intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Nhận thức của học sinh trung học cơ sở về một số yếu tố ảnh hưởng đến hành vi gây hấn trường học

Chia sẻ: Y Y | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

77
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết tập trung giới thiệu và phân tích kết quả khảo sát thực trạng nhận thức của học sinh trung học cơ sở về một số yếu tố ảnh hưởng đến hành vi gây hấn của các em tại môi trường học đường. Thông qua việc tìm hiểu thực trạng này cho thấy nhận thức của các em về tác động của các yếu tố chủ quan và khách quan lên hành vi gây hấn của học sinh ở nhiều góc độ khác nhau và đó là những ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Nhận thức của học sinh trung học cơ sở về một số yếu tố ảnh hưởng đến hành vi gây hấn trường học

  1. JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0042 Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 2A, pp. 144-153 This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn NHẬN THỨC CỦA HỌC SINH TRUNG HỌC CƠ SỞ VỀ MỘT SỐ YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HÀNH VI GÂY HẤN TRƯỜNG HỌC Phạm Thị Thanh Thúy Khoa Công tác Xã hội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Bài viết tập trung giới thiệu và phân tích kết quả khảo sát thực trạng nhận thức của học sinh trung học cơ sở về một số yếu tố ảnh hưởng đến hành vi gây hấn của các em tại môi trường học đường. Thông qua việc tìm hiểu thực trạng này cho thấy nhận thức của các em về tác động của các yếu tố chủ quan và khách quan lên hành vi gây hấn của học sinh ở nhiều góc độ khác nhau và đó là những ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực. Từ việc xem xét các yếu tố ảnh hưởng này là cơ sở rất quan trọng cho việc giải thích nguyên nhân hành vi gây hấn và định hướng giải pháp cho những người làm công tác trợ giúp học sinh nói chung, học sinh có hành vi gây hấn nói riêng trong trường học. Từ khóa: Nhận thức, hành vi gây hấn, yếu tố ảnh hưởng, học sinh trung học cơ sở. 1. Mở đầu Ở nước ta, trong lĩnh vực giáo dục, môi trường học đường nói chung và trường học trung học cơ sở THCS nói riêng đã và đang phải đối diện cũng như chịu nhiều thách thức trong việc giải quyết các vấn nạn học đường như bạo lực, bỏ học, tự tử, áp lực học tập, nghiện ngập. . . mà trong đó hiện tượng gây hấn trong trường học đã và đang hiện hữu, vẫn là vấn đề đáng lo ngại không chỉ đối với ngành giáo dục, với gia đình học sinh mà cả toàn xã hội nói chung. Trên thế giới, nghiên cứu liên quan đến hiện tượng này cả về mặt lí luận và thực tiễn đã có những công trình tiêu biểu mà các tác giả tiếp cận dưới những góc độ khác nhau như: Tonja Nansel (năm 2001) và đồng nghiệp nghiên cứu về tình trạng bắt nạt trẻ em tại trường học, nghiên cứu thực hiện ở 15.000 học sinh lớp 6 đến lớp 10 ở Mỹ; Nghiên cứu của nhà Tâm lí học người Na Uy là Roland (2002) luận giải được động cơ gây hấn của trẻ em xuất phát từ cảm giác chán nản, thất vọng; ở Anh, những nghiên cứu mới nhất được thực hiện liên quan đến hành vi gây hấn (HVGH) diễn ra nghiêm trọng trong lớp học. Tại Châu Á, theo một nghiên cứu của chính phủ Nhật Bản vào năm 2003, nạn gây hấn giữa học sinh với nhau trong các trường học Nhật Bản đã tăng hơn 5% so với năm trước đó. Tại Hàn Quốc, theo một cuộc khảo sát của Bộ giáo dục nước này, năm 2007 khẳng định tình trạng GHHĐ đã gia tăng ở nước này. So với năm 2003, tỉ lệ học sinh bị bạn học đe dọa, trấn lột hoặc bắt nạt đều cao gấp từ 2 đến 3 lần [dẫn lại 1]. Ngày nhận bài: 15/5/2015. Ngày nhận đăng: 10/8/2015. Tác giả liên lạc: Phạm Thị Thanh Thúy, địa chỉ e-mail: thanhthuyuno8909@gmail.com 144
  2. Nhận thức của học sinh trung học cơ sở về một số yếu tố ảnh hưởng đến hành vi gây hấn trường học Hiện nay, ở Việt Nam, có rất ít nghiên cứu chuyên sâu về lí thuyết HVGH nói chung và gây hấn học đường nói riêng. Đến năm 2011, mới có một cuốn sách chuyên khảo Hành vi gây hấn phân tích từ góc độ tâm lí học xã hội của tác giả Trần Thị Minh Đức. Trong cuốn sách này, tác giả đã đề cập tương đối có hệ thống cơ sở lí luận và thực tiễn về HVGH được phân tích dưới góc độ Tâm lí học xã hội. Những nghiên cứu cụ thể về thực trạng HVGH hầu như rất ít. Chủ yếu các đề tài, bài báo tập trung vào việc nghiên cứu về hành vi lệch chuẩn của học sinh, cụ thể như: Bạo hành đối với trẻ em gái trong môi trường học đường (Nguyễn Phương Thảo và cộng sự, 2005); Hành vi sai lệch chuẩn mực của học sinh tại một số trường phổ thông ở Hà Nội (Tạp chí Phát triển giáo dục - Hoàng Gia Trang, 2005); Ảnh hưởng của nhóm bạn không chính thức đến hành vi phạm pháp của trẻ vị thành niên (Mã Ngọc Thể, 2004); Cách thức cha mẹ quan hệ với con cái và hành vi lệch chuẩn của trẻ (Lưu Song Hà, 2008),. . . Vào những năm gần đây, HVGH học đường mới được tập trung nghiên cứu một cách trực tiếp. Có thể kể đến một số đề tài nghiên cứu, bài báo khoa học có liên quan đến HVGH trong phạm vi trường học của học sinh như sau: Gây hấn học đường và nhận thức của học sinh về gây hấn (Trần Thị Minh Đức, 2010); Khác biệt giới trong hành vi gây hấn của học sinh trung học phổ thông (Hoàng Xuân Dung, 2010); Hành vi gây hấn của học sinh trung học phổ thông (Trần Thị Minh Đức, Hoàng Xuân Dung, 2008 - 2010); Hiện tượng gây hấn trong các trường phổ thông trung học hiện nay (Trần Thị Minh Đức, 2010). Tuy nhiên các nghiên cứu này đều tập trung phân tích HVGH chủ yếu ở góc độ tâm lí học xã hội và tập trung vào khách thể là học sinh lứa tuổi trung học phổ thông. Theo hướng tiếp cận nghiên cứu của đề tài này, chúng tôi muốn mở rộng góc nhìn về những yếu tố ảnh hưởng đến HVGH đối với nhóm học sinh ở lứa tuổi THCS (từ lớp 6 đến lớp 9) - lứa tuổi với nhiều biến động, những “khủng hoảng”về tâm sinh lí của quá trình chuyển tiếp từ tuổi vị thành niên sang tuổi trưởng thành. Thêm vào đó, đề tài mong muốn tiếp cận và lí giải nguyên nhân của thực trạng hiện tượng gây hấn trong trường học dưới nhiều góc độ khác nhau không chỉ ở mặt tâm lí học, xã hội học, mà đặc biệt là lăng kính của công tác xã hội, làm cơ sở trong việc định hướng việc trợ giúp cho học sinh liên quan đến vấn đề gây hấn tại trường học THCS. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Yếu tố chủ quan ảnh hưởng đến hành vi gây hấn của học sinh Những yếu tố chủ quan được xem xét có ảnh hưởng đến HVGH của học sinh, đó là: kiểu khí chất, đặc điểm tâm lí và sự khác biệt về giới. * Kiểu khí chất Khi tìm hiểu về tính cách của người có HVGH có tới 84,7% cho rằng đó là người nóng nảy, mạnh mẽ, quyết liệt, dễ bị kích động (khí chất nóng nảy); có 9,3% cho đó là người nông nổi, vội vàng (khí chất linh hoạt); và chỉ có 1,6% cho đó là những người nhận thức chậm và thiếu tự tin (khí chất bình thản, điềm tĩnh). Trong thực tế đã diễn ra với bất kì một kiểu khí chất nào nêu trên thì đều có thể có những HVGH nếu có những điều kiện tác động tiêu cực từ bên ngoài. Tuy nhiên, cũng có thể nhận diện là người có khí chất nóng nảy chính là kiểu khí chất điển hình có xu hướng gây ra HVGH rõ rệt nhất. Ngược lại, với những người có kiểu khí chất bình thản và điềm tĩnh thì ở 145
  3. Phạm Thị Thanh Thúy họ có xu hướng rụt rè, sợ sệt, ngại tiếp xúc với đám đông nên giảm thiểu nguy cơ gây hấn. Với việc đánh giá và cho điểm bản thân, có 33,9% cho mình là người hoạt bát nhanh nhẹn; 23,5% cho mình là người chậm chạp; 18,6% nhận mình là người nóng nảy, thiếu kiềm chế và 24% học sinh nhận mình là người đa cảm, ưu tư. Tương tự với việc cho điểm bản thân, có 3 mức là 1 điểm - cho những em học sinh nhút nhát, không tự bảo vệ được mình; 5 điểm - cho học sinh có sự linh hoạt, cân bằng trong các tình huống và 10 điểm - cho học sinh có tính hung hăng, có xu hướng tấn công, lấn át người khác. Theo số liệu thống kê, có 9,3% học sinh cho mình điểm 1 tự nhận mình là nhút nhát, tự ti, không dám bảo vệ bản thân; 82,5% cho mình là người biết cân bằng và linh hoạt trong mọi tình huống với điểm 5; và 8,2% số học sinh còn lại cho mình điểm 10. Kết quả này phản ánh được những em tự nhận mình là người nóng nảy, hung hăng có xu hướng tấn công, lấn át người khác là những em có tính cách dễ bị