intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Phát triển kinh tế vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong giai đoạn 2000-2009

Chia sẻ: Minh Minh | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

48
lượt xem
5
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài báo tập trung làm rõ thực trạng phát triển kinh tế giai đoạn 2000 - 2009 với những thành tựu đã đạt được, những thách thức đang đặt ra cho VKTTĐ này trong sự so sánh với toàn Duyên hải miền Trung, các VKTTĐ khác và cả nước. Mời các bạn cùng tham khảo.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Phát triển kinh tế vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong giai đoạn 2000-2009

  1. JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Social Sci., 2012, Vol. 57, No. 2, pp. 129-136 PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM MIỀN TRUNG TRONG GIAI ĐOẠN 2000 - 2009 Lê Anh Tuấn Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội E-mail: tuan854@gmail.com Tóm tắt. Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, trong giai đoạn vừa qua, cùng với sự phát triển chung của cả nước, bộ mặt kinh tế miền Trung có nhiều khởi sắc: GDP và GDP bình quân đầu người tăng nhanh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; các ngành kinh tế có bước tiến đáng kể; đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao,... Tuy nhiên, kinh tế của vùng còn bộc lộ nhiều yếu kém, các thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và mong muốn do nhiều nguyên nhân. Để vùng trở thành một trong những vùng phát triển năng động của cả nước, bảo đảm vai trò hạt nhân tăng trưởng, thúc đẩy phát triển của khu vực, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp với sự quyết tâm cao. Từ khóa: Vùng kinh tế trọng điểm, miền Trung, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tốc độ tăng trưởng. 1. Mở đầu Là một trong bốn vùng kinh tế trọng điểm (VKTTĐ) của cả nước, VKTTĐ miền Trung có vị trí quan trọng không chỉ đối với phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung, Tây Nguyên mà cả trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. So với các VKTTĐ khác, VKTTĐ miền Trung có nhiều tiềm năng và lợi thế nổi trội trong thu hút đầu tư cũng như phát triển kinh tế. Từ khi thành lập đến nay, vùng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, như là đầu tàu kéo toàn bộ miền Trung và Tây Nguyên đi lên cùng với cả nước trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, vùng cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức do nhiều nguyên nhân, cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ, khả thi để hướng đến một sự phát triển nhanh, ổn định và bền vững. Bài báo tập trung làm rõ thực trạng phát triển kinh tế giai đoạn 2000 - 2009 với những thành tựu đã đạt được, những thách thức đang đặt ra cho VKTTĐ này trong sự so sánh với toàn Duyên hải miền Trung, các VKTTĐ khác và cả nước. 129
  2. Lê Anh Tuấn 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Thành tựu 2.1.1. Khái quát chung VKTTĐ miền Trung trải dài trên hơn 500km, gồm các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và thành phố Đà Nẵng với diện tích tự nhiên là 27.977km2, dân số năm 2009 có 6.108,6 nghìn người [2]. Như vậy, VKTTĐ miền Trung chiếm 29,2% diện tích và 32,4% dân số toàn Duyên hải miền Trung, 8,5% diện tích và 7,1% dân số cả nước. So với các VKTTĐ khác, vùng có nhiều tiềm năng, thế mạnh và các lợi thế so sánh về vị trí địa kinh tế - chính trị, về điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội. Ở trung độ của đất nước, nằm trên trục giao thông Bắc - Nam, VKTTĐ miền Trung có khoảng cách đến các trung tâm kinh tế lớn của đất nước bằng đường hàng không chỉ khoảng 1 giờ bay; bằng đường bộ, đường sắt, đường thủy tối đa cũng chỉ khoảng 12 giờ. Nằm không xa đường hàng hải quốc tế, cho phép xây dựng các cảng nước sâu trong hệ thống cảng biển cả nước. Ngoài các trục giao thông chính Bắc - Nam, còn có các hành lang Đông - Tây nối với Tây nguyên, Lào, Đông Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan và Myamar... tạo cho vùng ưu thế như là cửa ngõ ra biển của các khu vực này, trở thành đầu mối giao lưu kinh tế quốc tế quan trọng. Nguồn tài nguyên tương đối đa dạng, phong phú, có nhiều tiềm năng nổi trội về đất, biển, rừng, khoáng sản, đặc biệt là tài nguyên du lịch, nơi đây tập trung đến 4 Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận, có nhiều vũng, vịnh và bãi tắm đẹp tầm cỡ quốc tế... cho phép phát triển kinh tế tổng hợp, trong đó có các ngành và sản phẩm mũi nhọn. Điều kiện kinh tế - xã hội của vùng có nhiều nét đặc sắc mà ở các vùng khác không có được. Đây là vùng căn cứ địa cách mạng, người dân giàu ý chí, chịu khó, hiếu học, anh dũng trong đấu tranh giữ nước, trong lao động xây dựng quê hương. Nguồn lao động dồi dào, một bộ phận có tay nghề cao, là nòng cốt để tiếp cận khoa học - công nghệ tiên tiến. Vùng đã hình thành một hệ thống đô thị phân bố đều trên lãnh thổ và hệ thống các khu kinh tế (KKT); khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX, KCN); khu du lịch với quy mô khác nhau... là những hạt nhân quan trọng có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng miền Trung và Tây Nguyên. Những lợi thế đó đã và đang được VKTTĐ miền Trung khai thác ngày càng có hiệu quả để tăng trưởng và phát triển kinh tế, hội nhập ngày càng sâu và rộng với các vùng khác trong cả nước, với các nước trong khu vực và trên thế giới. 2.1.2. Về quy mô, tốc độ tăng trưởng GDP và chuyển dịch cơ cấu kinh tế - Từ điểm xuất phát thấp, trong giai đoạn qua, VKTTĐ miền Trung đã có những bước tiến đáng kể theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tốc độ tăng trưởng GDP cao, giai đoạn 2001 - 2004 gần 10%, giai đoạn 2005 - 2009 là 10,5% (cao hơn tốc độ tăng trung bình cả nước). Quy mô GDP của vùng năm 2009 đạt 101.270 tỉ đồng, gấp 4,9 lần năm 2000, chiếm 36,7% GDP toàn Duyên hải miền Trung và 6,1% của cả nước. 130
  3. Phát triển kinh tế vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong giai đoạn 2000 - 2009 Bảng 1. GDP cả nước, các VKTTĐ và VKTTĐ miền Trung năm 2000 và 2009 [2, 3] VKTTĐ 2000 2010 GDP (tỉ đồng, % so với GDP (tỉ đồng, % so với giá thực tế) cả nước giá thực tế) cả nước Cả nước 441.646 100,0 1.658.400 100,0 VKTTĐ phía Bắc 73.475 16,6 375.650 22,6 VKTTĐ miền Trung 20.474 4,6 101.270 6,1 Trong đó: - TT-Huế 3.461 0,8 16.188 1,0 - Đà Nẵng 4.947 1,1 24.327 1,5 - Quảng Nam 4.244 1,0 20.838 1,2 - Quảng Ngãi 3.230 0,7 18.528 1,1 - Bình Định 4.592 1,0 21.389 1,3 VKTTĐ phía Nam 156.620 35,5 656.293 39,6 VKTTĐ vùng ĐBSCL 28.580 6,5 132.305 8,0 GDP bình quân đầu người của vùng cũng tăng nhanh chóng, từ 3,5 triệu đồng/người năm 2000 lên 16,5 triệu đồng/người năm 2009, song mới chỉ bằng 85% mức trung bình của cả nước, trên 43% VKTTĐ phía Nam và 63% VKTTĐ phía Bắc [3]. - Cơ cấu kinh tế của vùng, cũng giống như cả nước đang có sự chuyển dịch rõ rệt theo hướng tích cực. Trong giai đoạn này, tỉ trọng khu vực I đã giảm nhanh từ 30,4% xuống còn 20,4%, tỉ trọng khu vực II tăng nhanh từ 29,1% lên 38,7%, khu vực III có tỉ trọng cao nhất và tương đối ổn định. Cơ cấu này có tiến bộ hơn so với toàn quốc và VKTTĐ vùng ĐBSCL, song còn lạc hậu hơn so với VKTTĐ phía Bắc và VKTTĐ phía Nam. Bảng 2. Cơ cấu GDP cả nước, các VKTTĐ và VKTTĐ miền Trung năm 2000 và 2009 [3] VKTTĐ 2000 2009 KV I KV II KV III KV I KV II KV III Cả nước 24,5 36,7 38,8 20,9 40,2 38,9 VKTTĐ phía Bắc 17,6 36,6 45,8 9,8 44,6 45,6 VKTTĐ miền Trung 30,4 29,1 40,5 20,4 38,7 40,9 Trong đó: - TT- Huế 24,1 30,9 45,0 16,8 37,5 45,7 - Đà Nẵng 7,8 41,3 50,9 3,8 44,2 52,0 - Quảng Nam 41,5 25,3 33,2 23,0 38,6 38,4 - Quảng Ngãi 40,2 23,0 36,8 25,3 46,3 28,4 - Bình Định 42,3 22,5 35,2 35,4 26,7 37,9 VKTTĐ phía Nam 10,5 53,1 36,4 9,5 51,6 38,9 VKTTĐ vùng ĐBSCL 43,1 21,4 35,5 32,5 26,0 41,5 2.1.3. Về phát triển các ngành kinh tế Dịch vụ 131
  4. Lê Anh Tuấn Với những di sản văn hóa thế giới như cố đô Huế, phố cổ Hội An, di tích Mỹ Sơn... và thiên nhiên ưu đãi với những núi non, sông, bãi và vịnh biển,... VKTTĐ miền Trung có một tiềm năng phát triển du lịch hơn hẳn so với các vùng khác. Du lịch đã thực sự trở thành ngành mũi nhọn của vùng. Các chỉ tiêu về phát triển du lịch đều tăng lên qua các năm và tăng nhanh trong những năm gần đây. Sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng là du lịch biển, tham quan các Di sản văn hóa thế giới, di tích văn hóa lịch sử, các danh thắng, các khu bảo tồn thiên nhiên, du lịch sinh thái, thể thao và hội nghị, hội thảo. Cơ sở hạ tầng đã và đang được đầu tư, để vùng trở thành một trong ba đầu mối giao thông quốc tế quan trọng của cả nước. Đây là vùng có mật độ sân bay và cảng biển vào loại lớn nhất cả nước. Toàn vùng có 4 sân bay (Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Phù Cát), trong đó có 3 sân bay quốc tế là Đà Nẵng, Phú Bài và Chu Lai, các cảng biển Chân Mây, Đà Nẵng, Kỳ Hà, Dung Quất, Quy Nhơn đang được đầu tư, nâng cấp, mở rộng, đảm bảo giao lưu trong nước và quốc tế. Mạng lưới đường bộ, đường sắt góp phần vận chuyển hành khách, hàng hóa đến VKTTĐ miền Trung và từ đây đến mọi miền Tổ quốc. Hoạt động thương mại trong vùng có bước phát triển mới. Nội thương ngày càng phát triển nhanh về cơ sở kinh doanh, đa dạng về chủng loại hàng hóa. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (theo giá thực tế) của vùng tăng từ 14.868,3 tỉ đồng năm 2000 lên 75.337,4 tỉ đồng năm 2009 [2], chiếm 40,2% toàn Duyên hải miền Trung và 6,2% cả nước. Ngoại thương có nhiều chuyển biến tích cực. Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu tăng từ 869,7 triệu USD năm 2000 tăng lên 3.725,0 triệu USD năm 2009 [3], chiếm 65,5% toàn miền Trung và 2,4% cả nước, trong đó xuất khẩu chiếm 35,0%, nhập khẩu chiếm 65,0%. Trong vùng đã hình thành nhiều trung tâm thương mại, đầu mối giao lưu hàng hóa, dịch vụ, trong đó Đà Nẵng là trung tâm lớn và quan trọng nhất của vùng. Các loại hình dịch vụ khác như giáo dục - đào tạo, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm đang phát triển mạnh; bưu chính - viễn thông phát triển nhanh, rộng khắp. Công nghiệp Đây là ngành có sự tăng nhanh nhất về tốc độ trong giai đoạn vừa qua. Giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng (giá so sánh năm 1994) tăng từ 7.327,8 tỉ đồng năm 2000 lên 15.723,6 tỉ đồng năm 2005 và đạt 26.767.6 tỉ đồng năm 2009 [2], chiếm 41,5% giá trị sản xuất công nghiệp của toàn bộ Duyên hải miền Trung và 3,8% của cả nước, trong đó khu vực Nhà nước chiếm 22,6%, khu vực ngoài Nhà nước chiếm 55,9% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 21,5%. Sản xuất công nghiêp tăng trong giai đoạn vừa qua là kết quả của quá trình đầu tư mở rộng sản xuất, thay đổi thiết bị, cải tiến quy trình công nghệ. Cơ cấu ngành công nghiệp của vùng rất đa dạng, trong đó nổi lên các ngành chủ đạo là chế biến thực phẩm và đồ uống; dệt - may, da - giày; năng lượng; cơ khí; hóa chất; điện tử,. . . Đặc biệt, giai đoạn 2006 - 2010, đã hình thành tại KKT Dung Quất tổ hợp công nghiệp nặng đầu tiên của Việt Nam, gồm các nhà máy lọc dầu, đóng tàu, chế tạo thiết bị công nghiệp nặng Doosan, nhựa Polypropylene, luyện cán thép, nhiên liệu sinh học. Sự phát triển của KKT Dung Quất đã làm thay đổi cơ bản cơ cấu ngành công nghiệp của toàn vùng, làm xuất hiện nhiều ngành công nghiệp mới mà trong đó quan trọng nhất là ngành 132
  5. Phát triển kinh tế vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong giai đoạn 2000 - 2009 lọc hóa dầu. Ngoài ra, trong vùng còn phát triển mạnh công nghiệp nông thôn với các ngành nghề thủ công truyền thống như sản xuất đồ mộc; làm gốm; đúc đồng; chạm, khắc đá; mây, tre đan,. . . Trong giai đoạn này, hàng loạt KKT có quy mô lớn đã lần lượt xuất hiện ở VKTTĐ miền Trung, khởi đầu với KKT mở Chu Lai (27.000ha), tiếp sau đó là KKT Dung Quất (10.300ha), KKT Nhơn Hội (10.000ha) và KKT Chân Mây (1.000ha). Riêng Chu Lai - KKT mở đầu tiên của cả nước - đã có diện tích xấp xỉ bằng tổng diện tích của 135 KCN và KCX được hình thành trong giai đoạn 1991 – 2006 [7.1]. Ngoài 4 KKT, vùng còn có 22 KCX, KCN đã và đang được triển khai xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên trên 4 nghìn ha [7.2]. Việc phát triển KKT, KCN thực sự là hạt nhân, động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá miền Trung và cả nước. Hình 1. Lược đồ kinh tế VKTTĐ miền Trung Nông - lâm - thủy sản Khu vực này mặc dù có tỉ trọng thấp nhất trong cơ cấu GDP nhưng vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội của vùng, thu hút đến hơn 40% số lao động 133
  6. Lê Anh Tuấn đang làm việc trong các ngành kinh tế. Giá trị sản xuất toàn ngành và từng phân ngành tăng lên qua các năm, từ 7.559,8 tỉ đồng (giá so sánh năm 1994) năm 2000 lên 11.198,3 tỉ đồng năm 2009 [2], chiếm 30,9% toàn Duyên hải miền Trung và 5,1% cả nước, trong đó nông nghiệp chiếm 60,1%, lâm nghiệp chiếm 5,4% và thủy sản chiếm 34,5%. Nông - lâm - thủy sản là nét nổi bật trong sự phát triển của vùng. Năm 2009, giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh năm 1994) của vùng đạt 3.861,6 tỉ đồng, chiếm 7,3% cả nước, sản lượng thủy sản đạt 380.872 tấn, chiếm 7,9% cả nước (trong đó thủy sản khai thác chiếm 88,6% toàn vùng và 14,8% cả nước). Nông nghiệp đã và đang tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, vừa tạo ra hiệu quả kinh tế, vừa tạo ra vùng nguyên liệu ổn định phục vụ công nghiệp chế biến, một số vùng chuyên canh cây công nghiệp ngắn ngày như mía, lạc, thuốc lá phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của vùng... theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu đã được hình thành. Chăn nuôi gia súc (trâu, bò, lợn) được đẩy mạnh dựa trên việc xây dựng các trang trại vườn đồi, các mô hình nông lâm kết hợp. Công tác quản lý và bảo vệ rừng được coi trọng, đã hạn chế được cháy rừng, phá rừng. Trồng rừng tập trung mỗi năm đạt trên 8.500 ha các loại cây có giá trị kinh tế cao như quế, dược liệu. Giao đất, khoán rừng cho dân đang được đẩy mạnh. 2.2. Khó khăn, thách thức - GDP của vùng chỉ chiếm 6,1% cả nước, mới bằng 27,0% GDP VKTTĐ phía Bắc, 15,4% VKTTĐ phía Nam và 76,5% so với VKTTĐ vùng Đồng bằng sông Cửu Long. GDP bình quân đầu người cũng chỉ bằng 85,5% mức trung bình cả nước, 77,8% VKTTĐ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 62,9% VKTTĐ phía Bắc và 43,3% của VKTTĐ phía Nam. Tương tự như vậy, các chỉ tiêu về giá trị sản xuất hay sản lượng từng ngành của vùng đều rất khiêm tốn so với các VKTTĐ khác và cả nước. - Hiệu quả đầu tư thấp do đầu tư dài trải dẫn đến lãng phí tài nguyên khi các địa phương trong vùng có nhiều lợi thế đặc thù nhưng không thể phát huy do hoạt động manh mún, tự phát. - Khả năng cạnh tranh sản phẩm thấp do các sản phẩm làm ra giữa các địa phương thì tương tự nhau, hơn nữa hàm lượng tri thức, vốn và công nghệ trong sản phẩm lại không cao, chưa đầu tư nhiều cho thương hiệu; lao động giản đơn, kém kỹ năng, chất lượng sản phẩm kém sức cạnh tranh. - Sư thiếu hụt cơ sở hạ tầng điện, nước, đường sá, viễn thông,... Bên cạnh đó, sự dư thừa công suất về cảng biển và sân bay cũng là một thách thức không nhỏ trong khai thác cơ sở hạ tầng. Việc cơ sở hạ tầng vừa thiếu vừa thừa đặt ra một câu hỏi lớn về vai trò của hợp tác và liên kết vùng. Tuy nhiên cách thức hợp tác và liên kết vùng sao cho khả thi và hiệu quả thì chưa thực hiện được. - VKTTĐ miền Trung, xét cho cùng vẫn thuộc vùng nghèo. Năm 2009, tỉ lệ hộ nghèo của vùng còn tới 14,9% (cả nước là 12,3%) [2]. - Tình trạng di cư còn phổ biến. Điều đáng lo ngại là những người có trình độ cao 134
  7. Phát triển kinh tế vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong giai đoạn 2000 - 2009 thường có xác suất di cư cao, dẫn đến tình trạng thiếu nhân công có kiến thức và trình độ kỹ thuật. - Môi trường đã bắt đầu bị ô nhiễm trầm trọng do quá trình phát triển. 2.3. Nguyên nhân và giải pháp 2.3.1. Nguyên nhân Sự phát triển kinh tế của vùng thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và mong muốn do nhiều nguyên nhân. Về khách quan, đây là vùng có điểm xuất phát về kinh tế tương đối thấp; hậu quả của chiến tranh để lại còn nặng nề; địa hình chia cắt, độ dốc cao, thời tiết khắc nghiệt, thiên tai khó lường,. . . Về chủ quan, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; thiếu hụt lao động đã qua đào tạo, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; thị trường nhỏ hẹp trải dài, thu nhập của người dân thấp; thêm khó khăn về nguồn tài chính, phương thức đầu tư, nhân lực, khả năng xử lý môi trường... Cơ chế, chính sách chung đã thoáng hơn nhiều, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhu cầu thu hút đầu tư và cũng chưa có sự ưu đãi vượt trội nào thật sự hấp dẫn. Hơn nữa, các địa phương trong vùng lại nặng tâm lý co kéo, nôn nóng đi trước và cục bộ địa phương nên tiến trình hợp tác - yếu tố đặc biệt quan trọng cho quá trình phát triển vùng - còn thiếu chiều sâu, chưa hỗ trợ đắc lực cho nhau, kết quả liên kết tuy có, nhưng vẫn còn rời rạc, chưa thể phát huy những lợi thế so sánh đang có. 2.3.2. Giải pháp - Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn (trong nước, nước ngoài) cho các dự án, các chương trình, mục tiêu. Để có thể huy động được cần có những giải pháp chính sách thông thoáng. - Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo nâng cao chất lượng hệ thống phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, đảm bảo vấn đề an sinh xã hội và phát triển bền vững đươc coi như là bước đột phá, tạo điều kiện thuận lợi nối liền không gian kinh tế, giảm thời gian và chi phí vận chuyển cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. - Tiếp tục xây dựng không gian kinh tế thống nhất trong toàn vùng nhằm phát huy lợi thế so sánh trên toàn địa bàn, tạo sự phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau có hiệu quả, tránh tình trạng giẫm chân lên nhau, triệt tiêu lợi thế so sánh của nhau. Để khuyến khích hợp tác và giảm bớt cạnh tranh trực diện đòi hỏi các địa phương phải xác định được các ưu thế và năng lực cơ bản của mình. - Tập trung đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, lực lượng lao động lành nghề ở các trường đại học trong vùng. Tiến hành quy hoạch, sắp xếp hệ thống mạng lưới trường trung học chuyên nghiệp, dạy nghề trên địa bàn phù hợp với yêu cầu cơ cấu nhân lực và phát triển kinh tế vùng. - Đẩy mạnh cải cách hành chính tạo điều kiện thông thoáng nhằm hỗ trợ sự phát triển các doanh nghiệp trên địa bàn. Dựa trên các tiềm năng và lợi thế cùng hệ thống các giải pháp, với quyết tâm cao của các địa phương trong vùng, với truyền thống dũng cảm, cần cù, sáng tạo của nhân 135
  8. Lê Anh Tuấn dân, cùng với sự tập trung chỉ đạo của Trung ương, các bộ, ngành, nhất định VKTTĐ miền Trung sẽ có những bước phát triển mới. 3. Kết luận Trong thập niên qua, VKTTĐ miền Trung đã có sự phát triển mạnh mẽ trên tất cả các chỉ tiêu về số lượng cũng như chất lượng. Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng so với tiềm năng và lợi thế, chưa phát huy hết nội lực của vùng. So với các VKTTĐ khác, nhất là 2 VKTTĐ phía Bắc và phía Nam, VKTTĐ miền Trung vẫn chưa thể theo kịp về trình độ phát triển. Để VKTTĐ miền Trung trở thành một trong những vùng phát triển năng động của cả nước, bảo đảm vai trò hạt nhân tăng trưởng thúc đẩy phát triển của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp với sự đồng thuận cao và quyết tâm lớn mà trước mắt là tăng cường và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, tăng cường hơn nữa mối liên kết, hợp tác và phối hợp giữa các địa phương trong vùng. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] 2011. Átlát Địa lí Việt Nam. Nxb Giáo dục, Hà Nội. [2] 2010. Niên giám thống kê Việt Nam 2009. Nxb Thống kê. [3] 2009. Tư liệu kinh tế - xã hội 63 tỉnh, thành phố Việt Nam. Nxb Thống kê. [4] Lê Thông (chủ biên), Nguyễn Văn Phú, Nguyễn Minh Tuệ, 2004. Địa lí kinh tế - xã hội Việt Nam. Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội. [5] Lê Thông (chủ biên), Đỗ Anh Dũng, Vũ Mai Huế, Nguyễn Thị Lệ Phương, 2006. Địa lí ba vùng kinh tế trọng điểm ở Việt Nam. Nxb Giáo dục. [6] Nguyễn Minh Tuệ và nnk, 2009. Địa lí các vùng kinh tế Việt Nam. Nxb Giáo dục. [7] Trang web: vietbao.vn/Kinh-te/Danh-thuc-tiem-luc-vung-kinh-te-trong-diem-mien- Trung/40197728/87/; www.khucongnghiep.com.vn ABSTRACT Economic development of central key economic zone in the period 2000 – 2009 Recently, with the potential and advantages available and the economic develop- ment of the country, the economy of the Central Key Economic Zone has prospered. GDP and GDP per capita increased rapidly, economic structural change is going in the right direction, economic sectors have made remarkable progress and people’s lives have improved and been enhanced. However, economy of zone has its weak points and achieve- ments have not been commensurate with potentials and advantages for many reasons. To become a developing region, it is necessary to implement and synchronize solutions with the highest determination. 136
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2