện Thiết kế tàu thủy, Bộ Giao thông - vận tải, là chủ nhiệm công trình. Tôi được anh ấy mời cộng tác về vô tuyến điện. Những lệnh khác nhau của người điều khiển được biến thành những mã hiệu điện khác nhau, và, qua ăngten của máy phát, được truyền đi bằng những sóng điện từ có điều chế khác nhau. Sóng điện từ truyền lan trong không gian. Qua ăngten, máy thu nhận được, đưa vào bộ phận dịch mã, xem mã đó ứng với lệnh gì (tiến hay lùi, rẽ trái hay rẽ phải, phóng từ hay tắt từ, v.v...), rồi truyền lệnh đó cho cơ cấu chấp hành quay chân vịt hay bẻ bánh lái... Về nguyên lý, chúng tôi không có khám phá gì mới. Khó khăn chúng tôi gặp phải chính là trong thực hành. Với số vật tư ít ỏi, những linh kiện nhặt nhạnh được từ xác máy bay Mỹ và từ nhiều nguồn khác, làm thế nào lắp ráp được máy phát và máy thu cần có? Tàu T5, loại tàu phá thủy lôi điều khiển từ xa. 593
  12. Nhớ lại những ngày đi thử cự ly. Tôi đứng trên nóc cái lôcốt ngầm bên nhà Bác Cổ1 với máy phát và bộ pin bên hông. Anh Bảo mang máy thu và bộ pin ngồi đằng sau xe đạp của một anh bạn. Xe đạp lăn bánh từ từ dọc đường bờ sông qua Bệnh viện Hữu nghị, xuống nhà máy Xay. Người qua đường tưởng anh Bảo đi câu vì cần ăngten được ngụy trang thành... cần câu! Từ trên nóc lôcốt, tôi bấm nút cho máy phát truyền đi những tín hiệu khác nhau. Anh Bảo theo dõi xem đến cự ly nào thì tín hiệu quá yếu, máy thu không bắt được. Chúng tôi đi thử ở những địa hình khác nhau, những cánh đồng rộng phẳng, thử trên mặt hồ, mặt sông để xác định xem ở mỗi loại địa hình, với cự ly bao nhiêu, thì có thể nhận được tín hiệu điều khiển. Những mò mẫm, thất bại và thành công dạo ấy, tôi ghi lại trong một cuốn sổ tay...”. Nghe Lộ kể đến đấy, tôi liền đề nghị anh tìm ngay cho cuốn sổ quý báu ấy. Chắc đó sẽ là một nguồn tài liệu phong phú có thể giúp tôi hình dung một cách chi tiết những việc làm của anh và tổ GK2. Trước đề nghị khẩn khoản của tôi, Lộ đành trở xuống phòng làm việc ở tầng tư, lục tìm cuốn sổ mà anh nói đến. Một lát sau, anh lại lên sân thượng, trao cho tôi cuốn sổ. Đó là một cuốn sổ hơn trăm trang, ghi lại cặn kẽ những điều anh nghiền ngẫm trong gần chục năm trời về thiết bị vô tuyến điện điều khiển con tàu phá thủy lôi. Nhưng nó không ghi bằng thứ ngôn ngữ phổ thông mọi người hiểu được! Mà bằng thứ ngôn ngữ quá ư khó hiểu đối với những người bình thường, “ngoại đạo”, chẳng khác nào chữ Tây Tạng hay chữ Ai Cập cổ! Từ trang này sang trang khác là những sơ đồ mạch điện tử hay mạch bán dẫn của cái máy phát và máy thu được anh thay đổi, cải tiến dần. Họa hoằn lắm mới có vài dòng bằng ngôn ngữ thông thường. Sau đây là những dòng ngắn ngủi ấy, đúng nguyên văn: “Ngày 28-6-1968: Lắp xong toàn bộ và điều chỉnh xong toàn bộ. Đi thử cự ly giữa máy thu và máy phát trong thành phố, ở ngoại ô và trên hồ Tây. Kết quả tốt: - Ở nội thành: Cách 1km còn thu được tín hiệu. 1 Tức Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. 594
  13. - Ở ngoại ô: 3km. - Trên hồ Tây: 5km. Ngày 14-9-1968: Máy phát trên nóc lôcốt ngầm nhà Bác Cổ. Máy thu đi dọc đê sông Hồng quá nhà máy xay Lương Yên, vẫn còn thu được”. Như vậy là có thể điều khiển con tàu không người lái bằng tín hiệu vô tuyến điện ở khoảng cách từ 1 đến 5km tùy theo địa hình (tất nhiên, với thiết bị ta làm). Nhưng, có được thiết bị điều khiển, chưa phải đã có con tàu! Còn phải giải quyết nhiều vấn đề khác như thiết kế, chế tạo các bộ rơle, bộ công tắc từ, các thiết bị điện và cơ khí. Các vị lãnh đạo Phân viện Thiết kế tàu thủy dồn vào công trình này nhiều kỹ sư giỏi: Nguyễn Hữu Bảo, kỹ sư điện tàu thủy, thiết kế hệ thống truyền động điện của con tàu; Đinh Ngọc Liễn, kỹ sư máy tàu thủy, thiết kế hệ thống động lực và truyền động cơ giới. Và còn một số cán bộ kỹ thuật khác như: Phạm Văn Đương, kỹ sư vô tuyến điện ở Tổng cục Bưu điện, tham gia thiết kế phương án chọn tần cải tiến; các kỹ sư Lương, Đăng, Thắng tham gia chế tạo và điều khiển con tàu. Công trình là của tập thể - Đoàn Nhân Lộ luôn nhấn mạnh. - Sau khi đóng được con tàu - Lộ kể tiếp - chúng tôi thử nhiều lần, khi thì trên hồ Tây, lúc thì trên hồ Thống Nhất, như đã kể với anh. Anh có thấy hai cái cột điện cao thế đứng doãi chân trên bến Chèm kia không? - Lộ chỉ tay về phía chân trời có in hình xám mờ hai ngọn tháp bằng khung thép cao hơn Tháp truyền hình Quán Sứ1. Chúng tôi cũng đã thử T5 ở khúc sông ấy, thử trên giữa dòng chảy, không giống như thử trên mặt hồ phẳng lặng, điều khiển con tàu khó hơn, lại còn phải tránh thuyền bè, canô, sàlan ngược xuôi tấp nập. Việc thử thành công con tàu điều khiển từ xa đầu tiên của nước ta được nhiều vị lãnh đạo khích lệ. Hôm ấy, tổ nghiên cứu nhận được chỉ thị là phải trình diễn cho Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ xem. Con tàu được chở bằng ôtô tải lên nhà thuyền hồ 1 Năm 1979, khi bài ký này được in, Đài Truyền hình Việt Nam còn đóng ở phố Quán Sứ, trung tâm Hà Nội, chung trụ sở với Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. 595
  14. Tây. Anh Bảo kiểm tra thấy máy hơi trục trặc, muốn xin hoãn đến hôm sau. Nhưng Bộ trưởng đã tới. Ông còn mang theo mấy phóng viên quay phim! Anh Vỵ Hải, cục trưởng Cục Cơ khí, một người rất ủng hộ T5, hỏi anh Bảo: - Liệu có thử được không? - Máy hơi trục trặc, có lẽ chưa nên thử hôm nay. - Anh Tuệ cho biết, sắp tới anh ấy rất bận. - Vâng, tùy các anh. Nói xong, anh Bảo mở máy con tàu, đẩy khỏi cầu thuyền và dùng máy phát vô tuyến điện để điều khiển. T5 ngoan ngoãn rẽ phải, tiến về phía chùa Trấn Quốc. Mấy em bé ngồi câu cá ở cổng chùa trố mắt nhìn con tàu trùi trũi không một bóng người, lừ lừ tiến lại gần. Tàu kín mít, sơn màu nước hồ, không buồng lái, không boong, mũi và đuôi cắm hai lá cờ hiệu. Mấy em đứng dậy, vỗ tay hoan hô. Nhưng kìa còn tàu cứ lao thẳng vào chỗ các em! Và đâm sầm vào! Các em hốt hoảng vứt cần câu, ù té chạy. Trong nhà thuyền, anh Bảo khẽ thở dài: - Nó không ăn lái! Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ cười xòa: - Thôi, không sao, ta rút kinh nghiệm. Nhưng, sau đó, vẫn cứ phải trình diễn cho các vị lãnh đạo ngành khoa học như Tạ Quang Bửu; Lê Khắc và một số anh bên Viện Kỹ thuật quân sự xem. Lần này T5 ăn lái. Con tàu vòng qua trận địa pháo nổi giữa hồ Tây, lên mạn Quảng Bá, Nhật Tân, quành sang mạn Bưởi, Thụy Khê, khi thì chạy theo đường chữ chi, khi thì vòng xoắn ốc, lượn rồng rắn, tiến rồi lùi, rẽ trái rồi rẽ phải, v.v... GS Bửu xem kỹ máy móc, đưa ra những nhận xét rất chính xác. Các anh kỹ thuật quân sự thì góp ý nên làm sao cho việc điều khiển T5 thật dễ, một “o dân quân” cũng “bấm nút” được. Chúng tôi cũng nhớ hôm ông Tố Hữu đến xem. Xem xong, ông cho mời tất cả anh em tham gia thiết kế, chế tạo con tàu vào nhà thuyền uống bia. Ông hỏi: 596
  15. - Ai chủ nhiệm công trình? Chúng tôi giới thiệu anh Bảo. Ông quay sang phía anh Bảo, thân mật: - Trước kia, anh Bảo học ở đâu? - Thưa đồng chí, tôi học ở Thượng Hải, ngành điện tàu thủy. - Còn những anh em khác? - Anh Lộ học ở Bắc Kinh về vô tuyến điện; anh Thông học ở Liên Xô về máy tàu; anh Liễn học ở Trung Quốc cũng về máy tàu; anh Bình học ở Ba Lan về vỏ tàu... - Các anh học ở nhiều nước, nhưng về nước ta, đã biết hợp tác thiết kế, chế tạo thành công con tàu điều khiển từ xa đầu tiên của nước ta, như vậy là rất tốt. Được động viên, chúng tôi càng cố gắng. Có điều, việc chế tạo T5 hơi muộn, chưa kịp đưa ra rà phá thủy lôi, thì Johnson đã phải ngừng đánh phá miền Bắc”. TRẬN ĐẦU GIÒN GIÃ TRÊN SÔNG ĐUỐNG Tháng 4-1972, tổng thống Mỹ Nixon ra lệnh ồ ạt ném bom miền Bắc Việt Nam. Khác với lối đánh “leo thang” từng bước của Johnson trước kia, Nixon dùng lối đánh phủ đầu! Ông ta muốn, ngay một lúc, triệt đường sắt, cắt đường bộ, chặn đường sông, ngăn đường biển của ta. Trước kia, Johnson chỉ bao vây vòng ngoài cảng Hải Phòng, chứ chưa đánh vào cảng. Nixon khác hẳn, bắn vào cả tàu Liên Xô, Trung Quốc, làm một số thủy thủ chết và bị thương và dùng khoảng 7.000 quả thủy lôi MK-52 bịt 25 cửa biển ở miền Bắc nước ta, kể cả cảng Hải Phòng. Trên đường bộ, máy bay Mỹ đánh sập hàng loạt cầu Long Biên, Đuống, Bắc Giang, Việt Trì, Lai Vu, Phú Lương ở tuyến ngoài, Phủ Lý, Ninh Bình, Đò Lèn, Hàm Rồng ở các tuyến phía Nam. Trên đường sông, Mỹ thả hàng vạn quả thủy lôi các loại (có 6.000 thủy lôi MK-42). Các máy bay của hải quân A4D, A3J, A6, A7, cả OV10 thả thủy lôi lúc sương mù, nửa đêm về sáng, khiến ta khó phát hiện; thả bom nổ 597
  16. ngay, bom nổ chậm lẫn với bom từ trường khiến cho ta dễ lẫn lộn, khó xác định số lượng từng loại. Chúng không đánh nhiều vào phương tiện, hàng hóa, mà tập trung đánh vào đầu mối đường sông như ngã ba sông, cửa sông, cửa biển, phong tỏa Lục Đầu Giang, sông Lèn, đoạn Đào Viên trên sông Đuống, đoạn Văn Điển trên sông Hồng, cửa Ba Lạt, cảng Bến Thủy, phà sông Gianh, v.v... Nixon không dùng các loại thủy lôi cũ MK-42 môđen 0, môđen 1 mà ta đã có kinh nghiệm rà phá. Ông ta cho thả các loại mới: MK-42 môđen 2, môđen 3, môđen 4. Cách ta rà phá trước đây không còn hiệu quả. Thùng phuy, bè mảng, viên nam châm X67, X68, cuộn dây điện đem dùng chẳng có tác dụng gì nữa. Báo Mỹ Tuần Tin Tức viết: “Những quả mìn này có gắn những bộ phận điều khiển nửa tự động có thể làm lạc hướng tàu vớt mìn và có thể nổ hoặc không nổ tùy ý định”. 1 Trước tình hình Mỹ đánh phá ác liệt, KS Lộ đề nghị Trường Bách khoa biệt phái anh sang Bộ Giao thông - vận tải để góp phần cải tiến nhanh T5, đưa ra giải tỏa luồng lạch. Đêm 23 rạng ngày 24-8-1972, máy bay Mỹ thả thủy lôi khóa đoạn Chi Nhị - Đào Viên trên sông Đuống. Lần đầu tiên đối phương phong tỏa một khúc sông gần kề Hà Nội. Cục trưởng Cục Đường sông Bình Tâm lệnh cho T5 “xuất trận”. 17 giờ ngày 24-8, KS Bảo khoác áo mưa, nhờ bạn đèo xe máy lên Chèm, kiểm tra máy móc T5. Thiết bị phóng từ trục trặc! May mà tìm ra nguyên nhân... Lần đầu đưa T5 đi rà phá, nếu thất bại thì sao? Ai còn tin anh nữa? Liệu anh có còn đủ lý lẽ để thuyết phục mọi người tiếp tục ủng hộ công trình này không? Một trục trặc nhỏ cũng làm anh lo lắng. Mưa tầm tã. Nước dâng cao. Bảo xắn quần lội xuống sông, lôi con tàu vào, neo chặt. Mai, nó sẽ được canô kéo lên Chi Nhị. Có lệnh đặc biệt, cầu phao sông Đuống sẽ mở cho T5 qua. 1 Dẫn theo báo Quân Đội Nhân Dân số ra ngày 11-9-1972. 598
  17. 19 giờ 25-8, nhóm kỹ thuật tề tựu tại 120 Hàng Trống, trụ sở Phân viện Thiết kế tàu thủy. Bảo nói khẽ với Lộ: - Lần này anh em đi đông, nhưng chịu trách nhiệm chính vẫn là cậu với mình. Nếu T5 không gây được tiếng nổ, thì thật quá buồn! Nhưng, nếu phá nổ thủy lôi mà chết người, thì cũng gay go to! Chế tạo con tàu không người lái là để tránh thương vong, thế mà lại chết người! Còn biết ăn nói làm sao? Cậu thạo vô tuyến điện, lo phần đó nhé! Còn phần điện, mình lo. Như vậy, chắc chúng ta sẽ đánh tốt. - Đủ thứ dự phòng rồi chứ? - Đủ hết! Thừa là khác. Cần có một bộ pin dự trữ, mình mang hai. Máy phát, máy thu đều có cái thay thế. Bóng đèn điện tử, các loại đồng hồ đo, ống nhòm, mỏ hàn dầu (nhỡ ra không có điện) mình đều mang theo. Mình còn mang cả máy bộ đàm nữa. Tất cả gói bọc kỹ, đóng thùng, khóa lại. - Xe nặng lắm đấy! 20 phút sau, anh Bình Tâm đưa xe đến. Chiếc commăngca chở khá nặng. Cùng đi với anh Bình Tâm, có các kỹ sư Bảo, Lộ, Đăng, Lương, Sơn và hai anh quay phim. Nhờ có giấy ưu tiên hai vạch đỏ, xe qua cầu phao sông Hồng, sông Đuống trót lọt. Quá Bắc Ninh một quãng, rẽ về Quế Võ. Khoảng 23 giờ, mới đến cơ quan của Đoạn quản lý đường sông ở Bến Trì, gần Chi Nhị. Khu nhà của “đoạn” khá khang trang, toàn nhà gạch, có trạm vô tuyến điện, xưởng sửa chữa phao đèn, nạp ăcquy, v.v... Thời bình, các đoạn quản lý đường sông có nhiệm vụ đặt phao tiêu, thắp đèn hướng dẫn tàu thuyền đi đúng luồng và dọn sạch luồng khi lũ lụt cuốn về các thứ cây cối, rác rưởi gây tắc nghẽn. Thời chiến, “đoạn” làm thêm việc rà bom phá mìn trên quãng sông dài mấy chục kilomet do đoạn quản lý. Lúc đoàn rà phá của Bộ đến, nhiều người trong đoạn vẫn thức dù đêm đã khuya. Không khí chẳng hiểu sao rất nặng nề? Có chuyện gì vừa xảy ra? Đoán được điều băn khoăn ấy, anh đoạn trưởng nói: - Hôm nay, mấy anh em trong đoạn cùng một cán bộ huyện đội Quế Võ đi phá thủy lôi. Đứng trên tàu T5 có lắp thiết bị phá lôi của nước ngoài. 599
  18. Buổi chiều, từ Chi Nhị trở về Đào Viên, qua chỗ không ngờ có thủy lôi, thì bị ngay một quả nổ dưới bụng tàu! Tàu chìm tại chỗ. Bốn người bị thương nặng, phải chở đi cấp cứu ở bệnh viện Đông Du. Anh cán bộ huyện đội đứng ở mũi tàu, bị hất tung lên, rơi xuống, chết ngay, chưa tìm thấy xác!... Thời gian gấp, anh Bình Tâm triệu tập họp. Anh Đính, ty trưởng Ty quản lý đường sông, trải rộng tấm bản đồ sông ngòi lên mặt bàn. Anh đoạn trưởng đoạn Đào Viên báo cáo tình hình: Đêm 24 rạng ngày 25-8, một máy bay hải quân Mỹ - có lẽ là A3J - thả thủy lôi xuống quãng Chi Nhị - Đào Viên trên sông Đuống. Mưa to, trời tối, anh em gác trên các chòi canh không nhìn thấy được. Dân làng thì ngủ say. Chỉ có một ông lão đánh cá trông thấy chiếc máy bay rẹt qua thả những khối gì to to đen đen như những quả bí lớn rơi lõm bõm xuống sông mà không nghe nổ. Nhưng ông không đếm được bao nhiêu quả. “Đoạn” đã treo biển cấm luồng. Nhưng, cho đến nay, vẫn chưa xác định được số thủy lôi, vị trí từng quả, do đó, chưa cắm được tiêu ở những chỗ có thủy lôi, chưa vẽ được sơ đồ rà phá. Sau khi nghe đoạn trưởng báo cáo, cục trưởng Bình Tâm hỏi KS Bảo: - Khó khăn như vậy, ngày mai có rà phá được không? - Được ạ! - Bảo trả lời dứt khoát. Quay sang phía Sơn, kỹ sư, thượng úy hải quân, anh Bình Tâm hỏi: - Anh Sơn phán đoán thế nào về chiến thuật của địch? Sơn cúi xuống tấm bản đồ, trình bày phán đoán của mình về đường bay, vị trí các quả thủy lôi (do biết chỗ quả đã nổ, làm đắm tàu TX). Nghe xong, anh Bình Tâm dặn đoạn trưởng: - Đoạn chuẩn bị ngay để đoàn của Bộ rà phá theo phương pháp mới. Đã 1 giờ sáng. Mọi người lên giường nằm, nhưng chẳng ai ngủ cả. Đêm tĩnh mịch quá. Khoảng 2 giờ, một máy bay địch bay rất thấp trên mặt sông, tiếng rú rít chói tai. Anh đoạn trưởng nói: - Rạng sáng 24, nó cũng bay thấp như thế. Hôm nay, chắc nó không thả thủy lôi, mà trinh sát kiểm tra, chụp ảnh hồng ngoại? - Anh cố ngủ đi một tý chứ! - Anh Bình Tâm nói. 600
  19. - Ngủ thế nào được, anh? Ngay sáng hôm sau, đoàn rà phá triển khai hoạt động. Nước lụt đang rút, nhưng ngấn nước vẫn còn cao. Sông mênh mông. Nước ngập bãi ngô, ruộng mía, phủ khuất đầm, đìa, đường đi lối lại ở các làng ngoài đê. Con sông bên lở, bên bồi. Bên bồi, đê xa luồng nước, người điều khiển nếu đi trên đê thì sẽ cách con tàu quá xa, máy thu khó bắt được tín hiệu điều khiển. Vì thế, ở quãng Chi Nhị, nhóm kỹ thuật đi bên hữu ngạn, đến quãng Đào Viên, lại về bên tả ngạn - nghĩa là luôn ở bên bờ lở. 7 giờ, Bảo, Lộ, Lương, Đăng xem kỹ lại từng bộ phận máy trên tàu. Mở nắp tàu, tra dầu mỡ, lau chùi tủ rơle điều khiển. Rồi thử cự ly giữa máy thu và máy phát. Cho tàu chạy thử trên quãng sông không có thủy lôi, ra lệnh cho nó tiến, lùi, dừng, rẽ phải, rẽ trái, phóng từ, tắt từ. 11 giờ, anh em đang kiểm tra thiết bị thì máy bay địch đánh Đông Du. Bom nổ cách một kilomet. Con tàu liền được phủ kín bèo tây, đưa giấu dưới lùm tre. Chẳng biết các anh hôm qua đưa vào bệnh viện Đông Du có sao không? - Các cậu về ăn cơm trưa đi chứ! - Anh Bình Tâm giục, khi máy bay địch bay xa. - Bọn em chả muốn ăn tý nào! Đi, về ngại lắm! - Đăng trả lời. - Thôi, để mình bảo “đoạn” gánh cơm ra. Phải đến 14 giờ, mới vào cuộc. Kế hoạch đề ra là: Bảo, Lộ, Lương, Đăng, Sơn ngồi canô sang bên hữu ngạn, mang theo máy móc, đi bộ khoảng 2km đến chỗ con sông ngoặt thì, bắt đầu dùng hộp lệnh điều khiển con tàu. Ở quãng đó, đê gần luồng nước, điều khiển dễ hơn. Từ nơi xuất phát đến chỗ sông ngoặt, con tàu sẽ được thả trôi theo dòng. Sao cho đúng 15 giờ, khi con tàu trôi đến, người điều khiển đã phải có mặt tại đấy. Nếu con tàu đến, mà chưa có ai điều khiển, thì nó sẽ cứ tiếp tục trôi vào vùng thủy lôi và... vỡ tan tành! Anh Bình Tâm ở lại bên tả ngạn, đứng trên một doi đất cao, quan sát trận đánh, chỉ huy bằng máy bộ đàm. Hai anh quay phim cũng đứng gần đấy, phục sẵn cảnh cột nước dựng lên trắng xóa khi thủy lôi nổ! 601
  20. Kế hoạch là vậy. Nhưng khi qua sông rồi, mới thấy có nhiều điều không lường trước được! Dạo đó vào tháng Bảy âm lịch. Bà con ta thường nói: “Tháng Bảy mưa gãy cành trám” hay “tháng Bảy nước nhảy lên bờ”. Đúng thế! Nước mênh mông. Đường lội nhiều. Đang đi bỗng gặp một đầm nước bị lũ tràn, thế là phải vòng. Được một quãng, lại gặp một con sông cắt ngang. Mùa khô có lẽ đấy chỉ là một cái lạch nhỏ, dễ dàng lội qua, nhưng bây giờ là một con sông thật sự. Tất nhiên, không lội được! Mà bơi thì vướng máy móc. Hay quay trở lại? Anh Bảo nhìn đồng hồ: đã 14 giờ 30! Đến 15 giờ mà không có mặt ở chỗ ngoặt sông, thì T5 không được điều khiển, sẽ trôi vào bãi thủy lôi! Đầu lạch hiện ra một ngôi nhà nhỏ. May sao ông cụ chủ nhà có một con đò (không phải để chở đò ngang, mà để đi lại trong mùa nước nổi). - Các anh vào nhà uống nước cái đã! Chưa uống nước, là tôi chưa cho đi đâu! Để rồi tôi bảo em nó đưa các anh sang. Anh em từ chối thế nào, cụ cũng chẳng chịu, cứ một mực bắt phải uống, mỗi người một chén nước. Sốt ruột khủng khiếp! - Các anh là người trên Bộ về rà phá thủy lôi? Hôm qua, anh em bên đoạn thương vong nhiều. Hay là các anh khoan khoan, rút kinh nghiệm cái đã? - Không được, cụ ơi! Không thông luồng sớm, để tàu bè ùn lại, nguy hiểm lắm. Máy bay địch sẽ ập tới phóng rốckét. - Tôi lo cho các anh quá! Nhưng thôi, các anh đi đi! Lát nữa trở về, hễ đến bên bờ lạch, cứ ới lên một tiếng, là tôi bảo em nó đưa đò sang đón các anh ngay. Đò bé, anh em phải đi làm hai chuyến. Cô chèo đò - có lẽ là con gái ông cụ - cùng khiêng máy với anh em và dứt khoát không nhận tiền đò. - Tên cô là gì để lúc trở về chúng tôi gọi? - Các anh cứ gọi: “Đò ơi!” là được. - Cô không muốn cho chúng tôi biết tên chứ gì? - Tên em là... là gì nhỉ?... là “Đò” đấy! Qua khỏi lạch, cả nhóm cắm đầu chạy lên đê, vừa kịp trông thấy T5 lừ lừ trôi đến! Lộ vội vàng bấm nút “tiến!”, ra lệnh cho con tàu quay chân vịt (trước đó tàu vẫn nổ máy, nhưng chân vịt chưa quay). 602
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
6=>0