MỘT SỐ DẠNG TÌNH HUỐNG CÓ VẤN ĐỀ TRONG DẠY HỌC NHỮNG<br />
NGUYÊN LÍ CỦA CHỦ NGHĨA MÁC-LÊNIN VỀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI<br />
VŨ ĐÌNH BẢY - ĐẶNG XUÂN ĐIỀU<br />
Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế<br />
Tóm tắt: Trong quá trình dạy học những nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa<br />
Mác - Lênin về chủ nghĩa xã hội, việc vận dụng phương pháp dạy học nêu<br />
vấn đề (PPDHNVĐ) tỏ ra rất phù hợp với những đòi hỏi bức thiết từ mục<br />
tiêu và đặc thù tri thức của nội dung bài dạy. Tình huống có vấn đề<br />
(THCVĐ) là một trong những đặc trưng cơ bản, hạt nhân và trọng tâm nhất<br />
của phương pháp dạy học này. Vì thế, việc nắm vững các dạng THCVĐ<br />
trong dạy học các nội dung này là yêu cầu hàng đầu nhằm nâng cao hiệu quả<br />
sử dụng phương pháp nêu vấn đề trong dạy học hiện nay.<br />
<br />
1. Khi bàn về PPDHNVĐ, trước hết cần khẳng định việc vận dụng phương pháp này<br />
trong dạy học không phải là hiện tượng mới mẻ trên thế giới. Trước đây, từ những năm<br />
70 của thế ký XIX, nhiều nhà giáo dục học đã nghiên cứu về vấn đề này và nêu lên<br />
phương pháp tìm tòi, phát kiến trong dạy học nhằm động viên và hình thành năng lực<br />
nhận thức cho người học bằng cách lôi cuốn họ tự lực tham gia phân tích các sự vật,<br />
hiện tượng chứa đựng những mâu thuẫn khách quan nhằm khơi dậy và phát huy tính<br />
tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Riêng đối với nước ta, việc nghiên cứu và<br />
vận dụng phương pháp dạy học (PPDH) này là một bước tiến của khoa học sư phạm<br />
trong việc tìm kiếm các phương pháp mang lại hiệu quả cao trong dạy học. Nếu các<br />
PPDH truyền thống trước kia hướng người học chủ yếu tiếp thu kiến thức một cách thụ<br />
động, thì PPDHNVĐ cố gắng tạo ra môi trường để kích thích sự chủ động trong việc<br />
tìm tòi, khám phá tri thức của người học, giúp họ không chỉ nắm vững những kiến thức<br />
cơ bản mà còn biết vận dụng những tri thức đó vào thực tiễn một cách linh hoạt.<br />
Khi bàn về đặc trưng cơ bản của PPDHNVĐ, các nhà khoa học giáo dục trong và ngoài<br />
nước đã đưa ra nhiều quan điểm khác nhau. Chẳng hạn như: nhà nghiên cứu giáo dục<br />
người Ba Lan V. O. Kon cho rằng, đặc trưng quan trọng nhất của PPDH này là “người<br />
học được giúp đỡ những điều cần thiết để giải quyết vấn đề, kiểm tra cách giải quyết đó<br />
và cuối cùng là quá trình hệ thống hóa, củng cố các kiến thức tiếp thu được”. [2, tr.<br />
103]; nhà giáo dục I. Ia. Lecne thì cho rằng: “Dạy học nêu vấn đề là phương pháp dạy<br />
học trong đó sinh viên tham gia một cách có hệ thống vào quá trình giải quyết các vấn<br />
đề và các bài toán có vấn đề được xây dựng theo nội dung tài liệu trong chương trình”<br />
[3, tr. 6]. Về vấn đề này, Nguyễn Ngọc Bảo trong cuốn “Phát huy tính tích cực, tính tự<br />
lực của học sinh trong quá trình dạy học”, lại cho rằng “Dạy học nêu vấn đề là hình<br />
thức dạy học dựa trên những quy luật của sự lĩnh hội tri thức và cách thức hoạt động<br />
một cách sáng tạo bao gồm sự kết hợp các phương pháp dạy và học có những nét cơ bản<br />
của sự tìm tòi khoa học phát triển tính tích cực, tính tự lực và năng lực sáng tạo” [1, tr .<br />
41]. Nhìn chung các quan điểm trên đây đã nêu lên được những đặc trưng cơ bản nhất<br />
của PPDHNVĐ, mục đích và ý nghĩa của phương pháp này trong việc phát huy tính tích<br />
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế<br />
ISSN 1859-1612, Số 01(21)/2012, tr. 129-135<br />
<br />
130<br />
<br />
VŨ ĐÌNH BẢY – ĐẶNG XUÂN ĐIỀU<br />
<br />
cực, chủ động, tự giác, sáng tạo của người học. Khái quát từ những quan điểm kể trên,<br />
có thể hiểu: PPDHNVĐ là một phương pháp dạy học mà ở đó quá trình dạy và học<br />
được tổ chức bằng cách tạo ra THCVĐ và triển khai quá trình giải quyết tình huống đó<br />
nhằm để tạo ra ở người học nhu cầu tự phát hiện và giải quyết các nhiệm vụ học tập để<br />
tiếp thu tri thức, rèn luyện kỹ năng và hình thành tư tưởng, thái độ.<br />
Trong quá trình dạy học những nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về chủ<br />
nghĩa xã hội, việc vận dụng PPDHNVĐ tỏ ra rất phù hợp với đặc thù tri thức của bộ<br />
môn, đáp ứng tốt cho những đòi hỏi bức thiết từ mục tiêu của nội dung chủ nghĩa xã hội<br />
khoa học (CNXHKH) trong việc trang bị cho sinh viên hệ thống tri thức về chủ nghĩa<br />
xã hội, góp phần trực tiếp hinh thành và bồi dưỡng lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội,<br />
có niềm tin tất thắng vào chủ nghĩa xã hội và công cuộc đổi mới của đất nước ta; nâng<br />
cao tính tích cực chính trị - xã hội của công dân trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Đồng<br />
thời, môn học còn giúp sinh viên củng cố phương pháp tư duy biện chứng trong nhận<br />
thức và hành động, biết vận dụng những nguyên lý cơ bản của CNXHKH để phân tích<br />
và lý giải các vấn đề thực tiễn trên lập trường giai cấp công nhân. Ngoài ra, dạy học nêu<br />
vấn đề với tư cách là một PPDH tích cực, đáp ứng tốt với những định hướng đổi mới<br />
PPDH trong giai đoạn hiện nay.<br />
2. Quan niệm về PPDHNVĐ cho thấy, THCVĐ là một trong những đặc trưng cơ bản,<br />
hạt nhân và trọng tâm nhất của dạy học nêu vấn đề. Các nhà giáo dục học cho rằng, tạo<br />
ra một chuỗi THCVĐ và điều khiển các hoạt động nhận thức của sinh viên nhằm giải<br />
quyết các tình huống đó một cách độc lập, đó là thực chất của dạy học nêu vấn đề. Điều<br />
đó có nghĩa là nếu không kiến tạo được tình huống thì không thể có PPDH này. Vấn đề<br />
có thể là một sự kiện, một tình huống trong bài học hay một hiện tượng đã và đang diễn<br />
ra trong thực tế cuộc sống chứa đựng những yêu cầu cần lý giải. THCVĐ theo A. M.<br />
Machiuskin, nó phải “xuất hiện sự không tương ứng, sự xung khắc giữa cái đã biết và<br />
cái đòi hỏi” [6, tr. 288], còn theo M. I. Makhơnutốp, nó phải “là trạng thái tâm lý của sự<br />
khó khăn về mặt trí tuệ nảy sinh ở con người trong những tình huống khách quan” [7; tr<br />
218]. Từ đây, có thể thấy THCVĐ là loại tình huống chứa đựng mâu thuẫn bên trong<br />
của sự vật, hiện tượng, đó có thể là mâu thuẫn giữa lý thuyết cũ và lý thuyết mới, giữa<br />
lý thuyết với thực tiễn, giữa cái đã biết với cái chưa biết cần giải đáp. Mẫu thuẫn đó làm<br />
nên hạt nhân của các bài toán nhận thức mà thông qua quá trình giải quyết nó, người<br />
học lĩnh hội được nội dung tri thức một cách tự giác, tích cực và tạo được hứng thú của<br />
sự nhận thức sáng tạo.<br />
Cũng giống như các bộ phận khác, bản thân những nguyên lí của chủ nghĩa Mác-Lênin về<br />
chủ nghĩa xã hội cũng chứa đựng các tình huống có vấn đề. Trên cơ sở nội dung, đặc<br />
điểm tri thức và đối tượng nghiên cứu, giảng viên tiến hành thiết kế các bài tập nhận thức<br />
có chứa đựng mâu thuẫn giữa cái đã biết và cái sẽ tìm. Kết quả của quá trình thiết kế các<br />
đơn vị kiến thức của bộ môn thành các tình huống có vấn đề sẽ tạo ra những bài tập nhận<br />
thức. Đó là quá trình cấu trúc lại một cách sư phạm mâu thuẫn khách quan tồn tại vốn có<br />
trong chính bản thân của môn học thành mâu thuẫn chủ quan của sinh viên. Ở đây cần<br />
chú ý một điều là muốn THCVĐ hoàn thành được chức năng quan trọng của nó là kích<br />
<br />
MỘT SỐ DẠNG TÌNH HUỐNG CÓ VẤN ĐỀ TRONG DẠY HỌC…<br />
<br />
131<br />
<br />
thích tư duy và năng lực nhận thức của sinh viên thì nó phải được chủ thể tiếp nhận và<br />
giải quyết. Do đó chủ thể cần phải xác định được cái đã cho (dự kiến) làm điểm xuất phát<br />
của quá trình tư duy; cái đã biết dùng để phục vụ cho quá trình giải đáp các vấn đề đặt ra<br />
(đó có thể là những tri thức cũ đã được trang bị, kiến thức xã hội tích lũy và kinh nghiệm<br />
thực tiễn cuộc sống). Khi hội đủ những điều kiện đó, các dấu hiệu của THCVĐ bắt đầu<br />
xuất hiện và chủ thể (người học) đã có được sự chuẩn bị ở chừng mực nào đó trên con<br />
đường tìm kiếm cách thức giải quyết vấn đề (có thể với nhiều đáp án khác nhau).<br />
Ví dụ như với nội dung “Cách mạng xã hội chủ nghĩa”, khi bàn về xu hướng phát triển<br />
tất yếu các dân tộc trên phạm vi toàn thế giới, giảng viên đưa ra THCVĐ với yêu cầu<br />
như sau: Có ý kiến cho rằng, trong thời đại ngày nay, với những gì đã diễn ra của chủ<br />
nghĩa xã hội hiện thực, việc Việt Nam kiên trì con đường đi lên chủ nghĩa xã hội chỉ là<br />
mong muốn chủ quan của những người cộng sản chứ không phải là một tất yếu lịch sử.<br />
Anh (chị) hãy cho biết ý kiến của mình về luận điểm trên. Ở tình huống này, khi bắt đầu<br />
tiếp cận, sinh viên có thể nhận thức được rằng đây là một biểu hiện trong hệ thống các<br />
quan điểm sai trái của các thế lực thù địch nhằm tạo ra xu hướng xét lại về con đường<br />
tiến lên của dân tộc Việt Nam. Cái mà sinh viên đã biết là những nhận thức về nguyên<br />
nhân và bản chất của sự tan rã và sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên xô và<br />
Đông Âu. Đó là sự thất bại của một cách làm không khoa học, mắc nhiều sai lầm và<br />
phản bội Chủ nghĩa Mác chứ hoàn toàn không phải là sự lỗi thời của chủ nghĩa xã hội<br />
với tư cách là một học thuyết khoa học và cách mạng, và càng không phải với tư cách là<br />
một phong trào hiện thực khi xem xét nó trong bối cảnh hiện nay. (Những hiểu biết này<br />
người học đã được trang bị qua các bài học trước đó và những kiến thức trong chương<br />
trình giáo dục phổ thông). Cái mà sinh viên chưa biết và cần phải tìm lời giải đáp là<br />
việc Việt Nam tiếp tục kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội có phải “chỉ là<br />
mong muốn chủ quan của những người cộng sản chứ không phải là một tất yếu khách<br />
quan?”. Đâu là cơ sở lý luận và thực tiễn của sự kiên định đó? Ở đây, với tình huống<br />
này, mâu thuẫn giữa cái đã biết (khách quan, tất yếu) và cái chưa biết (chủ quan, áp đặt)<br />
đã được hình thành, vấn đề đã xuất hiện và người học đã hội đủ điều kiện để thực hiện<br />
công việc tiếp nhận và giải quyết tình huống trên.<br />
Một trong những công việc quan trọng của người giảng viên khi sử dụng PPDH này<br />
trong giảng dạy môn CNXHKH là cần phải nắm vững các dạng tình huống để có thể<br />
phân loại được chúng. Đó là cơ sở để rèn luyện những kỹ năng kiến tạo tình huống phù<br />
hợp cho từng loại. Dựa vào các kiểu mâu thuẫn và đặc thù tri thức của bộ môn, có thể<br />
chia tình huống có vấn đề trong quá trình giảng dạy môn CNXHKH thành một số dạng<br />
như sau.<br />
2.1. Tình huống nghịch lý<br />
Đây là tình huống ẩn chứa mâu thuẫn và “sự nổi loạn” bởi cái bản chất bị che đậy bằng<br />
