Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam
lượt xem 5
download
Bài viết Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam nghiên cứu tìm hiểu thực trạng thu hút vốn FDI, đánh giá tình hình sử dụng vốn từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn FDI ở Việt Nam.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam
- NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG VỐN ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI Ở VIỆT NAM Phạm Thị Ngọc Ly Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum Tóm tắt Thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) là một trong những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong hơn 30 năm đổi mới. FDI không chỉ bổ sung vốn cho đầu tư phát triển mà còn giúp Việt Nam tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, mở rộng thị trường... Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều hạn chế như liên kết của khu vực FDI đến khu vực trong nước chưa chặt chẽ và hiệu ứng lan tỏa năng suất chưa cao, các dự án FDI chủ yếu tập trung ở các ngành sử dụng nhiều lao động, công nghệ trung bình, hiện tượng chuyển giá, trốn thuế diễn ra thường xuyên… Vì vậy, bài viết tìm hiểu thực trạng thu hút vốn FDI, đánh giá tình hình sử dụng vốn từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn FDI ở Việt Nam. Từ khóa: Chuyển giá, Doanh nghiệp, FDI 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Cùng với quá trình Đổi mới và mở cửa nền kinh tế, Luật Đầu tư nước ngoài đã được Quốc hội thông qua và ban hành vào ngày 29/12/1987, đánh dấu bước ngoặt cho việc chính thức hóa dòng vốn ngoại đầu tư vào Việt Nam. Từ chủ trương đúng đắn đó, trải qua chặng đường hơn 30 năm đến nay, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã ngày càng thể hiện được vai trò quan trọng và đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài góp phần tác động thúc đẩy chuyển dịch, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ngành, sản phẩm, dịch vụ; thúc đẩy cải cách thể chế, chính sách kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập, tăng cường quan hệ đối ngoại, hợp tác và hội nhập quốc tế. (Nguyễn Thị Việt Nga; 2018). Tuy đạt được những kết quả quan trọng, nhưng thu hút FDI vẫn còn nhiều hạn chế trong đó đáng chú ý như nhiều doanh nghiệp (DN) FDI chuyển giá, trốn thuế, gây ô nhiễm môi trường; tác động lan tỏa và liên kết giữa khu vực FDI và khu vực trong nước chưa được như kỳ vọng; phần lớn phụ tùng, nguyên vật liệu và dịch vụ đi kèm cho sản xuất được nhập khẩu, thay vì được cung ứng bởi các DN trong nước; mục tiêu tiếp thu công nghệ mới, tiên tiến từ các nước công nghiệp phát triển hàng đầu rất khó khăn và gần như không đạt được… Đánh giá cụ thể hơn về tính liên kết giữa DN FDI với DN trong nước, Kyle F. Kelhofer Giám đốc quốc gia của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tại Việt Nam, Lào, 377
- Campuchia cho rằng: “Liên kết FDI và DN trong nước còn yếu, thể hiện ở giá trị gia tăng nội địa còn hạn chế, đặc biệt trong những ngành có độ phức tạp cao do các hạn chế ở cấp DN, năng lực đổi mới sáng tạo, trình độ quản lý và kỹ năng lao động của DN trong nước. Bên cạnh đó, xu hướng toàn cầu hiện nay mang đến nhiều cơ hội, nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức, đó là: Tự động hóa sẽ làm giảm lực lượng lao động trong ngành chế biến/chế tạo và dịch vụ, làm giảm bớt lợi thế của những nước có chi phí nhân công thấp. Việc dỡ bỏ rào cản thương mại và cải thiện môi trường kinh doanh ở các nước có chi phí nhân công thấp trong khu vực, đồng nghĩa với việc Việt Nam không thể tiếp tục lấy giá nhân công thấp làm công cụ marketing thu hút FDI. Việc tham gia Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) là một lợi thế đối với Việt Nam nhưng cũng đặt ra thách thức đó là các nhà đầu tư sẽ có nhiều lựa chọn giữa các nước có chi phí thấp hơn và những nước có chuỗi cung ứng trong nước phát triển và lực lượng lao động lành nghề hơn…”. Trước tình hình trên, bài viết tìm hiểu thực trạng thu hút vốn FDI, đánh giá tình hình sử dụng vốn từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn FDI ở Việt Nam. 2. THỰC TRẠNG THU HÚT VỐN ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI Ở VIỆT NAM Khu vực có vốn FDI sau hơn 30 năm phát triển đã trở thành một khu vực năng động và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Khu vực này đã tạo ra một phương thức thu hút đầu tư mới, tác động lan tỏa, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, khơi dậy và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nước. Theo đánh giá của giới chuyên gia, đóng góp của khu vực FDI vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam ngày càng cao, nếu giai đoạn 1986 - 1996, khu vực FDI chỉ đóng góp 15,04% thì đến giai đoạn 2010 - 2017, khu vực này đã đóng góp vào GDP là 27,7%. Năm 2018 tiếp tục ghi nhận những thành công nổi bật trong thu hút vốn FDI với tổng vốn đầu tư cấp mới, tăng thêm và cả góp vốn, mua cổ phần là trên 35,46 tỷ USD. Đặc biệt, vốn FDI giải ngân đạt mức kỷ lục với 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2017 (Hình 1). Hình 1: Thu hút FDI vào Việt Nam (1988 - 2018) 378
- Ngoài bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, khu vực FDI còn đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN). Giá trị nộp NSNN của khu vực này được ghi nhận là có xu hướng tăng mạnh qua các giai đoạn, cụ thể, giá trị nộp NSNN của khu vực FDI đã tăng từ 1,8 tỷ USD (giai đoạn 1994 - 2000) lên 14,2 tỷ USD (giai đoạn 2001 - 2010). Giai đoạn 2011 - 2015, thu NSNN từ khu vực này cũng đạt 23,7 tỷ USD, chiếm gần 14% tổng thu NSNN. Năm 2017, khu vực FDI đã đóng góp vào ngân sách gần 8 tỷ USD, chiếm hơn 17% tổng thu NSNN. Đồng thời, khu vực FDI cũng đóng góp tỷ trọng lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam. Từ năm 2010 trở lại đây, tăng trưởng xuất khẩu của khu vực vốn FDI cao gấp 2 - 3 lần so với khu vực trong nước, kim ngạch xuất khẩu gấp khoảng 1,5 - 2 lần. Tỷ trọng của khu vực FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu đã tăng từ 17% năm 1995 lên 71,7% năm 2018. Xuất siêu của khu vực này cũng góp phần cân bằng cán cân thương mại, giảm áp lực tỷ giá, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. Khu vực FDI còn làm thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu theo hướng giảm tỷ trọng sản phẩm là nguyên liệu thô sơ chế, tăng dần tỷ trọng hàng chế tạo có giá trị gia tăng cao. Ngoài ra, khu vực FDI còn góp phần quan trọng thúc đẩy dịch chuyển cơ cấu kinh tế Việt Nam. Hiện nay, có khoảng 58,2% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo, tạo ra trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như viễn thông, dầu khí, điện tử, công nghệ thông tin, thép, xi măng,… tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn, cũng như thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa - công nghiệp hóa đất nước (Mai Việt Anh, Vũ Bạch Điệp; 2019). Trong Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút, sử dụng FDI tổ chức vào cuối năm 2018 đã khẳng định FDI đã trở thành một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế. Lũy kế đến ngày 20/1/2019, cả nước có 27.463 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký khoảng 343 tỷ USD và tổng vốn thực hiện hơn 192 tỷ USD. FDI góp phần quan trọng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư kinh doanh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu, tăng nguồn thu ngân sách, tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao thế và lực của đất nước… vị thế của Việt Nam trên thế giới. Báo cáo năm 2017 của Tổ chức Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc đánh giá Việt Nam nằm trong nhóm 12 quốc gia thành công nhất về thu hút FDI (Minh Anh; 2019). Tuy nhiên, FDI không phải không có mặt trái như: lợi dụng chính sách ưu đãi để thực hiện chuyển giá, đưa vào nước đầu tư những dự án có công nghệ lạc hậu gây tác hại đến môi trường sinh thái, núp bóng dưới hình thức nhà FDI để hoạt động tình báo, gây rối, phá hoại an ninh quốc gia... Thực tế ở Việt Nam cũng xuất hiện những mặt trái như thế. Khi một số DN FDI có hành vi chuyển giá như: khai sai giá trị máy móc, thiết 379
- bị nhập khẩu góp vốn dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước, tăng nhập siêu, ảnh hưởng môi trường đầu tư. Một số nhà đầu tư nước ngoài trong DN liên doanh, công ty TNHH hai thành viên trở lên thực hiện hành vi thâu tóm thông qua quyền góp vốn chi phối, quản lý điều hành để tạo ra tình trạng “lãi thật, lỗ giả”, mất vốn điều lệ, buộc bên Việt Nam phải chuyển nhượng phần vốn góp, chuyển thành DN 100% vốn nước ngoài, làm giảm hiệu quả chính sách khuyến khích DN trong nước liên doanh, liên kết với nhà đầu tư nước ngoài… Cũng theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mới có khoảng 36% số DN Việt Nam tham gia được vào mạng lưới sản xuất để xuất khẩu của khối FDI, rất thấp so với tỷ lệ 60% ở Malaysia hay Thái Lan. Điều này chứng tỏ, DN Việt Nam đang được hưởng lợi rất ít từ hiệu ứng lan tỏa do dòng vốn FDI mang lại qua quá trình chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức và nâng cao năng suất. (Đỗ Phú Thọ; 2017). 3. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH SỬ DỤNG VỐN ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI Ở VIỆT NAM Xét về mặt tích cực: Sau hơn 30 năm phát triển, khu vực FDI đã đưa Việt Nam trở thành một trong những mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu; giúp Việt Nam phát triển nhiều ngành dịch vụ chất lượng cao như: Tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán, tư vấn luật, vận tải biển, logistic, giáo dục - đào tạo, y tế, siêu thị, khách sạn, du lịch; tạo ra phương thức mới trong phân phối hàng hóa, tiêu dùng, kích thích hoạt động thương mại nội địa, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản xuất khẩu. Ngoài tạo thêm nhiều việc làm, khu vực FDI cũng góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thay đổi cơ cấu lao động Việt Nam. Tính đến nay, khu vực này đã tạo ra trên 3,5 triệu lao động trực tiếp và khoảng 4 - 5 triệu lao động gián tiếp và được ghi nhận là khu vực tiên phong trong đào tạo tại chỗ, đào tạo bên ngoài và nâng cao trình độ công nhân, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý. Một bộ phận trong đó đã đủ năng lực quản lý, trình độ khoa học, công nghệ thay thế chuyên gia nước ngoài... (Mai Việt Anh, Vũ Bạch Điệp; 2019). Trên góc độ phát triển kinh tế, FDI không đơn thuần chỉ là vốn, mà kèm theo đó là công nghệ, kỹ thuật, phương thức quản lý tiên tiến, cho phép tạo ra những sản phẩm mới, mở ra thị trường mới… giúp Việt Nam rút ngắn khoảng cách và đuổi kịp các nước công nghiệp phát triển, nhanh chóng tiếp cận với các kỹ thuật mới. Thông qua tiếp nhận FDI, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để gắn kết nền kinh tế trong nước với hệ thống sản xuất, phân phối, trao đổi quốc tế, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh 380
- tế quốc tế, tiếp cận và thâm nhập thị trường quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, thích nghi nhanh hơn với các thay đổi trên thị trường thế giới… Hạn chế: Thứ nhất, nền kinh tế đang có xu hướng phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài. Từ năm 2010 trở lại đây, tăng trưởng xuất khẩu của khu vực vốn FDI cao gấp 2 - 3 lần so với khu vực trong nước, kim ngạch xuất khẩu gấp khoảng 1,5 - 2 lần. Tỷ trọng của khu vực FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu đã tăng từ 17% năm 1995 lên 71,7% năm 2018. Bên cạnh đó, với dòng vốn lớn từ khu vực FDI, vốn đầu tư toàn xã hội liên tục tăng ở mức cao trong những năm gần đây. Thực tiễn cho thấy, khu vực kinh tế trong nước đang ngày trở nên yếu thế so với khu vực FDI, đặc biệt trong bối cảnh quá trình hội nhập quốc tế đang được mở rộng. Thứ hai, trong số các tập đoàn đầu tư vào Việt Nam chưa có nhiều tập đoàn đa quốc gia trong các lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công nghệ nguồn, tỷ lệ các tập đoàn đầu tư cho nghiên cứu và phát triển còn ít, hạn chế mục tiêu phát triển bền vững trong thời đại Cách mạng 4.0. Thứ ba, các DN đầu tư nước ngoài đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam về cơ bản sử dụng công nghệ trung bình hoặc trung bình tiên tiến so với khu vực. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù công nghệ chuyển giao vào Việt Nam hầu hết là công nghệ có trình độ bằng hoặc cao hơn công nghệ sẵn có ở Việt Nam, phần lớn các DN FDI có công nghệ trung bình so với thế giới (80%), một phần đáng kể có công nghệ lạc hậu (14%) và chỉ có 6% có công nghệ cao. Các công nghệ được chuyển giao theo các dự án FDI thường là các công nghệ được đưa vào theo lợi ích của nhà đầu tư chứ không phải theo nhu cầu đổi mới công nghệ do phía Việt Nam chủ động đưa ra. Điều này sẽ hạn chế việc chuyển giao công nghệ tiên tiến cho DN nội như kỳ vọng và cam kết. Đồng thời trong các dự án FDI, một số công nghệ đã lỗi thời vẫn được bán tự do điều này đã dẫn đến tình trạng là Việt Nam vẫn đang sử dụng công nghệ cũ, lỗi thời trên thế giới. Hậu quả là một mặt gây ảnh hưởng môi trường, phía Việt Nam phải trả phí bản quyền chuyển giao công nghệ. Thứ tư, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam trước hết là vì mục tiêu lợi nhuận, hiện tượng DN FDI chuyển giá, trốn thuế vẫn diễn ra thường xuyên. Ở góc độ vĩ mô, vấn đề chuyển giá của các DN FDI gây thất thoát cho nguồn thu ngân sách quốc gia và ảnh hưởng đến nền sản xuất hàng hóa nội địa. Ở góc độ vi mô, thủ đoạn này tạo ra bất công trong cạnh tranh giữa DN FDI với DN nội địa. Chẳng hạn, một DN FDI sử dụng công cụ chuyển giá để tối ưu hóa lợi nhuận về công ty mẹ ở nước ngoài trong khi đó báo cáo thua lỗ tại quốc gia đang kinh doanh để khỏi đóng thuế và nhiều trường hợp được hoàn thuế, như vậy, DN FDI đó sẽ có nhiều nguồn lực về tài chính hơn để đầu tư 381
- vào các hoạt động tiếp thị, quảng bá. Trong khi đó, DN nội địa phải thực hiện nghĩa vụ thuế nghiêm túc hơn nên ít nhiều sẽ thua thiệt với các công ty FDI. Ngoài ra, với hiện tượng chuyển giá, trong ngắn hạn, người tiêu dùng được hưởng lợi khi mua hàng giá rẻ vì các DN FDI trong giai đoạn đầu có thể hạ giá để giành thị phần để cạnh tranh với các DN nội địa. Nhưng về lâu dài, khi họ thành công và chiếm lĩnh thị trường, người tiêu dùng sẽ bị phụ thuộc vào sản phẩm, vào giá cả mà các DN FDI đưa ra. Thứ năm, tác động tiêu cực đến môi trường. Do nhiều dự án FDI đưa vào dây chuyền công nghệ lạc hậu nên có tác động tiêu cực đến môi trường. Sự tàn phá môi trường của một số DN FDI như Công ty Vedan tại Đồng Nai, Công ty Tung Kuang tại Hải Dương, Công ty Long Tech tại Bắc Ninh... Thảm họa môi trường biển ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế do Tập đoàn Formosa gây ra là vấn đề nổi cộm trong thu hút FDI. Bên cạnh việc phá hoại môi trường là việc khai thác cạn kiệt tài nguyên. Trong thời gian vừa qua (giai đoạn trải thảm đỏ đón nhà đầu tư), đã có rất nhiều dự án đầu tư khai thác tài nguyên khoáng sản... Đây là nguồn tài nguyên không tái tạo được. Sự khai thác bừa bãi thiếu quy hoạch sẽ gây tổn thất lớn tài nguyên quốc gia. Thứ sáu, hiện mới chỉ có phần nhỏ DN Việt Nam đủ tiêu chuẩn đáp ứng được các tiêu chí về sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho các tập đoàn nước ngoài, còn lại, vẫn phụ thuộc vào khu vực FDI, điều này chứng tỏ liên kết giữa các DN còn yếu. Do đó, để nguồn vốn FDI đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế, vấn đề đặt ra là cần tăng cường liên kết giữa khu vực FDI và khu vực DN trong nước, làm sao để DN trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thứ bảy, có những DN FDI chưa bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người lao động Việt Nam, tuyển dụng lao động nước ngoài, trong đó có lao động phổ thông, không đúng quy định của pháp luật… Thực trạng này cũng khiến cho quan hệ lao động trong nhiều thời điểm trở nên căng thẳng, gây bất ổn chính trị, kinh tế - xã hội địa phương, ảnh hưởng không tốt đến môi trường kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam. 4. MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG VỐN ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI Ở VIỆT NAM Thứ nhất, cần tạo liên kết sản xuất giữa DN FDI với DN trong nước, tạo cơ hội cho DN trong nước tham gia mạng sản xuất của DN FDI. Sự kết nối giữa DN FDI và DN trong nước cũng cho phép chuyển giao công nghệ và hỗ trợ phát triển năng lực DN trong nước, đóng góp thiết thực vào tăng cường năng lực cạnh tranh của khu vực DN trong nước. Chiến lược thu hút FDI cần hướng tới lợi ích chung của quốc gia, khuyến khích các địa phương hợp tác và cạnh tranh thu hút FDI thông qua hình thành các cụm ngành không giới hạn bởi địa giới hành chính nhằm sử dụng nguồn lực hiệu quả và có trách nhiệm. 382
- Thứ hai, chủ động theo dõi, đánh giá xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI và công nghệ vào Việt Nam để có thể lựa chọn và thu hút được những dự án đầu tư phù hợp. Thúc đẩy DN trong nước, DN FDI liên kết với các tập đoàn đa quốc gia trong cụm liên kết ngành, từng bước tham gia vào các công đoạn có giá trị gia tăng cao hơn, gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa. Đồng thời khai thác có hiệu quả mối quan hệ với các đối tác chiến lược, chú trọng các nước phát triển hàng đầu thế giới, các tập đoàn xuyên quốc gia nắm giữ công nghệ nguồn, tiên tiến và trình độ quản trị hiện đại. Thứ ba, ưu tiên thu hút FDI vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo... Việc thu hút FDI từ các DN nhỏ và vừa, dự án quy mô nhỏ, siêu nhỏ cũng phải đảm bảo điều kiện nâng cấp công nghệ, gia nhập mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển công nghiệp hỗ trợ. Chủ động, theo dõi, đánh giá xu hướng dịch chuyển dòng FDI vào Việt Nam có công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ một số nước trong khu vực để có giải ngăn chặn kịp thời. Thứ tư, để kiểm soát tốt hoạt động chuyển giá, trước tiên cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tạo khung pháp lý chi phối các hoạt động kinh tế của DN FDI. Đồng thời, cơ quan thuế các cấp cần tăng cường thanh tra giá chuyển giao, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thuế. Chú trọng việc thanh tra, kiểm tra giá chuyển giao đối với các DN có nhiều thành viên; các ngành nghề có dấu hiệu rủi ro lớn về thuế do hành vi chuyển giá của DN liên kết, các DN đã và đang thực hiện tái cơ cấu có khả năng lợi dụng chuyển giá để tránh thuế. Đối với các trường hợp chuyển giá, phải có chế tài xử phạt theo hướng tăng mức phạt và hình thức phạt so với quy định hiện tại để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, có thể là tăng mức phạt tiền hoặc phạt tù không chỉ đối với DN FDI mà kể cả các công ty kiểm toán có tham gia kiểm toán báo cáo tài chính của DN trước đó. Hoạt động chống chuyển giá có thể tác động đến khả năng thu hút vốn đầu tư vào Việt Nam trong ngắn hạn theo hướng giảm số lượng dự án và vốn đầu tư, song về dài hạn sẽ nâng cao chất lượng thu hút FDI bằng việc hạn chế các nhà đầu tư không hiệu quả và tăng đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài, thu hút được các nhà đầu tư có uy tín, môi trường đầu tư Việt Nam sẽ phát triển theo hướng tích cực, lành mạnh hơn. Đã đến lúc các ngành chức năng, các địa phương cần kiên quyết và quyết liệt hơn nữa trong thực hiện các biện pháp đồng bộ chống chuyển giá, để tránh những thua thiệt khi thu hút vốn FDI. Thứ năm, xây dựng những quy định, chế tài nghiêm ngặt khi cấp phép các dự án FDI gắn với đảm bảo các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. FDI là cần thiết cho sự phát 383
- triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam, nhưng không vì thế mà trở nên dễ dãi, hạ thấp yêu cầu, tiêu chuẩn trong cấp phép các dự án FDI. Chính phủ và chính quyền các địa phương phải biết dựa trên lợi ích căn bản lâu dài của đất nước, lựa chọn đối tác, dự án phù hợp với quy hoạch chung của quốc gia, của địa phương, của ngành nghề lĩnh vực nhận đầu tư; phù hợp với định hướng phát triển bền vững của Việt Nam, không đánh đổi môi trường sinh thái để thu hút đầu tư FDI bằng mọi giá. Với những dự án có nguy cơ ô nhiễm thì việc này càng phải được chú trọng hơn. Điều quan trọng là các địa phương có dự án đến đầu tư cần có một hội đồng đánh giá được công nghệ của dự án, tác động của dự án đến môi trường. Hội đồng đó nên có những chuyên gia am hiểu về môi trường tham gia vào. Khi đó có thể chọn được những nhà đầu tư có trách nhiệm có công nghệ hiện đại, tiên tiến, không để Việt Nam trở thành “bãi rác” của những công nghệ cũ kỹ, lạc hậu. Thứ sáu, các chính sách, pháp luật về lao động, việc làm cũng cần được chú trọng, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tiền lương, tranh chấp lao động, hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể... trong khu vực FDI. Theo đó, thực hiện nghiêm túc các quy định về quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động bị sa thải; ràng buộc DN có vốn FDI phải đóng đủ bảo hiểm xã hội cho người lao động nếu muốn sa thải, hay đền bù một lần cho người lao động bị sa thải để họ tự tham gia bảo hiểm xã hội; phát triển chính sách hỗ trợ lao động để ứng phó với những vấn đề xã hội nảy sinh từ quá trình thay đổi cơ cấu sản xuất, đổi mới công nghệ của các DN có vốn FDI; nâng cao tính chuyên nghiệp cho người lao động và trách nhiệm, vai trò của công đoàn cơ sở; nghiên cứu tham khảo có chọn lọc các điều ước, công ước quốc tế, thông lệ quốc tế và kinh nghiệm của các nước trên thế giới và khu vực về quan hệ lao động để hình thành mô hình quan hệ lao động phù hợp với điều kiện Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. 5. KẾT LUẬN Những thay đổi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, mà cụ thể là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới, làm thay đổi mạnh mẽ từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh đến cách thức tiêu dùng, cách thức giao tiếp, thậm chí làm thay đổi cả nhận thức của con người. Điều này đặt ra không ít cơ hội và thách thức, nhất là đối với việc thu hút và sử dụng các dòng vốn FDI, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, để có thể thu hút vốn FDI chất lượng, hướng tới chiều sâu, cần có các giải pháp hợp lý, tận dụng tốt các xu thế hiện tại mang tính toàn cầu nhằm khắc phục những mặt hạn chế từ khu vực này, bảo đảm phát triển bền vững ở Việt Nam. 384
- TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đỗ Phú Thọ (2017); Nâng cao hiệu quả vốn FDI, ngày 23/9/2017, tải từ trang https://www.qdnd.vn/thuc-hien-hieu-qua-nghi-quyet-trung-uong-iv-khoa-xii-cua- dang/nang-cao-hieu-qua-von-fdi-518624 2. Minh Anh (2019); Nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng đầu tư nước ngoài, ngày 15/02/2019, tải từ trang http://dangcongsan.vn/thoi-su/nang-cao-hieu-qua-thu-hut- su-dung-dau-tu-nuoc-ngoai-513402.html 3. Mai Việt Anh, Vũ Bạch Điệp (2019); Chiến lược thu hút FDI: Tạo bước đột phá trong kỷ nguyên số, ngày 5/2/2019, tải từ trang http://tapchitaichinh.vn/nghien- cuu-trao-doi/chien-luoc-thu-hut-fdi-tao-buoc-dot-pha-trong-ky-nguyen-so- 302627.html 4. Nguyễn Thị Việt Nga (2018); Chiến lược thu hút FDI thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, ngày 29/12/2018, tải từ trang http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh- doanh/chien-luoc-thu-hut-fdi-thoi-ky-cach-mang-cong-nghiep-40-301334.html 5. Thúy Hiền (2018); Đổi mới phương thức thu hút và sử dụng vốn FDI, ngày 29/12/2018, tải từ trang https://bnews.vn/doi-moi-phuong-thuc-thu-hut-va-su- dung-von-fdi/109450.html 6. Văn Thị Thái Thu (2019); Thu hút vốn FDI vào Việt Nam và một số vấn đề đặt ra, ngày 7/1/2019, tải từ trang http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/thu-hut- von-dau-tu-truc-tiep-nuoc-ngoai-vao-viet-nam-va-mot-so-van-de-dat-ra- 301758.html 385
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn
0 p | 214 | 52
-
Hiệu quả sử dụng vốn ODA và các nguồn vốn vay kém ưu đãi ở Việt Nam
5 p | 159 | 20
-
Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA để phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam trong thời gian tới
6 p | 144 | 18
-
Hoàn thiện chính sách thuế đối với đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất
5 p | 20 | 9
-
Đánh giá hiệu quả sử dụng đất tại khu công nghiệp Phú Bài, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế
11 p | 35 | 9
-
Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội
8 p | 15 | 6
-
Đánh giá hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp của xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2015-2019
12 p | 20 | 6
-
Nghiên cứu, đánh giá công tác cho thuê đất và hiệu quả sử dụng đất thuê của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên 2019-2021
6 p | 14 | 6
-
Thực trạng và một số giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp ở tỉnh Nghệ An
10 p | 56 | 6
-
Nâng cao hiệu quả sử dụng đất ở cho công nhân tại khu công nghiệp Thăng Long trên địa bàn xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội
6 p | 48 | 4
-
Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước cho đầu tư kết cấu hạ tầng
3 p | 72 | 4
-
Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng và khai thác nhãn hiệu chứng nhận “bún bò huế” hiện nay
13 p | 15 | 4
-
Hiệu quả sử dụng ODA các tỉnh tiểu vùng Tây Bắc Việt Nam
13 p | 54 | 3
-
Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong các doanh nghiệp nhà nước
3 p | 75 | 3
-
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng quy định của bộ luật hình sự về tội chứa mại dâm và môi giới mại dâm trong đấu tranh phòng chống tội phạm
5 p | 71 | 2
-
Đánh giá về hiệu quả sử dụng ODA các tỉnh tiểu vùng Tây Bắc, Việt Nam
20 p | 2 | 1
-
Nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật hình sự đối với tội cướp tài sản
12 p | 4 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn