intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ

Chia sẻ: Phó Cửu Vân | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

9
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ" phân tích, luận giải những kết quả đạt được đồng thời cũng chỉ ra những khó khăn, bất cập đang gặp phải trong quá trình phát triển nguồn nhân lực giáo dục đại học. Tác giả cũng mạnh dạn đề xuất một số giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ hiện nay. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ

  1. NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC CHO GIÁO DỤC ĐẠI HỌC TRONG BỐI CẢNH TỰ CHỦ Phạm Thị Hằng1 Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh Abstract To develop the education and training systems of a country, the human resource factor of the education and training sector plays an extremely important role. Human resources for higher education in Vietnam have achieved many positive outcomes in the past. However, besides that, enhancing the quality of human resources in higher education in the current context of university autonomy is also facing many difficulties and challenges. Keywords: Human resources, higher education institutions, university autonomy. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Theo quan niệm của Hiệp hội Đại học Châu Âu thì tự chủ đại học được cấu thành bởi 4 yếu tố cơ bản, bao gồm: Tự chủ về học thuật, tự chủ về tài chính, tự chủ về tổ chức và tự chủ về nhân sự. Theo đó, tự chủ về nhân sự là các quyền quyết định liên quan đến đội ngũ cán bộ (giảng dạy, nghiên cứu và hành chính) về tiêu chí, quy trình tuyển dụng, mức lương thưởng, chế độ đãi ngộ,… [1, tr. 8]. Tại Việt Nam, theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật Giáo dục đại học (GDĐH) năm 2012 thì “Tự chủ đại học là việc mà một trường đại học thực hiện hoạt động tự chủ trong các lĩnh vực tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng GDĐH”. Khoản 4, Điều 32 quy định: “Quyền tự chủ trong tổ chức và nhân sự bao gồm ban hành và tổ chức thực hiện quy định nội bộ về cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động, danh mục, tiêu chuẩn, chế độ của từng vị trí việc làm; tuyển dụng, sử dụng và cho thôi việc đối với giảng viên (GV), viên chức và người lao động khác, quyết định nhân sự quản trị, quản lý trong cơ sở GDĐH phù hợp với quy định của pháp luật”2. Với chủ trương này, các trường đại học được quyết định về các vấn đề liên quan đến tuyển dụng, lương bổng, sử dụng nguồn nhân lực, bổ nhiệm, miễn nhiệm các vị trí trong khu vực học thuật và khu vực hành chính... Để phát huy nguồn nhân lực GDĐH trong bối cảnh tự chủ cần có nhiều yếu tố và nhiều giải pháp được tiến hành đồng bộ. Bài viết dưới đây, tập trung làm rõ thực trạng số lượng, chất lượng nguồn nhân lực GDĐH Việt Nam thời gian qua (giai đoạn 2015 đến nay). Trên cơ sở đó, phân tích, luận giải những kết quả đạt được đồng thời cũng chỉ ra những khó khăn, bất cập đang gặp phải trong quá trình phát triển nguồn nhân lực GDĐH. Tác giả cũng mạnh dạn đề xuất một số giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực GDĐH trong bối cảnh tự chủ hiện nay. 1 hantt.cntpphutho@gmail.com 2 Luật GDĐH (sửa đổi, bổ sung năm 2013, 2014, 2015, 2018), NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2019. 211
  2. 2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ DỮ LIỆU NGHIÊN CỨU 2.1. Phương pháp nghiên cứu: Kết hợp các phương pháp nghiên cứu như thống kê, tổng hợp, phân tích, so sánh. 2.2. Dữ liệu: Nguồn số liệu thứ cấp của Bộ Giáo dục – Đào tạo, các công trình nghiên cứu của các cá nhân, tập thể, các số liệu được tổng hợp qua hoạt động của các cơ sở đào tạo. 3. NỘI DUNG 3.1. Thực trạng nguồn nhân lực GDĐH ở Việt Nam thời gian qua Nguồn nhân lực cho GDĐH bao gồm đội ngũ GV, các nhà quản lý giáo dục. Đây là nhân tố hàng đầu quyết định đến sự phát triển của giáo dục đào tạo nói chung, GDĐH nói riêng. Đội ngũ nhà giáo là những người trực tiếp tham gia vào quá trình giảng dạy. Mục tiêu GDĐH đạt được hay không phụ thuộc vào chất lượng, số lượng, và cơ cấu của đội ngũ này. Các nhà quản lý giáo dục là những người làm việc trong các cơ quan nhà nước về giáo dục đào tạo từ trung ương đến địa phương và những người tham gia quản lý trực tiếp tại các cơ sở GDĐH ở trong các cơ sở GDĐH công lập cũng như trong các cơ sở GDĐH ngoài công lập. 3.1.1. Về số lượng Nếu như năm 2015, cả nước có khoảng 69.591 GV, đến năm 2020, đội ngũ GV đã tăng lên 76.576 GV. Như vậy, trong vòng 5 năm qua, cả nước được bổ sung thêm khoảng hơn 7.000 GV - tính ra trung bình mỗi năm có thêm khoảng hơn 1.400 GV giảng dạy. Trong đó, tại các cơ sở GDĐH công lập, năm 2015 có khoảng 55.401 người, đến năm 2020, đội ngũ GV tăng lên 58.338 GV (tăng 5,03%). Như vậy bình quân mỗi năm, tại các cơ sở GDĐH công lập, mỗi năm số GV tăng cơ học khoảng gần 600 GV. Còn tại các cơ sở GDĐH ngoài công lập, năm 2015, có khoảng 14.190 GV, đến năm 2020, tăng lên 18.238 GV (tăng 28,53%) [4]. Theo thống kê, năm 2019 Việt Nam có 73.312 GV, công tác tại 237 trường đại học, học viện, 37 viện nghiên cứu khoa học, 33 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm [3]. Bên cạnh khu vực công, số lượng đội ngũ GV ngoài công lập cũng tăng mạnh qua các năm. Cụ thể, năm 2015 có khoảng 55.401 người, đến năm 2020, đội ngũ GV tăng lên 58.338 GV (tăng 5,03%). Như vậy bình quân mỗi năm, tại các cơ sở GDĐH công lập, mỗi năm số GV tăng cơ học khoảng gần 600 GV [4]. 3.1.2. Về chất lượng Nếu như năm 2015, cả nước có khoảng 54.644 GV trình độ trên đại học (chiếm 78,52%), đội ngũ GV có trình độ đại học, cao đẳng là 14.897 GV (chiếm 21,41%). Đến năm 2020, số GV có trình độ trên đại học là 70.018 GV (chiếm 91,44%), đội ngũ GV có trình độ đại học, cao đẳng còn 5.980 GV (chiếm 7,81%) 212
  3. Trong đó, về chất lượng đội ngũ GV tại các trường đại học công lập, năm 2015, có khoảng 44.995 GV có trình độ trên đại học (chiếm 81,22%), đội ngũ GV trình độ đại học cao đẳng chiếm số lượng vẫn khá lớn 10.389 GV (chiếm 18,75%). Chất lượng đội ngũ GV tại các cơ sở GDĐH ngoài công lập, năm 2015, số GV có trình độ trên đại học là 15.890 GV (chiếm 87,13%), GV có trình độ đại học, cao đẳng là 2.116 GV (chiếm 11,6%). So với năm 2015, số GV chưa đạt chuẩn trình độ đã giảm đi rất nhiều (từ 31,77% xuống còn 11,6%) [4]. Năm 2019, gần 21.000 GV có trình độ tiến sĩ (hơn 28%), hơn 44.700 GV có trình độ thạc sĩ (60,9%). Con số này tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2005 (12% GV có trình độ tiến sĩ và 32% GV trình độ thạc sĩ). Tỷ lệ sinh viên/GV của Việt Nam là 27. Trong khi đó, theo dữ liệu của UIS, năm 2015, tỷ lệ sinh viên/GV của Indonesia là 22, Malaysia 16 và Hàn Quốc 14. Số GV tham gia giảng dạy các chương trình quốc tế cũng ngày một nhiều. Hiện nay, 20 cơ sở GDĐH của Việt Nam triển khai các “chương trình tiên tiến”, chủ yếu trong lĩnh vực STEM và kinh doanh bằng cách áp dụng chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh của các trường đại học hàng đầu thế giới. Ngoài ra, còn có khoảng 350 chương trình hợp tác quốc tế do 85 trường đại học Việt Nam phối hợp với 258 trường đại học từ 33 quốc gia. Trong đó, nhiều nhất là Pháp (86 chương trình), Anh (85 chương trình), Hoa Kỳ (84 chương trình), Úc (49 chương trình) và Trung Quốc (34 chương trình). Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, số lượng công bố quốc tế tại các cơ sở GDĐH tăng hơn 3 lần so với 7 năm trước. Tính đến cuối năm 2019, có 256 đại học, trường đại học, học viện, trường cao đẳng, viện nghiên cứu đào tạo đại học và sau đại học có công bố quốc tế… Trong đó, các cơ sở GDĐH chiếm 90,3% số lượng, tương ứng với 11.118 công bố trên các tạp chí, hội nghị và sách quốc tế. Việt Nam hiện đang đứng thứ 5 khu vực ASEAN về số lượng công bố quốc tế trên tạp chí Scopus giai đoạn 2015-2019, xếp sau Malaysia, Singapore, Indonesia và Thái Lan. Trong 5 năm gần đây, nhiều cơ sở GDĐH của Việt Nam liên tục có mặt trong các bảng xếp hạng đại học Châu Á và thế giới. Việt Nam có 3 trường đại học lot top 1000 theo bảng xếp hạng Times Higher Education năm 2020 là ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Còn theo xếp hạng các đại học xuất sắc nhất toàn thế giới năm 2020 do ARWU (Trường ĐH Giao thông Thượng Hải) công bố, Việt Nam có Trường ĐH Tôn Đức Thắng vào top 701-800. Ngoài ra, Việt Nam còn có 11 cơ sở GDĐH được xếp hạng tốt nhất năm 2021 trong khu vực Châu Á do Tổ chức giáo dục QS (Vương quốc Anh) bình chọn. Danh sách này đã tăng 3 trường so với trước (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM và Trường ĐH Kinh tế TP. HCM) [3]. Theo Niên giám thống kê năm 2021, trong khoảng 76.600 GV đại học, số giáo sư, phó giáo sư đang giảng dạy toàn thời gian lần lượt khoảng 682 và 4.760 người [2]. Như vậy, có thể thấy số lượng, chất lượng nguồn nhân lực GDĐH ở Việt Nam cả trong các cơ sở GDĐH công lập và ngoài công lập không ngừng được nâng lên qua các năm. Để có được những kết quả ấy, bên cạnh sự nỗ lực không ngừng của bản thân đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, còn có sự quan tâm đầu tư của Nhà nước cũng 213
  4. như những chủ trương, quan điểm của Đảng về phát huy nhân tố con người trong giáo dục đào tạo. Đặc biệt, với sự ra đời của Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nêu rõ: “GV cao đẳng, đại học có trình độ từ thạc sỹ trở lên và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm”. Đến ngày 18/1/2019, Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký Quyết định số 89/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ GV, cán bộ quản lý các cơ sở GDĐH đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2030. Đề án nêu rõ việc chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ GV và cán bộ quản lý các cơ sở GDĐH vì đây là yếu tố quyết định chất lượng GDĐH. Kể từ Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng, việc nâng cao chất lượng đội ngũ GV, cán bộ quản lý càng được quan tâm, đầu tư phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Thông qua việc Nhà nước ban hành các cơ chế, chính sách, các biện pháp khuyến khích, huy động và tạo điều kiện cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, hỗ trợ tài chính cho họ để có thể yên tâm học tập, cống hiến. Bên cạnh đó, bằng chính sách ghi nhận những đóng góp, cống hiến của đội ngũ nhà giáo và đội ngũ cán bộ quản lý, kịp thời tuyên dương, khen thưởng xứng đáng cho các tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển giáo dục nói chung, GDĐH nói riêng. Nhà nước cũng như các cơ quan quản lý giáo dục cũng tạo điều kiện cho các cá nhân được tham gia đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước, tham dự hội thảo trong và ngoài nước, hợp tác quốc tế để nâng cao hơn nữa năng lực chuyên môn để phục vụ cho công tác giảng dạy và quản lý giáo dục. Thực tế, các trường cũng có nhiều chính sách để cạnh tranh, thu hút GV giỏi chuyên môn, có trình độ cao (có chức danh giáo sư, phó giáo sư và học vị tiến sĩ, ưu tiên tốt nghiệp ở trường đại học uy tín ở nước ngoài) và khả năng nghiên cứu khoa học. Cùng với nâng cao trình độ GV, các trường đại học cũng đang từng bước hình thành cơ cấu nhân lực phù hợp với số lượng GV tăng lên trong khi đội ngũ chuyên viên, nhân viên giảm. Thống kê đến hết năm 2021, tỷ lệ GV trên tổng số cán bộ, GV và người lao động của trường chiếm 71%, lớn nhất trong cơ cấu nhân lực của nhà trường, hơn gấp đôi số cán bộ quản lý và chuyên viên hành chính [6]. Năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục yêu cầu các cơ sở GDĐH cần có kế hoạch triển khai có hiệu quả Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ GV, cán bộ quản lý các cơ sở GDĐH đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo giai đoạn 2019 - 2030. Có chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài hợp tác nghiên cứu, đào tạo trong các cơ sở GDĐH Việt Nam; đẩy mạnh việc thu hút sinh viên quốc tế đến học tập tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các cơ sở GDĐH mở rộng và đẩy mạnh các quan hệ hợp tác về đào tạo, nghiên cứu với các trường, viện nghiên cứu quốc tế chất lượng cao để hình thành nhóm nghiên cứu quốc tế; thu hút các nguồn tài trợ quốc tế, chủ động tham gia mạng lưới nghiên cứu và trao đổi toàn cầu [4]. 3.1.3. Những hạn chế, bất cập Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nói trên, chất lượng của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GDĐH ở Việt Nam hiện nay vẫn tồn tại một số khó khăn, bất cập. Mặc dù tính đến năm 2021, tỷ lệ GV có trình độ tiến sĩ trong các trường đại học là hơn 214
  5. 31%, tăng 6% so với ba năm trước song theo kết quả khảo sát hơn 130 trường của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy thời điểm năm 2018, số lượng trường có tỷ lệ GV có trình độ tiến sĩ dưới 25% là 81. Đến năm 2021, con số này còn 62 và không trường nào có dưới 5% GV có trình độ tiến sĩ [6]. Hơn nữa, việc phát triển nguồn nhân lực giáo dục còn chịu nhiều quy định chồng chéo của nhiều cơ quan có thẩm quyền khác nhau, điều này gây khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện tự chủ về nhân sự trong các cơ sở GDĐH. Luật Giáo dục, Luật GDĐH là luật chuyên ngành về giáo dục và đào tạo nên không có nhiều quy định về thẩm quyền đối với lĩnh vực quản lý công chức, viên chức và người lao động. Việc phát triển đội ngũ và nhân sự chịu ảnh hưởng bởi quy định tại Bộ Luật Lao động; Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức và một số luật chuyên ngành khác. Cụ thể, về công tác tuyển dụng, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch, chuyển ngạch, kỷ luật, các trường phải tuân thủ theo các quy định của Luật Viên chức. Việc thực hiện chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội lại tuân thủ theo Luật Lao động, Luật Việc làm và Luật Bảo hiểm xã hội; ngoài ra còn tham chiếu nhiều bộ luật chuyên ngành khác để quản lý, sử dụng và thực hiện chính sách đối với các loại hình lao động có trong nhà trường [6]. Ngoài ra, hiện nay các trường đại học không có sức hút nhân tài. Theo báo cáo của 67 trường đại học, 13 trường có mức thu nhập bình quân dưới 3 triệu đồng/ tháng/ người, 44 trường từ 3 - 6 triệu, 2 trường trên 10 triệu, 4 trường 6 - 8 triệu, 4 trường 8 - 10 triệu đồng/tháng/người. Theo quy định mỗi GV phải giảng 365 tiết một năm, trong khi có GV giảng đến 1.000 đến 1.500 tiết/năm. Tình trạng này một phần do thiếu GV, một phần để tăng thu nhập đảm bảo cuộc sống. Như vậy, giáo viên sẽ không có thời gian nghiên cứu, đọc sách và đổi mới phương pháp, dẫn đến chất lượng sản phẩm đào tạo thấp không phải là điều khó hiểu. Định mức lao động, chế độ giảng dạy, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học hiện nay quá thấp. Chưa có những chính sách thích hợp trong việc tuyển chọn người có năng lực, có tài. Hơn nữa, vẫn còn tình trạng GV giảng dạy và học tập nâng cao trình độ không đúng với chuyên môn, dẫn đến số lượng giảng có trình độ sau đại học tăng nhưng chất lượng không tăng, đào tạo một chuyên ngành nhưng lại giảng chuyên ngành khác [5]. Không những thế, chế độ chính sách cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Nhiều quy định trong chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhà giáo đã ban hành từ lâu, không còn phù hợp nhưng chậm được bổ sung, sửa đổi. Bên cạnh đó, vấn đề lương, thưởng, chế độ phụ cấp, thu nhập của nhà giáo ở các trường đại học công lập và ngoài công lập vẫn còn có sự khác biệt lớn. Đời sống của phần đông nhà giáo vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các GV trẻ, điều kiện làm việc còn hạn chế nên bản thân họ chưa thực sự yên tâm công tác, thậm chí đã có nhiều GV xin nghỉ việc, chuyển công tác… 3.2. Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực GDĐH trong bối cảnh tự chủ Đội ngũ cán bộ quản lý, GV là yếu tố quyết định chất lượng GDĐH. Vì đây chính là nội lực trong các trường đại học. Vì thế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các trường đại học hiện nay là nhiệm vụ cấp bách. Để nâng cao chất lượng nguồn lực giáo dục trong các trường đại học cần tập trung vào các giải pháp chính sau: 215
  6. Thứ nhất, coi trọng công tác bố trí, sắp xếp cán bộ, GV đúng chuyên môn, phù hợp với năng lực. Đây là điều kiện tiên quyết để cán bộ có khả năng hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Bố trí, đề bạt cán bộ, GV phải đúng, trúng nhằm phát huy hết năng lực, sở trường của họ. Công việc này phải đảm bảo tính kế thừa, ổn định và phát triển. Trong mỗi chuyên ngành cần bố trí kết hợp giữa các thế hệ GV, GV trẻ với GV lớn tuổi để bổ sung cho nhau về năng lực cũng như kinh nghiệm công tác. Thứ hai, cần có chế độ đãi ngộ, chính sách tiền lương theo vị trí việc làm đối với đội ngũ GV, cán bộ quản lý để họ yên tâm công tác, cống hiến sức lực và trí tuệ của mình cho sự nghiệp GDĐH. Bởi nếu chính sách tiền lương không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt hàng ngày và chăm sóc gia đình thì đội ngũ nhân lực GDĐH khó lòng mà phục vụ và cống hiến cho sự nghiệp GDĐH. Thứ ba, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, hiệu quả chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ GV. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho đội ngũ nhà giáo nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của nghề giáo trong xã hội, về sự cần thiết phải bồi dưỡng nâng cao chất lượng, đạo đức nghề nghiệp để xây dựng được đạo đức nhà giáo thật sự yêu nghề, yêu người, hết lòng chăm sóc, giáo dục sinh viên, nâng cao thái độ, trách nhiệm trong giảng dạy, thường xuyên bồi dưỡng, nghiên cứu, học hỏi đồng nghiệp để nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác. Thứ tư, trao quyền tự chủ thực sự cho các cơ sở GDĐH, trong đó có quyền thỏa thuận mức lương đối với nhà giáo, cán bộ quản lý. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, điều kiện để giao quyền tự chủ theo hướng phát huy tối đa tiềm năng, sức sáng tạo, năng động của các cơ sở GDĐH. Khuyến khích các cơ sở GDĐH chủ động tăng các nguồn thu sự nghiệp để tăng nhu nhập cho nhà giáo và cán bộ quản lý. Phân cấp quản lý đội ngũ nhà giáo cho các cơ sở GDĐH và các cơ sở đó có quyền thỏa thuận mức thu nhập của từng nhà giáo trên cơ sở ngạch, bậc lương, phụ cấp theo quy định và các khoản phúc lợi riêng của các cơ sở GDĐH. Nếu thực hiện tốt giải pháp này, gánh nặng ngân sách nhà nước để trả lương, phụ cấp cho nhà giáo sẽ giảm đi nhưng lương, phụ cấp của nhà giáo sẽ được chi trả công bằng, thỏa đáng hơn. Đồng thời, giải pháp này cũng tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà giáo. Mỗi nhà giáo sẽ có động lực rèn luyện, học tập để luôn đáp ứng tốt yêu cầu công tác, xứng đáng được hưởng chế độ lương, phụ cấp cao hơn. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo trong các cơ sở GDĐH nói riêng, cơ sở giáo dục - đào tạo nói chung. Những giải pháp trên đây phải được tiến hành đồng bộ, thống nhất thì mới phát huy được vai trò, cũng như sứ mệnh của nhà giáo trên con đường khẳng định vị thế của GDĐH không chỉ trong nước mà còn cả ngoài nước./. ________________ Tài liệu tham khảo [1] Đào Thị Thu Giang cùng cộng sự (2018), Tự chủ học thuật ở các nước trên thế giới và đề xuất cho Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo khoa học “Kinh nghiệm quốc tế về tự chủ đại học”, Trường Đại học Ngoại thương. [2] Thanh Hằng (2022), Chưa đến 1% giảng viên đại học đạt chức danh giáo sư. Nguồn: https://vnexpress.net, ngày 14/9/2022. 216
  7. [3] Ngọc Linh (2021), Hơn 28% giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ. Nguồn: https://vietnamnet.vn, ngày 03/01/2021. [4] Doãn Nhàn (2022), Cả nước còn gần 6.000 giảng viên đại học chưa đạt chuẩn trình độ tính đến năm 2020. Nguồn: https://giaoduc.net.vn, ngày 29/8/2022. [5] Phát huy nguồn lực con người trong giáo dục - đào tạo đại học. Nguồn: https://vusta.vn/phat-huy-nguon-luc-con-nguoi-trong-giao-duc-dao-tao-dai-hoc- p64522.html, ngày 17/11/2010. [6] Dương Tâm (2022), Tỷ lệ giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ tăng. Nguồn: https://vnexpress.net, ngày 06/8/2022. 217
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0