intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Quản lý chất thải phóng xạ và định hướng chính sách cho chương trình phát triển điện hạt nhân

Chia sẻ: Cao Quốc Trí | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

58
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Chất thải phóng xạ chứa các chất có khả năng phát ra các bức xạ ion hóa và chúng đã được nhận biết từ những năm đầu của thế kỷ 20 là một mối nguy hại tiềm năng đối với sức khỏe con người. Quản lý an toàn chất thải phóng xạ do vậy là một vấn đề hết sức quan trọng cần được đặc biệt quan tâm khi đẩy mạnh các ứng dụng năng lượng nguyên tử nhằm bảo đảm bảo vệ sức khỏe con người và môi trường cả ở hiện tại và tương lai, không để lại gánh nặng cho thế hệ tương lai.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Quản lý chất thải phóng xạ và định hướng chính sách cho chương trình phát triển điện hạt nhân

  1. TRAO ĐỔI VÀ THẢO LUẬN QUẢN LÝ CHẤT THẢI PHÓNG XẠ VÀ ĐỊNH HƯỚNG CHÍNH SÁCH CHO CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN ĐIỆN HẠT NHÂN Lê Quang Hiệp Cục ATBXHN Chất thải phóng xạ và các yêu cầu quản lý Ứng dụng năng lượng nguyên tử trong công nghiệp, nông nghiệp, y tế, nghiên cứu và sản xuất điện năng đã khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, các hoạt động ứng dụng năng lượng nguyên tử có sử dụng chất phóng xạ đều kèm theo việc sinh ra các chất thải phóng xạ. Chất thải phóng xạ được sinh ra trong quá trình hoạt động và khi tháo dỡ, chấm dứt hoạt động của một cơ sở liên quan đến sản xuất, sử dụng chất phóng xạ, vận hành lò phản ứng hạt nhân hoặc cơ sở trong chu trình nhiên liệu hạt nhân khác (khai thác, chế biến, làm giầu quặng Urani, Thori; chế tạo nhiên liệu hạt nhân; tái chế, xử lý nhiên liệu hạt nhân; xử lý, lưu giữ, chôn cất chất thải phóng xạ) hoặc khai thác, chế biến quặng chứa các chất phóng xạ có nguồn gốc tự nhiên và hồi phục môi trường trong các trường hợp xử lý sự cố bức xạ, hạt nhân. Chất thải phóng xạ chứa các chất có khả năng phát ra các bức xạ ion hóa và chúng đã được nhận biết từ những năm đầu của thế kỷ 20 là một mối nguy hại tiềm năng đối với sức khỏe con người. Quản lý an toàn chất thải phóng xạ do vậy là một vấn đề hết sức quan trọng cần được đặc biệt quan tâm khi đẩy mạnh các ứng dụng năng lượng nguyên tử nhằm bảo đảm bảo vệ sức khỏe con người và môi trường cả ở hiện tại và tương lai, không để lại gánh nặng cho thế hệ tương lai. Cộng đồng quốc tế thông qua Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã nêu ra các nguyên tắc quản lý an toàn chất thải phóng xạ để khuyến cáo áp dụng đối với mọi quốc gia và cho mọi loại chất thải phóng xạ:  Tổ chức, cá nhân tiến hành các hoạt động tạo ra chất thải phóng xạ phải chịu trách nhiệm cao nhất và bảo đảm tài chính cho việc quản lý an toàn chất thải phóng xạ của mình kể từ khi sinh ra cho đến khi thải bỏ.  Chất thải phóng xạ phải được quản lý an toàn bảo đảm bảo vệ sức khỏe con người;  Chất thải phóng xạ phải được quản lý an toàn không gây ra ảnh hưởng đối với môi trường;  Việc quản lý chất thải phóng xạ phải xem xét đến các ảnh hưởng có thể có đối với sức khỏe con người và môi trường ở phạm vi ngoài biên giới quốc gia;  Chất thải phóng xạ phải bảo đảm hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe của thế hệ tương lai;  Chất thải phóng xạ phải được quản lý sao cho không để lại gánh nặng cho thế hệ tương lai;  Chất thải phóng xạ phải được quản lý trong khuôn khổ luật pháp thích hợp, trong đó trách nhiệm quản lý chất thải phóng xạ phải được quy định rõ ràng và bảo đảm sự quản lý quốc gia đối với chất thải được thực thi theo đúng quy định luật pháp;  Phải có biện pháp để giảm thiểu phát sinh chất thải phóng xạ;
  2. TRAO ĐỔI VÀ THẢO LUẬN  Bảo đảm sự phù hợp và đồng bộ trong các bước quản lý chất thải phóng xạ: Thu gom, phân loại, xử lý, điều kiện hóa, lưu giữ, chôn cất, thải bỏ chất thải phóng xạ;  Các cơ sở quản lý chất thải phóng xạ phải bảo đảm an toàn, an ninh trong quá trình hoạt động cho đến khi chấm dứt hoạt động. Có thể nói mọi quốc gia đều cần phải có chính sách và chiến lược cho việc quản lý chất thải phóng xạ trong quá trình phát triển các ứng dụng năng lượng nguyên tử. Chính sách quốc gia cần tuân theo các nguyên tắc quản lý an toàn chất thải phóng xạ đã được thừa nhận quốc tế. Đặc biệt các quốc gia có chương trình phát triển điện hạt nhân ngay từ giai đoạn quyết định chính sách phát triển điện hạt nhân cần phải xác định cho mình chính sách quản lý chất thải phóng xạ, quản lý nhiên liệu đã qua sử dụng với các định hướng và giải pháp cho việc quản lý đối với chất thải phóng xạ mức thấp và trung bình, đối với chất thải phóng xạ mức cao và nhiên liệu đã qua sử dụng. Các định hướng chính sách và chiến lược này có tầm quan trọng đặc biệt đối với các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân cũng như chương trình phát triển điện hạt nhân của quốc gia. Thực tiễn quản lý chất thải phóng xạ tại Việt Nam Hiện nay các chất phóng xạ đã được ứng dụng nhiều tại Việt Nam trong y tế, nông nghiệp, công nghiệp, địa chất, bảo vệ môi trường và khai thác khoáng sản. Trong lĩnh vực năng lượng, để đáp ứng với nhu cầu năng lượng trong tương lai Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Theo đó, hai nhà máy điện hạt nhân với công suất 4000 MW sẽ được xây dựng và tổ máy đầu tiên của nhà máy điện hạt nhân số một dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động năm 2020. Ở thời điểm hiện tại cho đến sau khi nhà máy điện hạt nhân được đưa vào hoạt động, chất thải phóng xạ phát sinh chủ yếu từ các ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong lĩnh vực y tế, công nghiệp, nông nghiệp, các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và từ hoạt động của lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu. Các chất thải này chủ yếu là loại chất thải phóng xạ mức thấp và trung bình cùng một số nguồn phóng xạ kín đã qua sử dụng. Lượng chất thải phóng xạ thấp phát sinh được ước tính khoảng 100 m3/năm. Ngoài ra, còn có chất thải phát sinh từ các hoạt động khai thác dầu khí, khai thác sa khoáng và đất hiếm được gọi là chất thải NORM. Sau khi các nhà máy điện hạt nhân được đưa vào sử dụng, tổng lượng chất thải phóng xạ mức thấp và trung bình phát sinh từ nhà máy điện hạt nhân khoảng 3.500 m3 và chất thải mức cao, nhiên liệu đã qua sử dụng khoảng 2.500 m3 trong giai đoạn 2020 - 2030; tương ứng khoảng 18.500 m3 và 15.500 m3 trong giai đoạn 2030 - 2050. Hiện tại, các chất thải phóng xạ phát sinh từ hoạt động lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu, hoạt động nghiên cứu và từ việc sử dụng chất phóng xạ trong các ứng dụng khác được xử lý và lưu giữ tại 2 cơ sở quản lý chất thải phóng xạ là Viện Nghiên cứu hạt nhân (tại Đà Lạt) và Viện Công nghệ xạ hiếm (tại Phùng, Hà Nội). Các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng được lưu giữ tại các kho lưu giữ tập trung (Kho lưu giữ nguồn phóng xạ đã qua sử dụng của Liên đoàn Vật lý địa chất tại Lương Sơn, Hòa Bình; Kho chứa nguồn phóng xạ của Viện Khoa học kỹ thuật hạt nhân tại Hà Nội; Kho chứa nguồn phóng xạ của Công ty NDE thuộc Viện Năng lượng nguyên tử tại Hà Nội; và Kho lưu giữ chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ tại Viện nghiên cứu hạt nhân tại Đà Lạt) và tại chính cơ sở có nguồn phóng xạ đã qua sử dụng. Đối với các chất thải NORM phát sinh từ quá trình khai thác dầu khí, khai thác sa khoáng thì vẫn chưa có chiến lược rõ ràng cho việc quản lý đối với dạng chất thải này.
  3. TRAO ĐỔI VÀ THẢO LUẬN Chất thải phóng xạ từ hoạt động của lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu tại Viện nghiên cứu hạt nhân được xử lý, điều kiện hóa và lưu giữ tại Kho lưu giữ chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ nằm trong khuôn viên của Viện. Năm 1982 đồng thời với việc khôi phục và mở rộng hoạt động lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu Đà Lạt, một hệ thống xử lý chất thải phóng xạ mức thấp đã được xây dựng với 3 cấu phần chính: Trạm xử lý chất thải phóng xạ lỏng; Trạm điều kiện hóa (Beton hóa) chất thải phóng xạ rắn và kho lưu giữ tạm thời chất thải phóng xạ. Trạm xử lý chất thải có thiết kế với năng lực xử lý 5 m3 chất thải lỏng trong một ngày và có khả năng loại bỏ chất phóng xạ trong nước thải rất cao (Hệ số tẩy xạ DF lớn hơn 1000). Phòng thí nghiệm kiểm soát chất lượng xử lý nước thải phóng xạ lỏng tại Đà Lạt Trạm xử lý và điều kiện hóa chất thải phóng xạ nằm trong khu vực kho lưu giữ chất thải phóng xạ có đầy đủ trang thiết bị để xử lý, beton hóa chất thải phóng xạ rắn trong các thùng đựng 200 lít để lưu giữ, bảo quản trong kho lưu giữ. Kho lưu giữ chất thải phóng xạ được thiết kế với 8 hầm chứa beton sâu 3,7 - 5,7 m dưới mặt sàn kho. Kho có khả năng lưu giữ 750 m3 chất thải phóng xạ đã được điều kiện hóa trong điều kiện bảo đảm an toàn, an ninh. Trạm xử lý, điều kiện hóa chất thải phóng xạ tại Hầm chứa các thùng chất thải phóng xạ đã Đà Lạt được điều kiện hóa Cơ sở xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ thuộc Viện Công nghệ xạ hiếm là nơi thu gom, xử lý, điều kiện hóa và lưu giữ chất thải phóng xạ phát sinh trong các nghiên cứu của Viện và của các cơ sở khác thuộc khu vực phía Bắc.
  4. TRAO ĐỔI VÀ THẢO LUẬN Cơ sở quản lý chất thải phóng xạ tại Phùng, Hà Nội Với thực trạng về nguồn chất thải phóng xạ đang có và các điều kiện thực tế thì vấn đề bảo đảm hạ tầng quốc gia cho quản lý an toàn chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng chưa thực sự có tính cấp bách trong một số năm tới. Tuy nhiên, một định hướng chính sách cho quản lý lâu dài phù hợp với các nguyên tắc đã được IAEA khuyến cáo cần được xem xét. Đặc biệt, với chương trình phát triển điện hạt nhân đã được đưa vào kế hoạch Việt Nam cần sớm xây dựng chính sách và chiến lược về quản lý chất thải phóng xạ, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng cũng như từng bước phát triển hạ tầng cần thiết cho quản lý lâu dài bảo đảm các nguyên lý theo chuẩn mực quốc tế. Định hướng chính sách cho quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng Chuẩn bị hạ tầng pháp quy cho chiến lược đẩy mạnh ứng dụng năng lượng vì mục đích hòa bình và phát triển điện hạt nhân, Luật Năng lượng nguyên tử (NLNT) đã được ban hành năm 2008 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009. Luật NLNT quy định việc thành lập cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn, an ninh đối với các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng năng lượng nguyên tử, trong đó bao gồm quản lý an toàn chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng. Liên quan đến yêu cầu quản lý chất thải phóng xạ, nhiên liệu đã qua sử dụng, Luật NLNT đã quy định: 1. Tổ chức, cá nhân có chất thải phóng xạ phải thực hiện các quy định: a) Thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu chất thải phóng xạ ngay tại nguồn phát sinh; b) Tách chất thải phóng xạ ra khỏi chất thải thường khi thu gom, xử lý; c) Có phương án phân loại và xử lý chất thải phóng xạ. 2. Chất thải phóng xạ được xử lý bằng các giải pháp: a) Lưu giữ để phân rã đối với chất thải phóng xạ có chu kỳ bán rã ngắn; b) Chôn cất chất thải phóng xạ, nếu việc chôn cất không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, môi trường; c) Chuyển chất thải phóng xạ về dạng ít gây nguy hiểm cho con người, môi trường;
  5. TRAO ĐỔI VÀ THẢO LUẬN d) Lưu giữ tạm thời trong điều kiện bảo đảm an toàn, an ninh chờ xử lý nếu không thể áp dụng các biện pháp quy định nêu trên. 3. Tổ chức, cá nhân sử dụng nhiên liệu hạt nhân phải có phương án xử lý, lưu giữ nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng trong điều kiện bảo đảm an toàn, an ninh. 4. Tổ chức, cá nhân phải khai báo chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng do việc tiến hành công việc bức xạ sinh ra. 5. Tổ chức, cá nhân phải xin cấp giấy phép thực hiện dịch vụ lưu giữ chất thải phóng xạ. 6. Tổ chức, cá nhân chỉ được chôn cất chất thải phóng xạ khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép, báo cáo tình trạng chôn cất và lập bản đồ địa điểm chôn cất gửi cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân. 7. Nhà nước đầu tư xây dựng kho lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia. 8. Bảo đảm việc phân loại, xử lý, kiểm soát chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng và việc lựa chọn địa điểm xây dựng kho lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia, lựa chọn địa điểm chôn cất chất thải phóng xạ, được thực hiện theo các tiêu chuẩn an toàn được áp dụng phổ biến trên thế giới. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt định hướng quy hoạch địa điểm lưu giữ, chôn cất chất thải phóng xạ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 2376/QĐ-TTg ngày 28/12/2010). Định hướng quy hoạch đã chỉ rõ phương pháp lưu giữ chất thải phóng xạ như sau: - Chất thải phóng xạ hoạt độ thấp và trung bình có chu kỳ bán rã < 100 ngày được lưu giữ tại các kho chứa của cơ sở phát sinh cho đến khi tự phân rã và có thể thải vào môi trường tự nhiên như chất thải không nguy hại. - Chất thải phóng xạ hoạt độ thấp và trung bình có chu kỳ bán rã ≥ 100 ngày đến 30 năm được vận chuyển tới kho chôn cất, lưu giữ quốc gia để chôn cất nông (< 30 m). - Chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng có hoạt độ cao, chu kỳ bán phân huỷ dài được quản lý lưu giữ tập trung tại kho quốc gia. - Nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng được bảo quản, chờ xử lý tại bể làm mát của nhà máy trong thời gian 30 - 50 năm, chờ xử lý theo trình độ phát triển khoa học công nghệ hạt nhân thế giới và chính sách quản lý chất thải phóng xạ quốc gia. Về địa điểm để lưu giữ, chôn cất chất thải phóng xạ quốc gia, định hướng quy hoạch đã nêu: - Định hướng địa điểm lưu giữ, chôn cất chất thải phóng xạ quốc gia tại khu vực duyên hải Nam Trung bộ với quy mô khoảng 70 - 100 ha. - Địa điểm lưu giữ, chôn cất chất thải phóng xạ quốc gia phải bảo đảm các tiêu chí: + Nhóm các tiêu chí về điều kiện tự nhiên: địa điểm để chôn cất nông chất thải phóng xạ phải có các điều kiện tự nhiên (khí tượng, thủy văn, địa hình, địa chấn, địa chất và địa chất thủy văn) đảm bảo cho chất thải phóng xạ khi được đem chôn cất sẽ hoàn toàn được cách ly khỏi con người và môi trường trong suốt thời gian lưu giữ. + Nhóm các tiêu chí về bảo vệ môi trường: địa điểm lựa chọn cần đáp ứng các tiêu chí về bảo vệ môi trường sinh thái; khoảng cách tối thiểu đến vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, các công
  6. TRAO ĐỔI VÀ THẢO LUẬN trình văn hóa, di tích lịch sử nhằm giảm thiểu nguy cơ làm giảm tính đa dạng của hệ sinh thái và giảm thiểu các tác động tới các khu vực nhạy cảm về môi trường. + Nhóm các tiêu chí về điều kiện xã hội: các tiêu chí phân bố dân cư và mật độ dân số, sự đồng thuận của cộng đồng địa phương; giảm thiểu tác động tới khu dân cư. Các tiêu chí này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải phóng mặt bằng. + Nhóm các tiêu chí về an ninh, an toàn: cách biên giới quốc gia trên đất liền; cách xa các cơ sở quân sự, sân bay, quốc lộ có mật độ giao thông lớn và cách xa các nhà máy sản xuất, tàng trữ những vật liệu, hoá chất nguy hiểm không thể di dời. + Nhóm các tiêu chí về kinh tế: giá trị sử dụng, mục đích sử dụng đất (chất lượng đất, khả năng quỹ đất) và cơ sở hạ tầng (khả năng cung cấp hạ tầng kỹ thuật) nhằm góp phần tiết kiệm chi phí đầu tư và xây dựng. Lộ trình thực hiện giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015: - Nhà nước đầu tư, nâng cấp kho lưu giữ tạm thời chất thải phóng xạ hiện có; tập trung thu gom, quản lý các nguồn phóng xạ hoạt độ cao đã qua sử dụng. - Các cơ sở ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ tự tổ chức kho lưu giữ chất thải phóng xạ hoạt độ thấp và trung bình, chu kỳ bán phân huỷ ngắn. - Tiến hành khảo sát kỹ thuật tại khu vực duyên hải Nam Trung bộ để đánh giá chi tiết và lựa chọn một địa điểm phù hợp nhất. Lập báo đầu tư xây dựng kho lưu giữ, chôn cất chất thải phóng xạ quốc gia. Giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020: - Triển khai, thực hiện dự án đầu tư xây dựng kho lưu giữ, chôn cất chất thải phóng xạ quốc gia đã được lựa chọn. Giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030: - Vận hành kho lưu giữ, chôn cất chất thải phóng xạ quốc gia hoạt độ thấp và trung bình đáp ứng xử lý lượng chất thải phóng xạ phát sinh từ các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. - Tập trung quản lý nguồn phóng xạ đã qua sử dụng hoạt độ cao tại kho lưu giữ quốc gia. d) Định hướng từ năm 2030 đến năm 2050: - Vận hành kho lưu giữ, chôn cất chất thải phóng xạ quốc gia đối với chất thải phóng xạ hoạt độ thấp và trung bình, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng trong toàn quốc đáp ứng việc xử lý lượng chất thải phóng xạ phát sinh từ tất cả các nhà máy điện hạt nhân. - Hoạch định chính sách xử lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, nghiên cứu khảo sát vị trí chôn sâu vĩnh viễn chất thải hạt nhân và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng có hoạt độ cao trong tầng cấu trúc địa chất thích hợp. Nhằm mục tiêu triển khai thực hiện các quy định của Luật NLT về quản lý chất thải phóng xạ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư Quy định về quản lý chất thải phóng xạ cụ thể hóa các nguyên tắc quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng: - Chất thải phóng xạ phải được quản lý bảo đảm an toàn cho con người và môi trường kể từ khi phát sinh cho đến khi được phép thải bỏ như chất thải không nguy hại hoặc chôn cất hoặc tái chế đối với vật thể nhiễm bẩn phóng xạ là kim loại. Nguồn phóng xạ đã qua sử dụng phải được quản
  7. TRAO ĐỔI VÀ THẢO LUẬN lý bảo đảm an toàn cho con người và môi trường cho đến khi được chuyển trả cho nhà sản xuất, nhà cung cấp nước ngoài hoặc chôn cất. - Chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng phải được quản lý chặt chẽ để bảo đảm không gây hại cho con người và môi trường cả ở hiện tại và tương lai, bảo đảm sao cho tổng liều bức xạ đối với nhân viên bức xạ và công chúng không vượt quá giá trị giới hạn liều quy định. - Nguồn phóng xạ đã qua sử dụng phải được trả lại cho nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp nước ngoài trong trường hợp nhà sản xuất, nhà cung cấp có chính sách nhận lại nguồn phóng xạ đã qua sử dụng. - Việc quản lý chất thải phóng xạ trong thành phần còn chứa các chất nguy hại không phóng xạ, ngoài việc phải tuân thủ các quy định của Thông tư này, phải tuân thủ các quy định pháp luật khác liên quan đến quản lý chất thải nguy hại. - Chất thải có chứa các nhân phóng xạ phát sinh trong một công việc bức xạ có thể được phép thải trực tiếp vào môi trường với điều kiện nồng độ hoạt độ phóng xạ trong chất thải không lớn hơn mức thanh lý hoặc tổng hoạt độ các nhân phóng xạ trong thành phần chất thải dạng khí, dạng lỏng không vượt quá mức hoạt độ phóng xạ cho phép để được thải vào môi trường do cơ quan quản lý nhà nước quy định và phải được cho phép theo giấy phép tiến hành công việc bức xạ. - Vật thể nhiễm bẩn phóng xạ là kim loại sắt, đồng, chì, nhôm và sản phẩm nấu chảy trực tiếp từ các kim loại này có thể được sử dụng cho tái chế nếu nồng độ hoạt độ các nhân phóng xạ có trong kim loại và mức nhiễm bẩn phóng xạ bề mặt của kim loại nhỏ hơn hoặc bằng mức cho phép tái chế. - Cấm bổ sung thêm các thành phần không chứa chất phóng xạ vào chất thải phóng xạ nhằm mục đích giảm nồng độ hoạt độ phóng xạ trong chất thải phóng xạ để đạt được tiêu chuẩn cho phép thải ra môi trường hoặc tiêu chuẩn cho phép tái chế. Thông tư cũng đã quy định chủ nguồn chất thải phóng xạ chịu hoàn toàn trách nhiệm cho việc quản lý bảo đảm an toàn, an ninh đối với chất thải phóng xạ từ khi phát sinh cho tới khi được phép thải bỏ như chất thải không nguy hại, chuyển giao cho cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia hoặc chuyển giao cho cơ sở tái chế đối với kim loại nhiễm bẩn phóng xạ; chủ nguồn phóng xạ đã qua sử dụng chịu trách nhiệm quản lý các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng bảo đảm an toàn, an ninh từ khi phát sinh cho tới khi chuyển trả cho nhà sản xuất, nhà cung cấp nước ngoài hoặc chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác để sử dụng hoặc chuyển giao cho cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia; Cục An toàn bức xạ và hạt nhân chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn, an ninh trong các hoạt động liên quan đến quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng. Có thể nói khuôn khổ pháp lý cơ bản của quốc gia đã tương đối hoàn thiện cho quản lý an toàn, an ninh chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng. Thách thức cho việc quản lý lâu dài đối với chất thải phóng xạ, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng Về hệ thống luật pháp: Tuy Việt Nam đã có các văn bản pháp luật về quản lý chất thải phóng xạ, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng nhưng vẫn chưa có một văn bản chính sách và chiến lược rõ ràng cho việc quản lý lâu dài đối với các loại chất thải, ví dụ chính sách và chiến lược cho quản lý chất thải mức cao, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.
  8. TRAO ĐỔI VÀ THẢO LUẬN Chính vì vậy chưa thể xây dựng được cơ chế tài chính để bảo đảm cho việc xử lý, chôn cất đối với chất thải mức cao, nhiên liệu đã qua sử dụng phát sinh từ các nhà máy điện hạt nhân. IAEA cũng đã khuyến cáo Việt Nam cần sớm ban hành chính sách và chiến lược quản lý chất thải phóng xạ, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng. Ngoài ra, hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể cho xử lý, chôn cất chất thải phóng xạ vẫn còn chưa hoàn thiện. Về hạ tầng cơ sở quốc gia: Hiện chưa có kho lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia và bãi chôn cất chất thải phóng xạ mức thấp và trung bình do vậy chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng vẫn được lưu giữ rải rác tại cơ sở phát sinh không bảo đảm tiêu chí quản lý lâu dài trong điều kiện bảo đảm an toàn, an ninh. Định hướng quy hoạch về việc xây dựng kho lưu giữ, bãi chôn cất chất thải phóng xạ quốc gia triển khai chậm không theo đúng lộ trình đã được phê duyệt. Chưa có các nghiên cứu để xác định định hướng chính sách liên quan đến việc chôn cất chất thải phóng xạ mức cao cũng như chiến lược cho việc xử lý nhiên liệu đã qua sử dụng trong dài hạn. Về cơ chế tài chính bảo đảm cho chính sách và chiến lược quản lý chất thải phóng xạ, nhiên liệu đã qua sử dụng: Trong quy định của pháp luật đã có nguyên tắc người gây ra chất thải phải có nghĩa vụ tài chính cho việc quản lý chất thải của mình song vẫn chưa có quy định rõ ràng về cơ chế tài chính ràng buộc trách nhiệm đối với người gây ra chất thải. Hiện đã có quy định liên quan đến thành lập quỹ đảm bảo nghĩa vụ tài chính cho việc chấm dứt hoạt động và tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân song vẫn chưa rõ ràng liệu quỹ này đã tính đến khả năng bảo đảm chi trả cho chi phí xử lý nhiên liệu đã qua sử dụng và xử lý, chôn cất chất thải phóng xạ hay chưa./.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2