JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2015-0066<br />
Social Sci., 2015, Vol. 60, No. 10, pp. 114-121<br />
This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
QUAN NIỆM VŨ TRỤ VÀ NHÂN SINH TRONG THƠ CA DÂN GIAN CAO LAN<br />
<br />
Đặng Thị Hường<br />
Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Tuyên Quang<br />
<br />
Tóm tắt. Dân tộc Cao Lan có một truyền thống thơ ca dân gian rất phong phú, nhưng đến<br />
nay chưa có công trình nào đi sâu nghiên cứu về quan niệm vũ trụ, nhân sinh của đồng<br />
bào. Quan niệm về vũ trụ, thời gian và không gian của người Cao Lan từ thủa xa xưa chất<br />
phác ngây thơ. Còn quan niệm nhân sinh của đồng bào lại rất đa dạng thể hiện qua các vấn<br />
đề: sống chết, tốt xấu, thiện ác, tín ngưỡng, đạo đức, lao động, âm dương... Tất cả tạo nên<br />
những đặc điểm riêng về tâm hồn tư tưởng của dân tộc Cao Lan, phản ánh trong thơ ca dân<br />
gian Cao Lan.<br />
Từ khóa: Dân tộc Cao Lan, thơ ca dân gian, quan niệm vũ trụ và nhân sinh.<br />
<br />
1. Mở đầu<br />
Thơ ca dân gian Cao Lan mang trong mình thế giới tâm hồn, tư tưởng của dân tộc Cao Lan<br />
thể hiện bằng các quan niệm về vũ trụ, không gian thời gian; quan niệm nhân sinh và quan niệm<br />
nghệ thuật, tất cả đều thể hiện trong ý thức của người Cao Lan. Quan niệm về vũ trụ nhân sinh<br />
trong thơ ca dân gian Cao Lan thống nhất với quan niệm vũ trụ nhân sinh trong các truyện cổ dân<br />
gian Cao Lan. Truyện cổ dân gian kể về nguồn gốc vũ trụ thông qua các hình tượng “Ông Trời<br />
Bà Đất ”, những quan niệm thiện ác của đồng bào qua các nhân vật cổ tích như truyện: “Nàng ba<br />
lấy chồng rắn”, “Sằm Sừ”, “Chàng Út của người trời”, “Vì sao kiêng thịt rùa”. . . Thơ ca dân gian<br />
Cao Lan cũng phản ánh nhận thức chung đó, nhưng có sắc thái riêng thông qua cách biểu đạt bằng<br />
ngôn ngữ lời ca mang tính tạo hình và biểu cảm từ môi trường sinh hoạt văn hóa Cao Lan.<br />
Cùng nằm trong ý thức nghệ thuật của thơ ca dân gian, nhưng các quan niệm về vũ trụ,<br />
nhân sinh và nghệ thuật cũng thể hiện những bình diện nhận thức khác nhau. Các quan niệm đó<br />
hài hòa thống nhất với nhau qua nội dung và hình thức biểu hiện của thơ ca dân gian Cao Lan.<br />
<br />
2. Nội dung nghiên cứu<br />
2.1. Quan niệm về vũ trụ, không gian thời gian<br />
Nói đến thơ ca dân gian phải kể đến thế giới quan của người xưa về vũ trụ, không gian thời<br />
gian. Gần gũi với các dân tộc khác, khi nhận thức về buổi bình minh của loài người, người Cao<br />
Lan quan niệm về vũ trụ cũng hồn nhiên, chất phác thơ ngây. Trong truyện Thần Trụ trời, đồng bào<br />
Kinh cho rằng nhờ có vị Thần đào đất đắp đá dựng cột chống trời, mới có không gian cho mặt đất,<br />
<br />
Ngày nhận bài: 15/4/2015 Ngày nhận đăng: 10/9/2015<br />
Liên hệ: Đặng Thị Hường, e-mail: Dangthuhuong_tq2000@yahoo.com<br />
<br />
<br />
<br />
114<br />
Quan niệm vũ trụ và nhân sinh trong thơ ca dân gian Cao Lan<br />
<br />
<br />
loài người mới có đủ ánh sáng cho môi trường sống. Cùng cắt nghĩa về cội nguồn trời đất, đồng<br />
bào Thái quan niệm: “Ông Chu Cún kéo trời, trời rộng mênh mông. Bà Chu Cún kéo đất, đất rộng<br />
man mác. Đồng bào Mông lại cho rằng: Ngày xửa ngày xưa, bà Chày sinh ra mặt đất. Ông Chày<br />
sinh ra bầu trời. . . [6;89]. Vũ trụ theo đó là do hai người đàn ông và đàn bà tạo lập nên. Quan niệm<br />
kết hợp nam nữ, âm dương là cội nguồn của mọi sinh thành ra trời đất, xuất hiện phổ biến trong<br />
văn học dân gian các dân tộc. Sự khác nhau chỉ thể hiện ở sản phẩm tưởng tượng đa dạng phong<br />
phú của mỗi dân tộc mà thôi. Thần thoại của người Cao Lan cho rằng: Vũ trụ có chín tầng trời với<br />
một triều đình trị vì thiên hạ gọi là thiên đình (Thin tềnh). Ông Trời (Ngọc Hoàng thượng đế) nắm<br />
trong tay các vị thần: sấm, sét, mưa, gió. . . và có bốn đại thần Đông, Tây, Nam, Bắc:<br />
Đông phương hành ôn cho khang khái/ Nam phương là khánh triện công minh.<br />
Phương Tây hành ôn lưu hựu trung/ Phương Bắc là thánh sao Thái dương [12;269].<br />
Các vị thần linh đó mang trong mình tất cả những quyền năng tác động xuống thế gian.<br />
Theo đồng bào, ban đầu có hai người: một người đàn ông và một người đàn bà đã sinh ra từ hòn đá<br />
tròn to, ấy chính là Ông Trời và Bà Đất. Ông Trời và Bà Đất là hình ảnh đầu tiên trong vũ trụ tạo<br />
lập ra trời đất và hòa hợp với nhau chi phối sự tồn tại của thiên nhiên và cuộc sống muôn loài. . .<br />
Ngoài thế giới của hiện thực, thơ ca dân gian Cao Lan mang trong mình cả một thế giới Thần Phật<br />
linh thiêng. Mỗi vị thần một chức năng riêng liên quan đến hoạt động của con người. Người Cao<br />
Lan giải thích nguồn gốc, quyền năng các vị thần bằng trí tưởng tượng kỳ thú, hồn nhiên. Ví dụ<br />
như Thần Nông (Màng Sằn Nồng), chi phối cuộc sống người lao động về sự no đói, mưa gió, mùa<br />
màng, cây cối, hoa quả. Công việc của thần Nông là “cho mưa cho nắng, cho ngày cho đêm”. Sức<br />
mạnh của Thần được diễn tả: “Tay phải cầm đèn mặt trời, giơ lên soi từ sáng đến tối. . . , Tay trái<br />
cầm đèn mặt trăng, giơ lên soi từ tối đến sáng” [9;153]. Lai lịch của vị thần này được kể như sau:<br />
... Ta cũng phải xưng danh chứ/Cha ta là ông Trời to nhất/ Mẹ ta - bà Đất rộng thênh thang/ Ông<br />
bà gặp nhau thuở hồng hoang/ Sinh ra ta từ vạn vạn năm. . . [9;152]. Trong nhận thức của người<br />
Cao Lan xưa, thế giới thần linh rất gần gũi, can dự vào các hoạt động sinh tồn của con người, đó<br />
không phải là lực lượng quá siêu nhiên xa lạ. Tư duy thần thoại đã ăn sâu vào nếp cảm, nếp nghĩ<br />
của người Cao Lan phản ánh trong thơ ca dân gian. Ví dụ bài ca kể về câu nói của thần Thiên Lôi<br />
(Màng Dừn Tạy): . . . Thiên hạ cần mưa ta cho mưa/Cấy cày điền trang lúa tốt tươi/Thiên hạ cần<br />
nắng ta cho nắng. . . [9;150]. Đây là vị thần thực thi các mệnh lệnh của thiên đình, nơi tập trung<br />
mọi uy quyền của thần thánh.<br />
Cách giải thích về nguồn gốc loài người của đồng bào Cao Lan cũng có mô típ tương đồng<br />
với các dân tộc khác, con người đều được sinh ra từ một vật thiêng nào đó, nhưng vẫn có những<br />
nét riêng. Với dân tộc Kinh, con người được sinh ra từ một bọc trứng trong Truyện đẻ trăm trứng,<br />
đồng bào Mông cho rằng con người sinh ra từ một bọc thịt theo truyền thuyết Chử Lầu, người Dao<br />
cho con người sinh ra từ quả bầu, nhưng người Cao Lan lại cho rằng dân tộc mình sinh ra từ đá:<br />
Thuở trời đất mới sinh/ Nước dâng tràn ngập đất. . . Cuối cùng nước cạn rút/ Mặt đất nổi núi đồi/Từ<br />
hòn đá tròn to/ Vỡ ra hai con người/Họ dựng cây chọc lỗ/ Trồng hạt nhỏ chín vàng/ . . . Sinh ra rất<br />
nhiều người/ Chia thành bản sinh sống. . . [1;27]<br />
Và theo đồng bào, để cai quản được cuộc sống vô cùng phức tạp của các con cháu, Ông Trời<br />
đó lên chín tầng trời tạo lập thiên đình, Bà Đất ở lại cai quản việc làm ăn của con cháu ở mặt đất. . .<br />
Điều đó cho ta càng hiểu thêm ý kiến rất hay của Mác bàn về văn học thời cổ đại: Thần thoại là thi<br />
ca của người nguyên thủy. Quan niệm về vũ trụ và loài người của các dân tộc nói chung và người<br />
Cao Lan nói riêng, đều phản ánh cái nhìn ngây thơ của người xưa trước thế giới thiên nhiên nhiều<br />
bí ẩn, nhưng được lồng vào đó ý thức cội nguồn của giống nòi và sự hòa hợp dân tộc.<br />
Trong thơ ca dân gian Cao Lan, vấn đề thời gian không gian thường gắn với các họat động<br />
của con người và tạo vật qua các trạng huống nhân sinh và trạng thái vận động muôn màu muôn<br />
<br />
115<br />
Đặng Thị Hường<br />
<br />
<br />
vẻ của thiên nhiên. Trong bài ca dài tương truyền của nàng Lau Slam (Lưu Ba) sáng tác, có nhiều<br />
khúc ca nói về cuộc hành trình đêm ngày của chàng trai đi tìm hạnh phúc với bao gian nan thử<br />
thách phải vượt núi, băng sông, qua rừng và tuyết giá:<br />
Anh lại đi qua núi tuyết đầu<br />
Qua núi qua sông chảy dòng dòng<br />
Qua suối rừng nhiều sinh bệnh<br />
Chết đi sống lại mới phong lưu [12;99].<br />
Con người phải vượt qua tận cùng gian khổ mới tìm ra hạnh phúc, không gian ở đây là hình<br />
tượng những trở lực khắc nghiệt của thiên nhiên xuất hiện trong hành trình cuộc sống của con<br />
người.<br />
Cũng như cảm quan của các dân tộc khác, thơ ca dân gian Cao Lan hay nói tới thời gian,<br />
không gian bằng hình tượng nghệ thuật. Trong Sình ca 12 đêm hát, cho thấy sự tồn tại và vận động<br />
không ngừng của tạo vật và con người ở mọi lúc mọi nơi. Thời gian, không gian cũng được biểu<br />
hiện bằng những hình ảnh gần gũi, trực cảm của con người. Đó là hình ảnh của núi non, sông biển,<br />
trời mây, đồng ruộng, bản làng, gia đình, lễ hội, gần xa, sáng tối, ngày đêm, năm tháng, mùa màng,<br />
sinh nở, trẻ già. Thời gian với không gian hài hòa thống nhất với nhau trong sự xoay vần của mưa<br />
nắng, bão lụt, núi sông cùng sự đổi thay của cuộc sống muôn màu muôn vẻ trước sự cảm nhận qua<br />
giác quan con người. Đó là tiền đề tạo nên những bức tranh nghệ thuật sinh động của thơ ca dân<br />
gian Cao Lan.<br />
<br />
2.2. Quan niệm về nhân sinh<br />
Người Cao Lan có hẳn một hệ thống quan niệm về sống chết, thiện ác, giàu nghèo, tốt xấu,<br />
sang hèn, sướng khổ, vinh nhục, số phận. . . Đó là những quan niệm giàu chất triết lí được rút ra từ<br />
đời sống xã hội rất đa dạng, phong phú thể hiện rõ trong tục ngữ ca dao, Sình ca, ca lễ... mang dấu<br />
ấn về phong tục tập quán, tín ngưỡng và cảm quan nhận thức riêng. Đồng bào cho rằng chết chưa<br />
phải là hết mà là bước vào một thế giới khác. Trong thờ cúng gia tiên, người Cao Lan quan niệm<br />
“Âm dương nhị lộ” nghĩa là: Âm dương song hành, vì vậy họ coi sống chết như qui luật tuần hoàn<br />
của tạo hóa, con người và tạo vật trong cuộc sống không ngừng biến đổi:<br />
Đời người trăm tuổi có mấy ai<br />
Hoa nở núi cao khó tươi được trăm ngày<br />
Từng thấy mặt đất cánh hoa rụng<br />
Muốn xem hoa tàn lên núi theo mây [8;45]<br />
Người Cao Lan quan niệm khi còn sống, con người ta phải tu nhân tích đức, chết đi mới<br />
được thờ cúng và được lên thiên đàng. Con người sống thác có mối quan hệ nhân quả, âm dương.<br />
Người Cao Lan có bài ca:<br />
Vợ chết đất Bắc vẫn có tiếng<br />
Người chết được tổ lưu<br />
Người tốt chết đi được thờ tổ<br />
Người tốt chết đi được lên thiên đàng [12;104].<br />
Tuy nhiên, bên cạnh thế giới “lí tưởng” sau khi chết, đồng bào vẫn rất coi trọng cuộc sống<br />
hiện thực trần gian và luôn có ý thức hành động hữu ích về mọi điều diễn ra trong cuộc sống hiện<br />
tại. Quan niệm sống hữu ích được thể hiện bằng những câu ca giàu triết lí nhân sinh:<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
116<br />
Quan niệm vũ trụ và nhân sinh trong thơ ca dân gian Cao Lan<br />
<br />
<br />
Đã chót sinh ra đúng cõi đời<br />
Thế gian phải sống hỡi ai ơi<br />
Sao cho xứng đáng ông trời đúc<br />
Mà khỏi hoài công đất dưỡng nuôi [1;38].<br />
Cách ứng xử và đạo lí làm người của đồng bào Cao Lan được thế hiện rất rõ trong thơ ca<br />
dân gian ý thức về cội nguồn. Người Cao Lan có câu ca “nhập tâm” mượn hình ảnh dây bầu dây<br />
bí để thức tỉnh con cháu, sống phải luôn nhớ về nguồn cội, như: “Hau luàn lươn lây láy vật cơ”.<br />
Nghĩa: Dây bò đến đâu, ngọn cũng quay lại nhìn gốc [9;206].<br />
Có bài ca thể hiện rõ quan niệm về mối ràng buộc giữa con người với con người, con người<br />
với thiên nhiên trong cuộc sống và cách ứng sử của người Cao Lan:<br />
Ai nuôi con mới biết lòng cha mẹ<br />
Ai làm quan thời phải nhớ đất làng<br />
Ai làm ruộng thì phải nhớ đến nước<br />
Ai lên núi thì phải nhớ Sơn thần [11;139].<br />
Theo quan niệm của người Cao Lan, vũ trụ có qui luật vận hành riêng: “Lục giáp tuần hoàn”<br />
nghĩa là cứ 60 năm hàng can và hàng chi lại quay trở lại, và trong 60 năm ấy có hòa hợp và có xung<br />
khắc, chia li. Qui luật vận động âm dương ngũ hành trong vũ trụ theo quan niệm của Kinh dịch,<br />
một hệ thống triết học cổ đại ở phương Đông đã chi phối nhiều hoạt động của con người trong đó<br />
có quan niệm về hôn và hạnh phúc gia đình, phản ánh rõ nét trong thơ ca dân gian Cao Lan:<br />
Phu thê là mệnh thuỷ với hoả/ Vợ chồng cãi cọ suốt ngày đêm. . . Phu thê là mệnh hoả với<br />
thổ/ Quyền cao chức trọng như quan đương thời... [1;55]<br />
Xuất phát từ quan niệm này, mặc dù người Cao Lan đề cao tình yêu tự do của nam nữ thanh<br />
niên, hàng năm xuân về các bản làng tổ chức cho thanh niên hát giao duyên nhưng việc hôn nhân<br />
cuối cùng vẫn do cha mẹ quyết định. Họ tin vào số mệnh, nên không ít lứa đôi mang tâm lí an phận<br />
trong đời sống. Có lẽ vậy thơ ca dân gian Cao Lan ít nói đến những xung đột trong gia đình như<br />
thơ ca dân gian dân tộc Kinh. Đồng bào Kinh có những bài ca dao thật phiền não, khôi hài, chẳng<br />
hạn như:<br />
Cái cò là cái cò quăm<br />
Mày hay đánh vợ mày nằm với ai<br />
Có đánh thì đánh sớm mai<br />
Đừng đánh chập tối, không ai cho nằm?<br />
Người Cao Lan từ xa xưa đã có quan niệm hạnh phúc gia đình là một vợ một chồng nên có<br />
câu ca:<br />
Nhà muốn giàu có thì phải dùng hai cày<br />
Nhà muốn bại ngay thì dùng hai vợ [2;176].<br />
Người Cao Lan quan niệm về cái thiện và cái ác theo phương thức: Thiện ác song tồn, phản<br />
ánh trong thơ ca dân gian, có tác dụng thức tỉnh con người nên biết yêu thương đồng loại nhưng<br />
cũng biết cảnh giác với mặt trái từ trong đồng loại vì thế có câu ca:<br />
Cái tốt đẹp chẳng ra khỏi cửa,<br />
Cái ác cái xấu thì truyền lửa muôn nơi [2;173].<br />
Người Cao Lan tin vào thuyết “thiên mệnh” con người sống phụ thuộc vào mệnh trời, ông<br />
Trời là đấng thiêng liêng tối cao ngự trị ở Thiên đình có khả năng nhìn thấu thế gian và hiểu lẽ<br />
sinh tồn, có thể thực hiện sự công bằng trong cõi nhân gian, nên có câu ca truyền lại:<br />
<br />
<br />
<br />
117<br />
Đặng Thị Hường<br />
<br />
<br />
Kẻ ác người sợ giời không sợ,<br />
Người thiện khinh hiền giời có khinh đâu [2;174].<br />
Tính chân thực là phẩm chất từ lâu vốn được đồng bào miền núi rất đề cao. Với đồng bào<br />
Cao Lan cũng vậy, sống chân thành và đồng tâm hợp ý là lẽ sống niềm tin và hạnh phúc, nên có<br />
câu:<br />
Một người ăn ở hai lòng, có tiền không mua được cái kim,<br />
Hai người mà một lòng, không tiền mua được vàng [4;152].<br />
Người Cao Lan đề cao sự chân thành trong đời sống và tình yêu. Có khi quan niệm ấy được<br />
bộc bạch qua cảm nghĩ của người thiếu nữ:<br />
Muốn ăn quả thì trèo lên cây<br />
Gió thổi xuống đất ăn không ngon<br />
Muốn tìm hiểu em, giáp mặt nói<br />
Lấy người làm mối rồi họ biết [12;332].<br />
Theo đồng bào lời nói hay đẹp có thể làm đổi thay cái nhìn cuộc sống:<br />
Một lời hay quả ớt cay cũng ngọt<br />
Một lời dở quả vả chát thành chua. [6;22]<br />
Trong đời sống, lời nói “ngoa” cũng đưa đến những hậu quả khôn lường, đồng bào đã chỉ<br />
ra sai phạm đó bằng lối so sánh trực cảm, hồn nhiên: Cây chết vì tham lắm quả/ Người chết vì cái<br />
miệng nói ngoa [9;205].<br />
Quan niệm đó có điểm tương đồng với ca dao của đồng bào Kinh khi bàn về văn hóa giao<br />
tiếp giữa người với người: Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.<br />
Đồng bào Cao Lan cũng có cả hệ thống quan niệm về giàu - nghèo và phép ứng xử phải đạo<br />
của con người với con người trong cuộc sống và quan niệm: cuộc sống của tạo vật và con người<br />
luôn biến đổi, con người cần có ý thức về sự đổi thay đó để biết sống cho có ý nghĩa: Giàu sang<br />
rồi có ngày hết của/ Hoa đẹp cũng có ngày héo khô [7;48].<br />
Có những câu ca cho thấy: giàu, nghèo tạo nên tính cách con người: Có tiền người chân<br />
thật,/ Không tiền người thật hóa hư [2;172].<br />
Có những câu ca mang màu sắc thực, hư theo quan niệm định số như sau: Sống còn là do<br />
bản mệnh/ Giàu sang định ở trời cho [2;174].<br />
Nhưng cũng có câu là sự chiêm nghiệm từ thực tế: Người giàu có tính kế lâu dài,/ Người<br />
khó kế ngắn sơ sài việc ngay [2;174].<br />
Trái lại, có những câu ca thể hiện sự an phận thủ thường: Người bần khó cũng một đời,/<br />
Người sang quý cả đời thêm lo [2;173].<br />
Một dân tộc thiểu số đã trải nghiệm nhiều gian nan trong cuộc thiên di đi tìm đất sống qua<br />
những cuộc xung đột về quyền lợi và sắc tộc để tồn tại, người Cao Lan rất quan tâm đến đức tính<br />
kiên nhẫn, khiêm nhường của con người và để lại nhiều bài học trong các câu ca giàu triết lí nhân<br />
sinh: Nhẫn tâm được một giờ tri kỷ/ Miễn được trăm ngày khỏi năn nỉ lo âu [2;173].<br />
Có khi là kinh nghiệm tích lũy được khắc sâu: Nuôi con phòng về già,/ Giữ thóc đầy nhà<br />
phòng khi mất mùa [2;174].<br />
Con người biết nhẫn nại sẽ tránh được rủi ro và những điều đáng tiếc. Quan niệm đó có sắc<br />
màu Phật giáo: Được nhẫn mà là nhẫn, được nại mà nhẫn nại./ Chẳng nhẫn chẳng biết nại, việc<br />
bé thành việc to [2;175].<br />
Người Cao Lan rất coi trọng ngày sinh tháng đẻ, họ đặt thành những bài ca niên lịch thời<br />
<br />
<br />
118<br />
Quan niệm vũ trụ và nhân sinh trong thơ ca dân gian Cao Lan<br />
<br />
<br />
sinh để đoán vận may, vận rủi của con người từ lúc sinh ra (tiền vận) cho đến khi trưởng thành<br />
(trung vận) và khi về già (hậu vận). Đơn cử bài ca sau về thời sinh hợp vận cầm tinh con rồng:<br />
Tháng ba thìn sinh người thuộc rồng. . . / Thực là con rồng đã ngập nước [12;240].<br />
Đồng thời cũng có người thời sinh được xem là “nghịch vận” cầm tinh con khỉ nên nghèo<br />
khó lận đận, đồng bào có bài ca sau: Tháng bảy thân sinh nhân thuộc khỉ.../ Đêm đến ngủ ở trong<br />
hốc cây [12;241].<br />
Người Cao Lan luôn có ý thức về sự ràng buộc con người với con người về tình cảm, nghĩa<br />
vụ và quyền lợi mang tính triết lý nhân quả sâu xa, hài hòa trong lời ca tiếng hát: . . . Nước không<br />
chờ nước thì suối cạn/ Mây không chờ mây thì mây tan [12;244].<br />
Người Cao Lan đề cao ý nghĩa của việc giáo dục gia đình đối với thế hệ trẻ, trong đó có<br />
những câu ca như:<br />
Đẻ con trai không dạy được, không bằng nuôi con lừa,<br />
Đẻ con gái không dạy được, không bằng nuôi con lợn [4;168].<br />
Người Cao Lan cũng hay nói đến tình cảm và đạo lí gia đình của con cái với cha mẹ một<br />
cách tự nhiên: Làm người không được chê mẹ xấu,/ Chó nuôi không được cắn gấu chủ nhà [2;176].<br />
Người Cao Lan có nhiều bài ca đề cao công sức sinh thành của cha mẹ, trong đó có những<br />
câu như: Ca thời phụng chúc cho cha mẹ/ Bố mẹ sinh con ra đẹp như hoa. . . [12;156]<br />
Người Cao Lan quan niệm về hạnh phúc trong hôn nhân và gia đình có liên quan đến lao<br />
động, đồng bào có câu ca:<br />
Muốn có nhà cao, phải đào từng hòn đất.<br />
Muốn có vợ đẹp con khôn, phải tài giỏi hơn vợ [5;155].<br />
Song, hoạt động của con người phải thể hiện qua giới tính, hạnh phúc mỗi gia đình là ở sự<br />
phân công lao động, đồng bào có những câu ca về thiên chức của vợ chồng trong cuộc sống: Đàn<br />
ông làm nhà, đàn bà làm vải/ Nhà rách chê chồng, quần áo rách chê vợ [1;11].<br />
Trong hệ thống quan niệm nhân sinh, người Cao Lan xem con người là cái đẹp và cao quý<br />
nhất trong thế giới này, Cho nên các cô gái được ví với các loài hoa đẹp, các chàng trai được ví với<br />
núi non như núi Thái Dương, núi Pô Tô; các cụ già được ví như cây đa cổ thụ, cây thông...<br />
Con người phải biết yêu cái đẹp và trân trọng cái đẹp của thế gian này: Tay được nâng hoa<br />
không được hái/ Để mắt nhìn thôi đừng đánh rơi [1;29].<br />
Người Cao Lan đồng thời quan niệm, con người sống phải tin vào thế giới linh thiêng, và<br />
biết ơn Thần, Phật. Cầu chúc cho con người và thần linh là quan niệm sống có đạo lý của người<br />
Cao Lan thể hiện rõ trong thơ ca dân gian. Người Cao Lan mang tín ngưỡng đa thần giáo, tiêu biểu<br />
như Thần Nông và Thổ Công là những vị thần gần gũi nhất trong tâm thức của người Cao Lan. Bài<br />
ca “Phụng Thần Nông” nói lên công sức của thần và lòng biết ơn của người dân: . . . Thần Nông<br />
tạo thóc cho dân ăn/ Nuôi được nhân dân người người đẹp [12;36].<br />
Người Cao Lan coi trọng và đề cao Thổ Công bởi đây là vị Thần cai quản đất đai bản làng<br />
và nhà cửa của người dân:<br />
Ngày nay chúc cho ông Thổ Công<br />
Chúc cho Thổ Công muôn đời thịnh<br />
Thờ phụng Thổ Công được yên đẹp<br />
Bao nhiêu tai họa bị diệt trừ [12;37].<br />
Sống phải biết ơn tổ tiên, những người có công với dân với nước là quan niêm của người<br />
Cao Lan. Một số ngôi đình làng Cao Lan thờ các vị anh hùng thần thoại thời Hùng Vương và các vị<br />
<br />
<br />
119<br />
Đặng Thị Hường<br />
<br />
<br />
thủ lĩnh chống Pháp xâm lược như đình làng Ngọc Tân huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) thờ Cao Sơn,<br />
Cao Đạo, Cao Đào, đình Minh Cầm huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) thờ Thần Cao Sơn, Ất Sơn,<br />
Quý Minh giúp vua Hùng đánh tan giặc, được vua cha ban thưởng nhiều bổng lộc nhưng không<br />
màng danh lợi, họ đã hiến dâng hết tiền của cho dân; đình Giếng Tanh huyện Yên Sơn (Tuyên<br />
Quang) thờ ông Lãnh Châu thủ lĩnh chống Pháp của nhân dân xứ Tuyên. . . Đồng thời những nơi<br />
những nhân vật có công với nước với dân về dạy nghề và xây dựng văn hóa cũng được tôn làm<br />
Thành Hoàng làng và được phụng thờ nơi đình miếu. Theo quan niệm của đồng bào, các anh hùng<br />
cứu nước trợ dân khi hóa đều trở thành thần linh đi vào cõi trường tồn bất tử. Quan niệm đó rất<br />
gần gũi với tín ngưỡng của đồng bào Kinh. Vì thế mỗi nơi thờ tự đều có các danh thần được nhân<br />
dân tế lễ:<br />
Trăm năm chúc ông cho Thành Hoàng<br />
Chúc Thành Hoàng trấn bốn phương<br />
Thờ phụng Thành Hoàng được yên đẹp<br />
Bao nhiêu tai họa bị diệt trừ [12;38].<br />
Người Cao Lan quan niệm việc cầu chúc, tế lễ sẽ đem đến hạnh phúc cho con người nên<br />
đồng bào có cả hệ thống bài ca cầu chúc: Chúc các bậc thần thánh, chúc gia chủ, chúc làng bản<br />
quê hương, chúc người già, chúc cây đa cổ thụ, chúc tướng quân, chúc thầy cúng. Người Cao Lan<br />
có một loại hình văn hóa cầu chúc phản ánh trong thơ ca dân gian. Trong bài ca chúc gia chủ bao<br />
gồm: Nhà giàu, không có tang, con cái hạnh phúc, kim ngân nhiều, gầm sàn lắm gia súc. . . cho<br />
thấy rõ tính hiện thực xã hội của thơ ca dân gian. Ước vọng ấm no hạnh phúc nằm ngay trong hiện<br />
thực đời sống.<br />
Người Cao Lan rất tin vào phong thủy, họ cho rằng vị thế ngôi mộ người quá cố có liên<br />
quan đến vận mệnh và sự phát triển của con cháu về sau ở thế gian, đặt mộ ở vị trí tốt thì tương lai<br />
tốt, nên trong bài ca chúc phúc có câu: Phần mộ táng vào mạch long đẹp/ Con cháu cũng sẽ thành<br />
anh tài [12;146].<br />
Tập quán đó xuất phát từ quan niệm “sống thác song hành, âm dương nhị lộ”, đã chi phối<br />
đời sống tinh thần xã hội của dân tộc Cao Lan cũng như nhiều dân tộc Đông Nam Á. Đó là quan<br />
niệm về mối liên quan giữa sự sống và cái chết, linh hồn và thể xác, những tương tác âm dương,<br />
quá khứ với hiện tại, hiện tại với tương lai. . .<br />
Người Cao Lan cũng có quan niệm sống “có thờ có thiêng”. Đồng bào có nhiều bài ca tôn<br />
kính thần linh có lịch biểu tế thần, trong đó có câu: Ngày rằm mùng một đèn nhang sáng/ Cầu thần<br />
phù hộ được dân an [8;57].<br />
Người Cao Lan rất đề cao văn hóa, con người cần phải có học hành và học hành có kết quả<br />
để cuộc sống được hạnh phúc. Trong Sình ca đêm hát thứ nhất, các bài ca chúc mừng gia chủ đều<br />
đề cao chữ nghĩa văn chương, nhưng người xưa chưa thoát khỏi quan niệm “nam tôn nữ ti”, việc<br />
học hành chỉ nói đến con trai: Đầu tiên nói ra lời quý tử/ Sinh con trai nói có văn chương/Biết chữ<br />
không cần làm ruộng/ Thông minh nói gì cũng văn chương [12;147].<br />
Đồng bào rất đề cao tri thức văn hóa nhưng cũng rất coi trọng thực tiễn. Người Cao Lan có<br />
câu “Sách biết không hết, đường đi không cùng” [9;208], để nói khát vọng hiểu biết cuộc sống của<br />
con người là vô hạn, con người phải “học, học nữa, học mãi” như Lênin từng dạy.<br />
<br />
3. Kết luận<br />
Quan niệm vũ trụ với nhân sinh của người Cao Lan thể hiện trong thơ ca dân gian phản ánh<br />
thế giới quan của một cộng đồng dân tộc thiểu số có truyền thống văn hóa, phong tục tập quán lâu<br />
<br />
<br />
120<br />
Quan niệm vũ trụ và nhân sinh trong thơ ca dân gian Cao Lan<br />
<br />
<br />
đời và chịu chi phối của tín ngưỡng và các tôn giáo phương Đông. Sống gần gũi với cộng đồng<br />
dân tộc Kinh, Tày, người Cao Lan cũng ảnh hưởng tín ngưỡng thần thoại và tục thờ Mẫu trong dân<br />
gian của người Việt Cổ. Trong những bài ca cầu chúc thể hiện rõ ước muốn sinh con nối dõi tông<br />
đường theo quan niệm Nho giáo; các yếu tố về thời sinh tháng đẻ; quan niệm âm dương ngũ hành<br />
của triết học cổ đại phương Đông. Tín ngưỡng của người Cao Lan mang tính đa thần giáo. Quan<br />
niệm nhân sinh của đồng bào Cao Lan thể hiện tính tổng hòa của các loại hình ý thức xã hội về<br />
tín ngưỡng, đạo đức, văn hóa giáo dục vừa có bản sắc riêng vừa có sự tương đồng với các dân tộc<br />
khác.<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
<br />
[1] Ninh Văn Độ (chủ nhiệm đề tài), 2003. Bảo tồn hát sình ca dân tộc Cao Lan ở Tuyên Quang.<br />
Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Tuyên Quang.<br />
[2] Đặng Thị Hường, 2008-2014. Tập tài liệu sưu tầm và dịch thuật văn hóa, nghệ thuật Cao Lan<br />
(Phụ lục)<br />
[3] Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên, 1972. Văn học dân gian học, tập 1. Nxb Đại học và Trung<br />
học chuyên nghiệp Hà Nội.<br />
[4] Phù Ninh, Nguyễn Thịnh, 1999. Văn hóa truyền thống Cao Lan. Nxb Văn hóa dân tộc.<br />
[5] Hoàng Việt Quân, 2001. Lâm Quý hoa của núi. Nxb Văn hóa dân tộc.<br />
[6] Hùng Đình Quý, 2001, 2002, 2003. Dân ca Mông Hà Giang (Tập I, II, III). Sở Văn hóa Thông<br />
tin Hà Giang.<br />
[7] Lâm Quý, 1991. Kó Lau Slam, Truyện thơ. Sở Văn hóa Thông tin Vĩnh Phúc.<br />
[8] Lâm Quý, 2003. Xình ca Cao Lan – Đêm hát thứ nhất. Nxb Văn hóa dân tộc.<br />
[9] Lâm Quý, 2004. Văn hóa Cao Lan. Nxb Khoa học Xã hội.<br />
[10] Đặng Chí Thông, 2006. Về nghi lễ một vòng đời của người Cao Lan. Tạp chí Văn hoá Nghệ<br />
thuật, (Số 5).<br />
[11] Đặng Đình Thuận, 2005. Văn hoá dân gian của dân tộc Cao Lan làng Ngọc Tân, xã Ngọc<br />
Quan, huyện Đoan Hùng. Nxb Khoa học Xã hội.<br />
[12] Ngô Văn Trụ, 2006. Dân ca Cao Lan. Nxb Văn hoá dân tộc.<br />
<br />
ABSTRACT<br />
The cosmic and human conception in Cao Lan folk poetry<br />
Cao Lan ethnic have a folk poetry is very rich, but so far no project yet to depth study of<br />
cosmic conception and conception of life of the people. The conception of the universe, Cao Lan<br />
people’s time and space are from ancient times very naive. But human conception of the very rich<br />
people expressed through the problem: life and death, good and bad, good and evil, religion, ethics,<br />
labor, yin and yang ... All these characteristics make the ideological soul of the Cao Lan ethnic,<br />
reflected in folk poetry of Cao Lan.<br />
Keywords:Cao Lan ethnic, folk poetry, the cosmic and human conception.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
121<br />