JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2015-0069<br />
Social Sci., 2015, Vol. 60, No. 10, pp. 139-144<br />
This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
PHÁT HUY VAI TRÒ NHÂN TỐ CON NGƯỜI<br />
TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI<br />
Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG HIỆN NAY<br />
<br />
Võ Thị Bích Diễm<br />
Trường Chính trị Thành phố Cần Thơ<br />
<br />
Tóm tắt. Theo tinh thần Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16-4-2009, nông thôn mới sẽ là<br />
những vùng nông thôn với các đặc trưng tiêu biểu làng xã văn minh, sạch đẹp, hạ tầng hiện<br />
đại; sản xuất phát triển bền vững theo hướng kinh tế hàng hóa; đời sống vật chất và tinh<br />
thần của người dân ngày càng được nâng cao; bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát<br />
triển; xã hội nông thôn an ninh tốt, quản lí dân chủ. Ở Đồng bằng Sông Cửu Long trong<br />
thời gian qua tiến hành xây dựng Nông thôn mới đã có những nét chuyển biến tích cực, tuy<br />
nhiên vẫn còn những hạn chế, bất cập cần phải được tháo gỡ. Với giới hạn nghiên cứu xoay<br />
quanh vai trò của nguồn nhân lực trong xây dựng nông thôn mới ở Đồng bằng Sông Cửu<br />
Long, bài báo nêu ra ý kiến về ba vấn đề: 1) Những kết quả đạt được trong Xây dựng Nông<br />
thôn mới ở Đồng bằng Sông Cửu Long thời gian qua; 2) Chỉ ra những hạn chế, bất cập cần<br />
quan tâm trong xây dựng Nông thôn mới ở Đồng bằng Sông Cửu Long; 3) Đề xuất một số<br />
giải pháp nhằm góp phát huy nhân tố con người ở Đồng bằng Sông Cửu Long trong quá<br />
trình Xây dựng Nông thôn mới.<br />
Từ khóa: Đồng bằng Sông Cửu Long, nhân tố con người, nông thôn mới.<br />
<br />
1. Mở đầu<br />
Chương trình xây dựng nông thôn mới là một chương trình lớn thể hiện sự quan tâm của<br />
Đảng và Nhà nước đối với nông thôn và nông dân. Chiến lược xây dựng nông thôn mới là cơ hội<br />
tốt để mọi miền trong cả nước phấn đấu làm thay đổi đời sống nông dân và bộ mặt nông thôn. Tuy<br />
quá trình triển khai chương trình này đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng, nhưng việc<br />
thực hiện chương trình này ở nhiều nơi vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Thời gian qua<br />
cũng có nhiều nghiên cứu về thực trạng phát huy nhân tố con người trong xây dựng nông thôn mới<br />
ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Có thể kể đến một số công trình tiêu biểu như: Lê Thanh Phương<br />
với công trình Vai trò của nông dân trong xây dựng nông thôn mới, 2011, trong hai năm, đã khảo<br />
sát và đánh giá chương trình thí điểm mô hình nông thôn mới ở nước ta đã thành công bước đầu.<br />
Trong đó, tác giả cũng xác định vai trò của việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đã giúp<br />
phát triển sản xuất nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Tác giả Trần<br />
Văn Dân (Xây dựng nông thôn mới ở thành phố Cần Thơ - Những vấn đề đặt ra) đã đề cập một<br />
trong tám vấn đề đặt ra cần quan tâm giải quyết là hệ thống giao thông nội đồng chưa bảo đảm<br />
<br />
Ngày nhận bài: 15/5/2015 Ngày nhận đăng: 10/11/2015<br />
Liên hệ: Võ Thị Bích Diễm , e-mail: vodiem2008@yahoo.com.vn<br />
<br />
<br />
<br />
139<br />
Võ Thị Bích Diễm<br />
<br />
<br />
phục vụ sản xuất hàng hóa lớn. Bên cạnh, tác giả cũng đề cập đến việc huy động nguồn lực qua<br />
thực hiện phương châm “lấy sức dân để lo cho dân” trong xây dựng nông thôn mới. Hội thảo Khoa<br />
học Thực trạng và giải pháp xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Cờ Đỏ vào tháng 3 năm<br />
2014 cũng đã khái quát những thành tựu đạt được sau 3 năm thành phố Cần Thơ thực hiện chương<br />
trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó đặc biệt nhấn mạnh sự thay đổi tích cực,<br />
những hạn chế và nguyên nhân trong việc thực hiện nhóm tiêu chí về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã<br />
hội. Đồng thời, Hội thảo cũng đã đề xuất một số giải pháp cần phải tập trung trong thời gian sắp<br />
tới. Gần đây, tác giả có bài viết Phát huy vai trò của nông dân trong xây dựng Nông thôn mới ở Tp<br />
Cần Thơ - Thông tin tuyên giáo Thành ủy thành phố Cần Thơ số 9 năm 2013, đi sâu vào nghiên<br />
cứu vai trò của nông dân trong xây dựng nông thôn mới ở Cần Thơ, thực trạng phát huy vai trò<br />
của nông dân Cần Thơ trong tiến trình xây dựng Nông thôn mới qua khảo sát một số xã điểm. Bên<br />
cạnh đó, tác giả đã đưa ra một số giải pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò của nông dân Cần Thơ<br />
trong xây dựng nông thôn mới trong thời gian sắp tới.<br />
Nhìn chung, có nhiều bài viết đánh giá về thực trạng phát huy nhân tố con người trong xây<br />
dựng nông thôn mới dưới nhiều góc độ khác nhau, ở các địa phương khác nhau và đi sâu vào các<br />
giai tầng cụ thể. Tuy nhiên, chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu về phát huy nhân tố con<br />
người nói chung trong xây dựng Nông thôn mới ở Đồng bằng Sông Cửu Long hiện nay, từ đó đưa<br />
ra giải pháp cơ bản nhằm góp phần cho Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung<br />
phát huy được vai trò của nhân tố con người trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc<br />
gia xây dựng Nông thôn mới [1, 5, 7].<br />
Là vùng kinh tế trọng điểm với nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp nhưng nông dân, nông<br />
thôn Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn không ít khó khăn. Trong sự nghiệp công nghiệp hóa,<br />
hiện đại hóa nói chung và Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới nói riêng<br />
thì vấn đề nguồn nhân lực chính là yếu tố quyết định. Nhưng hiện nay, so với phạm vi cả nước<br />
thì Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) lại được đánh giá là vùng trũng tri thức, trình độ nguồn<br />
nhân lực còn thấp hơn trung bình cả nước rất nhiều. Do vậy, để vùng này theo kịp cả nước, việc<br />
nhìn nhận đúng thực trạng xây dựng Nông thôn mới và đưa ra các giải pháp thích hợp liên quan<br />
đến việc phát huy nhân tố con người là hết sức cần thiết.<br />
<br />
2. Nội dung nghiên cứu<br />
2.1. Khái quát chung về vai trò của nhân tố con người<br />
Xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định: Nguồn<br />
lực lớn nhất, quý báu nhất của chúng ta là tiềm lực con người Việt Nam, trong đó có tiềm lực trí<br />
tuệ. Mọi chính sách, mọi giải pháp phải nhằm giải phóng và phát huy mọi tiềm năng từng người,<br />
tập thể lao động, cả cộng đồng, toàn dân tộc – giải phóng lực lượng sản xuất.<br />
Đại hội Đảng lần thứ III của Đảng ta (1960) cũng đã khẳng định “Con người là vốn quý<br />
nhất”. Đến Đại hội lần thứ IV (1976) và Đại hội V (1982) phát triển luận điểm “con người mới”,<br />
nhấn mạnh lòng nhân ái là truyền thống đậm đà của dân tộc ta. Đây chính là động lực phát triển<br />
đất nước, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt đến Đại hội lần thứ VI (1986) và Đại<br />
hội lần thứ VII (1991) đều khẳng định vai trò của “Nhân tố người” trong toàn bộ sự phát triển kinh<br />
tế –xã hội, con người chính là động lực và cũng là chủ thể của chiến lược phát triển.<br />
Đại hội lần thứ VIII (6/1996) của Đảng là Đại hội công nghiệp hoá, hiện đại hoá, mở ra<br />
bước ngoặt lịch sử đưa đất nước lên một thời kì phát triển hoàn toàn mới. Trong các quan điểm<br />
về công nghiệp hoá, hiện đại hoá có một quan điểm hết sức quan trọng: Lấy việc phát huy nguồn<br />
lực con người làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững. Đây đúng là chiến lược của<br />
<br />
<br />
140<br />
Phát huy vai trò nhân tố con người trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng bằng...<br />
<br />
<br />
con người, do con người và vì con người. Phát triển con người là điều kiện cơ bản để phát triển xã<br />
hội. Đảng ta coi trọng sự phát triển người, làm cho sức sáng tạo của con người được phát huy, giải<br />
phóng sức sản xuất, tạo nên sự phát triển xã hội lành mạnh, một nền kinh tế tăng trưởng nhanh và<br />
bền vững, để xây dựng một đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng văn minh, con người và gia đình<br />
ấm no, hạnh phúc.<br />
Đại hội IX, X, XI với những quan điểm phát triển đều tiếp tục nhấn mạnh vai trò của nhân<br />
tố con người trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội. Đồng thời, qua đó cũng đã khẳng định một<br />
số đường lối chiến lược nhằm đào tạo và phát huy nhân tố con người trong giai đoạn tạo nền tảng,<br />
cơ sở vật chất, kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.<br />
Như vậy, có thể khẳng định nhân tố con người đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự<br />
nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ở những thời điểm lịch sử khác nhau vấn đề phát<br />
huy nhân tố con người ở Việt Nam có thể đạt được những kết quả cũng không giống nhau, nhưng<br />
rõ ràng sự thành công hay thất bại của những đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà<br />
nước,... đều do nhân tố con người quyết định. Đặc biệt, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại<br />
hóa hiện nay một trong những điểm nhấn đóng vai trò là đòn bẩy đó chính là Chương trình mục<br />
tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới của Bộ chính trị. Vai trò đó thể hiện ở chỗ con người là<br />
mục tiêu của chiến lược nhưng đồng thời con người chính là chủ thể của chiến lược quốc gia xây<br />
dựng Nông thôn mới này. Lộ trình thực hiện bao lâu, kết quả đạt được có như mong muốn hay<br />
không chính là việc phát huy vai trò nhân tố con người của các địa phương.<br />
<br />
2.2. Một số kết quả đạt được<br />
Sau 5 năm thực hiện, phong trào xây dựng nông thôn mới ở cả nước nói chung, Đồng bằng<br />
sông Cửu Long nói riêng (có 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL có 1.269 xã thực hiện xây dựng NTM)<br />
cho thấy, về cơ bản chương trình xây dựng nông thôn mới đã được khởi động và đạt được những<br />
kết quả tương đối khả quan.<br />
Đến cuối năm 2013, ĐBSCL đã đạt 9, 23 tiêu chí, tăng 3,19 tiêu chí so với năm 2011 (cao<br />
hơn bình quân chung cả nước đạt 8,36 tiêu chí, tăng 3 tiêu chí). So với năm 2011, các địa phương<br />
trong vùng đã có mức tăng bình quân từ 3 tiêu chí trở lên. Đặc biệt, toàn vùng đã xóa "xã trắng" về<br />
đạt tiêu chí NTM. Tuyên truyền, vận động đã được tổ chức bằng nhiều hình thức sáng tạo, phong<br />
phú, nhận thức của phần lớn người dân được nâng lên rõ nét. Xây dựng NTM đã trở thành phong<br />
trào rộng khắc trong nhân dân; huy động nhiều nguồn lực.<br />
Thực tế đã xuất hiện nhiều cách làm hay, các mô hình liên kết hiệu quả. Người dân mắt thấy,<br />
tay nghe, tay làm và có nhận thức mới qua kết quả thực tiễn xây dựng NTM các các địa phương<br />
như xã Đại Thành, TX. Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang - xã đầu tiên của vùng ĐBSCL về đích NTM<br />
cuối năm 2013. Sau Hậu Giang chưa đầy 3 tuần, UBND tỉnh Vĩnh Long đã công nhận xã Long<br />
Mỹ (huyện Mang Thít) đạt chuẩn NTM. Tiếp đó là UBND TP Cần Thơ cũng đã tổ chức lễ công<br />
nhận xã Mỹ Khánh (thuộc huyện Phong Điền) và xã Trung An (huyện Cờ Đỏ) là 2 xã đạt chuẩn<br />
quốc gia NTM đầu tiên trên địa bàn thành phố và 14 xã khác trong vùng được xét công nhận sau<br />
đó.<br />
Ở cấp huyện, Phước Long của tỉnh Bạc Liêu là huyện duy nhất trong vùng chọn làm huyện<br />
điểm xây dựng NTM của cả nước, đi tiên phong trong điều kiện "vạn sự khởi đầu nan". Từ một<br />
huyện nông thôn vùng sâu của tỉnh Bạc Liêu, Phước Long đã vươn lên, sánh vai cùng TP. Bạc<br />
Liêu, Giá Rai, trở thành 1 trong 3 địa phương trọng điểm của tỉnh Bạc Liêu. Tiếp nối Phước Long,<br />
sau khi xã Mỹ Khánh được công nhận xã Nông thôn mới vào đầu năm 2014 huyện Phong Điền<br />
của thành phố Cần Thơ cũng đang hướng đến mục tiêu huyện NTM nằm trong lòng đô thị loại I<br />
trực thuộc Trung ương. Gắn với NTM, huyện điểm này còn phấn đấu trở thành một đô thị sinh thái<br />
<br />
141<br />
Võ Thị Bích Diễm<br />
<br />
<br />
đầu tiên của ĐBSCL với điểm nhấn miệt vườn, sông nước độc đáo và hiện đại, một vệ tinh của<br />
Cần Thơ - Tây Đô.<br />
<br />
2.3. Hạn chế, bất cập cần quan tâm<br />
Tuy nhiên, đến nay ĐBSCL còn 62 xã đạt dưới 5 tiêu chí, trong đó tập trung nhiều ở các<br />
tỉnh: Tiền Giang (39 xã), Bến Tre (7 xã), Cà Mau (10 xã). . . đòi hỏi cần phải có sự nỗ lực cao hơn<br />
nữa của chính quyền và người dân ở các xã này. Những bất cập đặt ra có liên quan mật thiết đến<br />
nhân tố con người vẫn chưa được phát huy tối đa nhằm đáp ứng đòi hỏi của Chương trình mục tiêu<br />
quốc gia về xây dựng Nông thôn mới. Có thể phân tích ở một số nét cơ bản sau đây:<br />
Thứ nhất, trong 19 tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, theo nhiều ý kiến của các<br />
xã, thì tiêu chí thu nhập (tiêu chí thứ 10) là khó thực hiện hơn cả. Bộ Nông nghiệp và Phát triển<br />
nông thôn vừa ban hành văn bản số 938/BNN-VPĐP, ngày 18/3/2014 về việc quy định mức thu<br />
nhập đạt chuẩn nông thôn mới. Theo đó, mức thu nhập đạt chuẩn nông thôn mới khu vực nông<br />
thôn cả nước: năm 2013 là 21 triệu đồng/người; năm 2014 là 23 triệu đồng/người (làm cơ sở định<br />
hướng để các địa phương phấn đấu và công nhận đạt chuẩn năm 2014). Đồng thời, nêu rõ mức thu<br />
nhập đạt chuẩn nông thôn mới đối với các vùng. Đối với vùng Đồng bằng Sông Cửu Long: năm<br />
2013 là 23 triệu đồng/người; năm 2014 là 25 triệu đồng/người. Theo khảo sát của Viện Nghiên<br />
cứu phát triển ĐBSCL, gần 50% dân số các tỉnh ĐBSCL có thu nhập chưa tới 1 USD/ngày. Trong<br />
khi đó, chỉ tính kết thúc năm 2012, nhà nông tại đây đã sản xuất được hơn 24 triệu tấn lúa, đóng<br />
góp 90% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam; sản lượng khoảng 1,3 triệu tấn cá tra, kim<br />
ngạch xuất khẩu khoảng 1,7 tỉ USD. . . như vậy nếu một hộ gia đình có 5 người trồng 1 ha lúa, đạt<br />
năng suất từ 10-12 tấn/năm; sau khi trừ chi phí sẽ còn khoảng 6 tấn. Nếu lấy giá lúa ở mức 5.000<br />
đồng/kg thì một năm, mỗi người cũng chỉ được trên dưới 500.000 đồng/tháng và như vậy mức thu<br />
nhập trung bình của nhiều xã trong vùng thực chất chưa đầy 8 triệu đồng/người/năm.<br />
Như vậy, để tăng thu nhập cho nông dân theo tiêu chí đưa ra ở ĐBSCL là không dễ dàng<br />
với thực tiễn thu nhập như phân tích trên của nông dân ở vùng.<br />
Thứ hai, vấn đề phát huy vai trò nguồn lực ở tại địa phương vẫn còn có nhiều bất cập. Thực<br />
tế khi tiến hành xây dựng nông thôn mới ở ĐBSCL đến nay cho thấy, nguồn lực trong dân vẫn còn<br />
hạn chế trong khi đó kinh tế vùng lại chủ yếu là nông nghiệp, sản xuất nông sản bấp bênh, hiệu<br />
quả thấp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nông thôn còn nhỏ bé, kết nối cung cầu nông sản còn nhiều<br />
hạn chế. . . là những điểm khó tháo gỡ của hầu hết các địa phương trong quá trình tiến hành xây<br />
dựng NTM. Nhưng đây lại là nguồn vốn nội lực rất cần để các địa phương phát triển kinh tế - xã<br />
hội trong xây dựng NTM. Vấn đề đặt ra ở đây chính là vai trò quản lí của Nhà nước, của các cơ<br />
quan hữu quan phải làm thế nào đưa ra những cơ chế, chính sách phù hợp tạo điều kiện phát huy<br />
tối đa nội lực của vùng từ công tác quy hoạch vùng kinh tế cho đến đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân<br />
lực phục vụ cho quá trình này. Điều này vẫn còn nhiều vướng mắc, cần được nhanh chóng tháo gỡ<br />
ở ĐBSCL hiện nay.<br />
Thứ ba, về kinh phí đầu tư còn nhiều hạn chế. Trong đó, chưa kể đến việc đầu tư cho các<br />
tiêu chí khác, chỉ riêng về tiêu chí xây dựng và phát triển trường đạt chuẩn quốc gia (QG) (là một<br />
trong những mục tiêu và là nhiệm vụ cấp bách của các địa phương ở ĐBSCL) nhưng lại gặp rất<br />
nhiều khó khăn về vốn đầu tư. Theo đó nguồn kinh phí cho các kế hoạch, đề án này cũng rất lớn<br />
vì đa số các trường xây dựng trước đây đã cũ, hầu như phải xây dựng mới hoàn toàn. Tính đến<br />
nay các tỉnh, thành ở ĐBSCL đã có kế hoạch hoặc đã ban hành đề án xây dựng trường chuẩn QG<br />
được chia theo giai đoạn đến năm 2015, 2020. . . . Theo con số thống kê vào đầu năm học 2012 -<br />
2013, toàn vùng ĐBSCL có 6.559 trường học, trong đó có 720 trường đạt chuẩn QG con số này<br />
phản ánh thực tế là số trường chuẩn QG của vùng còn thấp hơn so nhu cầu phát triển trong tương<br />
<br />
<br />
142<br />
Phát huy vai trò nhân tố con người trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng bằng...<br />
<br />
<br />
lai. Như vậy số trường đạt chuẩn QG của vùng hiện chỉ khoảng 11% trong khi đó nhiệm vụ đào<br />
tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển của vùng trong thời gian tới là rất lớn. Nhưng thực<br />
tiễn kinh phí hằng năm mà các xã đước “rót” vào để chi cho giáo dục còn chưa đủ để đầu tư xây<br />
dựng các trường đạt chuẩn quốc gia. Và thực tế hiện nay, ĐBSCL vẫn là vùng trũng về tri thức so<br />
với các vùng khác trên phạm vi cả nước. Đây là một bài toán khó đang đạt ra cho các địa phương<br />
trong vùng.<br />
<br />
2.4. Đề xuất một số giải pháp cơ bản<br />
Từ những phân tích trên, đặc biệt là những hạn chế, bất cập, đã buộc chúng ta phải suy nghĩ,<br />
phải tìm ra những khâu then chốt cùng những giải pháp mà khi tác động vào đó có thể khơi dậy,<br />
nuôi dưỡng, phát huy được tính tích cực của nhân tố con người nhằm thúc đẩy quá trình xây dựng<br />
nông thôn mới hiện nay ở ĐBSCL. Với tư cách vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự nghiệp đổi<br />
mới đất nước, nhân tố con người cần được quan tâm và phát huy đúng mức. Với giới hạn bài viết<br />
này, tác giả đưa ra những giải pháp cớ bản nhằm góp phần phát huy các yếu tố tích cực, hạn chế<br />
các mặt tiêu cực, để kích thích mọi tiềm năng ở từng con người phát triển, tạo ra những con người<br />
say sưa, năng động, tích cực, lao động, học tập, công tác. . . , đạt năng suất cao, hiệu quả kinh tế<br />
tốt, làm ra nhiều sản phẩm hàng hoá, đưa mức thu nhập, mức sống của con người ngày càng cao<br />
cùng với lối sống văn minh, có đạo đức, nhân phẩm ngày càng tốt đẹp. . . góp phần đẩy nhanh quá<br />
trình xây dựng Nông thôn mới ở Đồng Bằng Sông Cửu Long hiện nay.<br />
Trước hết: Cần nâng cao mặt bằng dân trí cho cả vùng. Cần có nhiều hướng để phát hiện,<br />
bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài nhằm sử dụng có hiệu quả vào mục tiêu chiến lược xây dựng<br />
Nông thôn mới cho cả vùng. Vấn đề trọng tâm hiện nay chính là phát triển giáo dục mầm non,<br />
thanh toán nạn mù chữ cho người lao động. Thông qua các chính sách, các qui định của Nhà nước<br />
để điều chỉnh cơ cấu đào tạo một cách hợp lí nhằm đạt tới sự cân đối giữa đào tạo và sử dụng ở<br />
các trình độ, các ngành nghề khác nhau, đặc biệt đảm bảo được nhân lực cho các ngành mũi nhọn<br />
phục vụ đắc lực cho xây dựng và phát triển nông thôn. . . Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hơn nữa công<br />
tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại vùng. Bảo đảm tri thức cần thiết để mọi người gia<br />
nhập cuộc sống xã hội và kinh tế theo kịp tiến trình đổi mới và phát triển của đất nước cũng như<br />
tập trung vào xây dựng Nông thôn mới cho cả vùng.<br />
Thứ hai: Tăng tính thích nghi, năng động, có lợi cho sản xuất công nghiệp trên cơ sở quan<br />
tâm hơn nữa công tác đào tạo nghề và nâng cao tay nghề cho lao động nông thôn. Đây là giải pháp<br />
quan trọng đối với quá trình thực hiện và hoàn thành tiêu chí thu nhập của Chương trình mục tiêu<br />
Quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Muốn vậy, cần tích cực, chủ động hơn trong thực hiện giải<br />
quyết việc làm, tạo mọi điều kiện cho người lao động tự tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi<br />
được đào tạo nghề. C.Mác đã khẳng định rằng: “Người ta phải có khả năng sống đã rồi mới có<br />
thể “làm ra lịch sử” . Hạn chế tâm lí người lao động quá lo cho cuộc sống trước mắt, cần có định<br />
hướng để người lao động có ý chí vươn lên làm ăn lớn. Tăng cường ý thức pháp luật, kỷ cương cho<br />
người dân. Do đó, vấn đề tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thi hành Luật Lao động, thực hiện<br />
chế độ tiền lương, . . . là rất cần thiết. Để từ đó giúp người lao động nâng cao mức sống, có điều<br />
kiện thoả mãn được các nhu cầu cơ bản của con người (ăn, mặc, ở. . . và các dịch vụ cần thiết). Đó<br />
chính là cơ sở vật chất để phát triển sức mạnh thể chất, tinh thần, năng lực lao động và công tác<br />
của người lao động. . . sức mạnh tiềm tàng được phát huy tối ưu, tập trung vào năng lực sản xuất<br />
và công tác, nâng cao năng suất, tạo thêm cơ hội tham gia đóng góp, gia nhập vào cộng đồng, xã<br />
hội. Có thể khẳng định, đây là yếu tố quan trọng phát huy nội lực của người dân trong xây dựng<br />
Nông thôn mới hiện nay.<br />
Thứ ba: Hệ thống chính trị cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng các hoạt động văn hoá,<br />
văn nghệ, thông tin đại chúng và các phương tiện vui chơi giải trí đáp ứng nhu cầu đời sống văn<br />
<br />
143<br />
Võ Thị Bích Diễm<br />
<br />
<br />
hoá – tinh thần của người lao động ở Nông thôn. Tăng cường các biện pháp và phối hợp lực lượng<br />
của toàn xã hội, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, đấu tranh bền bỉ và mạnh mẽ nhằm ngăn<br />
chặn, loại trừ các văn hoá phẩm độc hại và các tệ nạn xã hội trong xây dựng nền văn hóa của Nông<br />
thôn mới ĐBSCL hiện nay. Làm sao nuôi dưỡng được ở mọi người, nhất là thế hệ trẻ, ý chí cách<br />
mạng, tình cảm và hành động cách mạng, cùng chung tay, góp sức thực hiện thành công chương<br />
trình xây dựng Nông thôn mới. Đây chính là nội dung cốt yếu trong nhân cách văn hoá của con<br />
người Việt Nam, các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đi vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện<br />
đại hoá.<br />
<br />
3. Kết luận<br />
Chương trình xây dựng Nông thôn mới được đưa vào thực hiện hơn 5 năm và đã đạt được<br />
những thành tựu đáng kể ở ĐBSCL nói riêng cũng như cả nước nói chung. Thiết nghĩ, chương<br />
trình xây dựng Nông thôn mới được đạt được hiệu quả như mong muốn hay không phụ thuộc vào<br />
nhiều yếu tố, nhiều điều kiện khác nhau, nhưng chủ yếu nhất vẫn là phụ thuộc vào nhân tố con<br />
người. Bởi vì dù cho quá trình này có đưa ra bao nhiêu tiêu chí hiện đại đi chăng nữa, song nếu<br />
thiếu những con người có trình độ học vấn và kĩ năng thành thạo, có lòng nhiệt tình và say mê lao<br />
động, sáng tạo. . . thì vẫn chưa đủ để tạo nên những thành tựu phát triển kinh tế – xã hội. Nhất là<br />
đối với Việt Nam, một quốc gia đi lên CNXH từ một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu.<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
<br />
[1] Bộ Khoa học và đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chương trình KX.07. Nxb Chính trị Quốc<br />
gia, Hà Nội, 1994.<br />
[2] C. Mác- Ph.Aêngghen, 1980. Tuyển tập, tập 1. Nxb Sự Thật, Hà Nội.<br />
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, 1993. Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương<br />
Khoá VII. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.<br />
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, 2011. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Nxb Chính<br />
trị Quốc gia, Hà Nội.<br />
[5] Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5 tháng 8 năm 2008 của Đảng ta về xây dựng nông thôn mới.<br />
[6] Phạm Minh Hạc, 1996. Phát triển giáo dục – phát triển con người phục vụ phát triển kinh tế<br />
– xã hội. Nxb Khoa học Xã hội.<br />
[7] Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế Trung ương, 2004. Quản lí nguồn nhân lực ở Việt Nam, một<br />
số vấn đề lí luận và thực tiễn. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.<br />
<br />
ABSTRACT<br />
Developing human factors during the building of the New Rural Mekong Delta<br />
According to Decision 16-4-2009 491/QD-TTg, new rural areas are to be villages which are<br />
civilized, clean, with modern infrastructure, producing goods in a sustainable manner, populated<br />
by people with an enhanced physical life and spirit, preserving and developing their cultural and<br />
ethnic identity, enjoying good rural social security and governed democratically. It is to be much<br />
like California. In recent years, new construction in the Mekong Delta has resulted in some positive<br />
changes, but there are the negative aspects which could be called the limitations and shortcomings.<br />
The authors suggested (perhaps tongue-in-cheek) three things: 1) The results achieved in New<br />
Rural Construction in the Mekong Delta over time; 2) The restriction of concern in New Rural<br />
Construction in the Mekong Delta; 3) To propose some solutions in order to help promote the<br />
human factor in the Mekong Delta during the New Rural Construction.<br />
Keywords: Human factor, New Rural Areas, Mekong Delta.<br />
<br />
144<br />