sự lập luận bên ngoài. Vấn đề được đưa ra mới thoạt nhìn dường như là vô lý, không<br />
phù hợp với quy luật, lý thuyết hoặc thực tiễn đã được thừa nhận ở người học trước đó.<br />
Tình huống cơ bản theo kiểu này được tạo ra bằng cách giới thiệu những sự kiện, hiện<br />
tượng trái với quan điểm thông thường và quan điểm của cá nhân người học. Cách thức<br />
<br />
132<br />
<br />
VŨ ĐÌNH BẢY – ĐẶNG XUÂN ĐIỀU<br />
<br />
giải quyết ở đây là tìm và phân tích chỗ “nghịch lý” trong cách hiểu vấn đề để từ đó tìm<br />
tới cách hiểu mới đã được bổ sung bởi điều kiện mới.<br />
Chẳng hạn, khi dạy nội dung “xã hội xã hội chủ nghĩa”, sau khi đã phân tích cho sinh<br />
viên thấy được những đặc trưng cơ bản của xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ<br />
nghĩa, giảng viên có thể đặt ra một tình huống theo dạng nghịch lý, như: Với những đặc<br />
trưng mà những nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin nêu ra, xã hội chủ nghĩa đã<br />
thể hiện là một chế độ xã hôi ưu việt nhất từ trước đến nay, nhưng tại sao trong thực<br />
tiễn, nó đã bị sụp đổ ngay chính trên quê hương của Cách mạng tháng Mười ?<br />
Việc xây dựng tình huống theo dạng này không chỉ phù hợp với đặc thù tri thức của bộ<br />
môn mà còn có tác dụng rất lớn trong việc đáp ứng nguyên tắc quán triệt tính thực tiễn<br />
trong dạy học. Thông qua việc thường xuyên giải quyết tình huống dạng này, sinh viên<br />
sẽ khắc sâu tri thức bài giảng nhờ có những luận chứng từ thực tiễn, củng cố niềm tin<br />
vào tính khoa học và cách mạng của những nguyên lý, quy luật. Đồng thời sinh viên sẽ<br />
có cơ hội được rèn luyện kỹ năng vận dụng các nguyên lý vào giải thích các sự kiện của<br />
hiện thực, từ đó luôn tỉnh táo và biết cách làm thất bại âm mưu muốn lấy những mảng<br />
tối của thực tiễn để bác bỏ tính khoa học và cách mạng của các nguyên lý của<br />
CNXHKH.<br />
2.2. Tình huống lựa chọn<br />
Đây là tình huống có vấn đề xuất hiện khi chủ thể nhận thức đứng trước hai hay nhiều<br />
phương án giải quyết, phương án nào cũng vừa chứa đựng lý lẽ phù hợp nhưng đồng<br />
thời cũng vừa chứa đựng những nhược điểm cơ bản, song chỉ có một lựa chọn là duy<br />
nhất đúng bằng những cơ sở logíc và thực tiễn.<br />
Ví dụ, như khi giảng dạy lí luận về cách mạng không ngừng và sự vận dụng nguyên lí<br />
này của Đảng ta trong việc xác định con đường phát triển của cách mạng Việt Nam,<br />
giáo viên có thể đưa ra THCVĐ theo kiểu lựa chọn như sau:<br />
Sau khi hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực tiễn đặt Việt Nam<br />
đứng trước “ngã ba đường”:<br />
Một là: Dừng lại ở cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân để củng cố những thành quả<br />
của cuộc cách mạng này.<br />
Hai là: Đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa tư bản để thực hiện sự chuyển biến một cách<br />
tuần tự.<br />
Ba là: Đưa đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa .<br />
Đảng và nhân dân ta đã chọn con đường bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, quá độ lên<br />
chủ nghĩa xã hội để đi. Theo anh (chị), đâu là cơ sở lí luận và thực tiễn của sự lựa chọn<br />
đúng đắn đó ?<br />
Dưới sự hướng dẫn của giảng viên, mỗi sinh viên sẽ tự lựa chọn phương án giải quyết<br />
và trao đổi, tranh luận với bạn bè để bảo vệ hoặc phản đối. Quá trình tranh luận của sinh<br />
viên và hệ thống hóa tri thức của giảng viên sẽ đem đến kết quả là: sinh viên nắm vững<br />
<br />
MỘT SỐ DẠNG TÌNH HUỐNG CÓ VẤN ĐỀ TRONG DẠY HỌC…<br />
<br />
133<br />
<br />
lí luận về cách mạng không ngừng của chủ nghĩa Mác - Lênin; hiểu rõ sự vận dụng sáng<br />
tạo lí luận đó của Đảng ta đối với cách mạng Việt Nam; vững tin vào con đường xã hội<br />
chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Bởi vì nguyên lí nguyên lí về cách<br />
mạng không ngừng của chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ ra: cuộc cách mạng xã hội chủ<br />
nghĩa được tiến hành một cách vừa tuần tự vừa liên tục. Tuần tự là để giải quyết những<br />
nhiệm vụ cụ thể, trước mắt, còn liên tục là nhằm giải quyết nhiệm vụ cơ bản, lâu dài.<br />
Sau khi hoàn thành mục tiêu của giai đoạn đầu thì chuyển ngay lên giai đoạn tiếp theo,<br />
giữa các giai đoạn này “không có bức tường thành nào ngăn cách”. Đối với thực tiễn<br />
nước ta, việc đưa đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa<br />
là sự lựa chọn chủ quan nhưng nó đúng với quy luật khách quan khi con đường này phù<br />
hợp với xu thế phát triển của lịch sử, phù hợp với đặc điểm phát triển cách mạng Việt<br />
Nam và phù hợp với khát vọng tha thiết của nhân dân.<br />
2.3. Tình huống bác bỏ<br />
Đó là tình huống có vấn đề khi phải bác bỏ một kết luận hay luận đề sai lầm. Trong các<br />
nguyên lí của chủ nghĩa Mác-Lênin về chủ nghĩa xã hội, tình huống theo dạng này chủ<br />
yếu được kiến tạo bằng cách đưa ra những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch<br />
trong việc chống phá chủ nghĩa Mác-Lênin và phủ nhận các thành tựu của chủ nghĩa xã<br />
hội hiện thực. Các luận điệu này được các thế lực phản động dùng để gieo rắc tâm lý<br />
nghi ngờ về tính khoa học và cách mạng của những nguyên lý của chủ nghĩa Mác Lênin, từ đó đòi xét lại và xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin. Để giải quyết được tình huống<br />
dạng này, sinh viên phải tìm được những luận cứ thuyết phục để chứng minh tính chất<br />
sai lầm của vấn đề được nêu ra. Những luận cứ dùng để bác bỏ ấy được tiến hành theo<br />
hai cách: một là chỉ ra sự phi lôgíc khi xét về cơ sở lý luận của luận điểm cần phản bác;<br />
hai là chỉ ra sự tự mâu thuẫn và bất hợp lý của luận điểm đó khi đặt nó trong sự vận<br />
động của thực tiễn. Và như một lẽ tự nhiên, những luận điểm sai lầm khi được vạch trần<br />
bản chất thì người học càng có niềm tin vào tính chân lý của những nguyên lý chính<br />
diện. Từ ý nghĩa trên, quá trình dạy học môn CNXHKH cũng rất cần thường xuyên vận<br />
dụng THCVĐ theo dạng như trên. Sau đây là một ví dụ điển hình về THCVĐ được kiến<br />
tạo theo dạng này:<br />
Vận dụng PPNVĐ để giảng dạy những nguyên lý của các nhà kinh điển về lý luận<br />
“cách mạng không ngừng” và sự vận dụng của Đảng cộng sản Việt Nam. Sau khi đã<br />
phân tích giúp sinh viên nắm được những kiến giải của C. Mác, V. I. Lênin về lý luận<br />
cách mạng không ngừng, giảng viên có thể đưa ra tình huống theo dạng phản bác như<br />
sau: Căn cứ quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về quy luật vận động và phát triển<br />
của lịch sử, có ý kiến cho rằng Việt Nam sau khi hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc<br />
dân chủ nhân dân thì cần phải đưa đất nước đi theo con đường phát triển tư bản chủ<br />
nghĩa để phù hợp với “quy luật phát triển tuần tự của lịch sử”. Việc đưa đất nước tiến<br />
lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển chủ nghĩa tư bản là đi ngược lại<br />
những chỉ dẫn của các nhà kinh điển, là sự vi phạm tính chất “lịch sử - tự nhiên” mà C.<br />
Mác đã chỉ ra. Ý kiến của anh (chị) về quan điểm trên?<br />
<br />