intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Người Việt và các văn hoá ứng xử: Phần 2

Chia sẻ: Hoangnhanduc | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:112

5
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Tiếp nội dung phần 1, Văn hóa ứng xử của người Việt: Phần 2 trình bày các bình diện ứng xử của người Việt; ứng xử truyền thống và hiện đại. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Người Việt và các văn hoá ứng xử: Phần 2

  1. Phần II CÁC BÌNH DIỆN ỨNG XỬ CỦA NGƯỜI VIỆT 65
  2. 66
  3. ỨNG XỬ CÁ NHÂN Sống trong xã hội, con người không thể thoát ly khỏi xã hội. Ở bất kỳ chế độ xã hội nào, kể cả khi chủ nghĩa cá nhân phát triển đến đỉnh điểm, con người vẫn phải gắn với cộng đồng bởi lẽ tách khỏi cộng đồng, cá nhân không được tiếp thêm sức sống, trở nên bất lực, cô đơn, vô nghĩa. Ngày nay ở phương Tây người ta đề cao "tự do" và "cái tôi" cá nhân song vẫn có những tập tục quy ước mà con người phải tuân theo. Nếu con người biệt lập hoàn toàn với xã hội sẽ dẫn con người đến sự huỷ hoại và diệt vong. Cộng đồng giúp người ta cố kết để tồn tại nhưng vì cố kết, cá nhân phải giảm thiểu "cái tôi" và luôn bị sự "xét nét" của cộng đồng. Vậy, ứng xử của cá nhân như thế nào để phù hợp với thực tế là một vấn đề luôn khiến các cá nhân phải suy nghĩ. Trong các mối quan hệ, cái đập vào mắt người ta trước hết là hình thức. Muốn ứng xử thuận lợi, phải có một "hình thức" nhất định. Hình thức ở đây không chỉ là quần áo, dáng vẻ bên ngoài mà còn là cách nói năng, thể hiện con người mình tùy theo hoàn cảnh. Dân gian có câu: "Người đẹp vì lụa; 67
  4. Lúa tốt vì phân; Chân tốt vì hài; Tai tốt vì hoãn". Hình thức có thể gây được thiện cảm hay không trong lần đầu tiếp xúc là một điều người Việt rất chú ý. Chả thế mà người ta thường "trông mặt mà bắt hình dong", con người mà người ta mới gặp lần đầu đã được đánh giá sơ bộ thông qua hình thức bên ngoài. Người Việt rất chú ý tới cái đẹp cá nhân trong ứng xử thể hiện trước hết qua cái đẹp hình thức. Cuộc sống của con người trước đây chủ yếu bó hẹp trong khuôn khổ cái làng. Sự gần cận và có phần xét nét khiến người ta phải cố làm sao để hòa đồng. Bởi vậy trong từng hoàn cảnh cụ thể người ta phải làm sao để "tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại". Trước hết nói về trang phục. Người Việt phân biệt rất rõ thế nào là thường phục, quần áo mặc trong nhà, ra ngoài đường, lễ phục trong các buổi tiếp kiến, ngoại giao long trọng. Ngày xưa vào mùa đông, khi đi làm đồng, người dân phải xắn quần đến đầu gối để lội nước nên họ thường mặc thêm áo kép ngoài áo nâu. Khi mưa thì trùm thêm ra bên ngoài áo tơi bằng lá gồi hoặc áo buồm bằng cỏ lác. Đàn bà con gái ở thôn quê thường mặc yếm, mặc áo và thêm chiếc áo bông ngắn đến thắt lưng khi đi làm đồng vào lúc trời rét. Những người khá hơn thì quanh năm đóng áo dài vải nhuộm bùn, áo vạt cải hay áo tứ thân, hai vạt trước vắt quàng lên nhau buông xuống quá đầu gối. Áo của thiếu nữ cũng là áo tứ thân nhưng 68
  5. làm đỏm bằng cách may đổi vải, nửa trên là vải the thâm, dưới là vải nhỏ sợi nhuộm màu hạt cau được nối với nhau rất công phu. Hai vạt sau may so le để khỏi đơn điệu. Phụ nữ phong lưu thì mặc áo mớ ba cài khuy, khuy cổ không cài để lộ đồ trang sức cho thêm đẹp. Ngày thường đàn ông có thể lam lũ, quần nâu áo vải nhưng vào ngày giỗ, ngày tết hay hội hè đình đám, họ thường hay mặc quần vải trắng. Trong những ngày yến lão, các cụ già thường mặc quần điều, sang hơn thì mặc vóc nhiễu đại hồng. Khi tiếp khách, đàn ông bậc trung lưu thường mặc áo the thâm. Mùa hè nóng nực, người nào sang có thể mặc áo dài trắng, ngoài phủ sa trơn hay sa hoa, mùa rét thì mặc áo nhiễu, đoạn, gấm các cụ già sang trọng mùa đông mặc áo láng thâm, áo bông trần quân cờ, khuy áo bằng đồng, bạc, vàng hay hổ phách, ngọc thạch. Gặp khi có việc phải lên cửa quan, đàn ông không bao giờ mặc áo trắng và để đầu trần. Nếu là dân thường phải đi chân đất. Vào ngày giỗ tết, khi làm lễ cáo yết gia tiên, người chủ lễ phải mặc áo thụng xanh, cổ áo cao gần gấp đôi áo thường, tà và gấu áo may to bằng một tấc ta. Đón quan trên, kỳ mục các làng cũng phải mặc loại áo này. Khi thiết triều ở kinh đô, các quan đều phải mặc phẩm phục. Tuỳ theo quy định và theo thứ bậc mà các quan được dùng loại vải nào, màu sắc gì, may như thế nào. Ngay từ thời Lê, nhà vua lo 69
  6. giữ nền nếp văn hiến bằng cách đặt ra các quy định, thể lệ về y phục đối với từng loại dân. Người nào mặc quần áo lạ lùng, quái gở thì phải phạt 80 trượng đối với đàn ông và 30 roi đối với đàn bà cộng thêm với việc tịch thu quần áo. Điều này là một minh chứng cho việc người Việt chú ý tới phục sức như thế nào. Theo quan niệm của người Việt, cái đẹp của cá nhân trong ứng xử trước hết là cái đẹp hình thức. Dù chỉ là tương đối, vẻ đẹp của hình thức phải thống nhất với nội dung. Nếu không có sự thống nhất giữa hình thức và nội dung người Việt bao giờ cũng chọn nội dung "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn". Điều này cho thấy quan niệm về cái đẹp của người Việt rất thực tế. Ngoài ra, trang phục đối với người Việt không chỉ là vẻ đẹp hình thức mà trong những hoàn cảnh cụ thể, nó đã được quy định rất chặt chẽ. Khi ấy nó không còn là trang phục nữa mà là sự biểu hiện của nội dung ứng xử. "Thọ mai gia lễ" đã quy định các loại áo tang mà con cháu trong họ phải tuân theo: Tang ba năm: áo để xổ tung gấu, may bằng loại vải xô rất thô và xấu. Tang một năm: áo tang viền có gấu. Tang chín tháng: áo tang may bằng loại vải có sợi thô, to. Tang năm tháng và ba tháng cũng vậy. Nhìn vào bản quy định này, có thể nhận thấy 70
  7. tang ba năm - con để tang cha mẹ, áo tang rất xấu may bằng vải xô. Điều này xuất phát từ nhận thức về chữ hiếu, về trật tự trên dưới trong tình cha con, mẹ con. Cha mẹ mất đi là một tổn thất rất lớn làm sao lúc ấy có thể mặc đẹp, có thể vui cười. Những quy định tỉ mỉ như thế cho thấy trong ứng xử, trang phục và hình thức bên ngoài (cách nói năng, điệu bộ...) đóng một vai trò thật quan trọng. Đối với mỗi một dân tộc, màu sắc đóng một vai trò biểu hiện khác nhau. Với người châu Âu, màu đen thường tượng trưng cho màu tang tóc còn với người Việt, màu trắng lại là màu bi thương. Trong đám cưới, người Việt chỉ thích màu hồng, màu đỏ vì hai màu đó tượng trưng cho sự tốt lành. Ngược lại, khi đi đám ma người ta tránh mặc áo màu đỏ hoặc những màu rực rỡ, lòe loẹt. Trong một cộng đồng có tính chặt chẽ như vậy, thái độ biểu hiện của cá nhân phải rất cẩn trọng. Sẽ là lạ lùng nếu đến dự đám cưới với vẻ mặt đăm chiêu, âu lo và cũng thật quái gở nếu đi đưa đám ma như đi dạ hội. Ngày xưa khi gặp đám tang đi ngược chiều ai cũng lặng lẽ tránh đường và ngả mũ nón. Nếu đám tang đi cùng chiều thì đi chậm lại và ngả mũ. Đấy là những quy ước bất thành văn mà con người biết ứng xử phải tuân theo. Tôn trọng các quy ước cộng đồng thì cá nhân ở bất kỳ xã hội nào cũng vậy. Song, với xã hội người Việt, điều đó nặng nề hơn nhiều. Không những cá nhân 71
  8. bị dè bỉu, chê bai, bị "tiếng để đời" mà còn bị cộng đồng cô lập nữa nếu cá nhân muốn tách ra hoặc đứng bên lề quy ước ấy. Xưa, con người chỉ sống trong làng. Người ta lớn lên rồi chết đi cũng ở cái làng ấy. Cuộc sống tù túng, quẩn quanh khiến nhãn quan của người ta chật hẹp, thiển cận. Bởi vậy ai có điều kiện ra khỏi làng đi đây đi đó đều được mọi người vị nể. "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn". Người ta đi được ra khỏi làng cũng có nghĩa là hiểu biết nhiều và từng trải. Hiểu rõ thế thái nhân tình, người ta sẽ biết ứng xử thế nào để không ai có thể chê trách. Và đấy cũng là vẻ đẹp nội tâm của đàn ông theo quan niệm dân gian: "Làm trai cho đáng nên trai Phú Xuân đã trải, Đồng Nai cũng từng". Còn với phụ nữ thì lại khác. Theo quan niệm tam tòng, phụ nữ luôn luôn phải vâng phục - theo cha, theo chồng rồi theo con. Địa vị ấy của người phụ nữ trong gia đình đòi hỏi cần phải có vẻ đẹp thuần khiết, dịu dàng, kín đáo: "Cổ tay em trắng như ngà Con mắt em liếc như là dao cau Miệng cười như thể hoa ngâu Cái nón đội đầu như thể hoa sen". Sống trong một cộng đồng quanh năm có bao nhiêu ngày giỗ tết, hội hè, đình đám, người ta đều tổ chức ăn thì ăn như thế nào đối với mỗi cá nhân cũng là một chuyện đáng quan tâm. Hơn thế nữa, 72
  9. việc ứng xử khi ăn uống trong cộng đồng người Việt được đặt ra một cách nghiêm ngặt hơn so với các xã hội khác bởi lẽ người Việt sống trong một cộng đồng chặt chẽ, trong một gia đình có nhiều thế hệ. Dân gian có câu: "Miếng ăn quá khẩu thành tàn" để chỉ rõ trong việc ăn nếu không được giáo dục cẩn thận sẽ bị người đời chê cười như thế nào. Khác với người châu Âu, mỗi người có một suất ăn riêng; trong gia đình người Việt, mọi người cùng ăn chung một mâm. Ngồi vào mâm cơm, họ có thói quen mời nhau. Trong nhà ai là người cao tuổi được mời trước rồi theo thứ bậc mà mời tiếp. Trước khi ăn phải so đũa chứ không bạ đâu ăn đấy. Người Việt có câu chuyện kể về một ông bố vợ muốn kén rể hiền. Các chàng trai "rắp ranh bắn sẻ" đều được mời đến. Trên mâm cơm hôm ấy, ông cố tình để đũa tráo đầu đuôi rồi kín đáo quan sát. Chàng trai nào biết ứng xử, biết phép tắc thì so đũa và ăn uống từ tốn. Kẻ không được dạy dỗ cẩn thận thì vớ ngay lấy đôi đũa tráo đầu đuôi ấy và cứ thế ăn. Qua đấy, ông đã biết phải chọn chàng trai nào cho con gái ông. Tục ngữ có câu "Ăn trông nồi, ngồi trông hướng", "Liệu cơm gắp mắm" có nghĩa là khi ăn cần phải chú ý quan tâm đến người khác. Một mặt, do cuộc sống luôn luôn eo hẹp, thiếu thốn vì sản xuất lạc hậu, không phát triển, chứ nếu thức ăn thừa mứa, ê hề thì việc gì phải "Ăn trông nồi...". Mặt khác, câu 73
  10. tục ngữ ấy lại khuyên người ta về cách ứng xử trong hoàn cảnh cụ thể để làm sao "Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm" dù trong cảnh bần hàn, túng thiếu vẫn phải giữ cho được tư cách con người. Thông thường trong bữa ăn, người phụ nữ bao giờ cũng phải ngồi đầu nồi. Thấy cha mẹ đặt bát xuống phải đưa hai tay ra đón và xới thêm cơm. Miếng ngon miếng bổ phải mời cha mẹ trước, mời chồng rồi mới gắp cho con còn bản thân mình có ăn hay không cũng không quan trọng. Người Việt còn có câu "Nam thực như hổ, nữ thực như miêu" - Đàn ông ăn như hổ, đàn bà ăn như mèo, ăn ít, nhỏ nhẹ, từ tốn mới là đẹp. Còn với loại đàn bà "Ăn vụng như chớp", "Ăn thủng nồi trôi rế" bao giờ cũng đáng bị chê trách. Xưa, người Việt có tục ăn trầu. Mời trầu với người Việt không dừng ở việc mời mọc ăn uống bình thường mà còn tỏ rõ sự quý trọng mến khách. Theo "Văn hiến thông khảo" (khuyết danh): "Năm Thuận Hóa thứ nhất (999) vua Tống sai sứ sang tuyên phong cho Lê Hoàn chức đặc tiến, khi về sứ thần là Tống Cảo thuật lại rằng: Lê Hoàn cầm cương ngựa, cùng sứ giả đi rồi lấy trầu mời ở trên mình ngựa, đấy là phong tục mời khách rất quý". Trong ứng xử của người Việt, miếng trầu đóng vai trò quan trọng. Têm trầu và mời trầu cũng thể hiện rõ con người mà mình tiếp xúc thuộc loại nào. 74
  11. Có nhiều cách têm trầu để chỉ rõ trình độ khéo tay, đầu óc mỹ thuật và phép lịch sự: têm trầu cánh phượng, cánh kiến. Trong chuyện cổ tích Tấm Cám, một câu chuyện rất gần gũi với bất kỳ người dân nào của đất Việt, nhà vua đã nhận ra cô Tấm dịu hiền cũng thông qua cách têm trầu khéo léo ấy. Muốn vậy, người ta phải chọn cau đến hạt, tốt màu, miếng cau bổ vừa phải, không to cũng không nhỏ quá. Bầy trầu lên đĩa, hạt cau phải sóng hàng chầu vào giữa. Đĩa trầu chỉ bày 5 hoặc 10 miếng, không bày 4 miếng bởi lẽ trầu 4 miếng là có ý đuổi khách: Khi đưa trầu mời khách phải bưng hai tay. Vì miếng trầu là tục lệ, là tình cảm nên dù ăn được hay không cũng chẳng ai chối từ. Khi xưa, gặp nhau trên đường hay ở hội lễ, người ta thường mời trầu để tỏ lòng quý mến. Đối với nam nữ, mời trầu là một cách ướm hỏi thử lòng. Gặp nhau ăn một miếng trầu Gọi là nghĩa cũ về sau mà chào. Có khi bạo dạn, suồng sã hơn thì nói: Trầu bọc khăn trắng cau tươi Trầu bọc khăn trắng đãi người xinh xinh Ăn cho nó thỏa tấm tình Ăn cho nó hả sự mình sự ta. Bởi vậy, người con gái thường được cha mẹ dạy: Nhớ lời bác mẹ em răn Làm thân con gái chớ ăn trầu người. 75
  12. Trầu cau còn được xem như một hình thức biểu hiện sự trân trọng. Dân vào cửa quan phải có cơi trầu hay năm mười quả cau. Thợ cả đến xin việc làm như xây cất nhà phải có chẽ cau tươi hay năm chục một trăm miếng cau khô, xin chữ ký phải có trầu cau mới tỏ ra trịnh trọng: Đem một cơi trầu kêu với cụ Xin năm ba chữ để thờ ông. Khao vọng phải có trầu trình làng, mới xem là được làng chính thức chấp nhận. Nạp cheo phải có trầu lễ yết thần, biếu khắp quan viên thì lễ cheo ấy mới được xem như đủ giá trị luật lệ như một giấy chứng thực cho hôn lễ (giấy giá thú hay nay gọi là giấy đăng ký kết hôn). Ngày nay trong các lễ ăn hỏi, sau đó người ta có tục chia trầu, dấu tích còn lại của tục mời trầu xưa. Dù miếng trầu không còn thể hiện sự ứng xử như xưa nhưng một đám cưới vẫn không thể vắng bóng trầu cau, biểu tượng cho tình nghĩa vợ chồng thắm đượm mãi mãi. Với người Việt, cá nhân phải gắn chặt với cộng đồng nên ăn cũng như uống không thể tuỳ tiện. Xưa, khi đi làm đồng về, khát nước người ta có thể uống nước chè xanh, nước vối. Nhưng dù có khát khô cả họng, không ai lại uống ừng ực, uống cạn sạch cả bát nước. Tục ngữ có câu "Uống nước uống cả cặn", có ý phê phán những kẻ sống không biết điều; ngoài ra câu này còn nhằm chê trách những 76
  13. kẻ ăn uống thô tục, phàm phu tục tử theo kiểu ngưu ẩm - trâu uống. Có quan niệm cho rằng nghệ thuật uống trà chỉ có ở người Nhật. Trà của họ liên quan tới nghệ thuật trình bày hoa, tới việc bố trí nội thất phòng trà. Qua việc uống trà và bố trí phòng trà, các "trà sư" đã "cách mạng nền kiến trúc cổ điển và nội thất, tạo ra một thể tài mới"1. Thật ra, người Việt đã uống trà từ rất lâu rồi và họ có cách pha riêng. Trong cuốn "Trà kinh", một cuốn sách được coi như một cuốn thánh kinh về trà đạo, Lục Vũ đã đặt ra các quy thức cho trà và được người Trung Quốc phong làm thánh sư. Nguồn gốc của cây trà xuất phát từ Trung Quốc và đến đời nhà Đường, nó được nâng lên mức lý tưởng hóa. Sau này, nó du nhập sang Nhật và Việt Nam. Đáng chú ý là trong cuốn "Trà kinh", đoạn tả phương pháp pha trà có nhiều điểm tương đồng với cách pha trà ở Việt Nam. Tuy nhiên, người Việt tiếp nhận trà có hơi khác một chút. Nếu người Trung Quốc cho uống trà là một sự siêu thoát, người Nhật nâng trà lên thành một nghệ thuật thì chén trà với người Việt còn bao hàm cả văn hóa ứng xử nữa. Trong đám cưới, ngoài trầu cau, chén trà cũng không thể thiếu vắng. Khách đến chơi nhà, trước khi vào chuyện, chén trà mời khách là biểu hiện ___________ 1. Xem Chén trà Nhật Bản (Phạm Chỉ Lương dịch), Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1990, tr.63. 77
  14. của một thiện ý. Trà cũng như rượu, uống cần phải có bạn, phải tuỳ theo tiết trời mà chọn kiểu chén cho thích hợp. Uống trà mà tợp một lần hết cả chén trà là cái kiểu cách của kẻ phàm phu tục tử "trà tàu một hơi". Trong văn học Việt Nam, nhiều thành ngữ về trà đã thể hiện phép ứng xử. Khi nhà trai dẫn lễ sang nhà gái với cái thủ lợn bị cắt tai hoặc "trà ô long mất nhụy" là ý ám chỉ cô gái ấy đã mất trinh; "trà nước thứ hai" là có ý chỉ người phụ nữ chồng chết mà đi bước nữa. Đàn bà, phụ nữ mà ngủ trưa là đáng bị phê phán nên các cụ xưa có câu: trà hâm lại, gái ngủ trưa. Với người Việt Nam, rượu cũng là một thứ đồ uống rất quan trọng. Theo tục lệ người Việt, không một lễ nghi, một đám cưới, đám ma nào mà thiếu rượu. Người Việt có câu "Vô tửu bất thành lễ". Cúng gia tiên, cúng thần thánh, không có rượu thì không thành lễ. Khi vui bạn bè, tụ họp ăn uống phải có rượu nên mới gọi là đánh chén. Khi mời họ hàng, bạn bè đến mừng tiệc cưới hay yến lão, người Việt thường nói mời đến xơi chén rượu nhạt, không ai nói mời ăn dầu hôm ấy toàn mâm cao cỗ đầy. Thông thường "rượu vào lời ra". Sống trong một cộng đồng có phần nghiêm ngặt và xét nét, ứng xử của cá nhân phải rất thận trọng. Bởi vậy người ta đến các đám hội, uống rượu chỉ để nhằm vui bạn vui bè (rượu phá thành sầu), uống chỉ để tiêu khiển (rượu thơ). 78
  15. Ngoài ra, trong ứng xử cá nhân, người Việt rất chú ý tới việc đi, đứng, nằm, ngồi, điều này đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ. Có biết bao con mắt theo dõi một cô gái từ nhỏ cho tới khi lớn lên. Và không chỉ theo dõi mà còn xét đoán, cân nhắc, chọn lựa xem người con gái ấy có đủ "tiêu chuẩn" để hòa nhập vào gia đình họ không? Bởi thế, các cô gái ngày xưa rất cẩn thận: Em không dám đi mau Sợ chàng chê hấp tấp Số gian nan không giàu. (Nguyễn Nhược Pháp: Chùa Hương) Ngày xưa, phụ nữ đi vung vẩy hai tay, đi chân chữ bát sẽ bị xem là một con người "đểnh đoảng", không biết thu vén cho gia đình. Đi kiểu như rắn lượn thường gợi cảm giác "ham vui" và đó là điều tối kỵ đối với phụ nữ. Vì quan hệ giữa cá nhân với làng xã rất chặt chẽ nên bước chân ra khỏi ngõ là phải hỏi, phải chào và nhường đường cho người bề trên. Quy định này có lẽ khó tìm thấy ở những cộng đồng xã hội khác. Bước chân vào bất cứ gia đình người Việt nào, ta cũng bắt gặp bàn thờ tổ tiên. Bàn thờ thường được kê ở gian giữa, nhìn ra phía cửa. Người ý tứ, biết ứng xử là người không bao giờ ngồi quay lưng hoặc nằm quay chân về phía bàn thờ bởi đối với người Việt, bàn thờ tổ tiên là một cái gì đó rất linh thiêng. 79
  16. Người Việt có tính hiếu khách. Dân gian có câu "tiền chủ hậu khách", đấy là một quy định cho ứng xử cá nhân. Khi khách đến nhà, chủ phải đi trước dẫn đường. Nhưng khi khách muốn về thì phải "tiền khách hậu chủ" chủ tiễn khách chứ không phải muốn đẩy khách về cho nhanh. Người Việt có câu "Nhịn miệng đãi khách". Dù cuộc sống khó khăn đến đâu, có khách xa đến chơi, chủ nhà bao giờ cũng ân cần mời khách ở lại dùng cơm. Có quan niệm cho rằng điều này bắt nguồn từ thói sĩ diện, sợ làng nước người ta trông vào. Điều này có thể đúng với một số người nhưng nhìn chung, người Việt rất coi trọng đời sống tình cảm. Bởi vậy, khách đến chơi nhà với họ là một nguồn vui. Thông thường, khách đàn bà do phụ nữ tiếp và ngồi cùng mâm. Khách đàn ông do nam giới tiếp. Không bao giờ vợ ngồi ăn cùng mâm với khách đàn ông của chồng, ngược lại, chồng cũng không bao giờ ngồi ăn với khách của vợ. Khi bưng mâm lên, vợ chồng chủ nhà không ăn cơm cùng khách thì phải đứng ra mời cơm để tỏ ý vui mừng khi khách ở lại xơi cơm với gia đình. Khách của cha thì con không được ngồi cùng mâm, trừ trường hợp khách đòi hỏi muốn được cùng nói chuyện. Khi ấy, con không được ngồi cùng khách của cha trên sập giường mà phải lấy ghế ngồi bên cạnh hoặc phải đứng để hầu chuyện, hầu rượu, hầu cơm khách. Trong quan niệm của người Việt, một cá nhân 80
  17. biết ứng xử là con người có nết ăn nết ở. Nết ăn nết ở vừa biểu hiện qua hình thức, cách nói năng khi tiếp xúc vừa biểu hiện cái tình chân thật khi đối xử với cộng đồng. Người Việt thường có thói quen thăm hỏi, chúc mừng nhau trong đám cưới, sinh nhật, yến lão, khao vọng và chia buồn trong đám tang, trong sự rủi ro bất hạnh. Một trong những phương tiện biểu hiện ứng xử của người Việt là lời nói. Thật ra, bất cứ cá nhân nào trong các cộng đồng xã hội khác đều dùng lời nói để biểu hiện tình cảm và giao tiếp. Riêng người Việt, lời nói được chú ý đặc biệt bởi "sảy chân sảy tay thì có người đỡ, sảy mồm sảy miệng thì ai đỡ cho" hoặc "lời nói đọi máu". Hầu như người Việt nào cũng biết câu: Lời nói chẳng mất tiền mua Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Sống trong một cộng đồng mà việc nhỏ ở nhà mình, hàng xóm cũng biết; chuyện xảy ra ở đầu làng, chẳng mấy chốc không cánh mà bay đến tận cuối làng thì lời nói phải rất cẩn trọng. Không người Việt nào lại không biết đến tục kiêng tên. Kiêng tên tức là đọc chệch ra tiếng hơi khác đi, không phát âm đúng theo tên phải kiêng. Con cháu sẽ phạm lỗi bất kính nếu cứ tự nhiên nói ra cửa miệng tên của cha mẹ, ông bà, tổ tiên như nói tên các vật dụng hằng ngày. Người Việt rất chú ý tới cách nói năng. Nói thế nào cho phải, cho dễ nghe, cho thấu tình đạt lý, 81
  18. nói vẫn thật mà người nghe lại chấp nhận được là cả một nghệ thuật mà các cá nhân muốn tồn tại và phát triển trong cộng đồng người Việt phải học suốt đời. Với các cộng đồng khác, người ta xưng hô với nhau chỉ có ba ngôi: người nói, người nghe, người và vật được nhắc đến trong câu chuyện. Riêng với người Việt, cách xưng hô rất linh hoạt. Đại từ nhân xưng trong tiếng Việt đa dạng, phong phú nhưng cũng rất phức tạp bởi lẽ ngay trong cách xưng hô, người Việt đã tỏ rõ sự yêu thương, kính trọng, khinh ghét, khách sáo, thân mật. Trong cách xưng hô của người Việt có sự phân biệt tôn ti trật tự rõ ràng. Bởi thế, tục ngữ của người Việt có câu: "Học ăn, học nói, học gói, học mở". Cách xưng hô của người Việt tuỳ thuộc vào mức độ thân, sơ giữa người nói và người nghe. Bạn bè thân có thể xưng hô mày, tao nhưng mới quen sơ sơ mà xưng hô như vậy sẽ bị coi là có phần buông tuồng, bất nhã. Khi có quan hệ họ hàng, cách xưng hô không tuỳ thuộc vào tuổi tác mà căn cứ vào thứ bậc trong gia đình. Người dẫu ít tuổi nhưng là hàng trên vẫn được gọi là cô, dì, chú, bác. Ngược lại, người ít tuổi ở ngạch trên sẽ gọi người nhiều tuổi ở ngạch dưới là anh, bác, ông, cô - gọi thay con cháu mình cho "thuận tai", cho khỏi "chướng". Nếu thuần tuý là quan hệ xã hội, người Việt thường gọi theo phép tôn xưng, tức là xưng hô theo tuổi tác người được tiếp chuyện. Trong quan hệ vợ 82
  19. chồng, khi tỏ tình thân mật, người Việt thường gọi chồng, vợ mình là "nhà tôi" - hai chữ thật đậm đà, gắn bó - tôi với mình như hai mà một. Trong cộng đồng người Việt, chào hay đi đôi với hỏi. Cách chào hỏi mỗi nơi một khác tuỳ theo phong tục, đối tượng được chào và phong cách người chào. Khi chào hỏi người già, sự kính cẩn bao giờ cũng gây được thiện cảm. Trước đây, khi đến thăm hỏi một gia đình nào, người Việt thường tìm hiểu tên huý của gia đình ấy để tránh nhắc đến khi nói chuyện. Khi người dưới vái lạy, người trên phải đáp lễ. Trong tác phẩm Vũ trung tùy bút, Phạm Đình Hổ viết: "Nước ta xưa kia ở chốn công đường có lễ tương kiến, kẻ hạ quan cúng vái bậc trưởng quan. Gần đây những kẻ hiếu sự không biết xét đến cổ điển, lại cho vái là lễ của tôn trưởng đối với kẻ ti ấu, còn kẻ ti ấu đối với tôn trưởng không được vái, chỉ lạy xong là cứ đứng thẳng lên và lui ra". Qua trích đoạn trên có thể thấy với người Việt, vái lạy là một phép xã giao. Tất cả những vấn đề đã trình bày ở trên tạo thành "giá trị xã hội"1 - một trong những yếu tố quan trọng trong cơ cấu của cộng đồng người Việt. Nó tạo nên cho cá nhân một khuynh hướng dẫn tới các hành vi nhất định. ___________ 1. Giá trị xã hội ở đây được hiểu là các yếu tố hay hiện tượng của đời sống xã hội được xem xét theo quan điểm ý nghĩa xã hội mà cộng đồng đề ra. 83
  20. Và gia đình - một kiểu thiết chế xã hội với các cơ cấu bên trong của nó sẽ quy định cho cá nhân một cách ứng xử riêng theo quan niệm của một câu tục ngữ giản dị mà sâu sắc "Nhập gia tuỳ tục". 84
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2