intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Quy tắc xuất xứ - Trở ngại lớn đối với ngành dệt may của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)

Chia sẻ: Tưởng Bách Xuyên | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

3
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nghiên cứu "Quy tắc xuất xứ - Trở ngại lớn đối với ngành dệt may của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)" tập trung phân tích, đánh giá những trở ngại khi áp dụng Quy tắc xuất xứ đối với ngành dệt may của Việt Nam, từ đó đưa ra các khuyến nghị đối với chính phủ, doanh nghiệp và ngành dệt may để có điều chỉnh phù hợp. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Quy tắc xuất xứ - Trở ngại lớn đối với ngành dệt may của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)

  1. QUY TẮC XUẤT XỨ- TRỢ NGẠI LỚN ĐỐI VỚI NGÀNH DỆT MAY CỦA VIỆT NAM TRONG HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC KINH TẾ CHIẾN LƯỢC XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG (TPP) TS. Ngô Tuấn Anh Khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Nguyễn Thành Minh Sinh viên Lớp TCTT K54, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Tóm tắt Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã kết thúc đàm phán vào ngày 5/10/2015, các nước thành viên TPP đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng để Hiệp định này được ký kết. Hiệp định TPP mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức cho kinh tế Việt Nam nói chung và ngành dệt may nói riêng. Đối với ngành dệt may thì một trong những trở ngại lớn là Quy tắc xuất xứ. Nghiên cứu tập trung phân tích, đánh giá những trở ngại khi áp dụng Quy tắc xuất xứ đối với ngành dệt may của Việt Nam, từ đó đưa ra các khuyến nghị đối với chính phủ, doanh nghiệp và ngành dệt may để có điều chỉnh phù hợp. Từ khóa: Hiệp định TPP, TPP, quy tắc xuất xứ. Abstract Trans-Pacific Partnership (TPP) ended the negotiation on 5thOctober 2015, the members of TPP is going to complete the final procedures to fulfill the process of TPP. TPP not only brings opportunities but also creates many challenges for Vietnam's economy in general and textile industry in particular. For the textile industry, one of the major obstacles is the rules of origin. The research focuses on analyzing and assessing the challenges in the field of applying the rules of origin for the textile industry of Vietnam in order to make some recommendations for governments, enterprises and textile industry to have suitable adjustments. Key words: Trans-Pacific Partnership ,TPP, Rules of Origin. 3
  2. 1. Giới thiệu TPP là một hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao với phạm vi điều chỉnh rộng, bao gồm hầu như tất cả các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường… TPP sẽ mang lại lợi ích to lớn và bền vững cho các nước tham gia, thúc đẩy nhanh hơn quá trình tự do hóa thương mại toàn cầu, TPP sẽ đi xa hơn các thỏa thuận tự do thông thường (FTA). Hiện có 12 nước tham gia TPP, bao gồm Úc, Brunây, Canađa, Chilê, Nhật Bản, Malayxia, Mêhicô, NiuDilân, Pêru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam. Đàm phán TPP đã hoàn tất vào ngày 5/10/2015, các nước thành viên TPP đang tiến hành những bước cuối cùng để Hiệp định này được các bên ký kết vào đầu năm 2016. Với Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngành dệt may Việt Nam được coi là ngành có lợi ích cốt lõi, có tiềm năng được hưởng lợi nhiều từ TPP. Hiện nay, khối các nước thành viên của TPP đang chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ là cơ hội lớn cho ngành dệt may Việt Nam có điều kiện thúc đẩy xuất khẩu thông qua việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan. Các nước tham gia TPP là đối tác xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là Mỹ và Nhật. Tuy nhiên, để có thể nắm bắt được những cơ hội mà TPP đem lại, hàng dệt may của Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức do TPP đặt ra. Và quy tắc xuất xứ “Yarn Forward” (quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi) do Mỹ đưa ra là một rào cản lớn, vì với thực trạng của ngành công nghiệp phụ trợ trong nước, dệt may Việt Nam khó lòng đáp ứng tốt quy tắc này trong thời gian ngắn, bởi dệt may Việt Nam muốn được hưởng thuế suất 0% thì nguyên liệu phải có nguồn gốc xuất xứ từ các quốc gia TPP hoặc ít nhất phải được kéo thành sợi, dệt, nhuộm tại Việt Nam. Trong khi đó, đây đang là những điểm yếu cốt tử của ngành dệt may Việt Nam. Nhìn từ bài học tham gia Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Nhật Bản, trong hơn 5 năm qua, nguyên tắc "từ vải trở đi", mặc dù thông thoáng hơn cả nguyên tắc "từ sợi trở đi" của TPP cũng gây trở ngại đối với việc thu hút đầu tư sản xuất vải cho thị trường Nhật Bản để đáp ứng được FTA này. Chưa kể, trong trường hợp các doanh nghiệp Việt Nam có thể huy động được vốn để đẩy mạnh đầu tư vào khâu sợi, dệt, nhuộm hoàn tất, nhưng nếu các nhà máy trên không nằm trong chuỗi cung ứng, thì khả năng tham gia và hưởng lợi từ TPP là khó đạt được. Trong đàm phán TPP, đặc biệt với Mỹ, các đề xuất về xác định nguồn gốc xuất xứ cho hàng dệt may của Mỹ rất nghiêm ngặt thông qua việc sử dụng quy tắc chuyển đổi dòng thuế kết hợp với những loại trừ về chương, mục, tiểu mục trong biểu thuế. Trong tiêu chí này, hàng hóa “có xuất xứ” là hàng hóa được sản xuất hoàn toàn trên 4
  3. lãnh thổ của một hoặc nhiều bên và có sự chuyển đổi dòng thuế (sự khác biệt về mã HS) giữa nguyên liệu “không xuất xứ” và thành phẩm xuất khẩu. Tiêu chí chuyển đổi dòng thuế này không phải là tiêu chí áp dụng chung và tuyệt đối, tức là không phải bất kỳ khi nào có sự khác biệt về mã HS giữa hàng hóa và nguyên liệu được sử dụng để sản xuất ra hàng hóa đó thì đều được xem là thỏa mãn yêu cầu về xuất xứ. Kèm theo tiêu chí chuyển đổi dòng thuế, phía Mỹ đưa ra một phụ lục quy định rất cụ thể và chi tiết về chuyển đổi và các loại trừ không được phép chuyển đổi cho từng mã HS cụ thể, để từ đó có thể xác định một mặt hàng dệt may cụ thể có được coi là hàng hóa "có xuất xứ" hay không. Các nước tham gia TPP cũng đưa ra các quy tắc để bảo đảm rằng doanh nghiệp có thể hoạt động một cách dễ dàng xuyên khu vực TPP thông qua việc thiết lập một hệ thống chung trên toàn TPP về chứng minh và kiểm tra xuất xứ của hàng hóa TPP. Các nhà nhập khẩu sẽ có thể yêu cầu được hưởng ưu đãi về xuất xứ với điều kiện họ có các chứng từ chứng minh. Đối với dệt may, quy tắc xuất xứ cụ thể yêu cầu việc sử dụng sợi và vải từ khu vực TPP, với những điểm chính sau: Sợi: Những trường hợp sợi được coi là “có xuất xứ” như sau: - Tất cả các khâu thành phẩm đều phải được sản xuất trong nội khối TPP. - Tất cả các nguyên liệu để tạo ra thành phẩm đều phải được sản xuất trong nội khối TPP. Các nguyên liệu được coi là có xuất xứ và phải được sản xuất trong nội khối TPP là: Xơ bông, Xơ nhân tạo, Sợi bông, Sợi kéo xơ nhân tạo, Sợi Filament. - Trường hợp các Sợi được pha trộn với xơ bông, xơ nhân tạo hoặc Sợi Filament thì các nguyên liệu đó phải được sản xuất trong nội khối TPP. - Các loại sợi được sản xuất trong nội khối TPP từ các nguyên liệu khác được cho phép sử dụng các nguyên liệu "không xuất xứ". Vải: Tất cả các loại vải đều áp dụng nguồn gốc xuất xứ, trừ các loại vải dệt được làm từ các nguyên liệu không xuất xứ. Cụ thể như sau: - Vải dệt thoi, Vải dệt kim được làm từ: tơ tằm, sợi kéo từ tơ tằm phế, sợi visco rayon dạng filament, sợi kéo từ xơ thực vật (trừ bông); không được sử dụng xơ staple nhân tạo "không xuất xứ". Một số loại vải dệt thoi đặc biệt: Các loại vải dệt nổi vòng và các loại vải sơnin (chenille), các loại vải khăn lông và các loại vải dệt thoi tạo vòng lông tương tự ngoài các loại trừ cho vải dệt thoi như trên còn được phép sản xuất từ sợi len "không xuất xứ". - Vải không dệt: được làm từ sợi visco rayon dạng filament; không được phép sử dụng các loại xơ staple nhân tạo "không xuất xứ"... Tuy nhiên, theo nội dung Hiệp định TPP đã được các quốc gia thành viên thống 5
  4. nhất, quy tắc xuất xứ cụ thể yêu cầu việc sử dụng sợi và vải từ khu vực TPP - điều này sẽ thúc đẩy việc thiết lập các chuỗi cung ứng và đầu tư khu vực trong lĩnh vực này, cùng với cơ chế “Nguồn cung thiếu hụt” cho phép việc sử dụng một số loại sợi và vải nhất định không có sẵn trong khu vực. “Danh mục nguồn cung thiếu hụt” bao gồm: Danh mục thường xuyên gồm các nguyên liệu dệt may hiện không được sản xuất trong các nước thành viên TPP, sản phẩm dệt may sử dụng nguyên liệu trong danh mục này sẽ luôn được áp dụng quy tắc “cắt và may”. Danh mục tạm thời gồm các nguyên liệu hiện không được sản xuất trong TPP nhưng có thể sẽ được sản xuất trong tương lai, vì thế các sản phẩm dệt may sử dụng nguyên liệu trong danh mục này sẽ chỉ được áp dụng quy tắc “cắt và may” trong một khoảng thời gian nhất định, cho phép ngành dệt may của các nước trong khối (chủ yếu là Việt Nam, Malaysia, Mexico) tiếp tục mua nguyên liệu từ bên ngoài khối để sản xuất hàng may mặc xuất vào khối các nước trong TPP với mức thuế suất 0% nhưng chỉ trong thời hạn nhất định. Cụ thể một số trường hợp có quy tắc xuất xứ linh hoạt hơn được quy định trong TPP là: (i) 3 nhóm hàng may mặc được áp dụng quy tắc xuất xứ 1 công đoạn, cắt và may, gồm: vali, túi xách, áo ngực phụ nữ, quần áo trẻ em bé bằng sợi tổng hợp; (ii) Danh mục nguồn cung thiếu hụt gồm 194 loại sợi, vải được phép sử dụng từ ngoài khu vực TPP, trong đó 186 mặt hàng sẽ được áp dụng vĩnh viễn và 8 mặt hàng chỉ được áp dụng cơ chế này trong 5 năm; (iii) Cơ chế 1 đổi 1 áp dụng với quần nam nữ bằng vải bông xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Doanh nghiệp mua 1 đơn vị vải bông thích hợp làm quần có xuất xứ từ Hoa Kỳ sẽ được phép sử dụng 1 đơn vị vải bông nhập khẩu từ ngoài khu vực TPP để may quần xuất khẩu sang Hoa Kỳ và hưởng thuế 0%. Tỷ lệ quy đổi giữa vải bông xuất xứ Hoa Kỳ và vải bông được phép nhập khẩu ngoài khối TPP khác nhau giữa quần nam và quần nữ. 2. Đóng góp của ngành dệt may Việt Nam những năm qua 2.1 Những kết quả đạt được Dệt may là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và đóng vai trò chủ đạo trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh việc cung cấp mặt hàng may mặc, mặt hàng thiết yếu của nhân dân, ngành dệt may còn góp phần giải quyết vấn đề lao động cho xã hội. Hằng năm, nhu cầu lao động trong ngành dệt may là rất lớn, ước tính khoảng 2,2 triệu việc làm các loại cho công nhân. Những năm qua, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may luôn đứng thứ hai trong tổng số những ngành có sản phẩm xuất khẩu (năm 2014 đứng sau kim ngạch xuất khẩu của linh kiện điện tử) thu về nguồn ngoại tệ lớn, đóng góp phần không nhỏ vào ngân sách 6
  5. của nhà nước. Ngành dệt may liên tục tăng trưởng với tốc độ bình quân 20%/năm, và đến năm 2014, dệt may đã trở thành một trong những ngành kinh tế lớn nhất cả nước về quy mô với hơn 6.000 doanh nghiệp, và kim ngạch xuất khẩu đạt 20,67 tỷ USD. Đây cũng là lần đầu tiên ngành dệt may đạt và vượt mốc xuất khẩu 20 tỷ USD. Bảng 1. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may giai đoạn 2010-2014 Kim ngạch xuất khẩu Tốc độ tăng trưởng Tỷ trọng so với tổng Năm (tỷ USD) (%) KNXK của Việt Nam (%) 2010 11.24 23 17,5 2011 15.83 25 17,0 2012 17.02 8 15,5 2013 17.95 10 13,6 2014 20.76 15 15,8 Nguồn: Bộ Công Thương (2015) Về thị trường xuất khẩu Dệt may Việt Nam đã khẳng định được vị thế của mình trên thị trường quốc tế khi có mặt ở hàng trăm quốc gia, chinh phục được những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Bên cạnh vị trí xuất khẩu thứ 2 tại thị trường Mỹ trong nhiều nay, năm 2014 Việt Nam cũng đã vươn lên vị trí thứ 2 tại thị trường Nhật Bản, chỉ đứng sau Trung Quốc. Có thể thấy dệt may Việt Nam không chỉ cạnh tranh tốt mà còn có sức hấp dẫn rất lớn đối với khách hàng nước ngoài. Bảng 2. Xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang các thị trường chính So sánh Năm 2013 Năm 2014 Dự báo 2015 TT Thị trường 2014/2013 (Triệu USD) (Triệu USD) (Triệu USD) (%) 1 Mỹ 8.681 9.778 11.014 12,6% 2 EU 2.929 3.425 4.004 16,9% 3 Nhật Bản 2.465 2.681 2.916 8,8% 4 Hàn Quốc 1.888 2.39 3.026 26,6% 5 Khác 5.137 6.186 7.395 20% 6 Tổng 21.1 24.46 28.355 15% Nguồn: Bộ Công Thương (2015) 7
  6. Tuy số lượng các doanh nghiệp Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) chỉ chiếm khoảng 15% tổng số doanh nghiệp dệt may nhưng giá trị xuất khẩu hàng dệt may của các doanh nghiệp này đạt kim ngạch cao hơn so với các doanh nghiệp trong nước. Năm 2005, xuất khẩu dệt may của doanh nghiệp FDI chỉ đạt 2,14 tỷ USD, nhưng những năm sau đó, xuất khẩu nhóm hàng này của doanh nghiệp FDI liên tục tăng và chính thức vượt doanh nghiệp trong nước kể từ năm 2007. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 10,7 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ và chiếm tỉ trọng 59,4% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may. Biểu đồ 1. Giá trị xuất khẩu doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước Đơn vi: Tỷ đồng Nguồn: VITAS (2014) 2.2 Triển vọng của ngành dệt may khi Việt Nam tham gia TPP Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu Tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đối với các nước thành viên của TPP chiếm hơn 60%. Vì vậy, đây là thị trường quan trọng nhất của ngành dệt may Việt Nam trong hiện tại và tương lai. Các bên tham gia TPP nhất trí xóa bỏ thuế quan đối với hàng dệt may. Hầu hết thuế quan sẽ được xóa bỏ ngay lập tức, mặc dù thuế quan đối với một số mặt hàng nhạy cảm sẽ được xóa bỏ với lộ trình dài hơn. 8
  7. Đối với các thị trường trọng điểm mà Việt Nam xuất khẩu mặt hàng dệt may, thuế suất đang ở mức cao. Cụ thể, trong thị trường xuất khẩu dệt may của Việt Nam, Hoa Kỳ chiếm 50%, châu Âu chiếm 17%, Nhật Bản 12%, Hàn Quốc 6%, còn lại 2% là các thị trường khác. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ phải chịu thuế suất 17,5% và châu Âu là 9,6% trong trường hợp sản lượng dệt may của Việt Nam sang thị trường này chiếm kim ngạch dưới 17%. Nếu kim ngạch xuất khẩu vượt quá 17% thì thuế suất sẽ tự động điều chỉnh lên 17,5% giống như tại thị trường Hoa Kỳ. Khi Hiệp định TPP được ký kết, thuế suất sẽ được dỡ bỏ đối với các mặt hàng xuất khẩu dệt may của Việt Nam tại Hoa Kỳ và thị trường các nước tham gia TPP. Một trong những lợi ích mà Việt Nam kỳ vọng là việc hàng hóa Việt Nam, khi xuất khẩu vào thị trường các nước TPP sẽ được các đối tác (đặc biệt là Hoa Kỳ) loại bỏ thuế suất. Biểu đồ 2. Dự báo xuất khẩu dệt may Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ Nguồn: Hiệp hội Dệt may Việt Nam (2014) Theo Hiệp hội dệt may Việt Nam, các đơn đặt hàng may mặc từ Trung Quốc của các công ty thời trang Hoa Kỳ đang có xu hướng chuyển dần qua Việt Nam với tốc độ 10-15%/năm. Sau khi TPP được ký kết, tốc độ này có thể lên 30%/năm và xuất khẩu dệt may Việt Nam sang Hoa Kỳ có thể tăng trưởng 12-13%/năm và có thể đạt 30 tỷ USD vào năm 2025, đưa quy mô xuất khẩu toàn ngành năm 2025 đạt khoảng 55 tỷ USD. Khi TPP có hiệu lực, quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” buộc doanh nghiệp Việt Nam phải sử dụng nguyên liệu trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước trong khối TPP để được hưởng thuế suất ưu đãi. Do đó, cơ cấu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào sẽ có sự thay đổi lớn, giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc và Đài Loan. 9
  8. Tạo nhiều công ăn việc làm và tạo quyền cơ bản cho người lao động Ngành dệt may là một ngành thâm dụng lao động cao, đã và đang tạo việc làm cũng như thu nhập ổn định cho khoảng 2,5 triệu lao động trực tiếp và gần 2 triệu lao động gián tiếp (thuộc các ngành công nghiệp phụ trợ, kho bãi, vận chuyển…). Số lượng lao động này chiếm khoảng 25% lao động của khu vực kinh tế công nghiệp Việt Nam. Theo tính toán, cứ 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sẽ tạo ra khoảng 250.000 việc làm các loại. Như vậy, nếu kim ngạch dệt may tăng, có thể tạo ra nhiều việc làm mới. Ngoài ra, với quy mô xuất khẩu đủ lớn, Việt Nam sẽ có điều kiện thu hút đầu tư vào lĩnh vực dệt, nhuộm và sản xuất nguyên phụ liệu. Đây là mặt tích cực của quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”, giúp Việt Nam tăng giá trị nội địa cho hàng may xuất khẩu và giúp ngành may phát triển bền vững trước các đối thủ cạnh tranh tiềm tàng. Trong giai đoạn tới, với việc mở rộng quy mô, đón đầu các cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh mang lại cho ngành dệt may từ Hiệp định TPP, các doanh nghiệp cần thiết phải tuyển dụng thêm nhiều lao động, từ đó tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân với nguồn thu nhập cao hơn, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp của đất nước và nâng cao mức sống cho người dân, và kim ngạch xuất khẩu dệt may có thể đạt tới 55 tỷ USD trong năm 2025, đồng thời tạo ra được gần 6 triệu việc làm nếu các điều kiện trong đàm phán diễn ra một cách thuận lợi, nhờ tăng trưởng từ thị trường Hoa Kỳ (theo Hiệp Hội Dệt may, 2014). Thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước Đối với mỗi quốc gia, vốn là một nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt đối với những nước đang phát triển như Việt Nam, FDI có vai trò thiết yếu trong việc bổ sung nguồn vốn trong nước, cải thiện cán cân thanh toán, thúc đẩy xuất nhập khẩu, và góp phần quyết định tốc độ tăng trưởng nền kinh tế. Tuy nhiên, tỷ trọng của doanh nghiệp FDI hiện nay trong GDP chỉ mới chiếm dưới 20%. Chính vì vậy, các doanh nghiệp FDI đã nhanh chóng tận dụng cơ hội trong giai đoạn chuẩn bị kí kết Hiệp định TPP, đã và đang xúc tiến tìm hiểu để xây dựng nhà máy sản xuất thuộc lĩnh vực may mặc tại Việt Nam. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào Trung Quốc hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Ngược lại, Việt Nam với chính sách ưu đãi tốt, lao động có tay nghề cao và dồi dào, đang nằm trong top 5 xuất khẩu dệt may thế giới nên Việt Nam có thể là điểm thu hút các doanh nghiệp FDI đầu tư. Ví dụ, giữa tháng 11/2014 tập đoàn Tập đoàn Texhong đã khởi công dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Texhong Hải Hà (giai đoạn 1) tại KCN Cảng biển Hải Hà (Móng Cái, Quảng Ninh). Dự án có tổng vốn đăng ký 4.520 tỷ đồng (215 triệu USD). Trước đó trong tháng 10/2014, tỉnh Hải Dương đã chấp thuận cho Tập đoàn TAL (Hong Kong) đầu tư 600 triệu USD xây dựng Nhà máy sản xuất sợi, dệt nhuộm 10
  9. và may mặc ở khu công nghiệp Đại An. Từ năm 2014 đã có nhiều dự án FDI được rót vào dệt may, chủ yếu đến từ các nhà đầu tư Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong. Tính đến giữa năm 2015, ngành dệt đóng góp 4,18 tỷ USD trong thu hút FDI, chiếm 76,2% trong tổng vốn. Với cơ cấu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào đang có sự thay đổi lớn, sẽ giúp chuyển dịch nguồn cung sang các nước trong TPP, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc và Đài Loan. Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho dệt may Trong ngành dệt may, hầu hết các phụ tùng chi tiết của máy móc thiết bị cũng như nguyên phụ liệu, các loại hóa chất như thuốc nhuộm, xơ sợi cũng phải nhập khẩu phần lớn từ nước ngoài. Việt Nam mới chỉ có các cơ sở sản xuất một số chủng loại phụ liệu chính như: chỉ may, bông tấm, cúc nhựa, khóa kéo, băng chun, nhãn mác, bao bì… và chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu. Về năng lực sản xuất nguyên liệu cung cấp cho ngành dệt may, các loại nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên như bông, tơ tằm, gai, đay, lanh,… hoàn toàn có thể sản xuất trong nước. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu này hiện nay vẫn chưa phát huy và mới chỉ đáp ứng được khoảng 3-5% nhu cầu sử dụng của toàn ngành. Các loại nguyên liệu có nguồn gốc nhân tạo, xơ - sợi nhân tạo, hầu như chưa sản xuất được ở trong nước. Các loại sản phẩm phục vụ ngành may như chỉ khâu, chỉ thêu, bông tấm lót, cúc nhựa, cúc kim loại, khóa kéo, nhãn mác, băng chun, dây kéo,… cũng đã được sản xuất trong nước đáp ứng về chất lượng và số lượng khoảng trên 50% nhu cầu của ngành. Theo Hiệp hội dệt may Vitas, mỗi năm cả nước hiện sử dụng khoảng 600 nghìn tấn bông tự nhiên, 400 nghìn tấn xơ các loại. Tuy nhiên, Việt Nam phải nhập khẩu đến hơn 90% tổng nhu cầu bông và 54% tổng nhu cầu về xơ. Nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước của ngành dệt may Việt Nam vẫn còn khá thấp. Chính vì vậy, Việt Nam thường phải nhập khẩu sợi chất lượng cao và xuất khẩu sợi chất lượng thấp với giá rất rẻ. Ước tính nhu cầu nội địa về sợi của Việt Nam phải nhập khẩu là 50%. Tuy nhiên, các quốc gia nhập khẩu hầu hết lại từ Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc (những nước không tham gia đàm phán TPP) trong khi khối lượng nhập khẩu từ khối TPP lại rất nhỏ, chỉ khoảng 5%. Quy tắc xuất xứ sẽ làm chi phí chuyển đổi cơ cấu cũng như các vấn đề phát sinh sẽ bị đội lên rất nhiều. Lợi ích mang lại từ việc ưu đãi thuế quan có lẽ sẽ vẫn không thể bù đắp được những tổn thất đó. Tuy nhiên, quy tắc xuất xứ sợi cũng đã được thống nhất có điều chỉnh theo trường hợp ngoại lệ "Nguồn cung thiếu hụt", phần nào giúp Việt Nam có quá trình chuẩn bị. Quy định về xuất xứ cho hàng dệt may cũng có tác động tốt. Việc áp đặt quy tắc 11
  10. xuất xứ buộc các doanh nghiệp phải tăng đầu tư vào các khâu quan trọng, như sợi, dệt, nhuộm, vải, tạo tiền đề phát triển bền vững. Vì vậy, giải pháp then chốt giúp các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam chủ động nguồn nguyên liệu, máy móc, thiết bị để sản xuất nhiều mặt hàng có chất lượng cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu đó là phát triển công nghiệp phụ trợ. Tuy không được hưởng thuế suất 0%, một số doanh nghiệp dệt may sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ việc gia tăng các đơn hàng của các doanh nghiệp nước ngoài để gia công. Quy tắc xuất xứ sẽ đem lại khó khăn nhất định cho thị trường dệt may Việt Nam bởi không thể tận dụng cơ hội được miễn thuế 100%. Theo dự tính, giá trị sản xuất ngành dệt may Việt Nam sẽ đạt trên 32 tỷ USD, trong đó có khoảng 17 tỷ USD sẽ là hoàn toàn sản xuất trong nước. Việt Nam có thể sẽ xuất khẩu được 27 tỷ USD trong năm 2015, trong đó xuất khẩu sang TPP sẽ khoảng 18 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam sẽ đáp ứng được 94% nhu cầu của các nước trong khối TPP. Tuy nhiên, thị trường quan trọng và có thuế quan cao nhất là Mỹ vẫn sẽ được đáp ứng đầy đủ và được miễn thuế 100%. Như vậy, Việt Nam cũng sẽ không bị chịu quá nhiều tổn thất từ việc không được miễn thuế. Việt Nam đã có sự chuẩn bị và phần nào có thể đáp ứng các yêu cầu “từ sợi trở đi”, nhưng sự chuẩn bị của Việt Nam như thế nào chưa có minh chứng rõ ràng. Tuy nhiên, Việt Nam đang là một miếng mồi cho các nước khác. Có thể thấy, trong năm 2014, các doanh nghiệp nước ngoài thấy được khả năng của Việt Nam tham gia TPP là khá cao, họ đã đầu tư rất mạnh vào Việt Nam nhằm hưởng lợi từ hiệp định này. Các doanh nghiệp từ Trung Quốc ồ ạt đầu tư vào thị trường nước ta nhằm hưởng cái mác “sản xuất tại Việt Nam” nhưng thực chất có thể toàn bộ doanh thu sẽ được chuyển về trụ sở ở Trung Quốc. Trong khi đó các doanh nghiệp Việt Nam với nguồn vốn ít, không đủ sức cạnh tranh. Như vậy, Việt Nam thực ra đang dọn cỗ cho các nước mà có thể chính Việt Nam sẽ không được lợi gì nhiều. Không chỉ thế, khi nguồn nguyên liệu bị phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc - Quốc gia đang đứng đầu thế giới về xuất khẩu hàng may mặc, ngành dệt may của Việt Nam có thể sẽ bị chi phối rất nhiều bởi Trung Quốc. Không chỉ vậy, nguy cơ còn lớn hơn khi Trung Quốc đã chuẩn bị đầy đủ nguồn nguyên liệu, công nghệ, sẽ là lúc họ sẵn sàng để tham gia hiệp định TPP, Việt Nam lúc đó sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm do ngành dệt may không thể đáp ứng yêu cầu “từ sợi trở đi” do TPP đặt ra. Như vậy, Việt Nam đang trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan, vô cùng khó khăn. Dù vậy, Việt Nam vẫn sẽ được hưởng lợi từ việc đầu tư của các doanh nghiệp FDI trong thời gian đầu kí kết hiệp định TPP. 12
  11. 3. Một số khuyến nghị TPP hứa hẹn sẽ mang đến cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành dệt may nói riêng nhiều cơ hội lớn, như tăng quy mô và mở rộng thị trường xuất khẩu, giải quyết vấn đề lao động, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện để ngành dệt may nước ta phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Ngoài ra, Việt Nam có thể học hỏi được kinh nghiệm, tiếp thu được những công nghệ hiện đại từ những quốc gia thành viên. Nếu nắm bắt được những cơ hội mà TPP đem lại, hàng dệt may xuất khẩu Việt Nam sẽ có thể nâng cao được năng lực cạnh tranh và cải thiện vị thế trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, cũng như tất cả các hiệp định thương mại tự do trước đó, Hiệp định TPP không chỉ mở ra cơ hội mà còn đem đến những thách thức cho nền kinh tế của các nước tham gia. Đối với ngành dệt may Việt Nam, quy tắc “từ sợi trở đi” được coi là trở ngại lớn nhất bởi vì hàng dệt may Việt Nam còn phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ các quốc gia không tham gia đàm phán TPP. Không những thế, khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn của sản phẩm còn hạn chế, trình độ nhân lực thấp và thiếu vốn cũng là những điểm yếu của ngành dệt may Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam còn phải đối mặt với các thách thức khi gia nhập TPP như nguy cơ gia tăng các vụ kiện phòng vệ thương mại, rủi ro về môi trường và sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI… Do đó, chính phủ, doanh nghiệp và ngành dệt may phải có những điều chỉnh về chính sách và những hành động cụ thể nhằm tận dụng các cơ hội do TPP mang lại, phòng tránh và giảm thiểu rủi ro, cụ thể như: Đối với Chính phủ: Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ thông tin về các quy định trong TPP liên quan đến các doanh nghiệp dệt may, đặc biệt là quy tắc xuất xứ, để các doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội và phòng tránh nguy cơ do TPP đem đến. Thứ hai, cần có chiến lược tổng thể phát triển ngành dệt may giai đoạn tới, từ đó sẽ triển khai kế hoạch cụ thể trong từng giai đoạn và các giải pháp cần thực hiện. Trong đó đặc biệt quan tâm xây dựng cụm ngành dệt may, giúp thúc đẩy năng suất và hiệu quả của các doanh nghiệp. Thứ ba, riêng với Quy tắc xuất xứ đối với ngành dệt may trong TPP, cần có sự nghiên cứu cụ thể từ cấp Chính phủ tới doanh nghiệp, từ đó Chính phủ mới có thể có giải pháp hiệu quả giúp doanh nghiệp dệt may. Đối với doanh nghiệp: Thứ nhất, chủ động tìm hiểu thông tin, thị trường và các cơ hội do TPP mang lại, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, và chủ động cùng các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạch định chính sách thương mại quốc tế. 13
  12. Thứ hai, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong mọi công đoạn của ngành dệt may, hướng đến xây dựng mô hình liên kết bền vững giữa doanh nghiệp dệt may và các cơ sở đào tạo dệt may. Thứ ba, chủ động phát triển vùng nguyên phụ liệu nhằm tận dụng ưu đãi về quy tắc xuất xứ trong TPP. Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm có được những sản phẩm cao cấp, mang lại giá trị gia tăng lớn, nâng cao lợi thế kinh tế về quy mô trong ngành dệt may. Tài liệu tham khảo 1. Ngô Tuấn Anh và nhóm sinh viên K54- Đại học KTQD (2015), đề tài NCKH Nghiên cứu ảnh hưởng của Hiệp định TPP đến ngành dệt may Việt Nam. 2. Bộ Công Thương (2015), Báo cáo xuất nhập khẩu của Việt Nam 2014. Hà Nội. 3. Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), Các báo cáo kết quả ngành dệt may 2013, 2014. 4. Uỷ ban quốc gia về hội nhập kinh tế quốc tế (2010), Đánh giá tính khả thi của việc tham gia TPP của Việt Nam, kiến nghị chủ trương và giải pháp tham gia TPP, Hà Nội. 5. David Vanzetti and Pham Lan Huong (2014), Rules of origin, labour standards and the TPP,đề tài nghiên cứu, Dakar. 6. Hiệp định đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP): Lợi ích đa chiều”, truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2015, từ http://www.textile2fashion.org.vn/hiep-dinh-doi-tac-xuyen-thai-binh-duong-tpp-loi- ich-da-chieu-ky-ii_p1_1-1_2-1_3-651_4-721.html>. 7. Hiệp định TPP- Thách thức lớn cho Việt Nam, truy cập ngày 20 tháng 5 năm 2015, từ http://www.trungtamwto.vn/tpp/du-thao-chuong-lao-dong-trong-dam-phan-hiep- dinh-tpp-thach-thuc-lon-cho-viet-nam>. 8. Ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh TPP, truy cập ngày 20 tháng 5 năm 2015, từ http://www.trungtamwto.vn/tpp/nganh-det-may-viet-nam-trong-boi-canh-thuc- hien-tpp. 9. http://tpp.moit.gov.vn/App_File/TPP/about/04.%20Tài%20liệu%20giới%20thiệu%2 0nội%20dung%20Dệt%20may%20trong%20Hiệp%20định%20TPP.pdf. 14
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2