kích động, không làm chủ được hành vi bản thân, dễ bị chi phối bởi cảm xúc nhất thời. Trong giao tiếp với người khác, các em thường thể hiện tính gay gắt, dễ nổi nóng, dễ bị kích thích và thường xuyên không kiềm chế được cảm xúc và hành vi của mình. Các em ít có năng lực đánh giá hành vi và ứng xử của người khác một cách khách quan nên dễ tạo ra xung đột trong tập thể. Trong một số tình huống, nếu bị khích bác, các em khó có thể kiềm chế cảm xúc và rất có thể dẫn đến những HVGH. * Đặc điểm tâm lí Nhìn chung, học sinh có HVGH thường thích tự khẳng định bản thân, thích mình trở nên nổi bật. Các em thường hay đua đòi, chạy theo vật chất, thích làm người lớn, làm anh hùng, hay bốc đồng, thiếu sự cảm thông, muốn được làm trung tâm của sự chú ý. . . Về thể chất, các em thường có thân hình to khỏe, nổi bật và có những đặc điểm mà các bạn cùng trang lứa ngưỡng mộ. Đối với các các mối quan hệ trong trường, lớp, những em này thường không kết bạn và không thích gần với những bạn có thành tích học tập tốt, chăm ngoan mà thích giao du kết bạn với những người giống như mình. Với các hoạt động chung của trường, lớp, các em hay thờ ơ, không có hứng thú tham gia, hoặc nếu phải tham gia thì có tư tưởng chống đối. Những học sinh là nạn nhân của HVGH thông thường là những em khá nhút nhát, tự ti. Các em thường sống khép mình, cảm thấy thất vọng, cô độc, thấy bản thân thấp kém. Nếu thường xuyên bị gây hấn các em trở nên càng thu mình, luôn trong trạng thái căng thẳng sợ hãi có nguy cơ làm hại đến chính bản thân mình hoặc cũng có thể có phản ứng ngược lại, các em trở nên lì lợm, bất cần và có xu hướng trả thù kẻ gây hấn với mình với những hành vi nguy hiểm mang tính phi pháp [2]. * Sự khác biệt về giới Ở một khía cạnh khác, xét về yếu tố giới trong HVGH của học sinh qua khảo sát, kết quả cho thấy có 96,7% các học sinh cho rằng có sự khác biệt về giới trong HVGH. Đa phần các em chỉ giải thích dựa trên cơ sở nhìn nhận thực trạng mà các em thường thấy thì “tỉ lệ nam sinh gây hấn nhiều hơn với những hình thức và mức độ nặng nề hơn do một phần quan trọng về mặt thể lực, tầm vóc hơn nữ nên luôn tỏ ra có ưu thế hơn trong việc đảm nhận vị trí quan trọng của lớp nếu như không được thì bị cho là kém cỏi hơn con gái và như vậy không xứng là đàn ông” (Phan Văn H. học sinh lớp 7C cho biết). Từ định kiến này mà nam sinh thường luôn muốn thể hiện mình, thể hiện “quyền uy”, và điều đó có thể có liên quan đến HVGH để đạt được mục đích. Tuy nhiên, qua phỏng vấn sâu một số thầy cô cũng cho thấy hiện trạng “cả nam sinh và nữ sinh bây giờ đều có HVGH với mức độ và các biểu hiện gây hấn là không có nhiều khác biệt. Trên các phương tiện 146
  4. Nhận thức của học sinh trung học cơ sở về một số yếu tố ảnh hưởng đến hành vi gây hấn trường học thông tin đại chúng hiện nay, các trang báo mạng, những hình ảnh, clip nữ sinh đánh nhau, giật tóc, lột quần áo. . . đầy đủ các hình thức bạo lực nhiều khi còn kinh khủng hơn cả việc nam sinh gây lộn đánh nhau. Khả năng xảy ra HVGH ở cả nam sinh và nữ sinh theo tôi rất khó phân định nhiều hay ít vì có những vụ việc không được biết đến, không thể nào thống kê đầy đủ số vụ việc mà học sinh gây ra. Vấn đề ở đây, theo tôi không phải là so sánh hay đối chiếu nam gây hấn nhiều hay ít hơn nữ mà quan trọng là gây hấn ở mức độ nào và hậu quả ra sao để có biện pháp xử lí” (Thầy Nguyễn Trọng D. cho biết). Theo nghiên cứu của các nhà khoa học và những tác giả của lí thuyết hành vi có thể nhận thấy rằng, sinh học cũng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến việc phân hóa HVGH và có xu hướng xảy ra ở nam nhiều hơn nữ. Tuy nhiên trong thực tế, với sự tác động của điều kiện hoàn cảnh của môi trường sống, quá trình tập nhiễm xã hội cũng là những yếu tố tác động đến hành vi của con người nên yếu tố sinh học là có cơ sở nhưng không phải là yếu tố quyết định [3]. Trong bức tranh tổng thể về gây hấn học đường, nhìn từ góc độ giới thì đây không phải là hành vi chỉ xảy ra ở nam sinh mà hiện nay, hành vi này ở nữ sinh có xu hướng gia tăng cao về cả số lượng và hình thức gây hấn. Những nội dung về HVGH của nữ sinh đánh nhau, gây hấn, bạo lực trong thời gian vừa qua ngập tràn các kênh thông tin báo mạng, các hình ảnh nữ sinh còn mang trên mình chiếc áo đồng phục của trường nhưng lại sẵn sàng có những hành vi bạo lực với bạn học một cách hung bạo. Điều đó không còn hiếm gặp hay xa lạ trong xã hội ngày nay vì nó phán ảnh một thực trạng đáng buồn về những vấn nạn ngay chính trong trường học - nơi gắn liền với sứ mệnh với việc cung cấp hiểu biết kiến thức, giáo dục nhân cách, tâm hồn với sự nghiệp “trồng người” cao cả. 2.2. Yếu tố khách quan * Ảnh hưởng của điều kiện sống (gia đình, nhà trường, cộng đồng xung quanh) Ảnh hưởng từ môi trường giáo dục trong gia đình - cái nôi đầu tiên nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách con người. Theo kết quả nghiên cứu, có 6,6% học sinh hiện nay không sống cùng với bố mẹ đẻ với một trong những nguyên nhân như bố mẹ đi làm ăn xa, li dị hoặc đã mất. Trên thực tế, bản thân những em này thiếu thốn tình cảm và sự chăm sóc giáo dục từ bố mẹ nên rất cần sự quan tâm đúng mức của người lớn nhằm mục đích quan tâm đến giáo dục, học tập, phát triển nhân cách toàn diện cho các em [4]. Xem xét trong mối quan hệ của học sinh THCS với gia đình, chúng tôi nhận thấy khi các em mắc lỗi, bố mẹ hoặc người chăm sóc trong gia đình có những biểu hiện hành động đa dạng, khác nhau tùy thuộc vào mức độ phạm lỗi của các em. Kết quả khảo được thể hiện trong Bảng 1. Bảng 1. Các biểu hiện hành động của cha mẹ/người chăm sóc khi con em họ mắc lỗi Stt Hành động Tỉ lệ (%) Thứ bậc 1 Khuyên bảo 26,2 3 2 Chửi mắng 38 2 3 Đánh đập 17,5 4 4 Đưa ra các hình phạt 39,9 1 5 Coi như không có gì 13,7 5 147
  5. Phạm Thị Thanh Thúy Bảng 1 cho thấy, hành động mà cha mẹ hay người chăm sóc thường sử dụng nhiều nhất là đưa ra các hình phạt. Trong số 39,9% em hay bị xử phạt theo hình thức này thì có tới 45,2% em bị nhốt trong phòng, 93,2% em bị cấm không cho giao tiếp với bạn bè, 79,5% em bị cấm đi chơi. Điều đó nói lên rằng, mặc dù những hình phạt mà các vị phụ huynh đưa ra tuy hơi có phần nghiêm khắc nhưng đã đem lại hiệu quả nhất định trong việc giáo dục, răn đe học sinh THCS. Tệ hại hơn nữa là khi các em mắc lỗi có 38% các em bị bố mẹ chửi mắng,17,5% bị đánh đập. Tỉ lệ này tuy không cao nhưng nó cũng chiếm một phần không nhỏ trong các biểu hiện hành động của người lớn trước lỗi lầm của con trẻ. Việc chửa mắng hay đánh đập con cái, nhất là khi các em đang ở lứa tuổi vị thành niên là một sai lầm không đáng có vì những hành động này của người lớn không giúp các em nhìn nhận được lỗi lầm của mình mà chỉ càng khiến cho các em có những thái độ, hành vi không đúng mực và những hành vi này càng ngày sẽ phát triển và có xu hướng trở thành HVGH. Tuy nhiên, cũng có một số bậc phụ huynh có nhận thức, hiểu biết hơn biết khuyên bảo khi con em họ mắc lỗi (26,2%) đã giúp các em rất nhiều trong sự hình thành và phát triển nhân cách và những lời khuyên bảo chí tình, đúng lúc, đúng chỗ sẽ là cẩm nang để các em mang theo trong suốt cuộc đời. Mặt khác, chỉ có 13,7% cha mẹ các em coi như không có gì khi các em mắc lỗi. Đây là biểu hiện cụ thể của hành vi sao nhãng, không quan tâm, chú ý đến hành vi của con mình - sự thờ ơ của các bậc phụ huynh cũng chính là một hình thức làm tổn thương tinh thần đối với con trẻ. Các em cảm thấy cô đơn, lạc lõng ngay trong chính gia đình mình. Trong khi đó, học sinh THCS cho biết một số ý kiến khác như các em không chỉ chịu các hình phạt mà còn kèm theo những lời mắng nhiếc, xỉ nhục thậm tệ từ chính những người thân của mình. Hậu quả của những hình thức trừng phạt thân thể và trừng phạt tinh thần nói trên dẫn đến việc các em trở nên nhút nhát, mặc cảm hơn và không tin vào những giá trị của bản thân nên chúng khó có điều kiện hòa nhập với môi trường xung quanh một cách thuận lợi. Mặt khác, cũng có thể xảy ra việc các em chống đối người lớn quyết liệt với thái độ hung hăng, ngỗ ngược để phản ứng lại những ứng xử thiếu tính tích cực của cha mẹ các em. Cả hai xu hướng đó đều khiến các em có những phát triển tâm lý không bình thường biểu hiện bằng sự phát triển nhân cách lệch lạc. Bảng 2. Bầu không khí tâm lí trong gia đình học sinh THCS Stt Bầu không khí tâm lí Tỉ lệ (%) Thứ bậc 1 Quan tâm, gắn bó, yêu thương nhau 30,1 1 2 Lạnh nhạt, thờ ơ 12 4 3 Thỉnh thoảng cãi vã, xung đột 24,5 3 4 Căng thẳng, ngột ngạt 7,1 5 5 Thoải mái, dễ chịu 27,3 2 Bảng 2 chỉ ra rằng, có 30,1% học sinh cho biết rằng bầu không khí tâm lí trong gia đình các em là quan tâm, gắn bó, yêu thương nhau và 27,3% được sống trong gia đình với bầu không khí thoải mái, dễ chịu. Hai tiêu chí này được học sinh THCS lựa chọn với tỉ lệ cao nhất đã minh chứng một sự đổi mới về giáo dục đã đi sâu vào từng gia đình và được các bậc phụ huynh nhận thức rõ rệt và thể hiện trong mối quan hệ với nhau và cách ứng xử với con cái. Ngược lại, chỉ có một tỉ lệ rất nhỏ học sinh THCS cảm thấy căng thẳng, ngột ngạt với không khí gia đình hiện tại (7,1%) và cảm nhận sự lạnh nhạt và thờ ơ, mối quan hệ giữa các thành viên lỏng lẻo (12%). Điều đó cho thấy, trong gia đình những học sinh này có mầm mống của sự bất hạnh từ cuộc sống hôn nhân của 148
  6. Nhận thức của học sinh trung học cơ sở về một số yếu tố ảnh hưởng đến hành vi gây hấn trường học cha mẹ nên sự quan tâm, chăm sóc của họ dành cho gia đình, nhất là con cái chưa đầy đủ và đây chính là hệ quả để tạo nên những HVGH ở những học sinh THCS có hoàn cảnh gia đình như vậy. Môi trường gia đình là môi trường giáo dục đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển nhân cách cũng như mọi mặt của mỗi thành viên, đặc biệt là đối với trẻ em. Gia đình là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy dỗ đầu tiên và đến suốt cuộc đời của mỗi con người. Một gia đình văn hóa, lành mạnh, giáo dục tốt sẽ tạo cho các thành viên trong gia đình một môi trường an toàn để phát triển, hình thành nhân cách tốt. Ngược lại, một gia đình luôn xảy ra những mâu thuẫn, căng thẳng, thiếu đi người cha hoặc mẹ luôn phải lo toan cuộc sống hay có thành viên trong gia đình mắc tệ nạn xã hội là môi trường không an toàn. Những học sinh sống trong những gia đình này thường thiếu đi sự quan tâm chăm sóc, bị những căng thẳng, mệt mỏi, xung đột trong gia đình gây ảnh hưởng nặng nề đến học tập, tư tưởng của các em. Đặc biệt, nếu cách đối xử giữa các thành viên trong gia đình là bạo lực, các em dễ hình thành trong tư tưởng của mình xu hướng giải quyết mọi vấn đề bằng bạo lực [5]. Tại trường học nơi các em đang học tập, theo khảo sát cho thấy, “mặc dù hiện tượng học sinh gây hấn không khó để kể đến ở đây nhưng chưa thực sự có một biện pháp hiệu quả nào để ngăn chặn hay giảm thiểu nó cả” (cô Đặng Thị H. giáo viên phụ trách cho biết). Từ kết quả cuộc thăm dò ý kiến của học sinh về việc trường hay lớp của các em đã tổ chức các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cho học sinh về HVGH hoặc chương trình tập huấn nhằm trang bị những kĩ năng sống cho học sinh các khối lớp hay chưa thì câu trả lời nhận được là chưa có bất kể một chương trình nào như vậy hoặc tương tự như vậy. Cũng tại trường học, có tới 39,9% học sinh trong mẫu nghiên cứu cho biết họ không tham gia vào tổ chức đoàn hội hay sinh hoạt tại câu lạc bộ nào của trường vì đơn giản là nhà trường chưa thành lập cho học sinh những sân chơi câu lạc bộ riêng hoặc có thì cũng chỉ mang tính hình thức và ít có sự quan tâm đến hoạt động của nó nên khi học sinh tham gia thì cũng ít cảm thấy hứng thú với việc sinh hoạt tập thể này. Một phần cũng bởi học sinh chưa có nhận thức đầy đủ về việc tập hợp để đề đạt nguyện vọng có những chương trình ngoại khóa, những buổi sinh hoạt tập thể với đa dạng các chủ đề được thực hiện và phong phú về các hình thức hoạt động để học sinh có thể vui vẻ tiếp nhận và tham gia đầy đủ hơn, và tính hiệu quả trong thực hiện các hoạt động nhóm như vậy sẽ cao hơn. Ở địa phương nơi các em đang sinh sống vấn đề đa dạng về các hình thức sinh hoạt đoàn thể cho các em học sinh tham gia cũng chưa được quan tâm đúng mức tương tự như tại trường học của các em. Ngoài hình thức sinh hoạt hè hay tổ chức vui trung thu mà một số em kể đến thì không có thêm hoạt động nào khác dành cho lứa tuổi các em một cách phù hợp. Mặt khác những hoạt động này chỉ mang tính thời vụ, không thường xuyên, liên tục và những nội dung sinh hoạt chưa thực sự phong phú và hấp dẫn, lôi kéo sự tham gia đông đảo của các em. Chỉ có 12% học sinh được khảo sát là tham gia vào những hoạt động sinh hoạt tập thể tại địa phương nhưng với mức độ thỉnh thoảng và hiếm khi tham gia. Điều này được lí giải vì chưa có nhiều hoạt động hấp dẫn, lại diễn ra lẻ tẻ và không thường xuyên nên không huy động được sự tham gia đông đảo thêm vào đó là sự nghèo nàn về các chủ đề sinh hoạt dẫn đến việc các em trở nên mất hứng, thờ ơ và cảm thấy không cần thiết phải tham gia. Có thể nhận thấy hình thức sinh hoạt tập thể, sinh hoạt nhóm, câu lạc bộ là những hình thức rất phù hợp với điều kiện của học sinh trong việc tập hợp để phổ biến, để truyền đạt hoặc tấp huấn cho các em về những kiến thức với những vấn đề trong trường học mà các em quan tâm, đề xuất để 149
  7. Phạm Thị Thanh Thúy thảo luận. Mặt khác cũng là diễn đàn, là nơi gặp gỡ giao lưu với những hoạt động lành mạnh củng cố những hành vi tích cực và cung cấp những kĩ năng để phòng tránh và giảm thiểu những hành vi tiêu cực nói chung trong đó có HVGH tại trường học được nêu ra cụ thể ở đây. Tuy nhiên, điều này còn chưa thật sự được chú trọng bởi một phần nó chưa được ban quản lí nhà trường, giáo viên, các bậc phụ huynh và chính các em chưa thật sự chú tâm để nhận thức đúng đắn về tính hiệu quả mang lại dành cho học sinh và cũng chính là góp phần làm trong sạch, lành mạnh cho môi trường học tập, rèn luyện của các em. * Ảnh hưởng của nhóm bạn bè (nhóm không chính thức) Ở giai đoạn này, giao tiếp của các em với bạn bè được mở rộng. Trong đó, học sinh dành mối quan tâm đặc biệt đến giao lưu bạn bè thông qua các hình thức: nhóm bạn học, bạn hoạt động đoàn, bạn ngoài xã hội...Tiếp xúc càng nhiều bạn bè thì sự thay đổi về hành vi của các em càng rõ rệt. Các em thích bắt chước các hành vi ứng xử của bạn bè cùng tuổi, học những ngôn từ, những thói quen mới và cảm xúc mới. Các em có thể thay đổi từ chỗ ít nói sang hay nói, từ chỗ nhút nhát trở nên bạo dạn hơn. Trong môi trường bạn bè các em luôn khám phá ra những điều mới mẻ, bắt đầu thấy mình lớn lên, được bạn bè thừa nhận và luôn mong được bạn bè nghĩ tốt về mình, tìm thấy sự phù hợp khi sống với thế giới bạn bè. Judith Hirris - một học giả người Mỹ cho rằng "Không phải hoàn toàn là do cha mẹ mà do những người bạn đồng lứa có ảnh hưởng đến nhân cách con người", "Khi con người ta trưởng thành - tính cách con người trở nên cố định và ít biến đổi - những gì đã hình thành từ tuổi ấu thơ khi va chạm giao lưu với bạn bè sẽ theo ta suốt cả cuộc đời". Hay khi nhìn lại, từ xưa ông cha ta cũng đã từng nhắc nhở con cháu "chọn bạn mà chơi" thể hiện một cách sâu sắc khi lựa chọn bạn bè. Như vậy, có thể nhận thấy ảnh hưởng của bạn bè trong việc thay đổi hành vi ứng xử của thiếu niên là rất quan trọng [6]. Qua phiếu trả lời phỏng vấn cho thấy 100% học sinh được hỏi đều tham gia vào ít nhất một nhóm bạn bè nhỏ với số lượng thành viên khoảng từ 5 - 7 người. Trong nhóm các thành viên thường giao lưu với nhau chủ yếu bằng các hình thức như học nhóm, ôn luyện bài vở, vui chơi giải trí, tập văn nghệ. . . Theo đánh giá của các em về mối quan hệ giữa các thành viên trong nhóm mà các em tham gia cũng cho thầy có những cảm nhận khác nhau: đa số các em sẵn sàng giúp đỡ nhau khi cần thiết (91,3%) và 2/3 trong số các em cảm thấy nhóm luôn gắn kết, yêu thương, chia sẻ, cảm thông giữa các thành viên (66,7%). Những suy nghĩ này thể hiện đặc điểm tâm lí vốn có của tuổi mới lớn: đó là sự nhiệt tình và luôn chia sẻ với bạn bè. Trong nhóm của các em có sự thân thiết hơn với một số bạn (45,4%) thể hiện từng bước trưởng thành của các em qua cách chia sẻ tế nhị, kín đáo hơn khi mỗi em chỉ thân thiết với một số em khác mà không phải là chơi chung với cả nhóm. Chỉ có 20,2% học sinh cho biết là nhóm mà các em tham gia là không hoạt động thường xuyên vì đó có thể là nhóm chỉ được lập nên phục vụ cho các hoạt động phong trào đoàn thể, khi có dịp thì mới kêu gọi tâp hợp còn không có nhiệm vụ phải sinh hoạt thường xuyên nên ít có cơ hội giao lưu, gặp gỡ. Nhóm bạn bè thường có những ảnh hưởng nhất định đến hành vi của từng cá nhân là thành viên trong nhóm. Có những nhóm bạn được thành lập với mục đích giao lưu, học hỏi, hợp tác để cùng thực hiện những hoạt động như học tập, nghiên cứu; hay có những nhóm với mục đích giải trí lành mạnh thông qua hình thức sinh hoạt câu lạc bộ được thành lập một cách chính thức và có cơ sở, địa điểm sinh hoạt với qui tắc nhóm được đưa ra một cách qui củ và yêu cầu thành viên phải 150
  8. Nhận thức của học sinh trung học cơ sở về một số yếu tố ảnh hưởng đến hành vi gây hấn trường học thực hiện nghiêm chỉnh. Những nhóm chính thức này thường là có những ảnh hưởng tích cực đến các thành viên của nó. Bên cạnh đó, học sinh THCS ngoài việc tham gia vào các nhóm chính thức thì còn có rất nhiều các nhóm không chính thức ngoài phạm vi trường học. Những nhóm này được thành lập với mục tiêu cùng có chung sở thích, sống gần nhau, học cùng lớp, có điều kiện, hoàn cảnh gia đình tương tự. . . Ở nhóm không chính thức cũng có những tác động hai chiều đến mỗi cá nhân trong nhóm. Tích cực ở chỗ các em có thêm nhiều mối quan hệ, mở rộng giao lưu, kết bạn, đời sống trở nên phong phú, đa dạng. Mặt khác, nhóm bạn không chính thức này cũng có thể là nơi tiềm ẩn những nguy cơ của việc tụ tập, lôi kéo tham gia những hành vi thiếu lành mạnh. Một số hành vi của học sinh bị bạn bè rủ rê, ép buộc tham gia được trình bày ở Bảng 3. Bảng 3. Các biểu hiện hành vi bị bạn bè rủ rê, lôi kéo tham gia của học sinh THCS Tỉ lệ % Thường Thỉnh Hiếm khi Chưa bao Điểm Thứ Stt Hành vi xuyên (4) thoảng (3) (2) giờ (1) TB bậc Xem phim có nội 1 30,6 37,2 32,2 0 2,98 1 dung bạo lực Quan hệ tình dục 2 0 12 31,1 56,9 1,55 3 trước hôn nhân 3 Sử dụng ma túy 0 0 0 100 1 4 Sử dụng bạo lực 4 (đấm, đá, tát và 0 13,7 45,9 40,4 1,73 2 các vũ khí khác) Bảng 3 cho thấy, hành vi bị bạn bè lôi kéo, ép buộc tham gia nhiều nhất, và thường xuyên hơn cả là hành vi xem phim có nội dụng bạo lực sau đó là hành vi sử dụng bạo lực một cách trực diện. Tỉ lệ thấp nhất là hành vi quan hệ tình dục trước hôn nhân và sử dụng ma túy. Việc sử dụng các chất kích thích hay tham gia vào các hoạt động không lành mạnh, không phù hợp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe thể chất và tinh thần của các em. Ngoài hành vi sử dụng ma túy thì những hành vi trên có thể biểu hiện ở mức độ thấp nhưng đều có sự tham gia của học sinh. Đây là những hành vi tác động thiếu lành mạnh và tích cực đến sự phát triển của tâm sinh lí lứa tuổi và có liên quan mật thiết đến tính gây hấn. Tương tự như vậy, với các hành vi như xem phim ảnh có nội dung bạo lực, sử dụng bạo lực và quan hệ tình dục trước hôn nhân đều có tác động lớn đến tư tưởng và hành vi ứng xử của học sinh. Tuy nhiên, vì học sinh THCS đang ở độ tuổi chịu sự quản lí của cha mẹ nên việc để bạn bè rủ rê, lôi kéo sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia, ma túy, thuốc lắc.. được các em nhận định là chưa từng xảy ra. Điều đó cho thấy, dù trên địa bàn nghiên cứu đã xảy ra nhiều HVGH không phải do nguyên nhân này thể hiện sự quản lý của các bậc phụ huynh khá chặt chẽ. Như vậy, từ những nguyên nhân dẫn đến HVGH cho chúng ta thấy, gây hấn không chỉ diễn ra đơn lẻ trong phạm vi người này với người kia mà nó có tính phổ biến ngay cả nhóm này với nhóm khác. 151
  9. Phạm Thị Thanh Thúy * Ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông Trên thực tế, các phương tiện truyền thông có ảnh hưởng rất lớn đến HVGH của học sinh. Nó vừa kích thích, vừa khiến học sinh dễ làm theo và thậm chí thần tượng ngược những đối tượng, những hành vi sai trái, phạm pháp. . . Việc các em tiếp cận và thu thập những thông tin không chính xác, thiếu chọn lọc có khả năng dẫn đến những nhận thức sai lầm và hành vi lệch chuẩn. Truyền thông cũng đã đưa nhiều tin về việc các em học sinh chơi game bạo lực quá nhiều, tưởng tượng mình là nhân vật trong trò chơi mà chém giết người thân một cách dã man, hung tợn. . . Do đó, các phương tiện thông tin, giải trí tuy có mặt tích cực nhưng cũng là một mối nguy hiểm tiềm ẩn dễ gây nên HVGH ở học sinh THCS nếu nhận thức của các em chưa đầy đủ cũng như khả năng kiểm soát hành vi còn hạn chế. Bảng 4 biểu thị ba hình thức giải trí phổ biến qua phương tiện truyền thông theo mức độ từ thấp đến cao (số thứ tự từ 1 đến 3). Bảng 4 cũng dẫn chứng về biểu hiện mức độ tham gia một số loại hình giải trí của học sinh THCS. Thực tế cho thấy, mức độ tham gia thường xuyên của học sinh THCS trong nghiên cứu cao nhất là “xem internet, truyền tranh, kiếm hiệp, báo chí. . . đưa tin về các vụ giết người, cướp của, các vụ ẩu đả, đánh nhau” chiếm 31,1%. Khi được thâm nhập các loại thông tin này thì ở trẻ em vị thành niên muốn chứng tỏ mình giống như người lớn nên có xu hướng bắt chước những hành vi tiêu cực này. Loại hình chơi game online có nội dung bạo lực cũng là hoạt động thường xuyên của 24,6% học sinh tham gia. Khi tham gia vào các loại hình giải trí đó thì có 41% các em cảm thấy bị căng thẳng, kích động và 23% số học sinh cảm thấy chán nản và mệt mỏi và chính những tâm trạng xảy ra thường xuyên này dễ lôi kéo các em vào những hành vi tiêu cực hơn. Bảng 4. Các biểu hiện mức độ tham gia một số loại hình giải trí của học sinh THCS Điểm Thứ Tỉ lệ % TB bậc Thường Thỉnh Hiếm Chưa bao Stt Các loại hình giải trí xuyên (4) thoảng (3) khi (2) giờ (1) Xem phim hành động, 1 phim có nội dung 7,1 47,5 45,4 0 2,62 2 đánh nhau Chơi game online có 2 24,6 23,5 10,9 41 2,32 3 nội dung bạo lực Xem internet, truyện tranh, kiếm hiệp, báo chí. . . đưa tin về các 3 31,1 37,2 31,7 0 2,99 1 vụ giết người, cướp của, các vụ ẩu đả, đánh nhau 3. Kết luận Trên đây là những nội dung cơ bản đề cập đến các yếu tố ảnh hưởng đến HVGH của học sinh THCS được nghiên cứu trong phạm vi khách thể và địa bàn khảo sát cụ thể. Kết quả nghiên 152
  10. Nhận thức của học sinh trung học cơ sở về một số yếu tố ảnh hưởng đến hành vi gây hấn trường học cứu này tuy không phản ánh đồng bộ về vấn đề gây hấn học đường nói chung song nó cũng góp phần giải thích những tác động có tính chất tiêu cực từ các yếu tổ chủ quan (kiểu khí chất, đặc điểm tâm lí, sự khác biệt giới) và khách quan (gia đình, nhà trường, nhóm bạn bè, phương tiện truyền thông) có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở trong việc định hướng giải pháp hướng tới giảm thiểu tình trạng gây hấn tại trường học một cách thuận lợi và hiệu quả hơn. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Trần Thị Minh Đức, 2011. Hành vi gây hấn phân tích từ góc độ tâm lí học xã hội. Sách chuyên khảo, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia, Hà Nội. [2] Trần Thị Minh Đức, 2012. Tư vấn bạo lực học đường. Tài liệu tập huấn, Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. [3] Lê Ngọc Văn, 1996. Giáo dục với việc điều chỉnh hành vi lệch chuẩn ở trẻ em. Tạp chí Khoa học về Phụ nữ, Số 1. [4] Lưu Song Hà, 2008. Cách thức cha mẹ quan hệ với con cái và hành vi lệch chuẩn của trẻ. Nxb Khoa học Xã hội. [5] Lê Như Hoa, 2001. Văn hóa gia đình với việc hình thành và phát triển nhân cách trẻ em. Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội. [6] Mã Ngọc Thể, 2004. Ảnh hưởng của nhóm bạn không chính thức đến hành vi phạm pháp của trẻ vị thành niên. Tạp chí Tâm lí, Số 8, tháng 8/2004. ABSTRACT The awareness of secondary school students of factors that could result in aggressive behavior at school This paper presents the results of a survey of the cognitive state of secondary school students of factors that could result in aggressive behavior among children in the school environment. This study could be an important basis for explaining causes and orientating solutions to reduce aggressive behavior in schools. Keywords: Awareness, aggressive behavior, secondary school students. 153
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2