intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Nốt Ruồi Phá Tướng

Chia sẻ: đức Phúc | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:5

75
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Em gọi điện rủ mình gặp nhau đi. Chưa bao giờ em đề nghị gặp. Mỗi khi tôi nhắc đến chuyện ấy em lại gạt đi, hoặc đánh trống lảng. Sau khi bị từ chối khoảng mười lần, tôi không còn muốn gặp em nữa, như khi đói mà quá bữa thì cái cồn cào cũng qua đi. Không ngạc nhiên, cũng chẳng thắc mắc, tôi đến điểm hẹn trước mười lăm phút. Đã thấy em chờ ở đó. Em vốn là người của những điều bất ngờ và không tưởng. Tôi quen em một cách tình cờ. Dạo ấy...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Nốt Ruồi Phá Tướng

  1. vietmessenger.com Thẩm Hạ Nốt Ruồi Phá Tướng Em gọi điện rủ mình gặp nhau đi. Chưa bao giờ em đề nghị gặp. Mỗi khi tôi nhắc đến chuyện ấy em lại gạt đi, hoặc đánh trống lảng. Sau khi bị từ chối khoảng mười lần, tôi không còn muốn gặp em nữa, như khi đói mà quá bữa thì cái cồn cào cũng qua đi. Không ngạc nhiên, cũng chẳng thắc mắc, tôi đến điểm hẹn trước mười lăm phút. Đã thấy em chờ ở đó. Em vốn là người của những điều bất ngờ và không tưởng. Tôi quen em một cách tình cờ. Dạo ấy em chưa nổi tiếng như bây giờ. Cứ năm bữa nửa tháng, em gửi thư điện tử cho tôi. Toàn truyện ngắn. "Gửi anh đọc giúp". Thoạt đầu tôi sợ virus, thấy thư nào có file đính kèm là delete ngay. Thế rồi em trách. Rằng sao nhận thư mà không trả lời. Rằng em còn kém lắm nhưng anh đừng coi thường em quá thế. Tôi chợt nhận ra mình đa nghi như Tào Tháo. Em chỉ gửi file văn bản chứ nào virus vi riếc gì. Thế là tôi bắt đầu đọc văn em. Là kỹ sư thiết kế máy, đọc văn đọc thơ với tôi cực hơn cầm búa chẻ củi. Nhưng cứ phải đọc vì sợ em trách. Mãi sau này tôi mới biết là em nhầm địa chỉ email của tôi với một ông nhà văn tên tuổi do tên hộp thư của tôi và ông ấy y chang, chỉ khác cái domain nằm sau chữ a còng. Thảo nào cứ nhờ anh đọc và nhận xét hộ. Em tinh lắm. Sau khi tôi gửi độ năm ba bài "nhận xét" thì em hỏi ngay, thế ra anh không phải là nhà văn X à? Mà nói toạc ra thì anh cũng chẳng phải dân văn chương gì ráo, đúng không? Tôi đành thưa rằng, em ạ, tôi nào biết gì, em gửi thư như khủng bố bảo đọc và nhận xét hộ. Không trả lời thì em giận em trách. Đến khi tôi "nhận xét" thì em bảo tôi không phải là nhà văn X của em. Tôi nào biết ông X, Y là ai. Hoạ em hỏi về dây chuyền chuyển động, về bánh răng, hộp số, trục máy... thì tôi có thể giải thích được. Thưa em, tôi chỉ là thằng Nguyễn Quang T, kỹ sư cơ khí, 28 tuổi, chưa vợ. Đọc văn em nào có thú gì. Nó nhọc nhằn gấp trăm lần công lên bản vẽ. Tôi chỉ nói thế mà hai ba tháng liền bặt không có thư em nữa. Mail box trống vắng đến kỳ lạ. Quanh đi quẩn lại chỉ có thư của mấy thằng bạn học ngày xưa hỏi thăm vớ vẩn, hoặc thư công việc. Đôi khi tôi thèm được đọc một cái gì không phải là kỹ thuật. Một cái gì đó như là truyện ngắn. Mà phải truyện còn mới tinh chưa đăng bao giờ. Cái cảm giác ấy cứ trong trẻo tinh khôi đến khó tả. Mong chờ một cánh thư đi lạc đến mức mòn mỏi tìm đọc lại những thư cũ. Ngẫm cũng thấy hay hay.
  2. Tôi viết thư cho em. Bảo rằng tôi đã là fan ruột của em rồi. Mong em hãy viết thư và gửi truyện cho tôi như ngày trước. Vậy mà em vẫn lặng thinh, tưởng chừng muốn quên bẵng tôi. Cần gì đến người mù tịt văn chương như tôi để đàm đạo cho mất thời giờ? Đến lúc vô vọng nhất thì tôi nhận được thư em. Em xin lỗi, lúc trước tự nhiên quên mất mật khẩu vào hộp thư, đành chịu chết không trả lời được ai cả. Em kể chuyện đi trại sáng tác vui như tết. Đến lúc về nhà, viết một mạch được mấy truyện ngắn gửi đi dự thi. Em báo vừa đoạt giải đặc biệt trong cuộc thi viết văn, lại kêu tôi đọc báo để thấy hình em trên đó. Ở ngoài trông em khá hơn hình trên báo nhiều. Môi vểnh lên trông hay hay. Nốt ruồi cuối mắt làm em trở nên đa tình kỳ lạ, mặc dù cái nhìn sắc lạnh của em cứ xoáy vào người đối diện, khiến người ta nửa sợ sệt nửa lại bị hút hồn vào đó. Giọng nói của em nằng nặng âm sắc miền Trung cứ níu rịt lấy đôi tai người ngồi đối diện. Ở em có nét lạ lùng vừa ngây thơ, lại rất từng trải. Một vẻ nữ tính đặc biệt có thể quyến rũ bất kỳ người đàn ông nào. Uống liền tù tì mấy cốc brandy, em bảo mình vẫn hay đi uống rượu một mình. Nhưng hôm nay tự nhiên thấy sợ cô đơn đành rủ ai đó đi cùng. Tự nhiên em sợ một điều gì đó không rõ ràng. Cũng như đôi khi giữa cuộc đời mình cảm thấy lạc lõng. *** Lần này tôi gọi điện rủ em. Mình đến Vĩ Cầm đi. Quán có bạn của anh chơi nhạc. Em có vẻ bất ngờ. Em vẫn đến đó một mình. Chưa bao giờ đi cùng ai. Em cũng quen với mấy người chơi nhạc ở đó. Hoá ra Vĩnh, chủ quán, bạn thân của tôi, cũng là bạn em. Vĩnh chơi vĩ cầm hàng đêm tại quán của mình, cùng mấy người bạn trong ban nhạc. Thấy em đến Vĩnh vui lắm, bỏ đàn ra bàn ngồi huyên thuyên cả buổi. Tôi như người thừa. Ghen đến cháy người, dù em chưa là gì của tôi. Trước đây Vĩnh bỏ học lập ban nhạc riêng, tiếng tăm lẫn tai tiếng nổi như cồn. Nhà Vĩnh giàu, bố mẹ làm lớn cả, anh chị đều làm nghề trí óc. Mỗi Vĩnh phá ngang theo nghệ thuật. Gia tài của Vĩnh là căn nhà cao tầng trên phố. Vĩnh bán lại cho chính bố của mình rồi mua lại biệt thự cổ này, bán cả xe dồn tiền mở quán cà phê. Hàng đêm bạn Vĩnh đến chơi nhạc, khách quen đến quán dần đông lên. Học cùng nhau hai năm, chưa bao giờ tôi thấy Vĩnh vui như lúc ngồi cùng em. Mắt Vĩnh sáng lên từng chập. Vĩnh còn khéo pha trò làm em cười khanh khách. Tệ hơn nữa là Vĩnh cứ ôm đàn solo một lúc mấy bài chắc tặng riêng em. Mắt họ cứ nhìn nhau đắm đuối. Tôi biết mình sẽ chẳng thể nào giữ được em. Tôi bắt đầu tò mò về mối quan hệ của em và Vĩnh trước đây. Dạo ấy em chưa nổi tiếng và Vĩnh cũng ít được người ta biết đến. Hai người cùng sinh hoạt trong câu lạc bộ một nhà văn hoá. Nghe đâu Vĩnh theo đuổi em. Và nghe đâu em cương quyết không hò hẹn với ai để tập trung vào sự nghiệp văn chương. Đi đâu em cũng một mình như chiếc bóng, bất chấp sự theo đuổi quyết liệt của Vĩnh và nhiều chàng trai khác. Vĩnh mời tôi đến Vĩ Cầm chơi. Thường những hôm mưa Vĩnh vẫn gọi bạn bè đến mời cà phê cho đỡ buồn. - Mày có yêu Tuyền không? Vĩnh dè dặt hỏi. - Tao cũng không biết. Chỉ biết dạo này đọc văn của em thì ghen với những người đàn ông trong đó. Ghen đến kỳ lạ. Như trong chuyện Vợ chồng lão già, tao có cảm giác như em đang
  3. vẽ tương lai của mình với một người đàn ông nào đó. Thế là tao ghen với ông lão ấy. Buồn cười chưa? Còn những chàng trai trẻ trong các truyện khác thì... tao cũng ghen luôn. Mày cười tao à, thế chẳng lẽ mày không thích Tuyền? Vĩnh đỏ mặt. Tạm gọi là thành đạt trong sự nghiệp, có chút tiếng tăm, vậy mà nói đến chuyện yêu nó lại thẹn thùng chẳng ra dáng đàn ông chút nào. Một lúc, Vĩnh mới nói: - Hơn là thích. Tao cũng ghen. Nhưng còn vô lý hơn. Tao ghen cả với nỗi cô đơn của Tuyền. Nỗi cô đơn đồng hành với em suốt hai mươi mấy năm nay. Nỗi cô đơn giăng đầy trong truyện của em. Mày đọc kỹ lại xem, truyện có kết thúc buồn đã đành rất xót xa. Mà mấy cái truyện vui đọc rồi gấp sách lại cũng thấy chông chênh lắm. Những khi ấy tao lại trách mình sao không là một chỗ dựa cho Tuyền. Vĩnh nói một mạch, gò má ửng đỏ, mắt long lên. Hiếm khi Vĩnh xúc động như vậy. Tôi trầm ngâm một lúc mới dám thổ lộ: - Vĩnh à, lúc này em khác xưa lắm rồi. Hò hẹn chật cả lịch. Em kể hôm nay đi ăn với những người này, ngày mai lại uống cà phê với mấy người khác. Em bận rộn lắm chứ không quạnh quẽ như mày nghĩ đâu! Vĩnh phá ra cười. Tiếng cười to át cả tiếng mưa rơi. - Chỉ mình tao nhìn thấy nỗi cô đơn của Tuyền mà thôi. Tao đọc được trong mắt em, trong dáng đi của em, trong lời nói của em. Tất tần tật như cuốn sách mở ra trước mắt. Tôi hoảng hốt nghe những lời Vĩnh nói như thể vừa bị địch thủ ra đòn quyết định. Lời Vĩnh như có ma lực, vừa dứt câu đã thấy em ùa đến Vĩ Cầm. Tóc ướt rượt. Gương mặt đầm đìa nước. Đôi môi vểnh khoe những chiếc răng cũng loang loáng mấy giọt mưa. Vĩnh mang một ly vodka, em uống cạn rồi lại lặng lẽ ngồi vào chiếc ghế giữa tôi và Vĩnh. Ba người như ba nhân vật trong sự tích táo quân, cứ ngấm ngầm nhìn nhau không nói một câu. Mấy người khách quen gọi: "Vĩnh ơi, chơi vài bản đi, mưa buồn quá. Dẹp bàn ghế, ta nhảy vài bản cho ấm người". Vĩnh nhìn em mắt long lanh như muốn hỏi ý kiến. Em nhìn Vĩnh, rùng mình. Ngoài trời chắc lạnh lắm. Ly rượu mạnh chưa đủ làm em ấm lòng trở lại. Mấy nhạc công trong ban nhạc ngồi vào cả vị trí. Họ bắt đầu chơi điệu tango. Khách đã lục tục dọn bàn ghế. Từng cặp lôi nhau ra nhảy. Lối đi đầy sỏi lạo xạo khua dưới những gót giày. Vĩnh nắm tay em bước ra sàn. Từng học múa cổ điển bốn năm, Vĩnh là người nhảy đẹp nhất mà tôi được biết. Thế mà đêm nay tôi lại được chiêm ngưỡng một người cũng nhảy đẹp đến không ngờ. Em mềm mại lướt đi trong tiếng nhạc, bên Vĩnh vững chãi và hào hoa. Nhạc đã sang điệu khác, Vĩnh và em vẫn chẳng rời nhau. Những khách khác ngấm mệt đã ngồi lại uống nước. Họ cũng như tôi ngây người ra ngắm Vinh và Tuyền say sưa bên nhau như quên cả thời gian. Em sẽ kết hôn với Vĩnh. Em ngắn gọn thông báo với tôi như vậy trong một lần cả ba cùng ngồi với nhau ở Vĩ Cầm. Vì chuyện này mà gia đình Vĩnh xáo xào. Họ không đồng ý em về làm dâu trong nhà. Nhưng Vĩnh và em quyết chí lắm rồi. Dù sao Vĩnh đã có Vĩ Cầm, và sự nghiệp của em cũng đã đến hồi sáng chói với một giải thưởng sáng tác khác và vài quyển sách sắp được in. Vĩnh nhờ tôi làm phụ rể và phụ nó tổ chức đám cưới. Tôi không đành lòng "nối giáo cho giặc" nhưng cũng chẳng thể từ chối người bạn thân. Ngẫm lại, tôi thấy có lẽ mình không yêu
  4. em mấy. Chỉ phải lòng với cô nhà văn nhỏ bé tài hoa có đôi môi vểnh và ánh mắt nhìn thăm thẳm như muốn hút hồn người đối diện. Có lẽ gia đình Vĩnh không đồng ý thêm một người nữa làm nghệ thuật. Tôi đoán mẹ Vĩnh sẽ kịch liệt phản đối cô con dâu có nốt ruồi đa tình nơi đuôi mắt, nốt ruồi phá tướng dự báo một đời tình duyên nhiều đắng cay lận đận. Đám cưới nho nhỏ làm ở Vĩ Cầm. Gia đình em đang mùa làm muối không vào kịp. Bố mẹ Vĩnh cũng chẳng đến. Chỉ có bạn của cả hai ngồi chật cả quán, toàn là văn nghệ sĩ tầm tầm nổi tiếng như cô dâu và chú rể. Cũng có vài người tên tuổi, em giới thiệu tôi với nhà văn X, người em đã nhầm với tôi lúc đầu. Ông ấy là người thân thiện và cởi mở, vừa cụng một ly chuyện đã nở như bắp rang. Em được đánh giá là tài không đợi tuổi. Và rằng ở tuổi này với em như vậy là quá thành đạt. X còn quen với cả Vĩnh. Ông khen hai đứa nó đẹp đôi quá. Vừa hay Vĩnh dẫn em đến bên bàn chào mọi người. Cô dâu mặc áo dài thêu rồng phụng rực rỡ. Một người bạn làm thời trang đã thiết kế riêng cho em bộ này. Trang điểm nhẹ nhàng và thanh thoát, em trông vẫn giản dị và tự tin như vốn có. Vĩnh ôm đàn tặng bài hát Eight days a week (Tuần có tám ngày) của The Beatles cho mọi người. Bài hát như một lời nhắn gửi phải biết tin vào điều kỳ diệu của cuộc sống, như thể đôi khi tuần cũng có tám ngày. Em tự tin lên cầm micro nói lời cảm tạ mọi người đã giúp em có một đám cưới đẹp như vẽ. Em cảm ơn cuộc đời nhiều cay đắng đã mang đến nhiều tìm tòi và vốn sống trên những trang viết, cũng như những nhà văn, nhà phê bình đã nâng đỡ và uốn nắn em đi theo con đường này. Đặc biệt, em cảm ơn ông Z - một người khá nổi tiếng trong giới văn nghệ - là người đã bảo trợ em trong suốt những năm tháng nhọc nhằn. Chính ông là người phát hiện em từ một làng quê hẻo lánh miền Trung, đưa em vào thành phố, giúp đỡ em ăn học, nâng đỡ em trong sự nghiệp. Bài nói rất cảm động. Em khóc. Vĩnh cũng khóc. Tiếng đàn như lạc đi. Bấy giờ tôi mới để ý đến một người đàn ông tóc hoa râm ngồi lặng lẽ sau bụi cây. Ông đưa bó hồng đỏ thắm cho con trai mình mang đến tặng Tuyền. Vài năm sau, tôi tình cờ gặp nhà văn X. Ông hỏi thăm tình hình Tuyền và Vĩnh. Tôi cho biết họ rất hạnh phúc. Quán của Vĩnh ngày càng đông khách hơn. Một truyện ngắn của Tuyền được dựng thành phim đã lấy Vĩ Cầm làm bối cảnh. Phim ăn khách, ai cũng muốn đến để hoà mình vào không gian âm nhạc nơi đây. Ông nhà văn gật gù ra chiều hài lòng. Tôi kể cho ông nghe gia đình Vĩnh bắt đầu quan tâm đến đôi trẻ. Và rằng tôi hoài nghi cái lối xem tướng chết người của các cụ ngày xưa. Ai bảo rằng nốt ruồi đuôi mắt là bất hạnh? Tuyền giờ như một bông hoa đang nở rực rỡ và không gì có thể ngăn cô sống hạnh phúc hơn. Nhà văn lau đôi kính và nheo mắt nhìn tôi: - Anh thật không biết chuyện của Tuyền sao? Cái ông Z mà con bé chắc đến hôm đám cưới là "chồng" của con bé trong suốt bảy năm trước khi nó lấy Vĩnh. Ông ấy đưa nó từ một làng đèo heo hút gió vào đây, nuôi nó ăn học, gây dựng sự nghiệp cho con bé. Ông ấy yêu con bé như con, như vợ, như mẹ. Việc phát hiện năng khiếu viết văn, cũng như lái nó theo nghề là do ông ấy cả. Ông ta gửi gắm Tuyền cho tôi và nhiều nhà văn khác. Chúng tôi chả ai ưa kiểu sống của ông ta nên tìm cách thoái thác. Nhưng cái cô bé con ấy thuyết phục được chính chúng tôi. Nó có tài thực sự nhé. Mấy lần nó làm tôi sững người vì truyện ngắn của mình. Tôi và mấy đứa khác tìm cách đưa nó vào khuôn khổ, dạy cho cách viết, cách cảm thụ, cách sống. Dần
  5. dần nó viết có hồn hẳn chứ không còn bản năng như lúc trước nữa. Nó qúy ông Z lắm, nhưng chỉ như con yêu bố. Con bé không yêu ông ta, hay nó không thể yêu một người hơn mình những ba mươi tuổi. Nó xấu hổ với bạn bè. Nó lẩn tránh tất cả những chàng trai đeo đuổi. Lòng nó già như người bốn năm chục tuổi. Cho nên văn nó đắng ngắt như cà phê đen. Càng chua chát như thế nó viết càng hay. Tội lắm cái người cầm bút mà phải rút cả tim gan của mình ra để viết. Thế rồi nó vụng trộm yêu anh con trai trưởng của ông ta, cái người tặng hoa nó hôm đám cưới. Thật là bi kịch cho cả bố lẫn con nhà ấy. Rồi nó gặp Vĩnh lần thứ hai. Lúc này cả hai đã lớn hơn hồi mấy năm trước. Anh chàng si tình ngỏ lời cầu hôn. Con bé kể hết mọi chuyện, Vĩnh bảo đã biết từ lâu rồi mà vẫn khăng khăng muốn cưới. Gia đình thằng ấy phản đối ra sao, anh cũng biết cả. Vậy anh bảo người có nốt ruồi đuôi mắt là có số lận đận không? Nhưng tiền hung hậu cát. Tôi thấy con bé từ nay đã hết long đong rồi. Chỉ còn lại sung sướng. Tôi cũng võ vẽ biết xem tướng đấy nhá. Hôm nào làm vài ly tôi xem hộ cho số của anh. Hoá ra tôi vẫn chưa hiểu gì em mấy. Cuộc đời vốn nhiều ngả rẽ bất ngờ. Chỉ những ai thực tâm mới tìm thấy con đường đi cho chính mình. Ngẫm lại chưa chắc quyết định của Vĩnh đã là sự hy sinh. Ai dám chắc Vĩnh không tìm thấy một báu vật cho riêng mình. Và Tuyền ngày càng trở nên tươi tắn xinh đẹp. Một tuổi thơ như trở lại với em trong ngần. Thời thiếu nữ ngây thơ bị đánh cắp khi em bị ném vào cuộc đời quá sớm dường như đang quay về trong tiếng đàn hằng đêm vẫn dìu dặt ở Vĩ Cầm. Hết
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2