Hóa học & Kỹ thuật môi trường<br />
<br />
NGHIÊN CỨU THĂM DÒ KHẢ NĂNG CHẾ TẠO QUE THỬ PHÁT<br />
HIỆN NHANH ĐỘC TỐ CỦA VI KHUẨN STAPHYLOCOCCUS<br />
AUREUS BẰNG KỸ THUẬT SẮC KÝ MIỄN DỊCH<br />
Trần Thị Thanh Quỳnh*, Tô Văn Thiệp, Nguyễn Văn Hoàng,<br />
Nguyễn Khánh Hoàng Việt, Nguyễn Thị Tâm Thư, Phạm Kiên Cường<br />
Tóm tắt: Độc tố Staphylococcal enterotoxins (SEs), được tiết ra bởi vi khuẩn<br />
Staphylococcus, là nguyên nhân của các vụ ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn này gây<br />
ra. Có hơn 20 loại SEs đã được xác định, trong đó SEA là độc tố chiếm tỷ lệ cao<br />
nhất gây ra các vụ ngộ độc. Trong nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng kỹ thuật sắc<br />
ký miễn dịch để chế tạo que thử phát hiện SEA với các kháng nguyên và kháng thể<br />
thương mại. Kết quả bước đầu cho thấy, que thử có khả năng phát hiện độc tố SEA<br />
trong nước với ngưỡng phát hiện 1ng/ml trong 20 phút.<br />
Từ khóa: Staphylococcus enterotoxin, Que thử, Độc tố SEA.<br />
<br />
1. MỞ ĐẦU<br />
Vi khuẩn tụ cầu vàng Staphylococcus aureus là một trong những nguyên nhân phổ biến<br />
hàng đầu gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm [2,5] và là một trong số các vi khuẩn có khả<br />
năng gây ngộ độc cấp tính rất nguy hiểm với tỉ lệ tử vong cao. Những vi khuẩn này có khả<br />
năng tiết các độc tố bền nhiệt SEs với khối lượng phân tử từ 22-30kDa thuộc họ “siêu<br />
kháng nguyên” [9]. Quá trình đun nấu thông thường có thể tiêu diệt được vi khuẩn nhưng<br />
không làm phân hủy độc tố này. Có hơn 20 loại SEs khác nhau đã được xác định. Trong<br />
đó, SEA là nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm bởi tụ cầu vàng chiếm tỷ lệ cao nhất trong<br />
số các loại SEs. Ở Anh, từ năm 1969-1990, 79% các ca ngộ độc thực phẩm liên quan đến<br />
SEs bao gồm: SEA (56.9%), SEA và SED (15.4%), SEB (3.4%), SEC (2.5%), SEB và<br />
SED (1.1%) [12]. Bên cạnh đó, SEA cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra các vụ ngộ độc<br />
thực phẩm ở Nhật [8], Pháp (69.7%) [7], Mỹ (77.8%) [3], và Hàn Quốc (90%) [4].<br />
Ở Việt Nam, vi khuẩn tụ cầu vàng Staphylococcus aureus cũng là nguyên nhân gây ra<br />
nhiều vụ ngộ độc thực phẩm: Hơn 200 công nhân ở Trà Vinh ngộ độc thức ăn do nhiễm khuẩn<br />
tụ cầu vàng (1/2015) [14], Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Quảng Ngãi đã công bố kết quả kiểm<br />
nghiệm 10 mẫu bánh mỳ gây ngộ độc là do nhiễm khuẩn tụ cầu vàng (5/2015) [13].<br />
Hiện nay, để phát hiện độc tố tụ cầu vàng, người ta thường sử dụng phương pháp PCR<br />
và phương pháp miễn dịch dựa trên cơ chế kháng nguyên-kháng thể (khuếch tán trên gel,<br />
miễn dịch phóng xạ-RIA, ngưng kết hạt latex, ELISA,...). Trong nước và trên thế giới đã<br />
có nhiều công trình nghiên cứu chế tạo thành công bộ kit phát hiện nhanh vi khuẩn tụ cầu<br />
vàng Staphylococcus aureus dựa trên kỹ thuật ELISA như: kit BK-SETA, kit Ridascreen<br />
SET Total, kit Vidas SET2... Ưu điểm của các phương pháp này là thời gian phân tích<br />
nhanh chỉ trong 1-3 giờ và có ngưỡng phát hiện thấp từ 0,1-10ng/ml. Tuy nhiên, nhược<br />
điểm là cần máy đọc chuyên dụng để phân tích kết quả, đòi hỏi kỹ thuật viên có tay nghề<br />
cao và khó áp dụng ngoài hiện trường. Mặt khác, giá thành của các bộ sinh phẩm nhập<br />
ngoại rất đắt, quy trình phân tích khá phức tạp.<br />
Xu hướng trên thế giới hiện nay là phát triển các phương pháp phân tích nhanh, có độ<br />
nhạy cao, dễ sử dụng để phân tích sàng lọc một số lượng lớn mẫu ngay tại hiện trường.<br />
Gần đây, một số nghiên cứu trên thế giới đã thành công trong việc phát triển que thử phát<br />
hiện SEs dựa trên kỹ thuật sắc ký miễn dịch nhằm đơn giản hóa và rút gọn thời gian phân<br />
tích xuống còn 30 phút [11]. Tuy nhiên, trong quân đội hiện nay, các nghiên cứu phát hiện<br />
độc tính của vi khuẩn này còn hạn chế.<br />
<br />
<br />
126 T. T. T. Quỳnh, …, P. K. Cường, “Nghiên cứu thăm dò khả năng … sắc ký miễn dịch.”<br />
Nghiên cứu khoa học công nghệ<br />
<br />
Mặt khác, bên cạnh các tác nhân sinh học như vi khuẩn (than, tả, dịch hạch...), virus (đậu<br />
mùa, ebola...), độc tố của tụ cầu vàng S. aureus cũng là một trong những tác nhân nguy<br />
hiểm, có nguy cơ cao trong khủng bố và chiến tranh sinh học [6]. Vì vậy, việc nghiên cứu<br />
các phương pháp phát hiện nhanh độc tố của vi khuẩn này trong thực phẩm là rất cần thiết.<br />
Trong nghiên cứu này, việc thăm dò chế tạo que thử phát hiện độc tố vi khuẩn SEA<br />
dạng đơn giản (chỉ bao gồm màng nitrocellulose và màng hút trên) đã được thực hiện.<br />
2. NGUYÊN VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU<br />
2.1. Nguyên vật liệu và hóa chất<br />
- Nguyên vật liệu: Màng nitrocelluse Immumopore FP và màng thấm hút trên của hãng<br />
Whatman, đĩa ELISA của hãng Beckman Coulter<br />
- Hóa chất: Kháng thể đơn dòng kháng SEA (C86411M _KT2), kháng thể đơn dòng<br />
kháng SEA (C86104M_KT1) của hãng Meridian, độc tố SEA (AT101) của hãng Toxin<br />
technology, Goat-antimouse IgG h&HPR (ab6789_KT3) của hãng Abcam và các hóa chất<br />
thường dùng trong nghiên cứu sinh học phân tử của hãng Sigma, Mecrk, Thermo<br />
Scientific...<br />
2.2. Thiết bị<br />
Máy phun mẫu bán tự động Linomat (Thụy Sĩ), tủ ấm của Hãng Memmert (Đức), hệ<br />
thống ELISA (Ý), máy khuấy từ gia nhiệt của Hãng Cole Palmer (Mỹ), máy vortex<br />
(Mỹ), máy short spin của Hãng Hermle (Mỹ), máy ly tâm lạnh của hãng Orto alresa (Tây<br />
Ban Nha).<br />
2.3. Phương pháp nghiên cứu<br />
2.3.1. Đánh giá phản ứng kháng nguyên kháng thể bằng phương pháp ELISA<br />
Hút 100 µl poly L-lysine 0,01% cho vào mỗi giếng, ủ ở 37oC trong 1 h. Sau đó, rửa<br />
bằng 200 µl đệm rửa (PBS 0,01 M, pH 7.4; tween 20 0,05%) rồi cho 100 µl kháng nguyên<br />
SEA 100 ng/ml ủ ở 4 oC qua đêm. Tiếp theo, bổ sung 200 µl BSA 1% ủ ở 37oC trong 2 giờ<br />
và bổ sung tiếp kháng thể đơn dòng kháng SEA (KT1 và KT2) các nồng độ khác nhau, ủ<br />
37 oC trong 1 giờ. Tiếp theo, hút 100 µl kháng thể đa dòng Goat-antimouse IgG h&HPR<br />
(KT3) cho vào mỗi giếng, ủ ở 37 oC trong 1 giờ, Sau mỗi bước bổ sung kháng thể đều rửa<br />
sạch giếng bằng 200 µl đệm rửa, 3 lần. Sau đó, bổ sung 50 µl cơ chất TMB (3,3’,5,5’-<br />
tetramethylbenzidine), ủ 30 phút ở 37 oC trong bóng tối rồi bổ sung tiếp 50 µl H2SO4 1N.<br />
Enzyme HPR (Horse Radish Peroxidase) của KT3 sẽ xúc tác thủy phân cơ chất tạo thành<br />
sản phẩm có màu xanh, sau khi bổ sung axit sẽ chuyển thành màu vàng, được đo độ hấp<br />
thụ ở bước sóng A450 và phân tích kết quả. Lượng sản phẩm tạo thành sau phản ứng thể<br />
hiện khả năng bắt cặp của kháng nguyên và kháng thể.<br />
2.3.2. Cố định các kháng thể lên màng nitrocellulose<br />
Sau khi phân tích ELISA, các kháng thể được lựa chọn để cố định tại tại vạch kiểm<br />
chứng và vạch thử nghiệm được phun trực tiếp lên màng nitrocellulose bằng thiết bị in<br />
phun kháng thể của Linomag (Thụy Sĩ) với các nồng độ khác nhau (0,2-1 µg/mm), tốc<br />
độ phun 40 nl/s. Sau đó màng được để khô tự nhiên qua đêm để kháng thể gắn cố định<br />
lên màng.<br />
2.3.3. Cộng hợp vàng vào kháng thể<br />
- Chuẩn bị dung dịch cộng hợp vàng theo phương pháp Turkevich [10]: Các hạt nano<br />
vàng (AuNP) có kích thước 40 nm và giữ ổn định bởi Natri citrate. Đầu tiên, 20 ml dung<br />
dịch vàng HAuCl4 0,1 % được đun sôi kết hợp khuấy từ trong bình tam giác 250 ml. Sau<br />
đó, bổ sung 2 ml Natri citrate 1 %, tiếp tục đun sôi khoảng 10 phút (đến khi dung dịch<br />
<br />
<br />
<br />
Tạp chí Nghiên cứu KH&CN quân sự, Số 51, 10 - 2017 127<br />
Hóa học & Kỹ thuật môi trường<br />
<br />
chuyển từ màu vàng thành màu đỏ rượu). Tiếp tục khuấy từ và làm nguội dung dịch ở<br />
nhiệt độ phòng. Dung dịch hạt vàng được bảo quản trong bình tối ở 4oC.<br />
- Cộng hợp vàng vào kháng thể: dung dịch hạt vàng được chuẩn về pH 9 bằng đệm<br />
borate 0,1 M. Sau đó, bổ sung 100 µl kháng thể C86104M 100 µg/ml vào 1,5 ml dung<br />
dịch hạt vàng đã chuẩn pH, lắc ở tốc độ 650 vòng/phút trong 20 phút. Sau đó, ly tâm<br />
14.000 vòng/phút ở 4oC. Dịch nổi được loại bỏ và thu lại kháng thể đã cộng hợp vàng ở<br />
đáy ống. Hòa lại kháng thể thu được với 500 µl đệm phosphat 0,01M, pH 7.4.<br />
2.3.4. Phân tích mẫu bằng que thử<br />
Mỗi mẫu phân tích được nhiễm chủ động độc tố SEA với liều lượng khác nhau trong<br />
100 µl dung dịch đệm chạy (đệm phosphat 0,01 M, pH 7.4; BSA 0,1%; Tween 20<br />
0,05%) và được đưa vào giếng ELISA. Tiếp đó, bổ sung kháng thể cộng hợp với một<br />
lượng nhất định và cắm que thử vào giếng, ủ trong 20 phút để toàn bộ lượng dung dịch<br />
được hút cạn. Kết quả phân tích được đánh giá dựa vào việc xuất hiện vạch. Kết quả<br />
được coi là dương tính nếu xuất hiện cả 2 vạch và được coi là âm tính nếu chỉ xuất hiện<br />
1 vạch (vạch kiểm chứng).<br />
2.3.5. Đánh giá ngưỡng và thời gian phát hiện của que thử<br />
Thử nghiệm khả năng phát hiện của que thử đối với các nồng độ độc tố SEA khác nhau<br />
từ khoảng 1 ng/ml – 100 ng/ml. Giá trị thấp nhất mà que thử có thể phát hiện được chính<br />
là ngưỡng phát hiện của que thử. Thí nghiệm lặp lại ít nhất 3 lần.<br />
3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN<br />
3.1. Đánh giá phản ứng kháng nguyên - kháng thể bằng phương pháp ELISA<br />
Kết quả đánh giá phản ứng bắt cặp đặc hiệu giữa SEA - KT1 - KT3 và SEA - KT2 -<br />
KT3 cho thấy, KT1 và KT2 đều có khả năng bắt cặp đặc hiệu với SEA và KT3. Do đó, có<br />
thể sử dụng 3 loại kháng thể này để chế tạo que thử. Tuy nhiên, cần dựa vào kết quả phân<br />
tích ELISA để lựa chọn một trong 2 loại KT1 và KT2 làm kháng thể cộng hợp vàng. Kết<br />
quả cho thấy, khi tăng nồng độ KT2 thì giá trị A450 không có sự thay đổi nhiều. Trong khi<br />
đó, giá trị A450 của KT1 tăng lên đáng kể và ở nồng độ 8 µg/ml là 0,229 cao hơn hẳn KT2<br />
là 0,093 (hình 1). Kết quả này đồng nghĩa với việc KT1 có khả năng bắt cặp tốt hơn với<br />
KT3. Vì vậy, chúng tôi lựa chọn dùng KT1 làm kháng thể cộng hợp vàng, KT2 để cố định<br />
lên vạch thử nghiệm và KT3 để cố định lên vạch kiểm chứng.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Hình 1. Kết quả phân tích ELISA.<br />
Giếng 1: KT1_2 µg/ml<br />
Giếng 2: KT1_4 µg/ml<br />
Giếng 3: KT1 8 µg/ml<br />
Giếng 4: KT2_2 µg/ml<br />
Giếng 5: KT2_4 µg/ml<br />
Giếng 6: KT2_8 µg/ml<br />
Giếng 7: Đối chứng âm.<br />
3.2. Cố định kháng thể lên màng nitrocellulose<br />
KT3 được cố định lên màng nitrocellulose bằng thiết bị phun mẫu bán tự động linomat<br />
(Thụy Sĩ) với lượng 0,4 µg/mm. Việc cố định kháng thể này được kiểm tra bằng phản ứng<br />
<br />
<br />
128 T. T. T. Quỳnh, …, P. K. Cường, “Nghiên cứu thăm dò khả năng … sắc ký miễn dịch.”<br />
Nghiên cứu khoa học công nghệ<br />
<br />
tạo màu của enzyme horseradish peroxidase gắn trên KT3 với cơ chất TMB (Hình 2). Kết<br />
quả cho thấy, ngay sau khi nhỏ 10 µl cơ chất TMB lên màng nitrocellulose thì xuất hiện<br />
vạch màu xanh tại vị trí phun KT3. Điều này chứng tỏ KT3 đã được cố định tốt lên màng<br />
và giữ được hoạt tính. Chúng tôi cũng tiến hành kiểm tra đồng thời sự cố định của kháng<br />
thể lên màng nitrocellulose bằng phản ứng tạo màu giữa KT3 với kháng thể cộng hợp<br />
vàng (KT1*) (Hình 3).<br />
<br />
<br />
<br />
Phản ứng: KT3 + TMB<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Hình 2. Kết quả kiểm tra gắn KT3 lên màng nitrocellulose.<br />
3.3. Cộng hợp vàng vào KT1<br />
Dung dịch cộng hợp vàng được chuẩn bị theo phương pháp Turkevich [10]. Kết quả<br />
cho thấy, dung dich hạt vàng nano đã được tạo thành từ dung dịch HAuCl4 do dung dịch<br />
này chuyển từ màu vàng sang màu đỏ rượu vang (Hình 3a).<br />
Sau khi tạo được dung dịch hạt vàng, chúng tôi tiếp tục bổ sung KT1 để tạo kháng thể<br />
cộng hợp vàng (KT1*). Kết quả cộng hợp vàng vào KT1 được kiểm tra bằng phản ứng tạo<br />
vạch màu bằng cách nhỏ 5 µl KT1* 20µg/ml lên màng nitrocellulose đã cố định KT3<br />
(hình 3b). Kết quả cho thấy, sau khoảng 1 phút xuất hiện vạch màu đỏ tại vị trí phun KT3.<br />
Điều này chứng tỏ, đã cộng hợp vàng vào KT1 thành công và một lần nữa khẳng định<br />
KT3 đã được cố định lên màng nitrocellulose, tạo thành vạch gọn, rõ và giữ được hoạt<br />
tính. Dựa vào các kết quả này, chúng tôi tiến hành cố định KT2 lên màng nitrocellulose<br />
bằng phương pháp tương tự để tạo que thử và thực hiện các thử nghiệm tiếp theo.<br />
<br />
<br />
<br />
Phản ứng: KT3 + KT1*<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
a b<br />
Hình 3. Kết quả kiểm tra cộng hợp vàng vào kháng thể.<br />
3a: Dung dịch cộng hợp vàng KT1*<br />
3b: Phản ứng tạo vạch màu giữu KT3 và KT1*.<br />
<br />
<br />
<br />
Tạp chí Nghiên cứu KH&CN quân sự, Số 51, 10 - 2017 129<br />
Hóa học & Kỹ thuật môi trường<br />
<br />
3.4. Tối ưu lượng kháng thể cố định lên vạch kiểm chứng<br />
KT3 được cố lên màng nitrocellulose với các nồng độ khác nhau (0,05; 0,1; 0,2; 0,3;<br />
0,4 µg/mm) để lựa chọn lượng kháng thể thấp nhất dùng cho một que thử mà vạch kiểm<br />
chứng vẫn xuất hiện rõ. Sau khi đã cố định KT3, các que thử được nhỏ trực tiếp 5 µl KT1*<br />
20 µg/ml vào đầu của mỗi que. Kết quả phân tích chỉ ra rằng, sau khoảng 1 phút xuất hiện<br />
vạch kiểm chứng rõ ở que thử số 3, 4, 5 còn que thử số 1 và 2 tuy vẫn nhìn thấy vạch<br />
nhưng không được rõ nét (hình 4). Để tiết kiệm chi phí cho việc sản xuất que thử trong các<br />
thí nghiệm tiếp theo, chúng tôi lựa chọn nồng độ KT3 sử dụng cho mỗi lần cố định lên<br />
màng nitrocellulose là 0,2 µg/mm, tương đương với 0,6 µg/que.<br />
<br />
<br />
<br />
Vạch kiểm chứng:<br />
KT3 + KT1*<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
1 2 3 4 5<br />
Hình 4. Kết quả tối ưu lượng kháng thể cố định lên vạch kiểm chứng.<br />
1. Nồng độ kháng thể là 0,05 µg/mm<br />
2. Nồng độ kháng thể là 0,1 µg/mm<br />
3. Nồng độ kháng thể là 0,2 µg/mm<br />
4. Nồng độ kháng thể là 0,3 µg/mm<br />
5. Nồng độ kháng thể là 0,4 µg/mm.<br />
3.5. Tối ưu lượng kháng thể cố định lên vạch thử nghiệm<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Hình 5. Kết quả tối ưu lượng kháng thể vạch thử nghiệm.<br />
1. Nồng độ kháng thể là 0,05 µg/mm<br />
2. Nồng độ kháng thể là 0,1 µg/mm<br />
3. Nồng độ kháng thể là 0,2 µg/mm<br />
4. Nồng độ kháng thể là 0,3 µg/mm<br />
5. Nồng độ kháng thể là 0,4 µg/mm.<br />
Sau khi lựa chọn được lượng kháng thể cố định lên vạch kiểm chứng, chúng tôi tiếp tục<br />
tối ưu lượng KT2 cố định lên vạch thử nghiệm với phương pháp tương tự như sau:<br />
<br />
<br />
130 T. T. T. Quỳnh, …, P. K. Cường, “Nghiên cứu thăm dò khả năng … sắc ký miễn dịch.”<br />
Nghiên cứu khoa học công nghệ<br />
<br />
Cố định KT3 lên màng nitrocellulose tại vị trí vạch kiểm chứng với lượng 0,6 µg/que.<br />
Đồng thời cố định KT2 tại vị trí vạch thử nghiệm với các nồng độ khác nhau là: 0,05; 0,1;<br />
0,2; 0,3; 0,4 µg/mm. Sau đó, que thử được nhúng vào giếng có chứa dung dịch bao gồm: 5<br />
µl SEA 100 ng/ml và 5 µl KT*1 20µg/ml.<br />
Dựa trên kết quả phân tích thu được (Hình 5), chúng tôi lựa chọn nồng độ KT sử dụng<br />
cho mỗi lần cố định lên màng nitrocellulose là 0,3 µg/mm, tương đương với 0,9 µg/que.<br />
Ngoài xác định lượng kháng thể tối ưu trên vạch kiểm chứng và vạch thử nghiệm, việc<br />
xác định lượng kháng thể cộng hợp (KT1*) tối ưu cũng đóng vai trò rất quan trọng trong<br />
việc hình thành vạch màu của que thử. Vì vậy, sau khi tối ưu lượng kháng thể gắn lên<br />
màng nitrocellulose tại vị trí vạch kiểm chứng và vạch thử nghiệm, chúng tôi tiếp tục tối<br />
ưu lượng KT1* cần dùng cho một que thử để giảm thiểu chi phí mà vẫn đảm bảo tín hiệu<br />
của mỗi lần phân tích.<br />
3.6. Đánh giá ngưỡng và thời gian phát hiện của que thử<br />
Để xác định ngưỡng và thời phát hiện của que thử với độc tố SEA, các mẫu độc tố<br />
SEA tinh khiết với nồng độ từ 0-100 ng/ml (0, 1, 2, 5, 10, 20, 30, 50 ng/ml) trong nước<br />
được chuẩn bị. Sau đó, cho lần lượt bổ sung 30 µl mỗi mẫu độc tố đã chuẩn bị và 5µl<br />
KT1* 20 µg/ml vào giếng rồi nhúng que thử vào. Kết quả cho thấy rằng, sau khoảng 10<br />
phút bắt đầu xuất hiện vạch kiểm chứng trên que thử và sau khoảng 20 phút các vạch<br />
màu xuất hiện rõ. Đồng thời, tín hiệu vạch thử nghiệm có xu hướng giảm dần khi giảm<br />
nồng độ độc tố SEA và nồng độ thấp nhất mà que thử có khả năng phát hiện là 1ng/ml<br />
(hình 6). Kết quả này tương đương với công trình nghiên cứu gần đây của Wachun Jin<br />
và cộng sự [11], nhóm tác giả đã chế tạo que thử dựa trên phương pháp sắc ký miễn dịch<br />
kẹp đôi có khả năng phát hiện SEA trong đệm PBS ở nồng độ 1ng/ml. Bên cạnh đó,<br />
Trần Thị Sao Mai và cộng sự [1] cũng đã nghiên cứu thành công que thử phát hiện 05<br />
loại độc tố tụ cầu vàng trong thịt và sữa bằng phương pháp sắc ký miễn dịch cạnh tranh<br />
với ngưỡng phát hiện 3-10 ng/ml.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Hình 6. Kết quả đánh giá ngưỡng phát hiện độc tố SEA của que thử trong nước.<br />
1-8 tương ứng với nồng độ SEA là 0, 1, 2, 5, 10, 20, 30 và 50 ng/ml.<br />
4. KẾT LUẬN<br />
Đã cố định kháng thể lên màng nitrocellulose bằng thiết bị phun mẫu bán tự động với<br />
tốc độ phun 40 nl/s, với KT2 (C86411M) tại vị trí vạch thử nghiệm và KT3 (ab6789) tại vị<br />
trí vạch kiểm chứng.<br />
Đã cộng hợp vàng vào KT1 (C86104M) bằng phương pháp Turkevich.<br />
<br />
<br />
Tạp chí Nghiên cứu KH&CN quân sự, Số 51, 10 - 2017 131<br />
Hóa học & Kỹ thuật môi trường<br />
<br />
Đã tối ưu được lượng kháng thể phun lên vạch kiểm chứng và vạch thử nghiệm lần lượt<br />
tương ứng là 0,6 và 0,9 µg/que.<br />
Que thử có khả năng phát hiện độc tố SEA trong nước với ngưỡng phát hiện là 1 ng/ml<br />
trong 20 phút.<br />
Đây là những kết quả bước đầu cho thấy triển vọng trong việc chế tạo que thử để phát<br />
hiện độc tố SEA của vi khuẩn Staphylococcus aureus. Để có thể ứng dụng vào thực tiễn<br />
cần phải hoàn thiện que thử với 4 loại màng là: màng hút mẫu, màng cộng hợp, màng<br />
nitrocelloluse và màng thấm hút trên. Đồng thời, cũng cần nghiên cứu thêm khả năng phát<br />
hiện của que thử đối với các loại thực phẩm khác nhau.<br />
Lời cảm ơn: Công trình này được hoàn thành với sự hỗ trợ kinh phí từ đề tài nghiên cứu khoa<br />
học định hướng cho cán bộ trẻ năm 2016: "Nghiên cứu thăm dò khả năng chế tạo kit phát hiện<br />
nhanh độc tố tụ cầu vàng bằng kỹ thuật sắc ký miễn dịch".<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
[1]. Trần Thị Sao Mai, Nguyễn Thị Khánh Trâm, Lê Quang Hòa (2015), “Nghiên cứu<br />
phát triển hệ thống sắc ký miễn dịch cạnh canh phát hiện các độc tố ruột tụ cầu trong<br />
sữa”, Tạp chí Khoa học Công nghệ, ĐHQGHN.<br />
[2]. Argudin, M.A., Mendoza, M.C., Rodicio, M.R., (2010), “Food poisoning and<br />
Staphylococcus aureus enterotoxins”, Toxins (Basel) 2, 1751–1773.<br />
[3]. Casman, E.P., (1965), “Staphylococcal enterotoxin”, Ann. N. Y. Acad. Sci. 128, 124–<br />
131.<br />
[4]. Cha, J.O., Lee, J.K., Jung, Y.H., Yoo, J.I., Park, Y.K., Kim, B.S., Lee, Y.S., (2006),<br />
“Molecular analysis of Staphylococcus aureus isolates associated with<br />
staphylococcal food poisoning in South Korea”, J. Appl. Microbiol. 101, 864.<br />
[5]. Hennekinne, J.A., Ostyn, A., Guillier, F., Herbin, S., Prufer, A.L., Dragacci, S.,<br />
(2010), “How should staphylococcal food poisoning outbreaks be characterized?”<br />
Toxins (Basel) 2, 2106–2116.<br />
[6]. Irina V. P., Ellen J. B. and Victor E. R. (2010), “Staphylococcal Enterotoxins”,<br />
Toxins 2, 2177-2197; doi:10.3390/toxins2082177<br />
[7]. Kerouanton, A., Hennekinne, J.A., Letertre, C., Petit, L., Chesneau, O., Brisabois, A.,<br />
De Buyser, M.L., (2007), “Characterization of Staphylococcus aureus strains<br />
associated with food poisoning outbreaks in France”, Int. J. Food Microbiol. 115,<br />
369–375.<br />
[8]. Shimizu, A., Fujita, M., Igarashi, H., Takagi, M., Nagase, N., Sasaki, A., Kawano, J.,<br />
(2000), “Characterization of Staphylococcus aureus coagulase type VII isolates from<br />
staphylococcal food poisoning outbreaks (1980–1995) in Tokyo, Japan, by pulsed-field<br />
gel electrophoresis”, J. Clin. Microbiol. 38, 3746.<br />
[9]. Thomas, D., Chou, S., Dauwalder, O., Lina, G., (2007), “Diversity in Staphylococcus<br />
aureus enterotoxins”, Chem. Immunol. Allergy 93, 24–41.<br />
[10]. Turkevich, J., Stevenson, P. C., Hillie, J. (1951), “A study of the nucleation and<br />
growth processes in the synthesis of colloidal gold”, Discuss. Faraday Soc., 55-75.<br />
[11]. Wanchun J.,, Keiko Y., Mai I., Noritada K., Manabu T., Yusuke A., Makoto M.,<br />
Atsushi M., Akira O., Takao N., Yoshinobu B., Michio O. (2013), “Application of IgY<br />
to sandwich enzyme-linked immunosorbent assays, lateral flow devices, and<br />
immunopillar chips for detecting staphylococcal enterotoxins in milk and dairy<br />
products”, Journal of Microbiological Methods 92 (2013) 323–331.<br />
[12]. Wieneke, A.A., Roberts, D., Gilbert, R.J., (1993), “Staphylococcal food poisoning in<br />
the United Kingdom”, 1969–90. Epidemiol. Infect. 110, 519–531.<br />
[13]. http://www.baomoi.com/quang-ngai-banh-mi-gay-ngo-doc-nhiem-khuan-tu-cau-<br />
<br />
<br />
132 T. T. T. Quỳnh, …, P. K. Cường, “Nghiên cứu thăm dò khả năng … sắc ký miễn dịch.”<br />
Nghiên cứu khoa học công nghệ<br />
<br />
vang/c/16539058.epi<br />
[14]. http://doanhnghiepvn.vn/hon-200-cong-nhan-ngo-doc-do-thuc-an-nhiem-vi-khuan-tu-<br />
cau-vang-d21678.html<br />
ABSTRACT<br />
SERVEY RESEARCH FOR PRODUCTION ABILITY<br />
OF IMMUNOCHROMATOGRAPHIC TEST TRIPS FOR QUICK DETECTION<br />
OF STAPHYLOCOCCAL ENTEROTOXIN<br />
Staphylococcal enterotoxins (SEs), produced by Staphylococcus aureus, are the<br />
major cause of staphylococcal food poisoning. There are more than 20 types of SEs<br />
that were reported. Among them, SEA is a well-known major causative toxin of food<br />
poisoning. In this study, we used immunochromatographic techiniques to design test<br />
trips for detecting SEA toxin with commerical antigen and antibodies. The results<br />
showed that the test trips could detect SEA at a low concentration up to 1ng/ml<br />
within 20 min in water.<br />
Keywords: Staphylococcus enterotoxin, Test trip, SEA toxin.<br />
<br />
Nhận bài ngày 13 tháng 02 năm 2017<br />
Hoàn thiện ngày 17 tháng 4 năm 2017<br />
Chấp nhận đăng ngày 25 tháng 10 năm 2017<br />
<br />
Địa chỉ: Viện Công nghệ mới/Viện Khoa học và Công nghệ quân sự.<br />
*<br />
Email: tranthithanhquynhk55b2@gmail.com.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Tạp chí Nghiên cứu KH&CN quân sự, Số 51, 10 - 2017 133<br />