NGƯỜI BÁN TUỔI
lượt xem 4
download
- Chú mày không còn gì nữa thật à? - Vâng. Đúng thế, - hắn đáp. - Vậy sao còn đến hiệu cầm đồ? Hắn lúng túng đứng im vì chẳng biết nói gì. Hắn còn trẻ, trẻ lắm, chính xác là hai mươi tuổi. Mới cách đây một tuần hắn kỷ niệm cái tuổi ấy ở quán nước cùng vài thằng bạn như hắn, bằng nước chè chén và kẹo lạc.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: NGƯỜI BÁN TUỔI
- NGƯỜI BÁN TUỔI - Chú mày không còn gì nữa thật à? - Vâng. Đúng thế, - hắn đáp. - Vậy sao còn đến hiệu cầm đồ? Hắn lúng túng đứng im vì chẳng biết nói gì. Hắn còn trẻ, trẻ lắm, chính xác là hai mươi tuổi. Mới cách đây một tuần hắn kỷ niệm cái tuổi ấy ở quán nước cùng vài thằng bạn như hắn, bằng nước chè chén và kẹo lạc. Chỉ thế thôi vì lúc ấy trong túi không đứa nào có tiền. Hắn là sinh viên năm thứ ba một trường đại học "con ông cháu cha" ở Hà Nội, mặc dù ông bà cha mẹ hắn bao đời nay chỉ là nông dân nghèo, lại ở tỉnh xa. Hắn vào được trường này đơn giản vì học giỏi, vào thẳng, nhờ trước đó đoạt giải cao trong một lần thi toán quốc tế và ba lần giải nhất nhì trong nước. Hắn khá đẹp trai, lại thông minh và có dáng rất trí thức. Cả con người hắn toát lên điều đó, ai thoạt nhìn cũng nhận thấy ngay. Đôi mắt hắn thật sáng và luôn hấp háy sau cặp kính trắng hình ô-van gọng mạ kền hợp mốt mà không hiểu hắn đeo vì cận thật hay chỉ để tôn thêm cho khuôn mặt vốn đã rất ưa nhìn của mình. Hắn có thói quen chốc chốc đưa ngón tay trỏ nâng cặp kính trên chiếc mũi thon thẳng, dù chẳng mấy khi nó tụt xuống. Da hắn trắng và mịn. Đôi môi chúm chím, mọng và hồng hồng như môi con gái. Dáng điệu và cách nói năng, cư xử của hắn cũng lịch sự. Tóm lại, cả phần trong lẫn phần ngoài, hắn là một người gần như hoàn thiện. Hắn luôn ý thức điều ấy, kể cả việc rất nhiều cô gái để ý đến hắn. Chỉ tội mỗi cái là hắn nghèo. Sinh viên tỉnh lẻ ai chẳng nghèo? Hẳn thế. Nhưng với người khác thì đó là "khó khăn tài chính", còn với hắn thì vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều. Hắn muốn có cuộc sống vật chất (tức sinh hoạt, chi tiêu và nhất là giao du với bạn bè) tương xứng với một người thông minh, đẹp trai và lịch lãm như hắn. Hắn tiếc chứ không oán giận bố mẹ. Hắn biết thân phận mình nên không bao giờ chủ động viết thư xin tiền. Có thì các cụ cho, không thì tự lo lấy. Hắn nghĩ thế và đã tìm mọi cách để có tiền. Toàn những cách lương thiện và sạch sẽ - làm gia sư,
- viết hộ luận án cho người khác, học giỏi để được nhận học bổng và tham gia các đề tài nghiên cứu, các chương trình, dự án. Nhưng để có được cách sống như hắn mong muốn thì các khoản thu nhập ấy không đủ, dù hắn đã rất cố. Là người tự trọng, hắn không mua chịu cái gì và cũng không hỏi vay tiền ai, kể cả bạn bè thân thiết. Mà đã tự trọng thì dễ thành sĩ diện. Thế là hắn tìm đến hiệu cầm đồ với cảm giác xấu hổ và chua xót. Đầu tiên hắn cầm chiếc đồng hồ Thuỵ Sĩ chính hiệu được tặng lần đi thi ở nước ngoài, để có tiền mua quà sinh nhật cho một cô bạn gái con nhà giàu yêu hắn và cũng được hắn yêu lại. Tiếp đến là chiếc nhẫn vàng hai chỉ do một bà cô nghèo ở Sài Gòn đã khóc vì mừng và tự hào đưa cho hắn khi được vào thẳng đại học. Có thể dễ dàng đem bán những thứ ấy nhưng hắn không làm thế vì không muốn chia tay với những vật kỷ niệm có ý nghĩa. Hắn từng đem cầm và chuộc lại chúng mấy lần, cho đến khi chẳng kiếm đâu ra tiền để chuộc. Cách đây ba tháng hắn phải đem cái duy nhất còn lại có thể mang tới hiệu cầm đồ này là chiếc xe máy không tốt lắm nhưng cũng chẳng đến nỗi cà tàng, để có tiền hoàn thành dự án do một công ty tư nhân thuê hắn và hai đứa bạn khác làm nhưng không được ứng trước đồng nào. Hắn tin làm xong sẽ có tiền không chỉ đủ chuộc lại xe mà cả những thứ khác. Nhưng cái công ty ấy vỡ nợ, do vậy đẩy hắn vào thế tuyệt vọng. Chẳng hiểu vì sao hôm nay hắn đến đây, một khi không có tiền để chuộc lại cái đã cầm. Hắn lờ mờ nghĩ số tiền hắn vay chỉ già nửa giá trị chiếc xe, biết đâu lão chủ hiệu cầm đồ thương tình đưa thêm chút ít nữa chăng. Tuy nhiên hắn không muốn hỏi xin điều ấy, vì hắn biết rõ tính lão và mức lãi lão bắt hắn trả. Thành ra hắn cứ nấn ná nửa muốn ở lại, nửa muốn về ngay để khỏi phải nhìn con người hắn đang căm ghét. - Vậy là quả thật cậu không còn gì nữa? - lão hỏi lại cái câu vừa hỏi lúc nãy. - Thì tôi đã nói là không rồi! Ông điếc à? - Tự nhiên hắn nổi cáu. Từ trước tới nay hắn luôn lịch sự "bác cháu" với lão, nhưng giờ thì hắn chuyển sang "ông tôi". Lão giả vờ không nhận thấy thái độ ấy của hắn, vẫn nhỏ nhẹ: - Tôi thấy hình như cậu vẫn còn cái để cầm hoặc bán cho tôi đấy. Quý và đắt tiền
- nữa là khác... Ông ỡm ờ, lảm nhảm gì thế? - Hắn vẫn chưa hết cáu. - Tôi mà không biết mình đang có gì sao? Hay ông biết, ông nói thử tôi nghe. Tôi đang cần tiền. - Rất cần? - Vâng, rất cần. - Cần ngay bây giờ? - Cần ngay bây giờ. Lão già chủ hiệu cầm đồ húng hắng ho. Từ nãy đến giờ lão ngồi sau chiếc quầy gỗ cáu bẩn, trên chiếc ghế tròn cao bằng sắt có thể xoay đi xoay lại như ở quầy bar, còn hắn thì đứng cạnh. Lão thong thả bước xuống, pha ấm trà mới rồi mời hắn ngồi xuống bộ xa-lông cũng già nua và nhăn nheo như lão. - Mời cậu uống nước và hút thuốc, - lão nói, tay chìa bao ba số. Đây là lần đầu lão đối xử tử tế với hắn. Hắn thầm ngạc nhiên nhưng chỉ lặng lẽ chờ xem lão định giở trò gì. - Xin được nhắc lại: Cậu không biết cậu còn một cái rất quý mà tôi đang cần. Nếu cậu muốn, ta có thể thương lượng... - Cái gì? - hắn tò mò hỏi. - Thì cậu hãy uống nước, hút thuốc đi đã. Việc này quan trọng, không vội được, - lão nói, nhìn thẳng vào mắt hắn, một cái nhìn sắc lạnh và đáng sợ, đến mức không chịu nổi, hắn phải cúi mặt. - Thế này nhé, - lão lên tiếng sau hồi lâu hai người im lặng, - cậu đang có cái quý nhất của con người, đó là tuổi trẻ. Cậu có thể đem nó cầm ở cửa hàng tôi, hay tốt nhất là bán hẳn cho tôi, được không?... - Ông nói gì cơ? Tuổi trẻ? Bán tuổi trẻ của tôi cho ông? - hắn thốt lên, lúc đầu ngạc nhiên, sau phì cười: - Ông điên à?
- - Chính xác năm nay cậu bao nhiêu tuổi nhỉ? - lão hỏi như không nghe hắn vừa nói gì. - Hai mươi. - Cái tuổi thật đẹp mà tôi rất muốn có, dù phải trả giá đắt. Cậu đồng ý bán nó cho tôi chứ? "Lão già này điên thật rồi, - hắn thầm nghĩ. - Lão nói lảm nhảm gì vậy không biết". - Cứ cho là tôi muốn bán đi, nhưng ông cần nó làm gì, và... việc mua bán này thực hiện như thế nào? Đây không phải chiếc xe máy hay một đồ vật cụ thể. Ông hiểu ý tôi chứ? - Hiểu, rất hiểu, - lão già gật đầu. - Tôi sẽ cho anh biết sau. Biết về các điều kiện mua bán ấy mà. Bây giờ chỉ cần anh nói anh có đồng ý không đã. "Hay lão ta là phù thuỷ?" hắn tự hỏi rồi mỉm cười, buột miệng thành tiếng: - Ông nói cứ như ông là phù thủy không bằng. - Nếu muốn, anh có thể coi tôi là phù thủy cũng được. Không sai nhiều lắm đâu, - lão thản nhiên đáp. Hắn bắt đầu thấy câu chuyện trở nên thú vị, dù chẳng tin chút nào những điều lão nói. Với hai chữ "phù thủy" lởn vởn trong đầu, hắn đưa mắt nhìn lão một lượt từ đầu đến chân và thấy lão cũng hơi hơi giống phù thủy thật. Người lão bé choắt, khuôn mặt gầy, đen xỉn lại đầy những nếp nhăn sâu, đặc biệt trên trán và hai bên khóe mắt. Nhìn lão, cái đập vào mắt trước tiên và dễ nhận thấy nhất là một nốt ruồi to, hồng hồng như hạt đậu đỏ với mấy sợi lông không hiểu sao lão không cắt mà cứ để mọc dài, trông rất khó chịu. Chiếc mũi lão nhọn, kéo xuống gần miệng nhưng không khoặm. Trên mũi là chiếc kính trắng mắt tròn và nhỏ như kính thầy bói. Các ngón tay lão dài, chỉ còn da bọc xương nhưng khá sạch và
- không có móng nhọn như phù thủy. Còn đôi môi lão thì đúng là môi phù thuỷ - mỏng, nhỏ, bên ngoài xám ngoét nhưng càng sâu vào trong càng đỏ, đỏ như máu. Cả đôi mắt và giọng nói cũng đúng của phù thủy. Ở chúng có cái gì đấy độc ác và đáng sợ. Hắn thầm ngạc nhiên sao mãi bây giờ mới nhận thấy những điều này ở lão. Cũng có thể do bị ám ảnh nên hắn mới thấy thế chăng? Hắn đảo mắt nhìn qua căn nhà. Đúng là hang phù thủy. Nó ở trong một con hẻm sâu hun hút. Một phần bên ngoài lão dùng làm cửa hiệu, hay đúng hơn là nơi giao dịch của cửa hiệu; các bức tường cáu bẩn đến mức không thể nhận ra nó từng được quét bằng loại vôi ve gì, trên đó có treo một cặp sừng nai cong queo, một con đồi mồi, một chiếc mặt nạ màu đen bằng gỗ với đôi nanh trắng hếu, một con chồn nhồi đang bám vào tường và... một giấy chứng nhận gia đình văn hóa mới được lồng trong khung kính. Hắn bĩu môi khi thấy cái vật quá ư đời thường, lạc lõng này. Tất cả đều bị phủ một lớp bụi dày đen xỉn. Hắn chưa bao giờ vào phòng trong, nhưng đoán biết nó rất dài, không có chút ánh sáng nào lọt vào, là nơi cất giữ những thứ người ta đem đến cầm cố, và chắc chắn phải có đủ dụng cụ hành nghề của một lão phù thủy. Hình như lão sống một mình. Ít ra xưa nay hắn chưa hề gặp ai khác ở đây, ngoài khách hàng của lão. - Thời này không còn phù thủy nữa, tất nhiên,- hắn nhận xét. - Nhưng thực tình tôi thấy ông chẳng khác phù thủy mấy. - Thì tôi chính là phù thủy thật mà. Tôi biết anh không tin, nhưng quả đúng thế. - Tôi không ngờ ông là người thích đùa. Đã vậy, tôi cũng xin đùa theo. Tôi đồng ý bán tuổi trẻ của tôi cho ông. Xin cho biết cách thức và giá cả cụ thể! - Nhưng đây không phải chuyện đùa. Chuyện nghiêm túc đấy. - Ừ, thì nghiêm túc. Ông nói đi. Lão già im lặng một lúc như suy ngẫm điều gì. - Được, vậy là anh năm nay hai mươi tuổi. Anh có thể nhượng lại cho tôi số tuổi này dưới dạng cầm đồ... trong trường hợp này là cầm tuổi, lúc nào có tiền anh
- chuộc lại. Nhưng tôi muốn và cũng khuyên anh nên bán đứt cho tôi thì được lợi hơn nhiều, lại đỡ rắc rối sau này... - Tôi đồng ý theo cách thứ hai. Rồi sao nữa? - Tốt lắm. Bây giờ ta bàn giá cả. Đây là mặt hàng ít mua bán nên không có giá chung. Tôi định trả cho anh mỗi năm tuổi mười triệu đồng, anh thấy thế nào? - Mười triệu một năm tuổi! - hắn khẽ thốt lên, không hiểu vì nghĩ như thế là quá đắt hay quá rẻ. - Vâng, cứ cho là tôi chấp nhận giá ấy. Tiếp theo là gì? - Là coi như vụ mua bán này xong xuôi. Hai người sẽ kí hợp đồng. Anh giao hàng, tôi trao tiền. Thế thôi. Như các vụ mua bán bình thường khác ấy mà. - Giao hàng, nhận tiền? - hắn lại ngạc nhiên và mỉa mai hỏi tiếp: - Thế cái bản hợp đồng ấy có phải đem ra ủy ban phường hoặc phòng công chứng xác nhận không? - Kể làm được thế thì tốt hơn, nhưng mà thôi, không cần. Tôi là người tử tế và hi vọng anh cũng vậy. Vả lại phù thủy chúng tôi có luật riêng của mình, - lão nói một cách rất nghiêm túc. Bỗng nhiên hắn ngồi thừ người, im lặng hồi lâu. Hắn vẫn nghĩ lão già chỉ đùa, nhưng hắn không thích kiểu đùa này, nhất là với một người như lão. Cuối cùng hắn hỏi: - Chuyện gì sẽ xảy ra với tôi sau khi bán tuổi cho ông? - Sao một người thông minh như anh còn phải hỏi tôi điều ấy? - Lão cười to thành tiếng. - Cái người ta đã bán tất nhiên sẽ không còn thuộc về mình nữa. Anh bán hai mươi năm tuổi trẻ của anh cho tôi thì nghĩa là anh sẽ mất đi hai mươi năm tuổi trẻ ấy. Anh vẫn chưa hiểu à? Nôm na là ngay sau khi nhận tiền, anh trở thành người bốn mươi tuổi chứ không phải hai mươi như bây giờ. Tuy nhiên, để tránh đột ngột và không gây bất tiện cho anh trong cuộc sống, tôi và anh nên thỏa thuận mua bán từ từ thôi, một tháng một tuổi chẳng hạn. Anh sẽ không bị già đi quá nhanh, lại không phải có quá nhiều tiền một lúc, là điều mang tai họa chứ chẳng phải ích lợi.
- - Được, cứ cho là thế, nhưng ông sẽ làm gì với tuổi trẻ của tôi sau khi mua nó? - Lại một câu hỏi ngốc nghếch nữa. Để tôi được trẻ thêm hai mươi tuổi chứ còn gì. - Lão già lại cười, lần này to và có vẻ thích thú. - Tôi đoán năm nay ông khoảng sáu mươi lăm. Vậy ông sẽ thành một người đàn ông bốn mươi lăm tuổi. Sao ông không chọn mua tuổi của ai đấy ba mươi, bốn mươi để được trẻ hơn? - Ồ, cái gì cũng phải có giới hạn, anh bạn trẻ ạ. - Lão lại cười. Bây giờ hắn thấy tiếng cười của lão thật đáng ghét. - Anh nghĩ xem, từ một ông già lọm khọm thế này, bỗng dưng tôi thành thằng trai tơ, người ngoài trông vào khó coi lắm. - Tôi hỏi ông câu cuối cùng: Vì sao ông chọn mua tuổi của tôi chứ không phải của người khác? - Đơn giản thôi. Vì anh thông minh, khỏe mạnh và quan trọng nhất là chưa nhiễm những thói xấu không thể tha thứ. Nói anh biết, chứ bọn nghiện ma túy và trộm cướp, có cho không tôi tuổi trẻ của chúng tôi cũng chẳng thèm. Là người mua, tôi phải biết chọn hàng. - Lão ngừng nói, tợp một ngụm nước rồi nhìn thẳng vào mắt hắn: - Vậy là ta nhất trí? Thay cho lời đáp mà rõ ràng lão chủ hiệu cầm đồ đang nóng lòng muốn nghe, hắn đứng dậy, cố tình tỏ vẻ chậm chạp, uể oải để che giấu những ý nghĩ đang rối lên trong đầu. - Thôi, đùa thế đủ rồi. Ông xem tôi như con nít không bằng. Tôi về đây, - hắn nói. - Ấy, gượm đã! - Lão vội chặn hắn lại. - Việc mua bán chẳng ai ép ai, hẳn thế. Nhưng tôi xin nhắc lại rằng đây là chuyện nghiêm túc. Rất nghiêm túc... - Nghiêm túc? - hắn kéo dài giọng một cách mỉa mai. - Ông thử giải thích tôi nghe cái nghiêm túc ấy của ông xem nào. Làm sao trong thời đại tàu vũ trụ và Internet hiện nay bỗng chốc tôi già đi hai mươi tuổi chỉ vì câu đùa ngu ngốc nào đó của một
- lão già khốn khổ như ông? - Thì đã nói rằng tôi là phù thủy... - Phù thủy với cái này treo trên tường? - Hắn chỉ tay vào khung kính có tấm bằng gia đình văn hóa mới. - Anh cứ chuyện nọ xọ chuyện kia, - lão già đáp, giọng nhún nhường. Rõ ràng lão không muốn mất khách. - Cái ấy chẳng liên quan gì đến việc chúng ta đang bàn. Còn chuyện trẻ ra hay già thêm bằng cách nào thì anh khỏi lo. Đó là việc của tôi. Chỉ cần anh đồng ý là xong, ta sẽ kí hợp đồng... - Như hợp đồng giữa Faust và Mephisto trong vở kịch thơ của ông Goethe người Đức... - Vâng, vâng, đúng thế. Quả tôi chọn người không nhầm. Thời buổi này mà một sinh viên trẻ tuổi như anh còn có thì giờ tìm đến tác phẩm này thì kể cũng hiếm. Có điều, Faust bán linh hồn cho Mephisto, còn anh chỉ bán tuổi trẻ của anh mà thôi. Nhân tiện xin được tiết lộ điều này, một khi anh nhắc đến Mephisto. Tôi là hậu duệ của một trong những đồ đệ của ông ta đấy... - Nghĩa là ông sống trên đời này đã lâu, rất lâu. - hắn ngắt lời lão. - Xin hỏi, ông đã gạ mua tuổi trẻ của bao nhiêu người rồi? - Anh tò mò quá đấy, anh bạn trẻ ạ. Tất nhiên anh không phải người đầu tiên và chắc cũng chẳng là người cuối cùng, cho đến lúc tôi phải chết vì một lý do ngớ ngẩn nào đó. Tôi biết trước số phận của mình mà. Nhưng thôi, ta quay lại với vở kịch Faust kia của ông Goethe. Anh có nhớ dàn đồng ca của bầy phù thủy trong cảnh Đêm hội quỷ ở miền rừng núi giữa Siec và Elen không, với hai câu kết rất ấn tượng là Qua đá, qua ghềnh; Phù thủy đánh rắm, dê già thối inh? Các cụ kị của tôi đấy. Công bằng mà nói, cái ông phó giáo sư, phó tiến sĩ Đức Soạn nào đó đã dịch Faust ra tiếng Việt cũng thối inh chẳng kém gì mùi rắm tổ tiên chúng tôi. - Nói đến đây, lão già nhăn mũi như ngửi thấy mùi thối thật. - Mà thôi, chuyện ấy không quan trọng. Vì như tôi đã nói, đây là việc nghiêm túc, anh có thể suy nghĩ thêm trước khi trả lời dứt khoát. Tôi chờ anh quyết định. Anh vẫn cần tiền đấy chứ?
- - Vẫn, - hắn đáp cộc lốc. - Cần để sống cho ra sống và làm việc tốt hơn. - Tốt. Xin nhắc lại: Tôi sẵn sàng mua hai mươi tuổi xuân của anh, với giá mười triệu đồng một tuổi. Mỗi tháng giao hàng, nhận tiền một lần. Lần đầu tôi có thể ứng luôn cho anh hai chục triệu để anh vừa chuộc lại xe, vừa có tiền tiêu. Trường hợp cần tiền, nếu anh muốn, trong một tháng tôi có thể mua cho anh hai tuổi hoặc hơn thế. Hi vọng với số tiền lớn này anh sẽ có điều kiện sinh hoạt và làm việc tốt hơn như anh nói. Là người thông minh và cần cù, tôi tin anh sẽ thành tài. Muốn thành tài, ai cũng phải trả giá. Cái giá của anh kể cũng có đắt, nhưng chưa hẳn đã đắt lắm nếu so với nhiều người khác. Vậy nhé. Tôi chờ anh... * Đang đói tin giật gân, báo chí Hà Nội bỗng vớ được dịp may hiếm thấy để tăng số lượng xuất bản. Các báo tranh nhau đưa tin về một hiện tượng "xưa nay chưa từng thấy" xảy ra ở ngay thủ đô. Vì là tin hiếm nên người ta cố tình kéo dài, mỗi ngày chỉ hé cho bạn đọc một số thông tin nhất định, hôm sau li kì hơn hôm trước. Ngoài đường, trên tất cả các phố, đội quân bán báo rong vừa đạp xe vừa vặn to hết cỡ những chiếc micro rè chạy pin của họ, dài dòng kể chuyện ở trường nọ không hiểu sao trong vòng một năm (có báo nói mấy tháng, có báo nói hai năm) một sinh viên năm thứ ba bỗng biến thành một "ông già lụ khụ" sáu bảy mươi tuổi (cũng có báo nói chỉ bốn hoặc năm mươi). Rằng chàng sinh viên-ông cụ ấy đã bị y tế nhà trường dùng vũ lực đưa đến một loạt các bệnh viện, kể cả Viện lão khoa trung ương, nơi các chuyên gia đầu ngành khẳng định chàng mắc chứng già trước tuổi, một căn bệnh nan y rất hiếm nhưng không phải không có, mặc dù chàng khăng khăng tuyên bố không hề đau ốm gì. Cái lý do "học thi nhiều nên chóng già" chàng đưa ra để giải thích trường hợp có một không hai này đã bị cả giới khoa học lẫn bạn bè thẳng thừng bác bỏ, cho là "không nghiêm túc và phi lý". Tiếp đến là những bài báo dài, nói một cách chi tiết, cặn kẽ (chắc không tránh khỏi đôi chút phóng đại) về những nỗi khổ đau, phiền toái trong đời sống thường ngày của anh chàng hai mươi tuổi bỗng chốc thành "ông cụ sinh viên râu ria xồm xoàm" bị người yêu bỏ, bị bạn bè cười giễu, bị từ chối và đuổi thẳng về nước không được tham dự một cuộc thi tin học quốc tế dành cho sinh viên, với lý do khai man tuổi.
- Thậm chí chàng suýt bị khai trừ khỏi đoàn thanh niên, cũng vì tuổi tác và bộ râu rậm đã lốm đốm nhiều sợi bạc. Suốt mấy năm sau đó báo chí còn đều đều đưa tin về "cụ sinh viên" này. Có tờ còn coi "cụ" như niềm tự hào dân tộc. Có tờ nêu vấn đề mời đại diện Guiness tới Việt Nam để tận mắt chứng kiến và đưa hiện tượng này vào sách kỷ lục thế giới. Cũng qua báo chí, người ta biết được rằng "cụ" đã tốt nghiệp xuất sắc trường đại học của mình, đủ tiêu chuẩn nhận học bổng du học ở Mỹ để lấy bằng tiến sĩ. Tuy nhiên, lại lần nữa vì tuổi tác, "cụ" bị từ chối không được nhập trường, dù phía Việt Nam đã xuất trình giấy khai sinh gốc được chính quyền địa phương xác nhận bằng dấu tròn màu đỏ. Là nhà khoa học đầy triển vọng, "cụ" được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Nay cụ đã là một giáo sư tiến sĩ đáng kính, niềm tự hào của trường và của cả đất nước. "Cụ" đã lập gia đình, với người vợ hơn mình hai mươi tuổi. Ấy thế mà có kẻ độc mồm còn dám nói sau lưng họ: "Trông cứ như bố con!" Sinh viên rất quý "cụ", cả về kiến thức lẫn đạo đức. Có điều họ hơi lấy làm lạ là hầu như buổi học nào "cụ" cũng nhắc họ một điều chẳng mấy ăn nhập chương trình giảng dạy: "Các em phải luôn nhớ rằng trên đời này không gì quý bằng tuổi trẻ, và bất luận trường hợp nào các em cũng không được để mất nó, cũng như không được đánh đổi nó lấy bất kì cái gì khác!" * Cách đây không lâu, có tờ báo ở Sài Gòn đưa tin một người đàn ông trạc tuổi bốn mươi hay hơn một tí, có nốt ruồi lớn màu hồng hồng bên má trái, bị tai nạn giao thông ở Gò Vấp lúc mười giờ đêm, may được bác xích lô tốt bụng đưa vào bệnh viện. Mặc dù được các bác sĩ hết lòng cứu chữa, người này đã chết một giờ sau đó. Điều đáng nói là lúc ông ta tắt thở, các bác sĩ rất ngạc nhiên khi thấy toàn thân ông ta rữa ra và bốc hơi rất nhanh, cuối cùng chỉ còn lại ít xương mủn trên chiếc giường bệnh trải ga trắng ông ta vừa nằm. Câu chuyện quá kì dị nên người ta không tin, và chỉ coi đó như một trong vô số trò tung tin giật gân câu khách của tờ báo vốn bị nhiều tai tiếng này. |
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Kính vạn hoa (Nguyễn Nhật Ánh) - Tập 6 Người bạn lạ lùng
30 p | 121 | 23
-
Người Bạn Ma
4 p | 196 | 19
-
Một số phương pháp tập thể dục phù hợp với người cao tuổi
5 p | 178 | 15
-
Người bạn
3 p | 135 | 10
-
Người Bạn Ma
2 p | 78 | 9
-
Người Bán Hàng Rong
5 p | 124 | 6
-
Sự tác động của quá trình đô thị hóa đối với hoạt động thể thao của người cao tuổi
5 p | 16 | 5
-
Người Bạn Tên Ali
4 p | 58 | 5
-
Đánh giá tình trạng sức khỏe người cao tuổi nữ tập luyện môn Hatha Yoga tại thành phố Hà Nội
5 p | 35 | 4
-
Thực trạng hoạt động tập luyện của nữ người cao tuổi tại câu lâu bộ sức khoẻ ngoài trời quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
9 p | 36 | 3
-
Người Tình Tuổi Ngọ
3 p | 52 | 3
-
Hai người bạn thân
4 p | 98 | 3
-
Lý do bạn nên du lịch ở mọi lứa tuổi
3 p | 84 | 3
-
Thực trạng cơ cấu và động cơ tập luyện môn Hatha Yoga của người cao tuổi nữ tại thành phố Hà Nội
4 p | 31 | 2
-
Người bạn
2 p | 75 | 2
-
Thực trạng hoạt động tập luyện của nữ giới cao tuổi tại câu lạc bộ sức khoẻ ngoài trời quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
9 p | 32 | 2
-
Nâng cao dịch vụ hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho khách du lịch là người cao tuổi, người mắc bệnh mãn tính trong những chuyến du lịch ngắn hạn và dài hạn
8 p | 9 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn