YOMEDIA
ADSENSE
Nhà chí sĩ Ngô Đức Kế - Từ tù nhân Côn Đảo đến một nhà báo
65
lượt xem 3
download
lượt xem 3
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
Tham khảo tài liệu 'nhà chí sĩ ngô đức kế - từ tù nhân côn đảo đến một nhà báo', tài liệu phổ thông, ôn thi đh-cđ phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu và làm việc hiệu quả
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Nhà chí sĩ Ngô Đức Kế - Từ tù nhân Côn Đảo đến một nhà báo
- Nhà chí sĩ Ngô Đức Kế - Từ tù nhân Côn Đảo đến một nhà báo K ỷ ni ệ m 130 n ă m ng à y sinh ch í sĩ Ng ô Đứ c K ế (1878-2008) I. NGÔ ĐỨC KẾ, TÙ NHÂN CÔN ĐẢO Ngô Đức Kế, đỗ Tiến sĩ khoa Tân Sửu (1901) triều Thành Thái; sau khi đỗ ông nằm nhà đóng cửa, nghiên cứu tân thư. Học thuyết Âu - Tây mà Trung Quốc đã dịch thành sách, ông đọc được nhiều và có chỗ tâm đắc (Huỳnh Thúc Kháng). Năm 1906 hưởng ứng lời kêu gọi của Phan Bội Châu - người mà chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương mệnh danh là “linh hồn của các cuộc nổi loạn dân tộc” - Ngô Đức Kế đã cùng Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn và Giải nguyên Lê Văn Huân lập Triêu Dương thương quán, nhằm mục đích chấn hưng công thương nghiệp nhưng mặt khác, đúng như Nha mật thám Phủ Toàn quyền Đông Dương khẳng định: “Ngô Đức Kế hợp tác với Đặng Nguyên Cẩn, giả danh hoạt động buôn bán nhưng kỳ thực là để gửi ngân quỹ cho Phan Bội Châu”(1). Tháng 3 năm 1908 phong trào chống thuế bùng nổ ở Quảng Nam, phát triển nhanh chóng và mãnh liệt, phía nam đến Bình Định, phía bắc đến Hà Tĩnh, thực dân Pháp nhận ra rằng những lời “huyết lệ” của các sĩ phu yêu nước, một khi thấm sâu vào các tầng lớp dân chúng nghèo khổ đã có thể xốc lên một phong trào quần chúng đáng sợ!. Chúng sẽ thẳng tay đàn áp, mặc dầu các chí sĩ Duy Tân không trực tiếp phát động và chỉ đạo phong trào này. Tiến sĩ Trần Quý Cáp đang làm Giáo thụ ở Khánh Hoà phải lên đoạn đầu đài. Các ông Nghè, ông Cống và những người dân yêu nước liên quan đến các cuộc vận động Duy Tân, Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục đều bị đày ra Côn Đảo. Thân sinh Ngô Đức Kế là Ngô Huệ Liên, lúc ấy đang làm Thị lang bộ Lễ ở
- Huế, được tin con trưởng vì vướng “quốc sự” đã bị bắt giam ở nhà lao Hà Tĩnh và chắc khó tránh khỏi trọng án, liền gửi cho con lời khuyên: Dữ kỳ du sinh ẩn nhẫn Chung vi dị địa chi tù Hạt nhược khảng khái thành nhân Du tắc cố sơn chi quỷ. Huỳnh Thúc Kháng dịch: Nếu như ẩn nhẫn chờ ngày, Không khỏi làm tù xứ khác; Sao bằng liều mình khảng khái Còn được làm ma đất nhà(2) Nhưng Ngô Đức Kế sẽ chọn cho mình con đường khảng khái tựu nghĩa khác. Theo Huỳnh Thúc Kháng thì “thân hào trong nước, mang cái chức tù vào nhà ngục thì Ngô Đức Kế là người thứ nhất”. Nằm trong ngục Hà Tĩnh ông tự vịnh: Niên lai ái thuyết văn minh học Dinh đắc nam quan tác Sở tù Huỳnh Thúc Kháng dịch: Ham học văn minh đà mấy lúc Mão tù đâu khéo cấp cho ông! và bình: “Học văn minh mà đổi được chức tù, câu nói chua cay và sâu sắc”(3). Tháng 9 năm 1908 đoàn tù đầu tiên ra Côn Đảo. Huỳnh Thúc Kháng kể: Khi nhóm tù Nam - Ngãi lên tàu thuỷ ở bến sông Cửa Hàn (Đã Nẵng) thấy một bọn “cổ gông chân xiềng”, đoán là thân sĩ Nghệ - Tĩnh, hỏi tên thì là Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế, Lê Văn Huân. Hai bên “ngó mặt nhau mà cười”(4). Đến Côn Đảo nhận thẻ tù. Đó là một miếng gỗ vuông, trên khắc số tù, loại án tù, phải luôn đeo ở trước ngực, Ngô Đức Kế đùa: Thẻ chúng ta đeo đây cũng như bài ngà mà các quan ở Huế thường đeo lòng thòng trước ngực, trông cũng dễ coi! Đặng Nguyên Cẩn đế thêm: Nhưng nếu nói công dụng thì thẻ của chúng ta có
- thực dụng hơn vì thay được tên họ, không giống như các bài ngà Hàn Lâm, Hành Tẩu hay Cung Phụng, ai cũng như thế, không lấy gì làm phân biệt. Cả bọn cùng cười(5). Ở Côn Đảo, Phan Chu Trinh không bị giam trong khám mà được sống “tự do” ở ngoài làng An Hải, Huỳnh Thúc Kháng sau đó được chọn làm thư ký phòng giấy của trại tù, Đặng Nguyên Cẩn có thời gian được phân công đi bắt đồi mồi, chế tác đồ mỹ nghệ, riêng Ngô Đức Kế luôn phải làm việc khổ sai nặng nhọc ở Sở ruộng, Sở gỗ (đốn cây, cưa gỗ...) thế mà sau giờ làm ông vẫn tranh thủ, mầy mò tự học tiếng Pháp. Huỳnh Thúc Kháng kể: Tôi ra Đảo có mang theo một quyển Pháp - Việt từ điển của Trương Vĩnh Ký, sau mua thêm được vài cuốn Tập đọc, Ngữ pháp cùng một quyển Lịch sử nước Pháp. Tôi cùng Ngô Đức Kế và vài ba người nữa hàng ngày làm việc xong, trở về khám thì cùng nhau học tiếng Pháp. Chúng tôi học tiếng Pháp bằng con mắt với cái não nên nghe và nói hay sai vận và không được lanh lẹ, song đọc sách hiểu nghĩa, đặt câu và phiên dịch biết được đại khái(6). Việc học chữ Pháp trong nhà tù Côn Đảo, đối với Ngô Đức Kế, không định trước nhưng đã thành một bước chuẩn bị hữu ích cho công việc làm báo về sau. Chúng ta thấy Ngô Đức Kế và các tù nhân yêu nước khác trong thời gian bị đày ra Côn Đảo - mà người ta cho như đã cầm chắc cái chết - vẫn kiên định một thái độ sống ngoan cường, một tinh thần lạc quan hiếm có. Các cụ còn biến nhà tù thành một “Câu lạc bộ thơ” bằng cách tổ chức thi thơ vào những dịp đặc biệt, hoặc làm thơ điếu tang đồng chí hy sinh hay có thân nhân từ trần. Kỷ niệm ngày ra Côn Đảo, Ngô Đức Kế làm bài tuyệt cú có câu: Tích niên kim nhật đáo Côn Lôn, Bách chiết thiên ma khí thượng tồn! Huỳnh Thúc Kháng dịch: Ngày này năm ngoái đến Côn Lôn, Ma chiết trăm chiều khí vẫn còn(7). Trong Văn tế Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu đã nồng nhiệt ca ngợi khí phách lạc quan kiên cường của ba đồng chí của mình ở Côn Đảo là Đặng Nguyên Cẩn, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế như sau: Đặng, Hoàng, Ngô, ba bốn bác hàn thuyên, khi uống rượu,
- khi ngâm thơ, ngoài cửa ngục lầm than mà khảng khái(8). Riêng về Ngô Đức Kế, nếu tính từ năm ông đỗ Tiến sĩ (1901) cho đến năm rời nhà tù Côn Đảo (1921) là tròn 20 năm trực tiếp dấn thân vào cuộc đấu tranh vì nền độc lập của dân tộc. Trong suốt thời gian ấy có thể nói Ngô Đức Kế là hiện thân của bản lĩnh, của khí phách Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất (Mạnh Tử -Đằng Văn công hạ). Cũng với bản lĩnh đó, khí phách đó, Ngô Đức Kế sẽ tiếp tục sống và chiến đấu trong 8 năm cuối cùng của cuộc đời mình ở một môi trường mới, với sứ mệnh mới. II. NGÔ ĐỨC KẾ, NHÀ BÁO Đầu năm 1921 Ngô Đức Kế cùng hai đồng chí và bạn văn thơ tri kỷ là Đặng Nguyên Cẩn và Huỳnh Thúc Kháng mãn hạn tù, trở về đất liền trên cùng một chuyến tàu, giống như 13 năm trước họ đã bị giải ra Côn Đảo trên cùng một chuyến tàu. Đặng Nguyên Cẩn sức khoẻ suy sụp, về nhà được hơn một năm thì qua đời, còn Ngô Đức Kế và Huỳnh Thúc Kháng thì may mắn được tiếp tục cuộc đấu tranh trên một trận địa mới: Báo chí. Theo bản án phóng thích thì Ngô Đức Kế sẽ bị quản chế ở quê nhà nhưng đến tháng 12 năm 1922 ông đệ đơn lên Công sứ Hà Tĩnh xin ra Hà Nội sinh sống và không đợi trả lời, ông cứ ra Hà Nội, thuê nhà ở số 14 phố Hàng Điếu, kiếm sống bằng nghề viết chữ Hán cho một hiệu đối trướng. Cuối cùng Chánh mật thám Trung kỳ bác đơn của ông nhưng Nha mật thám Đông Dương thì thừa nhận “một sự đã rồi”, không trục xuất ông trở về quê cũ, lý do đơn giản là họ cho rằng: để ông ở Hà nội thì việc giám sát sẽ chặt chẽ hơn. Đúng như vậy, qua tài liệu lưu trữ tại Aix-en-Provence thì thấy mật thám Pháp đã không bỏ qua bất cứ một động tĩnh nhỏ nào liên quan đến ông: chẳng hạn một vài bà o, bà dì, từ Hà Tĩnh ra thăm ông cũng bị nghi là làm “liên lạc”. Giáo sư Lê Thước dạy học ở trường Albert Sarraut (Hà Nội) thường đến thăm ông cũng bị mật thám theo dõi(9) nhưng mặt khác thực dân Pháp lại tìm cách mua chuộc ông. Tháng 4 năm 1923, với danh nghĩa Nam Triều, họ “phục chức” Tiến sĩ cho ông, thậm chí sau đó thấy ông phải làm nhân công cho Sở Hoả xa Vân Nam rất vất vả họ còn trù tính cả việc cho ông một chức vụ gì nhưng rồi lại sớm từ bỏ ý định đó, vì đoán là ông sẽ từ chối. Cuối năm 1923 ông nhận lời mời của Hội Trung - Bắc kỳ Nông Công Thương
- tương tế làm Chủ bút tạp chí Hữu Thanh ở Hà Nội. Thế là một cựu tù nhân Côn Đảo lại trở thành một nhà báo; một ông Nghè quen múa bút lông viết chữ Hán, nay lại cầm bút sắt viết bài, duyệt bài bằng chữ Quốc ngữ. Một cuộc “đổi nghề” dũng cảm nhưng không phải là phiêu lưu! Lịch sử sẽ đặt ông trước những thử thách mới, và cho ông cả một điều an ủi: đầu năm 1926 tạp chí Hữu Thanh của ông bị đóng cửa thì một năm sau, một bạn tù Côn Đảo của ông - Huỳnh Thúc Kháng - lại ra làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút báo Tiếng dân, số đầu xuất bản ở Huế ngày 10 tháng 10 năm 1927. Tình hình báo giới như thế nào khi Ngô Đức Kế bước vào làng báo? Để có thể nhận rõ vấn đề này cần ngược dòng thời gian lên đầu thế kỷ. Sau khi dẹp được cuộc khởi nghĩa Cần Vương của Đình nguyên Phan Đình Phùng (1896) thực dân Pháp tự cho là đã làm chủ được tình hình Đông Dương. Đầu năm 1902 Toàn quyền Paul Doumer báo cáo về bộ Thuộc địa Pháp ở Paris: “Từ năm 1897 đến nay không hề có một lính Pháp nào chết vì trận mạc ở Đông Dương”(10), nhưng rồi ngay sau đó, dưới ảnh hưởng của tân thư Trung Quốc, của cuộc Minh trị Duy tân Nhật Bản, của các tư tưởng dân chủ, dân quyền của Rousseau, Montesquieu, Voltaire được du nhập vào nước ta, hàng loạt phong trào cứu nước có mầu sắc mới lại liên tiếp bùng nổ: Phong trào Đông Du (1904-1908), Đông kinh nghĩa thục (1907), phong trào Duy Tân (1906-1908), phong trào chống thuế ở Trung Kỳ (1908), vụ đầu độc binh lính Pháp ở Hà Nội (27-6-1908), trong lúc đó nghĩa quân Yên Thế chấm dứt thời kỳ tạm đình chiến, đang hoạt động trở lại (1908-1913). Thực dân Pháp hoảng sợ, nhận ra rằng chúng chỉ mới làm chủ tình hình trên lĩnh vực quân sự mà chưa bình định được cái mà De Lanessan, Toàn quyền Đông Dương, đã gọi rất đúng là ý thức dân tộc của dân bản xứ. Hội nghị thuộc địa năm 1906 ở Paris sẽ thông qua một nhận định có tính chất chính sách “chỉ chinh phục đất đai không đủ mà còn phải chinh phục tâm hồn nữa”(11); điều này có nghĩa là thực dân Pháp thấy cần phải củng cố thắng lợi quân sự bằng một chính sách văn hoá nô dịch, bao quát từ lĩnh vực giáo dục sang báo chí. G. Dumoutier, Thanh tra giáo dục Bắc Kỳ viết: “Muốn thay đổi hình dáng, mầu sắc của một cái cây, không thể bắt đầu với cái cây đã phát triển hoàn toàn mà phải tác động từ hạt giống. Muốn biến đổi một dân tộc cũng phải làm như vậy. Nếu chúng ta muốn đặt được vĩnh viễn ảnh hưởng của nước Pháp trên phần đất này của thế giới thì phải làm cho họ tiêm nhiễm tư tưởng của chúng ta, dạy cho họ tiếng nói của chúng ta và phải bắt đầu từ nhà trường và chú ý trước tiên đến trẻ em”(12). Thực dân Pháp sẽ thực hiện một chính sách mới mà Nha mật thám Đông Dương
- gọi một cách văn vẻ là “cuộc chinh phục tinh thần tiếp theo cuộc chinh phục vật chất”. Trong cuộc chinh phục này họ sẽ rất coi trọng phương tiện báo chí. Đây là thời tung hoành của Đông Dương tạp chí và Nam Phong tạp chí. Đông Dương tạp chí ra đời ít lâu sau vụ ném tạc đạn vào Khách sạn Hà Nội (26- 4-1913), hai sĩ quan Pháp bị chết, một số người Pháp, người Việt bị thương. Tạp chí liền lớn tiếng chửi bới các chiến sĩ vụ mưu sát là “đồ mọt giun, đồ dối trá, đồ vô học”, “dùng chước ăn mày” và hăm doạ nếu bắt được thì sẽ “bỏ rọ lăn sông” (bài “Vụ một trái phá”, Đông Dương tạp chí, số 1, ra ngày 15-5-1913). Trong bài Gốc loạn, đăng Đông Dương tạp chí, số 2, Nguyễn Văn Vĩnh viết: “Khởi thuỷ là bọn Phan Bội Châu, là một bọn nguỵ nho. Bọn ấy thấy nước Lang sa sang đây, dùng nhân tài một cách mới, đã là một sự thiệt thòi cho họ, xưa nay chỉ biết lấy có mấy chữ “chi, hồ” làm thang mây lên chốn công đường”. Tuyên truyền cho "chủ nghĩa Pháp - Việt", Nguyễn Văn Vĩnh viết: “Ta là phận kẻ yếu, số kiếp thế nào cũng là phải có người đè nén, may mà ta được thầy Đại Pháp thì cố mà giữ riết lấy thầy Đại Pháp” (bài Phương châm, Đông Dương tạp chí, số 1); “Vận mệnh nước ta không gì bằng nhờ ở tay người Đại Pháp. Hễ dân khôn ngoan cứ núp dưới bóng cờ tam tài mà làm ăn thì mỗi ngày là một thêm sung sướng, thêm khôn ngoan, thêm học thức, thêm buôn bán, thêm giàu mạnh” (Đông Dương tạp chí, số 69, ra ngày 10-9-1914). Thiết tưởng trích dẫn chừng ấy cũng đã quá đủ và cũng không cần bình luận gì thêm. Thực dân Pháp liền đẩy Nguyễn Văn Vĩnh lui về làm công việc dịch thuật và trong lĩnh vực này Nguyễn Văn Vĩnh đã có thành tích lớn, mặc dầu việc phân tích và giới thiệu ý nghĩa các tác phẩm được dịch cũng có điểm chưa thoả đáng. Khác với Đông Dương tạp chí được tung ra một cách vội vàng, Nam Phong tạp chí được chuẩn bị rất chu đáo. Toàn bộ bản thảo các bài dự kiến sẽ ra mắt trong số 1 đều được dịch ra tiếng Pháp để Toàn quyền Đông Dương duyệt trước, có kèm theo những lời nhận xét của Chánh mật thám Bắc Kỳ. Về bài Mấy nhời nói đầu trong đó có câu: “Biết đâu đến ngày ta có đủ tư cách mà quản trị lấy công việc ta thì nhà nước hẹp gì mà chẳng cho ta được quyền tự trị”, viên Chánh mật thám nhận xét: “Đoạn này viết rất có dụng ý. Nó là mộtlỗ thoát hơi cần thiết cho những tình cảm dân tộc ở xứ này”. Trong bài Khái luận về văn minh học thuật nước Pháp, Phạm Quỳnh viết: “Nước Pháp lấy thuộc địa là để bảo hộ cho dân hậu tiến, bênh giữ quyền lợi cho người dân, dạy dỗ cho, đưa dắt lên đường văn minh, thiết tưởng cái lối đi lấy thuộc địa như thế không
