Một số phương diện hình thức nghệ thuật trong truyện ngắn Bích Ngân
lượt xem 4
download
Với thời gian và không gian nghệ thuật, điểm nhìn trần thuật cùng ngôn ngữ, giọng điệu mang chất đặc trung vùng Nam Bộ trong truyện ngắn Bích Ngân là phương tiện làm sáng tỏ những khát khao hạnh phúc đời thường, những chiều sâu bản ngã của con người. Một cái tôi cá nhân, bản thể được khẳng định bằng chính những trải nghiệm và hiểu biết của phụ nữ.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Một số phương diện hình thức nghệ thuật trong truyện ngắn Bích Ngân
- MỘT SỐ PHƯƠNG DIỆN HÌNH THỨC NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN BÍCH NGÂN Trương Thị Thu Thanh1 Tóm tắt: Ý thức phái tính và nữ quyền trong văn học Việt Nam đương đại nói chung, truyện ngắn Bích Ngân nói riêng là tiếng nói thức tỉnh tạo ra nhiều động lực thúc đẩy sự vùng lên của phụ nữ. Họ phải tự mình dấn thân, tự mình trải nghiệm, tự mình giành lấy tự do, hạnh phúc chính đáng. Với thời gian và không gian nghệ thuật, điểm nhìn trần thuật cùng ngôn ngữ, giọng điệu mang chất đặc trung vùng Nam Bộ trong truyện ngắn Bích Ngân là phương tiện làm sáng tỏ những khát khao hạnh phúc đời thường, những chiều sâu bản ngã của con người. Một cái tôi cá nhân, bản thể được khẳng định bằng chính những trải nghiệm và hiểu biết của phụ nữ. Từ khóa: Phái tính, nữ quyền, Bích Ngân, truyện ngắn, hình thức nghệ thuật. 1. Đặt vấn đề Hạnh phúc, tình yêu, tự do và bình đẳng giới là những khát khao cháy bỏng nhất trong lòng người phụ nữ. Vấn đề bình đẳng giới vẫn được xem là vấn đề riết róng trên tất cả các phương diện: văn hóa, chính trị, tôn giáo, văn học, nghệ thuật. Đặc biệt về văn học nghệ thuật, nhất là từ sau công cuộc đổi mới toàn diện đất nước năm 1986, nhiều phong trào văn học nữ xuất hiện và phát triển về mặt số lượng lẫn chất lượng. Cùng với sự ra đời của văn học nữ giới là các trường phái phê bình văn học nữ quyền. Những cái tên như: “văn học nữ quyền”, “văn học mang âm hưởng nữ quyền”, “văn chương mang tính nữ” đã thu hút sự quan tâm đối với công chúng bạn đọc và các nhà nghiên cứu khoa học. Đó là dòng văn học đương đại với những tác phẩm văn học của nữ giới. Họ góp thêm tiếng nói của mình để bộc bạch những khát khao chung của phụ nữ. Họ đứng về “giới thứ hai” để bảo vệ và đòi quyền bình đẳng giới. Trong dòng chảy chung của văn học đương đại Việt Nam, các nhà văn nữ đã thể hiện khả năng sáng tạo văn chương, thể hiện cảm quan nữ giới trước những vấn đề của xã hội. Qua đó, họ muốn khẳng định tính độc đáo, đơn nhất của lối viết nữ giới. Bích Ngân là hiện tượng văn học tiêu biểu không nằm ngoài những nét đặc trưng ấy. Với sự mong muốn tìm hiểu nét độc đáo, đặc trưng của “lối viết nữ” và khát khao khám phá chiều sâu bản ngã con người qua các sáng tác của Bích Ngân (chủ yếu khảo sát qua truyện ngắn); trên tinh thần hướng đến những giá trị nhân sinh và thẩm mỹ, bằng lí luận phê bình văn học nữ quyền, chúng tôi quyết định lựa chọn nghiên cứu nội dung “Một số phương diện hình thức nghệ thuật trong truyện ngắn Bích Ngân”. Bài viết bước đầu hệ thống hóa và lí giải cơ bản những vấn đề lí luận về phái tính và nữ quyền trong văn hoá và trong diễn ngôn văn học. Bài viết sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho những ai quan tâm đến vấn đề phái tính và nữ quyền trong đời sống văn học hiện nay. 1. Thạc sĩ, Trường Đại học Phú Yên 82
- TRƯƠNG THỊ THU THANH 2. Nội dung 2.1. Tổng quan nghiên cứu “Phái tính” xuất phát từ đặc điểm thuần sinh học của cơ thể con người còn “giới tính” lại dựa trên cấu trúc văn hoá - xã hội. Tuy nhiên về cơ bản, thuật ngữ giới tính vẫn bao hàm tiêu chí khác biệt sinh học giữa hai giới cùng với sự khác biệt do áp lực của văn hóa - xã hội. Người phụ nữ là đối tượng nghiên cứu trọng tâm của trào lưu phê bình nữ quyền, một bộ phận cơ bản của việc phân chia phạm trù giới. Theo học thuyết của Freud, dựa vào mặt sinh học, Freud quan niệm về sự chủ động, chiếm lĩnh của phái nam cũng như bản tính thụ động, e thẹn, kín đáo của phái nữ chủ yếu dựa vào phức cảm Oedip. Giai đoạn Oedip đánh dấu bước ngoặt trong sự thay đổi tố chất và đặc trưng tính cách của hai giới. Sự phân biệt giữa đàn ông và đàn bà cũng được Jacques Lacan nghiên cứu dựa trên cấu trúc Cái tưởng tượng, Cái biểu trưng và Cái thực tồn trưởng thành về tâm lí của con người. Năm 1949, công trình Giới thứ hai của Simone de Beauvoir ra mắt công chúng bạn đọc. Trong công trình này, Simone de Beauvoir cũng đã bàn nhiều đặc điểm sinh học về giới cũng như lịch sử hình thành xã hội nam quyền và nguyên nhân dẫn đến sự bành trướng của những uy lực văn hoá phụ thuộc ấy lên cuộc đời phụ nữ. Simone de Beauvoir đã thừa nhận một thực trạng là phụ nữ yếu kém hơn đàn ông về nhiều mặt. Nguyên nhân chủ yếu từ cấu tạo sinh học của cơ thể, từ sự khác nhau về vai trò của hai giới trong sinh sản, về tính dục,hay từ nguyên nhân kinh tế. Nữ tính của một người phụ nữ là do toàn bộ những điều kiện kinh tế - xã hội, ý thức xã hội, hệ tư tưởng, văn hoá, giáo dục quy định trong tiến trình phát triển lịch sử. Trong đó, người phụ nữ sống, bị bắt buộc hoặc do thiếu hiểu biết mà chấp nhận chứ không phải là chỉ do vấn đề tính dục “On ne naît pas femme, on le devient” (Simone de Beauvoir) (tiếng Anh: “One is not born, but rather becomes, woman” - Người ta không phải sinh ra là phụ nữ, mà trở thành phụ nữ). Chủ nghĩa nữ quyền ra đời là do sự bất bình đẳng giới. Nữ quyền tiến tới sự tranh luận, vận động xã hội, đảm bảo quyền tự do cho phụ nữ về mặt kinh tế, chính trị, xã hội. Nữ quyền là nói đến những quyền lợi về chính trị và xã hội của phụ nữ. Lí thuyết nữ quyền là phần mở rộng của Chủ nghĩa nữ quyền vào giảng lí thuyết hay triết học. Nó nhằm mục đích để hiểu bản chất của sự bất bình đẳng giới. Phụ nữ được tham gia vào các cấp chính quyền, hưởng đầy đủ các chính sách xã hội, y tế, văn hoá. Mục đích của phong trào nữ quyền xét về mặt chính trị là làm cho đàn bà và đàn ông bình đẳng hơn về mặt pháp lí, xã hội và văn hóa. Có thể nói Chủ nghĩa nữ quyền trở thành một hiện tượng đầy phức tạp: vừa mang tính lịch sử vừa mang tính văn hoá, xã hội. Lí luận phê bình nữ quyền bắt đầu thịnh hành từ thập niên 70 ở Phương Tây, dấy lên vào những năm 80 của thế kỉ XX và nhất là sau khi Đại hội phụ nữ thế giới được tổ chức tại Bắc Kinh năm 1995 và được manh nha hình thành trong lí luận phê bình văn học đầu thế kỉ XX ở Việt Nam. 83
- MỘT SỐ PHƯƠNG DIỆN HÌNH THỨC NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN... Nhiều bài báo, công trình viết về phái tính và nữ quyền: Nguyễn Huy Thiệp với Tính dục trong văn học hôm nay, Dục tính và những ranh giới mong manh, Vương Trí Nhàn với Văn học sex: chấp nhận để tìm cách đổi khác, Nguyễn Hòa với Lịch sử - văn hóa và sex trong văn chương. Đặc biệt gần đây, Trần Huyền Sâm cho ra mắt bạn đọc công trình Nữ quyền luận ở Pháp và tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại. Đây được xem là một trong những công trình bàn về vấn đề nữ quyền có giá trị cao. Qua khảo sát các công trình nghiên cứu cũng như các bài viết đăng trên tạp chí hay các trang mạng xã hội, cho thấy, vấn đề ý thức phái tính và nữ quyền trong văn học là một vấn đề thú vị nhưng cũng đầy phức tạp. Bởi lẽ, vấn đề này thường gắn với ý thức hệ, chính trị và tôn giáo. Vì vậy, các nhà nghiên cứu cần có cái nhìn hệ thống hoá và tường giải để có thể tiếp cận và khám phá sâu sắc những giá trị nhân sinh và thẩm mỹ của nó. 2.2. Phương pháp nghiên cứu Chúng tôi đã vận dụng nhiều phương pháp khác nhau để hoàn thiện bài viết của mình. Phương pháp vận dụng lí thuyết phê bình văn học nữ quyền là phương pháp chính trong suốt quá trình nghiên cứu và làm sáng tỏ nội dung của đề tài. Phương pháp liên ngành sẽ giúp cho chúng tôi có cái nhìn khái quát hơn khi nghiên cứu về đề tài này. Phương pháp so sánh được chúng tôi sử dụng khi xem xét những nét tương đồng và dị biệt về nội dung và phương thức biểu đạt trong truyện ngắn của Bích Ngân. Từ đó, chúng tôi muốn làm nổi bật nét văn hoá vùng miền và phong cách sáng tạo của tác giả, cũng như việc tìm thấy sự đồng điệu nữ giới trong quá trình sáng tác văn chương. Phương pháp phân tích - tổng hợp là phương pháp được sử dụng rộng rãi trong quá trình thực hiện đề tài (phân tích - tổng hợp tất cả các tư liệu liên quan đến đề tài từ tác giả, tác phẩm, những bài báo, những luận văn, những công trình nghiên cứu liên quan đến nhà văn, liên quan đến nữ giới, liên quan đến các lí thuyết văn học); qua đó, thấy được bản chất tư tưởng - thẩm mỹ của tác phẩm, lí giải được những giá trị của các sáng tác. Phương pháp thống kê, phân loại là phương pháp cần thiết để cụ thể hóa những vấn đề liên quan đến sáng tác của nhà văn. Phương pháp tiếp cận theo hướng thi pháp học làm sáng tỏ những đặc điểm, dấu hiệu mang màu sắc phái tính và âm hưởng nữ quyền cả về nội dung lẫn hình thức nghệ thuật trong truyện ngắn Bích Ngân. Phê bình nữ quyền là một hướng nghiên cứu tiếp cận bởi nhiều phương pháp, trong đó, phương pháp tiếp cận theo hướng liên ngành là trọng yếu. Mặc dù, phê bình văn học chưa được hệ thống nhưng sức ảnh hưởng của nó trong nghiên cứu văn học đương đại rất lớn. 2.3. Kết quả và thảo luận 2.3.1. Không gian, thời gian nghệ thuật 2.3.1.1. Không gian nghệ thuật a. Không gian hiện thực Với các tác phẩm truyện ngắn của mình, nhà văn Bích Ngân đã triển khai câu chuyện theo logic tuyến tính. Con người chủ yếu là con người hành động, nó dường như 84
- TRƯƠNG THỊ THU THANH nằm ngoài tâm lí. Trật tự này tạo ra ấn tượng như thật, đem lại cảm giác “người thật việc thật”, Bích Ngân muốn tái hiện đời sống rất thực theo chuỗi hành động nhân vật được sắp xếp. Từ đó, người đọc sẽ cảm nhận được muôn màu cuộc sống với những biến cố, va đập, có bắt đầu, xung đột, đỉnh điểm và giải quyết cao trào. Qua việc gặp gỡ, thấu hiểu nhân vật, người đọc có thể cảm nhận được những thông điệp, tư tưởng mà nhà văn gửi gắm. Đối với nhà văn Bích Ngân, chị xây dựng nhân vật dựa trên những mảnh đời chân thật từ cuộc sống, từ trong những không gian hiện thực. Hình ảnh của những cô gái nhẹ dạ, lỡ đi quá ngưỡng cho phép với người yêu để rồi bị buộc phải đứng trước những thử thách nghiệt ngã của xã hội như Thi trong Bồng bềnh thiên sứ được tái hiện lại từ những cuộc đời mà độc giả có thể đã từng gặp, tiếp xúc qua hoặc đã nghe nói đến. Một sự chân thực rất đời. b. Không gian đồng hiện Với biện pháp sử dụng không gian đồng hiện, tác giả có thể tạo ra nhiều mốc thời gian khác nhau, nhiều hình ảnh, tình tiết đan xen hơn; đặc biệt, luôn tạo ra những bất ngờ. Người đọc khó có thể dự đoán được những gì sẽ diễn ra tiếp theo, mặc dù đó là những sự kiện vặt vãnh trong cuộc sống. Và cùng mạch văn bàn về không gian đồng hiện, truyện Thần sông của nhà văn Bích Ngân cũng đã tái hiện hình ảnh về người mẹ đã khuất trong không gian người sống, bà là cô Ba, dì Ba, chị Ba, con Ba vẫn sống trong ký ức của mọi người. Trong ký ức những người nơi ấy, mẹ Thư không chỉ là một “bà đỡ” mát tay hay một ân nhân mà còn là một người đàn bà của sông nước và trở thành một vị thần của sông nước. Chẳng mấy chốc, hình ảnh “cô Ba”, “dì Ba”, “chị Ba”, “con Ba” sống lại trong tâm trí của mọi người. Những sự kiện trong từng không gian quá khứ dần hiện ra. Trong không gian ảo vọng từ ký ức của người dân sông nước, hình ảnh “người mẹ” mang nét đẹp và sức mạnh như vị Thần sông yêu thương, che chở họ. Không gian là những mảnh ghép về một bức tranh muôn màu của cuộc sống. Mỗi mảnh ghép luôn gắn với những ý nghĩa riêng. Đôi khi, nó thật rạng rỡ sắc nét và cũng lắm lúc vô cùng huyền bí, ảo mộng. Mỗi một sự kiện trong tâm thức con người cũng là những mảnh ghép về cuộc đời và số phận. Không gian ảo luôn mang nặng tính ước lệ, chủ quan thường gắn với những ký ức, sự hối cố, cảm thức của con người và thường không bị giới hạn thời gian hiện thực. Ở nơi đó, con người có thể trở về với những tuổi thơ, với những kỉ niệm một thời hay họ có thể sống với những cảm xúc hạnh phúc trong thế giới tưởng tượng, thế giới mộng ảo của họ. 2.3.1.2. Thời gian nghệ thuật a. Thời gian hiện thực Vẫn biết thời gian trôi đi tuần hoàn, cuộc đời con người vô cùng ngắn ngủi, hữu hạn trong cái vòng quay vô hạn của đất trời, nhưng khi điều này được thể hiện trên những 85
- MỘT SỐ PHƯƠNG DIỆN HÌNH THỨC NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN... trang văn nữ nó vẫn khiến người ta ám ảnh khôn nguôi về quy luật nghiệt ngã của thời gian. Thời gian ngưng đọng là cái nhìn của tình yêu, một tình yêu mê đắm đến tôn thờ mà ta bắt gặp trong rất nhiều câu chuyện của các nhà văn Bích Ngân hoặc một thứ tình yêu mộc mạc thuộc về quê hương, gia đình và những nơi thân thuộc. Những tâm hồn sâu kín của người đàn bà, những va đập cuộc sống, những cung bậc nhàm chán hay đơn điệu được Bích Ngân tái hiện chi tiết qua từng hành động, biểu cảm nhân vật. Thời gian vẫn trôi qua. Thời gian ngưng đọng trong đêm tối. Thơi gian trong không gian mộng tưởng của thế giới tình yêu. Thời gian của những khoái cảm xác thịt, lí trí hay là hư vô. Những cảm giác ham muốn bản năng trổi dậy, khát khao được thỏa mãn. Thời gian đi, thời gian trở về một thời tuổi thơ. Tuổi thơ luôn gắn với hình ảnh quê hương, với những khoảng thời gian đáng yêu nhất, những kỉ niệm của một thời đã qua trong kí ức, với sự ấm áp và chở che. Tìm về quê nhà để trốn tránh nỗi sợ hãi khi ra đi trên đất khách nhưng không thể làm lòng người bình lặng với bao con sóng dậy lên trong lòng. Đứng giữa sự sống và cái chết, niềm khát khao muốn trở về quê hương của con người lại càng mãnh liệt. Hân, nhân vật chính trong truyện đã hơn ba mươi tuổi, vẫn muốn nằm trong lòng mẹ để được nhận sức mạnh từ hơi ấm thân thương. Hân tìm về cái bến quê mà cứ ngỡ như nơi đã mờ xa, chìm sâu vào kí ức dĩ vãng của mình. Khi con tàu dừng lại ở một ngã ba sông, thời gian quá khứ như ùa về. Thời gian ngưng đọng trong không gian quen thuộc ngày xưa, Hân dần sống lại với những cảm xúc mà cách đây ba mươi năm cô giấu trong lòng. Những giọt nước mắt nhoè đi cùng dòng nước lững lờ trôi. Những ngày tháng của tuổi thơ Hân, những phút giây sợ hãi và ấm áp đang dội về trong trái tim cô. Một nỗi nhớ quê, nhớ mẹ và gia đình đến da diết. Thời gian luôn trôi theo quy luật tự nhiên của nó nhưng trong tâm lí mỗi chúng ta, thời gian có khi đứng lại, có khi trôi thật chậm nhưng cũng có lúc trôi thật nhanh. Quá khứ, hiện tại nhiều khi cùng tồn tại trong một thời điểm của cảm xúc. Thời gian như ngừng trôi, tình yêu càng thêm sâu. Con người càng chiêm nghiệm về những gì của cuộc sống, về cuộc đời, về tình cảm. b. Thời gian đồng hiện Thời gian vốn có tính liên tục, một chiều, không thể đảo ngược: quá khứ, hiện tại, tương lai. Tuy nhiên trong thế giới nghệ thuật văn chương, quá khứ hay tương lai có thể cùng tồn hiện với thực tại, bằng nhiều hình thức khác nhau. Trên những trang văn của Bích Ngân, thời gian quá khứ thường xuyên đồng hành cùng hiện tại, liên tục đan xen. Thời gian tương lai thi thoảng cũng hiện bóng qua những giấc mơ báo ứng hoặc qua những dự cảm, linh cảm nhạy bén của con người. Sự đồng hiện thời gian cũng là một nét đặc sắc của thời gian nghệ thuật trong truyện ngắn Bích Ngân. Quá khứ dường như là sự ám ảnh thường xuyên trên mỗi trang viết của chị. Nó vẫn hiện diện trong cuộc sống hiện tại qua đồ vật, cảnh vật, nhắc nhở người ta về những chuyện đã qua. Quá khứ không 86
- TRƯƠNG THỊ THU THANH còn là điều gì vô hình nữa mà nó hiện ra cụ thể, có hình có khối khẳng định sự tồn tại của mình trong hiện tại. Có lúc, quá khứ nhập thẳng vào cảm giác của con người, tạo ra hiện tượng ảo giác. Bích Ngân thường hay kể chuyện về những con người, sự việc đang diễn ra hơn là hồi tưởng về quá khứ. Sự đồng hiện thời gian đã phản ánh cuộc sống nội tâm phong phú, phức tạp của con người. Thế giới không bình lặng diễn ra, nó cần sự soi rọi, phản chiếu của nhiều chiều thời gian để cùng lí giải, cảm nghiệm sự đa sắc của hiện thực cuộc sống con người. Truyện ngắn Ám ảnh dòng sông, Hân luôn sống trong cảm xúc của quá khứ và hiện tại. Cô đứng trước dòng sông hôm nay để trở về cuộc sống hôm qua. Cũng tại dòng sông này, dòng sông vẫn lững lờ trôi. Con người và các ngôi nhà ở đây đã đổi thay nhiều sau ba mươi năm xa cách. Chỉ có riêng dòng sông vẫn lặng mình nằm in trên bến vắng. Hân đang ở đây tìm về tuổi thơ đầy ám ảnh bởi bóng tối của dòng sông và cái khoảng trống triền miên ngóng chờ mẹ. Xã hội ngày càng phát triển, con người luôn đổi thay để hoà nhập cùng cuộc sống hiện tại. Sự hối hả của cuộc sống mưu sinh khiến con người lao mình vào phía trước để làm việc mong có tương lai tươi sáng. Ngày ngày lặng lẽ trôi, con người vô tình lãng quên những điều đã qua. Và chỉ khi nào, trong không gian chứa nhiều kỉ niệm khó phai, bao ký ức nối đuôi nhau lần lượt trở về thì người ta mới xao xuyến, quên đi những cái hiện tại. Thời gian quá khứ quay về nơi không gian xưa. Một sự đồng hiện về không gian, thời gian diễn ra trong một con người. 2.3.2. Điểm nhìn trần thuật Điểm nhìn thực tế là vị trí đứng quan sát của người kể chuyện. Nó là một cấu trúc nghệ thuật hàm ẩn được người đọc tiếp nhận bằng thao tác suy ý thông qua các mối quan hệ người kể và cốt truyện, người kể với nhân vật, người kể với lời kể, người kể với người đọc hàm ẩn. Bằng điểm nhìn trần thuật, nhà văn có thể bao quát được nhiều phương diện cuộc sống. Người kể chuyện ẩn mình đi để câu chuyện đạt đến mức độ khách quan cao nhất. Sự linh hoạt trong điểm nhìn trần thuật sẽ tạo nên sức mê hoặc đối với độc giả cũng như sự hấp dẫn đặc biệt cho tác phẩm. Điểm nhìn chi phối cách tư duy, sự nhạy bén và chiều sâu tư tưởng của nhà văn với cuộc đời, chi phối cảm hứng sáng tác và bộc lộ cá tính sáng tạo của nhà văn. Từ vị trí chỗ đứng của người kể chuyện, điểm nhìn chia nhiều loại: điểm nhìn bên trong, điểm nhìn bên ngoài, điểm nhìn di động. Trong truyện ngắn Cầu thang dốc đứng của Bích Ngân, tác giả chọn điểm nhìn trần thuật bên ngoài để có thể lột tả được từng diễn biến tâm lí của nhân vật và cả căn nhà nơi diễn ra cuộc sống hàng ngày của gia đình. Tất cả được miêu tả một cách bao quát nhất, giúp người đọc như đang xem một bộ phim hơn là chỉ đọc những con chữ trên trang giấy. 87
- MỘT SỐ PHƯƠNG DIỆN HÌNH THỨC NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN... Từ không gian nơi con ngõ hẹp đến mọi góc trong căn nhà đều dần hiện ra như một bức tranh với những màu sắc sáng và tối. Không gian của căn nhà ba tầng với nhiều trang thiết bị và nhiều loại nước hoa là tiêu điểm chính để người kể chuyện quan sát mọi cử chỉ và hành động của nhân vật mình. Trong không gian ấy, với điểm nhìn bên ngoài, người kể chuyện tập trung vào hình ảnh bà lão yếu ớt khi sống với con trai út và con dâu nơi thành phố; từng không gian, từng khoảng khắc, từng điểm nhìn đều toát lên tâm trạng cô đơn, một trái tim đang đau đớn vì bị dày vò của bà cụ. Trong căn nhà ấy, những người thân yêu ruột thịt hàng ngày vẫn chạm mặt nhau, vẫn ăn ở cùng nhau, vẫn sống cùng nhau nhưng đối với bà lão luôn cảm giác bị lạc lỏng và bỏ rơi. Với điểm nhìn bên ngoài và điểm nhìn bên trong, tình cảm của người mẹ già đối với đứa con trai như được lột tả rõ nét. Người mẹ già thèm muốn được ôm con vào lòng, được khóc, được cười với nó như ngày xưa. Nhưng nước mắt luôn chảy xuôi, chỉ có người mẹ vẫn âm thầm luôn giành cho con những tình cảm không bao giờ phai nhạt. Hình ảnh thơ ngây khi con vừa chập chững với những bước chân đầu tiên luôn khắc sâu trong lòng người mẹ. Có lẽ, cuộc sống hiện đại với sự tất bật, hối hả đã cuốn con người vào vòng