YOMEDIA
ADSENSE
Nguyễn Xuân Khánh - Hồ Quý Ly
110
lượt xem 16
download
lượt xem 16
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
Hội thề Đồng Cổ là ngày lễ lớn của Thăng Long. Nó được cừ hành vào ngày mồng bốn tháng tư hàng năm. Đó là một lễ hội thuần Việt rất được dân kinh đô xem trọng ở thời Lý Trần, tiếc rằng đã bị các triều vua sau này nho hoá bỏ mất. Sách cổ chép rằng vua Lý Thái Tông, thủa còn là thái tử, phụng mạng vua cha đi đánh Chiêm Thành, năm Canh Thân (1020), khi đến vùng Đan Nê, An Định, Thanh Hoá, đóng quân dưới chân một quả núi. ...
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Nguyễn Xuân Khánh - Hồ Quý Ly
- Nguyễn Xuân Khánh - Hồ Quý Ly Chương 1 Hội thề Đồng Cổ Hội thề Đồng Cổ là ngày lễ lớn của Thăng Long. Nó được cừ hành vào ngày mồng bốn tháng tư hàng năm. Đó là một lễ hội thuần Việt rất được dân kinh đô xem trọng ở thời Lý Trần, tiếc rằng đã bị các triều vua sau này nho hoá bỏ mất. Sách cổ chép rằng vua Lý Thái Tông, thủa còn là thái tử, phụng mạng vua cha đi đánh Chiêm Thành, năm Canh Thân (1020), khi đến vùng Đan Nê, An Định, Thanh Hoá, đóng quân dưới chân một quả núi. Canh ba đêm ấy, trong cõi mộng mung lung, nhà vua chợt thấy một dị nhân, mình cao tám thước, mày râu cứng nhọn, mặc áo giáp, tay cầm binh khí, đến trước cúi đầu tâu rằng: “Tôi là Thần núi Đồng Cổ, nghe tin thái tử đem quân đi dẹp giặc
- phương Nam, tôi xin theo giúp phá giặc, để lập chút công nhỏ”. Thái từ cả mừng vỗ tay khen ngợi rồi tỉnh dậy. Sau đó tiến quân đánh chiếm quả nhiên toàn thắng. Khi trở về qua núi Đồng cổ, thái tử sửa sang lễ tạ rồi rước thần vị về kinh đô Thăng Long. để giữ dân, hộ nước. Đền thờ lập sau chùa Thánh Thọ, thuộc địa phận thôn Đông, phường Yên Thái (làng Bưởi). Khi Lý Thái Tổ chết, thái tử lên ngôi vua, tức vua Lý Thái Tôn. Đêm nằm mộng thấy thần Đồng Cổ đến báo rằng: “Ba vị em vua là Vũ Đức Vương, Đông Chinh Vương và D ực Thánh Vương âm mưu làm phản”. Lúc vua tỉnh dậy. Sai Lê Phụng Hiểu dàn quân bố trí phòng bị. Sự việc xảy ra quả đúng như giấc mộng. Loạn ba vương được dẹp tan. Đến đây, vua xuống chiếu xây đàn thề ở miếu Đồng Cổ, và hàng năm cứ đến mồng bốn tháng tư thì trăm quan hội họp làm lễ ăn thề. Năm nay, ông vua già Trần Nghệ Tông cho mở hội thề to hơn mọi năm. Tháng hai, viên quan coi việc tế lễ đã cho thợ đến sửa sang miếu thờ, cạo rêu, quét vôi, tô tượng, thay những câu đối cũ. xây dựng lại những chỗ đổ nát, sửa sang cây cối, trồng hoa, lát đường... và soát xét lại đồ tế khí. Đồ tế khí ở đây có hai thứ có thể gọi là linh vật của đất nước. Thứ nhất là chiếc chuông chùa Yên Tử. Hồi vua Trần Thái Tôn bỏ nhà lên núi Yên Tử định cắt tóc đi tu, quan thái sư Trần Thủ Độ kéo cả triều đình lên
- theo, cầu xin vua về cho hợp lòng dân. Việc đi tu của vua không thành. Khi vua chia tay, Phù vân quốc sư nghĩ phải có cái duyên hạnh ngộ lớn thì mới có một ông vua lên tận chốn núi cao hẻo lánh này để tìm Phật. Ông bảo nhà vua: “Trong núi không có Phật. Phật ở trong lòng người”. Tuy nhiên, để kỷ niệm cái duyên kỳ ngộ ấy, phù vân quốc sư tặng nhà vua Đại Hồng Chung ở chùa Vân Yên đem về kinh đô. - Tâu bệ hạ. Đây là chiếc chuông quý truyền mấy trăm năm suốt triều nhà Lý. Đại Hồng Chung ít khi dùng đến, chỉ dùng vào dịp đầu xuân. Mỗi năm khi chuông rung lên là mây mù ùn ùn kéo đến. Mây trắng che kín đầu Yên Từ. Chuông gọi mây xong lại gọi mưa. Khi hồi chuông dồn dập binh boong ngân nga lần thứ hai thì những hạt nước li ti nằm trong mây sữa run rẩy, rồi chúng bay lượn quấn quít với nhau và thành những hạt to rơi xuống. Mưa rào. Đó là phật lộ. Mong rằng tiếng chuông của đức Phật từ bi được vang lên trên kinh thành Thăng Long. Mong rằng nước mưa của Phật từ bi sẽ nhuần thấm trong lòng người dân kinh kỳ. Chiếc chuông Yên Tử đem về được treo ở chùa Thánh Thọ. Mấy năm trước, nhà sư Phạm Sư Ôn tập họp dân lưu tán đói khát nổi loạn. Giặc thày chùa kéo về kinh thành Thăng Long đốt phá. Ông vua già Trần Nghệ Tông, ông vua trẻ Trần Thuận Tôn và cả hoàng gia phải rời kinh đô đi lánh nạn. Đội
- cấm quân phía hữu kinh thành đóng binh ở chùa Thánh Thọ. Đội quân này đã gây cho quân nổi loạn nhiều thiệt hại. Tức giận, toán giặc thày chùa đã tàn phá, đốt trụi khu chùa thắng cảnh đẹp nhất Thăng Long. Cũng may khi giặc rút, nhân dân đã chữa cháy, cứu được tháp chuông. Giặc thày chùa mà lại đốt chùa. Ông vua già thở dài, và chẳng lẽ để chiếc chuông linh thiêng nằm chơ vơ giữa hoang phế, nên ông đã sai mang chuông đến đền Đồng Cổ. Chiếc linh vật thứ hai ở đây là chiếc Đại Đồng Cổ. Đền Đồng Cổ thực ra thờ thần trống đồng. Khi vua Lý Thái Tôn rước linh vị thần Đồng Cổ ra kinh đô Thăng Long, các vị bô lão đã xin vua rước cả trống thờ luôn theo. Nhà vua không nỡ mang linh khí của nhân dân địa phương đi. Nhà vua truyền rằng: “Linh vật của nhân dân phải giữ lại đây. Ta muốn thờ thần ở hai nơi. Thần sẽ là thần hộ quốc, nhưng cũng vẫn còn là thần hộ dân địa phương”. Vì vậy đền Đồng Cổ Thăng Long thờ thần Trống Đồng mà suốt hơn hai trăm năm không có trống đồng. Đến năm Mậu Ngọ (1258) vua Trần Thái Tôn đại thắng quân Nguyên lần thứ nhất. Nhân dân vùng An Định, Thanh Hoá cũng đào được chiếc Đại Đồng Cổ, chiếc trống đồng cỡ lớn, to gấp rưỡi chiếc trống đồng trên núi Đồng Cổ. Các vị bô lão nói: “Vượng khí của non sông xuất hiện để chào mừng một thời thịnh trị”. Nhân dân liền rước chiếc
- Đại đồng cổ lên Thăng Long tiến vua, để đưa vào thờ ở miếu thần hộ quốc. Vua Trần Thái Tôn nói: - Thực là điềm trời giúp nhà Trần ta, binh khí phải đủ bộ. Có âm phải có dương. Mỗi khi nghe tiếng Đại Hồng Chung Yên Tử ngân nga lánh lót, ta cứ thấy băn khoăn như thiếu vắng một cái gì. Hoá ra tiếng chuông là thanh cao thanh nhẹ phải có tiếng thanh trầm thanh đục của chiếc Đại Đồng Cổ mới tạo ra được cảm giác hoà hợp. Bây giờ linh vật đủ đôi, âu cũng là điềm trời muốn giúp ta điều hoà âm dương. Lệ nhà Trần năm nào cũng có hội thề Đồng Cổ. Nhưng chỉ có những năm đặc biệt, như vào năm thắng giặc, hoặc vua mới lên ngôi mới đem linh khí Đại Hồng Chung và Đại Đồng Cổ ra rước. Vậy năm nay là năm gì mà ông vua già Trần Nghệ Tôn lại sai quan tư tế chuẩn bị khám soát cả chuông thần và trống thần. Tự đặt câu hỏi vậy thôi, chứ thực ra dân Thăng Long đã tự biết câu trả lời. Cứ nhìn những sự kiện xảy ra trong những năm gần đây thì rõ. Quân Chiêm Thành do vua Chế Bồng Nga đã mấy lần tấn công uy hiếp. đại binh của họ tiến gần sát kinh đô. Những nô tì theo nhà sư Phạm Sư Ôn nổi loạn đã tràn vào Thăng Long, đốt phá ba ngày đêm. Vua Trần Duệ Tôn đem quân vào đánh Chiêm Thành bị tử trận. Vua Trần Phế Đế bị ông vua già truất ngôi rồi giết chết. Ông vua già
- Trần Nghệ Tôn làm thái thượng hoàng suốt ba đời vua. Nghệ tôn cho con út là Thuận Tôn lên ngôi vua. Đất nước chao đảo thế này mà quyền hành lại nằm trong tay một ông vua già và một ông vua trẻ nít. Trong khi đó, thế lực của quan thái sư Quý Ly thì càng ngày càng mạnh. Ông vua già Nghệ Tôn lo lắng là phải. Ông phải nhớ đến hội thề. Ông phải nhờ đến thần hộ quốc. Ông muốn tiếng chuông vàng, tiếng trống Đồng Cổ sẽ vang động làm thức tỉnh trăm quan. thức tỉnh thần dân trong nước. Các cụ tổ nhà Trần. lúc giặc Nguyên xâm lấn, trong cơn nguy cấp, đã gióng trống thần, đã khua chuông thiêng, gọi thần linh hộ quốc về giúp sức. Và tổ tiên của nhà Trần đã thành công phá tan giặc nước. Đến đời ông, phút này đây, chẳng là cơn nguy cấp sao. Vậy thì ông cũng phải dùng đến chuông thiêng, trống thiêng. Chính đích thân quan bình chương Lê Quý Ly chỉ đạo tổ chức ngày hội thề Đồng Cổ. Thái bảo Trần Nguyên Hàng lo việc nghi lễ cho tôn nghiêm, việc rước xách cho linh đình, thiên tử thân hành làm việc tế lễ. Thượng tướng quân Trần Khát Chân lo việc quân cơ cho nghiêm ngặt. Trước mấy hôm, quan thượng tướng đã sai quân đi sửa đường, sửa cầu từ nội điện đến đền Đồng Cổ. Từ tối hôm trước, suốt dọc đường vua đi đã được cắm cờ, và có quân lính túc trực từng quãng để xem xét động tĩnh, đảm bảo
- an toàn. Ngày mồng bốn tháng tư, từ lúc gà gáy sáng, quan tể tướng Lê Quý Ly dẫn trăm quan đến điện Đại Minh, ăn mặc lễ phục chỉnh tề, chờ sẵn ở sân chầu. Thượng hoàng Trần Nghệ Tôn và đức vua Trần Thuận Tôn mặc quần áo màu vàng. Trời rạng sáng, hai vua ngự ra cửa điện. Trăm quan quỳ lạy hai lạy, rồi tung hô vạn tuế. Đúng giờ xuất hành, trên lầu cửa Hữu Lang điện Đại Minh, chuông trống nổi lên. Đám rước bắt đầu. Dân chúng Thăng Long cũng dậy từ gà gáy như vua quan. Người từ khắp làng quê cũng đổ về Thăng Long đi trẩy hội thề. Dọc đường, cắm cờ suốt từ cửa Tây tức Quảng Phúc Môn đến đền Đồng Cổ, người che kín hai bên đường. Đám rước rất dài, chừng vài dặm. Người trong đám rước chừng vài ngàn người. Đầu tiên là đội vụt roi dẹp đường. Đó là những chức quan nhỏ, tay cầm chiếc roi làm bằng tơ nhuộm đỏ. Họ lặng lẽ vút chiếc roi vào trong không trung. Sáu ông quan hàng nhị phẩm. tam phẩm cưỡi voi dẫn đường, một bên hàng văn, một bên hàng võ. Hai hàng voi bước chân đủng đỉnh. Những chiếc lọng đỏ, lọng tía lắc lư nghiêng ngả theo nhịp voi đi, những bác quản tượng áo nẹp đỏ phải ngoái đầu nhìn đằng sau, sao cho những chú voi đừng quá nhanh.
- Sau voi là cờ biển. Phải nói một rừng cờ. Những đội quân hàng ngũ chỉnh tề, cán vờ đặt trên vai đều tăm tắp. Đội cờ ngũ hành gồm những lá cờ xanh, đỏ, vàng. trắng đen. Tiếp đến là đội cờ nhật nguyệt. đội cờ nhị thập bát tú, đội cờ thanh long, đội cờ bạch hổ, đội cờ chu tước, đội cờ huyền vũ. Đội đồng văn làm người trẩy hội nức lòng. Người cai cầm cái trống khẩu chỉ huy. Một chiếc trống cái có lọng che, người khiêng. Chiêng to cũng vậy. Rồi một đội sinh tiền, một đội trống bản. Tiếng trống theo nhịp rước rộn vang với những bài bản nhịp nhàng, làm nức lòng người. Cá đội lọng làm người ta hoa mắt vì mầu sắc. Những chiếc lọng hoa, lọng xanh, lọng đỏ... Những chiếc tàn, chiếc tán thêu bằng chỉ ngũ sắc có tua phất phơ trước gió. Sau lọng đến quạt: quạt lông công, quạt lông trĩ, quạt trắng, quạt đen, quạt to, quạt nhỏ... Đội nhã nhạc cung đình, cả đời người dân mới được thầy vài lần. Một trăm nhạc công mang đàn sáo, tấu lên những điệu nhạc lạ lùng chỉ sáng tác dành riêng cho vua nghe. Hoà vào điệu nhạc là một đoàn cung nữ đẹp như một bầy tiên, cổ tay dẻo quẹo rung lên những chiếc quạt lụa.
- Đội lọng vàng đi ngay trước kiệu vua. Hai chiếc kiệu cũng mầu vàng. Rèm kiệu cũng màu vàng. Cả bầu trời vàng rực lên làm loá mắt con người. Quân cấm vệ, binh khí tuốt trần, cưỡi ngựa đi hai bên. Những tên lính canh đường quỳ sụp xuống, thiên hạ hai bên đường cũng quỳ sụp xuống theo khi vua qua. Đền Đồng Cổ nằm trên một khu đất cao nhìn ra dòng sông Tô Lịch và Hồ Tây. Ngôi đền năm gian nằm giữa một rừng cây muỗm, cây nhân. Hai bên cửa đền là một dãy hoàng lan và ngọc lan. Ngay trước cửa đền là đàn thề nằm giữa một khoảng đất rộng. Chung quanh khu đền có xây tường bao. Hôm nay, hai cánh cửa lim ở cổng chính tam quan mở rộng đón hai vua. Khi đoàn rước đến, các đội cờ, đội quạt, đội binh tản ra dưới khu rừng bàng nằm ngoài khu đền để nhường chỗ cho kiệu vua và trăm quan vào trong. Đội đồng văn và nhã nhạc đến ngồi ở hai gian bên. Nhạc tấu vang lừng. Cuộc lễ bắt đầu. Chiếc trống đồng và chiếc Đại Hồng Chung được đạt ở gian giữa đền. Đích thân nhà vua rót rượu lễ. Quan Thái sư Lê Quý Ly đánh ba hồi trống đồng, thượng tướng quân Trần Khát Chân đánh ba hồi chuông. Ngoài sân thái bảo Trần Nguyên Hàng sai giết ngựa trắng, lấy máu pha rượu đổ vào cái chậu lớn đặt trên đàn thề. Cửa đền đóng kín; các bộ, các viện, các sảnh các các
- cục kiểm điểm sổ quan xem ai vắng mặt ngày hội thề đều bị phạt tiền rất nặng. Ông vua già Trần Nghệ Tôn leo lên đàn thề, sau ông là ông vua con Trần Thuận Tôn, kế đến quan binh chương Lê Quý Ly, thượng tướng Trần Khát Chân, Thái bảo Trần Nguyên Hàng. Trần Nguyên Hàng cầm tờ thề đứng trước trăm quan, xếp theo chức phẩm, im phăng phắc dưới chân đàn thề. Hàng dõng dạc đọc: “Làm tôi phải hết lòng trung, làm quan phải giữ thanh bạch, làm con phải giữ tròn đạo hiếu. Nếu làm con mà bất hiếu, làm tôi mà bất trung thì thần minh tru diệt”. Trong đền, trống đồng và chuông quý lại vang lên một hồi, rồi nhã nhạc tấu lên. Trăm con mắt đổ xô về nhìn vào ông vua già Trần Nghệ Tôn. Họ nhìn vì chính thượng hoàng Nghệ Tôn là người đã đòi hỏi phải làm cuộc lễ này thật tốn kém linh đình; đáng lẽ như mọi năm thì cuộc lễ này chỉ đơn giản thôi. Họ nhìn vì ai ai cũng biết, nhưng chẳng ai nói ra, rằng thượng hoàng là người nhiều tâm sự nhất lúc này. Thượng hoàng bày vẽ linh đình để làm gì? Để cứu vãn một tình huống chẳng thể cứu vãn nổi chăng? Để tự đánh lừa mình, sau đó để đánh lừa toàn dân, rằng triều đại nhà Trần vẫn còn đang
- thịnh trị, vẫn còn đầy nét vàng son chăng? Để thăm dò xem lòng dân còn hướng về nhà Trần tới mức nào? Để thăm dò trăm quan xem còn trung thành với triều đại nhà Trần đến mức nào? Hay để biểu dương lực lượng, để đe doạ kẻ thù, để khơi gợi lòng trung trinh của một kẻ mà ông đã có một thời rất trọng, rất yêu? Hay chỉ là một sự nuối tiếc, sự giãy giụa tuyệt vọng? Con thú chết ắt phải giãy, một triều đại sắp chết cũng giãy giụa, phải chăng đây là sự giãy giụa vàng son? Ông vua già mạt vàng bệch, đứng oai nghiêm mà đờ đẫn. Ông biết mọi người đang nhìn mình, nhưng ông chẳng muốn nhìn mặt ai lúc này; những khuôn mặt quá quen thuộc, những khuôn mặt ông đã nhìn hàng ngàn lần, hàng vạn lần, có những khuôn mạt đã ở với ông từ tấm bé, những khuôn mặt đã hả hê nhận từ ông biết bao ân sủng. Còn lúc này, họ nhìn ông, họ chờ đợi gì ở ông; ngược lại thì đúng hơn, ông đang chờ đợi ở họ, ông đang cần họ. Ông thầm kêu lên: “Các người ơi! Hãy ngọ nguậy cái óc lên một chút. Hội thề này là cái gì? Một tiếng trống ngũ liên. Một lời kêu cứu. Một lời động viên đấy. Ta bị buộc chân, buộc tay rồi. Ta bị bịt miệng lại rồi. Một sự trói buộc ngọt ngào. Ta làm gì còn có thể ra sắc lệnh cứu giá, cứu nguy. Họ luôn ở bên ta. Thì đây một sắc chỉ! Hội thề là một sắc chỉ kêu gọi sự trung trinh. Các người đã hiểu rồi chứ...”. Từ lúc lên kiệu ở điện Đại Minh, tay ông vua già luôn run bắn. Ông không thể làm chủ được hai bàn tay; để tránh mọi người nhìn thấy, ông phải giấu
- chúng vào hai ống tay áo, ông thọc bàn tay nọ vào ống tay áo kia và đặt chúng trước ngực. Nhưng kỳ lạ chưa, từ lúc rót rượu trong đền, đôi bàn tay ông bỗng nhiên bình tĩnh trở lại, chúng hết run rẩy. Và lúc này, cầm chén rượu máu, bàn tay ấy bỗng cứng cáp như hồi ông còn trẻ. Đáng lẽ theo nghi lễ, ông không phải nói một lời, nhưng ông đột nhiên cao hứng, nói rất to và dõng dạc: “Kẻ làm tôi bất trung thì thần minh tru diệt” Trần Khát Chân đứng bên cạnh hai vua bỗng quỳ xuống và hô to: - “Thượng hoàng vạn tuế!”. Trăm quan dưới đàn thề cũng quỳ rạp tất cả và tung hô vạn tuế. Trần Nghệ Tôn giơ cao chén huyết tửu uống ực một hơi. Xong rồi, ông quay sang quan thái sư Lê Quý Ly, ông muốn tìm trên nét mặt của quan thái sư một biến đổi; một nét lo âu chẳng hạn, một tia mắt tức giận chẳng hạn, một cái nhếch mép thách đố chẳng hạn... Song, nét mặt Quý Ly vẫn lạnh tanh như mọi lúc Quan thái sư chỉ đỡ lấy cái chén mà ông vua già đang giơ trước mặt. Chương 2
- Quan kiểm pháp Nguyên Trừng vừa đi thanh sát Thanh đô trấn về. Người ngây ngất mệt mỏi nên ông không đi dự hội thề. Buổi sáng sớm người thư lại tâm phúc vào bẩm công việc, nhưng Trừng không dậy nổi; đến quá trưa ông mới gượng dậy. Lão bộc pha cho ông một ấm trà, rồi bưng cháo nóng đến. Ăn bát cháo xong, Trừng mới thấy khỏe khoắn lên đôi chút. Ông ăn mặc tề chỉnh từ hậu đường bước sang thư phòng. Bảy năm về trước khi Nguyên Trừng cưới quận chúa Quỳnh Hoa, con Thái bảo Trần Nguyên Hàng, thái sư Quý Ly định xin vua cắm đất cho người con cả xây dựng phủ đệ, nhưng Nguyên Trừng xin cho được về ở cùng ông ngoại. Dòng dõi họ Phạm vốn là danh y truyền thế. Đời Trần Anh Tông cụ Phạm Bân làm quan thái y nổi tiếng một thời. Tiếp đến đời con trai cũng làm thầy thuốc. Cháu cụ Phạm Bân là Phạm Công cũng nối nghề tổ và là danh y đương thời. Phạm Công đẻ ra Phạm Thị là vợ quan thái sư và là mẹ Nguyên Trừng. Người cậu ruột của Nguyên Trừng đi hái thuốc ở vùng Yên Tử, không may bị mưa rừng hãm trong núi, rồi bị lũ cuốn mất tích. Do vậy, Nguyên Trừng về ở với ông ngoại cô đơn. Điền trang nhà họ Phạm rộng chừng vài chục mẫu nằm bên hồ Lục Thuỷ. Giữa trang có chiếc ao sen vài sào nhìn ra hướng đông, bên phải ao sen là nhà ở của Nguyên Trừng, bên
- trái ao là nhà thuốc của cụ Phạm Công, còn gọi dược thảo am. Từ ao sen có con ngòi thông ra hồ Lục Thuỷ. Ông lại cho người lấy đá đẽo gọt bắc cầu qua con ngòi. Hai bên đường, từ hữu sang tả ngạn ao, trồng hoè, tạo nên phong cảnh thật thanh u, kỳ thú. Viên thư lại đã ngồi chờ ở thư phòng, khi thấy Nguyên Trừng bước ra, ông đứng dậy thi lễ. Nguyên Trừng lặng lẽ ngồi xuống bên cái kỷ. Anh ta nói: - Dạ bẩm đức ông - Tôi đã cho người đi lấy tin tức ở các nơi. Nguyên Trừng mệt mỏi gật đầu. Ông lơ đãng, nửa suy nghĩ, nửa lắng tai nghe. Giọng người thư lại đều đều, vô cảm. Trừng khoát tay nói: - Xin ông chỉ kể lại những điều đáng chú ý nhất. - Sáng hôm nay, ở Quảng Phúc môn có một thư sinh trà trộn vào đám người đi xem, định ngăn đường dâng thư lên đức thượng hoàng. Anh ta chưa kịp làm đã bị cấm vệ quân bắt. - Chắc lại một cuồng sĩ dâng sớ phản đối chính sách phiền hà của quan thái sư cha ta - Nguyên Trừng buồn rầu lắc đầu - Nào thay tiền đồng bằng tiền giấy ư. Nào hạn nô hạn điền ư... Có phải vậy không? Người thư lại cười nửa miệng:
- - Dạ, không phải. Lá thư chỉ là một tờ giấy hồng trên đó viết bằng một nét bút như rồng bay phượng múa, nét bút của một tay đại bút làm cho bất cứ ai đã theo nghề nghiên bút đều phải tấm tắc khen. - Câu chuyện của ông làm ta chú ý rồi đấy. Này, nhưng chẳng lẽ anh ta chỉ định khoe chữ đẹp thôi sao? Ông nói ta nghe dòng chữ trên đó... - Dạ trên đó là dòng chữ: “Cung chúc đại y sư” - Một lời chúc tụng ư?... à, cũng có thể là một lời mai mỉa... Hay... chỉ là một lời kín đáo. Này, thế cha ta xử sự ra sao? - Thưa đức ông, quan thái sư chỉ cười. Và người im lặng hồi lâu rồi nói: Thả hắn ra. - Vậy sao... Nhưng mà... Thế là phải... Thôi ông cho ta nghe tiếp những sự việc ở đền Đồng cổ. - Trăm quan có mặt đầy đủ. Chỉ vắng mặt mấy người mắc bệnh, trong đó có ông Sử Văn Hoa đang chữa bệnh ở chùa Sùng Quang. - Ta biết Sử tiên sinh ốm đã mấy tháng nay. - Đức Thượng hoàng Trần Nghệ Tôn, hôm nay, hầu như khỏi bệnh. Người đọc câu minh thệ: “Làm tôi bất trung thần minh tru diệt!” giọng sang sảng
- dõng dạc, to hơn tất cả mọi người. Buổi lễ được quan thái bảo Nguyên Hàng tổ chức rất chu đáo, lại được thượng tướng quân Khát Chân đôn đốc nên rất nghiêm ngặt chẳng xảy ra điều gì đáng tiếc. Duy chỉ xảy ra một việc rất nhỏ. - Việc rất nhỏ?... Vâng... Khi đến lượt đức vua Trần Thuận Tôn uống huyết tửu, người đã run tay... - Rượu thề bị đổ à? - Thưa đức ông, không, mới chỉ sóng sánh... - Sóng sánh? - Chỉ có một giọt rượu rớt ra, rơi xuống áo long bào, nhưng không ai trông thấy. - Không ai trông thấy sao lại biết? - Chỉ một mình quan nội thị đứng đằng sau thái sư trông thấy. - Thế cha ta có trông thấy không? Dạ, dạ... gia thần không biết... Nhưng nhưng ông nội thị nói rằng quan thái sư mắt lúc nào cũng lặng lẽ nhìn chén rượu của người minh thệ.
- - Đúng, đúng... Cha ta... à... không ai biết được... Ông cũng không biết được... cha ta mà cả đến ta... Này... Thế đức ông Trần Khát Chân thì sao? - Không ai nhận thấy một điều gì khác lạ... - Sao lại khác lạ - Trừng nhìn thẳng vào đôi mắt bối rối của người thư lại. Rồi ông chợt nhớ ra một điều - Bây giờ ngươi làm ngay cho ta một việc. Hôm qua, quan thượng tướng có viết thư mời ta tối hôm rằm đến dự tiệc thưởng hoa, ông hãy sai người đến ngay Trại Mai báo rằng ra nhận lời. Ta sẽ đến. Khi người thư lại quay ra, Nguyên Trừng gọi ông lão bộc chuẩn bị qua cầu, sang thăm ông ngoại. *** Nguyên Trừng đi men bờ ao sen, ra con đường hoè, ngang qua cầu đá dẫn đến dược thảo am nơi ở của cụ Phạm Công. Khu trại bây giờ được gọi là Dinh ông Trừng, nhưng dân gian vẫn quen gọi là Trại Thuốc. Cụ Phạm Bân hồi làm thái y dưới thời Trần Anh Tông, có công to đã chữa khỏi bệnh hiểm nghèo cho hoàng tử, nên được vua ban cho đất, mở trại bên hồ Lục Thuỷ .
- Ông cụ sưu tầm cây thuốc ở khắp nơi đem về trồng thêm, thành thử trại thuốc đã biến thành một rừng cây. Nhưng phần lớn cây thuốc lại là những cây hoa nên trại của nhà họ Phạm đã trở thành một vườn hoa lạ. Ta gặp ở đây dáng dấp một hoa viên dân dã, hoang dại. Vắt ngang dòng nước nhỏ, có cây cầu đá rồi tiếp tới một đường hoè. Sau ao sen là một rừng bàng lá đỏ. Ở một góc trại là một bãi lau trắng để nuôi loại sâu tên gọi “đông trùng hạ thảo”. Dọc bờ khe nước, những luống rau diếp dại, bồ công anh, rau vòi voi, cây cỏ xước, cây xấu hổ tía... Những nô tì trồng những ruộng sâm, ruộng tam thất, ruộng nghệ đen... Bốn mùa ở đây hoa nở. Mầu xanh, mầu hồng, mầu vàng, mầu tím, mầu đỏ luôn hiện ra trước mắt khi bước vào khu trại. Nguyên Trừng về ở với ông ngoại khi bà công chúa Huy Ninh sinh em Hán Thương. Từ khi con trai đi hái thuốc trong rừng bị lũ cuốn mất tích, cụ Phạm Công sống hiu quạnh cùng với người gia bộc tên là ông Lặc. Hồi Lê Quý Ly hành quân vào Hoá châu, cụ Phạm Công đi theo con rể làm thầy thuốc. Ông Lặc người Chiêm Thành bị thương sắp chết đã được cụ Phạm cứu sống. Cảm ơn cải từ hoàn sinh, ông Lặc xin theo hầu cụ lang Phạm và trở nên người lão bộc trung thành. Cụ Phạm vốn người trầm tĩnh, ít nói. Ngoài việc làm thuốc chữa bệnh, cụ dành tất cả thời gian cho việc đọc sách, cụ học rộng, uyên thâm tam giáo.
- Ngoài ba gian nhà thuốc, cụ còn cho xây ở đằng sau một thư đình, nơi đó cụ lưu giữ sách của trăm nhà. Trong trại thuốc có hai cây lan cổ thụ: cây hoàng lan trồng trước dược thảo am, và cây ngọc lan trồng cạnh thư đình. Cụ thường mắc võng, cầm cuốn sách, nằm dưới gốc lan, nơi nhắm mắt lại cụ vẫn ngửi thấy mùi hoa thoang thoảng và vẫn nghe thấy tiếng xì xào của gió đùa trên những đoá hoa ngọc ngà. Khi Trừng lên tám tuổi, thái sư Quý Ly đưa Trừng đến cho ông bố vợ. Quan thái sư làm việc ấy vì hai lý do. Thứ nhất, Quý Ly muốn làm trọn cái đạo của người rể hiền; ông vừa trọng vừa thương ông bố vợ, Phạm Thị vợ thái sư chết đã là một đòn nặng nề với ông lang già, nay đến lượt người con trai chết, cụ Phạm trở nên suy sụp như kẻ mất hồn, có đứa cháu ngoại ở bên cạnh may ra cụ còn khuây khoả. Thứ hai Quý Ly muốn nhờ cậy ông nhạc rèn giũa cho Nguyên Trừng nên người; ở kinh thành Thăng Long này ai chẳng biết cụ Phạm là người học rộng. Quý Ly bảo Trừng: - Con quỳ xuống lạy ông ngoại đi. Đáng lẽ đến chào ông, cháu chỉ phải cúi đầu xuống vái; đằng này Quý Ly bắt con quỳ lạy. Ông ngoại đang ngồi trên giường, vội bước xuống đỡ cháu. Ông hiểu thâm ý của chàng rể:
- - Anh định giao phó hẳn nó cho tôi sao? - Thưa thầy, cháu còn bé nhưng thông minh, xem ra là đứa có hiếu. Cháu sẽ thay mẹ nó và thay con... Bẩm nhạc phụ, công việc triều chính trăm việc bề bộn, con thẹn không thể ở bên thầy... - Tôi hiểu... tôi hiểu... - Vả lại, ở bên thầy, sự học hành của cháu... con cũng được yên tâm. Quý Ly quả là người nhìn việc giỏi. Từ khi có Nguyên Trừng ở bên, ông lang Phạm dần dần vui trở lại ông và cháu rất hợp nhau. Ngoài việc chữa bệnh cho đời, Phạm Công dồn hết công sức dạy dỗ cháu ngoại. Thằng bé thông minh xuất chúng; ông dạy đến đâu, c háu biết ngay không cần nhắc lại. Đứa cháu học có kết quả, ông cụ cũng nhận được sự tác động trở ngược của kết quả ấy. Đứa cháu đã trở thành một lý do để cụ sống ở đời. Nguyên Trừng rất giống mẹ. Bà Phạm Thị cũng thông minh, nhưng Trừng còn thông minh gấp bội. Bà Phạm Thị cũng kín đáo đa cảm, nhưng sự đa cảm của Trừng lại nhiều khi làm cụ lo lắng. Không biết trong hoàn cảnh đất nước rối ren như hiện nay, sự đa cảm ấy là tốt hay xấu, điều đó cụ lang cũng không hiểu được.
ADSENSE
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn