Những Bước Chậm Của Thời Gian
lượt xem 3
download
Khi đã không còn vùng vẫy được nữa, chìm đến tận đáy mặt sấp cát, tắt mọi cảm giác thì tôi vẫn còn một ý nghĩ. Tôi nghĩ về mẹ. Chắc bà sẽ buồn lắm khi biết tôi không còn nữa. Mẹ sẽ rất buồn. Tôi không chịu đựng được điều đó. Rồi hình như tôi khóc cho tôi. Nước mắt không biết đã chảy như thế nào và có âm thanh nào vang lên không. Tôi tuyệt vọng. Nhưng tôi đã không chết. Có người đã lặn xuống đáy nước cứu tôi lên. Tôi không còn nhớ cuộc giải...
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Những Bước Chậm Của Thời Gian
- vietmessenger.com Trần Nhã Thụy Những Bước Chậm Của Thời Gian Khi đã không còn vùng vẫy được nữa, chìm đến tận đáy mặt sấp cát, tắt mọi cảm giác thì tôi vẫn còn một ý nghĩ. Tôi nghĩ về mẹ. Chắc bà sẽ buồn lắm khi biết tôi không còn nữa. Mẹ sẽ rất buồn. Tôi không chịu đựng được điều đó. Rồi hình như tôi khóc cho tôi. Nước mắt không biết đã chảy như thế nào và có âm thanh nào vang lên không. Tôi tuyệt vọng. Nhưng tôi đã không chết. Có người đã lặn xuống đáy nước cứu tôi lên. Tôi không còn nhớ cuộc giải cứu đó diễn ra như thế nào. Tôi đã bất tỉnh bao nhiêu lâu. Và tôi đã tỉnh dậy, trở về nhà như thế nào. Tôi không còn nhớ. Tôi chỉ biết, người đã nhảy xuống cứu tôi là lão Đà. Khi đưa được tôi lên bờ đến khi xốc hết nước trong bụng tôi ra thì lão cũng chưa nói gì. Cho đến khi tôi tỉnh lại hoàn toàn, lão mới lên tiếng: “Được rồi. Tao đã làm đúng rồi”. Rồi lão cười ha hả: “Tao thấy mày giã gạo rồi, nhưng tao cứ để đó, tao chờ cho mày chìm. Đoán chừng mày hết cục cựa tao mới nhảy xuống. Đó là cách cứu người chết đuối của tao. Tao đã làm đúng”. Tôi nằm trên cỏ. Xung quanh tôi là đám trẻ chăn bò đang cười. Lão Đà đang cười. Tôi cũng cười nhưng không nói được gì. Tôi cũng không một lời cảm ơn lão Đà. (Vào thời ấy, ở nhà quê trẻ con chưa quen nói những lời cảm ơn). Tôi nằm im thít. Hình như lúc đó chiều đang xuống. Gió vi vút thổi. Chúng tôi đang ở nơi cao nhất của bờ đê, đó là một cái cống thoát nước còn đang dở dang. Những trụ xi măng giơ ra những cọng sắt. Trên mặt cống cỏ bò lan chậm xanh, có chỗ mọc lên đám mạ úa, xen lẫn một vài cây lúa đang trổ. Gió thổi tràn qua mặt cống làm bay những hạt lúa lép mùa cũ vào mặt tôi. Tôi xoay người nhìn nghiêng ra phía cánh đồng. Lúc đó tôi thật sự muốn nhắm mắt lại và ngủ một giấc dài. Chuyện tôi suýt chết đuối đó diễn ra vào năm tôi mười bốn tuổi. Từ đó trở về sau tôi bỏ luôn ý định tập bơi trở lại. (Cho đến bây giờ tôi vẫn là người không biết bơi và rất sợ tiếp xúc với nước). Sau lần đó, tôi liên tiếp rơi vào những cơn ác mộng, Đêm nào, tôi cũng thấy mình chìm đến tận đáy. Chìm mãi xuống. Rồi vụt bồng lên cùng với những tiếng la hét kinh sợ. Giấc mơ hãi hùng đó kéo dài suốt gần hai tháng làm cho tôi gần như suy kiệt. Ba, mẹ tôi biết tôi đang chịu đựng nỗi khổ đó nhưng không thể làm gì được. Làm sao có thể can thiệp vào giấc mơ. Còn tôi thì hết sức tuyệt vọng. Nhưng đúng lúc tôi tuyệt vọng nhất thì tự nhiên giấc mơ hãi hùng đó tan biến đi. Làm như có một thứ bùa phép nào đó đã chiến thắng nó. Tôi vui mừng phát khóc và chợt nhận ra là đã hết một mùa hè. Buổi sớm, nhận ra những bước nắng ngập ngừng của một mùa thu đang tới. Tôi nói với mẹ tôi: “Con đã hết nằm mơ thấy chìm xuống đáy nước rồi”. Mẹ tôi nói: “Rồi thỉnh thoảng giấc mơ đó sẽ lặp lại. Nhưng không sao đâu. Con đừng nghĩ đến chuyện đó nữa mà hãy nghĩ đến những chuyện khác tốt đẹp
- hơn”. Gặp lão Đà, tôi cũng nói chuyện đó. Lão nghe xong, cười: “Ai chẳng vậy. Nhưng mày có dám tập bơi nữa không?”. Tôi lắc đầu. Lão Đà nhổ miếng bả trầu: “Dở ẹc, sợ cái gì, sợ cái đáy quần”. Nói rồi lão bỏ đi, tay lại thọc trong quần xoa rờ mông đít. Lão Đà là người đàn ông duy nhất trong làng có thói quen ăn trầu như đàn bà. Ngoài ra lão còn có vài thói tật khác mà không ai chịu được, đó là nói tục một cây, còn tay thì cứ bỏ trong quần rờ mông, khi say rượu thì không chịu ngủ trong nhà mà cứ ra thành giếng nằm. Lạ một điều là lão nằm thành giếng thì ngủ ngon mà không hề hấn sơ sẩy gì. Trong làng, ít ai ưa lão, nhiều người coi lão không ra gì. Nhưng với tôi thì vẫn trọng, bởi đơn giản lão chính là ân nhân của tôi. Nhà của tôi và lão Đà cùng nằm trên trục chính đường làng. Mùa gặt, con đường phơi đầy rơm rạ. Tôi thường xách xe đạp chạy lăng quăng để hưởng cảm giác dập dềnh trên lớp đệm rạ rơm. Trong khi đạp xe tôi thường thấy lão Đà tay chắp sau đít vừa đi vừa lẩm bẩm một mình. Chúng tôi ít khi trò chuyện với nhau. Nhưng mà lão Đà cũng ít khi có mặt ở làng, lão thường xuyên ngoài ruộng. Lão là thợ cày cự phách của làng tôi. Nhớ những ngày mùa đông, trong cái lạnh canh hai tôi đã nghe tiếng lão lùa trâu lục sục ra đồng. Tiếng lão ho khan và tiếng nhổ bã trầu nghe có vẻ giận dữ điều gì. Lão thường bên trâu, không trâu thì một mình. Lâu lâu lão đánh trâu lên gò mả, nhập vào đám trẻ chăn bò chúng tôi là lúc lão có tâm sự, muốn kể chuyện chơi. Cũng toàn là chuyện tục tĩu, bậy bạ, chỉ phù hợp cho đám chăn bò. Thường khi kể xong lão hỏi: “Nghe hay không, tụi mày?”. Đám trẻ cười khoái chí, có đứa bảo: “Hay, nhưng bậy quá”. Lão Đà cười: “Mẹ mày, đã hay còn bậy, bậy thì đừng có nghe nữa”. Có đứa đề nghị: “Thôi, ông kể chuyện ma đi, nghe hay mà không bậy”. Lão Đà bảo: “Chuyện ma phải kể vào ban đêm mới hay. Mình ngồi nghe như vầy, ma nó cũng hiện lên ngồi vịn vai mình mà nghe lén. Thế mới hay”. Có đứa kêu: “Vậy sợ chết”. Lão Đà cười: “Sợ gì, sợ cái đáy quần”. Cả bọn cười. Một đứa dạn miệng hỏi: “Lão Đà, sao lão cứ hay nói là sợ cái đáy quần?”. Lão Đà nheo mắt bảo: “Cha mày, cái đáy quần mày nó mà rách thì mày có sợ không?”. Sau lần tôi suýt chết đuối, không lâu thì ba tôi bán bò. Tôi chuẩn bị lên học cấp ba nên không thể cứ bò nghé mãi được. Giờ đây tôi chỉ có mỗi việc là học. (Tất nhiên là cũng làm thêm nhiều việc linh tinh trong nhà và vài việc ngoài đồng như cắt cỏ bờ, thăm lỗ mậu, be bờ cản tháo nước vào ruộng, mùa gặt thì đi vần công vài ba công v.v...). Ngoài giờ học tôi thường lang thang trong làng. Làng tôi rộng, thoáng đãng. Trên con đường trước nhà tôi thường có những đám ma đi qua để đến khu nghĩa địa bên kia dông gần núi Một. Đám ma không xe mà khiêng đòn vai, đi qua làng, vòng qua dông rồi thẳng hướng núi. Đám ma nào lão Đà cũng ghé vai vào cộng sức. Nhưng lão không bao giờ đi đến tận nghĩa địa. (Trừ những cái chết của người thân). Lão thường xuất phát từ nhà lão rồi tách ra khi đến nhà già Tạ gần ở cuối làng. Lần nào lão cũng ghé nhà già Tạ uống trà. Già Tạ là người chỉ làm nghề vườn không làm ruộng duy nhất làng tôi. Tôi thường đứng nhìn những đám ma đi qua trước ngõ nhà. Đoàn người bước chậm cúi đầu. Cho người chết được nằm thăng bằng, cho trang thờ, lọ hoa, đèn dầu không ngã đổ. Có thăng bằng và chậm rãi mới đi được quãng đường xa. Bước chậm. (Trong những bước chậm của thời gian). Tôi thường đứng đó, im lặng nhìn, trong bóng mát của một cây rơm to. Những thông tin về người chết đó lập tức được mẹ tôi thông báo. Người đó tên gì, bao nhiêu tuổi, ở thôn nào, vì sao chết. Nhưng cũng có khi mẹ chạy đi hỏi: “Sao mà chết vậy, tại sao?’’. Một hôm tôi đang đứng xem đám ma đi ngang nhà thì lão Đà chạy vào nắm tay tôi. Lão bảo: ‘’Ghé vai vào chút, thanh niên. Đám này nặng quá, mà ít người’’. Tôi ghé vai vào ngay phía trước lão Đà. Người chết nặng hơn tôi tưởng rất nhiều. Lão Đà nói: ‘’Nặng quá phải không, nhưng nhớ đừng gồng vai, chỉ ghé vai vào thôi, cho quen đã’’. Tôi hỏi: ‘’Sao nặng quá vậy?’’. Lão đáp: ‘’Sống thì nhẹ, chết rồi nặng, ai chả thế. Đám này chết đuối nên càng nặng’’. Tôi đã một lần suýt chết đuối, nên nghe những lời đó, tự dưng như muốn khóc.
- Ai rồi cũng chết. Tôi bắt đầu nghĩ rồi lại hay nghĩ về điều đó. Lão Đà, già Tạ rồi sẽ chết trước tôi. Nhưng cũng không cứ nhất định như vậy. Điều đó làm cho tôi buồn. Chết rồi thì sẽ ra sao? Chúng ta sẽ là cái gì sau khi đã chết?. Tôi nghĩ đến đó rồi tự xua những ý nghĩ đó đi. Tôi còn có nhiều việc phải lo nghĩ khác nữa. (Vả lại, tôi nghĩ làm chi những điều không thể trả lời). Tôi vẫn tiếp tục ghé vai vào đòn khiêng những đám ma đi ngang nhà. Năm đó tôi 14 tuổi, rồi năm 15, 16, 17, 18 tuổi tôi vẫn tiếp tục làm việc đó. Nhưng cũng có khi không có tôi mà chỉ có lão Đà, có khi ngược lại. Đó là những lúc tôi đang ở trường học, chỉ nghe được tiếng trống, hay đang ở ngoài đồng mắt chỉ loáng thoáng từ xa. Lòng tôi cứ vân vi mãi, những ý nghĩ cứ miên man rối bời. Tôi luôn hình dung mình bước chậm đi khắp trong làng. Bước chậm. (Trong những bước chậm của thời gian). Những bước chậm của thời gian đó là do tôi nghĩ ra, tạo ra, dùng để sử dụng cho riêng tôi, chứ thời gian làm gì có bước nhanh bước chậm. Thời gian vốn mang bản chất của sự trùng phức liên tục mải miết. Nó tạo nên những nếp gấp không thể nào phục hồi... Đại khái là như vậy, như sau này tôi đã có thêmchút cảm biết và có điều kiện để chứng minh. Nói tóm lại là tôi thích đi những bước chậm trong thời gian và cũng mong sao có những bước chậm của thời gian để cùng cộng hưởng. Tôi vẫn cho rằng những người chết được quyền đi trong những bước chậm đó. Lão Đà là người thợ cày giỏi nhất làng. Già Tạ là người làm vườn giỏi nhất làng. Tôi rất tự hào đã quen thân với hai người đó. Họ đều là những người lao động lương thiện mà tôi luôn muốn sau này cũng sẽ được như vậy. Nhưng tôi không thể công khai với mọi người là tôi có quen thân với một kẻ trộm giỏi nhất làng. Nói là giỏi nhất vì nó chưa bao giờ bị bắt quả tang. Kẻ trộm đó không ai xa lạ mà chính là thằng Quỳnh cùng xóm. Quỳnh cùng lứa tuổi tôi, học dốt từ hồi nhỏ. Hồi đó Quỳnh thường nhờ tôi viết bài giùm rồi rẩy mực lên bôi lem nhem để cô giáo không phát hiện ra và mong được chấm 5 điểm. Quỳnh bỏ học sớm, ở nhà chuyên đi hốt trấu bán cho mấy lò bánh tráng. Ngoài tài trộm, Quỳnh còn có tài leo dừa và bắn ná (giàn thun). Nói đúng hơn tài leo dừa và bắn ná hỗ trợ cho tài trộm của Quỳnh rất nhiều. Mùa mưa, thân dừa vừa trơn vừa nhớt nhưng Quỳnh vẫn có thể leo như sóc trong đêm, rồi hai tay hai trái miệng ngậm một trái tụt xuống mà không tiếng động nhỏ. Còn bắn ná thì khỏi chê, bách phát bách trúng. Những buổi trưa hè Quỳnh thường men theo mép mương, nhìn thấy cá bơi là nó kéo giàn thun thật mạnh, viên đạn xuyên qua làn nước làm cho con cá chết cắm đầu. Theo như tôi biết thì Quỳnh chỉ trộm gà. Nó khoái ăn thịt gà. Tôi cũng vậy. Quỳnh thường làm món gà nướng đất sét rồi kéo tôi ra ngoài đồng. Chúng tôi tìm những đống cỏ khô trên những bờ vùng, vừa nằm vừa ăn. Tôi hỏi: “Gà ai đây?”. Quỳnh cười cười: “Gà của thằng Quỳnh săn được”. Tôi hỏi: “Nếu như bị bắt thì mày làm sao hở Quỳnh?”. Quỳnh nói: “Tao cũng không biết. Chắc là tao sẽ khóc thật to”. Tôi cười: “Mày mà khóc”. Quỳnh bảo: “Chứ mày bảo tao bị bắt mà cười hả”. Năm chúng tôi 17 tuổi thì Quỳnh bỏ làng ra đi. Quỳnh đi được ba năm thì tôi cũng đi. Chúng tôi đến thành phố. Tôi xa làng đã mười lăm năm. Tôi đã lấy vợ, sinh con, mua nhà. Vợ chồng tôi đều làm hợp đồng cho doanh nghiệp tư nhân. Thằng Quỳnh cũng đã lấy vợ, sinh con nhưng chưa mua được nhà. Quỳnh đã làm đủ thứ nghề, cuối cùng thì làm nghề chạy ba gác máy. Vợ nó bán xăng lẻ, thuốc lá ở bến xe. Vợ chồng Quỳnh làm cũng có tiền nhưng còn phải gởi về quê nuôi bà mẹ già bệnh nặng. Cũng nhờ vậy mà vợ chồng nó thường về quê hơn tôi. Còn gia đình tôi thì gần như đã chuyển hết vào miền Nam. Thỉnh thoảng gặp nhau Quỳnh cho tôi biết, lão Đà và già Tạ nay đã yếu lắm rồi. Già Tạ gần như nằm một chỗ, hôm nào khỏe lắm mới chống được gậy ra trước ngõ. Lão Đà thì còn đi được, còn ăn trầu, uống rượu, còn cả cái tật rờ xoa mông mình, nhưng khi say lão đã thôi ra nằm thành giếng. Làng tôi cũng đã thay đổi nhiều. Đám ma không còn khiêng nữa mà đã có xe tang chạy băng trên đường đổ bê tông. Quỳnh không thân mật gì với hai lão già đó nên chuyện về họ tôi biết cũng qua loa. Tôi nhớ và thương họ, nhất là lão Đà. Tôi vẫn coi lão là ân nhân. Có lần Quỳnh về quê, tôi nhờ nó gởi cho lão Đà chai rượu. Lão Đà nhận, cảm động lắm. Lão bảo: “Nhắc thằng Cu (là tên tôi hồi nhỏ), khi nào tao chết thì nhớ về ghé vai đưa tao ra nghĩa địa nghe chưa”. Rồi lão cười: “Mà làng mình bây giờ đâu còn cái đòn khiêng, chết đã có xe đưa ra nghĩa địa, nhanh
- lắm”. Nhưng rồi tôi cũng ít gặp Quỳnh. Vì sau này tôi nghe nó làm đại ca, lập băng nhóm, thanh toán lẫn nhau để dành địa bàn làm ăn. Những chuyện đó tôi sợ. Tôi vốn là người yếu đuối. Ngày nào tôi cũng chạy xe ngoài đường. Ngày nào cũng có mắc kẹt ở đâu đó. Có khi là nhích lên từng chút, vuốt mặt dưới mưa. Rất nhiều đêm giấc ngủ mệt nhọc, khó khăn. Giấc mơ chìm đáy nước đôi khi chợt trở lại giữa những khoảng thời gian dài không mơ tưởng điều gì. Nửa đêm thức giấc bần thần. Lại nhớ làng. Nhớ bao chuyện linh tinh mà không thể nào kể cho ai cùng nghe. Những lúc như thế tôi lại nhắm mắt hình dung mình bước chậm. Một mình tôi bước chậm trong làng. Thật chậm trong những bước chậm của thời gian. Hết
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Tiết kiệm chi phí với spa chăm sóc sức khỏe tại nhà
6 p | 145 | 14
-
Những bài tập thể dục đơn giản cho người it thời gian
7 p | 124 | 12
-
EM LÀ ÁNH SÁNG ĐỜI ANH
6 p | 75 | 9
-
Valentine của người thứ ba
3 p | 59 | 6
-
Hãy tự mình bước qua nỗi đau
5 p | 70 | 4
-
Cho anh cơ hội lần cuối em nhé!
5 p | 79 | 4
-
Vì nơi đây có anh
19 p | 63 | 3
-
Cô gái bán ô màu đỏ
9 p | 54 | 3
-
PHỐ ĐÊM
3 p | 53 | 3
-
Trước những ngày tết
4 p | 59 | 3
-
Quang Chi Tử-chương 84&85
10 p | 61 | 3
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn