intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Những thước phim vô hình

Chia sẻ: Nguyen Ngoc Chau | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

47
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

. Từ nhỏ, tôi đã có thói quen đi lang thang một mình và nghĩ vẩn vơ về cuộc sống. Trong mắt tôi, cuộc sống trôi đi như những thước phim vậy, có lúc chầm chậm như dừng hẳn, có lúc lại tua đi hối hả. Mẹ tôi từng bảo tôi: “Con cứ ngơ ngẩn với phim như vậy sau này làm được cái gì mà ăn!”. ” Con làm đạo diễn”, bằng khát khao của một đứa trẻ, tôi dứt khoát trả lời mẹ. Thế là tôi quyết tâm học để thi vào trường sân khấu điện ảnh, chuyên ngành...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Những thước phim vô hình

  1. Những thước phim vô hình. Từ nhỏ, tôi đã có thói quen đi lang thang một mình và nghĩ vẩn vơ về cuộc sống. Trong mắt tôi, cuộc sống trôi đi như những thước phim vậy, có lúc chầm chậm như dừng hẳn, có lúc lại tua đi hối hả. Mẹ tôi từng bảo tôi: “Con cứ ngơ ngẩn với phim như vậy sau này làm được cái gì mà ăn!”. ” Con làm đạo diễn”, bằng khát khao của một đứa trẻ, tôi dứt khoát trả lời mẹ. Thế là tôi quyết tâm học để thi vào trường sân khấu điện ảnh, chuyên ngành đạo diễn. Chắc lúc ấy chẳng mấy người nghĩ một đứa từng vào bệnh viện tâm thần như tôi sẽ đỗ đại học đâu. Đến khi tôi xách hành lí lên Hà Nội học, thì người ta – những người thường khinh khỉnh mẹ con tôi – mới xì xào kháo nhau rằng : “Thằng không có bố, nó đỗ đại học rồi đấy”. Tôi lên thành phố, bắt đầu hành trình khám phá những tri thức mới mẻ và thực hiện ước mơ. Khác với nhiều người, quãng thời sinh viên đã qua của tôi buồn tẻ lắm. Sáng đi học, chiều đi làm thêm, tối về vùi đầu vào sách vở rồi hì hục viết báo đến đêm. Tôi chỉ biết học và kiếm tiền đi học, dư dả một chút thì gửi về cho mẹ. Thế thôi. Không bạn bè. Không một mảnh tình vắt vai. Cô độc vốn dĩ như một thói quen bắt nguồn từ tuổi thơ bị rẻ rúng, coi thường. Tôi sợ về quê và sợ cả cảm giác lạc lõng giữa thành phố chen chúc những người là người này. * Năm học thứ ba, trường tôi phối hợp với các báo đài lớn tổ chức một cuộc thi phim ngắn. Một cơ hội không thể tốt hơn để tôi chứng tỏ bản thân. Và thay đổi không khí những tháng ngày tẻ nhạt ấy. Tôi bớt thời gian học và làm thêm, rong ruổi khắp phố phường Hà Nội với hành trang là chiếc máy quay mini để tìm ý tưởng cho bộ phim tài liệu dự thi của mình.
  2. Một buổi sáng, như thường lệ, sau khi cầm máy quay đi dọc bờ hồ để tìm cảm hứng, tôi rẽ vào quán phở quen thuộc. Một quán phở bình dân nổi tiếng ở phố cổ. Khi tôi đang bình thản thưởng thức bát phở còn nóng hổi thì có hai đứa trẻ trông rất đặc biệt ngồi xuống dãy bàn đối diện với tôi. Không riêng gì tôi mà chắc mọi người trong quán ai cũng bị thu hút ánh nhìn vào hai đứa trẻ ấy. Đó là hai anh em. Lúc bấy giờ tôi đã nghĩ thế vì trông hai đứa trẻ đều đen đúa và ăn mặc rách rưới giống nhau. Người anh chạc mười hai – mười ba tuổi, gầy gò, đầu to, tóc vàng hoe cháy nắng. Người em tầm tám tuổi, loắt choắt, vẻ mặt lanh lợi, đội một chiếc mũ lưỡi trai màu đỏ, đúng hơn là màu đỏ đã phai gần hết thay vào đó là màu của những vết ố loang lổ và ghét. Người anh nhìn người em rồi lưỡng lự đứng dậy gọi một bát phở. Sao lại chỉ gọi có một bát phở? Bất giác, tôi thấy lòng nao nao, và hơn thế, một ý tưởng mơ hồ chợt lóe lên qua “cái nhìn điện ảnh” mà tôi tìm kiếm bấy lâu nay. Như một thói quen, tôi nhẹ nhàng cầm máy quay lên và cho nó vào chế độ hoạt động. Tôi ngắm khung hình cho chuẩn rồi đặt yên vị chiếc máy quay gần đĩa rau sống với điệu bộ thản nhiên như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Đó là một cách ngụy trang để phục vụ điện ảnh mà người ta thường gọi cách này bằng hai từ kém nghệ thuật hơn là “quay lén”. Cách này khá hiệu quả. Hai đứa trẻ bắt đầu ăn mà không chú tâm đến tôi. Bối cảnh tương đối yên tĩnh. Ánh sáng vừa đủ. Mọi cử chỉ hành động của hai đứa trẻ hiện lên trong khung hình một cách chân thực và sống động. Người anh nêm gia vị cho bát phở rồi đẩy sang cho người em ăn trước. Người em ăn một miếng nhỏ rồi đẩy bát phở lại cho người anh. Lần lượt và đều đặn. Có thể nhìn thấy sau mỗi lần chuyển lượt trong mắt hai đứa trẻ ánh lên một sự thòm thèm, nhưng sự thòm thèm được chế ngự bởi sự nhường nhịn đầy cao thượng. Chúng chắc đói lắm! Chúng ăn ngon lành đến nỗi mà tôi thấy chạnh lòng và tự hỏi, đã bao giờ tôi ăn một bát phở ngon lành như thế bên cạnh người thân của mình chưa. Hay hồi nhỏ
  3. tôi thường bỏ bữa, lang thang, và hờn trách mẹ tôi vì sao tôi không có bố. Đã bao lần mẹ tôi khóc trong bữa cơm vì tôi, và vì niềm đau sâu thẳm trong mẹ mà tôi không thể nào hiểu hết được. Tôi bị lạc mất vài giây suy tưởng trước khi về trở về đúng guồng quay trong tâm thế của một đạo diễn. Hai đứa trẻ vẫn tiếp tục ăn. Rồi một nụ cười chợt bừng tỉnh trong lòng tôi, reo vui như giọt nắng chiếu qua khe cửa sổ. Đó là nụ cười của người em khi người anh bị sặc do ăn phải miếng ớt. Nụ cười chỉ thoáng qua, hàm răng lô nhô xỉn màu của người em cũng không đẹp lắm đâu nhưng nụ cười ấy mang vẻ hồn hậu và sáng trong của một đứa trẻ. Phải, khoảnh khắc của một đứa trẻ ngây thơ không vướng bận ưu phiền. Tiếp tục cảnh quay, người anh bỏ một nhúm rau sống vào mồm nhai ngấu nghiến rồi đẩy bát phở cho người em. Đến lúc này, phở đã hết, người em bưng bát nước dùng lên húp sì sụp. Những gì còn sót lại trong bát phở ấy được người em thưởng thức một cách triệt để. Ăn xong, hai anh em trông có vẻ khoan khoái và tươi tỉnh hơn. Còn tôi khi xem lại đoạn phim thì ngập tràn cảm xúc. Trong tôi bỗng nảy ra một ý nghĩ sẽ phỏng vấn hai đứa trẻ và tặng cho chúng một thứ gì đó. Tiếc là muộn mất rồi, hai đứa trẻ đã đi lúc nào không hay. Tôi lặng lẽ trở về nhà để hoàn thành nốt bộ phim của mình. Cảm giác hối tiếc vì bỏ quên một điều quan trọng nhất. * Trong một giấc mơ, tôi ngồi thu mình trên một mô đất nhỏ, nhìn xa xăm về những cánh diều của đám trẻ đang nô đùa dưới bãi cỏ. Những cánh diều như những ước mơ nhỏ nhoi chao lượn trên bầu trời. Đang suy tư, bỗng nhiên có hai đứa trẻ cầm hai chiếc diều giấy đuôi dài lướt thướt đi đến chỗ tôi. Người anh hớn hở nói: ” Ê! Ra kia thả diều không mày? ” ” Tụi nó không cho tao chơi vì tao không có bố!”, tôi rầu rĩ trả lời.
  4. ” Bọn tao cũng có còn bố mẹ đâu! Tụi mình đi thả diều với nhau cũng được”, người em nhe hàm răng lô nhô cười nói. Tôi đi theo hai đứa trẻ thả diều ở một góc riêng, gần bờ sông. Hai con diều nhỏ xíu chấp chới nô đùa giữa khoảng trời trong vắt. Chúng tôi buộc dây diều vào hai bụm cỏ rồi chơi trò đuổi bắt. Những tiếng cười vang lên rộn rã cả bờ sông. Đó là những thanh âm trong trẻo và hồn nhiên trong bản nhạc tươi vui của tuổi thơ mà có người may mắn được trải qua, có người lại hằng mơ tới. Và dù thật hay mơ, niềm vui vẫn thường tan biến nhanh hơn nỗi buồn. Tiếng cười tắt hẳn khi diều của người em bỗng đứt dây. Người em đứng trân trân nhìn con diều bay đi tít tắp. Hình như nó đang khóc mà không rơi nước mắt. Người anh đưa bàn tay trái chỉ còn bốn ngón nắm lấy tay người em, rồi ngậm ngùi nói với tôi: ” Không chơi nữa! Tụi tao phải đi đây!” ” Đi đâu?”. Tôi hỏi Người em đưa ánh mắt trong veo mà thăm thẳm nỗi buồn nhìn tôi và nói: ” Đi kiếm tiền để ăn một bát phở!” Tôi choàng tỉnh giấc. Mồ hôi vã ra ướt hết áo. Trái tim vẫn còn đang rung động mãnh liệt. Hai đứa trẻ trong bộ phim của tôi giờ đang ở đâu? Ra sao? Tôi bồn chồn tự hỏi. Trời vẫn chưa sáng. Hai cánh diều, những tiếng cười, bàn tay bốn ngón, đôi mắt trong veo… cứ chập chờn ám ảnh trong đêm. Hôm sau, tôi đi lòng vòng các phố phường ở Hà Nội với hi vọng được gặp lại hai đứa trẻ. Giữa thành phố hơn bảy triệu dân, tìm hai đứa trẻ lang thang gần như mò kim đáy bể. Có thể mất một ngày, hai ngày… và còn nhiều hơn thế nữa. *
  5. Gần một tháng trôi qua, một buổi sáng bầu trời u ám, tôi ngỡ ngàng khi gặp người anh trong quán phở cũ. Gương mặt người anh hiện lên sự buồn thương và tang tóc. Người em đâu? Trên bàn, có chiếc mũ đỏ nhăn nhúm mà người em đã từng đội. Một bát phở còn nghi ngút khói được đặt sang bên chiếc mũ ấy “Sao em không ăn?”, tôi hỏi. ” Bát này…. của thằng Tí”, người anh ngước lên nhìn tôi, ấp úng. ” Thế Tí đâu rồi ?”, tôi hỏi tiếp. Người anh ngạc nhiên vì câu hỏi khẩn thiết và sự lo lắng trong mắt tôi, một người lạ. Nó thở dài : ” Thằng Tí bị tai nạn giao thông chết rồi… Hôm nay là tuần đầu của nó!” Bàng hoàng. Cảm giác buốt lạnh chạy dọc sống lưng tôi. Thằng Tí, một đứa trẻ còi cọc, có đôi mắt trong veo và nụ cười tươi sáng được mường tượng lên trong đầu tôi. Thằng bé cười khanh khách và nâng tôi dậy khi tôi bị ngã, lúc nô đùa trong một giấc mơ. Thằng bé mất rồi! Cánh diều đã đứt dây và bay đi mãi mãi. Than ôi! Bát phở trên bàn là dành cho đứa trẻ bất hạnh ấy trong lần cúng tuần đầu. Thằng bé có nhận được không? Đang hạnh phúc hay đang khóc vì cuộc đời? Tôi cố kìm nén cho nước mắt khỏi trào ra. Người anh chăm chăm nhìn tôi, nhìn vào khóe mắt ngấn đầy nước của một người xa lạ. Nó bối rối và lại chìm vào nỗi buồn vô hạn. Tôi cố trấn tĩnh để gọi hai bát phở và bắt đầu câu chuyện của mình. Tôi kể cho nó về một bộ phim có hai đứa trẻ mà tôi đã từng quay; rồi hai đứa trẻ ấy đi vào giấc mơ của tôi, nô đùa, cười nói như nào tôi đều kể hết. Nó chỉ im lặng lắng nghe. Tôi có thể cảm nhận được những xúc cảm nhen lên trong đôi mắt nó. Một đôi mắt to, hai mí lớn, ánh nhìn khắc khoải. Tôi giục nó ăn phở. Nó ăn, thi thoảng ngước lên nhìn tôi, nhìn sang phía chiếc mũ đỏ. Tôi có hỏi, nó chỉ gật và lắc đầu. Chỉ khi ăn xong nó
  6. mới bắt đầu tổng hợp những câu hỏi của tôi để trả lời bằng câu chuyện của đời mình. Bố nó mất khi nó sáu tuổi. Năm nó mười tuổi, mẹ nó mắc bệnh hiểm nghèo nên cũng bỏ anh em nó mà đi. Cách đây hơn một năm, hai anh em nó bỏ quê lên thành phố. Sống tạm bợ trong gầm cầu, xó chợ, hàng ngày anh em nó mưu sinh ở bãi rác, nhặt ve chai và dọn rác thuê cho người ta. Đối với anh em nó, phở là một thứ xa xỉ, chẳng dám ăn. Đến khi, trong một lần nhặt được tiền ở bãi rác, hai anh em nó đã quyết định đi ăn phở. Chỉ một bát thôi. Đó hẳn là một niềm hạnh phúc dẫu được sẻ chia một nửa. “Thằng Tí thích ăn phở lắm! Thằng Tí bảo phải để dành thật nhiều tiền để khi nào mỗi đứa ăn hẳn một bát phở. Vậy mà… thằng Tí bị ô tô cán vào khi trên đường về chỗ ngủ”. Nó rưng rưng nước mắt kể lại. Tôi thấy đắng nghẹn nơi cổ họng. Chao ôi! Có những đau thương vô hình trong chính bộ phim của mình mà tôi còn chưa ghi lại hết. Đó mới là sự thật đớn đau và nghiệt ngã nhất của cuộc đời! Tôi ngỏ lời khuyên nó vào một trại trẻ mồ côi (một trại trẻ tôi đã từng đến phỏng vấn để viết báo). Nó lắc đầu từ chối vì cho rằng, nó đủ lớn để không phải nhận sự thương hại của mọi người. Đối diện với một đứa trẻ, tôi thấy mình nhỏ bé và yếu đuối nhường nào. Nó lặng lẽ bỏ đi, gửi lại cho tôi ánh nhìn kiên định. Xót xa trông theo bóng dáng nó đến khi khuất hẳn cuối con đường, tôi tưởng tượng đến một cánh diều nhỏ xíu đang chao nghiêng trên bầu trời, liệu sẽ chắp cánh ước mơ hay bay về đâu… *
  7. Hôm diễn ra lễ công bố kết quả cuộc thi, trong khi bộ phim của tôi được trao giải nhất thì tôi đang trở về những nẻo đường quê mà tuổi thơ tôi đã đi qua. Đối diện với những gì tôi đã từng sợ hãi. Thả một con diều. Gặp vài người bạn. Rồi ăn bữa cơm chiều ấm cúng bên mẹ… Cuộc sống vẫn cứ thế trôi, tĩnh lặng và ồn ào. Trong thâm tâm, tôi tự nhủ phải ghi vào những thước phim của mình những xúc cảm vô hình ẩn sâu trong vẻ bình dị, hào nhoáng hay tăm tối của cuộc đời. Nhiều khi mọi thứ quanh ta nghe nhìn không thấy được mà phải cảm nhận bằng trái tim và thấu hiểu bằng tâm hồn nữa.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0