YOMEDIA
ADSENSE
Nhà Nghệ Tĩnh học Thái Kim Đỉnh
89
lượt xem 6
download
lượt xem 6
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
Thái Kim Đỉnh quê ở làng Tường Xã, tổng Thịnh Quả, phủ Đức Thọ, nay là xã Đức Châu, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Hiện ông sống ở đường Xuân Diệu, phường Bắc Hà, thành phố Hà Tĩnh. Với tình yêu lớn đối với văn hóa quê hương, Thái Kim Đỉnh đã say mê sưu tầm, nghiên cứu và trở thành một trong những nhà Folklore học, Hán Nôm học hàng đầu của Nghệ Tĩnh hiện nay.
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Nhà Nghệ Tĩnh học Thái Kim Đỉnh
- Nhà Nghệ Tĩnh học Thái Kim Đỉnh Thái Kim Đỉnh quê ở làng Tường Xã, tổng Thịnh Quả, phủ Đức Thọ, nay là xã Đức Châu, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Hiện ông sống ở đường Xuân Diệu, phường Bắc Hà, thành phố Hà Tĩnh. Với tình yêu lớn đối với văn hóa quê hương, Thái Kim Đỉnh đã say mê sưu tầm, nghiên cứu và trở thành một trong những nhà Folklore học, Hán Nôm học hàng đầu của Nghệ Tĩnh hiện nay. Thái Kim Đỉnh sinh năm 1926 (Bính Dần), 10 tuổi học Pháp văn, học đến năm thứ ba Cao đẳng tiểu học thì phải nghỉ vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Buổi đầu, ông say mê làm thơ, ký bút danh Vũ Hoàng, đã in tập thơ “Cỏ mật - Nhịp cầu” năm 1975 với những câu thơ xúc động được bạn đọc khen ngợi: Lớn lên anh vào vệ quốc Mang trong hồn mùi thơm cỏ mật Chiều chiến trường mông mênh Một ngôi sao đã hiện Ngôi sao xanh lấp lánh Đợi anh đầu làng… Một thời, nhiều thanh niên lên đường chống Mỹ cứu nước có thơ ông trong những cuốn sổ tay. Đến nay, ông đã có 180 bài thơ in trên báo chí trung ương và địa phương. Bước vào con đường nghiên cứu
- Từ 1964, Thái Kim Đỉnh đột ngột chia tay với thơ và chuyển sang nghiên cứu Hán Nôm, nghiên cứu Folklore vì nhận ra rằng thi ca chỉ là sở đoản của mình. Thái Kim Đỉnh là người có ý chí tự học đáng nể trọng. Vốn thông thạo Pháp văn, Hán văn, chữ Nôm, từ năm 16 tuổi, ông bắt đầu có ý thức tích trữ sách báo và đến nay đã có một thư viện riêng hàng ngàn cuốn sách, tờ báo. Thăm nhà ông, người ta thấy trong căn nhà ngói hai gian bốn phía áp vách là những giá sách, tài liệu chất đầy từ dưới đất cho đến tận mái nhà, cứ tưởng như căn nhà được xây những bức tường bằng… sách! Ông nói với một phóng viên là tôi luôn luôn cảm thấy thiếu sách! Thói quen của Thái Kim Đỉnh là gặp gì cũng ghi chép: từng câu ca, truyện kể, sự kiện, nhân vật… Ông tâm sự với một nhà nghiên cứu: “Cần học hỏi thêm nhiều người, già trẻ gái trai đều có thể cho những thông tin tốt. Một bà cụ cho biết những câu ca có khi giúp ta hiểu thêm về phong tục, tập quán của địa phương. Lại còn phải tìm trong sách báo, tốt nhất là những tài liệu Hán Nôm, những câu đối, hoành phi ở đình, đền, nhà thờ. Còn các loại văn hoá vật thể khác, quan sát được càng tốt, càng quý. Dù khai thác các mảng văn hoá cổ kim thì vẫn để cho người hiện nay đọc, do đó mình phải luôn tiếp cận với cái mới, càng nhiều, càng kịp thời càng hay, thông tin trong nước và thế giới, nếu không có chỉ làm theo bản năng như người đi trong đêm tối vậy”(1). Nhà thơ Cảnh Nguyên nói “Thái Kim Đỉnh là một cuốn từ điển văn hoá xứ sở. Đến ngọn núi nào, đỉnh núi nào ông cũng đọc cho nghe một đôi câu đối hay một áng văn của nhà Nho mang tình yêu quê kiểng hoặc ghi chép một vài câu phương ngôn, truyền thuyết”(2). Thái Kim Đỉnh nghiên cứu sâu gia phả, là một nhà gia phả học. Những họ nổi tiếng trên đất Hà Tĩnh như họ Nguyễn Tiên Điền, họ Nguyễn Huy Tràng Lưu... ông đều hiểu biết khá sâu sắc.
- Đi vào nghiên cứu Folklore, ông bảo: “Nghiên cứu văn hoá dân gian không dám nói là khó hơn các nghề khác nhưng cực khổ hơn là chắc”(3). Điều này rất đúng vì phải đi điền dã để thu thập tư liệu, vì nhiều dị bản khó xác định hoàn cảnh ra đời của tác phẩm… Đến nay, Thái Kim Đỉnh đã có một khối lượng tác phẩm khá đồ sộ. Sách giới thiệu, nghiên cứu văn hoá dân gian bao gồm: Ca dao chống Mỹ - Hội văn nghệ Hà Tĩnh xuất bản 1970; Cá gáy hoá rồng - Tiểu ban Văn Nghệ dân gian Hà Tĩnh (Trực thuộc Ty Văn Hoá và Hội Văn nghệ Hà Tĩnh) xuất bản năm 1972; Núi Thiên Cầm (Truyện dân gian - Tiểu ban văn hoá dân gian Hà Tĩnh (Trực thuộc Ty Văn hoá và Hội Văn nghệ Hà Tĩnh), xuất bản năm 1975; Núi Hồng 99 ngọn - Nxb Nghệ Tĩnh - 1981 (truyện dân gian cho thiếu nhi); Truyện dân gian Nghệ Tĩnh - Tập I - Nxb Nghệ Tĩnh 1981, Tập II - Nxb Nghệ Tĩnh 1985; Truyện cười hiện đại: Hội văn học nghệ thuật Nghệ Tĩnh xuất bản năm 1988 (soạn chung); Kho tàng truyện cổ dân gian xứ Nghệ (viết chung) - Tập I - Nxb Nghệ Tĩnh 1993, Tập II - Nxb Nghệ Tĩnh 1994, Tập III - Nxb Nghệ Tĩnh 1994, Tập IV- Nxb Nghệ Tĩnh 1995; Lễ hội dân gian ở Hà Tĩnh - Sở Văn hoá Thông tin Hà Tĩnh xuất bản năm 2005; Truyền thuyết và cổ tích lịch sử Nghệ Tĩnh - chưa in; Về văn hoá dân gian xứ Nghệ - chưa in thành sách (một số bài đã đăng báo); Kho tàng văn hoá dân gian Hà Tĩnh tích luỹ trong quá trình lịch sử - chưa in thành sách - Đã trích in một phần trong “Lịch sử Hà Tĩnh” - Nxb Chính trị Quốc gia 2000. Sách có bài in hoặc có phần viết về văn hoá dân gian bao gồm: Giai thoại và tư liệu về Nguyễn Du - Truyện Kiều, Nxb Nghệ Tĩnh, 1988, tái bản 2002; Từ dân ca đến kịch hát - Viện Sân khấu và Sở Văn hóa Thông tin Nghệ Tĩnh, 1991 (viết với nhiều tác giả); Văn hoá làng và xây dựng làng văn hoá - Sở Văn hóa Thông tin Nghệ Tĩnh, 1995 (viết với nhiều tác giả); Ca trù Cổ Đạm - Sở Văn hóa Thông tin Nghệ Tĩnh, 1999 (viết với nhiều tác giả); Địa chí huyện Kỳ Anh - Huyện ủy, UBND Kỳ Anh, xuất bản 1996 (Chủ biên); Địa chí huyện Can Lộc (soạn chung) - Huyện ủy, UBND Can
- Lộc và Sở Văn hóa Thông tin Hà Tĩnh xuất bản 1999; Địa chí huyện Đức Thọ, Nxb Lao Động - 2004 (chủ biên); Địa chí huyện Cẩm Xuyên - Sắp in (soạn chung); Làng cổ Hà Tĩnh (chủ biên) - Tập I và tập II Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh, xuất bản năm 1996, tái bản năm 2006, 2007. Sau đây, bài viết xin giới thiệu những tác phẩm chính của ông: Cá gáy hoá rồng: Tập truyện dày 160 trang, bao gồm: Truyện về đất nước núi sông; 6 truyện về nguồn gốc muôn loài, muôn vật; 11 truyện về cuộc sống nhân dân; 6 truyện về các nhân vật, lịch sử. Trong lời giới thiệu, tác giả có nhận định về các loại hình truyện cổ dân gian. Theo ông truyền thuyết gồm 3 loại là truyền thuyết lịch sử, truyền thuyết anh hùng và truyền thuyết hoang đường. Tuy nhiên, truyền thuyết nào cũng mới chỉ là những mẩu chuyện. Về cổ tích ông cũng cho là có 3 loại: Cổ tích hoang đường, cổ tích thế sự (sinh hoạt) và cổ tích lịch sử. Tác giả kết luận: Các truyện trong tập sách phản ánh trung thành đời sống của người nông dân ở vùng núi Hồng, sông Lam. Sự tích núi Thiên Cầm: Dày 50 trang. Đây là sách viết cho thiếu nhi, những truyện này xoay quanh núi Hồng nhằm làm nổi bật tính chất “Hồng Sơn chiếu mệnh”. Truyện dân gian Nghệ Tĩnh: Đây là tác phẩm tiêu biểu nhất của Thái Kim Đỉnh về Folklore(4) gồm 2 tập: Tập I có 16 truyện người Kinh, 9 truyện người Thái, 3 truyện người Thổ; Tập II có 19 truyện người Việt, 1 truyện người Khơ Mú, 9 truyện người Thái. Tổng cộng có 58 truyện. Tác giả cho rằng: Truyện kể dân gian là tiếng nói, là khát vọng của tình cảm, tâm hồn người Nghệ thuở trước, là những bài học về đạo lý, về lẽ sống, di huấn của cha ông truyền lại cho con cháu ngày nay và mai sau… Đó là hình ảnh người nông dân cần cù, chất phác, dũng cảm, gan góc, thông minh, thâm thuý, khôn khéo, có quyết
- tâm, bản lĩnh vững vàng, thuỷ chung, tình nghĩa, vị tha, biết ước mơ và dám đấu tranh cho hạnh phúc của mình. PGS Ninh Viết Giao đánh giá: “Trong việc sưu tầm và giới thiệu truyện kể dân gian xứ Nghệ, Thái Kim Đỉnh đã đặt những viên gạch đầu tiên một cách chững chạc. Không ồn ào, không khoa trương, lao động trí tuệ một cách cần cù và khiêm tốn, vượt bao khó khăn về đời sống gia đình, về sức khoẻ, về tâm trạng riêng tư, anh đã ghi được nhiều truyện hay và đưa đến cho người đọc ở quê hương món ăn tinh thần bổ ích. Món ăn này không chỉ đáp ứng nhu cầu hiểu biết nhiều mặt (về dân tộc, xã hội, lịch sử) mà còn để tăng thêm lòng yêu mến quê hương đất nước. Các thế hệ mai sau mãi mãi biết ơn anh vì anh đã sưu tập, giới thiệu, bảo lưu, phổ biến một vốn truyện kể dân gian mà nếu thờ ơ thì chỉ có mất đi phương cứu chữa.” (Kho tàng truyện cổ dân gian xứ Nghệ, Tập 1, trang 34). Làng cổ Hà Tĩnh (chủ biên). Theo Thái Kim Đỉnh, “Mỗi làng nghề là một nét văn hoá, phải biết khơi dậy mà giữ gìn để không chỉ có ý nghĩa văn hoá mà còn là giá trị kinh tế. Nếu nghề thủ công ở đây phát triển được thì sẽ đủ nuôi một bộ phận dân cư và công ăn việc làm cho nông dân, ngư dân… trong những ngày nông nhàn. Những làng làm đồ tre Long Đan, làng gốm Cẩm Trang, làng nón Đan Du… nằm trong những vùng nguyên liệu quý hiếm không đâu bì kịp”. Ngoài làng nghề, cuốn sách còn cho thấy đặc điểm văn hoá của làng cổ xưa qua các tín ngưỡng, phong tục, mối quan hệ giữa con người trong cộng đồng văn nghệ dân gian… Chuyện kể về Bác Hồ dày 233 trang, gồm 100 mẩu chuyện. Qua tác phẩm này, Thái Kim Đỉnh muốn làm nổi bật cách ứng xử rất Folklore của Bác và chất Nghệ Tĩnh ở Người. Ví dụ khi qua thăm nước Pháp 1946, Bác vẫn ngủ ổ rơm ở nhà ông Obarac; khi đọc “Tuyên ngôn độc lập” ngày 2/9/1945, Bác vẫn đọc với giọng điệu tiếng Nghệ An; làm thơ “Cảnh rừng Việt Bắc” dù là thể Đường luật vẫn đậm chất dân dã vào: Ở rừng thú vị thật là hay/ Vượn hót, chim kêu suốt cả ngày/ Khách đến thì mời ngô nếp nướng/ Săn về thường chén thịt rừng quay…
- Giai thoại và tư liệu về Nguyễn Du - Truyện Kiều: gom nhặt các mẩu chuyện trong sách báo, trong dân gian nhằm khắc hoạ hình ảnh một nhà thi hào vĩ đại của dân tộc, say mê săn bắn, hát ví, chan chứa tình yêu nhân dân, quê hương xứ sở, quý trọng văn chương, bè bạn… * Thái Kim Đỉnh còn có nhiều công trình về văn chương viết bằng chữ Hán và chữ Nôm như: “Các tác giả Hán Nôm xứ Nghệ”, “Năm thế kỷ văn Nôm người Nghệ”. Những cuốn sách này đã giới thiệu một cách đầy đủ những nhà văn, nhà thơ tiêu biểu của vùng núi Hồng, sông Lam lịch sử. Nhân dân xứ Nghệ có thể tự hào bởi xứ sở mình là một mảnh đất có truyền thống văn chương lâu đời làm vẻ vang cho dân tộc với những tên tuổi lẫy lừng như: Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Phan Huy Ích, Phan Thúc Trực, Nguyễn Xuân Ôn... Tuy đã công bố nhiều công trình về Hán Nôm và Folklore như vậy nhưng Thái Kim Đỉnh vẫn khiêm tốn nói với bạn bè: “Những tập sách của mình mới chỉ là cái vảy của con rồng văn hoá truyền thống Nghệ Tĩnh” (Người đi bộ ¾ thế kỷ). Nhà thơ Xuân Hoà, Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Hà Tĩnh gọi Thái Kim Đỉnh là “nhà Nghệ Tĩnh học”. Nhà thơ Trần Hữu Thung gọi ông là “học giả”. Nhà Việt Nam học Nhật Bản Momo Kishiro, PGS Sử học Khoa học nhân văn trường đại học Osaka đến Hà Tĩnh nghiên cứu về Việt Nam học, gặp Thái Kim Đỉnh rất mến phục kiến thức uyên bác của ông về xứ Nghệ và gọi ông bằng thầy. Do những cống hiến không mệt mỏi của mình cho văn hoá Nghệ Tĩnh nên ông đã 6 lần được vinh dự nhận giải thưởng của Trung ương và địa phương: Giải 3 của Ủy ban Liên hiệp văn học Nghệ thuật Việt Nam (1998); Giải B của Hội Việt Nam dân gian Việt Nam và giải Hồ Xuân Hương về “Kho tàng truyện cổ dân gian xứ Nghệ”; Địa chí huyện Can Lộc - Giải 3A (1999) của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; Địa chí huyện Đức Thọ - Giải nhì B (2004) của Hội văn nghệ dân gian Việt Nam; Lễ
- hội dân gian ở Hà Tĩnh - Giải 3A (2005) của Hội văn nghệ dân gian Việt Nam; Làng cổ Hà Tĩnh - Giải khuyến khích của Hội văn nghệ dân gian Việt Nam (1997). “Người đi bộ ¾ thế kỷ” Xin mượn tên tập sách của Sở Văn hóa Thông tin Hà Tĩnh gom nhặt các bài viết về ông để làm tiểu mục cho bài viết này. Thái Kim Đỉnh sống rất giản dị trong một ngôi nhà tranh. Một lần đồng chí Bí thư tỉnh ủy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đến thăm đã quyết định tặng ông 2 triệu đồng, giúp ông làm ngôi nhà ngói 2 gian (năm 1980). Trong nhà chỉ có 1 cái bàn, 4 cái ghế, 2 cái giường, 1 cái tủ, tất cả đều là gỗ mộc. Ông ngồi viết quanh năm, kể cả chiều 30 tết, chỉ nghỉ có sáng mồng một tết, chiều mồng một lại tiếp tục viết. Vì khó khăn nên các bản thảo chỉ viết tay, không có điều kiện thuê người đánh máy. Thái Kim Đỉnh không biết đi xe máy, xe đạp, chỉ đi bộ, đến nay đã tròn 3/4 thế kỷ. Nhà nghiên cứu nói với nhà báo rằng mấy lần tập xe đạp nhưng ngồi lên yên là cứ như người… lên đồng, đành sử dụng cái phương tiện di chuyển của loài người từ lúc sinh ra cho đến lúc diệt vong. Cố nhiên khi cần đi nhanh, đi xa thì được nhiều bạn bè, bạn văn nghệ chở bằng xe máy, xe đạp. Tôi nghĩ việc “không may” đó của ông lại chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công của nhà Folklore Thái Kim Đỉnh vì có điều kiện quan sát tỉ mỉ, chính xác nhiều cảnh quan văn hoá, gặp gỡ nhiều người trên nhiều địa phương. Bạn bè vẫn nói đùa Thái Kim Đỉnh là một ông hổ bị giam nhưng không phải trong lồng mà giữa bốn bề sách báo, trong đó có nhiều trước tác của mình./. Chú thích
- (1) Người đi bộ 3/4 thế kỷ - Sở Văn hóa Thông tin Hà Tĩnh xuất bản. (2),(3) Sách đã dẫn. (4) Folklore: Văn nghệ dân gian.
ADSENSE
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn