intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Quản trị đại học trong bối cảnh tự chủ đại học tại Việt Nam

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

18
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Quản trị đại học trong bối cảnh tự chủ đại học tại Việt Nam trình bày các mô hình quản trị đại học; phần sau bài viết phân tích, thảo luận tự chủ đại học và mô hình quản trị đại học trong bối cảnh tự chủ đại học tại Việt Nam.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Quản trị đại học trong bối cảnh tự chủ đại học tại Việt Nam

  1. QUẢN TRỊ ĐẠI HỌC TRONG BỐI CẢNH TỰ CHỦ ĐẠI HỌC TẠI VIỆT NAM Nguyễn Quang Giải Nguyễn Hải Linh Phú Thị Tuyết Nga Trường Đại học Thủ Dầu Một Tóm tắt: Quản trị đại học là đòn bẩy quan trọng để cải thiện chất lượng giáo dục, theo đó để trở thành trường đại học hàng đầu đòi hỏi phải có hệ thống quản trị tốt nhằm duy trì mục tiêu, sứ mệnh giáo dục đại học. Dựa vào nguồn dữ liệu thứ cấp, ở phần đầu bài viết trình bày các mô hình quản trị đại học; phần sau bài viết phân tích, thảo luận tự chủ đại học và mô hình quản trị đại học trong bối cảnh tự chủ đại học tại Việt Nam. Từ khóa: giáo dục đại học, mô hình, quản trị đại học, tự chủ đại học, Việt Nam UNIVERSITY GOVERNANCE IN THE CONTEXT OF UNIVERSITY AUTONOMY IN VIETNAM Abstract: University governance is an important lever to improve the education quality, whereby becoming a leading university requires good governance system to maintain the goals and mission of higher education. Based on the secondary data source, at the beginning of the article, we present the university governance models, the following is the analysis and discussion of university autonomy and university governance model in the context of university autonomy in Vietnam. Key words: higher education, model, university governance, university autonomy, Vietnam 1. Dẫn nhập Xã hội càng phát triển thì nhu cầu giáo dục đại học càng cao và việc đảm bảo hệ thống giáo dục đại học được quản trị tốt ngày càng trở nên cấp thiết (World bank, 2008). Quản trị đại học (university governance) được ví, dẫu chiếc xe có tốt hoặc đẹp cỡ nào nếu việc điều khiển chúng đi sai đường thì nó cũng không thể đi đến đích muốn đến. Quản trị đại học trở thành đòn bẩy để cải thiện chất lượng giáo dục, và điều cốt lõi để trở thành trường đại học hàng đầu thế giới chính là hệ thống quản trị hàng đầu nhằm duy trì mục tiêu, sứ mệnh giáo dục đại học. Việt Nam đang chứng kiến một sự mở rộng quy mô giáo dục đại học với tốc độ trước đây chưa từng có (Paul Bryant, Phạm Thị Ly, 2007). Bên cạnh sự tăng nhanh về số lượng, thì chất lượng giáo dục đại học của quốc gia này còn yếu kém, bộc lộ nhiều hạn chế trong đó có nguyên nhân từ sự yếu kém về quản trị đại học. Các mô hình quản trị đại học chủ yếu dựa vào quyền lực nhà nước “tập trung, quan liêu, bao cấp” đang gặp phải những rào cản lớn và chúng dần được thay thế trên toàn thế giới bởi các mô hình quản trị chuyên nghiệp, phù hợp và Việt Nam không phải là một ngoại lệ. Nhận thức sâu sắc về sự hạn chế này, giáo dục đại học Việt Nam không ngừng nỗ lực đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã đặt ra nhiệm vụ đổi mới về quản trị đại học (Nghị Quyết, số 29- NQ/TW, 2013). Sử dụng nguồn dữ liệu thứ cấp, bài viết tổng quan một số mô hình quản trị đại học một số nền giáo dục tiên tiến trên thế giới và có liên hệ, đối chứng từ thực tiễn Việt Nam qua đó đề xuất mô hình quản trị đại học đáp ứng xu thế hội nhập, thúc đẩy tự chủ đại học hiện nay. 309
  2. 2. Các mô hình quản trị đại học Hiện có nhiều mô hình khác nhau về quản trị đại học. Trong bài viết này chúng tôi chỉ giới thiệu và nghiên cứu một số mô hình tiêu biểu có thể vận dụng vào thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh thúc đẩy tự chủ đại học tại Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở tổng quan về quản trị đại học của một số quốc gia trên thế giới, bước đầu có thể đề cập về các mô hình quản trị đại học sau: 1/ mô hình chính thức (formal); 2/ mô hình tập thể (collegial); 3/ mô hình tự chủ đại học (university autonomy) 4/ mô hình chính trị (political); 5/ mô hình chủ quan (subjective); 6/ mô hình mập mờ (ambiguity); 7/ mô hình văn hóa (cultural). Nhìn chung, các mô hình này có thể được áp dụng cho những thiết chế giáo dục khác nhau và ít nhiều chúng được xuất hiện và vận dụng trong bất lỳ một bộ phận của quản trị giáo dục. Về lý thuyết để phân biệt giữa các mô hình này điều đầu tiên cần dựa vào một số đặc trưng then chốt sau: 1/ mức độ đồng thuận về mục đích hay mục tiêu của một thiết chế giáo dục; 2/ ý nghĩa và giá trị pháp lí của cơ cấu tổ chức; 3/ mối quan hệ giữa thiết chế và môi trường bên ngoài; 4/ những chiến lược lãnh đạo thích hợp nhất cho một thiết chế giáo dục. Mô hình chính trị Mô hình này thừa nhận xung đột được xem là hiện tượng tự nhiên trong trường học. Phác thảo rộng của hệ thống chính trị của trường đại học có thể hình dung như sau. 1/ có một cấu trúc xã hội phức tạp, tạo ra xung đột; 2/ có nhiều hình thức quyền lực và áp lực ảnh hưởng đến những người ra quyết định; 3/ có một giai đoạn lập pháp trong đó những áp lực này được chuyển thành chính sách; 4/ và có một giai đoạn thực thi chính sách, cuối cùng tạo ra phản hồi với tiềm năng cho những xung đột mới (Baldridge, J. Victor, 1972). Mô hình quan liêu Bộ máy quan liêu từng được phát triển bởi Max Weber 1, một số học giả cho rằng quản trị đại học có thể được nghiên cứu một cách hiệu quả nhất bằng cách áp dụng mô hình quan liêu của ông vào các trường đại học (Henderson, 1960; Anderson, 1963). Quan liêu là mạng lưới của các nhóm xã hội (networks of social groups) dành riêng cho các mục tiêu hạn chế, được tổ chức để đạt hiệu quả tối đa và được quy định theo nguyên tắc “hợp pháp-hợp lý” (legal-rationality2) thay vì tình bạn, lòng trung thành với gia đình, hoặc trung thành với một nhà lãnh đạo có sức lôi cuốn. Cấu trúc quan liêu được phân cấp và gắn kết với nhau bởi các chuỗi chỉ huy và hệ thống chính thức của truyền thông. Một số đặc điểm của trường đại học phù hợp với luận điểm của Weber về bản chất của quan liêu: bổ nhiệm dựa trên các tiêu chí về năng lực; các quan chức được bổ nhiệm, chứ không được bầu; tiền lương được cố định, và được trả bởi tổ chức; thứ hạng (rank) được công nhận và tôn trọng; chức nghiệp là độc quyền, không có công việc khác được thực hiện; phong cách sống lấy tổ chức làm trung tâm; an ninh hiện diện trong một hệ thống nhiệm kỳ; tài sản cá nhân và tổ chức được tách bạch. Mô hình tập thể Mô hình này cho rằng cơ sở giáo dục không nên được tổ chức như các cơ quan quan liêu khác, thay vào đó nên cho phép sự tham gia đầy đủ của tất cả các thành viên 1 1864-1920, nhà triết học, chính trị học, kinh tế học, xã hội học người Đức. Ông được nhìn nhận là một trong bốn người sáng lập ngành xã hội học và quản trị công đương đại. 2 Quy tắc quy định và thủ tục cẩn thận. 310
  3. cộng đồng học thuật (all members of the academic community), hoặc ít nhất là giảng viên - trong hoạt động quản lý. Trong đó “cộng đồng học giả” (community of scholars) sẽ quản lý các vấn đề liên quan đến mình, ít giao dịch với những quan chức quan liêu (Martin, 1967; John Millett, 1962). Mô hình tập thể nhấn mạnh sự chuyên nghiệp hóa “profes-professionalization" của cộng đồng học thuật. Theo đó, cần phân biệt sự khác biệt giữa “năng lực chính thức” (official competence) xuất phát từ vị trí chính thức của một người trong bộ máy quan liêu và “năng lực kỹ thuật” (technical competence) xuất phát từ khả năng của một người để thực hiện một nhiệm vụ nhất định (Talcott Parsons, 1947, p.60). Tự chủ đại học và mô hình quản trị đại học tự chủ Tự chủ đại học (university autonomy) được hiểu theo nhiều cách khác nhau tùy vào nhận thức vai trò của nhà nước đối với giáo dục đại học. Đối với các nước châu Âu, tự chủ đại học được xét trên hai chiều kích chính, 1/ thoát ra khỏi sự kiểm soát, hạn chế của các cơ quan quản lý nhà nước, của thị trường lao động, nhà cung cấp dịch vụ và các ảnh hưởng chính trị; và 2/ quyền tự do đưa ra các quyết định về cách thức tổ chức hoạt động, mục tiêu sứ mạng của trường đại học. Theo Hiệp hội Quốc tế các trường đại học (IAU - International Association of Universities), tự chủ đại học là việc trường đại học được cho phép quyền tự chủ cần thiết nhằm mang lại hiệu quả giáo dục đại học về giảng dạy, tiêu chuẩn, quản lý các hoạt động liên quan phù hợp với các hệ thống trách nhiệm giải trình công khai, và tôn trọng tự do học thuật và quyền con người (IAU3, 2018, tr.25). Dù được hiểu theo nhiều cách khác nhau, tự chủ đại học vẫn có thể khái quát là sự chủ động, tự quyết định của trường đại học về một số lĩnh vực, một số mặt nào đó trong hoạt động của nhà trường. Có bốn thành tố chính được thừa nhận rộng rãi mỗi khi đề cập về tự chủ đại học được Hiệp hội các trường đại học châu Âu (EUA - European University Association, 20184) đưa ra: tự chủ về tổ chức (organisational autonomy) là quyền tự chủ của trường đại học trong việc quyết định cơ cấu tổ chức và cơ chế ra quyết định; tự chủ về tài chính (financial autonomy) là quyền tự chủ của nhà trường về quản lý và phân bổ nguồn tài chính một cách độc lập, cho phép trường huy động các nguồn lực để thực hiện các mục tiêu chiến lược của mình; tự chủ về học thuật (academic autonomy) là quyền tự chủ của nhà trường trong việc đưa ra các quyết định về học thuật trong nội bộ trường một cách độc lập nhằm đạt được những mục tiêu đề ra một cách linh hoạt; tự chủ về nhân sự (staffing autonomy) là quyền tự chủ của trường trong tuyển dụng và sử dụng nguồn nhân lực phù hợp nhất theo yêu cầu của trường. Sơ đồ. Các thành tố tự chủ đại học Tự chủ đại học Tự chủ về Tự chủ về Tự chủ về Tự chủ về tổ chức tài chính học thuật nhân sự Nguồn: EUA, 2018 3 IAU 2018, In focus academic freedom and university autonomy under threat, nguồn: https://iau- aiu.net/IMG/pdf/iau_horizons_vol.22.2.pdf. 4 Nguồn: http://www.university-autonomy.eu/. 311
  4. Mô hình quản trị đại học tự chủ. Quản trị đại học (university governance) được ví, nếu như việc điều khiển đi sai đường, cho dù chiếc xe có tốt hoặc đẹp như thế nào đi nữa thì nó cũng không thể đi đến đích muốn đến. Vì vậy quản trị đại học trở thành đòn bẩy chính để cải thiện chất lượng giáo dục, và điều cốt lõi để trở thành trường đại học hàng đầu thế giới chính là hệ thống quản trị hàng đầu nhằm duy trì mục tiêu, sứ mệnh giáo dục đại học (Anderson, G. Lester, 1963). Dựa vào mức độ kiểm soát của Nhà nước đối với trường đại học, trong Báo cáo về xu hướng toàn cầu trong quản trị đại học (Global trends in university governance) World bank đã khái quát bốn mô hình quản trị đại học, ứng với những mức độ tự chủ khác nhau, 1/ từ mô hình Nhà nước kiểm soát hoàn toàn (state control) như ở Malaysia, 2/ đến các mô hình bán tự chủ (semi-autonomous) như ở Pháp và New Zealand, 3/ mô hình bán độc lập (semi-independent) ở Singapore, và 4/ mô hình độc lập (independent) như ở Úc, Anh (World bank, 2008, tr.9). Theo báo cáo này, với mô hình Nhà nước kiểm soát hoàn toàn, cơ sở giáo dục đại học vẫn được hưởng mức độ tự chủ nhất định vì những lý do tài chính và thực tiễn, mặc khác Nhà nước dù có muốn cũng không thể kiểm soát được tất cả các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học. Bên cạnh đó, ngay trong mô hình độc lập vẫn có những mặc định ngầm về quyền của Nhà nước nắm giữ một số kiểm soát, ít nhất là về mặt chiến lược và yêu cầu tính giải trình đối với cơ sở giáo dục đại học. Như vậy rõ ràng có thể thấy, mức độ kiểm soát của Nhà nước tỷ lệ nghịch với mức độ tự chủ của cơ sở giáo dục đại học. Theo đó, mức độ kiểm soát của Nhà nước càng lớn thì mức độ tự chủ của cơ sở giáo dục đại học càng thấp và ngược lại. Và cũng cần lưu ý rằng có một xu hướng quốc tế mạnh mẽ để tăng mức độ tự cho các tổ chức công bằng cách biến chúng thành các tổ chức độc lập, tự quản theo mô hình bán độc lập hoặc mô hình độc lập (World bank, 2008, tr.11). Sự hoán ngôi này có được là do sự dịch chuyển, thay đổi thể chế từ mô hình quản trị: từ một hệ thống kiểm soát nhà nước sang giám sát nhà nước. Xem xét mối tương quan giữa tự chủ đại học và quản trị đại học EUA cho rằng quản trị đại học liên quan chặt chẽ với tự chủ đại học và tự do học thuật (academic freedom) và trách nhiệm thể chế (institutional accountability) (EUA, 2018). Trong đó tự do học thuật thường được bàn luận nhiều nhất mỗi khi đề cập về tự chủ đại học và quản trị đại học. Điều này cũng dễ hiểu, vì một trong những mục tiêu và sứ mệnh quan trọng của trường đại học là đào tạo, nghiên cứu và giảng dạy. Tự do học thuật là quyền của các học giả theo đuổi nghiên cứu, giảng dạy, và xuất bản mà không có sự kiểm soát hoặc kiềm chế từ các tổ chức sử dụng chúng. Một lưu ý, tự do học thuật không phải là một khái niệm tuyệt đối; nó có giới hạn và đòi hỏi trách nhiệm giải trình, và nếu không có nó, các trường đại học không thể hoàn thành một trong những chức năng chính của mình. 3. Quản trị đại học theo hướng tự chủ - những gợi mở đối với Việt Nam Các nghiên cứu về mô hình quản trị đại học thường tập trung vào mối quan hệ hay mức độ kiểm soát của Nhà nước đến cơ sở giáo dục đại học, theo đó mức độ tự chủ đối với cơ sở giáo dục đại học giữa các quốc gia là rất khác, vì tự chủ đại học thường chịu ảnh hưởng, quy định và tác động của thể chế chính trị, hình thái lịch sử, kinh tế, xã hội mang nét đặc thù của từng quốc gia. Bảng so sánh sau đây cung cấp bức tranh tổng quát và súc tích về sự khác biệt, tính ưu việt của mô hình quản trị tự chủ so với quản trị không tự chủ. Theo đó ưu việt của quản trị đại học tự chủ so với quản trị không tự chủ được thể hiện rõ nhất về đặc điểm hoạt động và nguyên tắc quản trị của nhà trường (Bảng). 312
  5. Bảng. So sánh đặc điểm và nguyên tắc quản trị tự chủ và không tự chủ Đặc điểm và nguyên Quản trị tự chủ Quản trị không tự chủ tắc -Sứ mạng tuyên bố -Áp đặt chức năng, nhiệm vụ -Phát huy nội lực, khai thác ngoại lực -Kiềm chế nội lực, quản trị ngoại Đặc điểm -Liên tục đổi mới lực hoạt động -Quản ltrị theo hiệu quả và thích ứng -Chậm đổi mới giáo dục với bối cảnh -Quản trị theo quy chuẩn cứng -Chú trọng chất lượng nhắc, chậm thích ứng -Chú trọng số lượng5 Nguyên lý đa chiều đồng thuận Nguyên lý tổ chức theo tiêu Có thể có nhiều cách để đạt mục tiêu, chuẩn nhấn mạnh tính mềm dẻo, linh hoạt, Dùng phương pháp tiêu chuẩn, thủ pháp linh động trình tự để đạt tới mục tiêu; nhấn mạnh tính thông dụng có thể áp Trao quyền hạn, trách nhiệm cho cơ dụng ở mọi nơi sở Tập trung quyền lực ở cấp trên Khi nảy sinh vấn đề thì kịp thời giải Cấp trên sẽ lo chế ngự mọi việc quyết ngay tại cơ sở lớn nhỏ Không ngại nảy sinh vấn đề Tránh nảy sinh vấn đề Nguyên tắc Chú trọng hiệu suất và khắc phục Chú trọng khống chế quá trình quản trị khó khăn nhà trường Trường học là một hệ thống tự quản Nhà trường chỉ là một hệ thống chấp hành Cơ sở tự quản trị Khống chế từ bên ngoài Chủ động khai thác Bị động chấp nhận Tự chịu trách nhiệm Không chịu trách nhiệm Coi trọng tính tích cực của con Coi trọng tính tuân thủ người Cung cấp nhân lực từ bên ngoài Phát triển nguồn nhân lực nội tại Giám sát quản trị từ bên ngoài Các thành viên của trường đều tham Khống chế đầu vào và đầu ra dự Luôn cải tiến nội bộ Nguồn: Y.C.Cheng 1993, tr.14. Nhờ nguyên tắc, đặc điểm và hiệu quả vượt trội của mô hình quản trị đại học tự chủ so với không tự chủ nên xu hướng chung thế giới hiện nay là chuyển dần từ mô 5 Đây cũng là hiện trạng của giáo dục đại học Việt Nam, cách đây vài năm khi trả lời chất vấn trước quốc hội tại sao tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp không tìm được việt làm ngày càng cao? Người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thừa nhận giáo dục đại học chỉ mới chú trọng đến số lượng. 313
  6. hình Nhà nước kiểm soát sang mô hình có mức độ tự chủ cao hơn, từ nhà nước kiểm soát hoàn toàn (state control) sang nhà nước giám sát (state supervison). Nhưng cũng cần lưu ý rằng ở một số nước phát triển vẫn tồn tại song song các trường đại học được trao quyền tự chủ tuyệt đối và các trường vẫn phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước. Từ những thảo luận, phân tích về các mô hình quản trị đại học, đặc biệt hô hình quản trị đại học theo hướng tự chủ vừa được trình bày ở trên là cơ sở lý luận, tham chiếu quan trọng có thể vận dụng vào thực tiễn, trong bối cảnh thúc đẩy tụ chủ đại học tại Việt Nam. Cụ thể: Trao quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình. Tự chủ đại học được xuất hiện từ sau khi Luật Giáo dục năm 2005 được ban hành. Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường thực hiện sự tự chủ - tự chịu trách nhiệm trong các trường đại học. Theo đó, phải gắn liền với “ba công khai” - cam kết về chất lượng giáo dục; các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; thu chi tài chính. Văn bản này thừa nhận, giáo dục - đào tạo đại học được quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Đây là bước ngoặc quan trọng để giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục đổi mới đáp ứng cấp bách cuộc sống. Tinh thần chung quản trị đại học của nền giáo dục phát triển là trao quyền cho trường đại học tự chủ và trách nhiệm giải trình (University of Colombo, 2015, tr.10). Việt Nam hiện nay cũng đang đi theo định hướng này và bước đầu đã có khoảng 20 trường đi theo mô hình này và hầu hết thành công6. Tuy nhiên đứng về mặt quản lý vĩ mô thì Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn đứng ra kiểm soát và đôi khi kiểm soát quá sâu. Theo xu hướng chung Bộ Giáo dục và Đào tạo nên “buông” để các trường đại học tự chủ và phát triển. Xóa trình trạng: Tự chủ đại học “chỗ này mở, chỗ kia đóng”. Tự chủ đại học tại Việt Nam hiện theo kiểu chỗ này mở chỗ kia đóng. Năm 2012, Luật Giáo dục Đại học được ban hành7. Theo đó, quyền tự chủ đại học được tái khẳng định, trao quyền và quy định đầy đủ và khá cụ thể về mức độ tự chủ. Theo Điều 32 của Luật này, “Cơ sở giáo dục đại học tự chủ trong các hoạt động chủ yếu thuộc các lĩnh vực tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học”. Về học thuật, lần đầu tiên các trường được tự chủ xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh; tự in phôi bằng, cấp bằng cho tất cả các trình độ mà trường đào tạo. Đây là một bước tiến trong tư duy quản trị đại học. Tuy nhiên, Điều 32, gần như bị triệt tiêu bởi Điều 20, Điều 32 quy định về quyền tự chủ của cơ sở giáo dục như được đề cập ở trên với phạm vi rất rộng trùm lên mọi lĩnh vực, một cái áo vừa to vừa đẹp cho cơ chế giáo dục đại học thế nhưng rất nhiều điều khác trong Luật này thì lại kéo cái áo ấy đến mức tối đa (Phạm Thi Ly, 2017). Cụ thể, quyền tự chủ về tổ chức nhân sự, trong đó điểm quan trọng nhất là lựa chọn lãnh đạo nhà Trường, ngay lập tức gần như bị triệt tiêu với Điều 20, “Hiệu trưởng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc công nhận”8. Điều này áp dụng cho trường công lẫn trường tư. Ở cấp độ nhà trường, việc tổ chức nhân sự cũng bị ràng buộc bởi Luật cán bộ công chức, Luật 6 Tại TP. Hồ Chí Minh có Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, Đại học Tôn Đức Thắng. 7 Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, Kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2012. 8 Điều 20. Hiệu trưởng, Luật Giáo dục Đại học 2012, Luật số 08/2012/QH13, ngày 18/06/2012. 314
  7. viên chức trong khi lẽ ra chỉ cần tuân thủ Luật lao động là đủ (Phạm Thi Ly, 2017). Tương tự, vấn đề tự chủ tài chính, khi dẫn chiếu tới các luật như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Phí và lệ phí, Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư và các luật thuế, thì hầu như các bộ luật này đều không có những quy phạm cho phép thực hiện những sáng kiến đổi mới về mặt tài chính của các trường công lập. Trước những bất cập và hạn chế của Luật Giáo dục Đại học năm 2012, ngày 19 tháng 11 năm 2018 Quốc hội đã ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học9 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Xuyên xuốt các điều của luật này là tính tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học. Theo đó, những bất cập của Điều 20, Điều 32 của Luật Giáo dục đại học năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, “Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định và được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận” (Điều 20. Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học). Bên cạnh sự “cởi trói” về tổ chức bộ máy và nhân sự đảm bảo để hội đồng trường có thực quyền trong việc quyết định về tổ chức bộ máy; quyết định nhân sự, tiêu chuẩn hiệu trưởng, tiêu chuẩn các chức danh quản lý … những vấn đề tài chính, hoạt động chuyên môn cũng được trao quyền. Một thực tế, hoạt động tự chủ đại học Việt Nam đang chịu sự quản lý từ nhiều Luật; và Bộ Ngành. Về luật bao gồm, Luật Giáo dục, Luật số 34, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo hiểm xã hội và các luật về thuế, tài chính; các nghị định của Chính phủ, điều lệ trường đại học và rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Do đó, dù Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học là cơ sở pháp lý về tự chủ đại học nhưng rất cần sự đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp khác giữa các bộ ngành thì việc triển khai, áp dụng luật mới thật sự có hiệu quả - xóa trình trạng “cởi chỗ nọ, trói chỗ kia”. Sự mạng trường đại học để nhà trường tự quyết định. Đối với cơ sở giáo dục đại học, việc xác định sứ mạng đóng vai trò quan trọng cho sự tồn tại, quyết định hướng phát triển và khả năng cạnh tranh của mỗi trường. Thế nhưng, theo quy định của Luật Giáo dục Đại học năm 2012, cũng như những văn bản dưới luật hiện hành của Việt Nam việc phát triển trường theo định hướng10 nào đều do các nhân tố ngoài trường quyết định là chính. Theo Luật Giáo dục Đại học năm 2012, cơ sở giáo dục đại học được phân tầng 1/ đại học định hướng nghiên cứu; 2/ đại học định hướng ứng dụng; 3/ đại học định hướng thực hành11; và mỗi tầng lại gồm các hạng, và căn cứ vào kết quả xếp hạng, cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền quyết định ưu tiên đầu tư, giao nhiệm vụ và cơ chế quản lý đặc thù đối với cơ sở giáo dục đại học. Theo Luật này, trường đại học định hướng nghiên cứu xếp tầng cao nhất; trường đại học định hướng thực hành xếp vị trí thấp nhất; tầng trên tầng dưới có quyền lợi khác nhau. Điều này dẫn đến, mục tiêu và định hướng phát triển trường dễ bị chi phối vì lợi ích. Thực tiễn cho thấy nhiều trường đã cố “ghi danh” cho được là đại học định hướng nghiên cứu12. Nhưng tiêu chuẩn phân tầng cơ sở giáo dục đại học lại do Chính phủ quy định.8 Điều 9 Luật số: 34/2018/QH14 (gọi tắt Luật số 34). 10 Nghiên cứu, ứng dụng hay vừa nghiên cứu vừa ứng dụng. 11 Khoản 4 Điều 9, Luật Giáo dục Đại học. 12 Hầu hết các trường, kể cả những trường ngoài công lập mà trụ sở, giảng đường còn phải đi thuê, giảng viên cơ hữu chỉ trong khoảng 50 người, đều xác định là trường đại học định hướng nghiên cứu, nguồn: http://tiasang.com.vn/-giao-duc/tu-chu-dai-hoc-thuc-trang-va-giai-phap-7739. 315
  8. này nghĩa là sứ mạng của trường không còn phụ thuộc vào nguyện vọng của những người sáng lập và tập thể nhà trường nữa (Nguyễn Minh Thuyết, 2014). Nâng cao vị thế Hội đồng Trường. Để thực hiện tự chủ và tự do học thuật một cách đầy đủ, cần tổ chức và thực hiện tốt mô hình Hội đồng trường13 và Hội đồng quản trị14. Vấn đề này đã được quy định ở Luật Giáo dục (2005), Điều lệ trường đại học (2003, 2014) và Điều lệ trường cao đẳng (2009). Tuy vậy, theo Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo15, sau gần 10 năm thực hiện các quy định tại các văn bản trên, chỉ có 10/188 trường đại học thành lập Hội đồng trường, mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, nhắc nhở nhiều nhưng các trường vẫn không thành lập, vì cho rằng không cần thiết, không hiệu quả. Những rào cản trong việc thành lập và hoạt động của Hội đồng trường, theo Bộ này chủ yếu là do16: 1/ có sự trùng lặp, chưa phân định rõ ràng phạm vi, trách nhiệm, thẩm quyền và mối quan hệ giữa Đảng ủy-Ban Giám hiệu-Hội đồng trường; 2/ hoạt động của Hội đồng trường gặp nhiều lúng túng về nội dung, phương pháp và nặng về hình thức; 3/ các thành viên Hội đồng trường không có quyền lợi, trách nhiệm và quyền hạn cụ thể, các thành viên là người ngoài trường ít tham gia các hoạt động của Hội đồng trường và các cuộc họp Hội đồng trường. Theo nhận định của VED (Vietnam Education Dialogue) - nhóm đối thoại giáo dục Việt Nam do Ngô Bảo Châu chủ trì “Ở một nghĩa nào đó, hơn 330 trường đại học và cao đẳng công lập ở Việt Nam chưa có “chủ” thực sự. Hiện tại, một số đại học (công lập) ở Việt Nam đã có Hội đồng trường, nhưng số lượng ít và những hội đồng đang tồn tại chủ yếu chỉ có chức năng tham vấn” (VED, 2010). 4. Kết luận Có nhiều mô hình quản trị đại học và khi nghiên cứu về chúng người ta thường tập trung vào mức độ kiểm soát của Nhà nước đến cơ sở giáo dục đại học, theo đó mức độ tự chủ đối với cơ sở giáo dục đại học giữa các quốc gia là rất khác nhau. Các mô hình quản trị đại học chủ yếu dựa vào quyền lực nhà nước “tập trung, quan liêu, bao cấp” đang tỏ ra không bền vững và chúng dần được thay thế bởi các mô hình dựa vào sứ mệnh nhà trường “tập thể, dân chủ, tự chủ”. Để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đáp ứng xu thế hội nhập và phát triển Việt Nam cần tham khảo và lựa chọn mô hình quản trị đại học phù hợp. Nỗ lực thực hiện thành công tự chủ đại học và chuyển đổi mô hình quản trị đại học từ nhà nước quản trị sang nhà nước giám sát; từ nhà nước bao cấp đại học sang tự chủ đại học gắn với tự chịu trách nhiệm. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Baldridge, J. Victor. (1971). Models of University Governance: Bureaucratic, Collegial, and Political. Published by the Stanford Center for Research and Development in Teaching (Stanford University). 13 Đối với trường công. 14 Đối với trường ngoài công lập. 15 Báo cáo giải, trình tiếp thu ý kiến thẩm định (bổ sung) của Bộ Tư pháp về Dự thảo Luật Giáo dục Đại học (số 903/BC-Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 25/8/2011). 16 Bộ Giáo dục và Đào tạo 2011. 316
  9. 2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng. (2013). Nghị Quyết số 29-NQ/TW Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, ngày 04/11/2013 “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hoc trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. 3. Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2016). Báo cáo “Tổng kết việc thực hiện Nghị định số 115/2010/NĐ-CP, ngày 24/12/2010 của Chính Phủ Quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục”. 4. Cheng, Y.C. (1993). “A New Direction for Educational Reforms in the 21st Century: Hong Hong Kong and International Contexts”., ngày truy cập 6/9/2020. Địa chỉ https://files.eric.ed.gov/fulltext/ED402687.pdf . 5. EUA. (2018). University Autonomy in Europe, ngày truy cập 6/9/2020. Địa chỉ http://www.university-autonomy.eu/. 6. IAU. (2018). In focus Academic Freedom and University Autonomy under Threat, ngày truy cập 6/9/2020. Địa chỉ https://iau- aiu.net/IMG/pdf/iau_horizons_vol.22.2.pdf. 7. Nguyễn Minh Thuyết. (2014). “Tự chủ đại học – Thực trạng và giải pháp”. tại Diễn đàn thường niên Đối thoại Giáo dục Việt Nam lần thứ nhất với chủ đề Cải cách giáo dục đại học ở Việt Nam, ngày 31/07 và 01/08/2014 tại TP. Hồ Chí Minh. 8. Paul Bryant, Phạm Thị Ly. (2007). “Một vài nhận xét so sánh về quản lý trường đại học ở Hoa Kỳ và ở Việt Nam”. Báo cáo tại Hội nghị Giáo dục Quốc tế và So sánh do Trung tâm Nghiên cứu và Giao lưu Văn hóa Giáo dục Quốc tế, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức năm 2007. 9. Quốc hội. (2005). Luật Giáo dục năm 2005. Luật số 38/2005/QH11. 10. Quốc hội. (2012). Luật Giáo dục Đại học năm 2012. Luật số 08/2012/QH13. 11. Quốc hội. (2018). Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học. Luật số 34/2018/QH14. 12. Tony Bush. (2010). Theories of Educational Leadership and Management (Fourth Edition). London: Publisher SAGE Publications Ltd. 13. University of Colombo. (2015). University Governance, Autonomy and Accountability: Directions for Change, ngày truy cập 20/02/2020. Địa chỉ http://www.cmb.ac.lk/wp-content/uploads/University-Governance-Autonomy- Book-for-web-2_Name-Corrected.pdf. 14. Vietnam Education Foundation - VEF (Nhiều tác giả). (2017). Báo cáo cập nhật giáo dục đại học “Những quan sát về giáo dục đại học trong các ngành khoa học nông nghiệp, kỹ thuật xây dựng, khoa học máy tính, điện - điện tử - viễn thông, khoa học môi trường, vật lý và giao thông vận tải tại mố số trường đại học Việt Nam”. 15. World Bank. (2008). Global Trends in University Governance, ngày truy cập 5/9/2020. Địa chỉ http://www.university-autonomy.eu/. 317
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2