Nguyệt thực
lượt xem 5
download
Sáng nay, bắt đầu từ 5 giờ, tụi Nương sẽ khởi hành đi thực tế giao lưu với một CLB sáng tác ở trường tỉnh bạn. Vậy mà Nương, lò dò qua chỗ Ly rủ rê rồi quảy cái balô cóc hướng đến trường thì đồng hồ vẫn còn mười lăm phút nữa mới tới giờ họp đoàn. Kệ. Vào trường ngồi ghế đá với Ly ngắm trăng chơi. Trăng 16 cũng sắp lặn, nhưng tròn vành vạnh và sáng đến rực rỡ.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Nguyệt thực
- Nguyệt thực Sáng nay, bắt đầu từ 5 giờ, tụi Nương sẽ khởi hành đi thực tế giao lưu với một CLB sáng tác ở trường tỉnh bạn. Vậy mà Nương, lò dò qua chỗ Ly rủ rê rồi quảy cái balô cóc hướng đến trường thì đồng hồ vẫn còn mười lăm phút nữa mới tới giờ họp đoàn. Kệ. Vào trường ngồi ghế đá với Ly ngắm trăng chơi. Trăng 16 cũng sắp lặn, nhưng tròn vành vạnh và sáng đến rực rỡ. Từ khi trở thành sinh viên, Nương mới nhìn thấy trăng đẹp như thế này ở ngay sân trường đại học của mình. Mùa này đêm dài, nên bây giờ vẫn đủ cho ánh trăng rót mật vàng óng tràn ngập không gian. Từ cổng trường, khoảng sân, ghế đá đến nhà gửi xe núp dưới tán cây còng già, đâu đâu cũng tắm đầy ánh trăng. Tối nay sẽ có nguyệt thực, Nương háo hức lắm. Theo lịch trình, sau phần giao lưu mà trong đó có tiết mục ngâm thơ của mình, Nương sẽ trải nghiệm một đêm nguyệt thực không phải ở trường mình mà ở trường bạn, không chỉ với nhỏ Ly thân thiết mà còn với mấy anh chị trong CLB văn thơ của trường. Trong đó có Nguyễn Phan - anh là sinh viên năm cuối, tác giả bài thơ Nương sẽ ngâm đêm nay. Nương nhớ có lần Nguyễn Phan đã cùng với mấy anh chị sinh viên ở CLB sáng tác về giao lưu với tụi học trò trường Nương trong dịp tư vấn tuyển sinh. Khi đó, Nương đang học lớp 12 năm cuối cấp. Khi MC giới thiệu cây bút sinh viên ngữ văn Nguyễn Phan lên sân khấu diễn đọc những bài thơ do chính anh sáng tác, Nương ngồi tuốt ở phía dưới, gần như nín thở, há hốc mồm nuốt lấy từng lời thơ tình học trò của anh. Bỗng dưng Nương tự nhủ với lòng rằng, bằng mọi giá mình
- phải đậu vào đại học, mà là ngành ngữ văn mới được. Sau hôm đó, Nương bỏ ra mấy ngày liền lên mạng tra vào trang web của trường anh, nhưng không phải để tìm kiếm thông tin tuyển sinh mà lục lọi rồi tỉ mẩn chép vào sổ tay thơ của mình những bài thơ của tác giả Nguyễn Phan, không bỏ sót bài nào. Và cứ thế đọc đi đọc lại trong cảm giác lâng lâng niềm ngưỡng mộ. Rồi Nương ước sẽ có lần được gặp mặt, được làm quen với Nguyễn Phan, anh sẽ ký tặng vào quyển sổ của Nương - mà trong đó thấy toàn thơ mình, hẳn anh sẽ ngạc nhiên nhiều lắm. Rồi Nương đậu vào đại học, đúng chuyên ngành ngữ văn, lại mới vừa làm đơn xin tham gia vào CLB sáng tác của trường cách đây chưa lâu. Chuyến đi giao lưu này - một sinh hoạt ngoại khóa của CLB - là cơ hội tốt để Nương “tiếp cận” thần tượng của mình. Chen chúc lên xe cùng Ly, Nương làm như tình cờ nhưng thật ra là cố tình kéo Ly đến ngồi ngay sau lưng “thần tượng” của mình. Phan ngồi cạnh một bạn sinh viên năm nhất. Khoảng cách như vậy đủ gần để Nương nghe rõ từng lời Phan nói nhưng cũng đủ xa để Nương giữ độ an toàn của một fan hâm mộ nữ biết kín đáo che đậy cảm xúc nồng nhiệt của mình. Bỗng lúc đó có một tiếng nói rất quen nhưng càu nhàu khác hẳn với giọng đọc truyền cảm mà trước đây Nương đã từng nghe - “Đi giao lưu mà làm như đi ăn trộm, đang ngủ ngon gần chết!”. Xe xuống bắc Vàm Cống. Một đoàn trẻ con bán hàng rong xô lấn nhau lên xe rao hàng. Có tiếng em bé gái nhỏ xíu đến phía băng ghế trước mời mua vé số. Lại tiếng nói khi nãy, nhưng giọng gằn và thô hơn - “Đang bị nợ tiền nhuận bút đây, biến đi cho rảnh!”. Trăng trên sông quá đẹp, lung linh nhảy múa trên mặt nước nhưng dường như không đủ sáng để rọi vào trong xe cho Nương xem rõ được giọng nói mà mình vô tình nghe thấy. Ừ, chắc là của anh bạn ngồi bên cạnh đó thôi. Qua Sa Đéc một đỗi, xe dừng lại cho cả đoàn ăn sáng. Ai cũng đói bụng nên ăn ngấu nghiến. Riêng Nương vừa ăn vừa không thể không nhìn Phan đang ngồi ở đầu bàn phía bên kia. Nhà thơ của Nương đang lùa từng đũa bánh phở vào miệng, rồi đưa vành môi loang loáng mỡ kề bên vành tô húp xì xụp. Chắc phở nóng và cay lắm nên làm cho từng giọt mồ hôi rịn ra trên vầng trán cao rồi tuôn về hai bên má bừng bừng. Đặt tô phở xuống, mặt Phan giãn ra thỏa mãn. Tự dưng, Nương hết muốn ăn tô mì của mình. Cảm thấy như mấy cọng mì dai nhách làm cho mắc nghẹn. Thấy Nương buông đũa, chị Lý - thủ quỹ, hét lên: “Chèn ơi, tô mì mấy chục ngàn mà nó ăn như mèo ngửi”. Rồi chị dịu giọng: “Ráng đi em, ăn cho có sức để tối nay ngâm thơ, còn thức xem nguyệt thực đó!”. Nương cúi mặt lí nhí, vẻ biết lỗi: “Chị ơi, tự nhiên em ăn không vô nữa”. May là chị Lý cười toe, “Chị nói chơi thôi, ép dầu ép mỡ, đi xe đò, ai nỡ ép ăn, lỡ em hò ra hết là khổ thân cho bác tài
- nhà mình lắm”. Rồi chị quay sang cả bọn, xởi lởi: “Xong chưa mấy cưng, lên đường thôi!”. Thầy trưởng đoàn thông báo xe sẽ dừng tiếp ở di tích Ấp Bắc, rồi Rạch Gầm Xoài Mút cho đoàn tham quan lúc Nương đang bắt đầu chập chờn cơn ngủ. Cái tội đêm qua trằn trọc nôn nao đi chơi lại thêm cái háo hức gặp mặt “thần tượng” đang quay sang hành hạ Nương đây. Trong cái lim dim mơ màng say ngủ, ánh mặt trời xuyên trực diện qua cửa kính đánh thức Nương dậy và rọi rõ từng đường nét của giọng nói phía hàng ghế trên. Nhà thơ của Nương đang cao giọng một câu chuyện nào đó hào hứng lắm với người bên cạnh. “Em mới đăng được mấy bài thơ trên trang web của trường chả là cái đinh gì đâu! Thơ là con đường dài chinh phục và khám phá cái tôi của mình, mà con đường đó thì thăm thẳm lắm. Như gần đây em đọc thơ anh sẽ thấy anh đã đổi mới mạnh mẽ thơ mình như thế nào. Thơ tình học trò à? Phượng vĩ, sân trường à? Áo trắng, kỷ niệm à? Vứt! Nhảm hết. Làm thơ phải có cá tính, phải có bản sắc và phải biết tự đào mồ chôn mình đi. Như Lorca vậy, hãy chôn tôi với cây đàn ghita để mà bất tử chớ, em thấy anh nói có đúng không?”. Hình như Nương bị say xe. Tự nhiên thấy chóng mặt, choáng váng cả người. Quay sang Ly xin một chút dầu xanh đánh lên hai bên thái dương, Nương thấy dễ chịu đôi chút. Mùi dầu bạc hà thoang thoảng đã xua tan đi một cái mùi gì khó chịu lắm đang lan ra trên xe… May mà xe đã tới địa điểm tham quan. Nương lao từ trên xe xuống, chỉ kịp nhào tới một bụi cây ven đường mà nôn thốc nôn tháo. Cái tật say xe ngày nào Nương đã khỏi từ lâu lắm nay đang quay trở lại. Mới chuyến đi thực tế với lớp hôm đầu năm, Nương không chỉ ca hát mà còn đùa giỡn trên xe tỉnh queo. Còn giờ, Nương cũng chẳng hiểu tại sao? Từ đó cho đến ngã ba Trung Lương thì Nương thật sự rất mệt. Ly bảo mày cố ngủ một chút sẽ thấy dễ chịu hơn. Ai biểu mày ham vui, đêm qua không ngủ. Không chừng trúng gió, tối nay vừa không có hơi mà ngâm thơ vừa không xem được nguyệt thực. Mà nè, có khi nào bỏ công lặn lội sang trường bạn giao lưu chỉ để nếm cái cảm giác nằm bẹp ở phòng y tế hông ta? Nương mệt mà cũng bật cười, con nhỏ này trù ẻo mình vừa thôi. Tới nơi lấy lại sức, mình còn có thể ngâm thêm mấy bài thơ, đừng tưởng bở. Xe của đoàn vừa tiến vào cổng trường, thấy mấy bạn sinh viên trẻ cỡ tụi Nương đang đứng hai bên vỗ tay chào mừng, tự nhiên Nương thấy khỏe hẳn cả người. Khi cả đoàn lục tục kéo xuống xe, tự dưng người phía trước đứng dậy vô tình chạm vào
- tay, Nương vội rụt nhanh lại như bị bỏng, và lùi về phía sau chờ mình là người bước xuống cuối cùng. “Khách” được “chủ nhà” đón tiếp vô cùng nồng nhiệt. Từ suốt đêm qua, Nương tự nhủ sẽ cố gắng tối nay ngâm bài thơ thật hay. Vậy mà tự dưng có cảm giác bài thơ mình đã rất thuộc sao cứ chông chênh chực bay ra khỏi trí nhớ. Phải ráng, không lẽ có mặt tác giả mà mình vừa ngâm vừa cầm tờ giấy để liếc ngang liếc dọc, coi sao được? Và y như rằng đêm đó Nương đã nhầm lẫn một câu quan trọng khi ngâm bài thơ Đánh mất của Nguyễn Phan - sự cố mà Nương nghĩ mình khó có thể tự tha thứ. Người dẫn chương trình chuẩn bị sẵn cho Phan một bó hoa để mang lên tặng cho Nương, thay lời cảm ơn. Nương thấy Phan tươi cười bước lên sân khấu, định bụng sẽ xin lỗi anh vì sự sơ suất của mình. Nhưng chưa kịp nói gì thì nụ cười kia vội chuyển sang cái nhếch mép lạnh lùng, Phan đã ghé nghiêng vào tai cô, thì thào: “Bạn ngâm thơ hay tàn phá thơ tôi vậy?”. Bó hoa trên tay Nương bỗng run lẩy bẩy. Và từ đó đến cuối buổi giao lưu, hầu như Nương không còn biết ai đọc thơ, ai ca hát, ai lên chia sẻ kinh nghiệm sáng tác gì nữa. Nương cũng không nhận ra ai đã đại diện đoàn bạn lên trao quà lưu niệm cho thầy chủ nhiệm CLB trường mình. Bởi từ chỗ ngồi, mỗi khi Nương liếc mắt trông sang đều giật thót người khi nhìn thấy ánh mắt bất mãn nhưng đầy vẻ giễu cợt của Phan ném thẳng về phía mình, đau điếng. Cả đoàn được mời sang nhà khách dùng cháo khuya. Tự dưng Nương không muốn ăn uống gì nữa. Lặng lẽ rút điện thoại ra nhắn vài dòng cho Ly, Nương quyết định tách khỏi đoàn, bước sang khuôn viên bên cạnh. Trong tích tắc, Nương như choáng ngợp đến ngừng thở trước cả một vùng đầy ánh trăng huyền ảo. Một đêm trăng đẹp đến ngỡ ngàng mà lần đầu tiên Nương được nhìn thấy. Từ trên trời cao, trăng như dòng suối màu vàng đổ ánh sáng đẫm ướt cả giàn hoa giấy nơi các tầng lầu. Rồi cái màu sóng sánh như mật ngọt ấy rơi tung tóe xuống mặt sân. Sau đó, từ từ, ánh sáng mờ dần, mờ dần… Nương nhìn lên cao. Trăng đang dần bị nuốt đi, một cách chậm rãi mà dứt khoát. Phần ánh sáng của vầng trăng tròn vạnh bắt đầu khuyết theo đường uốn cong, từng chút, từng chút, như thời gian đang thoăn thoắt trôi về phía cuối tháng với hình lưỡi liềm mỏng manh. Như có thể đếm được từng bước đi vô hình nào đó đang không ngừng đi qua. Từ thinh không, ánh sáng bỗng trở nên nhợt nhạt và bóng tối bắt đầu tung vạt áo đen của mình lên trùm lấy khoảng trời. Nguyệt thực.
- Tự nhiên, Nương bừng tỉnh. Ừ nhỉ, lẽ ra Nương chỉ nên nhìn ngắm ánh trăng đẹp từ một nơi rất xa thôi. Thật dại dột khi làm một nhà thám hiểm quá nhạy cảm để rồi thật sự thất vọng với bộ mặt đầy những tàn nhang loang lổ của chị Hằng. Và nghĩ lại, biết đâu cũng cần có những đêm nguyệt thực như thế này, để Nương được nhìn thấy phần tối tăm đã thô bạo nuốt đi ánh sáng dịu dàng mà rực rỡ của vầng trăng như thế nào. Bỗng dưng Nương ước mình đừng tham gia chuyến đi này, đừng ngồi sau lưng Phan, đừng nghe anh nói, đừng nhìn thấy anh vồ vập tô phở tái rồi huênh hoang với đàn em. Và Nương sẽ chỉ ngâm bài thơ Đánh mất của anh trong những đêm trăng sáng ngồi một mình học bài mệt mỏi nơi nhà trọ mà thôi. Để những vần thơ nhẹ nhàng, trong sáng của Phan mà Nương chắt chiu từ bấy đến giờ sẽ tưới dịu đi những căng thẳng trong lòng mình và nâng cánh tâm hồn Nương bay lên chốn thinh không nhẹ bổng. Rồi quyển sổ tay mang theo định bụng xin chữ ký của Phan, Nương nghĩ nó nên nằm lại trong balô của mình sẽ tốt hơn. Nương sợ, trong cái tích tắc tự mãn khi đón nhận sự ngưỡng mộ của bọn đàn em dành cho mình, Phan sẽ thô bạo quệt vào sổ tay thơ cái chữ ký của con người đời thường phàm tục chứ không phải “người thơ lung linh” mà Nương ngưỡng mộ. Như vậy sẽ tiếc cho cái quyển sổ đầy ắp những bài thơ của anh mà Nương đã nâng niu biết bao. Mà có khi Nương sẽ khép lại mãi mãi quyển sổ tay thơ ấy. Không bao giờ chạm đến nó, không buồn lật nó ra nữa cũng nên. Trong tích tắc, không gian bỗng trở lại bừng sáng… Đã qua rồi, nguyệt thực! Nương dứt khoát đứng dậy, quyết định mình sẽ thản nhiên bước về phía nhà khách với cả đoàn, nơi có tiếng cười nói cụng ly dô dô xé toạc những sợi tơ vàng đang giăng mắc đêm trăng yên tĩnh. Và nơi đó, Nương chợt hiểu có một nhà thơ đang không phải làm thơ...
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Tây Sương Ký (Mái Tây) - Vương Thực Phủ
154 p | 278 | 27
-
Tình Ngự
0 p | 102 | 19
-
Nguyệt ma - Huỳnh Dị
90 p | 90 | 10
-
Đêm Nguyệt Thực
4 p | 74 | 8
-
Mạn Châu Sa Hoa
68 p | 74 | 6
-
Băng Hỏa Ma Trù-Chương 91b
8 p | 56 | 3
-
Băng Hỏa Ma Trù-Chương 155b
9 p | 71 | 3
-
Băng Hỏa Ma Trù-Chương 148b
8 p | 62 | 2
-
Băng Hỏa Ma Trù-Chương 146b
8 p | 59 | 2
-
Băng Hỏa Ma Trù-Chương 143b
11 p | 84 | 2
-
Băng Hỏa Ma Trù-Chương 115b
8 p | 80 | 2
-
Băng Hỏa Ma Trù-Chương 94
8 p | 58 | 2
-
Băng Hỏa Ma Trù-Chương 88
7 p | 78 | 2
-
Băng Hỏa Ma Trù-Chương 84
8 p | 62 | 2
-
Băng Hỏa Ma Trù-Chương 83b
8 p | 51 | 2
-
Băng Hỏa Ma Trù-Chương 77b
7 p | 64 | 2
-
Băng Hỏa Ma Trù-Chương 75b
8 p | 50 | 2
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn