intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Quản lý hoạt động giáo dục hướng nghiệp ở trường trung học phổ thông theo tiếp cận quản lý dựa vào nhà trường trong bối cảnh đổi mới

Chia sẻ: Tưởng Trì Hoài | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

6
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Quản lý hoạt động giáo dục hướng nghiệp ở trường trung học phổ thông theo tiếp cận quản lý dựa vào nhà trường trong bối cảnh đổi mới" phân tích những đặc điểm của quản lý giáo dục hướng nghiệp ở trường trung học phổ thông theo tiếp cận quản lý dựa vào nhà trường. Những cơ hội và thách thức trong quản lý từ bối cảnh thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và trong kỷ nguyên số được nêu ra. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Quản lý hoạt động giáo dục hướng nghiệp ở trường trung học phổ thông theo tiếp cận quản lý dựa vào nhà trường trong bối cảnh đổi mới

  1. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc tế năm 2023: HƯỚNG NGHIỆP, KHỞI NGHIỆP TRONG THỜI ĐẠI SỐ - GIẢI PHÁP CHO GIÁO DỤC VIỆT NAM Nguyễn Thị Thu Hương QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC HƯỚNG NGHIỆP Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG THEO TIẾP CẬN QUẢN LÝ DỰA VÀO NHÀ TRƯỜNG TRONG BỐI CẢNH ĐỔI MỚI Nguyễn Thị Thu Hương(*) Tóm tắt: Bài viết phân tích những đặc điểm của quản lý giáo dục hướng nghiệp ở trường trung học phổ thông theo tiếp cận quản lý dựa vào nhà trường. Những cơ hội và thách thức trong quản lý từ bối cảnh thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và trong kỷ nguyên số được nêu ra. Từ đó, bài viết đề xuất những biện pháp góp phần đảm bảo hiệu quả quản lý giáo dục hướng nghiệp ở nhà trường hiện nay. Từ khóa: Giáo dục hướng nghiệp, quản lý dựa vào nhà trường, trung học phổ thông. MANAGEMENT OF VOCATIONAL EDUCATION ACTIVITIES IN HIGH SCHOOLS BASED ON A SCHOOL - DRIVEN APPROACH IN THE CONTEXT OF INNOVATION Abstract: The article analyzes the characteristics of management of vocational education in high schools based on a school-driven approach. It discusses the opportunities and challenges posed by the implementation of the 2018 General Education Curriculum and the digital age, and then proposes measures which help ensure the effectiveness of management of vocational education in schools nowadays. Keywords: Vocational education, school-driven management, high school. (*) ThS., Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh. 240
  2. NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG 1. MỞ ĐẦU Quản lý dựa vào nhà trường (School-Based-Management - viết tắt là SBM) là một trong những mô hình quản lý hiện đại mà nhiều quốc gia và nhiều công trình nghiên cứu đã áp dụng để tăng hiệu quả hoạt động của nhà trường. Mô hình quản lý này mang bản chất cải cách nhà trường “theo hướng phân cấp Quản lý từ cơ quan Quản lý cấp trung ương tới cấp độ nhà trường” (Alfred Lakwo and Vasco Kura, 2004). Đổi mới quản lý theo mô hình SBM nhằm tăng cường sự tự chủ của cán bộ quản lý (CBQL) và giáo viên, Đồng thời, đẩy mạnh sự tham gia của cha mẹ học sinh và cộng đồng vào việc nâng cao hiệu quả giáo dục. Trong bối cảnh thực hiện Chương trình sách giáo khoa mới và kỷ nguyên số hiện nay, giáo dục hướng nghiệp cho học sinh (HS) ở trường trung học phổ thông (THPT) cần có một cách thức quản lý phù hợp, SBM là một mô hình quản lý mà nhà trường có thể áp dụng để tăng hiệu quả giáo dục cho học sinh. 2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU 2.1. Một số khái niệm cơ bản “Hướng nghiệp trong giáo dục là hệ thống các biện pháp tiến hành trong và ngoài cơ sở giáo dục để giúp học sinh có kiến thức về nghề nghiệp, khả năng lựa chọn nghề nghiệp trên cơ sở kết hợp nguyện vọng, sở trường của cá nhân với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội” (Quốc hội, 2019). Giáo dục hướng nghiệp (GDHN) là một nội dung trong chương trình giáo dục toàn diện nhằm thực hiện quan điểm về chiến lược phát triển giáo dục ở nước ta “...thực hiện nguyên lý giáo dục học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội” (Quốc hội, 2019) GDHN (có thể hiểu như là hướng nghiệp trong giáo dục): bao gồm toàn bộ các hoạt động của nhà trường phối hợp với gia đình và xã hội nhằm trang bị kiến thức, hình thành năng lực định hướng nghề nghiệp cho HS, từ đó giúp HS lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, tính cách, sở thích, quan niệm về giá trị của bản thân, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của gia đình và phù hợp với nhu cầu của xã hội (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018). Giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường THPT là hoạt động giáo dục có chương trình, mục tiêu nhằm giúp HS có định hướng chọn lựa nghề nghiệp trong tương lai phù hợp với khả năng, sở trường, sở thích của các em và đáp ứng được nhu cầu về nghề nghiệp của địa phương, đất nước và trên thế giới. 241
  3. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc tế năm 2023: HƯỚNG NGHIỆP, KHỞI NGHIỆP TRONG THỜI ĐẠI SỐ - GIẢI PHÁP CHO GIÁO DỤC VIỆT NAM Quản lý GDHN: là một nội dung quản lý của nhà trường mà CBQL nhà trường với tư cách là chủ thể quản lý tiến hành những tác động có định hướng, có chủ đích, có kế hoạch và hợp quy luật đến các đối tượng quản lý là hoạt động GDHN và các nguồn lực GDHN nhằm thực hiện có chất lượng và hiệu quả mục tiêu GDHN cho học sinh. Quản lý dựa vào nhà trường (SBM) Theo Carldwell (1998) và Malen et al (1990), quản lý dựa vào nhà trường có thể hiểu “là sự phân cấp hay sự chuyển giao quyền lực từ chính quyền trung ương đến cấp độ nhà trường”. Nhà trường có vai trò là một bộ phận cơ bản của quá trình cải tiến nền giáo dục, “trách nhiệm và quyền đưa ra quyết định các hoạt động của nhà trường được chuyển giao đến cán bộ quản lý nhà trường, giáo viên, cha mẹ học sinh và đôi khi tới học sinh và các thành viên cộng đồng khác nơi trường đóng.” SBM hướng tới việc đem đến cho các thành viên trong nhà trường và cha mẹ học sinh quyền được tham gia vào quản lý các hoạt động của nhà trường. Quản lý trong nhà trường theo mô hình SBM nhằm phát huy dân chủ và tiềm năng của tất cả thành viên trong và ngoài nhà trường; nhờ thực hiện nó các nhà trường được quản lý hiệu quả hơn. 2.2. Quản lý hoạt động giáo dục hướng nghiệp ở trường trung học phổ thông theo tiếp cận SBM trong bối cảnh đổi mới SBM có hai nội dung cơ bản là: (1) Nhà trường là đơn vị chủ yếu ra quyết định. (2) Quyền làm chủ thuộc các thành viên trong và ngoài nhà trường liên quan đến giáo dục (Trần Kiểm, Trần Khánh Đức, 2023). Từ hai nội dung trên, công tác quản lý GDHN theo SBM của nhà trường thể hiện như sau: (1) Nhà trường là đơn vị chủ yếu ra quyết định Trong công tác quản lý GDHN, nhà trường có quyền ra quyết định về phân phối thời lượng, thời gian cho việc GDHN theo chương trình đang thực hiện. Trường quyết định hình thức, phương pháp giáo dục, phương tiện giáo dục, lực lượng GDHN. Hiện tại, theo Chương trình giáo dục 2018, GDHN được triển khai theo phương thức giáo dục: giáo dục tích hợp trong môn học và giáo dục theo chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Do đó, việc chỉ đạo triển khai GDHN theo hướng tích hợp được CBQL cấp nhà trường và cấp Tổ chuyên môn thực hiện và chịu trách nhiệm quản lý. Trong kế hoạch giáo dục của năm học, nội dung tích hợp GDHN trong các môn học được nêu ra như một nhiệm vụ và mục tiêu bắt buộc của nội dung giáo dục. Tiếp đó, trong kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn, nội dung tích hợp này được Tổ trưởng chuyên môn và giáo viên trao đổi và thống nhất nội dung tích hợp, thời lượng 242
  4. NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG và dung lượng tích hợp trong bài học để đảm bảo các mục tiêu của bài học, đặc biệt là mục tiêu trọng tâm. Trong những hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh tại nhà trường như: Cuộc thi khoa học kĩ thuật, hoạt động Khởi nghiệp sáng tạo..., là những hoạt động có vai trò ảnh hưởng đến định hướng nghề nghiệp, khơi gợi năng lực, sở trường, hứng thú liên quan đến nghề nghiệp của học sinh trường THPT. Qua các hoạt động đó, có nhiều học sinh được phát triển năng lực định hướng nghề nghiệp, các em hiểu được niềm đam mê, sở trường của chính bản thân, từ đó có khát khao về nghề nghiệp trong tương lai. Tổ chức các hoạt động đó, mỗi nhà trường đều chủ động tiến hành tùy thuộc vào các nguồn lực và điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn để xác định các nội dung, hình thức, thời gian, nguồn lực tiến hành. Điển hình, tại Tỉnh Thái Bình, Yên Bái, Phú Thọ bắt đầu từ Hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” do Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh tổ chức đã triển khai đến giáo viên, học sinh ở các trường THPT của Tỉnh. Với mục đích trang bị những kiến thức bổ ích cho học sinh, tiếp lửa cho những đam mê của các em học sinh THPT có ý tưởng sáng tạo và nhiệt huyết khởi nghiệp ở các nhà trường. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi công văn số 4765/SGDĐT-GDTrH gửi các đơn vị trực thuộc thông báo về cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp Thành phố học sinh trung học năm học 2023 - 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai cuộc thi tới các trường THPT và trung học cơ sở của thành phố. Sau khi được triển khai cấp Tỉnh, Thành phố các hoạt động này sẽ được các nhà trường thực hiện cụ thể theo cách thức riêng tùy thuộc vào thế mạnh và đặc điểm của đơn vị. Như vậy, GDHN qua phương thức tích hợp, quyền tự chủ chủ yếu thuộc về nhà trường, từ CBQL cấp trường, cấp tổ chuyên môn và giáo viên Đồng thời, mở rộng quyền tự chủ tham gia đến với học sinh. Giáo dục hướng nghiệp theo chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được ban hành theo Thông tư số 32/2018/ TT-BGDĐT, ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có nội dung, được phân phối thời gian giáo dục quy định của chương trình, có nội dung tiếp cận theo năng lực và định hướng nội dung giáo dục, có sách giáo khoa cho học sinh. Tuy có những quy định, định mức thời gian, nhưng nhà trường được giao quyền chủ động tổ chức hoạt động giáo dục. Sự chủ động ở việc xác định và tiến hành các hình thức tổ chức GDHN, phương pháp, phương tiện giáo dục, phối hợp 3 môi trường giáo dục (nhà trường - gia đình - xã hội) và khâu kiểm tra đánh giá. Sở Giáo dục giữ vai trò triển khai, hướng dẫn, hỗ trợ, động viên, giải đáp thắc mắc của nhà trường trong quá trình thực hiện và quản lý hồ sơ kiểm tra đánh giá của nhà trường. Đây là bước chuyển giao quyền lực cho cán bộ quản lý và giáo viên nhà trường tự chủ trong việc đảm bảo chất lượng GDHN cho học sinh nhà trường. 243
  5. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc tế năm 2023: HƯỚNG NGHIỆP, KHỞI NGHIỆP TRONG THỜI ĐẠI SỐ - GIẢI PHÁP CHO GIÁO DỤC VIỆT NAM (2) Quyền làm chủ của các thành viên trong và ngoài nhà trường liên quan đến giáo dục. Như trên đã phân tích về quyền ra quyết định, quyền thực hiện GDHN của các thành viên trong nhà trường, từ CBQL đến GV, phạm vi nội dung này sẽ bàn về quyền của học sinh và các thành viên bên ngoài nhà trường liên quan đến GDHN cho các em. GDHN là quyền lợi của học sinh, các em vừa là đối tượng của hoạt động dạy, vừa là chủ thể của hoạt động học, chủ thể của hoạt động nhận thức. Trong hoạt động sư phạm, nhu cầu, nguyện vọng và lợi ích của học sinh được coi là trung tâm để giáo viên đưa ra chiến lược dạy học. GDHN tại nhà trường phải xuất phát từ học sinh về động cơ, đặc điểm, tính chất, điều kiện của các em. Các em được quyền giáo dục trong môi trường, học tập tích cực để các em chủ động trong phát triển năng lực tự chủ, tự học, sáng tạo và hợp tác, giải quyết vấn đề. Học sinh được phát triển các năng lực đặc thù: năng lực thích ứng với cuộc sống, năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động, năng lực định hướng nghề nghiệp trong GDHN. Do đó, các hình thức GDHN phải kích thích khả năng sáng tạo của học sinh, phải góp phần nuôi dưỡng và khơi dậy những ý tưởng, niềm đam mê về nghề nghiệp cho các em, tạo cơ hội cho các em hiểu biết, tiếp cận với nghề, trải nghiệm và khởi nghiệp qua đó giáo dục các em biết tự đánh giá mình và có ý chí, năng lực tự giáo dục nghề nghiệp suốt đời. Trong SBM, học sinh được định hướng và có quyền lựa chọn tìm hiểu, trải nghiệm, thử sức với lĩnh vực nghề nghiệp mình có khả năng và yêu thích. Vai trò của nhà trường và giáo viên là tạo cho học sinh có cơ hội tiếp cận, tiếp xúc với nội dung, tri thức đa dạng, phong phú về GDHN, mới và hấp dẫn với giới trẻ. Học sinh cần được hiểu và phân biệt rõ giữa “nghề” và “nghiệp” ở mức độ sâu và định hướng nghề nghiệp, xu thế nghề nghiệp trong tương lai cho phù hợp với cuộc sống. Để đảm bảo hiệu quả, nhà trường (bao gồm cả CBQL và giáo viên) phải phối hợp và huy động sự tham gia của các lực lượng bên ngoài nhà trường là cha mẹ học sinh, các tổ chức liên quan đến định hướng nghề nghiệp: đào tạo, dạy nghề, tuyển dụng nghề, hỗ trợ khởi nghiệp... Cụ thể, các đối tác này là: Cha mẹ học sinh, Doanh nghiệp, các Trường Đại học - Cao đẳng, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, Trung tâm tư vấn nghề và du học... Trong sự phối hợp này, nhà trường phải xác định được mục tiêu, nội dung giáo dục để sắp xếp lộ trình phối hợp với từng đối tác. Nhà trường tự chủ trong quyết định tìm kiếm thông tin, đối tượng phối hợp, tự chủ quyết định về vấn đề pháp lý liên quan đến việc kết hợp với các tổ chức cá nhân về GDHN cho học sinh. Nhà trường chủ động đặt ra yêu cầu với các đối tác để xác định nội dung đúng với mục tiêu mà nhà trường cần giáo dục cho học sinh; chủ động tạo môi trường cho các cuộc gặp gỡ, trao đổi trực tiếp 3 đối tượng: cha mẹ học sinh - học sinh - các tổ chức liên quan đến 244
  6. NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG nghề nghiệp của các con; Đồng thời, cha mẹ và học sinh có thể tham vấn giáo viên khi cần. Những sự phối hợp này hoàn toàn do nhà trường quyết định và tổ chức. GDHN là một nội dung giáo dục của nhà trường, theo Điều lệ nhà trường, hội đồng trường có nhiệm vụ và quyền hạn “giám sát hoạt động việc tổ chức thực hiện các hoạt động theo kế hoạch giáo dục của nhà trường; giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực của nhà trường theo quy định của pháp luật.” (Bộ Giáo dục và Đào tạo. 2020). Do vậy, hội đồng trường có quyền giám sát việc kế hoạch GDHN và huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực của nhà trường trong GDHN. Điều lệ nhà trường cũng nêu rõ “Thành phần của hội đồng trường trung học công lập gồm: bí thư cấp ủy; hiệu trưởng; chủ tịch Công đoàn; bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; đại diện tổ chuyên môn, tổ văn phòng; đại diện chính quyền địa phương, Ban đại diện cha mẹ học sinh và đại diện học sinh.” Như vậy, theo quy định, cha mẹ học sinh và học sinh có quyền giám sát nội dung trên với hoạt động GDHN. Vì lẽ đó, cha mẹ học sinh và học sinh có quyền góp ý, nêu ý kiến, phản ánh trong quá trình nhà trường tổ chức GDHN. Nếu nhà trường tổ chức GDHN chưa hiệu quả, sử dụng nguồn thiếu hợp lý, chưa minh bạch, họ sẽ sử dụng quyền thành viên của hội đồng trường để tham gia vào việc quản lý. Do vậy, CBQL trường THPT công lập cần lưu ý đến vấn đề này để phát huy vai trò của hội đồng trường trong việc dân chủ hóa quản lý nhà trường. 2.3. Những yêu cầu của giáo dục hướng nghiệp theo tiếp cận SBM trong bối cảnh đổi mới Trong giai đoạn đổi mới hiện nay, trường THPT đang đứng trước nhiều sự đổi mới quan trọng, nổi bật là việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018) và tác động của kỷ nguyên số. Về cơ bản, trước hai vấn đề này, đối với giáo dục vừa là thách thức, vừa là cơ hội. Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đổi mới cả nội dung, phương pháp giáo dục vì được thiết kế theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học. Các năng lực, phẩm chất này đều được cụ thể hóa bằng những yêu cầu cần đạt ở từng môn học, cấp học. GDNH cũng được thiết kế với 3 nhóm năng lực sau: - Năng lực thích ứng với cuộc sống. - Năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động. - Năng lực định hướng nghề nghiệp. Từ 3 nhóm năng lực sẽ có nội dung khái quát và nội dung cho từng khối lớp cụ thể. - Cơ hội: Về cơ bản, GDHN theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường và giáo viên được giao quyền chủ động hơn trong quản lý và giáo dục (như đã phân tích như trên). Nhà trường và giáo viên được quyền đổi mới hình thức GDHN 245
  7. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc tế năm 2023: HƯỚNG NGHIỆP, KHỞI NGHIỆP TRONG THỜI ĐẠI SỐ - GIẢI PHÁP CHO GIÁO DỤC VIỆT NAM bằng hình thức tham quan: nhà máy, các trường đại học; bằng hình thức trải nghiệm về nghề; tọa đàm về nghề nghiệp với “nhân vật thật”; đóng vai... Học sinh sẽ thấy việc giáo dục không gò bó nhàm chán, giáo điều, nội dung giáo dục thực tiễn hơn. Giáo viên cũng cảm thấy giáo dục kết nối với xã hội hiệu quả hơn, thú vị hơn và giáo dục học sinh nhiều điều hơn. - Thách thức: Tuy nhiên, vấn đề thách thức đối với nhà trường là công sức, thời gian liên hệ cơ sở, thiết kế hoạt động đảm bảo hiệu quả giáo dục và nguồn kinh phí thực hiện để đảm bảo an toàn cho học sinh. Hiện tại trong các nhà trường, kinh phí cho học sinh tham gia hoạt động là từ sự đóng góp của phụ huynh. Vấn đề ở chỗ, giáo viên hoặc nhân viên nhà trường đi theo học sinh không có nguồn kinh phí. Trong kỷ nguyên số, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ trong những thập kỉ qua, trong đó nổi bật là công nghệ sinh học, công nghệ điện tử, đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin (CNTT) tạo nên “thế giới phẳng”, tạo nên sự thịnh vượng của mọi quốc gia và con người phụ thuộc nhiều vào nó. Với giáo dục, CNTT tác động quá trình giáo dục từ nội dung, chương trình đến vai trò giáo viên, học sinh, việc tổ chức lớp học và quản trị nhà trường. Điều này vừa là cơ hội, cũng vừa là thách thức đối với nhà trường. - Cơ hội: Sau khi các quốc gia gia nhập World Trade Organization - Tổ chức thương mại thế giới (WTO) với những cam kết trong hội nhập quốc tế, thời đại kỷ nguyên số sẽ mở ra cơ hội cho giáo dục mỗi quốc gia triển khai và hoàn thành chuyển đổi số về các khía cạnh: thể chế pháp lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực số,… Chuyển đổi số mang lại những giá trị to lớn trong giáo dục, quản lý giáo dục, nó sẽ tạo ra những bước đột phá trong phát triển giáo dục. Trong GDNH, truyền thông sẽ cho toàn xã hội biết về các ngành nghề mới thịnh hành trong thời đại công nghệ số, về các bài học khởi nghiệp từ truyền thống đến hiện tại... Hội nhập quốc tế giáo dục trong kỷ nguyên số sẽ tạo cơ hội thu hút nguồn lực cho phát triển giáo dục về nhiều mặt, trong đó có công nghệ số và nguồn nhân lực, hợp tác đào tạo. Nhiều tổ chức cá nhân trên thế giới đã có các phần mềm tư vấn nghề nghiệp được tính toán dựa trên nhiều đặc điểm của mỗi cá nhân; nhiều trường đại học của các nước trên thế giới sẵn sàng đào tạo cho thế hệ trẻ Việt Nam. Có thể nói, trong kỷ nguyên số, cơ hội rất rộng mở trong giáo dục khi thông tin truyền thông được áp dụng công nghệ số đến với toàn xã hội và nhà trường không là ngoại lệ. - Thách thức: Mặt khác, trong kỷ nguyên số, những thách thức đặt ra rất nhiều đối với CBQL và giáo viên trường học, khi học được giao quyền làm tự chủ theo SBM. Trong bối cảnh này, CBQL và giáo viên trường học phải có khả năng ứng dụng 246
  8. NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để phục vụ cho giáo dục nói chung và GDHN nói riêng. Trong kỷ nguyên số, cơ cấu nghề nghiệp trong xã hội có nhiều thay đổi, xu thế đời sống xã hội con người thay đổi, công nghệ trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence - AI) phát triển khiến các ngành nghề thay đổi theo. Hiểu, nắm bắt được sự thay đổi xu hướng ngành nghề trong nước và trên thế giới trong GDHN là một thách thức lớn đối với nhà trường. Tác động của công nghệ thông tin và truyền thông tạo ra nguồn thông tin mênh mông, đa dạng về hướng nghiệp, khởi nghiệp, đào tạo trong và ngoài nước...đòi hỏi nhà trường phải có sự hiểu biết để định hướng, tư vấn, giáo dục đúng hướng đem lại lợi ích phù hợp cho học sinh. Đây là một thách thức cho các nhà trường và giáo viên. Với những cơ hội và thách thức trên, chúng tôi xin nêu ra một số điều kiện và những biện pháp để quản lý GDHN cho học sinh trường THPT theo tiếp cận SBM có hiệu quả. 3. ĐIỀU KIỆN VÀ BIỆN PHÁP QUẢN LÝ GIÁO DỤC HƯỚNG NGHIỆP THEO TIẾP CẬN SBM TRONG BỐI CẢNH ĐỔI MỚI 3.1. Điều kiện quản lý giáo dục hướng nghiệp theo tiếp cận SBM - Nhà quản lý trường học phải nắm vững những vấn đề pháp lý về GDHN mà nhà trường được giao quyền. GDHN không chỉ là nhiệm vụ mà là trách nhiệm của nhà trường và nhà giáo. Điều này nêu rõ trong Luật Giáo dục (2019), Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2021), Điều nhà trường (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2020), Nghị quyết số 29-NQ/TW “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. Chương trình giáo dục phổ thông (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018). Đây là những nền tảng để CBQL trường học và giáo viên quản lý theo SBM, họ biết phải làm gì và được làm gì trong GDHN. - Để huy động các nguồn lực trong và ngoài nhà trường vào GDHN, cha mẹ học sinh, học sinh phải ý thức được tầm quan trọng của GDHN, quyền lợi và trách nhiệm của mình trong GDHN; muốn vậy, họ phải hiểu được mục đích giáo dục trong các hoạt động GDHN nhà trường tổ chức. Các tổ chức cá nhân ngoài nhà trường khi được tham gia vào quá trình GDHN cho học sinh cần phải biết về mục đích giáo dục của nhà trường để cùng triển khai cho đúng hướng. - Cần có cơ chế về kinh phí hỗ trợ cho hoạt động GDHN khi thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Kinh phí cho giáo viên đi cùng học sinh trong hoạt động GDHN ngoài nhà trường, cho việc mời “nhân vật có thật” trong tọa đàm... 247
  9. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc tế năm 2023: HƯỚNG NGHIỆP, KHỞI NGHIỆP TRONG THỜI ĐẠI SỐ - GIẢI PHÁP CHO GIÁO DỤC VIỆT NAM 3.2. Đề xuất một số biện pháp Nhà trường, cụ thể là CBQL và giáo viên phải nắm vững vai trò của mình trong GDHN và biết cụ thể hóa những quy định pháp lý vào hoạt động GDHN. Những điều phải làm, được làm được thể hiện trong từng các hoạt động GDHN. Nhà trường nên phối hợp với các đơn vị cùng khu vực, tương đồng về đặc điểm thiết kế hoạt động GDNH để giảm bớt áp lực công việc trong giai đoạn đổi mới giáo dục hiện nay và đảm bảo hiệu quả GDHN. Các giáo viên cùng khối lớp nên cùng nhau xây dựng kế hoạch GDHN để huy động tri thức, kỹ năng của nhau, học hỏi lẫn nhau. * Công tác truyền thông của nhà trường tới cha mẹ học sinh về GDHN cần đầy đủ, khoa học và minh bạch. Đầy đủ về pháp lý cho họ hiểu GDHN vừa là quyền lợi của học sinh, vừa là trách nhiệm và quyền của cha mẹ. Khoa học về thông tin: ngắn gọn, rõ ràng, thuyết phục. Minh bạch về nội dung giáo dục và tài chính. Công tác truyền thông của nhà trường cần thuyết phục được phụ huynh tham dự vào hoạt động GDHN, nhất là khi tổ chức hình thức giáo dục ngoài nhà trường. * Lựa chọn đối tác phù hợp, lựa chọn nguồn thông tin đảm bảo chuẩn mực bằng cách thu thập thông tin, sàng lọc thông tin, tư vấn kiểm chứng bằng nhiều nguồn: qua cấp trên (Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy Ban nhân dân) qua phụ huynh, qua cựu học sinh. * CBQL nhà trường cần thực hiện chức năng tham mưu hiệu quả cho cơ quan cấp trên để giải quyết đề kinh phí cho hoạt động GDHN. 4. KẾT LUẬN Quản lý GDHN ở trường THPT theo SBM trong bối cảnh thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và trong kỉ nguyên số có rất nhiều cơ hội nhưng cũng gặp không ít thách thức. Việc đáp ứng được mục tiêu GDNH: “học sinh tự đánh giá được về năng lực, sở trường, hứng thú liên quan đến nghề nghiệp, biết chọn cho mình ngành nghề phù hợp và rèn luyện phẩm chất năng lực để thức ứng với nghề nghiệp tương lai” là một bài toán khó cho các nhà trường. Hiện nay việc GDHN trong trường THPT còn nhiều khó khăn, hạn chế cả về nguồn lực con người, thông tin và tài chính. Tuy vậy, nếu nhà trường nỗ lực, vận dụng mô hình quản lý SBM thì việc đáp ứng mục tiêu của GDHN sẽ đạt được. 248
  10. NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG TÀI LIỆU THAM KHẢO Alfred Lakwo and Vasco Kura. (2004). Improving school-based management: school management committee training guidelines action aid uganda. Nebbi Development Assistance. P3. Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam. (2013). Nghị quyết số 29- NQ/TW “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Hội nghị trung ương 8 (khóa XI), ngày 4/11/2013. Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2018). Chương trình giáo dục phổ thông - Chương trình tổng thể (ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018). Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2018). Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 ban hành Chương trình giáo dục phổ thông - Chương trình hoạt động trải nghiệm. Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2020). Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/06/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học. Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2021). Thông tư số 04/2021/TT – BGDĐT, Ngày 02/02/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học phổ thông công lập. Caldwell, B. J, và Spinks, J. M. (1998). Beyond the Self-Managing School. London: Falmer Press. Quốc hội. (2019). Luật số 43/2019/QH14 ngày 14/6/2019 Luật giáo dục, Điều 3. Mục 2. Thủ tướng Chính phủ. (2018). Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 về việc phê duyệt đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”. Trần Kiểm, Trần Khánh Đức. (2023). Phương pháp hiện đại trong lãnh đạo và quản trị nhà trường. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 130. 249
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2