quay của cuộc sống. Bụi trần như phủ lấp đi phần lớn những kí ức và quá khứ một thời tuổi thơ của các con. Điểm nhìn trần thuật đã thực sự có hiệu quả trong việc tái hiện nhân vật sinh động, không chết khô trên trang giấy. Với điểm nhìn này, người kể chuyện khiến cho câu chuyện khách quan hơn, tự nhiên hơn trong diễn biến hợp lí. Nhờ đó, người đọc dễ dàng hình dung quá trình phát triển của cốt truyện gắn với cuộc đời và số phận nhân vật. 2.3.2.1. Điểm nhìn bên trong Bằng hình thức tự quan sát, giãi bày, thú nhận, dựa vào giác quan, tâm hồn nhân vật để biểu hiện cảm nhận về cuộc sống thế giới. Vì vậy, điểm nhìn bên trong thường mang đậm tính chủ quan của nhân vật. Những biến cố, sự kiện dần hiện qua những gì nhân vật thấy và cảm nhận, suy ngẫm và bộc lộ thái độ cũng như tình cảm của mình. Trước câu chuyện, người đọc luôn ở trong trạng thái tâm tình. Truyện có nhiều chiều hướng đi vào những khía cạnh thuộc về chiều sâu tâm lí của nhân vật. Bằng điểm nhìn bên trong, những vấn đề trong cuộc sống được đặt ra một cách trăn trở. Cũng với cách sử dụng điểm nhìn bên trong, Bích Ngân thể hiện sự suy ngẫm sâu về cuộc đời và số phận của con người; đặc biệt về người phụ nữ, về những luân thường đạo lí, những ẩn uất bản năng. Trong các tác phẩm văn học, ngoài kể theo điểm nhìn trần thuật, tác giả còn hòa vào “tôi” để kể một câu chuyện rất đời, rất thực, tạo được ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc về tính chân thực. Chuyện từ người trong cuộc kể ra. Cũng có khi tác giả không hóa thân vào nhân vật “tôi” (ngôi thứ nhất) mà theo ngôi kể thứ ba, người kể chuyện như lùi vào hậu đài để kể (hàm ẩn) nhằm nói lên những tâm sự thầm kín của nhân vật, hay người kể đã tựa vào giác quan, tâm hồn nhân vật để biểu hiện cảm nhận về thế giới. Với cách lựa 88
- TRƯƠNG THỊ THU THANH chọn kể chuyện theo ngôi thứ nhất và thứ ba, Bích Ngân đã dẫn dắt người đọc đến những số phận con người, đặc biệt là phụ nữ. Nỗi lòng của người đàn bà trong truyện Nhân tình chỉ có thể chọn nơi đứng là điểm nhìn bên trong thì lời văn mới toát hết được những nỗi lòng của nhân vật. Cùng chung cảnh ngộ, thân phận những cô gái bán hoa, tỉ tê khóc sầu ai oán thảm thiết hàng đêm giữa những lúc mọi người đang chìm sâu vào giấc ngủ. Đứng nhìn từ bên ngoài, những “tiếng nức”, những “tiếng hờ”, tiếng “thút thít” bật trong đêm nhưng làm sao có thể cảm nhận được hết những nỗi nhục nhã ê chề khi họ bán thân sinh sống. Người trong cuộc mới biết được những việc mình đang làm và sẽ làm. Chính họ mới thấm thía được sự đời trêu ngươi ra sao. Với lối kể chuyện từ điểm nhìn bên trong, Bích Ngân đã khắc hoạ sâu sắc hình ảnh những người phụ nữ, gợi lên những xúc cảm chiều sâu tâm lí của đàn bà. Từ đó, tác phẩm gửi đến bạn đọc thông điệp của tác giả về sự cảm thông đối với những kiếp người phụ nữ có số phận bất hạnh. Nhiều khi, Bích Ngân hóa thân thành từng nhân vật để kể lại câu chuyện của đời mình. Chị mong muốn người đọc như được sống với từng khoảnh khắc của diễn biến câu chuyện. Có lúc chị hóa thân vào nhân vật “cậu Út” trong Thế giới xô lệch để thể hiện nỗi dằn vặt, những suy nghĩ của người thương binh trong thời bình. Có lúc, Bích Ngân lại biến mình thành nhân vật Thi trong Bồng bềnh thiên sứ đang phải trải qua nỗi đau khi tình yêu vỡ vụn. Chị luôn đấu tranh giữa việc bỏ hay giữ lại đứa con đang hình thành trong bụng mình. Chị “gắng lắm”nhưng cuối cùng, Thi không còn đủ sức chờ đợi vào tình yêu ấy. Ở truyện ngắn khác, Bích Ngân lựa chọn ngôi kể thứ ba và kết hợp vừa điểm nhìn bên ngoài vừa điểm nhìn bên trong để diễn tả tâm trạng của người đàn bà khi bị người mình yêu thương ruồng bỏ. Từ điểm nhìn bên ngoài, “hắn” trông có dáng vẻ bề ngoài rất quyến rũ và tố chất lãng mạn, đào hoa của một nhà thơ. Từng diễn biến tâm trạng của nhân vật, trong không gian nhỏ bé của nhà hát, từ ánh mắt hân hoan khi nhìn thấy người yêu trên sân khấu cho đến sự quặn thắt trái tim rồi chìm vào im bặt được bộc lộ rất cụ thể và chi tiết, đi cùng ngóc ngách tình cảm của con người. 2.3.2.2. Điểm nhìn bên ngoài Điểm nhìn bên ngoài là điểm nhìn mà người kể chuyện miêu tả sự vật từ phía ngoài nhân vật, kể những điều nhân vật không biết và có thể bao quát được hết các phương diện cuộc sống. Và, từ điểm nhìn bên ngoài, mọi tình tiết câu chuyện được tiếp cận với thái độ mang tính cách khách quan hơn. Các sự kiện truyện diễn ra trong thời gian, không gian vốn có của nó. Mỗi cách kể chuyện người kể chuyện ngôi thứ nhất hay ngôi thứ ba cũng đều mang đến những giá trị khác nhau cho tác phẩm. Tất cả phụ thuộc vào cách lựa chọn của tác giả trong quá trình sáng tác. Tác giả chọn cách quan sát lặng lẽ hay trực diện, giọng văn lạnh lùng hay nhẹ nhàng để thấy được những tuyến điểm nhân vật gắn với những số phận khác nhau, những ẩn ức tâm lí khác nhau đạt chất lượng là một thách thức lớn đối với 89
- MỘT SỐ PHƯƠNG DIỆN HÌNH THỨC NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN... nhà văn và bạn đọc. Đến với các tác phẩm của nhà văn Bích Ngân, điểm nhìn bên ngoài với ngôi kể thứ nhất hay thứ ba cũng được nhà văn sử dụng nhiều trong quá trình sáng tác của mình. Truyện ngắn Ba người đàn bà của Bích Ngân chủ yếu bằng điểm nhìn bên ngoài, câu văn ngắn gọn, chỉ gói gọn trong một khoảnh khắc khi người đàn bà khao khát được làm mẹ nhưng không được. Nhân vật Quyên bốn lần sẩy thai nhưng lần nào cũng một mình vượt cạn trong sự thờ ơ, lạnh nhạt của chồng. Đứng nơi góc phòng ấy, người kể chuyện chứng kiến rõ nỗi đau, những giọt nước mắt uất ức của Quyên, bà Lê và mẹ Quyên. Không gian càng thêm ngột ngạt, nghẹn ngào trước số phận những người đàn bà. Ở truyện ngắn khác, với thủ pháp điểm nhìn bên ngoài, lời trần thuật càng sâu sắc trước những cảnh đời, số phận của phụ nữ, góp phần khẳng định nhân vị đàn bà. 2.3.3. Ngôn ngữ, giọng điệu 2.3.3.1. Ngôn ngữ mang đậm nữ tính và chất vùng miền Ngôn ngữ đánh dấu sự phát triển của loài người. Cũng như vậy, trong văn chương nghệ thuật, ngôn ngữ là thước đo tài năng của một nhà văn. Bởi lẽ, ngôn ngữ chính là chất liệu tạo nên tác phẩm văn học. Vốn ngôn ngữ giàu có sẽ là cơ sở cho tính linh hoạt trong việc lựa chọn từ góp phần tạo nên sự hoàn mỹ của tác phẩm và danh tiếng nhà văn. Ngôn ngữ phát huy hết tác dụng của một vai trò làm chất liệu tạo nên tác phẩm văn học. Tác phẩm văn học như một trò chơi ngôn ngữ. Bởi lẽ, về mặt sinh học và tâm lí, phụ nữ thường thiên về tình cảm hơn lí trí. Họ dễ cười cũng dễ khóc. Có lúc họ dịu dàng như mèo con yếu ớt nhưng đôi khi lại như “sư tử hà đông”. Vì thế, ngôn ngữ được nhà văn dùng trong quá trình sáng tác mang đậm tính nữ. Những câu văn thường nghiêng về cảm xúc đàn bà: vừa uỷ mị vừa gai góc, chua ngoa. Mặc dù, Bích Ngân viết truyện với tâm thế hiện sinh, nỗi loạn nhưng ngôn ngữ của chị trong tác phẩm mặc dù có những lúc gãy khúc thể hiện sự bực tức, hờn dỗi nhưng chị vẫn không thoát khỏi bản tính giới nữ. Nhà văn thường viết bằng chính trải nghiệm của bản thân. Nhiều khi nhà văn nữ dễ rơi vào tình trạng tự ăn mình. Những câu chuyện chủ yếu xoay quanh các chủ đề như tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc của phụ nữ. Đặc biệt, trong tác phẩm của Bích Ngân, ngôn từ mang nhiều nét kiêu hãnh về sắc đẹp và tài năng của người phụ nữ. Những ngôn ngữ trong truyện ngắn của chị như từng viên gạch kết tinh thành những toà lâu đài hạnh phúc thơ mộng nhưng có khi là những lời đã kích, chua chát với những cánh đàn ông bất toàn. Nói đến phụ nữ là phải gắn với cái đẹp. Một “vẻ đẹp lâu bền, vẻ đẹp có thể khuất phục được thời gian là vẻ đẹp không cần photoshop hay mỹ viện. Nhan sắc đó toát ra từ cốt cách, từ tài năng, từ sự âm thầm góp mặt cho đời… Cuộc đời con người cũng vậy thôi! Không khác thời tiết của bốn mùa, mỗi độ tuổi đều mang lại sự quyến rũ cùng vẻ đẹp riêng của nó. Ngoài vẻ đẹp tự nhiên, vẻ đẹp trưởng thành, vẻ đẹp từng trải còn có cả vẻ đẹp khiêm cung của người chu toàn phận sự” [10, tr.27 - 29]. Chính vì đẹp mà người phụ nữ gặp nhiều may mắn và được yêu thương quan tâm hơn những người không có nhan sắc. Và 90
- TRƯƠNG THỊ THU THANH đối với những người đàn bà đẹp, họ luôn có triết lí sống cho riêng mình. Nhưng bên cạnh ấy, ngôn ngữ mang nhiều tính than vãn cũng thường gắn với văn học nữ giới. Than vãn đó nhưng cũng thường âm thầm chấp nhận và chịu đựng với những sở thích hay những thói hư tật xấu của người đàn ông đời mình. Ông này nghiện rượu, ông kia nghiện bóng đá hơn cả vợ. Tất cả những người ấy không ai mang lại hạnh phúc cho vợ mình. Cách dùng ngôn ngữ biểu lộ những cảm xúc nữ giới cùng chất giọng miền Nam đậm trên từng trang văn của Bích Ngân. Trong truyện ngắn, nữ sĩ đã sử dụng khá nhiều khẩu ngữ; những từ chỉ mức độ (thiệt nhứt nồng nhứt, tiện lợi nhứt, ác ôn nhứt) hay nói chuyện hàng ngày hay (chớ, thấy dzậy, nói dzậy, không phải như dzậy, những từ chỉ hình dáng bên ngoài (ốm nhom) tạo gần gũi, thân mật, mang nhiều nét hồn nhiên cho mỗi câu văn. “Em đẹp chớ anh” [7, tr.63]. “Nụ cười thiệt nhứt nồng nhứt có lẽ là những tích tắc nàng vét sạch các khoản lương lậu… nụ cười ác ôn nhứt…” [7, tr.94]. “anh vẫn yêu em như trước chớ?” [7, tr.62]. “Tui đang chịu khổ chịu sở bởi cái cảm giác sống với ai đó chớ không phải với chồng mình” [7, tr.117]. “Chị ốm nhom, mặt mày vêu vao” [7, tr.117]. Bên cạnh ấy, Bích Ngân sử dụng ngôn ngữ phiếm để gọi tên các nhân vật: Bà mẹ của đại gia (Một cuộc chạm trán), anh cả, cô ta (Ba trong một), sếp (Con vật trung thành), vợ tôi (Quy trình mới), hắn, chị, Lam (Kẻ tống tình), Hà (Đôi mắt Liz Taylor), Thuần, Huy (Hai kẻ từng yêu nhau), cô gái, cô dâu bé nhỏ (Biển, bình minh và đôi lứa, Mùi Chanel và chuyến bay bị trễ). Qua việc khảo sát về cách xưng hô cũng như việc gọi tên của nhân vật, chúng tôi thấy nhà văn đã làm nổi bật phong cách sáng tác của mình. Từ những số phận nhân vật, nghề nghiệp, tính cách, tuổi tác, tên gọi đến tâm sinh lí cũng được xây dựng và khắc hoạ mang đậm tính chất vùng miền. Dù văn hoá Bắc - Nam có sự giao thoa với nhau trong cùng một đất nước nhưng nét đặc trưng văn hoá vùng miền vẫn sẽ không bao giờ thay đổi theo thời gian lịch sử. Chính yếu tố đó tạo nên sự đa dạng và phong phú bản sắc dân tộc Việt Nam. 2.3.3.2. Giọng điệu đa sắc thái Sự đa dạng, phong phú trong việc dùng từ đã tạo ra nhiều sắc thái giọng điệu trong mỗi câu văn. Chúng ta bắt gặp các giọng điệu như: Giọng trữ tình đằm thắm, giọng chua ngoa sắc sảo, giọng trầm tư, âu lo, giọng châm biếm mỉa mai, giọng triết lí,… Tất cả được bộc lộ qua từng mỗi tâm trạng của nhân vật, bộc lộ qua cách nhìn đời, nhìn người của nhà văn trước hiện tượng cuộc sống. Bích Ngân quan niệm rằng hạnh phúc là khi có được “sự sẻ chia và lòng tôn trọng”. Chính sự sẻ chia và lòng tôn trọng đã nâng đời sống vợ chồng lên vị trí thanh cao của hạnh phúc. Có khi, hạnh phúc nằm ngay trong chính phẩm chất nghề nghiệp, ví như “phẩm chất của người làm nghệ thuật là biết kiên nhẫn!” [5, tr.14]. Nghề gì cũng cần tìm 91
- MỘT SỐ PHƯƠNG DIỆN HÌNH THỨC NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN... niềm vui trong sự bền bỉ, không nản lòng mặc dù thời gian kéo dài, kết quả còn chưa thấy. Hạnh phúc sẽ đến với những ai biết chờ đợi. Giọng châm biếm mỉa mai, bức xúc cũng được nhà văn Bích Ngân sử dụng nhiều như một công cụ để phản ảnh những thói hư tật xấu đàn ông bất toàn, những mặt trái xã hội nhằm tạo nên tiếng cười sâu cay; thể hiện đặc sắc ý thức nữ quyền. Bích Ngân đã mượn hình ảnh người thanh niên trong truyện ngắn Kẻ tống tình để bày tỏ quan điểm của mình. Với giọng giễu nhại, thói hám tiền và bản chất thích sống bám vào những người đàn bà giàu đã có gia đình của “hắn” bộc lộ rất rõ. Vì đồng tiền, “hắn” tự biến mình từ kẻ tống tình thành kẻ tống tiền. “Cướp tình rồi cướp tiền” để rồi hắn cũng tự thấy mình “đã để rơi rớt dần cái chất người mỗi lần vụng trộm với một người đàn bà có tiền và có chồng” [9, tr.100]. Với cách tiếp cận hiện thực cuộc sống ở nhiều chiều khác nhau, nhiều vị trí khác nhau, nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau đã tạo nên giọng văn châm biếm hay giọng văn hài hước mang đến những âm điệu khác nhau cho văn của Bích Ngân. Nhưng qua đó, tác giả đã thể hiện cái nhìn nghiêm khắc đối với cuộc sống, thái độ không khoan nhượng trước những mặt trái của cuộc đời. Tóm lại, việc sử dụng các kiểu không gian và thời gian nghệ thuật trong quá trình khám phá những chiều sâu tâm lí, nội tâm của con người, khám phá hiện thực cuộc sống đã tạo nên nhiều giá trị thẩm mỹ mới mẻ cũng như tạo ra phương thức nghệ thuật trần thuật mới trong văn học đương đại nói chung và văn học nữ nói riêng. Cùng với đó là các thủ pháp nghệ thuật khác cũng được Bích Ngân lựa chọn trong quá trình sáng tác của mình, thể hiện những quan điểm nghệ thuật. Nghệ thuật trần thuật, ngôi kể thứ nhất và ngôi kể thứ ba bộc lộ rõ chức năng của mình qua các điểm nhìn trần thuật. Sự linh hoạt trong điểm nhìn trần thuật cũng tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho tác phẩm. Việc lựa chọn ngôn ngữ mang đậm tính chất nữ, mang đậm tính địa phương cũng như sự đa dạng về giọng điệu trong truyện ngắn đã cho thấy một sự nỗ lực rất lớn trong việc tìm tòi, khám phá và cách tân ngôn ngữ trần thuật của nhà văn Bích Ngân. Qua đó, tác giả muốn bộc lộ niềm thương cảm, thể hiện khát khao tự do, khát khao được yêu thương, trân trọng. Nhưng đặc biệt hơn, Bích Ngân đã góp thêm tiếng nói của phụ nữ về sự bình đẳng không những về mặt pháp lí mà cả trong việc sử dụng ngôn ngữ để sáng tác. Nhìn từ phương diện hình thức nghệ thuật, truyện ngắn Bích Ngân đã cách tân đáng kể trong việc thể hiện những thông điệp về nội dung tư tưởng cũng như hình thức nghệ thuật. Khâu xây dựng không gian nghệ thuật hiện thực, câu chuyện được triển khai theo logic tuyến tính với hình ảnh con người hành động. Những mảnh đời chân thật từ cuộc sống, từ những không gian hiện thực, hoàn cảnh sống…, tất cả được tái hiện lại từ những cuộc đời mà độc giả đã từng gặp, tiếp xúc qua hoặc đã nghe nói đến. Một sự thật rất đời hay đó là biện pháp sử dụng không gian ảo để tạo ra bất ngờ với nhiều hình ảnh, tình tiết đan xen. Thời gian nghệ thuật ngưng đọng từ cái nhìn của tình yêu vô tận và sâu 92
- TRƯƠNG THỊ THU THANH sắc. Cùng với đó, thời gian quá khứ thường xuyên đồng hành cùng hiện tại, liên tục đan xen. Thời gian tương lai thi thoảng cũng hiện bóng trong hiện tại hay qua những giấc mơ báo ứng. Tất cả hiện diện qua thời gian đồng hiện. Điểm nhìn trần thuật cũng được sử dụng đa dạng trong quá trình sáng tác của nhà văn. Sự linh hoạt điểm nhìn tạo ra sức mê hoặc đối với độc giả cũng như sức hấp dẫn đặc biệt cho tác phẩm. 3. Kết luận Tất cả các hình thức nghệ thuật được nhà văn sử dụng trong quá trình sáng tác làm hiện lên một bức tranh đủ màu sắc của cuộc sống, tình yêu và hạnh phúc. Bức tranh ấy mang đến thông điệp đầy ý nghĩa về bình đẳng giới. Truyện ngắn Bích Ngân như những lời động viên khích lệ về mặt tinh thần giúp những người phụ nữ tự vươn lên, quyết tâm giải phóng cho chính mình. Những tiếng nói đòi bình quyền ấy thấm đẫm tính nhân văn của cuộc đời. Và, trong quá trình sáng tạo nghệ thuật của Bích Ngân, tư tưởng ý thức phái tính và nữ quyền đã trở thành “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong tư tưởng nghệ thuật của hai chị. Đồng thời, tư tưởng nữ quyền ấy đã tạo nên phong cách riêng trong mỗi nhà văn. Ý thức phái tính và nữ quyền trong văn học nữ Việt Nam nói chung và truyện ngắn Bích Ngân nói riêng mang nhiều ý nghĩa nhân sinh và thẩm mỹ. Vấn đề này sẽ còn nhiều sự gợi mở và thu hút các nhà nghiên cứu tiếp tục tìm tòi và khám phá. Việc khẳng định mình trong sáng tác, Bích Ngân cũng như những nhà văn nữ đương đại Việt Nam đã mang đến một diện mạo mới cho nền văn học nước nhà trong quá trình giao lưu hội nhập quốc tế. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Pierre Bourdieu (2011), Sự thống trị của nam giới, Lê Hồng Sâm dịch, Nxb Tri thức, Hà Nội. [2] Phương Lựu (2001), Lí luận phê bình văn học phương Tây thế kỉ XX, Nxb Văn học, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội. [3] John J Macionis (2004), Giới tính và giống phái, Xã hội học, Nxb Thống kê. [4] Bích Ngân (2010), Trăng mật ở đảo, Nxb Văn Nghệ TP.HCM, TP. HCM. [5] Bích Ngân (2010), Thế giới xô lệch, Nxb Hội nhà văn, TP. HCM. [6] Bích Ngân (2011), Người đàn bà bơi trên sóng, Nxb Văn Nghệ TP.HCM. [7] Bích Ngân (2013), Cái đầu siêu định vị, Nxb Trẻ, TP. HCM. [8] Bích Ngân (2014), Kẻ tống tình, Nxb Trẻ, TP. HCM. [9] Bích Ngân (2015), Ngày mới nhẹ nhàng, Nxb Trẻ, TP. HCM. [10] Bích Ngân (2016), Dòng xoáy nghiệt ngã, Nxb Văn hoá nghệ thuật, Hồ Chí Minh. [11] Trần Huyền Sâm (2016), Nữ quyền luận ở Pháp và tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại, Nxb Phụ nữ, Hà Nội. 93
- MỘT SỐ PHƯƠNG DIỆN HÌNH THỨC NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN... GENDER CONSCIOUSNESS AND FEMINISM IN SHORT STORIES BY BICH NGAN VIEWED FROM ART FORM PERSPECTIVE TRUONG THI THU THANH Phu Yen University Abstract: The sense of gender and feminism in contemporary Vietnamese literature in general, and in Bich Ngan's short stories in particular, is an awakening voice that creates many motivations to promote the rise of women. They have to commit themselves, experience themselves, gain their own justifiable freedom and happiness With time and artistic space, the narrative point of view and language, and typical tone of the Southern region in the short story by Bich Ngan are a means of clarifying the desires for happiness in everyday life and the depths of human ego. An individual, self-identity, is affirmed by women's own experiences and understanding. Keywords: Gender, feminism, Bich Ngan, short story, art form. 94
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Đề tài: Sáng kiến kinh nghiệm vận dụng một số tri thức ngôn học vào việc phân tích tác phẩm văn chương
22 p | 4278 | 370
-
Bài giảng Phương pháp dạy học Toán ở tiểu học 2 - ĐH Phạm Văn Đồng
74 p | 309 | 45
-
Mô hình quản trị địa phương của một số quốc gia Châu Âu
11 p | 121 | 15
-
Tìm hiểu một số phương pháp dạy học hiện đại nhằm phát triển tư duy cho học sinh trong dạy học Lịch Sử
11 p | 155 | 13
-
Các yếu tố tác động tới hành vi tiếp nhận thông tin báo chí trên điện thoại di động và một số khuyến nghị
6 p | 123 | 12
-
Mô hình thời gian tự sự đơn – đẳng tuyến qua một số truyện ngắn Nam Bộ 1945 – 1975
10 p | 109 | 8
-
Một số phương thức biểu đạt trong diễn ngôn tục ngữ
3 p | 151 | 6
-
Đổi mới phương pháp dạy học – giải pháp góp phần thực hiện mô hình trường học hạnh phúc
10 p | 13 | 5
-
Tích hợp phương pháp sư phạm kỹ thuật số trong hoạt động giảng dạy và học tập: Nghiên cứu về một trường đại học tư thục ở Việt Nam
10 p | 14 | 4
-
Tìm hiểu đường hướng phân tích diễn ngôn đa phương thức: Khảo sát một số poster phim điện ảnh của Thái Lan
14 p | 37 | 4
-
Nâng cao năng lực nghề nghiệp giáo viên tiểu học người dân tộc thiểu số - Một nghiên cứu điển hình vùng Tây Bắc Việt Nam
3 p | 8 | 3
-
Kỹ năng thiết kế và sử dụng giáo án điện tử tại trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân II
5 p | 46 | 2
-
Vài nét về thơ thị giác ở Việt Nam
7 p | 50 | 2
-
Một số kinh nghiệm về hình thức học tập kết hợp tại khoa Việt Nam học
16 p | 47 | 2
-
Nhận thức lại thế tục hóa: So sánh trên phương diện toàn cầu
22 p | 126 | 2
-
Một số tác nhân của quá trình xã hội hóa chính trị
7 p | 47 | 1
-
Đặc điểm ngôn ngữ mạng của sinh viên nhìn từ bình diện cấu trúc (Qua một sỗ diễn đàn)
7 p | 75 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn