Một số quan điểm của Nguyễn An Ninh về văn hóa và chính trị
lượt xem 3
download
Bài viết Một số quan điểm của Nguyễn An Ninh về văn hóa và chính trị tập trung phân tích những nội dung chủ yếu trong quan điểm của Nguyễn An Ninh về văn hóa và chính trị, từ đó chỉ ra giá trị và một vài bất cập trong các quan điểm này của ông.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Một số quan điểm của Nguyễn An Ninh về văn hóa và chính trị
- Một số quan điểm của Nguyễn An Ninh về văn hóa và chính trị Nguyễn Thanh Bình*, Lê Ngọc Hiển** Nhận ngày 9 tháng 11 năm 2021. Chấp nhận đăng ngày 7 tháng 12 năm 2021. Tóm tắt: Nguyễn An Ninh (1900 - 1943) là nhà báo, nhà yêu nước, nhà cách mạng, nhà tư tưởng tiểu biểu của Việt Nam đầu thế kỉ XX. Trong tư tưởng của ông, quan điểm về văn hóa, về chính trị là nổi bật hơn cả và có nhiều điểm mới, khác biệt với một số nhà tư tưởng, nhà yêu nước, nhà cách mạng cùng thời với ông. Qua nghiên cứu cuộc đời, tư tưởng và quá trình hoạt động thực tiễn của Nguyễn An Ninh, có thể thấy rằng, quan điểm của ông về văn hóa và về chính trị là những nội dung nổi bật nhất, có ảnh hưởng đặc biệt đến nhiều nhà tư tưởng, nhà cách mạng và đại bộ phận người dân yêu nước ở vùng Nam Bộ lúc bấy giờ. Trên cơ sở đó, bài viết bước đầu chỉ ra giá trị và một vài bất cập trong các quan điểm này của ông. Từ khóa: Nguyễn An Ninh, văn hóa, chính trị, quan điểm. Phân loại ngành: Chính trị học Nguyễn An Ninh (1900 - 1943) was a journalist, patriot, revolutionary, and typical thinker of Vietnam in the early twentieth century. In his thought, the views on culture and politics were the most prominent with many new points, which were different from a number of his contemporary thinkers, patriots, and revolutionaries. Through studying the life, thought and practical activities of Nguyễn An Ninh, it can be seen that his views on culture and politics were the most prominent contents, which significantly influenced on many thinkers, revolutionaries and the majority of patriotic people in the Southern region of Vietnam at that time. On that basis, the article initially points out the value and some inadequacies of his views. Keywords: Nguyễn An Ninh, culture, politics, opinion. Subject classification: Politics * Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. ** Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Email: lengochien98@gmail.com 13
- Khoa học xã hội Việt Nam, số 2 - 2022 1. Mở đầu Nguyễn An Ninh là nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu tôn giáo và là nhà hoạt động cách mạng ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Tư tưởng của ông đã đem đến một diện mạo mới và có ảnh hưởng lớn đối với tư tưởng Việt Nam thế kỷ XX. Những quan điểm của ông về văn hóa và chính trị được hình thành từ rất sớm và từ nhiều tư tưởng tiến bộ của nhân loại lúc bấy giờ, đặc biệt được bổ sung, phát triển từ hoạt động thực tiễn của ông với tư cách là nhà báo, nhà hoạt động chính trị - xã hội và là nhà cách mạng. Tuy nhiên, nếu như tư tưởng, cuộc đời và sự nghiệp của các chí sĩ cách mạng như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc được giới nghiên cứu Việt Nam rất quan tâm và được nghiên cứu ở nhiều góc độ khác nhau như: văn học, sử học, lịch sử tư tưởng, báo chí học, văn hóa học, chính trị học, v.v. thì với Nguyễn An Ninh, tư tưởng, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông lại chưa dành được sự quan tâm cần thiết trong giới nghiên cứu. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung phân tích những nội dung chủ yếu trong quan điểm của Nguyễn An Ninh về văn hóa và chính trị, từ đó chỉ ra giá trị và một vài bất cập trong các quan điểm này của ông. 2. Những nội dung chủ yếu trong quan điểm của Nguyễn An Ninh về văn hóa Quan điểm của Nguyễn An Ninh về văn hóa hình thành và dần hoàn thiện trong suốt thời gian hoạt động thực tiễn của ông với tư cách là nhà báo, nhà tư tưởng, được thể hiện ở nhiều bài viết trong một số tờ báo như Tiếng chuông rè, Người cùng khổ (Le Paria), Le Humanites (Nhân đạo) và trong nhiều buổi diễn thuyết trước dân chúng, bạn bè. Quan điểm này thể hiện tập trung trong bài diễn thuyết Une culture pour les Annamites (Chung đúc nền học thức cho dân An Nam) vào ngày 25/01/1923, sau khi ông từ Pháp trở về nước (05/10/1922) và bài diễn thuyết lần thứ hai L’ideal de la Jeunesse Annammite (Lý tưởng của thanh niên An Nam/Cao vọng của thanh niên An Nam) vào đêm ngày 15/10/1923 sau khi ông từ Pháp về nước lần thứ hai (05/10/1923). Nguyễn An Ninh chưa phải là nhà văn hóa và chưa đưa ra một học thuyết hoàn chỉnh về văn hóa, nhưng những nội dung chủ yếu, những luận điểm cơ bản của ông về văn hóa lại có giá trị, ý nghĩa to lớn đối với đương thời và sau này trong việc kiến tạo, phát triển văn hóa nói chung, nền văn hóa dân tộc nói riêng. Thứ nhất, Nguyễn An Ninh chỉ ra cơ sở chủ yếu để xây dựng nền văn hóa dân tộc, để từ đó xác định bản chất (đặc trưng), vai trò, phương thức xây dựng nền văn hóa cho dân tộc. Về vấn đề này, khác với quan điểm của nhiều người đương thời rằng, trong cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam lúc bấy giờ “không có cuộc đấu tranh nào khác ngoài đấu tranh chính trị” (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học Huế, 2009, tr.76) mà theo ông, trong cuộc đấu tranh ấy có cả đấu tranh trong lĩnh vực văn hóa và cuộc đấu tranh ấy cũng mang tính chất chính trị, vì mục đích chính trị. Bởi như ông giải thích, cuộc đấu tranh về văn hóa là cuộc đấu tranh lâu dài trong nỗ lực “phải tranh đấu với môi trường sống của mình, với gia đình đang làm tê liệt những cố gắng của chúng ta, chống lại cái xã hội tầm thường đang đè nặng lên chúng ta, chống lại những thành kiến hẹp hòi đang bủa vây quanh hành động của chúng ta, 14
- Nguyễn Thanh Bình, Lê Ngọc Hiển chống lại những tư tưởng bạc nhược, hèn hạ, thấp kém đến nhục nhã, cứ ngày càng hạ thấp vị trí của nòi giống chúng ta. Cuộc chiến đấu chính là ở đó, mà nó còn nặng nề hơn gấp ngàn lần cuộc đấu tranh chính trị kia. Và chỉ có cuộc chiến đấu đó mới đưa chúng ta đến thắng lợi thực sự” (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học Huế, 2009, tr.76-77). Đặc biệt, theo Nguyễn An Ninh, một dân tộc độc lập phải có một nền văn hóa độc lập. Theo ông, xây dựng nền văn hóa độc lập là điều kiện để xây dựng một dân tộc độc lập và là tiêu chí căn bản của một quốc gia độc lập. Từ luận điểm cơ bản này, ông chỉ rõ rằng: “Dân tộc nào bị thống trị bởi nền văn hóa ngoại bang thì không thể có độc lập thật sự. Văn hóa là tâm hồn của một dân tộc” (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học Huế, 2009, tr.64). Và do đó theo ông, “một dân tộc muốn sống, muốn độc lập, muốn rạng danh trong nhân loại, cần phải có một nền văn hóa cho riêng mình” (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học Huế, 2009, tr.64-65). Về vấn đề này, ông nhấn mạnh thêm: “Chúng ta cần những sáng tạo rất độc lập của cá nhân, nảy nở từ chính trong dòng máu của chúng ta hay là do kết quả một sự phản ứng nổi lên trong mỗi chúng ta” (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học Huế, 2009, tr.73). Tất nhiên, theo ông, một dân tộc thật sự độc lập không chỉ có độc lập về văn hóa mà còn độc lập về tư tưởng về kinh tế và về chính trị. Nguyễn An Ninh chủ trương xây dựng nền văn hóa độc lập cho dân tộc Việt Nam và có thể đưa nền văn hóa Việt Nam hội nhập vào thế giới văn minh không có nghĩa là nền văn hóa ấy biệt lập, tách rời với nền văn hóa của các dân tộc khác mà phải tiếp thu, kế thừa, học tập những giá trị tốt đẹp, đồng thời phải loại bỏ những hạn chế, bất cập của nền văn hóa các dân tộc khác. Trong quan niệm của Nguyễn An Ninh về xây dựng nền văn hóa dân tộc Việt Nam, ông còn đặc biệt quan tâm đến nền văn hóa Trung Hoa, nền văn hóa Ấn Độ và văn hóa Pháp cùng chính sách văn hóa mà thực dân Pháp đang áp dụng vào Việt Nam. Từ việc nhận diện và đánh giá nền văn hóa Việt lúc bấy giờ, Nguyễn An Ninh nhận định: văn hóa Việt đang chịu ảnh hưởng sâu đậm “nền văn hóa Trung Hoa đang suy” (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học Huế, 2009, tr.59) với cốt lõi là Nho giáo. Mà tư tưởng Nho giáo khi du nhập và tồn tại ở Việt Nam được Nguyễn An Ninh nhìn nhận chỉ như “một món hàng hóa xuất cảng” (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học Huế, 2009, tr.61) và “đạo Khổng dưới dạng hàng xuất cảng” (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học Huế, 2009, tr.62). Ông đã chỉ ra ưu điểm và sự đóng góp của Nho giáo, của Khổng Tử đối với xã hội và con người là đã đưa ra từ phương diện lý luận về một “xã hội hòa thuận, trật tự, bình yên trong dân, dẫn đến cho họ bao nhiêu nguồn hạnh phúc nho nhỏ” (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học Huế, 2009, tr.60). Tuy vậy, Nguyễn An Ninh chủ yếu chỉ ra sự bất cập và ảnh hưởng tiêu cực của Nho giáo đối với xã hội và con người Việt Nam nhất là tầng lớp trí thức. Ông cho rằng, cái căn cốt thật sự của tư tưởng Khổng Tử và Nho giáo là sự thấu hiểu (truyền tâm) “chớ chẳng phải là dò theo từng câu, từng chữ trong Tứ Thư” (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học Huế, 2009, tr.60). Nhưng trong nền giáo dục - khoa cử Nho học ở Việt Nam cũng như tư tưởng, tâm lý chung của tầng lớp trí thức Việt Nam lúc bấy giờ lại quá đề cao và chỉ kỳ vọng vào Nho học, Nho giáo. Ông đã phê phán mối nguy hại trong tư tưởng, tâm lý của phần lớn trí thức Việt Nam lúc bấy giờ “cứ tưởng rằng ngoài cái đạo Khổng không có ý tưởng nào là rộng là thật. Cứ biết mỗi mình đạo Khổng thôi” (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học Huế, 15
- Khoa học xã hội Việt Nam, số 2 - 2022 2009, tr.62). Và ông khẳng định: “Nhưng từ đó, phải suy tôn đạo Khổng lên tới giá trị cao nhất về tinh thần và trí tuệ loài người, thì lại là một bước khác, chúng tôi thấy là khó lắm” (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học Huế, 2009, tr.60). Vì vậy, để không bị ngự trị bởi nền văn hóa ngoại lai và nhằm kiến tạo một nền văn hóa độc lập, Nguyễn An Ninh cho rằng, người Việt và chủ thể văn hóa người Việt không được rập khuôn và ngay tức khắc khẳng định tính chân lý của cái được tiếp nhận. Ngoài ra, từ những kinh nghiệm của một số trí thức Ấn Độ như Rabindranath Tagore trong việc định hình văn hóa dân tộc Ấn Độ thời đại mới: một là, cần “quay lại với những ý niệm triết lý của văn hóa Á Đông” (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học Huế, 2009, tr.67) và hai là, “phải biết kết hợp hài hòa giữa đạo lý của các bậc hiền triết cổ xưa với kiến thức thực dụng của thời hiện đại” (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học Huế, 2009, tr.67), Nguyễn An Ninh đã chỉ rõ đặc trưng cơ bản của văn hóa là “tâm hồn của một dân tộc” và “tạo ra những con người có tâm hồn cao thượng”. Theo Nguyễn An Ninh, con người có tâm hồn cao thượng “mới biết những thú vui thanh cao trong cuộc sống” (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học Huế, 2009, tr.64) và “một dân tộc có nền văn hóa cao thượng thì mới được hưởng những đặc ân mà một dân tộc thấp kém hơn không thể biết được” (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học Huế, 2009, tr.64). Trong quan điểm về văn hóa nói chung, về xây dựng nền văn hóa dân tộc nói riêng, Nguyễn An Ninh cho rằng, để kiến tạo một nền văn hóa dân tộc độc lập, cao thượng thì mọi người dân Việt, đặc biệt là tầng lớp thanh niên cần xóa bỏ mọi hủ tục và học tri thức mới. Như trong bài diễn thuyết Chung đúc học thức cho dân An Nam, ông chỉ ra hậu quả nặng nề của “lối học”, “mục đích học” ở nhiều thanh niên An Nam lúc bấy giờ: “lấy việc làm quan làm mục đích của việc học thì hỡi ơi! Sau này dòng giống sẽ yếu ớt, ắt có ngày kia rút vô rừng mà ở” (Dẫn theo: Lê Minh Quốc, 2019, tr.40). Bởi vậy, để xóa bỏ những thủ tục này, để mở mang dân trí, mở rộng tư tưởng của dân, làm cho loài giống tráng kiện, mau thoát khỏi ách nô lệ, ông đòi hỏi mọi người dân Việt phải trang bị cho mình những tri thức mới và tiến bộ của nhân loại. Nền tri thức mới, tiến bộ của nhân loại, theo ông, là cái hồn của một đoàn quân, của một dân tộc. Đồng thời, để nhằm xây dựng một nền văn hóa độc lập, tiến bộ, cao thượng và làm cho tri thức và tinh thần mỗi người luôn được nâng cao hơn nữa, trong các bài diễn thuyết và ở nhiều bài báo đăng trong báo Tiếng chuông rè, báo Người cùng khổ, ông đã phê phán chính sách cai trị, trong đó có chính sách văn hóa mà thực dân Pháp đang áp đặt trên đất An Nam. Trong bài diễn thuyết Lý tưởng của thanh niên An Nam, ông đả kích cái gọi là “vai trò khai hóa” của người Pháp ở Việt Nam đó chỉ là một trò bịp, một chiêu bài nhằm che giấu chính sách bóc lột kiểu thực dân của Pháp ở Việt Nam. Ông còn chỉ rõ mục đích thực sự của cái nền giáo dục mà thực dân Pháp đang áp dụng ở Việt Nam lúc bấy giờ chỉ là từng bước biến dân tộc và người An Nam làm nô lệ cho thực dân Pháp, chỉ là dần xóa bỏ nền văn hóa Việt. Như ông vạch rõ: “sự giáo dục đã được ban phát trong các trường Pháp ở Đông Dương, chẳng những không đem lại ánh sáng, học vấn nhiều hơn cho các dân tộc đang được Pháp che chở thì chớ, mà lại còn hạ thấp hơn trình độ kiến thức của họ, ngăn trở không giúp họ phát triển sự thông minh…Vả lại, với một trình độ đã khá thấp, mà còn bị hạ thấp thêm nữa thì liệu có thể nói đến sự hấp thụ văn hóa Pháp được không” (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học Huế, 2009, tr.202). Nền văn hóa và giáo dục ấy, theo ông, chỉ sản sinh ra giai cấp quý tộc. Ngoài ra, qua 16
- Nguyễn Thanh Bình, Lê Ngọc Hiển báo Tiếng chuông rè, ông vạch rõ, chế độ cai trị và chính sách văn hóa giáo dục mà người Pháp đang áp đặt ở An Nam là hoàn toàn đi ngược lại với tinh thần Tự do - Bình đẳng - Bác ái và những nguyên tắc cơ bản khác của cuộc cách mạng tư sản Pháp năm 1789. Cuối cùng, trong quan điểm về văn hóa, về xây dựng nền văn hóa độc lập cho dân tộc, do tiếp cận và ảnh hưởng bởi quan điểm duy vật lịch sử, ông đã đi đến quan niệm rằng, văn hóa là một lĩnh vực chủ yếu của xã hội bên cạnh các lĩnh vực khác như chính trị, kinh tế. Và với tư cách là hình thái ý thức xã hội, văn hóa cũng luôn thay đổi cùng với sự thay đổi của tồn tại xã hội, của kinh tế. Như ông nói: “văn hóa xã hội thì thay đổi luôn luôn theo sự thay đổi về sự sắp đặt nền kinh tế của xã hội” (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học Huế, 2009, tr.1031). Đồng thời, sự thay đổi của xã hội, của văn hóa cũng dẫn đến sự thay đổi tri thức, tinh thần và mọi lĩnh vực khác của xã hội. Về điểm này, ông chỉ rõ: “Ấy đó, tôn giáo, triết học, luân lý, pháp luật, phong tục, nghệ thuật, tâm lý, thảy thảy đều thay đổi theo xã hội. Mà văn hóa như là cái tinh thần tổng hợp các cái trên đó, mình lại nói nó không đổi hóa theo. Thật là vô lý” (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học Huế, 2009, tr.1033). Hai là, quan niệm về đặc trưng và vai trò của văn hóa. Trong quan điểm của Nguyễn An Ninh về văn hóa, mặc dù ông không đề cập nhiều, bàn nhiều về đặc trưng và vai trò của văn hóa, nhưng xuất phát từ thực trạng của nền văn hóa Việt Nam lúc bấy giờ và từ chủ trương nhất quán là xây dựng nền văn hóa độc lập cho dân tộc Việt Nam, những quan niệm của ông về đặc trưng, vai trò của nền văn hóa dân tộc là hết sức đặc sắc, có tính đột phá trong bối cảnh xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Trước hết, ông khẳng định nền văn hóa mà mọi người dân Việt Nam, nhất là tầng lớp thanh niên phải xây dựng là nền văn hóa mới, tiến bộ, độc lập. Như đã trình bày, trong quan niệm của Nguyễn An Ninh về xây dựng văn hóa dân tộc thì nền văn hóa ấy phải là nền văn hóa độc lập thực sự và theo ông, một dân tộc mà để cho nền văn hóa của bên ngoài ngự trị thì dân tộc ấy không thể có nền độc lập thực sự. Nền văn hóa cho dân tộc Việt Nam mà người Việt Nam phải xây dựng phải là nền văn hóa mới - vì nó là hồn cốt, là tâm hồn của dân tộc Việt. Nền văn hóa mới này phải soi đường cho dân tộc tiến lên và phải làm rạng danh cho dân tộc, cho giống nòi. Một trong những vai trò đặc biệt quan trọng của nền văn hóa cho dân tộc Việt Nam, theo Nguyễn An Ninh, là nền văn hóa ấy phải đem lại tri thức cho con người, phải giúp cho tri thức và tinh thần của con người được nâng cao mãi. Về vấn đề này, khi luận giải vai trò của văn hóa đối với việc bồi bổ tri thức cho con người, trong bài diễn thuyết Lý tưởng thanh niên An Nam, Nguyễn An Ninh chỉ ra rằng, một dân tộc tự chủ mà còn phải nhờ học thức của nước khác thì cũng không được tự do. Cuối cùng, theo Nguyễn An Ninh, vì văn hóa mới là tâm hồn của dân tộc, cho nên một vai trò quan trọng của nền văn hóa ấy là phải tạo ra những con người có tâm hồn cao thượng để họ luôn được sống trong độc lập, trong tự do, biết và hưởng thụ những thú vui thanh cao trong cuộc sống, được hưởng những đặc ân. Nền văn hóa mới ấy không chỉ phải làm cho tinh thần, tri thức của mỗi người được mở mang, mà còn phải làm cho giống nòi tráng kiện, mau thoát khỏi ách nô lệ. Ba là, quan niệm về chủ thể xây dựng nền văn hóa độc lập cho dân tộc. Từ những quan niệm về cơ sở xây dựng nền văn hóa độc lập cho dân tộc và về vai trò, đặc trưng của nền 17
- Khoa học xã hội Việt Nam, số 2 - 2022 văn hóa ấy, Nguyễn An Ninh đã đưa ra quan niệm về chủ thể và phương thức xây dựng nền văn hóa này. Hai bài diễn thuyết trước nhiều người và một số bài báo ông viết cho các báo Tiếng chuông rè, Người cùng khổ,… cho thấy rằng, trong tư tưởng của Nguyễn An Ninh, công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do và xây dựng nền văn hóa cho dân tộc Việt Nam là nhiệm vụ của toàn thể dân tộc Việt Nam, nhất là tầng lớp thanh niên. Về điểm này, trong bài diễn thuyết Lý tưởng thanh niên An Nam, ông đã chỉ rõ thanh niên phải biết giá trị của mình là cần phải sống trong một chỗ nào đó giúp cho tri thức và tinh thần được nâng cao hơn nữa và “Đến ngày mà tuổi trẻ thanh niên An Nam không còn thấy suy tôn những mảnh bằng cấp nữa, bất chấp thành kiến xã hội, xem thường áo mão cân đai dát vàng của thực dân, khinh miệt dáng vẻ bên ngoài trịnh trọng của các vị thân giả, khinh miệt những lời ca ngợi các tài năng giả tạo, những năng lực bất lực… khinh thường mọi bề ngoài giả dối, mọi lời nói xảo trá, biết ngẩng cao đầu tiến bước trên con đường chân chính mà chính lương tâm ta đã vạch ra cho chúng ta” (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học Huế, 2009, tr.78). Để kiến tạo nền văn hóa độc lập, tiến bộ cho dân tộc, theo Nguyễn An Ninh, điều cơ bản nhất là mọi người, nhất là tầng lớp thanh niên, phải có tri thức và tri thức luôn được nâng cao. Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò có ý nghĩa quyết định của tầng lớp tinh hoa trong việc xây dựng dựng thành công nền văn hóa mới độc lập của dân tộc. Đề cập và làm rõ vấn đề này, trong bài diễn thuyết Lý tưởng thanh niên An Nam, ông chỉ rõ: Việt Nam cần có một tầng lớp tinh hoa nắm vững tri thức để có thể dẫn dắt dân tộc, nhằm mưu cầu một nền độc lập chân chính về mặt văn hóa, tư tưởng, kinh tế, chính trị. Nguyễn An Ninh tin tưởng mãnh liệt (và cũng là yêu cầu của ông) vào sứ mệnh lịch sử của tầng lớp tinh hoa trong công cuộc kiến tạo thành công nền văn hóa của dân tộc. Theo ông, tầng lớp này là tinh hoa vì họ tiếp nhận được trực tiếp giá trị tinh hoa của loài người, hiểu biết những giá trị tốt đẹp của dân tộc và trên cơ sở đó, họ có thể và cần phải sáng tạo ra những tư tưởng phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam, có thể đưa ra những chính sách phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam, có thể hiện đại hóa Việt Nam và đưa Việt Nam hội nhập vào thế giới văn minh. Chính từ việc nhận thức vai trò, sứ mệnh của tầng lớp tinh hoa như vậy, Nguyễn An Ninh đã đi đến khẳng định dứt khoát rằng, nếu không có tầng lớp tinh hoa, thì mọi hoạt động chính trị chỉ làm phung phí sức lực của dân tộc mà không đem lại nền độc lập chân chính, không thể phát triển Việt Nam và càng không thể xây dựng thành công nền văn hóa mới, độc lập cho dân tộc Việt Nam. Ngoài ra, trong bài diễn thuyết Lý tưởng thanh niên An Nam, ông kêu gọi và hết sức trân trọng những ai đem sức lực và tài năng của mình vào công cuộc xây dựng nền văn hóa cho dân tộc Việt Nam. Như ông nói: “Hãy tôn sùng những ai đã dùng tài năng hay thiên phú của mình mà tự nâng vị trí của dân tộc ta trên thế giới, và những ai đã đóng góp vào việc cải thiện điều kiện sống cho dân tộc chúng ta” (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học Huế, 2009, tr.78). Như vậy, những nội dung chủ yếu trên đây trong quan điểm về văn hóa của Nguyễn An Ninh dù còn bất cập nhưng rõ ràng, trong bối cảnh xã hội Việt Nam và thế giới lúc bấy giờ, 18
- Nguyễn Thanh Bình, Lê Ngọc Hiển những nội dung ấy mang tính đột phá, để lại những kinh nghiệm, những chỉ dẫn mới về mặt lý luận văn hóa và xây dựng nền văn hóa dân tộc. 3. Những nội dung chủ yếu trong quan điểm của Nguyễn An Ninh về chính trị Trước hết, phải khẳng định rằng, trong tư tưởng của Nguyễn An Ninh, quan điểm của ông về văn hóa và về chính trị luôn gắn chặt với nhau. Theo đó, văn hóa là phương tiện của chính trị; đấu tranh để xây dựng văn hóa độc lập cho dân tộc là một nhiệm vụ chính trị chủ yếu và xây dựng nền văn hóa độc lập cho dân tộc là một trong những mục tiêu chính trị cơ bản của công cuộc giành độc lập, tự do cho dân tộc. Những vấn đề về chính trị của đất nước đã hình thành từ khá sớm trong suy nghĩ, trong tư tưởng của Nguyễn An Ninh. Từ sớm, suy nghĩ và tư tưởng của ông chịu ảnh hưởng của người cha, của những người yêu nước chủ yếu là từ phương diện chính trị. Làm thế nào để đưa dân tộc và mọi người dân Việt Nam thoát ra khỏi ách nô lệ, áp bức, bóc lột bởi chế độ thực dân xâm lược luôn là mối quan tâm của ông. Việc ông chuyển học từ ngành Dược (năm 1916) sang học ngành Luật và Cai trị tại Hà Nội, rồi đến năm 1918, ông theo học ngành Luật tại Đại học Sorbonne (Paris) cũng từ một tâm niệm rằng: chỉ có kiến thức về Luật mới giúp ông thấu hiểu bản chất thực sự của chính quyền thực dân, để sau này đấu tranh chống lại cái chính quyền ấy bằng pháp luật nhằm mưu tìm độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam. Việc ông tìm hiểu, nghiên cứu tư tưởng triết học, chính trị học của các nhà Khai sáng Pháp, việc ông thường xuyên tiếp xúc nhiều nhà yêu nước, nhiều nhà cách mạng ở Việt Nam và nước ngoài đã cho thấy, Nguyễn An Ninh rất quan tâm đến chính trị và thực tiễn chính trị của đất nước. Ông tham gia sáng lập, biên tập, viết bài cho nhiều tờ báo, tiến hành nhiều buổi diễn thuyết trước quần chúng, tham gia nhiều hoạt động chính trị ngay cả trên đất Pháp, điều này còn cho thấy rõ sự nhất quán trong tư tưởng và hành động chính trị của Nguyễn An Ninh. Và tư tưởng, hành động ấy của ông đi thẳng vào những vấn đề chính trị thực tiễn của đất nước. Trong nhiều tác phẩm, nhiều bài báo và diễn thuyết, Nguyễn An Ninh đã chỉ ra và phê phán kịch liệt chế độ thực dân ở Việt Nam và nhiều nước Đông Dương khác. Như trong phần mở đầu của tác phẩm Nước Pháp ở Đông Dương (La France en Indochine), ông đã vạch rõ bản chất thực sự của quân đội Pháp khi xâm lược Việt Nam là: “Hẳn không phải để làm một điều nhân nghĩa mà nước Pháp đã vượt qua khoảng cách 14.000 km để sang Đông Dương” (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học Huế, 2009, tr.80) và “chính phủ thực dân ở Đông Dương nuôi dưỡng một bộ máy mật thám địa phương và liên bang khổng lồ. Tổ chức mọi phương tiện đàn áp tàn khốc, nhằm dìm trong biển máu mọi cuộc nổi dậy, dù là nổi dậy hòa bình” (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học Huế, 2009, tr.81). Trong các bài diễn thuyết và nhất là ở nhiều bài báo của ông đăng trong báo Tiếng chuông rè, ông kịch liệt phê phán và bác bỏ cái chiêu bài “khai hóa văn minh” mà thực dân và chính quyền Pháp ở Việt Nam rêu rao, tán dương để biện hộ cho sự xâm lược lâu dài của họ tại Việt Nam. Sự phê phán này của ông còn chủ yếu thức tỉnh đồng bào và kêu gọi đồng bào tham gia vào cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Như trong bài diễn thuyết Lý tưởng 19
- Khoa học xã hội Việt Nam, số 2 - 2022 của thanh niên An Nam, ông khẳng định cái gọi là “khai hóa” của thực dân Pháp ở Việt Nam chỉ là trò bịp bợm, chỉ là chiêu bài xảo trá nhằm che đậy chính sách bóc lột thực dân của họ. Ông kêu gọi mọi người dân Việt, nhất là tầng lớp thanh niên, không được tin vào lời lẽ, việc làm của kẻ “khai hóa” mà phải tích cực dấn thân vào cuộc đấu tranh cho nước nhà. Trong một số bài báo của ông đăng trên báo Tiếng chuông rè (mà ông là người sáng lập và là chủ bút), ông không chỉ công kích các chính sách của thực dân Pháp ở Việt Nam mà còn đề cao các nhà cách mạng, truyền bá những tư tưởng tự do để làm cho người đọc tin tưởng vào sức mạnh của dân tộc. Với tinh thần Tự do - Bình đẳng - Bác ái, trong số báo đầu tiên ra ngày 10 tháng 12 năm 1923, ông đã đặt sứ mệnh, nhiệm vụ cao cả của tờ báo này là xây dựng Việt Nam thành một “nước Pháp thứ hai, nước Pháp ở Á châu” (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học Huế, 2009, tr.102). Với tinh thần, sứ mệnh trên đây của tờ báo và dù với phương pháp đấu tranh ôn hòa, thiện chí, mềm dẻo nhưng thông qua đó, Nguyễn An Ninh đã chỉ ra những hạn chế, nhược điểm của chế độ thực dân - đó chỉ là một chế độ hoàn toàn đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản của cuộc cách mạng tư sản Pháp năm 1789 là Tự do - Bình đẳng - Bác ái. Theo ông, tinh thần này của cuộc cách mạng tư sản Pháp năm 1789 đã bị thực dân Pháp lợi dụng để biện hộ, cổ xúy cho mục đích xâm lược, thống trị các dân tộc khác của họ. Ở một bài khác, ông nói thêm về nhận định này như sau: “Xưa kia là ba vẻ đẹp, là ba thần tượng. Ngày nay là ba món hàng xuất cảng, là ba sự lừa đảo, dối trá” (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học Huế, 2009, tr.227). Trong bài báo này và nhiều bài báo khác, ông đã lột trần hậu quả tai hại của chính sách “khai hóa” mà thực dân Pháp áp đặt tại Việt Nam và Đông Dương là chỉ làm cho “di sản man rợ nặng nề vẫn còn đang được cất giấu trong lòng mọi người” (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học Huế, 2009, tr.227) và “nước Pháp không đến đây với thanh gươm và luật pháp, mà chỉ sang đây có mỗi thanh gươm” (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học Huế, 2009, tr.85). Không chỉ dừng lại ở việc thức tỉnh đồng bào, phê phán bản chất của chế độ thực dân, mà trong nhiều bài báo, diễn thuyết của mình, Nguyễn An Ninh còn đòi những quyền tự do cơ bản, sơ đẳng nhất cho người Việt Nam. Một điểm rất đáng lưu ý là những tư tưởng, quan niệm chính trị trên đây của Nguyễn An Ninh rất khác với tư tưởng, quan điểm của nhiều nhà tư tưởng và tầng lớp trí thức lúc bấy giờ trong nhận thức về thực dân Pháp và chính sách mà thực dân Pháp đang thi hành ở Việt Nam. Chẳng hạn như nếu Phan Bội Châu với sách lược “Pháp - Việt đề huề” hay chủ trương đấu tranh ôn hòa, thỏa hiệp với Pháp của nhóm trí thức Tây học gồm Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long,... để hi vọng đem lại độc lập cho dân tộc, thì Nguyễn An Ninh lại tập trung vạch trần bản chất của chế độ thực dân và những mục đích chính trị của những chính sách mà thực dân Pháp đang thực hiện ở Việt Nam. Cũng không chỉ dừng lại ở quan điểm, tư tưởng mà Nguyễn An Ninh còn tích cực tham gia các hoạt động chính trị để đạt được mục đích chính trị cơ bản mà ông đặt ra là: giành độc lập tự do, cho dân tộc. Ngoài các hoạt động mang tính chính trị như diễn thuyết, viết báo, Nguyễn An Ninh tận dụng mọi cơ hội tham gia tích cực các hoạt động chính trị. Như khi trở lại Pháp lần thứ tư (1927), ông chủ động quan hệ với nhiều nhà yêu nước thuộc nhiều chính kiến khác nhau hay như trước đó (1921), ông kết giao rộng rãi với nhiều nhà hoạt động cánh tả, nhiều đảng viên Cộng sản Pháp và một số nước châu Âu khác nhằm 20
- Nguyễn Thanh Bình, Lê Ngọc Hiển tìm kiếm, học tập quan điểm, phương pháp đấu tranh chính trị. Đặc biệt, vào năm 1920, ngay trên đất Pháp, ông bắt đầu tham gia hoạt động chính trị như đòi Pháp ân xá cho các tù chính trị ở Việt Nam, yêu cầu chính quyền Pháp ở Việt Nam mở thêm trường học, cho các thương gia Việt Nam được liên hệ trực tiếp với thương nhân nước ngoài. Rồi đến đầu tháng 01 năm 1925, ông sang Pháp lần thứ ba với mục đích chủ yếu là tập trung đòi những quyền tự do, dân chủ cơ bản cho người An Nam, cho con người với bài diễn thuyết Tinh thần dân chủ của nước Việt Nam. Ông còn phối hợp với nhiều cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên để vận động quần chúng phát triển tổ chức của Hội. Ở trong nước, ông góp phần tổ chức phong trào Đông Dương đại hội, tham gia nhiều cuộc biểu tình của quần chúng đòi tự do, dân chủ. Chẳng hạn như vào năm 1939, sau khi ra tù lần thứ tư, ông tham gia cùng với những người cộng sản trong nhóm Dân chúng (Le Peuple) để tổ chức nhiều cuộc biểu tình đòi quyền tự do, dân chủ và ứng cử vào Hội đồng Quản hạt (tức Hội đồng thuộc địa Nam Kỳ), v.v. Đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc An Nam luôn là quyết tâm chính trị và nhất quán trong quan điểm chính trị và hoạt động chính trị của Nguyễn An Ninh. Ông luôn tin tưởng vào thắng lợi của cuộc đấu tranh chính trị ấy. Như trong một bài báo, ông viết: “Cũng là lẽ tự nhiên mọi người Việt Nam có lịch sử lâu dài tới bốn ngàn năm, lại chịu từ bỏ cái hy vọng lấy lại được nền độc lập của mình” (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học Huế, 2009, tr.695). Hay như trong buổi nói chuyện tại Hội quán Sociétés Savantes do Hội Liên hiệp Pháp - Đông Dương tổ chức ngày 25 tháng 05 năm 1925, ngay trên đất Pháp, ông đã khẳng định: “Cách mạng sẽ nổ ra ở Đông Dương trong vài năm tới nếu Pháp không cải thiện thể chế hiện tại” (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học Huế, 2009, tr.27) đồng thời sẽ có đảng Cộng sản giúp nhân dân Việt Nam tiến hành cách mạng. So với các đồng chí của ông như: Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và Phan Bội Châu, Nguyễn An Ninh đặc biệt ấn tượng với tư tưởng của Mahatma Gandhi - nhà cách mạng Ấn Độ rằng: “Ở đâu, mà có sự lựa chọn giữa sự hèn nhát và bạo lực, tôi khuyên nên dùng bạo lực (...) Tôi thích thấy nước Ấn Độ được tự do bằng bạo lực, còn hơn là bị xích lại bởi bạo lực của bọn thống trị” (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học Huế, 2009, tr.415). Còn trong bài Nước Pháp ở Đông Dương, Nguyễn An Ninh khẳng định: “Chỉ có một con đường duy nhất để đánh đổ chế độ nô lệ đang áp đặt tại Đông Dương là dùng bạo lực để đối đầu với bạo lực” (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học Huế, 2009, tr.80). Chính tư tưởng này đã làm cho Nguyễn An Ninh càng trở lên thiên tả hơn. Một nội dung rất đáng lưu ý nữa trong quan điểm về chính trị của Nguyễn An Ninh là để đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc không chỉ bằng việc phê phán, đả kích chế độ thực dân, cũng không chỉ bằng các hoạt động chính trị như: diễn thuyết, viết báo, lập báo, lập hội, biểu tình, v.v. mà còn phải nâng nhận thức lên một tầm cao mới, phải có những biện pháp mới. Có lẽ từ thực tiễn và hậu quả của cuộc đấu tranh chính trị vì nền độc lập, tự do cho dân tộc, Nguyễn An Ninh đã dần nhận ra cái tất yếu mà trước đó, C. Mác đã chỉ ra: “Tư tưởng xưa nay không thể đưa người ta ra ngoài trật tự thế giới cũ nhiều lắm cũng chỉ để đưa người ta vượt ngoài phạm vi tư tưởng của trật tự thế giới cũ mà thôi. Muốn thực hiện tư tưởng thì cần có những người sử dụng lực lượng thực tiễn” (C.Mác và Ph.Ăng ghen, 1980, tr.154). Để thực hiện thành công mục đích chính trị là giành độc lập, tự do cho dân tộc, không chỉ kêu gọi 21
- Khoa học xã hội Việt Nam, số 2 - 2022 mọi người dân Việt, nhất là tầng lớp thanh niên phải “thắt chặt hàng ngũ để thực hiện một Mặt trận Thống nhất” (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học Huế, 2009, tr.693), phải “đoàn kết lại trong một nỗ lực chung để chiến đấu chống lại bạo quyền thực dân” (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học Huế, 2009, tr.693). Và dấn thân vào cuộc đấu tranh, theo ông, sự cần thiết phải tổ chức ra một tổ chức cách mạng để dẫn dắt phong trào, để hiện thực hóa tư tưởng chính trị của ông. Như ông chỉ rõ: “Chống trả lại một tổ chức đàn áp hiện đại, phải có một tổ chức kháng cự hiện đại” (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học Huế, 2009, tr.83). Cái “tổ chức kháng cự hiện đại” ấy chỉ có thể dẫn dắt phong trào cách mạng đến thành công, theo ông, phải được trang bị bởi một học thuyết cách mạng bởi “Bất cứ lí tưởng nào cũng gồm một học thuyết. Không có học thuyết, lý tưởng sẽ chỉ là một giấc mơ. Quả là thừa khi nói rằng, cần phải có chiều sâu và phương pháp để thiết lập một học thuyết có người theo” (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học Huế, 2009, tr.577). Ngoài ra, “tổ chức kháng cự hiện đại” này, theo ông, việc cần làm nhất chính là phải thiết lập một cơ chế hỗ trợ, rèn luyện trình độ tri thức để giúp cho việc học tập và thực hành các kỹ năng, biện pháp đấu tranh có hiệu quả. Chính từ nhận thức chính trị và lập trường chính trị này, mà ngay sau khi ra tù năm 1927, Nguyễn An Ninh đã thành lập tổ chức Thanh niên Cao vọng Đảng - một tổ chức yêu nước hoạt động theo nguyên tắc Hội kín ở Nam Kỳ. Theo ông, thành phần tham gia tổ chức chính trị này bao gồm mọi lực lượng xã hội bị chế độ thực dân Pháp áp bức và có mong muốn chấm dứt tình trạng này. Nguyễn An Ninh thành lập và lãnh đạo tổ chức Thanh niên Cao vọng Đảng với mong muốn tổ chức chính trị này là cơ sở để tập hợp, đoàn kết sức mạnh của quần chúng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc và giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng cho thanh niên - lực lượng chủ yếu của tổ chức, của phong trào. Với việc Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, việc Nguyễn An Ninh lập ra Thanh niên Cao vọng Đảng và nhiều lần phối hợp với cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên để phát triển Hội và vận động quần chúng cho thấy rằng, lập trường chính trị và mục tiêu chính trị của hai nhà cách mạng, yêu nước này có nhiều điểm tương đồng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân (bị tù tội, giam cầm, sự khác biệt về hoàn cảnh, v.v.) mà con đường cách mạng, cứu nước của Nguyễn An Ninh có những điểm khác với Nguyễn Ái Quốc. Và cũng do đó mà mục đích chính trị trong quan điểm về chính trị và hoạt động chính trị của Nguyễn An Ninh là giành độc lập, tự do cho dân tộc cũng không đạt được. 4. Kết luận Với tư cách là nhà báo, nhà yêu nước, nhà cách mạng và là nhà tư tưởng, có thể khẳng định rằng, Nguyễn An Ninh là một hiện tượng đặc biệt ở Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX. Cùng là nhà yêu nước, nhà cách mạng và nhà hoạt động chính trị Việt Nam đương thời như: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc, cho nên trong quan điểm về văn hóa và về chính trị giữa họ với Nguyễn An Ninh có nhiều điểm tương đồng. Nét tương đồng cơ bản giữa họ là muốn xây dựng nền văn hóa Việt Nam độc lập, cường thịnh và nâng cao vị thế của dân tộc Việt Nam là phải chống lại nền văn hóa ngoại lai, nô dịch,... Tuy nhiên, 22
- Nguyễn Thanh Bình, Lê Ngọc Hiển so với quan điểm về văn hóa của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường thì tính cách mạng trong quan điểm văn hóa của Nguyễn An Ninh thể hiện rõ nét và sâu sắc hơn. Ở Nguyễn An Ninh, văn hóa là phương diện của chính trị, đấu tranh để xây dựng nền văn hóa độc lập cho dân tộc là một trong những phương diện chủ yếu của đấu tranh chính trị, phục vụ mục đích chính trị cuối cùng là giành độc lập, tự do cho dân tộc. Văn hóa trong quan điểm của Nguyễn An Ninh có vai trò đặc biệt quan trọng là “thức tỉnh dân tộc”, là “nâng tầm tri thức cho dân tộc” và “nâng cao lòng tự hào dân tộc” của mọi người dân Việt. Có nghĩa là với ông, văn hóa phải “soi đường cho dân tộc tiến lên”. Tuy nhiên, trong quan điểm về văn hóa, về xây dựng nền văn hóa độc lập cho dân tộc, Nguyễn An Ninh còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Một trong những bất cập, hạn chế cơ bản là ông chưa nhận thức được điều kiện tiên quyết và có ý nghĩa quyết định đến việc xây dựng nền văn hóa độc lập cho dân tộc là phải đánh đuổi các thế lực xâm lược, áp bức dân tộc ra khỏi đất nước. Trong quan điểm về chính trị, Nguyễn An Ninh thể hiện rõ là nhà yêu nước nhiệt thành, luôn suy nghĩ, tìm tòi và cả những thể nghiệm để mong đất nước giành được độc lập, tự do. Tuy nhiên, ông chưa nhận thức được rằng, giai cấp công nhân là lực lượng cơ bản và đồng minh cơ bản của họ là giai cấp nông dân mới là lực lượng đóng vai trò quyết định đến thắng lợi của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Trong khi đó, ông hy vọng và đặt lòng tin tuyệt đối vào tầng lớp “tinh hoa”, “tầng lớp thanh niên” và vào tổ chức chính trị Thanh niên Cao vọng Đảng do ông lập ra. Trong tình hình đất nước lúc bấy giờ, do tính chất phức tạp và chưa đồng nhất về quan điểm, lập trường và lý tưởng chính trị giữa các thành viên, những tầng lớp, tổ chức này lại chưa có được một lý luận tiên phong cách mạng để chỉ dẫn, soi đường, cho nên, những lực lượng này, tổ chức ấy không thể hiện thực hóa tư tưởng chính trị và mục đích chính trị của ông. Cuối cùng, Nguyễn An Ninh là nhà yêu nước, nhà cách mạng chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng yêu nước, cách mạng của Nguyễn Ái Quốc và đã tiếp cận ở mức độ nhất định chủ nghĩa Mác - Lênin, quan điểm về văn hóa, về chính trị của ông là tốt đẹp, chứa đựng tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng. Nhưng cuối cùng, lý tưởng và mục đích chính trị tốt đẹp của ông là xây dựng nền văn hóa độc lập cho dân tộc, là giành độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam không thể đạt được. Tài liệu tham khảo 1. C. Mác và Ph. Ăngghen toàn tập, t.1, Nxb Sự thật, 1980, Hà Nội. 2. Thái Nhân Hòa, Phan Văn Hoàng (2001), Nguyễn An Ninh - nhà trí thức yêu nước, Tạp chí Xưa và Nay và Nxb Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh. 3. Lê Minh Quốc (2019), Nguyễn An Ninh - Dấu ấn để lại, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh. 4. Trung tâm Nghiên cứu Quốc học Huế (2009), Nguyễn An Ninh - Tác phẩm, Nxb Văn học, Hà Nội. 23
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Một số vấn đề chung về đổi mới phương pháp dạy học ở trường trung học phổ thông - Nguyễn Văn Cường
187 p | 289 | 62
-
Một số đặc điểm thang giá trị của thanh niên Việt Nam hiện nay - Nguyễn Thị Hoa
14 p | 127 | 17
-
Quan điểm quân sự Hồ Chí Minh về chiến tranh du kích qua một số tác phẩm của Người ( giai đoạn trước năm 1945 )
6 p | 305 | 15
-
Một số đặc điểm thang giá trị gia đình của thanh niên Việt Nam hiện nay - TS. Nguyễn Thị Hoa
12 p | 72 | 11
-
Quan điểm của Đảng Cộng sản Trung Quốc về tôn giáo trong chủ nghĩa xã hội
7 p | 103 | 7
-
Một số đặc điểm của cấu trúc có ý nghĩa nhân quả được biểu hiện bằng quan hệ từ (Khảo sát trong truyện đọc tiểu học)
5 p | 115 | 6
-
Một số quan điểm cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và nhận thức vấn đề này trong bối cảnh hiện nay
3 p | 47 | 5
-
Một số quan điểm về giáo dục trong tư tưởng Hồ Chí Minh
5 p | 62 | 5
-
Một số quan điểm phê phán nền giáo dục truyền thống của john dewey và định hướng vận dụng trong cải cách giáo dục Việt Nam hiện nay
13 p | 56 | 3
-
Một số quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lê-nin về tập trung và dân chủ trong Đảng
12 p | 86 | 3
-
Chủ nghĩa dân tộc: Quan điểm và một số yếu tố tác động trong điều kiện hiện nay
7 p | 82 | 3
-
Quan điểm của Đảng Cộng sản Trung Quốc về tôn giáo trong chủ nghĩa xã hội - Phạm Thanh Hằng
7 p | 68 | 3
-
Một số đặc điểm của giới từ chỉ nguyên nhân, mục đích trong tiếng Hán hiện đại
13 p | 109 | 3
-
Quan điểm của Phan Bội Châu về nhà nước
11 p | 12 | 3
-
Một số quan điểm của Durkheim về xã hội học (Sách chuyên khảo): Phần 1
99 p | 8 | 2
-
Một số quan điểm của Durkheim về xã hội học (Sách chuyên khảo): Phần 2
144 p | 8 | 2
-
Thực trạng chỉ số sáng tạo của học sinh trường tiểu học Đội Cấn thành phố Thái Nguyên và mối liên quan giữa một số yếu tố môi trường sống trong gia đình đến chỉ số sáng tạo thấp của trẻ
6 p | 82 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn