intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Phân tích tác động của IFRS 15 – Doanh thu từ hợp đồng với khách hàng đến các công ty viễn thông

Chia sẻ: Lệ Minh Vũ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

1
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Dựa trên khuôn khổ về các loại ảnh hưởng mà một chuẩn mực mới có thể tạo ra, cũng như đặc điểm các loại hợp đồng với khách hàng của các công ty viễn thông, bài viết "Phân tích tác động của IFRS 15 – Doanh thu từ hợp đồng với khách hàng đến các công ty viễn thông" phân tích các tác động dự kiến của IFRS 15, tập trung vào tác động về kế toán, từ đó đưa ra gợi ý về các tác động thực tế lên các công ty này. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Phân tích tác động của IFRS 15 – Doanh thu từ hợp đồng với khách hàng đến các công ty viễn thông

  1. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 PHÂN TÍCH TÁC ĐỘNG CỦA IFRS 15 – DOANH THU TỪ HỢP ĐỒNG VỚI KHÁCH HÀNG ĐẾN CÁC CÔNG TY VIỄN THÔNG ANALYZING THE IMPACT OF IFRS 15 – REVENUE FROM CONTRACT WITH CUSTOMERS ON THE TELECOMMUNICATION COMPANIES TS. Đoàn Thị Ngọc Trai Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng Ngày nhận bài: 25/9/2021 Ngày nhận kết quả phản biện: 15/10/2021 Ngày chấp nhận đăng: 15/11/2021 TÓM TẮT Việt Nam đang trên lộ trình áp dụng các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, nên việc nghiên cứu các tác động dự kiến của việc áp dụng các chuẩn mực mới, đặc biệt là IFRS15, lên các ngành khác nhau là hết sức cần thiết. Tutino và cộng sự (2019) đã tổng hợp các dự kiến của các công ty kiểm toán Big4 về tác động của IFRS 15 lên các ngành khác nhau, kết quả cho thấy ngành viễn thông có khả năng là ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Dựa trên khuôn khổ về các loại ảnh hưởng mà một chuẩn mực mới có thể tạo ra, cũng như đặc điểm các loại hợp đồng với khách hàng của các công ty viễn thông, chúng tôi phân tích các tác động dự kiến của IFRS 15, tập trung vào tác động về kế toán, từ đó đưa ra gợi ý về các tác động thực tế lên các công ty này. Từ khóa: IFRS 15, công ty viễn thông, doanh thu, tác động về kế toán, tác động thực tế. ABSTRACT Vietnam is on the path to applying international financial reporting standards, so it is necessary to study the expected impacts of applying new standards, especially IFRS 15, on different industries. Tutino et al. (2019) summarized the Big4 auditors' expectations about the impact of the IFRS 15 on different sectors, and the result showed that the telecommunications sector is likely to be the most affected by adopting IFRS 15. Based on the framework of the new standard's effects and the characteristics of contracts with customers of telecommunication companies, we analyzed the expected impacts of IFRS 15, focusing on the accounting impacts, thereby making suggestions about the real impacts on these companies. Keywords: IFRS 15, telecom companies, revenue, accounting impacts, real impacts. 1. Đặt vấn đề Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế số 15 (IFRS 15) - Doanh thu từ hợp đồng với khách hàng đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2018 ở các nước áp dụng IFRS. IFRS 15 là một chuẩn mực mới thay thế các yêu cầu ghi nhận doanh thu theo các chuẩn mực trước đây. Với việc đưa ra một khuôn khổ thống nhất cho việc ghi nhận, đo lường doanh thu và các chi phí liên quan đến hợp đồng áp dụng cho tất cả các ngành khác nhau, IFRS 15 được dự kiến là sẽ có tác động đáng kể đến báo cáo tài chính của các công ty (Grant Thornton, 2018). Các thay đổi trong cách các công ty ghi nhận, đo lường, trình bày và công bố doanh thu có thể ảnh hưởng đến cách những người bên trong và bên ngoài hiểu về công ty và các giao dịch của công ty như thế nào, từ đó có thể tác động đến giá cổ phiếu, và có thể thay đổi cách các công ty hoạt động, ảnh hưởng đến chi phí và các dòng tiền của công ty (Napier & Stadler, 2020). Ảnh hưởng của việc áp dụng IFRS15 lên các 549
  2. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 công ty sẽ khác nhau do đặc điểm khác nhau về ngành hoạt động và tính đa dạng của các hợp đồng, các loại doanh thu (Boujelben & Kobbi-Fakhfakh, 2020). Để hiểu tác động của việc áp dụng IFRS 15 đến chất lượng báo cáo tài chính trong các lĩnh vực liệu có giống nhau hay không, Tutino và cộng sự (2019) đã sử dụng các hướng dẫn áp dụng cho các ngành trên website của các công ty Big4 để tổng hợp các đánh giá của kiểm toán viên Big4 về vấn đề này. Kết quả cho thấy, cả 4 công ty Big4 đều dự kiến ngành viễn thông có khả năng là ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Ciesielski và Weirich (2015) đã phân tích và chỉ ra các vấn đề chính dẫn đến tác động khá lớn của việc áp dụng IFRS lên ngành viễn thông: vấn đề bán kèm các thiết bị phần cứng và dịch vụ trong một hợp đồng, vấn đề xác định giá dịch vụ khi có các khoản thanh toán biến đổi, vấn đề chi phí kích hoạt, cài đặt và các chi phí liên quan đến hợp đồng. Việt Nam vẫn đang trong quá trình chuẩn bị nhưng chưa chính thức áp dụng IFRS nói chung và IFRS 15 nói riêng, nên việc nghiên cứu tác động của việc áp dụng IFRS 15 cần thực hiện từ góc độ lý thuyết, nhằm giúp các doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt hơn. Tại Việt Nam đã có một số nghiên cứu nhằm so sánh IFRS 15 và chuẩn mực VAS 14 - Doanh thu, cũng như đánh giá về thuận lợi và khó khăn khi áp dụng IFRS 15, nhưng chưa có nghiên cứu nào phân tích riêng về tác động của IFRS 15 đến các doanh nghiệp ngành viễn thông. Xuất phát từ yêu cầu thực tế, chúng tôi thực hiện nghiên cứu này nhằm phân tích tác động dự kiến của việc áp dụng IFRS 15 đến các doanh nghiệp trong ngành viễn thông từ góc độ lý thuyết. Dựa trên khuôn khổ do Napier và Stadler (2020) thiết lập về các loại ảnh hưởng khác nhau mà việc áp dụng một yêu cầu kế toán mới có thể tạo ra, các yêu cầu cụ thể của IFRS 15, cũng như đặc điểm các loại hợp đồng với khách hàng của các công ty viễn thông, chúng tôi xác định và phân tích các tác động dự kiến của IFRS 15, chủ yếu là đến các vấn đề về kế toán, về công bố thông tin, từ đó đưa ra gợi ý về các tác động có thể có đến giá cổ phiếu và việc thay đổi hoạt động thực tế của các công ty. Phần thứ hai của bài viết này trình bày tổng quan các nghiên cứu về IFRS 15 và các tác động của việc áp dụng chuẩn mực này trong ngành viễn thông. Tiếp theo sẽ là phương pháp nghiên cứu, sau đó là phần phân tích tác động dự kiến của việc áp dụng IFRS 15 đến các doanh nghiệp trong ngành viễn thông, cuối cùng là hàm ý và kết luận. 2. Tổng quan tài liệu 2.1. Các yêu cầu chính của IFRS 15 – Doanh thu từ hợp đồng với khách hàng IFRS 15 cung cấp một khuôn khổ toàn diện và vững chắc hơn cho việc ghi nhận, đo lường và công bố về doanh thu từ các hợp đồng với khách hàng. Mục đích của chuẩn mực này là khắc phục các hạn chế và sự không nhất quán của các qui định cũ về doanh thu và tăng tính so sánh về hạch toán doanh thu giữa các công ty và các ngành khác nhau (Edel Lemus, 2014). Theo IFRS 15, để ghi nhận doanh thu từ các hợp đồng với khách hàng, doanh nghiệp sẽ áp dụng mô hình 5 bước , trong đó, các bước 1, 2 và 5 liên quan chủ yếu đến ghi nhận doanh thu, còn bước 3 và 4 liên quan đến đo lường doanh thu. IFRS 15 được xem là một chuẩn mực chi tiết hơn trước đây, với một số thay đổi quan trọng: - Việc xác định thuật ngữ ‘’hợp đồng”, với những tiêu chuẩn chặt chẽ để xác định một hợp đồng thuộc phạm vi áp dụng của IFRS 15, chứ không đơn giản chỉ có một tiêu chuẩn về dòng tiền vào như IAS 18 - Doanh thu. Việc đánh giá lại hợp đồng khi có sự thay đổi và việc kết hợp các hợp đồng cũng được qui định rõ các yêu cầu cần đáp ứng. - Yêu cầu phân biệt các thành phần khác nhau trong một hợp đồng, với việc đưa ra khái niệm 550
  3. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 nghĩa vụ thực hiện trong hợp đồng, trong khi IAS 18 không qui định. - Các khoản bảo hành cũng được qui định xử lý khác với trước đây. - Các khoản thanh toán biến đổi trở nên quan trọng hơn với các hướng dẫn cụ thể và chi tiết hơn, cụ thể là trong việc phân bổ chiết khấu giữa các nghĩa vụ thực hiện trong hợp đồng. - Đối với IAS 18, thời điểm ghi nhận doanh thu chủ yếu dựa trên phương pháp tiếp cận chuyển giao rủi ro và lợi ích cho khách hàng, trong khi việc ghi nhận doanh thu theo IFRS 15 dựa trên cách tiếp cận chuyển giao quyền kiểm soát nhiều hơn. - Việc vốn hóa chi phí gia tăng để có được hợp đồng và chi phí để hoàn thành hợp đồng là vấn đề chưa đươc đề cập trong các chuẩn mực trước đây (Deloitte, 2018). 2.2. Các nghiên cứu về tác động của IFRS 15 đến các doanh nghiệp viễn thông Đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện về tác động của chuẩn mực IFRS 15 lên các ngành công nghiệp khác nhau trên thế giới. Trước hết là các nghiên cứu của các công ty kiểm toán Big4, chủ yếu là các hướng dẫn áp dụng IFRS 15 với các tình huống minh họa cụ thể như Doanh thu từ hợp đồng với khách hàng - Hướng dẫn IFRS 15 (Deloitte, 2018); Áp dụng IFRS: Xem xét kỹ hơn IFRS 15, chuẩn mực ghi nhận doanh thu (EY, 2019); Doanh thu – Sổ tay hướng dẫn IFRS 15 (KPMG, 2019). Đối với ngành viễn thông, các tài liệu được phát hành có thể được kể đến là Doanh thu - Các vấn đề chuyên sâu cho ngành viễn thông (KPMG, 2016); IFRS15: Một sự thay đổi kế toán với những tác động sâu sắc đến các công ty viễn thông – từ P&L đến hoạt động, định giá và tiếp thị (PWC, 2016). Một nghiên cứu đáng chú ý nhằm cung cấp khuôn khổ giúp các công ty đáp ứng được yêu cầu của IFRS15 là nghiên cứu của Wang, Chiu và Chiu (2020). Nghiên cứu này sử dụng khai thác quy trình để thiết kế lại khuôn khổ quy trình kinh doanh chu trình doanh thu của các công ty nhằm xem xét các nghĩa vụ thực hiện riêng biệt hoặc kết hợp, xác định và phân bổ giá giao dịch, xem xét các khoản chiết khấu bán hàng và các tình huống bán hàng bị trả lại (Wang, Chiu, & Chiu, 2020). Tiếp theo là các nghiên cứu về tác động của việc áp dụng IFRS 15 lên các ngành khác nhau, trong đó có ngành viễn thông. Công ty Grant Thornton đã xem xét thông tin công bố của 91 công ty thuộc các ngành khác nhau liên quan đến tác động dự kiến của IFRS 15, từ đó cho thấy ngành có công bố nhiều nhất về việc dự kiến các thay đổi đáng kể là ngành viễn thông (Grant Thornton, 2018). Nghiên cứu do Napier và Stadler (2020) thực hiện đã tìm thấy bằng chứng về các ảnh hưởng kế toán, thông tin và ở mức độ thấp hơn, ảnh hưởng thực tế của IFRS 15 lên các ngành khác nhau, trong đó ảnh hưởng lên việc ghi nhận và đo lường doanh thu là khá lớn đối với ngành viễn thông, trong khi các ngành khác là không đáng kể. Tutino và cộng sự (2019) đã nghiên cứu tác động của việc áp dụng IFRS 15 lên quản trị lợi nhuận của các công ty thuộc các ngành khác nhau. Kết quả cho thấy việc áp dụng IFRS 15 có tác động lớn đến quản trị lợi nhuận trong ngành viễn thông, từ đó giúp dự đoán hành động của nhà quản lý các doanh nghiệp ngành viễn thông nhằm quản trị lợi nhuận khi thực hiện IFRS 15. Ciesielski và Weirich (2015) đã phân tích các thay đổi về kế toán giữa IFRS 15 và các chuẩn mực hiện hành về doanh thu trong 3 khu vực là ngành công nghệ, ngành viễn thông và ngành chăm sóc sức khỏe. Đối với ngành viễn thông, các tác giả đã chỉ ra các vấn đề chính dẫn đến tác động của việc áp dụng IFRS lên ngành này là khá lớn. Các nghiên cứu tập trung vào tác động của IFRS15 lên ngành viễn thông không nhiều. Một nghiên cứu định tính đáng chú ý trong lĩnh vực này là nghiên cứu tình huống về tác động của việc thực hiện IFRS 15 đối với báo cáo tài chính của Công ty Viễn thông XYZ ở Indonesia. Kết quả 551
  4. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 nghiên cứu của các tác giả cho thấy việc thực hiện IFRS 15 trong công ty viễn thông XYZ không chỉ ảnh hưởng đến quá trình ghi nhận doanh thu và lập báo cáo tài chính mà còn tác động và yêu cầu thay đổi môi trường kiểm soát nội bộ, hệ thống công nghệ thông tin, các chỉ số hoạt động chính và quy trình tính toán lợi ích của nhân viên, và cả quan hệ với nhà đầu tư (Bernoully & Sensi Wondabio, 2019). Một nghiên cứu khác có thể kể đến là nghiên cứu của Boujelben và Kobbi-Fakhfakh (2020). Các tác giả đã đánh giá tác động của IFRS 15 lên mức độ công bố thông tin của một số công ty niêm yết ở Liên minh Châu Âu trong hai lĩnh vực cụ thể là viễn thông và xây dựng, bằng cách nghiên cứu mức độ tuân thủ với các công bố bắt buộc của IFRS 15. Kết quả cho thấy các công ty thuộc ngành viễn thông công bố nhiều thông tin hơn ngành xây dựng (Boujelben & Kobbi- Fakhfakh, 2020). Nghiên cứu của Mattei và Paoloni (2019) cũng cho thấy các công ty viễn thông rất nhạy cảm với vấn đề áp dụng IFRS 15 vì các công ty này sẽ trải qua một sự thay đổi lớn trong việc áp dụng nguyên tắc kế toán mới. Các tác giả đã đưa ra giả thuyết rằng tồn tại mối tương quan trực tiếp giữa tác động tiềm tàng của IFRS 15 với số lượng và chất lượng thông tin được cung cấp trong báo cáo thường niên của các công ty viễn thông trong hai năm trước khi áp dụng chuẩn mực mới. Từ những nghiên cứu đã được thực hiện trên thế giới, có thể thấy rằng các công ty viễn thông sẽ là các công ty chịu tác động lớn nhất khi áp dụng IFRS 15. Việt Nam vẫn đang trong quá trình chuẩn bị áp dụng các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, nên việc nghiên cứu tác động thực tế của IFRS 15 lên các công ty viễn thông cần được thực hiện từ góc độ lý thuyết. Tại Việt Nam hiện chưa có nghiên cứu nào được thực hiện nhằm phân tích tác động của việc áp dụng IFRS 15 lên các công ty thuộc ngành viễn thông một cách toàn diện. Nghiên cứu của chúng tôi nhằm xác định và phân tích các tác động dự kiến của IFRS 15 lên các doanh nghiệp viễn thông, chủ yếu là về kế toán, về công bố thông tin, từ đó đưa ra các dự đoán về tác động lên thị trường vốn cũng như các tác động thực tế lên hoạt động của các công ty này. 3. Phương pháp nghiên cứu Chúng tôi sử dụng phương pháp phân tích định tính, dựa trên khuôn khổ do Napier & Stadler (2020) thiết lập về các ảnh hưởng của việc áp dụng một yêu cầu kế toán mới, cụ thể là IFRS 15 đến doanh nghiệp, và phân tích tình huống cụ thể của các doanh nghiệp viễn thông. Theo Napier & Stadler (2020), một chuẩn mực kế toán mới trước hết sẽ có các tác động về kế toán, bao gồm các thay đổi về ghi nhận, đo lường, trình bày và công bố. Một chuẩn mực mới có thể yêu cầu các khoản mục trước đây không có trong báo cáo tài chính phải được ghi nhận, hoặc trước đây có trong báo cáo tài chính nhưng nay không còn được ghi nhận nữa. Chuẩn mực mới cũng có thể thay đổi cơ sở đo lường của một khoản mục, hoặc thay dổi cách trình bày khoản mục đó. Nhiều thay đổi trong việc ghi nhận và đo lường có liên quan đến các yêu cầu bổ sung hoặc thay đổi công bố thông tin. Những tác động kế toán này được coi là ảnh hưởng trực tiếp của chuẩn mực. Các tác động kế toán trực tiếp của một chuẩn mực mới có thể tạo ra nhiều tác động bổ sung khác nhau, mà các tác giả gọi là tác động bổ sung sơ cấp, bao gồm tác động đến thông tin, tác động đến thị trường vốn và tác động thực tế. Ngoài các tác động bổ sung sơ cấp, có thể có các tác động bổ sung thứ cấp. Chẳng hạn, ảnh hưởng về thông tin, ảnh hưởng đến thị trường vốn và ảnh hưởng thực tế có thể phản ứng trở lại đến ảnh hưởng kế toán. Do đó, một chuẩn mực mới có thể gây ra cả tác động kế toán trực tiếp và gián tiếp. Hơn nữa, có thể có những ảnh hưởng gián tiếp giữa các ảnh hưởng về thông tin, ảnh hưởng đến thị trường vốn và ảnh hưởng thực tế. 552
  5. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 4. Phân tích tác động dự kiến của IFRS 15 lên ngành viễn thông 4.1. Tác động trực tiếp về mặt kế toán IFRS 15 đưa ra mô hình 5 bước để ghi nhận và đo lường doanh thu từ các hợp đồng với khách hàng. Mô hình xác định doanh thu được ghi nhận khi công ty chuyển giao quyền kiểm soát đối với hàng hóa và dịch vụ và theo số tiền mà công ty dự kiến có quyền thu hồi. Tùy thuộc vào việc các tiêu chuẩn cụ thể có được đáp ứng hay không, doanh thu sẽ được ghi nhận theo thời gian, theo cách phản ảnh tốt nhất hoạt động của công ty, hoặc theo thời điểm, khi quyền kiểm soát đối với hàng hóa và dịch vụ được chuyển giao cho khách hàng (KPMG, 2016). - Tác động đến việc xác định hợp đồng với khách hàng Ngành viễn thông bao gồm các công ty kinh doanh các dịch vụ thông tin đa dạng như các công ty điện thoại không dây, các công ty truyền hình cáp và vệ tinh, và các công ty truyền thông cung cấp nhiều dịch vụ liên lạc. Các công ty viễn thông thường quản lý nhiều hợp đồng phức tạp và đa dạng với một số lượng lớn khách hàng. Các công ty cũng thường đưa ra các gói sản phẩm hoặc dịch vụ mới, có thể là do công ty đưa ra hoặc là phản ứng với sản phẩm mới của đối thủ cạnh tranh, nhằm giữ chân khách hàng cũ và thu hút thêm khách hàng mới. Ngoài ra, khách hàng có thể dễ dàng thực hiện các thay đổi đối với hợp đồng hiện tại bằng cách mua một gói mới, sử dụng thêm các dịch vụ mới bổ sung. Khi áp dụng IFRS 15, bên cạnh bản chất thương mại của hợp đồng, công ty viễn thông phải rà soát các tiêu chí để xác định một hợp đồng có thuộc phạm vi áp dụng của IFRS15 hay không. Chẳng hạn, việc cho thuê hạ tầng viễn thông thuộc phạm vi áp dụng chuẩn mực IFRS 16 - Thuê tài sản, chứ không thuộc phạm vi áp dụng IFRS 15. Việc xác định công ty ở vị thế đơn vị cung cấp dịch vụ hay là đại lý của đơn vị khác, xác định thời hạn của hợp đồng, các khoản ưu đãi, chiết khấu, điều kiện thanh toán… cũng rất quan trọng, vì sẽ tác động đến việc xác định giá giao dịch của hợp đồng. Trong giai đoạn này, các công ty cũng phải đánh giá xem các giao dịch mới với khách hàng hiện đang có hợp đồng với công ty có dẫn đến một hợp đồng sửa đổi hay không. Các công ty cũng cần xác định cách thức xử lý kế toán phù hợp cho mỗi hợp đồng sửa đổi dựa trên các tiêu chí được xác định trong IFRS 15. - Tác động đến việc đo lường và ghi nhận doanh thu IFRS 15 yêu cầu xác định các nghĩa vụ thực hiện riêng biệt trong hợp đồng và phân bổ giá trị giao dịch cho từng nghĩa vụ thực hiện theo giá bán độc lập. Việc xác định giá giao dịch trong trường hợp có các khoản thanh toán biến đổi khá phức tạp. Các khoản chiết khấu, giảm giá, hoàn lại tiền, cho trả chậm, các khoản ưu đãi, thưởng theo mức sử dụng và các ưu đãi về giá kèm với các điều kiện ràng buộc có thể tạo ra các khoản thanh toán thay đổi. Trong các trường hợp này, giá giao dịch được ước tính dựa trên giá trị kỳ vọng nhưng bị giới hạn ở mức có khả năng cao sẽ không có sự thay đổi đáng kể trong tương lai. Tuy nhiên, việc này không dễ dàng do có sự biến động trong các kế hoạch bán hàng và sự thay đổi nhanh chóng về mặt kỹ thuật cũng như các diều kiện thị trường. Ngoài ra, các khoản chiết khấu có thể không được phân bổ cho tất cả các nghĩa vụ thực hiện, mà chỉ một số nghĩa vụ trong hợp đồng, khi đáp ứng các điều kiện nhất định. Nói chung, trong các hợp đồng trong ngành viễn thông với khách hàng thường bao gồm hàng hóa và dịch vụ đi kèm, chẳng hạn như dịch vụ viễn thông có tặng kèm điện thoại di động hoặc bán với giá ưu đãi, dịch vụ internet tặng kèm modem, hay dịch vụ truyền hình tặng kèm hộp giải mã (set-top box). Theo chuẩn mực doanh thu hiện hành (IAS 18 hay VAS 14), các công ty sẽ 553
  6. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 ghi nhận doanh thu theo hóa đơn dịch vụ được phát hành hàng tháng, các thiết bị cầm tay tặng kèm được ghi nhận như là chi phí bán hàng. IFRS 15 yêu cầu ghi nhận doanh thu riêng biệt cho các nghĩa vụ thực hiện trong hợp đồng và phân bổ giá giao dịch cho từng nghĩa vụ thực hiện dựa trên giá bán độc lập. Sự thay đổi này dẫn đến việc ghi nhận doanh thu sớm hơn, ngay khi chuyển giao thiết bị cầm tay ở thời điểm bắt đầu hợp đồng, và doanh thu ghi nhận cho hàng hóa (hoặc thiết bị) tăng lên, trong khi doanh thu dịch vụ giảm đi. Để thấy được tác động của IFRS 15 lên giá trị và thời điểm ghi nhận doanh thu của các công ty viễn thông, chúng ta xem xét ví dụ đơn giản sau: Công ty viễn thông X tặng 1 điện thoại di động cho những khách hàng ký hợp đồng dịch vụ viễn thông 2 năm. Giá bán bình thường của điện thoại này là 4.000 CU, giá vốn là 2.000 CU. Hợp đồng dịch vụ viễn thông có thời hạn 2 năm và không thể hủy bỏ, phí dịch vụ viễn thông là 250 CU/1 tháng, tổng cộng 2 năm là 6.000 CU. Nếu khách hàng không nhận điện thoại tặng kèm thì giá dịch vụ viễn thông tương ứng là 100 CU/1 tháng. Khi áp dụng IFRS 15, việc xác định doanh thu cho các nghĩa vụ thực hiện (điện thoại di động và dịch vụ viễn thông) thể hiện trong bảng sau: Nghĩa vụ thực Doanh thu Giá bán độc lập Tỉ lệ Thời điểm ghi nhận hiện phân bổ Điện thoại di 4.000 62,5% 6.000 x 62,5% = Tại thời điểm chuyển động 3.750 giao điện thoại cho khách hàng Dịch vụ viễn 2.400 (100 x 24) 37,5% 6.000 x 37.5% = Khi dịch vụ được cung thông 2.250 Mỗi cấp hàng tháng theo hợp tháng: 2.250: 24 đồng với khách hàng, số = 93,75 tiền mỗi tháng là 93,75 Tổng cộng 6.400 100% 6.000 Tùy theo thời điểm bắt đầu hợp đồng và ngày kết thúc niên độ, tác động đến doanh thu ghi nhận trong năm tài chính có thể lớn hay nhỏ. Chẳng hạn, nếu ngày bắt đầu hợp đồng là ngày 1.10.X1, ngày kết thúc niên độ là 31.12.X1, thì doanh thu ghi nhận trong năm X1 theo IFRS 15 là: 3.750 + 93,75 x 3 = 4.031,25, và doanh thu ghi nhận theo IAS 18 (VAS 14) là 250 x 3 = 750. - Tác động đến việc ghi nhận chi phí liên quan đến doanh thu Các chi phí liên quan đến việc có được hợp đồng với khách hàng như hoa hồng cho nhà phân phối hay nhân viên, theo chuẩn mực hiện hành được ghi nhận như là chi phí bán hàng trong kỳ kế toán. Trong khi đó, IFRS 15 yêu cầu vốn hóa các chi phí này và phân bổ cho từng kỳ phù hợp với doanh thu, trừ trường hợp hợp đồng có kỳ hạn dưới 1 năm, dẫn đến tác động lên lợi nhuận trong kỳ kế toán. Các chi phí để hoàn thành hợp đồng nếu đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định cũng cần được vốn hóa và phân bổ cho các kỳ của hợp đồng. 4.2. Tác động về mặt thông tin IFRS 15 yêu cầu công bố thông tin nhiều hơn so với các chuẩn mực hiện hành. Chẳng hạn, IFRS 15 yêu cầu các công ty viễn thông phân bổ chiết khấu cho mỗi nghĩa vụ thực hiện trong hợp đồng, cũng như trình bày các tài sản hợp đồng và nợ hợp đồng phát sinh trong kỳ. Các tài sản hình 554
  7. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 thành từ việc vốn hóa chi phí để có được hợp đồng và các chi phí để hoàn thành hợp dồng, cũng như chi phí khấu hao các tài sản này có liên quan đến doanh thu trong kỳ cũng cần được công bố. Các công ty viễn thông trên thế giới đã áp dụng IFRS 15 cho rằng việc áp dụng IFRS 15 sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự hiểu biết của người sử dụng báo cáo tài chính về các giao dịch của công ty, và có thể cho rằng công ty xử lý không nhất quán đối với các giao dịch tương tự. Để giảm bớt ảnh hưởng này, các công ty viễn thông lớn đã tăng cường trao đổi thông tin với người sử dụng bên ngoài về tác động tiềm tàng của IFRS 15 lên báo cáo tài chính của công ty, với việc tăng số lượng và chất lượng công bố về IFRS 15 trong năm 2017 so với năm 2016, trước khi chuẩn mực mới về doanh thu có hiệu lực từ ngày 1.1.2018 (Mattei & Paoloni, 2019). 4.3. Tác động đến thị trường vốn Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu của công ty viễn thông có thể thay đổi do thông tin về doanh thu trên báo cáo tài chính có thay đổi và giảm đi tính so sánh so với trước đây, khiến các nhà đầu tư phải xem xét lại kỳ vọng của họ về số lượng, thời gian và sự không chắc chắn của dòng tiền trong tương lai, cũng như có thể nhận thấy những ước tính trước đó về giá trị doanh nghiệp không còn khả thi. Trong thị trường nợ, thông tin kế toán mới về doanh thu, cụ thể là số tiền và thời điểm ghi nhận doanh thu giữa các niên độ, có thể thay đổi nhận thức của chủ nợ về rủi ro, do đó chi phí đi vay và định giá các khoản hoán đổi nợ tín dụng có thể thay đổi. 4.4. Các tác động thực tế IFRS 15 sẽ không chỉ có tác động kế toán trực tiếp mà còn có tác động thực tế đến cách thức hoạt động của doanh nghiệp, sự thay đổi của dòng tiền và chi phí để áp dụng chuẩn mực mới. Các tác động của IFRS 15 liên quan đến việc xác định hợp đồng, xác định các nghĩa vụ thực hiện và giá giao dịch có thể tác động đến hoạt động kinh doanh của các công ty viễn thông. Các hợp đồng kinh doanh trước đây có thể được soạn thảo để đạt được các mục tiêu thương mại, mà không cần quan tâm đến việc phù hợp với chuẩn mực kế toán. Do tính phức tạp liên quan đến việc ghi nhận doanh thu khi áp dụng chuẩn mực mới, các công ty viễn thông có thể tìm cách điều chỉnh các điều khoản của hợp đồng với khách hàng để thuận lợi cho công việc kế toán.Việc thực hiện IFRS 15 có thể khuyến khích các công ty xem xét lại những gì họ cung cấp cho khách hàng để các nghĩa vụ thực hiện riêng biệt có thể dễ dàng được xác định và ghi nhận hơn khi các hợp đồng được ký kết. Các công ty cũng có thể quyết định sửa đổi hợp đồng để giảm mức độ không chắc chắn của các yếu tố liên quan đến việc xác định giá giao dịch. Các công ty trước đây đưa ra các điều khoản trả chậm như một ưu đãi cho khách hàng có thể tìm cách thay thế bằng điều khoản khác phù hợp hơn để tránh việc phải tách biệt giá giao dịch giữa doanh thu theo IFRS 15 và thu nhập tài chính cần hạch toán theo IFRS 9 - Công cụ tài chính. Trong một số trường hợp, việc xác định giá bán độc lập cho các nghĩa vụ thực hiện có thể là một quá trình phức tạp và các công ty có thể quyết định không còn bao gồm các nghĩa vụ trong hợp đồng cần ước tính giá bán độc lập, hoặc thay đổi hoạt động của mình để giá bán độc lập giá có thể được xác định dễ dàng. Cuối cùng, IFRS 15 đã mở rộng đáng kể phạm vi công bố thông tin và việc tăng cường công bố thông tin sẽ yêu cầu các công ty thay đổi hệ thống thông tin kế toán để cung cấp các thông tin cần thiết cho việc áp dụng chuẩn mực mới về doanh thu. 555
  8. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 5. Hàm ý và kết luận Các tác động dã phân tích trên đây đặt ra những vấn đề cấp bách cho việc chuẩn bị áp dụng bắt buộc các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, trong đó có IFRS 15, của các công ty viễn thông lớn ở Việt Nam. Cụ thể, các công ty viễn thông cần xem xét các vấn đề như: Liệu có thể áp dụng cách tiếp cận theo danh mục cho các nhóm hợp đồng khi số lượng hợp đồng là rất lớn? Tác động của chuẩn mực mới đến việc phân bổ doanh thu cho hàng hóa và dịch vụ trong một hợp đồng? Kế toán đối với các trường hợp sửa đổi hợp đồng như thế nào? Các chi phí liên quan đến việc có được hợp đồng cũng như hoàn thành hợp đồng có đáp ứng được các tiêu chuẩn để vốn hóa hay không? Và liệu doanh thu có phải điều chỉnh do ảnh hưởng giá trị thời gian của tiền tệ khi khách hàng trả trước cho một thời gian dài hoặc trả dần? Để đáp ứng yêu cầu của IFRS 15, vấn đề đầu tiên là các công ty viễn thông phải đảm bảo rằng phòng kinh doanh, phòng phát triển sản phẩm và nhân viên tư vấn pháp lý của công ty hiểu được tác động của IFRS 15 đối với tất cả các điều khoản có trong hợp đồng với khách hàng mà công ty đưa ra. Vấn đề tiếp theo là đảm bảo hệ thống cơ sở dữ liệu về quản lý hợp đồng có thể thu thập, lưu lại tất cả thông tin cần thiết để thực hiện IFRS 15 và thông tin đó được liên kết với hệ thống kế toán của công ty, nhằm tạo thuận lợi cho việc ghi nhận, đo lường và công bố thông tin về doanh thu, cũng như đáp ứng yêu cầu của kiểm soát nội bộ. Ngoài ra, ban lãnh đạo công ty cũng nên xem xét và điều chỉnh các chỉ số hoạt động chính (KPI) liên quan đến phòng kinh doanh, trong đó chú trọng gắn trách nhiệm thu tiền đi kèm với chỉ tiêu về doanh số, do IFRS 15 đưa vào yếu tố khả năng thu được tiền như là một tiêu chí để ghi nhận doanh thu. Để đáp ứng được yêu cầu của chuẩn mực mới, các công ty viễn thông cần phân tích kỹ hệ thống thông tin kế toán hiện tại, xác định các vấn đề cần thay đổi và tiến hành nâng cấp hệ thống. Dù việc này có thể thực hiện bằng cách thuê ngoài, vẫn cần có sự tham gia của các bộ phận liên quan trong công ty, trong đó phòng kế toán có vai trò quan trọng trong việc nêu rõ và giải thích các yêu cầu của IFRS 15. Các cơ quan quản lý cũng cần hỗ trợ các công ty viễn thông niêm yết bằng cách tổ chức các hội thảo nhằm xem xét các vấn đề có thể gặp phải trong thực tế, ban hành các tài liệu tư vấn, hướng dẫn, cũng như cung cấp các khóa đào tạo có hệ thống cho các công ty. Tóm lại, trong bối cảnh chuẩn bị áp dụng chuẩn mực doanh thu mới, việc giải quyết những thách thức như dã phân tích ở trên đòi hỏi sự nỗ lực chung của các công ty viễn thông và cơ quan quản lý. Một mặt, các công ty cần xác định và tối ưu hóa quy trình kinh doanh và hệ thống thông tin cũng như kiểm soát nội bộ về doanh thu. Mặt khác, các cơ quan quản lý nên hoàn thiện hơn nữa các quy định về công bố thông tin liên quan đến doanh thu, và tăng cường giám sát các vấn đề liên quan đến các mô hình kinh doanh của doanh nghiệp viễn thông. Chỉ thông qua nỗ lực của cả hai bên, chất lượng thông tin kế toán mới có thể được cải thiện, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế và thị trường vốn. 556
  9. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Bernoully, M., & Sensi Wondabio, L. (2019). Impact of Implementation of IFRS 15 on the Financial Statements of Telecommunication Company (Case Study of PT XYZ). In Proceedings of the Asia Pacific Business and Economics Conference (APBEC 2018). Paris, France: Atlantis Press. https://doi.org/10.2991/apbec-18.2019.19 [2] Boujelben, S., & Kobbi-Fakhfakh, S. (2020). Compliance with IFRS 15 mandatory disclosures: an exploratory study in telecom and construction sectors. Journal of Financial Reporting and Accounting, 18(4), 707–728. https://doi.org/10.1108/JFRA-10-2019-0137 [3] Ciesielski, J. T., & Weirich, T. R. (2015). Revenue Recognition: How It Will Impact Three Key Sectors. Journal of Corporate Accounting & Finance, 26(3), 31–39. https://doi.org/10.1002/jcaf.22037 [4] Deloitte (2018). IFRS 15 Implementation Guide. [5] Edel Lemus (2014). The Leading Financial Changed of Revenue Recognition by Business. Global Journal OfManagement and Business, 14(4). Retrieved from ISSN: 2249-4588 [6] EY (2019). Applying IFRS: A closer look at IFRS 15, the revenue recognition standard. [7] Grant Thornton (2018). Disclosing the expected impact of IFRS 15. [8] KPMG (2016). Revenue – Issues In-Depth for Telecoms. [9] KPMG (2019). Revenue – IFRS 15 handbook. [10] Mattei, G., & Paoloni, N. (2019). Understanding the Potential Impact of IFRS 15 on the Telecommunication Listed Companies, by the Disclosures’ Study. International Journal of Business and Management, 14(1), 169. https://doi.org/10.5539/ijbm.v14n1p169 [11] Napier, C. J., & Stadler, C. (2020). The real effects of a new accounting standard: the case of IFRS 15 Revenue from Contracts with Customers. Accounting and Business Research, 50(5), 474–503. https://doi.org/10.1080/00014788.2020.1770933 [12] PWC (2016). IFRS15: An accounting change with profound impacts for communications operators–from the P&L to operations, pricing and marketing. [13] Tutino et al (2019). Does the IFRS 15 impact earnings management? Initial evidence from Italian listed companies. African Journal of Business Management, 13(7), 226–238. https://doi.org/10.5897/AJBM2018.8735 [14] Wang, Y., Chiu, T., & Chiu, V. (2020). Redesigning Business Process to Comply with the New Revenue Recognition Standard Using Process Mining. Journal of Emerging Technologies in Accounting, 17(1), 149–163. https://doi.org/10.2308/jeta-52663 557
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2