intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Quản trị đại học trong bối cảnh tự chủ - Khuyến nghị chính sách cho Việt Nam

Chia sẻ: Phó Cửu Vân | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

5
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Quản trị đại học trong bối cảnh tự chủ - Khuyến nghị chính sách cho Việt Nam" nhằm làm rõ cơ sở lý luận, phân tích kinh nghiệm thực tiễn của Anh và Trung Quốc về quản trị đại học theo hướng cơ chế tự chủ. Vì vậy, bài viết đề xuất những hàm ý chính sách nhằm hoàn thiện mô hình quản trị đại học tự chủ cho Việt Nam. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Quản trị đại học trong bối cảnh tự chủ - Khuyến nghị chính sách cho Việt Nam

  1. QUẢN TRỊ ĐẠI HỌC TRONG BỐI CẢNH TỰ CHỦ - KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH CHO VIỆT NAM Bùi Hữu Toàn1 Học viện Ngân hàng Abstract For the past few years, autonomy in higher education in Vietnam has made new strides, reflected in the guidelines and policies of the State as stipulated in legislative documents. Yet the autonomy of universities has not made significant changes as expected, due to institutional difficulties and limitations in governance capacity. of schools. This paper seeks to clarify the theoretical background, analyze the practical experience of the UK and China on university governance towards the autonomy mechanism. Therefore, the paper suggests policy implications for completing a university governance model autonomy for Vietnam. Keywords: university governance; university autonomy, academic autonomy organization autonomy, financial autonomy Tự chủ đại học là một trong những chủ đề đang được các nhà hoạnh định chính sách, các nhà nghiên cứu và các trường đại học đặc biệt quan tâm trong giai đoạn hiện nay. Tự chủ đại học được coi là xu thế phát triển tất yếu, là điều kiện cần và đủ để các trường đại học tồn tại và phát triển trong xu thế cạnh tranh và hội nhập. Một số trường đại học thí điểm tự chủ đã cho thấy một số thành công đáng ghi nhận nhưng bên cạnh đó là không ít khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện tự chủ. Bài nghiên cứu được cấu trúc thành ba phần. Phần 1 của bài nghiên cứu tập trung nhằm làm rõ cơ sở lý thuyết về quản trị đại học hướng đến cơ chế tự chủ. Tiếp theo, bài nghiên cứu đi sâu phân tích kinh nghiệm thực tiễn của Anh và Trung Quốc về quản trị đại học (QTĐH) hướng đến cơ chế tự chủ. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất một số khuyến nghị chính sách dưới góc độ pháp lý nhằm hoàn thiện mô hình QTĐH hướng tới tự chủ tại Việt Nam. 1. CƠ SỞ LÝ THUYẾT VỀ QUẢN TRỊ ĐẠI HỌC HƯỚNG ĐẾN CƠ CHẾ TỰ CHỦ 1.1. Tự chủ đại học Quyền tự chủ đại học (TCĐH) được định nghĩa là quyền tự do để trường điều hành các công việc của mình nhằm đạt được sứ mệnh và mục tiêu của mình (Pandey, 2004) mà không cần sự chỉ đạo hoặc ảnh hưởng từ bất kỳ cấp chính quyền nào. Nội dung quyền tự chủ của các trường đại học còn tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh của mỗi quốc gia đặc điểm truyền thống dân tộc, thể chế xã hội và tuân thủ các nguyên tắc phân giao. Nhìn chung quyền tự chủ cơ bản đại học bao gồm 8 lĩnh vực cơ bản: (1) Tự chủ về quản trị và cơ cấu tổ chức; (2) Tự chủ về chương trình và phương pháp giảng dạy; (3) Tự chủ về đảm bảo chất lượng; (4) Tự chủ về hoạt động khoa học và công nghệ; (5) Tự chủ về tuyển sinh và đào tạo; (6) Tự chủ về nhân sự; (7) Tự chủ về tài chính; và (8) Tự chủ trong quan hệ 1 toanbh@hvnh.edu.vn 182
  2. quốc tế (De Boer và cộng sự, 2010) [6]. Bên cạnh đó, quyền tự chủ còn phải đi đôi với trách nhiệm giải trình. Theo Pandey (2004) [13], tại các trường đại học, quyền tự chủ lớn hơn có nghĩa là có trách nhiệm giải trình cao hơn với xã hội. Các trường đại học tự chủ đòi hỏi phải chứng minh tính hiệu quả của nhà trường và thực hiện các cuộc kiểm toán công khai, minh bạch. Bên cạnh vấn đề về TCĐH, hướng đến tự chủ cũng là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm. Hướng đến tự chủ được Askling và cộng sự (1999) [1] đề cập tới là khả năng của một trường đại học thực hiện các hoạt động trong “một phạm vi được cho phép bởi các cấp chính quyền”. Cũng thảo luận về vấn đề này, Berdahl (1990) [2] phân loại tự chủ thành hai loại: (i) tự chủ toàn phần và (ii) tự chủ trong khuôn khổ. Trong đó, tự chủ toàn phần là việc các trường đại học có quyền xác định các mục tiêu và kế hoạch hành động của riêng mình. Tự chủ trong khuôn khổ là việc các trường đại học có quyền xác định các phương thức thực hiện để đạt được các mục tiêu được đề ra. Như vậy, vấn đề tự chủ trong khuôn khổ do Berdahl (1990) [2] đề xuất có nhiều điểm tương đồng của hướng tới tự chủ như Askling và cộng sự (1999) [1] đề cập. 1.2. Quản trị đại học Vught và Boer (2015) [16] định nghĩa quản trị là một tập hợp các hành động, giả định và hướng dẫn cần tuân thủ khi một chủ thể trong xã hội thực hiện các mục tiêu mà chính phủ đặt ra và bằng các công cụ sẵn có được chính phủ quy định. Quản trị sẽ cung cấp cung cấp một bộ khung phân tích chung để tìm hiểu và giải quyết mọi vấn đề (De Boer và cộng sự, 2007) [5]. Tương tự, Hussin và Asimuran (2010) [8] nhận định rằng quản trị đại học (QTĐH) đề cập đến quá trình ban hành các quy định và chính sách của trường đại học dựa trên khuôn khổ pháp luật, từ đó, trao quyền cho ban lãnh đạo trường đại học. QTĐH là việc quản lý và dẫn dắt trường đại học đạt được tầm nhìn và mục tiêu nâng cao tri thức xã hội thông qua các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu. QTĐH phải đáp ứng nhu cầu của nhiều bên liên quan, đặc biệt là sinh viên, học giả, ngành công nghiệp và chính phủ. QTĐH không phải là kiểm soát mà là về việc cung cấp các cơ hội, cơ sở vật chất và nguồn lực để đảm bảo sự phát triển và bền vững hơn (Hussin và Asimiran, 2010) [8]. Các tác giả này đã nhấn mạnh rằng QTĐH không có phương thức tồn tại vĩnh viễn mà sẽ thay đổi theo nhu cầu của xã hội và xu hướng của toàn cầu. Như vậy, QTĐH được hiểu là việc quản lý của trường đại học với một bộ khung quy định các nguyên tắc dựa trên quy định của pháp luật nhằm giúp trường đại học thực hiện được các mục tiêu và sứ mệnh đặt ra. QTĐH bao gồm quản lý các mối quan hệ giữa các bên nhà nước – người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học - giảng viên và cán bộ. Westerheijden (2018) [18] cho rằng QTĐH có hai vấn đề chính là quản trị hành chính và quản trị chuyên môn. Quản trị hành chính bao gồm các thủ tục và điều kiện hoạt động (tổ chức, chất lượng, tài chính…), Quản trị chuyên môn liên quan đến các vấn đề chương trình đào tạo, nội dung đào tạo. Quản trị thủ tục hành chính sẽ ảnh hưởng đến trường đại học thông qua lãnh đạo của trường trong khi quản trị chuyên môn sẽ ảnh hưởng trực tiếp. 183
  3. Hình 1: QTĐH (Nguồn: Westerheijden, 2018) [18] 1.3. QTĐH hướng đến tự chủ QTĐH truyền thống là phương thức quản trị mà nhà nước sẽ kiểm soát chặt chẽ mọi quyết định hành chính và tài chính của trường đại học. Đồng thời, các trường đại học phải tuân thủ mọi quy định liên quan đến quy mô, chương trình đào tạo, nhân sự… Ở một số quốc gia, các cơ sở hạ tầng của trường đại học cũng được coi là tài sản của quốc gia, mọi quyết định thay thế, sửa chữa đều cần được báo cáo với cơ quan quản lý trung ương. Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định QTĐH với việc kiểm soát chặt chẽ bằng các biện pháp chính trị sẽ khiến trường đại học trở nên kiệt quệ về mặt trí tuệ, học thuật và tiến bộ tri thức. Vì vậy việc tự chủ và tự do theo đuổi tất cả các lĩnh vực kiến thức và phát triển là vô cùng quan trọng đối với một trường đại học (Hussin và Asimiran, 2010) [8]. Khác với QTĐH truyền thống khi các quyết định của lãnh đạo các trường đại học dựa trên các quy định, lợi ích của các cơ quan quản lý, QTĐH tự chủ là việc các lãnh đạo đưa ra các quyết định dựa trên các vấn đề của tổ chức và các bên có liên quan (Bleilkie và Kogan, 2007) [3]. Hay nói cách khác, các nhà lãnh đạo của các trường đại học chịu ít sự can thiệp từ các cơ quan quản lý trong hoạt động của nhà trường. Bàn về vấn đề QTĐH hướng tới tự chủ, Mai Đăng Khoa (2016) [10] nhận định rằng QTĐH hướng tới tự chủ là quá trình xây dựng và tập hợp các quy tắc, hệ thống nhằm tự quản lý và kiểm soát toàn bộ hoạt động của trường đại học theo đúng pháp luật của nhà nước. Quan điểm này cũng được tác giả Lê Chi Lan (2021) [9] đồng tình, tác giả lần nữa khẳng định QTĐH hướng tới tự chủ là quyền tự quản lý các công việc của nhà trường theo đúng quy định pháp luật. Lê Chi Lan (2021) [9] cũng đề xuất để hoạt động quản trị đại học hướng tới tự chủ đạt hiệu quả thì ban lãnh đạo (bao gồm gồm Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban Giám hiệu) cần xác lập mục tiêu chiến lược dựa trên sứ mạng, tầm nhìn và của trường đại học. Sau đó, ban lãnh đạo tiến hành hoạch định các chủ trương chính sách, đề ra chương trình hành động với các nội dung cụ thể, rõ ràng. Đặc biệt, ban lãnh đạo cũng cần chú trọng đến việc phân quyền và thực thi, thiếp lập mối quan hệ về lợi ích và trách nhiệm trong nội bộ. 184
  4. Hình 2: Mô hình QTĐH hướng đến tự chủ (Nguồn: Lê Chi Lan, 2021) [9] 2. KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VỀ QTĐH HƯỚNG TỚI TỰ CHỦ QTĐH hướng tới tự chủ là xu hướng tất yếu trên thế giới. Theo Li (2020) [15], có 4 mô hình QTĐH phân theo cấp độ tự chủ, bao gồm mô hình nhà nước quản lý, mô hình bán tự chủ, mô hình bán độc lập, và mô hình độc lập. Nhằm đưa ra những khuyến nghị phù hợp với thực trạng Việt Nam hiện nay, nghiên cứu này lựa chọn hai quốc gia điển hình ở các mức tự chủ khác nhau là Trung Quốc với quá trình chuyển đổi từ mô hình nhà nước quản lý sang mô hình tự chủ cao hơn và Anh với mô hình độc lập để nghiên cứu sâu. 2.1. Bối cảnh chuyển đổi QTĐH tại các quốc gia 2.1.1. Trung Quốc Trước năm 1990, các cơ sở giáo dục đại học của Trung Quốc được định nghĩa là các khu vực công trực thuộc các cơ quan chính phủ. Vào thời điểm đó, các cơ sở giáo dục đại học chịu sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền các cấp và không có quyền tự chủ về thể chế. Chế độ tập trung này được đặc trưng bởi: (i) một hệ thống sở hữu nhà nước duy nhất (ii) trách nhiệm và nghĩa vụ mơ hồ giữa các tổ chức và chính phủ; (iii) phân phối tài nguyên theo mệnh lệnh và lập kế hoạch (Tao, 2020) [14]. Kể từ 1990, mô hình QTĐH kiểu cũ do nhà nước quản lý đã chuyển dần sang mô hình Hệ thống trách nhiệm giải trình của hiệu trưởng dưới sự quản lý của Nhà nước, cùng với các phong trào toàn quốc về phi tập trung hóa, đại chúng hóa, thương mại hóa và quốc tế hóa hệ thống giáo dục đại học. Mô hình quản trị này khác ở chỗ nó đã kết hợp một số giá trị và chuẩn mực chính của quyền tự trị phương Tây, đồng thời phục vụ và thúc đẩy lợi ích của nhà nước. 185
  5. Với quá trình tập trung hóa trong những năm gần đây, miễn là tầm nhìn chính trị và sứ mệnh của trường đại học phù hợp với lợi ích ý thức hệ và nhiệm vụ của Đảng, trường đại học có thể được hưởng quyền tự do tự làm chủ không giới hạn. Tự chủ trở thành giá trị cốt lõi và chuẩn mực QTĐH. Điều này đã tạo ra nhiều không gian và động lực cho các cơ sở giáo dục đại học của Trung Quốc quản lý và phát triển đa dạng (Li, 2020) [15]. 2.1.2. Anh TCĐH của các trường đại học là một trong những quyền được các quốc gia Châu Âu coi trọng. Chính sách phát triển giáo dục các nước Châu Âu hướng tới đảm bảo quyền tự chủ của các trường, khuyến khích đa dạng hóa nguồn tài chính, giảm vai trò quản lý nhà nước. Tại Anh, các quy định về QTĐH ngày càng được hoàn thiện để nâng cao quyền tự chủ cho các trường. Theo đó, Anh dỡ bỏ kiểm soát số lượng sinh viên cho các trường đại học từ 2015/16; giảm đáng kể gần 70% nguồn tài trợ công cho việc giảng dạy ở Anh do mức trần học phí đối với sinh viên Cử nhân/đại học tăng lên; ban hành phương pháp đảm bảo chất lượng mới từ năm 2016/17 bao gồm trọng tâm mới về giảng dạy xuất sắc (EUA, 2017) [7]. Theo bảng xếp hạng tự chủ giáo dục đại học của các nước Châu Âu, Anh xếp hạng thứ 1 trong tự chủ về tổ chức; thứ 3 về tự chủ tài chính; thứ 2 về tự chủ biên chế, nhân sự và thứ 3 về tự chủ học thuật. Điều này cho thấy các trường đại học ở Anh có quyền tự trị cao (Nguyễn Kiều Duyên, 2021) [11]. 2.2. Nghiên cứu so sánh QTĐH tại các quốc gia Để đánh giá mức độ tự chủ trong công tác QTĐH, OECD (2003) [12] xác định trên 8 khía cạnh: (1) sở hữu cơ sở vật chất, (2) huy động nguồn vốn, (3) chi tiêu, (4) nội dung giảng dạy, (5) tuyển dụng và sa thải, (6) lương, (7) quy mô tuyển sinh và (8) học phí. Trong khi đó, Hiệp hội các trường đại học Châu Âu (EUA) đưa ra khung phân tích gồm 4 khía cạnh là: (1) tổ chức bộ máy và nhân sự, (2) tài chính, (3) Nhân sự, (4) Học thuật (Đào Trọng Thi, 2020) [4]. Nghiên cứu này dựa vào khung phân tích của EUA để đánh giá QTĐH tại các quốc gia nghiên cứu. 2.2.1. Về tổ chức bộ máy Tự chủ về bộ máy tổ chức ở hai quốc gia có sự khác biệt nhất định. Tại Trung Quốc, các cơ sở giáo dục đại học do chính quyền trung ương tài trợ trực tiếp thường nằm dưới sự lãnh đạo của chính phủ hoặc các bộ khác, do Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm soát ở cấp quốc gia. Tương tự, các cơ sở giáo dục đại học được tài trợ bởi các tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương (phần lớn các cơ sở giáo dục đại học của Trung Quốc) được quản lý bởi các phòng giáo dục cấp tỉnh hoặc thành phố, do ĐCSTQ lãnh đạo ở cấp tỉnh hoặc thành phố. Trong trường hợp của các cơ sở giáo dục đại học tư nhân, cơ quan quản lý mang tính tư vấn và mang tính tượng trưng hơn là do ĐCSTQ lãnh đạo, vì vậy các cơ sở tư nhân này có vẻ đáp ứng và thích ứng tốt hơn với nhu cầu kinh tế xã hội. Ở cấp độ thể chế, cơ quan quản lý thường bao gồm văn phòng ĐCSTQ và văn phòng chủ tịch, cơ quan trước đây chịu trách nhiệm về văn phòng chủ tịch và được lãnh đạo bởi ủy ban đại học của ĐCSTQ. Trong nhiều trường hợp, hiệu trưởng đồng thời là thành viên của ủy ban đại học ĐCSTQ. Kể từ năm 2013, cơ cấu quản lý này đã được hợp pháp hóa một cách có hệ thống và được ủy quyền bởi điều lệ trường đại học. 186
  6. Khác với Trung Quốc, ở cấp độ cao nhất như tại Anh, các trường đại học được toàn quyền tự chủ trong vấn đề về tổ chức. Những người đứng đầu điều hành của các trường đại học được bổ nhiệm bởi các cơ quan quản lý của họ mà không cần sự xác nhận của cơ quan bên ngoài. Không có tiêu chí lựa chọn cho người đứng đầu điều hành được nêu trong luật. Các trường đại học tại Anh tiếp tục tuyển dụng nhiều giám đốc điều hành khác nhau, những người có thể đến từ các lĩnh vực khác hoặc từ nước ngoài. Các trường đại học xác định các điều khoản và thủ tục sa thải và ấn định nhiệm kỳ của người đứng đầu điều hành của họ. Không có thời hạn nhiệm kỳ điển hình cho các giám đốc điều hành trong các trường đại học của Anh. Các trường đại học ở Anh có thể tự do quyết định cơ cấu quản trị của mình. Các mô hình quản trị và hoạt động của các cơ quan quản lý của các trường đại học được hướng dẫn bởi "Quy tắc quản trị giáo dục đại học" do Ủy ban Chủ tịch trường đại học ban hành. Các trường đại học thường có cấu trúc quản trị kép, với một cơ quan kiểu hội đồng/hội đồng chịu trách nhiệm về tất cả các vấn đề chiến lược và một cơ quan kiểu thượng viện chịu trách nhiệm về quản trị học thuật (EUA, 2016). 2.2.2. Về tài chính Tại Trung Quốc, phần lớn các cơ sở giáo dục đại học vẫn nhận được tài trợ bởi các tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương, chỉ có một số ít cơ sở giáo dục đại học tư nhân. Tuy nhiên, kể từ những năm 1990, hệ thống tài chính giáo dục đại học của Trung Quốc đã loại bỏ mô hình với một nguồn tài trợ duy nhất. Một hệ thống tài chính lấy ngân sách nhà nước làm nguồn chủ yếu và huy động vốn từ các kênh đa dạng khác làm phụ được hình thành. Kênh đầu tư cho giáo dục đa dạng, bao gồm phân bổ tài chính, học phí, doanh thu vận hành, đóng góp xã hội và lợi nhuận của các quỹ quyên góp từ thị trường vốn, thu nhập từ nghiên cứu khoa học, tiền lãi và hoạt động của trường bằng vốn huy động từ các tầng lớp xã hội v.v... về cơ bản đã được thành lập. Về phân bổ nguồn tài chính, hiệu trưởng nhà trường được phép quyết định về cách thức phân bổ. Về mức học phí, cơ chế chính phủ hỗ trợ trong giai đoạn trước được thay thế bằng cơ chế chia sẻ học phí, trong đó, học phí một phần được chính phủ hỗ trợ, một phần do sinh viên đóng (Wenli và Wang, 2013) [17]. Tại Anh, các trường đại học nhận được khoản đóng góp tài trợ cho nghiên cứu và giảng dạy trên cơ sở trợ cấp hàng năm mà không có hạn chế nào đối với việc phân bổ tài trợ nội bộ. Các trường đại học có thể giữ bất kỳ khoản thặng dư nào mà không bị hạn chế và vay tiền với sự chấp thuận của cơ quan bên ngoài trên một số tiền nhất định. Các trường đại học có thể sở hữu và bán các tòa nhà của họ mà không bị hạn chế. Với mức học phí, các trường đại học ở Anh có thể ấn định mức học phí cho sinh viên các nước EU theo học bậc cử nhân dưới mức trần do cơ quan bên ngoài quy định. Với bậc thạc sĩ và tiến sĩ, các trường đại học được tự do ấn định mức học phí cho sinh viên. Với sinh viên quốc tế, các trường đại học được tự do ấn định mức học phí ở mọi cấp độ. 2.2.3. Về nhân sự Tại Trung Quốc, theo hệ thống tự chủ, hiệu trưởng trường đại học, các quản trị viên và nhân viên khác, cũng như các ủy ban khoa khác nhau và sinh viên, chịu trách nhiệm hoặc tự chủ quản lý và cải tiến việc các cơ sở giáo dục đại học và đổi mới công tác quản lý, đổi mới học tập, giảng dạy, nhất là đối với các đơn vị cấp dưới. Cần lưu ý rằng vai trò lãnh đạo của Đảng trong khuôn viên trường đại học thường chỉ giới hạn ở hoặc tập trung 187
  7. vào tầm nhìn chính trị, sứ mệnh và việc ra quyết định lớn trong các cơ sở giáo dục đại học, và văn phòng hiệu trưởng chủ trì các công việc hành chính và học thuật khác của trường đại học, chẳng hạn như cách tuyển dụng giảng viên mới, nhân viên và sinh viên, thiết kế nội dung chương trình giảng dạy và tiêu chuẩn bằng cấp, thúc đẩy nghiên cứu và cách phân bổ kinh phí. Tại Anh, các trường đại học tự do tuyển dụng nhân viên hành chính và học thuật cao cấp. Các mức lương dành cho nhân viên học thuật cao cấp được đàm phán với các bên khác khi các thỏa thuận thương lượng quốc gia về trả lương cho học giả vẫn được áp dụng và không có thay đổi lớn nào kể từ năm 2010. Các tổ chức giữ quyền tự chủ đối với các quyết định về tiền lương của chính họ. Lương nhân viên hành chính cấp cao do các trường đại học quyết định. Không có quy định cụ thể theo ngành liên quan đến việc sa thải nhân viên hành chính hoặc học thuật cao cấp và các quy định về thị trường lao động quốc gia được áp dụng. Các trường đại học có thể tự do quyết định việc thăng hạng. 2.2.4. Về học thuật Kể từ khi cải cách giáo dục, các trường đại học tại Trung Quốc được trao nhiều quyền tự chủ về mặt học thuật hơn. Hiệu trưởng trường đại học, lãnh đạo học thuật và giảng viên có quyền tự do và quyền lực chính trị để tham gia vào ban lãnh đạo của ĐCSTQ và trực tiếp phục vụ lợi ích của nhà nước do Đảng đại diện, song song với vai trò truyền thống của các quan chức học giả hoặc trí thức công cộng trong lịch sử Trung Quốc. Miễn là tầm nhìn và sứ mệnh chính trị của trường đại học phù hợp với lợi ích tư tưởng và nhiệm vụ của ĐCSTQ, các trường đại học có thể được hưởng quyền tự do tự chủ không giới hạn về mặt học thuật Các trường đại học tại Anh có toàn quyền tự chủ trong các hoạt động về học thuật. Họ có thể đặt tiêu chí tuyển sinh ở cả cấp độ Cử nhân và Thạc sĩ. Tuy nhiên, các trường đại học Vương quốc Anh phải trải qua kiểm định bắt buộc về chương trình học, được thực hiện bởi Cơ quan đảm bảo chất lượng giáo dục đại học. Các trường đại học có thể chấm dứt các chương trình một cách độc lập. Các trường đại học có thể thiết kế nội dung chương trình của họ mà không bị ràng buộc. Họ có thể chọn ngôn ngữ giảng dạy cho tất cả các chương trình. Có thể thấy, các quốc gia trên thế giới đều hướng QTĐH theo hình thức tự chủ. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra từng bước và cần có thời gian để hoàn thiện quy tắc, cũng như cho phép các trường đại học chuyển đổi mô hình quản trị một cách cách bền vững. Trong bốn khía cạnh của quản trị, 2 khía cạnh cơ cấu tổ chức và nhân sự được hướng tới mức tự chủ cao nhất; 2 khía cạnh còn lại là tài chính và học thuật, thì ngay cả tại Anh, quốc gia được đánh giá có mức độ độc lập đại học cao, thì cũng cần có mức độ quản lý nhất định nhằm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng giảng dạy, cũng như đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội tại nước sở tại (thông qua mức học phí trần cho hệ đại học). 3. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH NHẰM HOÀN THIỆN QTĐH HƯỚNG TỚI TỰ CHỦ DÀNH CHO CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VIỆT NAM Thông qua việc phân tích mô hình QTĐH tại các trường của Anh và Trung Quốc, tác giả rút ra một số hàm ý hữu ích đối với mô hình QTĐH hướng tới tự chủ tại Việt Nam. Như đã khẳng định, TCĐH là điều kiện cần để triển khai các phương thức QTĐH đạt hiệu quả, là một bước tiến quan trọng đối với các quốc gia đang thực hiện cải cách giáo dục triệt để như Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ khi ra đời những quy định mới thúc đẩy tính tự 188
  8. chủ và chịu trách nhiệm xã hội đến nay, việc thực thi cơ chế quản lý tự chủ tromg trường đại học vẫn còn diễn ra khá chậm. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân đến từ bản thân các cơ quan quản lý nhà nước cũng như bản thân các trường đại học tại Việt Nam chưa thể đưa ra một lộ trình thực sự phù hợp và toàn vẹn cho việc thực thi cơ chế mới này. Một thực tế là ngay trong bản thân hệ thống các trường đại học (nhất là khối công lập), không phải trường nào cũng có thể thực hiện ngay cơ chế quản lý tự chủ. Theo đó, việc bắt buộc tất cả các trường đại học thực thi cơ chế tự chủ cùng một lúc sẽ khó có thể dẫn tới thành công hoàn toàn. Tác giả cho rằng cần có một lộ trình từng bước cho các trường đại học khác nhau có thể lựa chọn trở thành trường đại học tự chủ khi hội tụ đủ các điều kiện cần. Kinh nghiệm của các quốc gia cũng cho thấy quá trình TCĐH nên diễn ra từng bước và cần có thời gian để hoàn thiện quy tắc, cũng như cho phép các trường đại học chuyển đổi mô hình quản trị một cách cách bền vững. Để thực hiện lộ trình này, Bộ Giáo dục Đào tạo có thể giao cho Vụ Đại học làm đầu mối kết hợp với các Vụ có liên quan khác như Vụ Kế hoạch tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Khoa học công nghệ để xây dựng lộ trình tự chủ cho các trường đại học; hoặc Bộ cũng có thể thành lập Tổ dự án chuyển đổi sang tự chủ của các trường đại học với nhiệm vụ tương tự như vậy. Trên cơ sở mục tiêu tự chủ trên toàn hệ thống cơ sở giáo dục đại học, Tổ dự án có thể xây dựng các tiêu chí để dần cho phép các trường tự chủ. Bên cạnh đó, việc cần phải làm ngay là xây dựng hệ thống đánh giá, phân loại các trường đại học một cách công khai, minh bạch. Hệ thống đánh giá này có thể tương đương với hệ thống đánh giá chất lượng hiện nay đang được triển khai nhưng cần có thêm đội ngũ tham gia hoặc cho phép các tổ chức đánh giá chất lượng giáo dục đại học nước ngoài tham gia hỗ trợ, tư vấn, cấp chứng chỉ kiểm định. Mặt khác cần nhanh chóng thúc đẩy và tài trợ cho việc xây dựng các hội ngành nghề, hội khoa học tại các lĩnh vức khoa học, ngành nghề khác nhau. Các hội này sẽ có vai trò giúp các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá, kiểm định và phân loại các trường đại học. Những thông tin đánh giá, phân loại, xếp hạng này sẽ được truyền thông đại chúng để những người hưởng lợi như sinh viên, cha mẹ sinh viên hay các tổ chức sử dụng lao động được biết, từ đó họ có thể lựa chọn những cơ sở đào tạo phù hợp nhất cho nhu cầu của họ. Cuối cùng, bản thân các trường đại học, từ các cấp quản lý đến các cán bộ giảng viên, phòng ban cũng cần phải có nhận thức đúng đắn cho sự phát triển trong tương lai. Các trường cần có sự chuẩn bị kỹ càng về cả cơ cấu hoạt động, cách thức quản lý và năng lực cho phù hợp với những yêu cầu mới của một tổ chức đại học tự chủ. Quản trị trong các trường đại học cần được thực hiện theo cách tiếp cận quản lý sản phẩm đầu ra, thực hiện việc tăng quyền tự chủ gắn với việc nâng cao tự chịu trách nhiệm của các đơn vị; chất lượng sản phẩm được giám sát chặt chẽ dựa vào các tiêu chí định lượng. Đặc biệt là chất lượng các đơn vị đào tạo và chương trình giáo dục trong trường đại học cần được giám sát chặt chẽ thông qua hoạt động kiểm định chất lượng với các bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng uy tín, hướng tới các chuẩn kiểm định quốc tế. ________________ Tài liệu tham khảo [1] Askling, B., Bauer, M. & Marton, S. (1999), “Swedish universities towards self-regulation: a new look at institutional autonomy”, Tertiary Education and Management, Vol. 5 No. 2, pp. 175-195. 189
  9. [2] Berdahl, R. (1990). Academic freedom, autonomy and accountability in British universities. Studies in higher education, 15(2), pp. 169-180. [3] Bleiklie, I. & Kogan, M. (2007). Organization and governance of universities. Higher Education Policy, No 20, pp. 477-493. [4] Đào Trọng Thi (Chủ nhiệm đề tài 2020). Nghiên cứu mô hình đại học tự chủ và các giải pháp tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030. Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam”, mã số KHGD/16-20.ĐT.006, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội. [5] De Boer, H., Enders, J. & Schimank, U. (2007). On the way towards new public management? The governance of university systems in England, the Netherlands, Austria, and Germany. In New forms of governance in research organizations (pp. 137-152). Springer, Dordrecht. [6] De Boer, H., Jongbloed, B., Enders, J. & File, J. (2010) Progress in Higher Education Reform across Europe: Governance Reform. European Commission, Brussels. [7] EUA (2017). University Autonomy in Europe III Country Profiles. European University Association 2017, Belgium [8] Hussin, S. & Asimiran, S. (2010). University governance and developmental autonomy. In Proceeding of International Conference on Islam and Higher Education, 1-15. [9] Lê Chi Lan (2021). Đề xuất mô hình quản trị đại học hướng đến cơ chế tự chủ đại học, Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam, số 39, tr. 1-6. [10] Mai Đăng Khoa (2016), Đổi mới quản trị đại học theo hướng tự chủ tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 20-45. [11] Nguyễn Kiều Duyên (2021). Kinh nghiệm thực hiện cơ chế tự chủ tài chính ở các trường đại học trên thế giới và bài học đối với Việt Nam. Tạp chí Công thương, tháng 8, tr. 160-167. [12] OECD. (2003). “Changing patterns of governance in higher education”, available at: www.oecd.org/education/skills-beyond-school/35747684.pdf (accessed 25 August 2017). [13] Pandey, I.M. (2004). Governance of higher education institutions. Vikalpa, 29(2), pp. 79-84. [14] Tao, C.Y.H (2020). A Comparative Study of Higher Education Governance in Greater China. International Dialogues on Education, 7(1), pp. 162-180. [15] Li, J. (2020). Autonomy, Governance and the Chinese University 3.0: A zhong–yong Model from Comparative, Cultural and Contemporary Perspectives. The China Quarterly, 244, pp. 988-1012. [16] Vught, F.V. & Boer, H.D. (2015). Governance models and policy instruments. In The Palgrave international handbook of higher education policy and governance (pp. 38-56). Palgrave Macmillan, London. [17] Wenli, L. & Qiang, L. (2010) Chiness Higher Eduction finance: changes over time and perspectives to the future. Sciverse sciencediret procedia- social and behavioral science, 77, pp. 388-411. [18] Westerheijden, D.F. (2018). University governance in the United Kingdom, the Netherlands and Japan: Autonomy and shared governance after new public management reforms. Nagoya Journal of Higher Education, 18, pp. 199-220. 190
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2