JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE<br />
Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 2, pp. 15-20<br />
This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn<br />
<br />
DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0003<br />
<br />
NGHIÊN CỨU TRUYỆN CỔ TỪ GÓC NHÌN LỊCH SỬ XÃ HỘI<br />
VÀ TRƯỜNG HỢP CÔ BÉ TRO BẾP (ASCHENPUTTEL)<br />
Ôn Thị Mỹ Linh<br />
<br />
Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên<br />
Tóm tắt. Nghiên cứu truyện cổ từ góc nhìn lịch sử xã hội là một trong những phương pháp<br />
tiếp cận truyện cổ hiệu quả của học giả thế giới. Với quan niệm truyện cổ phản ánh hiện<br />
thực, các nhà nghiên cứu khám phá các khía cạnh khác nhau của hiện thực được tái hiện<br />
trong truyện cổ. Vận dụng lí thuyết của phương pháp tiếp cận lịch sử xã hội, bài viết đi sâu<br />
tìm hiểu hệ quy tắc ứng xử và hệ giá trị xã hội được bộc lộ qua các mối quan hệ liên cá<br />
nhân trong Cô bé tro bếp. Cô bé tro bếp thuộc type truyện số 510A, có mặt trong hầu hết<br />
kho tàng truyện cổ các nước. Bản kể của anh em nhà Grimm, thông qua sự xung đột phức<br />
tạp của mối quan hệ dì ghẻ - con chồng đã nhấn mạnh hiện thực của xã hội phong kiến phụ<br />
quyền, đồng thời thổi vào câu chuyện bầu không khí lãng mạn của nước Đức thế kỉ XIX.<br />
Từ khóa: Truyện cổ Grimm, trường phái lịch sử - xã hội, Cô bé tro bếp.<br />
<br />
1.<br />
<br />
Mở đầu<br />
<br />
Công việc sưu tầm truyện cổ tích của Jacob Grimm (1785 - 1863) và Wilhelm Grimm (1786<br />
- 1859) diễn ra trong bối cảnh nước Đức bị chia cắt với hàng trăm bang nhỏ; chủ nghĩa lãng mạn<br />
đang dần định hình với nhiều cuộc vận động của học giả, nghệ sĩ, nhà văn hóa nhằm khôi phục<br />
tinh thần dân tộc toàn vẹn, xây dựng một nước Đức thống nhất về phương diện văn hóa. Sưu tầm<br />
thơ ca dân gian nổi lên như một trào lưu ở Đức lúc bấy giờ, với những tên tuổi lớn như Johann<br />
Gottfried Herder, Archim von Arnim và Clemens Brentano.<br />
Tinh thần thời đại, dự định của Arnim và Brentano đã đưa Jacob và Wilhelm đến với con<br />
đường sưu tầm truyện cổ. Tập Truyện kể trong nhà và cho trẻ nhỏ (Kinder und Hausm¨archen) được<br />
Jacob Grimm (1785 -1863) và Wilhelm Grimm (1786 -1859) xuất bản lần đầu tiên vào năm 1812.<br />
Kể từ đó, truyện cổ Grimm luôn là cuốn sách được yêu thích và bán chạy ở Đức, sau Kinh Thánh.<br />
Truyện Grimm cũng là đối tượng nghiên cứu hấp dẫn của học giả Mỹ và châu Âu. Các nhà Grimm<br />
học đã tìm cách giải mã những câu chuyện kể của anh em nhà Grimm bằng nhiều cách khác nhau,<br />
trong đó có nỗ lực của trường phái lịch sử xã hội.<br />
Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến lí thuyết về nghiên cứu truyện cổ từ góc nhìn của<br />
trường phái lịch sử xã hội và vận dụng lí thuyết đó vào nghiên cứu một trường hợp cụ thể: truyện<br />
cổ Cô bé tro bếp (Aschenputtel) hay còn có tiêu đề dịch quen thuộc hơn với độc giả Việt Nam Cô<br />
bé lọ lem.<br />
Ngày nhận bài: 15/12/2015. Ngày nhận đăng: 10/3/2016<br />
Liên hệ: Ôn Thị Mỹ Linh, e-mail: onmylinh@gmail.com<br />
<br />
15<br />
<br />
Ôn Thị Mỹ Linh<br />
<br />
2.<br />
2.1.<br />
<br />
Nội dung nghiên cứu<br />
Từ góc nhìn lịch sử xã hội<br />
<br />
Để tìm hiểu ý nghĩa của truyện cổ, các học giả của khuynh hướng lịch sử xã hội đặt truyện<br />
cổ trong ngữ cảnh lịch sử, xã hội và văn hóa. Các nhà nghiên cứu này coi truyện cổ là sản phẩm<br />
của hoàn cảnh lịch sử xã hội, do đó, truyện cổ phản ánh các điều kiện, giá trị, tín ngưỡng, vấn đề<br />
xã hội, chính trị và hệ tư tưởng của dân tộc ở thời điểm nhất định. Họ thừa nhận truyện cổ phản<br />
ánh hiện thực, dù mỗi nhà nghiên cứu nhấn mạnh vào một khía cạnh khác nhau của hiện thực.<br />
Lutz R¨ohrich, trong cuốn Truyện cổ và hiện thực (1959), nhận định: “Truyện cổ phản chiếu hiện<br />
thực nơi mà chúng được tạo ra, nhân vật và khung cảnh được xây dựng trên cơ sở những con người<br />
thực và môi trường văn hóa của họ” [5;887]. Eugen Weber giải thích rõ hơn, truyện cổ phản ánh<br />
điều kiện sống của người kể chuyện và người nghe [10;96]. Như vậy theo Weber, điều kiện lịch sử<br />
xã hội văn hóa - môi trường sống của người kể chuyện và người nghe chi phối tới việc lựa chọn,<br />
hình thành các chi tiết trong truyện cổ. Trong công trình nghiên cứu truyện cổ vùng Schleswig Holstein của mình, Margarethe Wilma Sparing cho rằng để hiểu được ý nghĩa của truyện cổ cần<br />
trả lời hai câu hỏi: Truyện cổ phản chiếu nhận thức của con người về hiện thực đến mức độ nào?<br />
Những khía cạnh nào của thế giới quan được đề cập tới trong truyện cổ tích? Nhà nghiên cứu nhận<br />
định, thông qua việc phân tích các mối quan hệ liên cá nhân trong truyện cổ tích, người đọc có<br />
thể nhận ra quan niệm về con người và tự nhiên được chuyển tải trong đó [8;36-46]. Hiện thực<br />
theo Sparing chính là hiện thực về các mối quan hệ trong gia đình, xã hội, tự nhiên và hiện thực tư<br />
tưởng. Cũng đặt truyện cổ trong ngữ cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội, Bengt Holbek, nhà folklore học<br />
người Đan Mạch, cho rằng trong truyện cổ có những chi tiết tượng trưng cho thế giới thực, thế giới<br />
được trải nghiệm bởi người kể chuyện và người nghe kể chuyện. Theo Holbek, giải mã những chi<br />
tiết biểu tượng này sẽ giúp người đọc hiểu được những vấn đề xã hội, những mơ ước và lí tưởng<br />
của một cộng đồng ở một thời điểm nhất định [6;435]. Robert Darnton, khi phân tích truyện cổ<br />
Pháp cho rằng: “truyện cổ là những tài liệu lịch sử” và tìm thấy sợi dây liên hệ giữa truyện cổ Pháp<br />
và hệ thống quan niệm về con người, tự nhiên, xã hội của nước Pháp thế kỉ XVIII.<br />
Tiếp cận truyện cổ Grimm từ góc nhìn lịch sử xã hội là cách thức của một số nhà Grimm học<br />
như Ruth Bottigheimer và Jack Zipes. Bottigheimer chú ý tới mối quan hệ phức tạp giữa truyện<br />
cổ và xã hội, khẳng định: truyện cổ Grimm là thông điệp của hiện thực thường ngày [1;17]. Đặt ra<br />
vấn đề mới trong mối quan hệ giữa truyện cổ và hiện thực, Jack Zipes cho rằng truyện cổ không<br />
chỉ phản ánh hiện thực, mà truyện cổ còn tác động trở lại hiện thực. Qua việc khảo sát truyện cổ<br />
Grimm, Zipes viết: “Truyện cổ Grimm tham gia mạnh mẽ vào việc hình thành các tín ngưỡng,<br />
quy tắc ứng xử và phản ánh những thay đổi của trật tự xã hội Đức” [12;134]. Zipes và những nhà<br />
nghiên cứu theo khuynh hướng lịch sử xã hội đã phần nào chịu ảnh hưởng lí thuyết văn hóa của<br />
Clifford Geertz. Theo Geertz, có thể tìm hiểu giá trị xã hội, văn hóa thông qua việc nhận diện hệ<br />
các quy tắc ứng xử [4;141].<br />
<br />
2.2.<br />
<br />
Trường hợp Cô bé tro bếp<br />
<br />
Cô bé tro bếp hay phiên bản Cô bé lọ lem do anh em nhà Grimm sưu tầm thuộc type truyện<br />
số 510A Cinderella theo bảng chỉ dẫn về truyện cổ của Aarne-Thompson-Uther. Đây là một trong<br />
những type truyện phổ biến nhất, hiện diện trong hầu hết kho tàng truyện cổ các nước. Các nhà<br />
nghiên cứu đã vận dụng nhiều cách thức khác nhau để tiếp cận type truyện này như thu thập dị<br />
bản, tìm hiểu đường đi của type truyện này, tìm hiểu sự phản chiếu phong tục, tập quán hoặc xem<br />
xét ý nghĩa giáo dục của câu chuyện. Trong bài viết này, chúng tôi muốn tìm hiểu truyện cổ Cô bé<br />
tro bếp từ góc nhìn lịch sử xã hội, thông qua việc phân tích các mối quan hệ liên cá nhân thấy được<br />
16<br />
<br />
Nghiên cứu truyện cổ từ góc nhìn lịch sử xã hội và trường hợp Cô bé tro bếp (Aschenputtel)<br />
<br />
hệ các quy tắc ứng xử và hệ các giá trị xã hội.<br />
Truyện Cô bé tro bếp đề cập tới mối quan hệ gia đình phức tạp giữa dì ghẻ và con chồng,<br />
giữa người con riêng của chồng và người con riêng của vợ. Người dì ghẻ bộc lộ ác cảm của mình<br />
với người con riêng của chồng khi bắt cô bé tội nghiệp phải làm tất cả công việc trong gia đình,<br />
chui rúc nơi xó bếp tồi tàn. Chính vì suốt ngày lủi thủi nơi xó bếp, mặt lúc nào cũng lọ lem vì tro<br />
bếp mà người con riêng được gọi là cô bé tro bếp hay cô bé lọ lem. Lòng ác độc thể hiện rõ hơn<br />
khi người dì ghẻ gieo cho cô bé niềm hi vọng được tham gia lễ hội do nhà vua tổ chức nhưng ngay<br />
lập tức làm cô bé tuyệt vọng vì điều kiện để được đi là công việc mình cô không thể thực hiện nổi.<br />
Như Cashdan đã nhận xét: “Người dì ghẻ rõ ràng là không có ý định để cô bé lọ lem tham gia lễ<br />
hội bởi vì công việc mụ giao cô bé không có cách nào hoàn thành theo thời gian quy ước” [2;96].<br />
Trước thái độ của người dì ghẻ, người con riêng tỏ ra phục tùng trong hầu hết các trường hợp. Cô<br />
bé làm lụng suốt ngày không một lời phàn nàn và sống nơi xó bếp tồi tàn không một lời kêu ca. Cô<br />
bé chấp nhận yêu cầu của người dì ghẻ dù rõ ràng cô bé nhận ra đó là công việc ngoài khả năng<br />
thực hiện. Thái độ cư xử độc ác mà hai người con riêng của người dì ghẻ dành cho cô bé lọ lem<br />
chứng tỏ tâm hồn ác độc của hai người em chính là bản sao tâm hồn của người dì ghẻ.<br />
Trên bề mặt câu chuyện, sự xung đột trong mối quan hệ dì ghẻ - con chồng, con riêng của<br />
chồng và con riêng của vợ là mối quan hệ một chiều: đàn áp và phục tùng. Nhưng ở chiều sâu, sự<br />
phản kháng và chủ động của người con riêng yếu thế vẫn được bộc lộ qua một vài chi tiết: cô bé lọ<br />
lem cầu xin sự giúp đỡ từ lực lượng trợ giúp để thực hiện yêu cầu dường như bất khả thi của người<br />
dì ghẻ; cô bé che giấu giá trị của bản thân qua gương mặt lấm lem và hạn chế sự căng thẳng của<br />
mâu thuẫn khi thay vì xin người cha tặng quà là đồ trang sức quý giá như hai người em con riêng<br />
của dì ghẻ, cô bé chỉ yêu cầu một cành cây tầm thường. Tất cả những điều đó đã khiến người dì<br />
ghẻ và con riêng của dì ghẻ, thậm chí cả người cha của cô bé tro bếp đều lầm tưởng và đánh giá<br />
thấp nhan sắc cũng như khả năng của cô bé. Họ không thể tưởng tượng nổi một người nhọ nhem<br />
như thế đến gần kết câu chuyện lại hiện ra trước mặt họ thật xinh đẹp như một nàng công chúa và<br />
có những bước nhảy uyển chuyển cùng hoàng tử.<br />
Nếu mối quan hệ giữa dì ghẻ và con chồng được bộc lộ qua xung đột thì mối quan hệ giữa<br />
người mẹ đẻ và con gái lại có tính chất hài hòa, hỗ trợ. Người dì ghẻ chỉ độc ác với cô bé lọ lem,<br />
còn với hai người con đẻ của mình thì hết mực yêu thương: tìm mọi cách giúp hai người con gái<br />
vượt qua được thử thách thử giày để trở thành vợ hoàng tử. Người mẹ đẻ của cô bé tro bếp trước<br />
khi mất đã đưa ra lời hứa sẽ quan tâm tới cô bé dù ở bất kì nơi đâu và dường như có một sợi dây<br />
liên hệ giữa linh hồn người mẹ với cây trồng trên mộ người mẹ và con chim đã trợ giúp cho cô bé<br />
lọ lem. Dù tính chất của mối quan hệ mẹ đẻ - con gái này là trợ giúp, nhưng biểu hiện qua các mối<br />
quan hệ cụ thể khác nhau. Nếu người mẹ đẻ ra cô bé tro bếp để lại cho cô bé những bài học đạo<br />
đức như chăm chỉ và mộ đạo thì người dì ghẻ truyền cho con gái mình những bài học về việc sử<br />
dụng mưu mẹo để đàn áp người khác và cách lừa dối để đạt mục đích bất chấp tất cả.<br />
Mối quan hệ giữa người cha và con gái trong Cô bé tro bếp không được khắc họa rõ nét.<br />
Bottigheimer phân tích chi tiết người cha mang một cành cây con về làm quà cho người con của vợ<br />
trước theo yêu cầu của cô bé như biểu hiện của sự ủng hộ ngầm của ông dành cho cô. Bottigheimer<br />
viết: “Trong phiên bản Cô bé lọ lem do anh em nhà Grimm sưu tầm, không có sự xuất hiện của<br />
cô Tiên. Thay vào đó, cô bé lọ lem đã có sức mạnh từ sự trợ giúp của cha mẹ đẻ mình, bằng cách<br />
trồng nhánh cây con mà người cha mang về trên ngôi mộ người mẹ và tưới cho cây con đó hàng<br />
ngày bằng nước mắt của mình” [1;36]. Khi nhận nhánh cây con từ người cha, cô bé lọ lem đã cảm<br />
ơn cha, nhưng sau đó, nước mắt cô đã rơi. Người cha dường như không mang lại cho con gái mình<br />
một sự bảo vệ chắc chắn mà để cô bé tự mình đối mặt và giải quyết những rắc rối trong mối quan<br />
hệ với dì ghẻ và những người con riêng của dì ghẻ.<br />
17<br />
<br />
Ôn Thị Mỹ Linh<br />
<br />
Các mối quan hệ ngoài gia đình như hoàng tử với cô bé lọ lem và người con riêng của dì<br />
ghẻ, cô bé lọ lem với lực lượng trợ giúp đáng chú ý ở một vài phương diện. Trong câu chuyện của<br />
anh em nhà Grimm, hoàng tử ngay lập tức muốn sở hữu vẻ đẹp của cô bé lọ lem và chủ động tìm<br />
mọi cách để phát hiện ra cô và đưa cô bé lọ lem vào sống trong cung qua việc thử giày. Lực lượng<br />
trợ giúp cho cô bé lọ lem là chim bồ câu và cây con mọc lên từ mộ của người mẹ. Lực lượng trợ<br />
giúp thực thi những công việc mà lẽ ra là trách nhiệm của bố mẹ cô bé: lắng nghe ước muốn của<br />
cô bé, chia sẻ và giúp đỡ cô bé đạt được ước muốn. Như Maria Tatar nhận xét: “Cô bé lọ lem bị<br />
người dì ghẻ và hai người con riêng của dì ghẻ ghét bỏ và làm nhục, trong khi tự nhiên lại trợ giúp<br />
cho cô. Chim bồ câu giúp cô hoàn thành việc nhà và cây mọc trên mộ người mẹ lại mang lại cho<br />
cô quần áo đẹp, đồ trang sức để cô tham gia lễ hội” [9;73].<br />
Các mối quan hệ liên cá nhân trong và ngoài gia đình nói trên phản ánh những quy tắc ứng<br />
xử và hệ giá trị xã hội vừa mang tính chất truyền thống vừa có bóng dáng của nước Đức giai đoạn<br />
lãng mạn thế kỉ XIX. Câu chuyện Cô bé lọ lem phác họa bức tranh gia đình mà trên bề mặt câu<br />
chuyện nổi lên vai trò và quyền lực của người phụ nữ trong gia đình. Những yếu tố bề mặt này đã<br />
khiến Parsons đưa ra kết luận: “bản kể Cinderella của anh em nhà Grimm được bám rễ từ truyền<br />
thống gia đình mẫu quyền” [7;145]. Tuy nhiên, cách nhìn của Cashdan sâu sắc hơn khi nhà nghiên<br />
cứu cho rằng, việc người cha không giải quyết những xung đột trong gia đình “không có nghĩa là<br />
vai trò của người cha mờ nhạt. Mà thực chất truyện cổ chú trọng hướng tới phản ánh mối quan hệ<br />
giữa mẹ và con” [2;94]. Trong bản kể của anh em nhà Grimm, người cha thể hiện vai trò của mình<br />
ở chỗ ra ngoài làm việc và kiếm tiền đáp ứng nhu cầu của cả gia đình. Người đàn ông dường như<br />
không có ý định can thiệp và giải quyết xung đột giữa những người phụ nữ trong gia đình. Điều<br />
này lí giải cho việc tại sao người cha của cô bé lọ lem không bảo vệ cô bé khỏi sự cư xử ác nghiệt<br />
của người dì ghẻ. Những chi tiết này cho thấy câu chuyện được kể trong bối cảnh xã hội lịch sử mà<br />
người phụ nữ thể hiện vai trò của mình trong gia đình và người đàn ông thể hiện vai trò của mình<br />
ngoài xã hội.<br />
Những dấu ấn của xã hội phong kiến phụ quyền cũng được tái hiện trong Cô bé lọ lem qua<br />
những quy tắc ứng xử của vua với dân, của người đàn ông chọn vợ và những chuẩn mực đạo đức<br />
dành cho người phụ nữ.<br />
Nhà vua - đại diện của quyền lực phong kiến đã tổ chức lễ hội ở cung đình nhằm chọn người<br />
con gái xinh đẹp nhất cho con trai mình. Trở thành vợ của hoàng tử là giấc mơ của mọi cô gái và<br />
để vượt qua thử thách của hoàng tử, trong một số trường hợp, các cô gái bất chấp thủ đoạn, mưu<br />
mẹo và chấp nhận đau đớn như hai người con riêng của mụ dì ghẻ. Dù những người con gái này có<br />
khao khát đến mấy trong việc theo đuổi giấc mơ làm vợ hoàng tử, họ chỉ ngồi ở nhà, đợi người đàn<br />
ông lí tưởng đến và đưa ra thử thách cùng quyết định về người thắng cuộc. Vai trò khác biệt của<br />
việc tìm kiếm người bạn đời và được tìm kiếm được quy định bởi giới, phản ánh rõ nét bối cảnh<br />
lịch sử của xã hội phụ quyền.<br />
Câu chuyện Cô bé tro bếp bộc lộ quan niệm truyền thống về cái Đẹp và đưa ra thông điệp<br />
định hướng giáo dục những cô gái trở thành người phụ nữ chuẩn mực về đạo đức.<br />
Chi tiết thử giày đã gợi ra mối tương quan giữa bàn chân nhỏ và người phụ nữ đẹp. Quan<br />
niệm người phụ nữ có bàn chân nhỏ là người phụ nữ đẹp và cao quý có mặt trong nhiều nền văn<br />
hóa khác nhau. Quan niệm này, như Dundes đã chỉ ra, có nguồn gốc từ thói quen bó chân của<br />
những cô gái con nhà giàu trong quá khứ [3;103-104]. Quan niệm này cũng hình thành từ thực tế<br />
lịch sử xã hội: những cô gái xuất thân trong gia đình giàu có, có địa vị trong xã hội không phải lao<br />
động chân tay vất vả, vì thế bàn chân họ không bị to và thô kệch giống như những cô gái xuất thân<br />
lao động nghèo khó. Cái Đẹp được nhận diện qua đôi bàn chân nhỏ nhắn và vợ của hoàng tử phải<br />
là người con gái xinh đẹp nhất phản chiếu hiện thực xã hội: cái Đẹp được sinh ra và thuộc về tầng<br />
18<br />
<br />
Nghiên cứu truyện cổ từ góc nhìn lịch sử xã hội và trường hợp Cô bé tro bếp (Aschenputtel)<br />
<br />
lớp giàu có, cao quý.<br />
Đức hạnh của người phụ nữ cũng được định hướng thông qua những thông điệp đạo đức<br />
trong Cô bé tro bếp của anh em nhà Grimm. Như nhà Grimm học Zipes đã chỉ ra, anh em nhà<br />
Grimm đã trau chuốt hình ảnh của những người phụ nữ trẻ trong câu chuyện cổ của mình, nhấn<br />
mạnh vào những chuẩn mực đạo đức như đức hi sinh, biết nghe lời và chăm chỉ, siêng năng - những<br />
phẩm chất của người trung lưu theo đạo Tin Lành [11;142]. Cô bé tro bếp đã miêu tả nhân vật nữ<br />
chính như một cô bé có hoàn cảnh đáng thương nhưng lại hết sức xinh đẹp, chăm chỉ, biết nghe lời<br />
và với những đức tính này, cô gái xứng đáng được làm vợ hoàng tử. Và “thông qua vẻ ngoài xinh<br />
đẹp, phẩm chất đạo đức tốt đẹp, cô bé lọ lem đã thành công trong việc đạt được vị thế xã hội cao<br />
hơn” [9;223]. Trở thành vợ của hoàng tử, giành được vị thế xã hội cao hơn xuất thân chính là phần<br />
thưởng cho cô bé tro bếp vì những đức tính tốt đẹp ấy.<br />
Bản kể của anh em nhà Grimm cũng đặt ra mối tương quan giữa ngoại diện và tâm hồn. Tuy<br />
cả cô bé tro bếp và hai người con riêng của dì ghẻ đều là những cô gái xinh đẹp nhưng phẩm chất<br />
đạo đức mới là yếu tố quyết định sự thưởng và phạt. Nếu cô bé tro bếp được phần thưởng và trở<br />
thành vợ hoàng tử, hưởng sự giàu có, sung túc, vị thế xã hội cao quý thì hai người con riêng của dì<br />
ghẻ lại bị trừng phạt với những bàn chân bị cắt, gọt đến chảy máu và hai đôi mắt bị mù. Cách cô<br />
bé lọ lem và hai người con riêng dì ghẻ được thưởng và phạt truyền tải lời khuyên tới những cô gái<br />
trẻ: nên tránh xa sự ghen tức, đố kị và phải đối xử với người khác bằng lòng tốt và sự trung thực.<br />
Một khía cạnh quan trọng khác của bài học đạo đức là vai trò quan trọng của người mẹ trong việc<br />
giáo dục cách cư xử cho con gái. Nếu người mẹ của cô bé tro bếp đã thành công khi nỗ lực mang<br />
đến cho cô con gái nhỏ những lời răn dạy về sự chăm chỉ, mộ đạo ngay trong cơn hấp hối và kết<br />
quả là cô con gái ấy được hưởng giàu sang, hạnh phúc; người dì ghẻ cũng răn dạy những người<br />
con gái của mình nhưng không phải là bài học đạo đức mà là cách áp bức cô bé tro bếp và cách<br />
đánh lừa hoàng tử trong buổi thử giày chọn vợ và kết quả là sự đau đớn, thất bại của hai người con<br />
riêng.<br />
<br />
3.<br />
<br />
Kết luận<br />
<br />
Như vậy, từ góc nhìn lịch sử xã hội, câu chuyện Cô bé tro bếp phản ánh những quy chuẩn<br />
ứng xử và hệ giá trị của xã hội phong kiến phụ quyền trong đó, người đàn ông có nhiệm vụ đi tìm<br />
kiếm, lựa chọn bạn đời và giải quyết công việc bên ngoài, trong khi người phụ nữ chờ đợi được<br />
lựa chọn làm vợ và khi đã trở thành vợ thì đảm nhiệm các công việc gia đình. Cô bé tro bếp cũng<br />
phản chiếu hiện thực của xã hội phong kiến, nơi cái Đẹp tồn tại và thuộc về giai cấp có địa vị xã<br />
hội cao quý. Bản kể của anh em nhà Grimm, bên cạnh việc đề cập tới những giá trị và hệ quy tắc<br />
ứng xử của xã hội phong kiến phụ quyền, còn thổi vào tâm hồn người đọc bầu không khí lãng mạn<br />
với khao khát, hi vọng đổi thay. Giấc mơ của cô bé lọ lem, thoát khỏi xó bếp tồi tàn để đến cung<br />
vua sang trọng, giàu có, bước chân từ địa vị yếu ớt bé nhỏ trong gia đình và xã hội lên địa vị tột<br />
đỉnh cao quý thông qua việc giữ gìn phẩm chất đạo đức là giấc mơ thay đổi của chính anh em nhà<br />
Grimm và người dân Đức thế kỉ XIX.<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
[1] Ruth Bottigheimer, 1987. Grimms’Bad Girls & Bold Boys: The Moral & Social Vision of The<br />
Tales. Yale.<br />
[2] Sheldon Cashdan, 2008. Witch Must Die: The Hidden Meaning of Fairy Tales. Basic Books.<br />
[3] Alan Dundes, 1982. Cinderella: A Casebook. Broadway Books.<br />
[4] Clifford Geertz, 1973. The Interpretation of Cultures: Selected Essays. Basic Books.<br />
19<br />
<br />