intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Nguồn Cội

Chia sẻ: đức Phúc | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

78
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Dòng Phú Lương bắt đầu từ trên núi, vòng qua mé rừng phía Tây rồi thắt lại như eo người con gái, chảy róc ra róc rách cho tới lúc gặp chỗ bằng phẳng bỗng tuôn ra ào ạt. Dưới chân núi là làng. Lũ trẻ làng vẫn thường lên núi lấy củi và măng rừng. Từ trên núi nhìn xuống, khúc sông chảy qua làng có hình người đàn bà mang thai xoã tóc. Có một điều lạ là nước ở khúc sông này không khi nào cạn, bao giờ cũng ăm ắp đầy. Đêm đêm, khi lũ gà...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Nguồn Cội

  1. vietmessenger.com Khánh Hiền Nguồn Cội Dòng Phú Lương bắt đầu từ trên núi, vòng qua mé rừng phía Tây rồi thắt lại như eo người con gái, chảy róc ra róc rách cho tới lúc gặp chỗ bằng phẳng bỗng tuôn ra ào ạt. Dưới chân núi là làng. Lũ trẻ làng vẫn thường lên núi lấy củi và măng rừng. Từ trên núi nhìn xuống, khúc sông chảy qua làng có hình người đàn bà mang thai xoã tóc. Có một điều lạ là nước ở khúc sông này không khi nào cạn, bao giờ cũng ăm ắp đầy. Đêm đêm, khi lũ gà đã lên chuồng, tôi nằm bên cạnh mẹ nghe kể về sự tích cô Hòn. Rằng ngày xưa ở giữa sông chưa có gò đất nổi lên như bây giờ. Khi cô Hòn bị người yêu phụ bạc quẫn tiết nhảy xuống sông tự vẫn. Thế rồi sau một trận mưa lớn, người ta nhìn ra sông thấy gò đất đã nổi lên. Năm tháng qua đi, phù sa bồi đắp, gò đất ngày một rộng lớn. Dân trong làng bắt đầu lo sợ nó sẽ lấp mất dòng sông. Một hôm, có một người ghé qua làng mách rằng, nếu vào đúng đêm rằm, sai chín người con trai đồng trinh đội chín mâm lễ vật ngồi ở chín điểm gồ lên cao hơn bình thường trên gò, cúng cô Hòn đúng chín ngày chín đêm, gò sẽ không phình ra nữa. Những người già trong làng nửa tin nửa ngờ, bèn họp lại, sau một ngày tranh cãi, cuối cùng quyết định thử làm theo lời mách của người kia. Đêm rằm, chín người con trai đồng trinh được đưa ra thuyền. Đợi trăng lên thì bắt đầu hành lễ. Dân trong làng ra xem đứng chật kín bờ sông. Gió bắt đầu nổi lên. Chín ngọn nến lay lắt một lúc rồi bất ngờ bùng cháy. Vầng trăng bị vạch trần, sáng vằng vặc. Gió nổi lên một lúc thì lặng. Nửa khuya, nghe văng vẳng tiếng cười, rồi tiếng khóc từ mặt sông cất lên đẳng đót. Chín anh con trai đội lễ ngồi im lặng như thiền, không ăn, chỉ thỉnh thoảng có người đút cho miếng nước. Sau này chín người đội lễ hôm ấy lúc gần chết mới kể lại : Khi gió im thì cũng là lúc thấy trong người rạo rực, như bị đốt cháy, bản năng ham muốn trỗi dậy nhưng không thể nhúc nhích. Cứ thế, suốt chín đêm dòng máu trong người các anh chảy cuồn cuộn. Các thớ cơ căng ra, mắt mờ đi, cho đến khi tiếng mõ cuối cùng vừa dứt thì họ đổ ập xuống như vừa trải qua một đêm hoan lạc quá sức. Từ ấy gò đất không phình to thêm chút nào thật. Để tỏ lòng kính trọng, người ta lập giữa gò đất một ngôi miếu thờ, gọi là miếu cô Hòn. Gò đất cũng được gọi là gò cô Hòn, là chỗ nghỉ chân cho dân buôn bán ngược xuôi đi qua ghé vào thắp hương. Lũ trẻ trâu vẫn vượt sông ra gò bắt chim, chọi dế...
  2. °°° Tôi lớn lên bên bà và mẹ, khi xa làng mới biết câu chuyện mẹ kể có sức ám ảnh đến lạ kỳ. Rừng truyền cho tôi sức dẻo dai, tôi nhanh như hươu nai và dũng mãnh như con hổ. Dòng Phú Lương còn ôm ấp vỗ về tôi thuở nhỏ, cho tôi tắm mát. Tôi bơi lặn như một con rái cá. Hiếm khi nào tôi ra sông mà không bắt được cái gì đó mang về. Giống như nhiều đứa trẻ trong làng, tôi không có cha. Tôi sống với bà và mẹ. Bà bảo tôi cái ngọn phải biết cái gốc cái rễ. Mẹ chỉ cho tôi biết phát rẫy làm nương. Nhưng không có ai dạy cho tôi biết bắt con chim trên trời, bẫy con thú dưới đất. Không có ai dạy cho tôi biết cầm cái cung cái nỏ để bắn con xạ. Không có ai dạy cho tôi biết thổi khèn gọi bạn. Nếu không tự mày mò tôi sẽ không biết. Lớn lên tôi nói với mẹ tôi muốn đi học. Bà và mẹ đã khóc nhưng cuối cùng vẫn cho tôi đi... Tôi xa làng năm mười tám tuổi để về Hà Nội. Lúc đó, tôi đã ra dáng đàn ông trong nhà. Bạn cùng lứa với tôi đứa theo nhau đi đào vàng, đứa lấy chồng lấy vợ. Trước hôm đi, mẹ làm mâm cơm khấn trời đất và cũng sắm một chút lễ mọn để tôi chèo thuyền đưa mẹ ra gò xin cô Hòn cho tôi đi chân cứng đá mềm. Cả làng chỉ có mình tôi học cao đến thế này thôi. Tôi ngồi bên mẹ chắp tay ứa nước mắt... Sáng hôm tôi đi, bà với tay lên bàn thờ tổ lấy xuống đeo vào cổ cho tôi một cái nanh hổ. Đó như thứ bùa phép, ý bà muốn tổ tiên sẽ truyền cho tôi tinh lực, lòng dũng cảm để bay cao, bay xa và quan trọng là để cho tôi nhớ đường về với bà, với mẹ, với bản làng. Tôi lặng đi. Chiếc túi thổ cẩm trên vai nặng trĩu. Ngồi trên con tàu lao vun vút xuyên qua vách núi, tôi ngoái đầu nhìn lại quê hương. Dòng Phú Lương cũng luồn rừng theo tôi đi cho đến khi bị vách đá chặn đứng phải chuyển qua hướng khác. Quê hương khuất tầm mắt, tôi gục đầu vào cái túi thổ cẩm, gọi “Mẹ ơi”. Suốt những năm tháng học xa nhà, tôi hay lặng lẽ lôi những thứ ''bùa phép'' của bà ra xem. Tôi cảm thấy tự hào bởi chúng bạn cùng phòng không có. Cả những câu chuyện mà chẳng đứa nào tin. Nhưng tôi tin! Dường như trong máu của tôi đã có khí chất của núi rừng, của dòng Phú Lương, không thể nào khác được.... °°° Đêm nay tôi lại nằm bên mẹ. Đã là một chàng trai trong ngày trở về, tôi vẫn muốn được như thời thơ ấu. Mặc dù tôi có thể nằm riêng. Chốc chốc tôi lại thấy mẹ trở mình xen lẫn tiếng thở dài nghe xa xót. Buồng trong bà tôi rít thuốc lào liên tục. Dường như thiếu nó bà sẽ không ngủ được. Gió lùa vào, quẩn lên mùi khai lẫn với mùi thuốc bắc và mùi ẩm mốc của chiếc chăn. Nhưng chỉ một lát lại bị khói thuốc lào át đi. Làng tôi có cả một cánh đồng trồng thuốc lào trong khe núi, cho nên từ bà già đến trẻ nhỏ ai cũng có thể nuốt cái thứ khói đùng đục ấy vào phổi mà không sợ bị say. Bà tôi không ăn trầu. Những người đàn bà trong làng cũng không có thói quen ăn trầu. Nhưng nhà nào cũng có cây cau, đến mùa cau chín rụng đầy gốc không ai nhặt. Tôi nằm bên mẹ, im lặng lắng nghe tiếng mang tác ở cánh rừng xa xa. Bà tôi dường như
  3. không thể nào chợp mắt nên dậy đi lại trong nhà lập lờ như cái bóng. Mẹ nói người già thường khó ngủ. Bà đốt lửa, thắp hương lên bàn thờ. Mùi hương trầm quyện vào gió lâng lâng trong đêm, thơm ngan ngát. Bà bảo : - Mai chợ phiên, mẹ nó mua sợi về tao bện cho thằng Sáng cái vòng. Mẹ khẽ ho : - Bà sợ đi đâu bị đám con gái nó bỏ bùa mê thuốc lú rồi không biết đường mà về, đeo cái vòng vào thì khỏi lo... Tôi định bảo : ''Bà già rồi, lẩm cẩm'' nhưng im lặng. Bà tôi năm nay tám mươi tuổi, đã gần đất xa trời. Bà chăm bẵm, nuôi nấng dạy bảo tôi nên người, khóc khi tôi khóc, vui khi tôi cười và sống bằng cái niềm vui giản dị ấy. Trằn trọc mãi vẫn không ngủ được, mẹ trở dậy nhóm lửa thổi xôi. Gió núi bạt vào, dâng lên mùi cơm nếp nương ngào ngạt. Tôi cũng không ngủ được, nằm im lặng, lắng nghe tiếng chân ngựa lóc cóc và tiếng trò chuyện của những người đi chợ sớm ngoài đường cái vọng vào. Một lúc rồi qua đi, tất cả lại rơi vào im lặng. Trời vẫn sớm. Tôi nhìn đồng hồ dạ quang trong bóng tối, mới có 3 giờ. Mẹ lại leo lên nằm cạnh tôi, tiếng thang giường kêu ọp ẹp. Tôi nhìn vào bóng tối và thầm nghĩ, những đêm không có tôi đối với mẹ chắc là dài lắm. Cứ nhìn vào mắt mẹ thì biết, đôi mắt đã rạn chân chim. Mẹ hỏi : - Con cũng không ngủ được à? - Con không thấy buồn ngủ. Bà xen vào : - Nó ở dưới Hà Nội, ăn cơm Hà Nội, uống nước Hà Nội, tối ngủ đệm quen lưng rồi nên về đây nằm trên sợi mây rừng khó ngủ là phải. Tôi định cãi, ở nơi nào chả thế. Nhưng nghe tiếng mẹ thở dài lại thôi. Tôi mân mê cái nanh hổ bà đeo cho trên ngực. Chắc bà tôi luôn nghĩ ở Hà Nội phải khác xa với đất này. Bà chưa một lần ở Hà Nội. Làm sao bà biết được, ra đâu cũng thế. ở đâu cũng có kẻ giàu, người nghèo... Gió từ dưới sông thổi lên, mang theo hơi nước lành lạnh. Xen lẫn những tiếng thở dài của mẹ, tôi chợt nghe như văng vẳng đâu đấy tiếng cười, tiếng khóc. Mẹ trở mình: - Nghe các cụ kể lại, ngày xưa nếu còn sống cô Hòn sẽ sinh con vào tháng này đây. Tôi hỏi mẹ : - Đêm nào cô Hòn cũng khóc thế à ? Mẹ thở dài :
  4. - Chỉ những hôm trở trời, sáng trăng mới nghe được. Tôi đoán : - Chắc là ngày xưa cô Hòn với người yêu hay hẹn nhau vào những đêm trăng sáng. Nhưng hôm nay trời lại không có trăng... Mẹ vội ngăn : - Bậy nào ! Nói năng phải cẩn thận. Đã có mấy đứa đêm đến dẫn gái ra gò, bị cô phạt vặn cho méo mồm. Buồng trong bà lại dậy hút thuốc lào, nghe lọc xọc. Một lát bà lên tiếng : - Lúc tối mày đi, thằng Chẩu đến gọi. Sao mày không sang nhà nó chơi. Mẹ trở mình : - Thằng Chẩu bây giờ lấy vợ rồi, khổ lắm ! Một mình nó phải đi làm để nuôi cả bà và mẹ. Vợ nó mới đẻ con trai... Bà chêm vào : - Thằng Chẩu với mày ngày xưa thân nhau lắm cơ mà ! Tao cứ tưởng phải bền như sợi mây rừng, chắc như thân gỗ lim, tình cảm như anh em ấy chứ ! Hay là mày thấy nó ngu dốt thì ngại ? Không thể được cháu ạ ! Mày nên nhớ mày vẫn phải uống nước dòng Phú Lương, ăn hạt gạo nương, tầm nhìn còn chưa qua ngọn núi Thổ Nhì trước mặt. Mày mà ăn ở bạc, trời đất sẽ phạt mày đấy ! Mẹ tiếp lời : - Bà nói phải, lúc nào con sang nhà nó thăm mang theo con gà tơ để biếu. Khi con vắng nhà, nó vẫn chạy đi chạy lại luôn. Chẩu thì sao tôi quên. Tôi nhớ ngày xưa còn bé, chúng tôi hay chơi đùa với nhau. Tôi có hẳn một bài vè để hát, trêu Chẩu, rằng : Chẩu chẩu chầu châu Mày lội ao sâu Câu con cá bé Tao ra biển lớn, Cưỡi con sóng to Mày chậm như rùa, Xó nhà xó cửa. Tao nhanh như gió, Lên núi lên rừng. Gặp nhau mừng mừng, Mày ngồi mày khóc . Tao đi công tác, Mua quà về cho.
  5. °°° Sáng hôm sau mẹ bắt sẵn con gà cho tôi sang nhà Chẩu. Trước khi đi còn dặn : - Mẹ nó điếc đấy ! Nói chuyện, phải nói to vào. Bà giúi vào tay tôi gói thuốc lào: - Nhà nó mấy vụ rồi không trồng, còn để nương trồng lúa trồng ngô. Bảo vợ thằng Chẩu hút cho bà nó hút với. Tôi men theo con đường núi, vạch cây sang nhà Chẩu. Con đường này ngày xưa tôi và nó phát hiện ra. Chứ đi theo đường cái thì có lẽ phải đứng mặt trời mới đến nhà nó được. Nghĩ đến Chẩu - bạn tôi xưa - vui chân, vừa đi tôi vừa hát : ''Nhà của anh trên núi. Nhà của tôi dưới bản. Tôi với anh uống chung ngụm rượu trong chiếc chén sừng. Hôm qua, anh đến nhà tôi chơi. Hôm nay, tôi nhớ anh tôi lại...''. Bây giờ thì thế, nhưng thú thực, có nhiều khi vui bè vui bạn tôi quên mất Chẩu. Quên mất ngày xưa khi tôi và nó đã từng chạy thi lên núi, thi bơi ngược dòng Phú Lương. Chẩu bao giờ cũng giành phần thua cho mình một cách tự hào. Tôi thắng, tôi được làm vua. Tôi đứng dạng hai chân để nó chui qua háng. Chẩu không cha, giống như tôi, nó sống với bà và mẹ. Nhưng nhà nó nghèo. Nghèo bởi vì mẹ và bà nó đều nghiện thuốc phiện. Ngày trước, mỗi khi tôi sang nhà Chẩu lại thấy bà nó nằm co quắp trên chiếu, đầu kê cao, bên cạnh là một ngọn đèn và ống điếu. Mẹ Chẩu ngồi chầu hẫu ở gần đó, chờ bà đưa sái cho. Chẩu lầm lũi và ít nói, không mấy khi nó ở nhà. Nếu muốn đi tìm, tôi chỉ cần bơi ra gò cô Hòn, sẽ thấy nó đang ở đấy. Nhà Chẩu đây. Tường và mái vẫn xập xệ như xưa, còn hơn xưa. Mẹ Chẩu đang băm rau lợn ở góc sân ngẩng lên nhìn. Phải một thoáng ngỡ ngàng, mẹ Chẩu mới nhận ra tôi, và đứng lên : - Cậu Sáng đấy ư ? Ôi Chẩu này, cậu Sáng đến chơi đấy... Trong nhà có tiếng ho húng hắng. Chẩu bước ra. Chẩu cứ đứng nhìn tôi không nói gì. Đúng hơn là không biết nói gì. Đến khi bà mẹ giục, Chẩu mới ngẩn người, ngượng ngập : - Anh Sáng đến chơi ! Tôi bối rối không biết phải mở lời thế nào. Bao nhiêu điều định nói cùng Chẩu sao khó nói. Chẩu đen và già đi nhiều. Không còn Chẩu ngày xưa, cao to lực lưỡng, ngực vồng lên như sóng, thổi điệu khèn gọi bạn làm bao nhiêu con gái phải mê... Chẩu cúi đầu : - Tôi lấy vợ rồi anh Sáng ạ ! Hồi đó có sang mời bà và bác nhưng anh vắng nhà. Tôi gật đầu : - Tôi có nghe mẹ tôi nói ! Còn nghe vợ anh sinh con trai nữa phải không ? Chẩu không nói gì. Tôi đảo mắt khắp sân một lượt. Mẹ của Chẩu đứng nhìn tôi chằm chặp. Tôi ngượng nghịu cúi xuống. Mẹ của Chẩu đã già lắm, gò má hóp lại. Bà ở trần, hai bầu vú
  6. nhăn nheo chảy xệ xuống dưới cạp quần. Đôi mắt nông choèn choèn những rỉ. Tiếng trẻ con khóc oe oe ở trong nhà vẳng ra. Chẩu lầm bầm: - Không dỗ được con à ? Sao nó khóc thế ? Mẹ Chẩu nói : - Nó đói, ngày xưa mày cũng như nó mà... Chẩu nhăn nhăn : - Mẹ nó đâu rồi ? Bà vào xem... Quay sang tôi, như để giấu đi sự bề bộn của nhà mình, Chẩu hỏi : - Anh Sáng về từ bao giờ ? - Mới về hôm nay... Chẩu thở dài : - Anh bây giờ hơn con trai con gái ở bản này. Anh đi nhiều biết con sông nào sâu hơn dòng Phú Lương, ngọn núi nào cao hơn núi Thổ Nhì. Chúng tôi không đi đâu, suốt đời chỉ quanh quẩn ở đây cho nên Phú Lương là dòng sông sâu, Thổ Nhì là ngọn núi cao nhất. Tôi ngẩng đầu nhìn lên ngọn núi sừng sững trước mặt. Quả là tôi đã đi nhiều thật, ít ra cũng ra khỏi cái làng này, cái huyện này, cái tỉnh này, nhưng đêm về trong giấc mơ tôi núi Thổ Nhì vẫn chắn ngang sừng sững và dòng Phú Lương lúc nào cũng ăm ắp nước, không cạn bao giờ. Tôi hỏi Chẩu : - Bây giờ anh làm gì, hay ta ra gò chơi ? Chẩu nhìn vào trong nhà : - Để tôi dặn nhà là đi cùng anh! Với lại phải qua xóm mượn thuyền... Tôi xua tay : - Không cần thuyền ! Ta bơi ra gò như ngày xưa... Chẩu nhìn tôi ngỡ ngàng : - Tôi cứ tưởng... Chúng tôi vừa ra đến đầu ngõ thì nghe tiếng gọi : - Chẩu ôi, đi đâu đấy ? Không ở nhà bế con, làm nương... Chẩu quay lại :
  7. - Tao đi đã, không phải lúc nào cũng làm ! Mày nghỉ một buổi ở nhà trông nó. Tôi hỏi Chẩu : - Vợ đấy à ? Chẩu gật đầu : - Lỡ ra rồi, không lấy nó thì thương. Lấy về cứ như trẻ con, làm gì cũng vụng... Từ đấy mà ra đến bờ sông, cả hai đều im lặng. Không biết Chẩu đang nghĩ gì, nhưng tôi thì nghĩ : Người phụ nữ bao giờ cũng bắt đầu từ gia đình. Một người chồng và những đứa con. Người chồng tốt như đôi mắt, những đứa con ngoan như hai bàn tay. Có gia đình họ sẽ làm nên tất cả... °°° Tôi cởi quần áo quấn lên đầu, nhao mình ra sông. Khi thân thể hòa vào nước dòng Phú Lương, tâm hồn dễ chịu làm sao. Tôi đưa hai tay nhịp nhàng chém sóng, chân đạp nước lao đi băng băng. Ngoảnh lại, thấy Chẩu đứng ngây người nhìn mình. Tôi hét : - Vượt sông đi... Chẩu ơi ... Chẩu như bừng tỉnh, khép chân, lao đầu xuống nước. Chẩu sải thoăn thoắt, chẳng mấy chốc đã đuổi kịp tôi. Hai chúng tôi cùng tiến vào bờ. Chẩu đưa tay vuốt nước trên mặt. - Lâu lắm rồi, hôm nay tôi mới được thảnh thơi. Nhìn anh bơi tôi lại nhớ... Tôi nhìn Chẩu : - Tôi biết, ngày xưa anh hay nhường tôi. Chứ thực ra, sức tôi không thể nào thắng anh được... Chẩu trầm ngâm : - Chưa bao giờ tôi quý anh như ngày ấy ! Hôm anh đi tôi bỏ lên núi uống rượu. Tôi đổ rượu vào dòng Phú Lương. Tôi một chén, sông một chén. Tôi tưới rượu lên gốc cây rừng. Uống cho đến lúc không biết gì. Vợ tôi bấy giờ thấy tôi say, nó đưa về nhà nó... Tôi cười : - Vậy mà tôi không biết đâu nhé ! Nếu anh không kể, suốt đời nó sẽ là bí mật của riêng anh. Chẩu cúi đầu : - Tôi cũng nghĩ như thế nếu như mà tôi mất anh... Tôi hỏi : - Sao tôi nghe nói anh xuống dưới xuôi làm gì ? Chẩu thở dài :
  8. - Cũng có thời gian như thế, nhưng tôi không chịu được, phải bỏ về. Tôi không thể đi đâu xa mảnh đất này. Ngay từ nhỏ, tôi đã uống nước dòng Phú Lương. Vía của tôi gửi ở núi Thổ Nhì, rừng giữ chân tôi lại... Tôi im lặng nhìn bóng tôi và bóng Chẩu sải dài trên bãi cát. Tự dưng, trong lòng tôi dềnh lên một nỗi lo sợ mơ hồ. Tôi sợ, dòng máu thiên nhiên hoang dã trong tôi sẽ bị mai một đi. Và sợ nhiều thứ khác nữa. Bất giác tôi đưa tay lên cổ. Chiếc móng hổ bà đeo cho ngày tôi đi xa vẫn còn đó. Nó như người vắng mặt nhắc cho tôi nhớ, hai tiếng Cội nguồn. Hết
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
4=>1