- những không phải là một sự phi nghĩa, mà lại chính là một việc đại nghĩa vậy” (!). Viên Chánh mật thám bình: “Lợi dụng một cách tài tình đề tài một tác phẩm được giải thưởng tiểu thuyết năm 1916 của Victor Giraud, Chủ bút tờ báo - ông Phạm Quỳnh - đã đề cao sứ mạng vĩ đại của nước Pháp trong lịch sử tư tưởng, nghệ thuật và khoa học của nhân loại. Lập luận chặt chẽ, đầy dẫn chứng cụ thể, đủ để gây một ấn tượng sâu xa vào lý trí người đọc”... Kết thúc tờ trình, viên Chánh mật thám viết: “Tôi không muốn cho phép số 1 này xuất bản khi chưa được sự quyết định tối cao của Ngài. Nhưng những bản dịch các bài của bản thảo số 1 đính theo đây đủ chứng minh cho Ngài biết những người cộng tác trẻ tuổi của chúng ta đã hoạt động nhiệt thành đến mức độ nào, đến nỗi tôi không hề muốn làm cho họ có chút nản lòng nào nữa, đồng thời tôi đã có đầy đủ lý do để tin chắc rằng họ rất mực thật thà và trung thành với chúng ta”... Dưới góc trái của tờ trình này có lời phê: “Chuẩn y. Ngày 1-5-1917. Ký: Albert Sarraut”. Nhưng chưa hết sự quan tâm của các viên trùm thực dân Pháp đối với tạp chí Nam Phong. Sau khi số 1 phát hành, Toàn quyền Đông Dương còn lệnh cho Phủ Thống sứ Bắc Kỳ điều tra xem văn phong của tạp chí có dễ hiểu với đông đảo người đọc hay không (!)(13). Không nghi ngờ gì nữa Nam Phong tạp chí là công cụ chủ yếu của thực dân Pháp trong công cuộc “chinh phục tinh thần” nhân dân ta và Phạm Quỳnh, cũng như Nguyễn Văn Vĩnh, đều là những tên lính tiên phong, xung kích trên trận tuyến “chinh phục tinh thần”. Đây là những thập kỷ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Con “Rồng Nam phun bạc” và “phun cả máu nữa” đã giúp Mẫu quốc dẹp tan Đức tặc và bây giờ Mẫu quốc đang rất cần có một thuộc địa yên tĩnh để tiến hành cuộc khai thác lần thứ hai, nhằm bồi đắp những tổn thất trong chiến tranh và như vậy “một lỗ thoát hơi” cho tinh thần dân tộc của dân bản xứ là rất cần thiết và có ích. Trên tạp chí Nam Phong Phạm Quỳnh sẽ thống thiết kêu gọi “Pháp - Việt đề huề”, “Pháp - Việt tương thân”, “tuần tự tiến bộ” dưới sự “khai hoá đại nghĩa” của Đại Pháp. Phạm Quỳnh sẽ tích cực thực hiện chủ trương “truyền bá các khoa học Thái Tây, nhất là học thuật, tư tưởng Đại Pháp” đồng thời “bảo tồn quốc tuý Việt Nam”, cụ thể là phổ biến chữ Quốc ngữ, xây dựng nền quốc văn, tán dương Truyện Kiều. Những điều này được phát ra từ Phạm Quỳnh, đối với Ngô Đức Kế thật hết sức mỉa mai!. Khoảng đầu thế kỷ XX Ngô Đức Kế đã đọc Văn minh tân học sách, trong đó
- kế sách đầu tiên được nêu ra là học chữ Quốc ngữ. Nguyễn Phan Lãng, một biên tập viên của Đông kinh nghĩa thục, đã diễn ý đó thành văn vần để phổ biến trong dân chúng: Trước hết phải học ngay Quốc ngữ Khỏi đôi đường tiếng, chữ khác nhau Chữ ta, ta đã thuộc làu Nói ra nên tiếng, nên câu, nên lời(14). Sau đó vì “tội” truyền bá chữ Quốc ngữ, những nhân vật chủ chốt của Đông Kinh nghĩa thục như Lương Văn Can bị đưa đi an trí ở Phnom Penh (Campuchia), Nguyễn Quyền, Lê Đại bị đày ra Côn Đảo làm bạn tù với Ngô Đức Kế, thế mà nay "tân nhân vật" Phạm Quỳnh lại được tự do cổ động cho chữ quốc ngữ và tân học! Như vậy là cuối năm 1923 khi Ngô Đức Kế bước vào làng báo ở Hà Nội thì phải đối diện với một thế trận "văn hoá nô dịch" đã được bày sẵn và đang được tích cực vận hành. Ngô Đức Kế cũng phải đối diện với Phạm Quỳnh và tạp chí Nam Phong. Ngoài dòng chủ lưu này, tình hình báo chí Bắc Kỳ trong những năm 20, theo đánh giá của Ngô Đức Kế, "chỉ là những bài ca, câu lý, tích láo, chuyện vơ, chẳng chuyện tài tử giai nhân thì lại yêu ma thần quái, nào có ích gì cho tri thức học vấn, có gì bổ cho thế đạo nhân tâm mà lại làm cho mẩn trí mê hồn, thương luân bại tục nữa"(15). Đối diện thế trận đó Ngô Đức Kế chỉ có một trái tim, một chí khí đã được thử thách và tôi luyện qua 13 năm Côn Đảo và sự hậu thuẫn dư luận của nhân dân luôn tha thiết với nền độc lập của đất nước. Trên tạp chí Hữu Thanh người đọc bắt gặp một tiếng nói tâm huyết phản biện xã hội nhưng ấn tượng sâu sắc mà nhà báo Ngô Đức Kế để lại trong tâm trí các thế hệ người đọc có lẽ là bài luận chiến chống lại phong trào tán dương Truyện Kiều. "Luận về chính học cùng tà thuyết", một bài báo nẩy lửa! Với chi êu bài “bảo tồn quốc tuý” Phạm Quỳnh nhen nhóm phong trào tán dương Truyện Kiều. Dưới sự đạo diễn của Ph ạm Quỳnh, một loạt cộng tác vi ên của tạp chí Nam Phong nh ư Nguy ễn Đôn Ph ục, Nguy ễn Trọng Thu ật, Vũ Đình Long, Nguy ễn Tường Tam, Nguy ễn Triệu Luật... lần lượt lên ti ếng phụ ho ạ. Phong trào tán Kiều mỗi ngày một sôi nổi, một ồn ào. Ngô Đức Kế mô tả: “Trong nước ngày nay, nào là bình phẩm văn chương Kiều, nào là phê bình nhân vật Kiều,
- nào là chú th ích Kiều, nào là thơ vịnh Kiều, cho đến hát tuồng Kiều, diễn kịch Kiều, chớp ảnh Ki ều, trong nhà, ngo ài đường, trên trời, dưới đất, đâu đâu cũng Kiều, khi ến người bịt tai bưng mũi, nh ức đầu long óc vì những ti ếng to “Quốc văn!!! Kim Vân Kiều!!! Nguy ễn Du!!! ”(16). Theo thời gian cung bực lời tụng ca Truyện Kiều của Phạm Quỳnh lên cao dần. - Năm 1917: “Truyện Kiều là sách giáo khoa tuyệt phẩm của bọn nữ lưu, thiết tưởng không kinh thánh truyện hiền nào hay bằng”(17). - Năm 1919: “Bao giờ trên bán đảo Đông Dương này cón có người An Nam ở, người An Nam còn biết nói tiếng An Nam thì Truyện Kiều còn có người đọc, Truyện Kiều còn có người đọc thời cái hồn cụ Tiên Điền còn phảng phất mãi trong núi sông đất nước Việt Nam không bao giờ mất được”(18). - Năm 1924, trong Diễn văn kỷ niệm Nguyễn Du, Phạm Quỳnh nâng lời ca tụng lên đến đỉnh điểm: “Một nước không thể không có quốc hoa, Truyện Kiều là quốc hoa của ta; một nước không thể không có quốc tuý, Truyện Kiều là quốc tuý của ta; một nước không thể không có quốc hồn, Truyện Kiều là quốc hồn của ta. “Truyện Kiều vừa là kinh, vừa là truyện, vừa là Thánh thư Phúc âm của cả một dân tộc, một cái “hương hoả” rất quý báu, đời đời làm vẻ vang cho giống nòi”. Kết thúc bài diễn văn Phạm Quỳnh thề rằng: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn, chúng tôi là kẻ hậu sinh, xin dầu lòng dốc chí, cố gia công trau chuốt lấy tiếng quốc âm nhà, cho quốc hoa ngày một rực rỡ, quốc hồn ngày một tỉnh táo, quốc bộ ngày một tấn tới, quốc vận ngày một vẻ vang”(19). “Truyện Kiều còn - nước ta còn”, lời khẳng định nguỵ biện này hoàn toàn không phù hợp với thực tế biến thiên của lịch sử. Ngô Đức Kế nói chính xác và giản dị hơn: “Dân tộc nào còn thì ngôn ngữ văn tự còn, dân tộc nào tiêu diệt thì ngôn ngữ văn tự cũng tiêu diệt”(20). Dư luận căm tức Phạm Quỳnh nhưng như một bạn đọc của tạp chí Hữu Thanh đã viết “hiềm vì một nỗi, dẫu muốn nói mà không đủ sức để nói”. Ngô Đức Kế liền lên tiếng, thẳng thừng vạch rõ tâm địa giả dối của Phạm Quỳnh qua bài Luận về chính học cùng tà thuyết đăng trên tạp chí Hữu Thanh số 21 tháng 9 năm 1924. Lời văn mở đầu bài báo dõng dạc, đanh thép như một bản luận tội trước Toà án. Phạm Quỳnh nói đến Truyện Kiều với Quốc vận, Quốc hồn thì Ngô Đức Kế đặt
- vấn đề quan hệ giữa Vận nước với Học thuyết tà hay chính. Ông viết: “Vận nước thịnh hay suy, quan hệ tại đâu: - tại nhân tâm thế đạo. Nhân tâm thế đạo xấu hay tốt, lỗi tại đâu? - tại học thuyết tà hay chính. Rộng xét năm châu, trải xem lịch sử, dọc ngang mấy vạn dặm, trên dưới mấy nghìn năm, từ đông tới tây, từ xưa đến nay, hễ nước nào khi vận nước thịnh cường tất là khi ấy trong nước chính học sáng rệt, nước nào khi vận nước suy đốn tất là khi ấy trong nước tà thuyết lưu hành. Chính học sáng rệt thì thế đạo nhân tâm phải tốt, mà vận nước theo chính học mà nổi lên, tà thuyết lưu hành thì nhân tâm thế đạo phải hư mà vận nước cũng theo tà thuyết mà đắm mất”. Và Ngô Đức Kế đã dẫn ra phong trào tán dương Truyện Kiều như một biểu hiện của “tà thuyết lưu hành”. Theo Ngô Đức Kế: “Văn chương quốc âm của ông Nguyễn Du thì vẫn là hay thiệt - văn tuy hay mà truyện là truyện phong tình, thì cái vẻ ai dâm sầu oán, đạo dục tăng bi, tám chữ ấy không tránh đàng nào cho khỏi”. “Thế mà ngày nay, đức văn sĩ giả dối ta biểu dương Truyện Kiều lên để khai hoá cho quốc dân, đem Truyện Kiều làm sách “Quốc văn giáo khoa”, làm sách “sư phạm giảng nghĩa”... Thậm chí sùng bái Truyện Kiều mà nói rằng: “Truyện Kiều là quốc hoa, là quốc hồn, là quốc tuý của Việt Nam, không biết có còn “quốc” gì nữa không? Thậm chí lại nói rằng: “Truyện Kiều quan hệ văn hoá Việt Nam, Truyện Kiều quan hệ quốc vận Việt Nam, nếu không có Truyện Kiều thì tình trạng dân tộc Việt Nam chưa biết đến thế nào! Thiệt là con oanh học nói xằng xiên, bậy bạ, rồ dại điên cuồng, tà thuyết vu dân đến thế là cực”. Cuối bài báo Ngô Đức Kế ghi chú “Bài luận này chắc có nhiều người phản đối, ai phản đối xin cứ gửi thư đến bản chí” nhưng không có ai phản đối! Chỉ có một số độc giả nồng nhiệt hoan nghênh Ngô Đức Kế. “Hữu Thanh chủ bút Ngô Tiên sinh văn kỷ điện giám. Tôi là một người cũng có một chút hoài bão mà tôi đang lo rằng: dễ đồng bào Việt Nam ta lúc này không có người thật chăng? Làm sao mình xem báo đã nhiều mà chưa từng có ai nói được một câu nào là có đúng với điều sở học của mình, nào ngờ đâu đến bây giờ lại có Tiên sinh, thật là đang buồn mà thốt nhiên được vui, đang lo mà thốt nhiên được sướng”(21). Thư thứ hai viết:
- “Hữu Thanh chủ bút Tiến sĩ Ngô đại nhân văn kỷ nhã giám. Tôi mới chợt đọc qua một lượt, rồi lại phải đọc đi đọc lại năm bảy lượt mà làm sao hình như đang lúc mây mù u ám, bỗng dưng ở đâu nổi lên một tiếng sét rất mạnh làm cho đám mây u ám kia tan hẳn đi mà vừng hồng chói lọi là mặt trời kia hiện ra đó vậy! Bài đó không những làm cho kẻ thiển kiến hiệp thức táng đởm kinh hồn mà lại làm cho họ phải mở mắt rộng tai nữa vậy”(22). Huỳnh Thúc Kháng ca ngợi đó là “một bài tuyệt xướng có giá trị nhất trong quốc văn báo giới ta”, như “cột đá giữa dòng nước lũ, ngọn đuốc trong khoảng đêm trường”, “Nói về nghĩa lý thì quang minh chính đại, thật là một bài quan hệ trong học giới rất to tát, mà về biện bác thì lời nghiêm, nghĩa chánh, có một cái mãnh lực như sét phang trước trán, nước xối sau lưng, khiến cho ai đọc đến cũng tỉnh giấc hồn mê”(23). Sau bài báo của Ngô Đức Kế phong trào tán dương Truyện Kiều đang ở tột độ say sưa, cuồng nhiệt, bỗng chốc xẹp hẳn xuống, Phạm Quỳnh im thin thít, Sở mật thám Pháp cũng lờ đi, coi như không có chuyện gì xảy ra! Mãi đúng một năm sau, tạp chí Nam Phong mới dám đăng lại một bài về Truyện Kiều, mà lạ thay, lại chỉ một dọng chỉ trích Truyện Kiều. Bài của Mai Khê phê phán nặng nề nhân cách Thuý Kiều: Dù có văn nhân tô điểm lại, Má hồng khôn rửa mặt thanh lâu!(24). Bài của Cao Hữu Tạo đăng sau đó lại lên án tác hại của văn chương Truyện Kiều đối với thiếu niên “đăm đăm lăn lộn cùng một chữ “yêu”, quên cả thân thế sự nghiệp, quên cả Tổ quốc non sông!”(25). Đến năm 1930, nhân bị Phan Khôi chỉ trích về việc không trả lời Ngô Đức Kế mà Phan Khôi gọi là thái độ “học phiệt”, Phạm Quỳnh mới lên tiếng phân bua, nói là Ngô Đức Kế “kiếm cớ cãi lộn”, “trước là một cách quảng cáo cho báo Hữu Thanh, sau là để thoả lòng ác cảm riêng. Hàng thịt nguýt hàng cá là cái thói thường của bọn con buôn. Trong làng văn làng báo có khi cũng mắc phải cái tật đó”. “Sở dĩ tôi làm thinh là không muốn mắc mưu Ngô Đức Kế. Đây chẳng qua chỉ là một câu chuyện cá nhân, câu chuyện quyền lợi, không có quan hệ gì đến học vấn tư tưởng hết”(26). Chúng ta thấy trên mặt báo hồi đó, bài Trả lời bài “Cảnh cáo các nhà học
- phiệt” của Phạm Quỳnh xuất hiện bên cạnh hàng loạt tin tức về việc khủng bố cuộc khởi nghĩa Yên Bái, bắt bớ các chiến sĩ Xô viết Nghệ - Tĩnh và những bài Hiểu cáo dân Nghệ Tĩnh của quan Toàn quyền Pasquier, quan Khâm mạng Tôn Thất Đàn, v.v... Lúc này, Ngô Đức Kế qua đời đã hơn nửa năm. Huỳnh Thúc Kháng liền đăng lên trang nhất báo Tiếng dân, với đầu đề chữ lớn, Chiêu tuyết những lời báng cho một nhà chí sĩ mới qua đời(27), vạch trần thái độ xuyên tạc, vu khống bỉ ổi của Phạm Quỳnh và kịch liệt bảo vệ quan điểm phê phán Truyện Kiều, phê phán Phạm Quỳnh của Ngô Đức Kế. Một lần nữa Phạm Quỳnh lại im thin thít! Bài Luận về chính học cùng tà thuyết là chiến công cuối cùng của nhà báo Ngô Đức Kế, của nhà chí sĩ yêu nước Ngô Đức Kế; đó là một trong những bài hay nhất của Lịch sử báo chí Việt Nam thời cận đại, đã “làm chấn động dư luận cả một lớp thanh niên và trí thức trong nước”(28). Khí văn, ý tứ của bài báo như phát ra từ nỗi bừng bừng phẫn nộ của một nhân chứng trước việc chính nghĩa bị bóp méo, xuyên tạc. Dư luận hoàn toàn tán đồng ý kiến của ông Trường Chinh, thay mặt Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác, phát biểu trong Đại hội Văn hoá toàn quốc năm 1948 khẳng định động cơ chính trị của Phạm Quỳnh trong việc gây ra phong trào tán dương Truyện Kiều là “cốt nêu gương đạo đức phong kiến để gián tiếp chống lại tư tưởng dân chủ và cách mạng, làm đãng trí thanh niên trí thức, khiến họ sao lãng chính trị”(29) nhưng về phương diện phê bình văn học thì dư luận về sau vẫn còn băn khoăn về sự đánh giá và phê phán kiệt tác Truyện Kiềucủa Ngô Đức Kế. Ý kiến này sẽ làm nảy sinh một cuộc thảo luận trên Tập san Nghiên cứu văn học của Viện Văn học (Hà Nội) năm 1962. Bài sơ kết cuộc thảo luận đã viết: “Ngô Đức Kế phê bình Truyện Kiều chưa đúng, nhưng “phê bình” Phạm Quỳnh, “phê bình” phong trào sùng bái Truyện Kiều thì rất đúng. Nhân dân ta, vốn giàu lòng yêu nước và tinh thần dân tộc, rất nhạy cảm điều đó, nên mặc dầu hết sức yêu mến, ngưỡng mộ Truyện Kiều, vẫn hoan hỷ, khoái trá đứng về phía nhà chí sĩ để chống lại việc tán dương Truyện Kiều. Tuy chưa nắm được toàn bộ chân lý, Ngô Đức Kế vẫn chiến thắng một cách vẻ vang, vì Ngô Đức Kế đã nắm được một chân lý căn bản, đó là chính nghĩa ái quốc”(30). Ngày nay người ta hay nói đến “Văn hóa tranh luận”. Nhà báo Ngô Đức Kế, vào năm 1924 ở Hà Nội, hầu như đơn độc trong vòng vây thực dân nhưng bất chấp mọi hiểm nguy có thể đến với một người cựu chính trị phạm như mình, ông đã nêu cao một tấm gương về văn hóa tranh luận: đó là thái độ bao biếm, khen chê rõ ràng, dứt khoát và
- nhất là dám“xả thân thủ nghĩa”, bảo vệ sự thật, bảo vệ chân lý
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn