intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong Truyện dài viết cho tuổi mới lớn của Nguyễn Nhật Ánh

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

10
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Truyện viết cho tuổi mới lớn của Nguyễn Nhật Ánh có vai trò quan trọng trong việc giáo dục toàn diện nhân cách, bồi dưỡng những phẩm chất đạo đức tốt đẹp cho các em. Bài viết sau đây sẽ tìm hiểu về nhệ thuật xây dựng nhân vật trong Truyện dài viết cho tuổi mới lớn của Nguyễn Nhật Ánh.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong Truyện dài viết cho tuổi mới lớn của Nguyễn Nhật Ánh

  1. NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN DÀI VIẾT CHO TUỔI MỚI LỚN CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH Nguyễn Thị Thanh Xuân 1 1. Khoa Sư phạm, Trường Đại học Thủ Dầu Một TÓM TẮT Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn quen thuộc và yêu thích của các em thiếu nhi và đặc biệt là lứa tuổi mới lớn, cùng với các cây bút trẻ hiện đại, cái tên Nguyễn Nhật Ánh nổi bật như một thương hiệu uy tín mà giới trẻ mến mộ. Với sự nắm bắt tinh tế tâm lí của tuổi thiếu nhi, đặc biệt là tuổi mới lớn, các nhân vật trong truyện dài của ông được xây dựng rất gần gũi với bạn đọc cùng lứa tuổi. Nội tâm và hành động của nhân vật cũng được miêu tả hết sức chân thật và sâu sắc, đó là những cô bé, cậu bé tuy có những tính cách khác nhau nhưng giàu lòng nhân ái, tâm hồn nhiều mơ mộng, đa cảm và đam mê khám phá. Mỗi câu chuyện kể đều đem đến cho bạn đọc những bài học triết lí vô cùng ý nghĩa, là món ăn tinh thần không thể thiếu để nuôi dưỡng sự phát triển nhân cách cho các em. Truyện viết cho tuổi mới lớn của Nguyễn Nhật Ánh có vai trò quan trọng trong việc giáo dục toàn diện nhân cách, bồi dưỡng những phẩm chất đạo đức tốt đẹp cho các em. Từ khóa: Nguyễn Nhật Ánh, nhân vật, nghệ thuật, tuổi mới lớn, truyện dài 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi và lứa tuổi mới lớn, trong suốt chặng đường sáng tác gần 30 năm, nhà văn đã đóng góp nhiều tác phẩm có giá trị cho nền văn học Việt Nam hiện đại. Nguyễn Nhật Ánh được bầu chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975 -1995) và sau đó được Hội nhà văn thành phố Hồ Chí Minh chọn là một trong 20 nhà văn trẻ tiêu biểu. Cả cuộc đời lao động nghệ thuật, Nguyễn Nhật Ánh không chỉ làm tròn trách nhiệm của một nhà văn cho thiếu nhi mà còn là một “trụ đỡ tinh thần” vững chắc với các bạn trẻ. Với lối viết văn đơn giản, chân thật pha chút hài hước, dí dỏm, truyện dài viết cho tuổi mới lớn của Nguyễn Nhật Ánh luôn làm sống lại những kỉ niệm đẹp trong lòng bạn đọc về thời học sinh của mình. Ông không chỉ là nhà văn mà còn có vai trò như một nhà giáo dục của giới trẻ, cùng với bố mẹ, thầy cô của các em, là trụ đỡ tinh thần quan trọng. “Văn anh không chỉ làm rung động những trái tim trẻ hôm nay mà có cảm tưởng người đọc sau trăm năm nữa vẫn sẽ có được một Nguyễn Nhật Ánh đồng hành với ký ức tuổi thơ của mình” (Nguyễn Thụy Anh, 2015). Các sáng tác của nhà văn góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, phát triển nhân cách và khơi nguồn tri thức cho bạn đọc, tạo nên sự đồng cảm sâu sắc với bao thế hệ. Từ những câu chuyện gần gũi với đời sống hằng ngày mang những ý nghĩa triết lý về cuộc sống, các em được trau dồi và học hỏi thêm những kinh nghiệm cho bản thân. Nhân vật trong các truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh dành cho tuổi mới lớn là các cô cậu tuổi học trò cấp hai, cấp ba, họ tự vẽ nên những câu chuyện tình lãng mạn trong suy nghĩ nhiều 296
  2. hơn và bắt đầu chuyển biến tâm lý phức tạp hơn cả. Đó có thể là anh chàng lớp 12 tên Khoa trong truyện Những cô em gái với trạng thái yêu đương đến mất trọng lượng, anh chàng học trò Chương trong truyện Còn chút gì để nhớ cứ say đắm nụ cười của Quỳnh hay cảm giác của Ngạn trong Mắt biếc là một cảm giác tiếc nuối, một nỗi nhớ khắc khoải đôi “mắt biếc” của cô bạn thuở thiếu thời. Sở dĩ văn học tuổi mới lớn của Nguyễn Nhật Ánh chiếm vị trí cao trong lòng bạn đọc là vì người đọc luôn tìm thấy mình trong đó, đặc biệt, các em dễ dàng tiếp nhận và cảm thấy thỏa mãn khi những trang văn chạm đến tâm tư tình cảm của mình. Các em như bước vào thế giới của chính mình, tìm tòi và khám phá những cung bậc cảm xúc của một lứa tuổi đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời. Các nhân vật mới lớn thường có những rung động đầu đời xen lẫn với lí tưởng cao đẹp của tuổi trẻ trong môi trường sinh hoạt với cộng đồng xã hội hoặc trong đời sống hằng ngày. 2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1. Phương pháp tiếp cận thi pháp học Dựa vào các đặc điểm thi pháp để nghiên cứu và đi sâu phân tích các khái niệm liên quan đến nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện dài viết cho tuổi mới lớn của Nguyễn Nhật Ánh. Phương pháp này cũng được chúng tôi sử dụng xuyên suốt trong bài viết. 2.2. Phương pháp hệ thống – cấu trúc Các truyện dài viết cho tuổi mới lớn của Nguyễn Nhật Ánh được nghiên cứu với tư cách là chỉnh thể nghệ thuật, nghiên cứu các yếu tố cụ thể trong tương quan hệ thống để làm nổi bật đặc trưng nghệ thuật và phong cách của tác giả. 2.3. Phương pháp phân tích – tổng hợp Sử dụng các phương pháp nghiên cứu phân tích, tổng hợp, xem xét các tài liệu, các văn bản về mặt lý luận có liên quan, từ đó lý giải từng vấn đề trong tác phẩm của nhà văn. Tổng hợp khái quát những nét tiêu biểu về nghệ thuật xây dựng nhân vật của Nguyễn Nhật Ánh. 3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN 3.1. Khái niệm nhân vật văn học và văn học tuổi mới lớn 2.1.1. Khái niệm nhân vật văn học Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Nhân vật văn học là con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học. Nhân vật văn học có tên riêng (Tấm, Cám, Chị Dậu, anh Pha), cũng có thể không có tên riêng như thằng bán tơ, một mụ nào trong truyện Kiều. Trong truyện cổ tích, ngụ ngôn, đồng thoại, thần được đưa ra để nói chuyện con người. Khái niệm nhân vật văn học có khi được sử dụng như một ẩn dụ, không chỉ một con người cụ thể nào cả, mà chỉ một hiện tượng nổi bật nào đó trong tác phẩm” (Lê Bá Hán, 2007). Theo Hà Minh Đức trong Giáo trình Lý luận văn học: “Nhân vật trong văn học là một hiện tượng mang tính ước lệ, đó không phải là sự sao chụp đầy đủ mọi chi tiết biểu hiện của con người mà chỉ là sự thể hiện con người qua những đặc điểm điển hình về tiểu sử, nghề nghiệp, tính cách, v.v…” (Hà Minh Đức, 1999). 297
  3. Thế giới nhân vật trong truyện viết cho tuổi mới lớn của Nguyễn Nhật Ánh là những cô cậu học sinh hồn nhiên, trong sáng nhưng cũng không kém phần cá tính và cũng rất tinh nghịch, hài hước, dí dỏm. Bên cạnh đó, khi đi vào khám phá các nhân vật ở độ tuổi này, bạn đọc còn thấy được những chiều sâu bên trong tâm hồn non nớt lần đầu biết rung động, biết suy nghĩ về tình yêu, về những vấn đề mới lạ trong cuộc sống. Nhân vật trong truyện Nguyễn Nhật Ánh không bị ràng buộc bởi một sợi dây vô hình nào cả mà trái lại rất tự do, gần gũi và chân thật như một người bạn cùng lứa, đồng hành cùng bạn đọc qua từng trang văn. 2.1.2. Văn học tuổi mới lớn Thuật ngữ Văn học tuổi mới lớn và việc định hình dòng văn học này cũng như việc định hình lứa tuổi mới lớn đều chỉ mang tính tương đối. Theo tác giả Võ Văn Nhơn trong bài Văn học tuổi mới lớn ở Việt Nam (2021), thì “tuổi mới lớn là giai đoạn quá độ từ trẻ con thành người lớn. Vì vậy, những thay đổi về tâm sinh lý, những cảm xúc và trải nghiệm mà một thiếu niên trải qua sẽ có những cách biệt rất lớn nếu so với khi họ là nhi đồng và khi là người trưởng thành. Suốt một thời gian dài, người lớn đều xếp tuổi mới lớn chung hạng với tuổi nhi đồng. Thiếu niên, do đó, luôn bị coi là những đứa trẻ không hơn không kém, vẫn còn non nớt, yếu đuối, dễ bị tổn thương nên rất cần sự bảo bọc và che chở” (Võ Văn Nhơn, 2021). Nghiên cứu từ các tác giả ở nước ngoài và Việt Nam, tác giả Võ Văn Nhơn tiếp tục đưa ra cách hiểu về khái niệm Văn học tuổi mới lớn “là dòng văn học lấy hình tượng thiếu niên là trung tâm phản ánh và hướng đến đối tượng độc giả chủ yếu là thiếu niên, những người trong độ tuổi từ 12 đến 18 tuổi. Ở đó, thiếu niên được xây dựng với tư cách là nhân vật chính hay nhân vật trung tâm. Nhân vật này phải đối diện và giải quyết những thách thức mà đời sống tuổi mới lớn đặt ra để từ đó khám phá chính mình và nhìn ra thế giới” (Võ Văn Nhơn, 2021). Còn trong bài viết Đặc điểm nghệ thuật của một số tác phẩm văn xuôi viết cho tuổi mới lớn (2021), tác giả Nguyễn Đức Toàn đã đưa ra khái niệm chung như sau: “Văn học tuổi mới lớn được định danh trước hết dựa trên đối tượng phản ánh khu biệt của tác phẩm. Đây được coi là yếu tố nòng cốt làm nên sự khác biệt của dòng văn học này với các sáng tác khác. Theo nghĩa hẹp, văn học tuổi mới lớn bao gồm những tác phẩm văn học dành cho độc giả thanh thiếu niên từ 13 đến 19 (còn gọi là độ tuổi teen). Từ đó, những tác phẩm này dung chứa trong nó những đặc điểm riêng về tâm lý lứa tuổi. Ở giai đoạn này, các em phải đối diện với sự trưởng thành của bản thân về mặt sinh lý cũng như những biến động trong tâm tư, tình cảm. Biết bao vấn đề nhạy cảm, phức tạp diễn ra ở lứa tuổi “ẩm ương”, “chanh cốm” cần được phản ánh trong các sáng tác. Theo nghĩa rộng, văn học tuổi mới lớn là những sáng tác viết về tuổi mới lớn và liên quan đến tuổi mới lớn. Đây là yêu cầu bắt buộc xét về nội dung được biểu hiện” (Nguyễn Nhật Ánh, 1989). Từ các nghiên cứu trên và căn cứ vào thực tiễn văn học sáng tác cho tuổi mới lớn chúng ta có thể hiểu rằng Văn học tuổi mới lớn thường hướng đến nhân vật là các em học sinh cấp 2, cấp 3 với lứa tuổi từ khoảng 13 đến 18 tuổi, lứa tuổi có sự thay đổi khá nhiều về mặt cảm xúc và suy nghĩ. Những câu chuyện về tuổi mới lớn thường đề cập đến những tháng năm đẹp đẽ của đời người với tình bạn gắn kết, tình yêu thương của cha mẹ, thầy cô và cả những rung cảm đầu đời ngây ngô nhưng trong sáng, hồn nhiên của lứa tuổi học trò. Nhân vật trong các tác phẩm viết cho lứa tuổi mới lớn thường là những cô cậu học sinh bên cạnh việc học tập còn có những niềm vui riêng, những đam mê khám phá riêng. Nếu niềm vui của các nhân vật ở lứa tuổi nhi 298
  4. đồng là các trò chơi dân gian, những câu chuyện cổ tích thần kì thì niềm vui của tuổi mới lớn lại là những thú vui như làm thơ, sáng tác, mơ mộng cũng như những trò nghịch ngợm nhưng đầy lãng mạn với câu chuyện yêu đương. Tuổi mới lớn là lứa tuổi đầu thanh niên có nhiều thay đổi về mặt tâm sinh lý, nhân cách cũng như về mặt nhận thức cuộc sống. Tìm hiểu về tuổi mới lớn ta sẽ như bước vào một thế giới cảm xúc đầy phức tạp, muôn hình muôn vẻ. Các em ở lứa tuổi này bắt đầu nhạy cảm hơn và nảy nở những tình cảm thầm kín giữa nam nữ, gọi đó là mối tình đầu. Những cảm xúc vui, buồn, hờn, ghen khiến các em dễ xúc động, dễ rung cảm. Vì thế, đề tài về tuổi mới lớn luôn là đề tài được tìm hiểu và khai thác trong văn học nghệ thuật nhằm góp phần nhận thức đúng đắn về lứa tuổi vị thành niên, phản ánh đời sống và tâm tư tình cảm của các em mà người lớn cần thấu hiểu và quan tâm các em hơn. 3.2. Khắc họa chân dung tuổi mới lớn nhiều mộng mơ, hồn nhiên, tinh nghịch Với nghệ thuật khắc họa chân dung nhân vật một cách tinh tế dù chỉ với những chi tiết rất nhỏ, Nguyễn Nhật Ánh đã khiến các nhân vật in đậm dấu ấn trong lòng bạn đọc với sự hồn nhiên, tinh nghịch và tâm hồn đầy mộng mơ của lứa tuổi học trò. Nội dung truyện viết cho tuổi mới lớn không phải là những câu chuyện nào xa vời mà lại là những câu chuyện rất đời thường pha lẫn sự hóm hỉnh, hồn nhiên mà cảm động sâu sắc. Quan tâm tới lứa tuổi mới lớn, nhà văn thường khai thác những câu chuyện liên quan tới đời sống tinh thần của các em nhiều hơn, đó là điểm nổi bật trong nghệ thuật khắc họa chân dung nhân vật của ông. Ta có thể bắt gặp một tình bạn đẹp như tình bạn của Kim Dung với anh chàng học sinh từ quê lên trong Còn chút gì để nhớ, tình bạn của Đăng với nhỏ Thắm trong Cây chuối non đi giày xanh hay tình bạn của các “thi sĩ” trong nhóm bút “Mặt trời khuya” trong truyện Lá nằm trong lá của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đầy thơ mộng đến nhường nào. Những thay đổi ở tâm lý và những vấn đề phức tạp của các em được phản ánh trong truyện một cách chân thật và gần gũi. Chính vì vậy mà trong thời đại đổi mới, dù xuất hiện những món ăn tinh thần khác nhưng những cậu chuyện dài dành cho tuổi mới lớn của Nguyễn Nhật Ánh vẫn luôn mang tới sự hấp dẫn và sự tò mò khám phá của biết bao bạn đọc. Những câu chuyện, tình huống truyện đã dẫn dắt người đọc vào một thế giới trong sáng, bay bổng và cũng tràn đầy mơ mộng của tuổi trẻ. Trở về với những miền kí ức, bước vào khoảng trời của tuổi biết buồn với những bâng khuâng rung cảm đầu đời, Nguyễn Nhật Ánh đã đưa ra những câu hỏi quen thuộc, những câu hỏi mà dường như ai cũng từng đối diện ít nhất một lần trong đời khiến cho độc giả niên thiếu khâm phục vì nhà văn đi guốc trong bụng. Khi nhắc đến truyện dài Cây chuối non đi giày xanh, tên truyện đã khiến cho bạn đọc thắc mắc “cây chuối” ấy có ý nghĩa gì. Mở đầu tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh mở ra cho người đọc câu chuyện giữa Đăng và Thắm, ta mới nhận ra Thắm chính là nhân vật được khắc họa với chân dung như một “cây chuối non” trên đôi giày xanh trong đôi mắt đầy mộng mơ và tinh nghích của Đăng. Đăng ghét màu đỏ, mỗi lần nhìn cô Sa, Đăng lại ám ảnh: “Môi son của cô Sa vô tình gợi tôi nhớ đến cái miệng đỏ quạch những vệt trầu của ông. Suốt thời thơ ấu dài lâu, vẻ mặt đe dọa của ông Cứ đã không ngừng ám ảnh tôi” (Nguyễn Nhật Ánh, 2018). Đăng chuyển sang thích màu xanh, đặc biệt là màu xanh lá cây của chiếc áo Thắm mặc: “Tao chỉ ghét màu xanh da trời. Còn chiếc áo của mày là màu xanh lá cây. Tao là tao thích màu xanh lá cây nhất hạng!” (Nguyễn Nhật Ánh, 2018). Từ đấy, khi nghe Đăng bảo thích nhất màu xanh, Thắm về vòi mẹ mua cho mình một đôi giày xanh lá: “Đăng thấy gì không? Tôi nhìn theo tia nhìn của 299
  5. nó, “à” lên một tiếng: Ra là mày có giày mới! Giày mới của mình màu gì? Tôi “à” lần thứ hai, lần này giống một tiếng reo hơn: Màu xanh lá cây” (Nguyễn Nhật Ánh, 2018). Được khen, Thắm sung sướng “xoay người vòng tròn trên đôi chân” (Nguyễn Nhật Ánh, 2018). Khiến Đăng bất giác có cảm giác rung động. “Đó là đôi giày vải mềm, cổ cao, có hai quai dán vắt ngang phía trước, đính thêm một chiếc nơ hình cánh bướm bên trên. Mỗi lần nhỏ Thắm tung tăng trên đôi giày xanh (có hôm nó mặc cả áo xanh, chỉ thiếu chiếc nón xanh nữa thôi là nó giống hệt một cây chuối non), lòng tôi dậy lên một cảm giác êm đềm” (Nguyễn Nhật Ánh, 2018). Và hình ảnh “cây chuối non” ấy luôn in đậm trong tâm trí của Đăng đến mãi sau này, đó là hình ảnh của một cô bé ngây thơ, hồn nhiên và trong sáng như một cây chuối non mới lớn, vẫn còn giữ cho mình một màu xanh tươi mát và tràn đầy sức sống. Thắm cũng vậy, cô gái chính là người khiến cho trái tim Đăng nhộn nhịp và tràn đầy yêu thương. Tác phẩm Mắt biếc vừa là tên của truyện cũng vừa là biểu tượng chỉ đôi mắt của cô bạn Hà Lan khiến cho Ngạn say đắm và nhớ nhung mãi. Ngay từ lúc còn đi học cùng nhau ở lớp thầy Phu, Hà Lan đã để lại nhiều ấn tượng với Ngạn: “Hà Lan thường đưa tay lên vén tóc hất qua vai cũng đặc biệt không kém và những cú liếc xéo của nó bao giờ cũng khiến tôi trố mắt nhìn.” (Nguyễn Nhật Ánh, 1990). Tuy nhiên, điều đặc biệt mà Ngạn thích nhất ở Hà Lan lại là đôi mắt, Mắt Biếc cũng là cái tên mà anh gọi Hà Lan: “Nhưng sức mạnh Hà Lan nằm ở đôi mắt. Đôi mắt có hàng mi dài, lúc nào cũng mở to, hồn nhiên và ngơ ngác. Đôi mắt lúc bấy giờ đã khiến tôi buộc lòng đổi chỗ với thằng Ngọc và sau này đôi mắt đó làm khổ tôi ghê gớm.” (Nguyễn Nhật Ánh, 1990). Mặc dù Hà Lan nhiều lúc bướng bỉnh, nhiều lần sự ngang ngạnh vô lý của cô gái khiến Ngạn giận phát khóc nhưng anh vẫn buồn bã và nhớ nhung. Chính anh cũng nhận mình rằng: “Số tôi thế, yếu đuối và dễ mềm lòng, ngay từ nhỏ tôi đã biết thế nào là… khổ vì phụ nữ. Lớn lên tình trạng tôi càng tệ hơn” (Nguyễn Nhật Ánh, 1990). Tuy nhiên Ngạn vẫn luôn yêu quý đôi mắt ấy, yêu quý cả cô bạn gái đầu tiên của anh bằng một tình cảm trong veo và ấm áp và cũng đầy mộng mơ. “Hồi nhỏ, tôi thích nhìn vào đôi mắt của Hà Lan, soi mình trong đó… Lớn lên, đôi mắt của Hà Lan lại gợi tôi nghĩ đến bầu trời và dòng sông, đến những giấc mơ dịu dàng của tình yêu và khi đó tôi không còn đủ can đảm để nhìn lâu vào đôi mắt nó như ngày xưa thơ dại” (Nguyễn Nhật Ánh, 1990). Ngạn luôn thể hiện tình cảm của mình qua những câu hát anh viết cho Hà Lan, có cả bài Mộng dưới hoa anh viết về đôi mắt: “Mắt em là bóng dừa hoang dại/ Âu yếm nhìn tôi không nói năng” (Nguyễn Nhật Ánh, 1990). Người ta thường ví von đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, nhìn vào đôi mắt ta có thể biết được tâm hồn của một người. Hà Lan trong mắt Ngạn dưới ngòi bút của Nguyễn Nhật Ánh là một cô gái trong trắng, hồn nhiên và cũng thật ngây thơ nhưng nó lại soi sáng và sưởi ấm trái tim của người khác. Chính đôi mắt của Hà Lan đã cướp đi trái tim của Ngạn, Ngạn cho nó là ánh trăng, “trăng đêm nào treo trên đường làng. Như bóng trăng đi vào giấc ngủ tôi, treo ở đó, suốt đời” (Nguyễn Nhật Ánh, 2016). Nhân vật Miền trong Ngày xưa có một chuyện tình tuy không được khắc họa như một cô gái có nhan sắc nổi bật nhưng lại khiến bạn đọc cảm nhận được đây là một cô gái đáng yêu, dịu dàng với tâm hồn mộng mơ, trong sáng, hồn nhiên nhưng cũng đầy tinh nghịch. Miền đã cướp đi trái tim của Vinh và Phúc. Mặc dù trong mắt Phúc, Miền không xinh đẹp nhưng lại có duyên: “Có dịp ngắm nhỏ Miền lâu lâu một chút, tôi chợt nhận ra con nhỏ này là đứa con gái có duyên ngầm mặc dù làn da nó có hơi ngăm ngăm. Ở lớp, nhỏ Miền có vẻ ủ rũ, hầu như không bao giờ cười nhưng hôm đó nó vui vẻ và cười nhiều hơn thường ngày, nhờ vậy tôi phát hiện nó có hàm răng trắng ơi là trắng. Hai chiếc răng cửa của nó hơi to nhưng chẳng có hề gì. Xét về 300
  6. mặt thẩm mỹ, hai chiếc răng đó càng giúp nó duyên dáng hơn vì trông nó giống hệt một con thỏ con” (Nguyễn Nhật Ánh, 2016). Và những điều ấy khiến Phúc chú ý đến Miền nhiều hơn: “Hôm đó tôi bắt gặp mình tò mò quan sát vẻ rạng rỡ trên gương mặt bầu bĩnh của nó. Hơn cả niềm vui, điều toát ra trong đôi mắt long lanh của nhỏ Miền khi nó rón rén sờ tay lên từng gáy sách gần như là sự thành kính. Hình ảnh đó làm tôi ngạc nhiên kinh khùng và tôi bắt đầu nghĩ về nó khác đi” (Nguyễn Nhật Ánh, 2016). Chính vẻ đẹp tự nhiên và sự chân thành của Miền đã phá vỡ mọi suy nghĩ bấy lâu nay của Phúc: “Đánh bạn với Miền, tôi ngạc nhiên nhận ra ngoại hình của một đứa con gái là thứ tưởng như nhìn thoáng qua là đánh giá và xếp hạng được ngay, hóa ra đó là một nhận định vội vàng và hết sức sai lầm. Nhan sắc của một đứa con gái là thứ có thể đẹp dần lên mỗi ngày trong mắt một đứa con trai nếu đứa con trai đó thường xuyên tiếp xúc với đứa con gái đó” (Nguyễn Nhật Ánh, 2016). Vẻ đẹp hồn nhiên, trong trẻo xuất phát từ tâm hồn đẹp đẽ ấy đã khiến cho cả Phúc và Vinh phải rung động. Truyện của Nguyễn Nhật Ánh khiến nhiều độc giả kể cả tuổi trưởng thành cũng tìm đến để được sống lại với kí ức tuổi trẻ, tìm lại cảm giác của thứ tình cảm ngây ngô tuổi học trò. Những cảm xúc vui, buồn của tình yêu tuổi mới lớn với ngôn từ gần gũi, trong sáng, nên thơ cũng đóng góp rất lớn vào sự thành công của nhà văn. Một trong bốn nàng thơ của các thi sĩ trong truyện Lá nằm trong lá, Xí Muội là cô nàng được khắc họa với một chân dung vừa đáng yêu lại vừa tinh nghịch đậm chất của một cô bé mới lớn. “Trong bốn nàng thơ, Xí Muội là đứa xinh nhất. Mắt nó to ơi là to, miệng nó cười tươi và hiền, lại khoe răng khểnh trông duyên tệ. Tất nhiên bọn tôi thích kéo lên chơi nhà Xí Muội không phải vì nhan sắc của nó, đơn giản vì nó là nàng thơ của thằng Sơn” (Nguyễn Nhật Ánh (2011), Xí Muội luôn thân thiện với bạn bè và hay mời các bạn cùng đến nhà bày đủ trò như đi dã ngoại, hết nướng khoai đến nấu chè, hết nhổ đậu phộng, bẻ mía đến câu cá. Vì để giấu đi danh phận của Lợi mà Xí Muội nhận thay Lợi bút danh Mã Phú và vô tình trở thành thần tượng của nhiều bạn. Tuy nhiên cô gái này cũng có những cảm xúc hờn giận, ghen tuông của một cô gái mới lớn khi biết Sơn giấu ảnh của Nguyệt, em gái mình trong bóp, Xí Muội giận dỗi bỏ đi. Hình ảnh cô gái mới lớn vừa năng động nhưng cũng vừa hồn nhiên, tinh nghịch với tâm hồn nhạy cảm khiến cho bạn đọc dường như bắt gặp ít nhiều hình ảnh của mình trong nhân vật. Trong các tác phẩm của mình, Nguyễn Nhật Ánh luôn tìm cho bản thân cũng như các nhân vật mình sự bình thường hóa các vấn đề trong cuộc sống và sau đó chọn cách giải quyết nó bằng việc chấp nhận sự thật. Ông đã nói: “Tôi quan niệm cuộc đời con người vốn có lắm nỗi éo le, chẳng việc gì mình phải ‘bi kịch hóa’ nó thêm lần nữa. Nhìn mọi sự bằng con mắt hài hước, tôi cho rằng chúng ta sẽ thấy yêu đời hơn, vượt qua những nghịch cảnh cũng dễ dàng hơn” (Nguyễn Nhật Ánh, 2015). Vì vậy, không phải truyện nào ông viết cũng có kết thúc đẹp như cổ tích nhưng các tác phẩm của ông lại mang tính dí dỏm, hài hước và yêu đời. Bên cạnh vẻ đẹp của những nhân vật trên, hình ảnh cậu bé Tường trong truyện Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh hiện lên vừa trong trẻo nhưng cũng không kém phần tinh nghịch. Trong mắt Thiều, “Tường là một thằng nhóc đẹp trai. Nó đẹp ngay từ khi còn bé. Tường mang khuôn mặt thanh mảnh của mẹ tôi và đôi mắt to với cặp lông mi dài của ba tôi. Tóc nó dày, mịn như tơ, da trắng hồng, miệng rộng với hàm răng trắng và đều tăm tắp như những viên đá cuội được mài giũa và sắp xếp cẩn thận. Mỗi khi Tường cười có cảm giác khuôn mặt nó đang tỏa sáng.” (Nguyễn Nhật Ánh, 2010). Chân dung Tường hiện lên thật hồn nhiên và trong veo như một 301
  7. thiên thần, chính vẻ đẹp ấy đã “đem lại cho người đối diện niềm vui khó giải thích” (Nguyễn Nhật Ánh, 2010). Niềm vui ấy không chỉ do xuất phát từ gương mặt mà còn qua những việc cậu bé làm với anh hai mình. Tường luôn tìm hết trò chơi này đến trò chơi khác để tạo niềm vui: “Hay mình hái nhụy hoa phượng chơi trò đá gà đi, anh rồi lại chơi ném đá” (Nguyễn Nhật Ánh, 2010). Bên cạnh đó, dù học hành ì ạch nhưng cậu bé lại ham đọc sách và hay ngồi thõng chân lên thành giếng hay vắt vẻo trên cành ổi sau vườn. Những điều ấy đã dựng lên trong mắt người đọc một nhân vật Tường tinh nghịch nhưng cũng rất hồn nhiên và vô tư. Sự tinh nghịch và hồn nhiên ấy ta còn bắt gặp ở hình ảnh của những cô gái trong truyện dài Nữ Sinh. Khi chưa nhận ra thầy Gia là một giáo viên, Xuyến, Cúc Hương, Thục ở lứa tuổi mới lớn này luôn bày trò tìm cách để chọc anh chàng. Các cô gái bị thu hút bởi vẻ đẹp của anh chàng trẻ, đẹp trai và tìm cách tiếp cận, trò chuyện chứ không hề e dè, thẹn thùng. Họ không ngại ngùng cho việc yêu cầu anh chàng Gia trả tiền giúp ba ly chè: “Anh chậm hiểu quá! Ý nó muốn hỏi là anh có thể trả tiền cho ba ly chè này không. Anh cũng cười: Được thôi! Để đó tôi trả cho! Thấy anh đồng ý ngay như vậy, Xuyến nhận xét: Anh chỉ mắc tội chậm hiểu thôi. Nhưng khi hiểu ra, anh trả lời không đến nỗi chậm lắm! Từ trước đến nay chưa có ai được vinh dự trả tiền cho bọn này như anh đâu!” (Nguyễn Nhật Ánh, 1989). Tuy hay nghịch ngợm nhưng các cô nàng lại là những học sinh giỏi văn, toán nhất lớp, đặc biệt là Xuyến, với tư cách là một lớp trưởng nhưng bên cạnh việc gương mẫu, cô cũng là người chuyên bày trò với các bạn. Những việc làm của các cô luôn khiến cho anh Gia cảm thấy sự tinh nghịch ấy lại dễ thương chứ không hề đáng trách. Anh cũng hiểu rằng đấy là lứa tuổi bắt đầu có những thay đổi về tính cách cũng như suy nghĩ. “Anh nghĩ thầm và khẽ ngước nhìn ba cô gái đang ngồi ríu rít trước mặt bằng ánh mắt trìu mến. Họ là những học sinh ưu tú. Chỉ có mỗi cái tội nghịch phá, trời cũng sợ!” (Nguyễn Nhật Ánh, 1989). Sự tinh nghịch và năng động, đáng yêu của các cô nữ sinh được khắc họa một cách chân thật, trái lại với hình ảnh những cô gái nhu mì mới lớn trong văn học trước đây. Đó là những nhân vật tinh nghịch, lắm trò, hài hước và tràn đầy mơ mộng, suy nghĩ sâu sắc. Đây cũng là một đặc trưng của văn học hiện đại sau 1986 với nhu cầu văn chương nói thẳng, nói thật, khai phá những góc nhìn mới ở con người. Với tài năng khắc họa chân dung các nhân vật độc đáo, không phô trương mà lại chân thật, gần gũi, Nguyễn Nhật Ánh đã đánh vào trúng tâm lý của các bạn đọc cùng lứa tuổi. Cùng với sự phát triển và đổi mới của văn học hiện đại, với quan niệm sáng tác về đời tư, đề cao phản ánh con người và nhu cầu nói thẳng, nói thật, truyện dài Nguyễn Nhật Ánh đã đánh dấu nhiều sự thành công cho văn học dân tộc. 3.3. Khắc họa tính cách và tâm lí nhân vật tuổi mới lớn đa cảm, giàu cá tính Nếu như ở giai đoạn văn học trước 1975, các tác phẩm dành cho thiếu nhi và lứa tuổi mới lớn thường chú trọng vào mảng đề tài cách mạng, anh hùng hóa các nhân vật thì văn học hiện đại lại đổi mới, đi vào khía cạnh cuộc sống đời thường của nhân vật. Ta có thể thấy được những người anh hùng trẻ tuổi như Việt và Chiến trong tác phẩm Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi) là những đứa trẻ gan dạ, xung phong đi đánh giặc để trả thù cho ba má, cho tổ quốc mặc dù chưa đến tuổi để đi tòng quân. Hai nhân vật đều có nét trẻ con hồn nhiên nhưng cũng đầy khí chất của những người anh hùng trẻ tuổi. Nhớ lại tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, các nhân vật trẻ tuổi cũng được miêu tả như thế. Bé Heng, Dít, Tnú và Mai khi còn nhỏ cũng được khoác lên mình những suy nghĩ, hành động như người lớn với trách nhiệm 302
  8. cao cả của dân tộc. Những anh hùng trẻ tuổi ấy sống và phục vụ cho kháng chiến để bảo vệ buôn làng. Đến với văn học giai đoạn sau 1975, đặc biệt sau thời kỳ đổi mới 1986, tính cách và tâm lý của các bạn trẻ tuổi mới lớn lại được khắc họa thông qua cuộc sống đời thường và gắn với những câu chuyện xảy ra hằng ngày với làng quê, bạn bè, thầy cô, gia đình. Đặc biệt với các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhân vật tuổi mới lớn được khắc họa một cách chân thật và gần gũi với các em trong xã hội hiện đại. Văn chương của ông có sự trẻ trung, tươi mới, có sự giải trí lành mạnh, bồi dưỡng cảm xúc, kiến thức và kỹ năng sống cho con người. Các tác phẩm cũng như nghệ thuật miêu tả nhân vật của ông không sử dụng những kỹ thuật viết phức tạp, đánh bóng từng con chữ mà nó lại mang vẻ đẹp rất đời thường với cả đề tài về tuổi thơ hay tình yêu nhẹ nhàng của tuổi mới lớn. Đến với truyện Cô gái đến từ hôm qua, người đọc bắt gặp một anh chàng Thư giàu cá tính nhưng cũng vừa hồn nhiên đến ngốc nghếch cùng “vua trích dẫn”. Nếu Hải gầy bày đủ trò để tạo ấn tượng và bày tỏ tình cảm với Việt An thì anh chàng Thư lại học cách cười, tìm cách nói chuyện với Việt An bằng cách vẩy mực vào áo cô gái rồi lại chép thơ Nguyễn Bính vào quyển sách mà cô cho mượn. Hết lần này đến lần khác, Thư luôn nghe theo lời Hải gầy mặc dù anh chàng Hải gầy toàn lôi mớ chữ nghĩa sách vở ra để phân tích chuyện tình đơn phương của Thư. Bình thường nghịch ngợm là thế nhưng Thư lại nhút nhát không dám gửi bức thư tình cho Việt An mà phải nhờ đến thằng bạn Hải gầy còn mình thì leo lên trên thùng xe để quan sát tình hình: “Tôi vẫn căng mắt ra hồi hộp theo dõi diễn biến cuộc gặp gỡ “định mệnh” kia, cổ nghẹn lại như xem phim trinh thám” (Nguyễn Nhật Ánh, 1989). Vì mãi thực hiện nhiệm vụ trinh thám của mình mà chiếc xe Thư đang nấp ở trên đột ngột chuyển bánh: “Lúc đó, chẳng còn đầu óc đâu mà suy nghĩ đến chuyện lá thư, tôi chỉ lo làm sao dán mình xuống sàn xe thật sát, thật mỏng, mỏng như tờ giấy pơ – luya càng tốt, mặc kệ quần áo lấm lem và đủ thứ mùi hôi hám xộc vào mũi” (Nguyễn Nhật Ánh, 1989). Khi chiếc xe chở Thư đến một đoạn đường xa thì anh tài xế mới phát hiện có người, bỏ Thư ở đồng không mông quạnh. Anh chàng đa cảm chỉ còn cách đi bộ về nhà với những mộng tưởng đầy ảo vọng: “Tôi lê bước thất tha thất thểu giữa trời nắng chang chang, áo quần xốc xếch như một tên du thủ du thục. Nếu Việt An bắt gặp tôi trong tình cảnh này, chắc nó sẽ xúc động rưng rưng nước mắt và chạy lại ôm tôi hôn lấy hôn để. Nghĩ vậy, lòng tôi nguôi nguôi được đôi chút” (Nguyễn Nhật Ánh, 1989). Khi khắc họa nhân vật Thư, Nguyễn Nhật Ánh không phóng đại điều gì mà trái lại ông đưa nhân vật vào bối cảnh rất đời thường và chân thật. Sự hồn nhiên, hóm hỉnh của tuổi mới lớn và một trái tim chớm rung động trước cảm xúc đầu đời của Thư được khắc họa thật ấn tượng giống với các bạn trẻ ở ngoài đời thực vậy. Đến với Lá nằm trong lá ta lại thấy các cậu học sinh trong nhóm bút Mặt Trời Khuya có những thú vui, những sở thích, cá tính riêng cho bản thân chứ không suốt ngày vùi đầu vào sách vở. Ở độ tuổi mới lớn, các anh chàng thi sĩ bắt đầu bắt cặp với các bạn nữ vì cho rằng thi sĩ phải có nàng thơ. Vì thế lại tạo ra câu chuyện dở khóc dở cười như chuyện của Hòa, anh chàng dám mò đến nhà Cúc Tần vào lúc tối mịt: “Tôi lo lắng nhìn dãy rào in bóng đen ngòm lên bầu trời đùng đục, níu tay Hòa: Mày định làm gì vậy? Tao ghé thăm nàng thơ của tao. Hòa đáp, tôi không nhìn rõ mặt nó trong bóng đêm nhưng vẫn hình dung được vẻ vênh váo của nó qua cách nó đáp lời tôi. Thế sao mày không đi nữa? Ngõ vào nhà nó đằng kia mà. Tao không vào nhà. Vào thì xoàng quá. Tao hẹn nó ở đống rơm sau hè. Tao bắt chước Romeo và Juliet” (Nguyễn Nhật Ánh, 2011). Chọn địa điểm đống rơm sau hè làm địa điểm lý tưởng để hẹn hò vì Hòa cho là: “Đống rơm sau hè nhà nó là nơi ẩn nấp an toàn nhất. Lại kế hàng rào, có biến là tao chuồn được ngay” 303
  9. (Nguyễn Nhật Ánh, 2011). Tuy nhiên Hòa lại gặp tình cảnh trớ trêu rằng gặp phải ba của Cúc Tần: “ Tình cờ thôi! Hòa tặc lưỡi. Ổng ra chỗ hàng rào đi tiểu. Bây giờ tôi mới phát giác ra người thằng Hòa có mùi gì đó thoang thoảng. - Ổng tiểu trúng đầu mày à? Tôi hỏi và bước vội xa ra, đề phòng một cú đấm của nó. Bậy! Trúng chân thôi! Hòa nói “trúng chân” nhưng tôi nghe giọng nó đột ngột méo đi… Tuy nhiên tôi không thể cấm tôi cười thầm trong bụng khi nhớ đến tật đái dầm của Hòa, bởi vì ngay sau đó tôi lập tức ngạc nhiên rằng tại sao cuộc đời của thi sĩ Trầm Mặc Tử chuyện gì cũng liên quan đến… nước tiểu” (Nguyễn Nhật Ánh, 2011). Câu chuyện về nhân vật Hòa, mặc dù chưa lớn hẳn nhưng lại rất đa cảm, cá tính và bày đủ trò tập làm người lớn, mặc dù vẫn hay bị trêu vì tội còn “đái dầm”. Với bút danh thi sĩ Trầm Mặc Tử nhưng tính cách lại không hề giống như một thi sĩ, Hòa được khắc họa vừa hài hước lại vừa đáng yêu và trong sáng. Nguyễn Nhật Ánh đã tạo nên một câu chuyện đầy thú vị về các cô cậu học sinh tuổi mới lớn. Khắc họa tâm lý nhân vật gần gũi với tính cách của giới trẻ hiện đại, tác giả cho thấy ở độ tuổi mới lớn, các em có những đam mê khám phá, tinh nghịch và ham chơi hơn là ham học. Điều này được thể hiện chân thật qua Nhân vật Chương và cô bạn thân Kim Dung trong truyện dài Còn chút gì để nhớ. Kim Dung là bạn thân đầu tiên với Chương, là người thông minh và luôn “dụ dỗ” anh bạn Chương cúp học đi chơi: “Đi học được vài ngày, Kim Dung thực hiện cái phương châm “đi chơi lông bông” kia liền. Nó rủ tôi: - Chiều nay ông đi chơi với tôi không? – Đi đâu? – Đi xi – nê” (Nguyễn Nhật Ánh, (1988). Và những lần chiều theo ý bạn, cô nàng Kim Dung và Chương lại đèo nhau đi Sở thú, gặm bánh mì: “- Khỏi ăn cơm! Mua bánh mì đem theo. Vô Sở thú vừa coi sư tử vừa gặm bánh mì. Gọn chán!” (Nguyễn Nhật Ánh, (1988). Rồi sau những lần như vậy cả hai lại rủ nhau uống cà phê, việc học với cả hai không phải là việc gây hứng thú vì thế mà: “Ngày nào Kim Dung cũng ghé đón tôi đi học. Có bữa nó nổi hứng nghỉ học bất tử, không tới đón, tôi cũng đâm lười ở nhà luôn.” (Nguyễn Nhật Ánh, (1988). Tuổi mới lớn là như thế, niềm vui lớn nhất với các em là được vui chơi, được cùng nhau học hỏi, khám phá những điều mới mẻ trong cuộc sống. Bước vào trang văn của Nguyễn Nhật Ánh, bạn đọc như được trở về với làng quê bình dị, với mái trường thân thuộc ngày nào sánh bước cùng những người bạn, những kỉ niệm mến thương. Đến với Cây chuối non đi giày xanh, ta lại thấy hình ảnh những cậu học trò hồn nhiên và nghịch ngợm cùng kéo nhau bơi lội ở con suối Trong sau những buổi học tập mệt mỏi. Phan lúc nào cũng nhiệt tình tập bơi cho Đăng sau lần Đăng bị hụt chân té xuống ao khi tìm đất sét: “Nó kéo tôi lại chỗ khúc suối hẹp nhất. Cách dạy bơi của nó thật không giống ai. – Nhìn kĩ tao nè! Nói xong nó nhào xuống nước bơi qua bơi lại trước mặt tôi. Tôi tròn mắt nhìn nó quạt tay và quạt tay, đập chân và đập chân.” Nguyễn Nhật Ánh (2018). Tình bạn là như thế, Phan mặc dù tinh nghịch nhưng lại không toan tính, luôn giúp đỡ bạn bè: “Phan quay sang tôi, lúc này đang bám tay vào thân cây nghỉ mệt, liếm môi nói: - Về thôi, mày. Tôi hăng máu: - Tao muốn bơi nữa. – Hôm nay tập vậy đủ rồi. Phan vuốt tóc. Lần sau tao sẽ dẫn mày ra khúc suối rộng hơn. Tôi sung sướng: - Rồi tao sẽ bơi được như tụi mày hả? – Dĩ nhiên rồi. Mày sẽ thừa sức bơi vào bờ nếu lại sẩy chân té xuống bàu.” (Nguyễn Nhật Ánh, 2018). Bao nhiêu lần Phan bị Đăng bắt nạt nhưng cậu vẫn không hề giận dỗi: “Đến khi bị tôi nện ‘cốp’ một cái, nó mới giật mình ôm đầu chửi toáng. Vậy nhưng Phan không bao giờ giận tôi, dù cái trò này lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần. Cứ như đã chơi với nhau mà thiếu trò “cắn trộm” thì tình bạn sẽ đâm ra nhạt nhẽo!” (Nguyễn Nhật Ánh, 2018). Điều này đã tạo nên một nhân vật Phan với tính cách tốt đẹp, hay giúp đỡ bạn bè và biết nghĩ cho mọi người. 304
  10. Nhân vật Ngạn trong Mắt biếc cũng là chàng trai đa cảm, cá tính nhưng lại luôn toát lên một vẻ thật thà và tốt bụng. Ngạn luôn dành một tình cảm đặc biệt nhất với Hà Lan nhưng Ngạn không muốn bày tỏ trực tiếp mà lại chỉ thổ lộ qua những bài hát anh viết. Chàng trai mới lớn luôn có sự mộng tưởng về tình yêu, về những giấc mơ đẹp xa xôi: “Ai về qua chỗ người thương/ Đứng giùm tôi/ Trước cổng trường ngày xưa/ Ướt giùm tôi/ Chút trời mưa/ Để nghe trên tóc/ Hương vừa bay đi...” (Nguyễn Nhật ánh, 1989). Ngạn cũng giống nhân vật Vinh trong Ngày xưa có một chuyện tình, trước tình yêu, các chàng trai thường nhút nhát và luôn âm thầm chịu đựng: “Có ai đó bảo người nhút nhát trước con gái là người lương thiện. Và tình yêu nhút nhát là tình yêu chân thành” (Nguyễn Nhật Ánh (2018). Cho tới sau này Vinh yêu Miền và chấp nhận cả đứa con trong bụng Miền dù mình không phải là cha đứa bé. Ngạn cũng vậy, Ngạn yêu Hà Lan và chấp nhận cả việc Hà Lan có con với Dũng nhưng anh vẫn không ngừng ở bên chăm sóc và làm mọi thứ để cô gái mình yêu được vui. Ngạn luôn tìm đến những bản nhạc mình viết về Hà Lan để say sưa và chìm đắm trong những kí ức. Đến đây tâm hồn Ngạn giống như nhân vật Ah Reum trong truyện Những tháng năm rực rỡ của nhà văn Ae-rankim. Đó là một cậu bé ở độ tuổi mới lớn 17 tuổi dù bị mắc bệnh lão hóa nhanh khiến thời của cậu trôi nhanh gấp bốn lần người bình thường nhưng cậu bé vẫn có sở thích và tâm hồn như bao đứa trẻ mới lớn khác. Là một cậu bé trầm tính và nhút nhát nhưng cậu cũng có những rung động đầu đời với cô bạn gái qua thư khi thấy được bức thư mà cô bé viết động viên cho mình. Cậu cũng tìm đến âm nhạc, bắt đầu hòa mình vào những giai điệu và mơ mộng về những tháng năm rực rỡ: “Tôi dần cảm nhận được từng nhịp đập trái tim mình rung lên theo mỗi nhịp trống.” (Ae-rankim, 2011). Và rồi những câu ca cất lên: “Chỉ có mưa rơi mãi, buốt giá tận con tim./ Mưa đã tạnh rồi, tuyết trắng bay bay./ Tuyết bay trắng xóa, cảnh tượng chẳng thể thấy được trong các bộ phim./ Lần đầu tôi chạm vào đôi mắt em./ Những con đường quen thuộc cũng lấp lánh như gương” (Ae- rankim, 2011). Ah Reum cũng như Ngạn, dù thế nào cũng có những suy nghĩ và mơ ước về tình yêu lấp lánh nhưng mộc mạc và trong sáng, tinh khôi. Những rung động đầu đời đã khiến cậu nghĩ mãi về một tương lại rồi đâu đó lại ước ao cho một niềm hạnh phúc rời xa hiện thực, bay đến những khung trời đầy mộng mơ. Chính Ngạn cũng như vậy. Ngạn tìm về rừng sim và nhớ về những kỉ niệm, Ngạn ngồi dưới dàn thiên lý và ngân nga bản nhạc gửi nỗi niềm vào gió mây với sự yêu thương và mơ mộng của tuổi trẻ. Ngạn hiện lên dưới ngòi bút Nguyễn Nhật Ánh là một anh chàng si tình nhưng cũng rất lãng mạn, sự lãng mạn và tinh tế ấy đã khiến cho Trà Long cũng phải xao xuyến. Nhưng có lẽ Ngạn phải dừng lại, Ngạn rời bỏ mọi thứ để ra đi, bỏ lại rừng sim, bỏ lại những kí ức về Hà Lan để trong mắt bạn đọc thì Ngạn vẫn thế, vẫn không thay đổi vì tình yêu của Ngạn chỉ mãi một lòng hướng về Mắt biếc của anh. Với ngôn ngữ miêu tả tự nhiên, chân thật và không bị gượng ép trong một khuôn khổ nào, các nhân vật trong truyện dài dành cho tuổi mới lớn của Nguyễn Nhật Ánh như những người bạn đồng hành cùng độc giả trẻ suốt bao năm tháng. Nguyễn Nhật Ánh đã tạo ra biết bao kỉ niệm đẹp của các cô cậu học trò để rồi khi đọc lại những trang văn ấy, xem lại nhân vật kể về câu chuyện của mình, nhà văn như tự mỉm cười bởi sự ngây ngô, hồn nhiên của các em, bạn đọc như có những trận cười sảng khoái hay những cái đắc ý vì thấy mình trong những câu chuyện ấy. Điều này đã tạo nên thành công rất lớn đối với các tác phẩm của nhà văn cũng như tên tuổi của ông. Khát vọng tương giao, được đối thoại của tuổi trẻ với các nhân vật của Nhật Ánh khiến tâm hồn bạn đọc một lần nữa được ngân vang, đồng cảm. 305
  11. 4. KẾT LUẬN Truyện viết cho tuổi mới lớn có vai trò quan trọng trong việc giáo dục toàn diện nhân cách, bồi dưỡng những phẩm chất đạo đức tốt đẹp cho các em. Truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh viết cho tuổi mới lớn là những câu chuyện gần gũi với đời sống hằng ngày mang những ý nghĩa triết lý sâu sắc, các em được trau dồi và học hỏi thêm những kinh nghiệm cho bản thân. Qua những trang văn với ngôn từ hóm hỉnh, gần gũi, các em còn nhận thức được thêm về thế giới xung quanh, hiểu thêm về sự phát triển và thay đổi của bản thân. Truyện viết cho tuổi mới lớn như người bạn đồng hành cùng “trút bầu tâm sự” với các em, hướng các em đến những giá trị chân – thiện – mĩ. Nhân vật trong các thiên truyện của Nguyễn Nhật Ánh là các cô cậu học trò ở tuổi mới lớn luôn hồn nhiên, tâm hồn đa cảm, nhiều mơ mộng nhưng không kém phần tinh nghịch, đôi lúc vẫn còn ham chơi nhưng thích thú tìm tòi và khám phá một thế giới mới đầy bí ẩn về tình yêu. Truyện của ông đã thu hút được nhiều thế hệ độc giả ngoài nghệ thuật miêu tả nhân vật còn là ngôn từ và giọng điệu nghệ thuật hấp dẫn, những phương tiện cốt cõi đem đến cho người đọc những rung động, những cảm xúc thẩm mĩ. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Ae-rankim (2011). Những tháng năm rực rỡ. TP Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Nhã Nam. 2. Nguyễn Nhật Ánh (1988). Còn chút gì để nhớ. Hà Nội: Nhà xuất bản trẻ. 3. Nguyễn Nhật Ánh (1989). Cô gái đến từ hôm qua. TP Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản trẻ. 4. Nguyễn Nhật Ánh (1989). Nữ sinh. TP Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản trẻ. 5. Nguyễn Nhật Ánh (1990). Mắt biếc. TP Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản trẻ. 6. Nguyễn Nhật Ánh (2010). Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. TP Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản trẻ. 7. Nguyễn Nhật Ánh (2011). Lá nằm trong lá. TP Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản trẻ. 8. Nguyễn Nhật Ánh (2016). Ngày xưa có một chuyện tình. TP Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản trẻ. 9. Nguyễn Nhật Ánh (2018). Cây chuối non đi giày xanh. TP Hồ Chí Minh: nhà xuất bản trẻ. 10. Hà Minh Đức (1999). Lý luận văn học. Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục. 11. Nhiều tác giả(2015). Nguyễn Nhật Ánh, Hiệp sĩ của tuổi thơ. Hà Nội: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội. 12. Lê Bá Hán (2007). Từ điển Thuật ngữ văn học. Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục. 13. Võ Văn Nhơn và nnk., (2021). Văn học tuổi mới lớn ở Việt Nam. Tạp chí Khoa học Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, Tập 18, (7), 1242-1253. 14. Nguyễn Đức Toàn (2021). Đặc điểm nghệ thuật của một số tác phẩm văn xuôi viết cho tuổi mới lớn. 15. https://khoanguvandhsphue.edu.vn/2021/09/22/dac-diem-nghe-thuat-cua-mot-so-tac-pham-van- xuoi-viet-cho-tuoi-moi-lon/ Truy cập 20/3/2023 306
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
4=>1