intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Quyết định 1172/2019/QĐ-TTg

Chia sẻ: Vi Nhã | Ngày: | Loại File: DOC | Số trang:11

36
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Quyết định 1172/2019/QĐ-TTg phê duyệt đề án về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình cụ thể thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự năm 2015

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Quyết định 1172/2019/QĐ-TTg

  1. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ------- Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Số: 1172/QĐ-TTg --------------- Hà Nội, ngày 11 tháng 09 năm 2019 QUYẾT ĐỊNH PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN VỀ CƠ SỞ VẬT CHẤT, BỘ MÁY, CÁN BỘ VÀ LỘ TRÌNH CỤ THỂ THỰC HIỆN VIỆC GHI ÂM HOẶC GHI HÌNH CÓ ÂM THANH VIỆC HỎI CUNG BỊ CAN THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2015 ---------------- THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015; Căn cứ Nghị quyết số 110/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội Khóa XIII về việc thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự; Căn cứ Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội Khóa XIV về việc thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13; Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an, QUYẾT ĐỊNH: Điều 1. Phê duyệt Đề án về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình cụ thể thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành. Điều 3. Bộ Công an chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, báo cáo việc thực hiện Đề án này. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. Nơi nhận: THỦ TƯỚNG - Như Điều 3; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; Nguyễn Xuân Phúc - Văn phòng Quốc hội; - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan trung ương của các đoàn thể; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc; - Lưu: VT, NC (2). ĐỀ ÁN VỀ CƠ SỞ VẬT CHẤT, BỘ MÁY, CÁN BỘ VÀ LỘ TRÌNH CỤ THỂ THỰC HIỆN VIỆC GHI ÂM HOẶC GHI HÌNH CÓ ÂM THANH VIỆC HỎI CUNG BỊ CAN THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2015 (Ban hành kèm theo Quyết định số 1172/QĐ-TTg ngày 11 tháng 9 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ) I. CƠ SỞ XÂY DỰNG, QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO, MỤC TIÊU VÀ PHẠM VI ĐỀ ÁN
  2. 1. Cơ sở xây dựng Đề án Đề án được xây dựng trên các cơ sở sau đây: a) Xuất phát từ chủ trương, quan điểm, chính sách của Đảng - Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24 tháng 5 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (Nghị quyết số 48- NQ/TW) chỉ đạo định hướng xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 phải: “Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của Quốc hội..., công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật” và “Củng cố cơ sở pháp lý về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng, ban hành kịp thời, đồng bộ và tổ chức thực thi các pháp luật, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội”. - Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Nghị quyết số 49-NQ/TW) chỉ đạo rõ phương hướng cải cách tư pháp: “Hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự và dân sự phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...; hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp, bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người”. - Kết luận số 79-KL/TW ngày 28 tháng 7 năm 2010 về Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra theo Nghị quyết số 49-NQ/TW (Kết luận số 79-KL/TW) khẳng định việc đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp cần quán triệt các quan điểm: “... bảo đảm chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, quyền con người...”. b) Xuất phát từ yêu cầu triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận rất nhiều quyền của con người, của công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội như: Được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm... và trách nhiệm của Nhà nước là phải ban hành pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người và công dân thực hiện tốt các quyền của mình. c) Xuất phát từ yêu cầu triển khai thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, các nghị quyết của Quốc hội, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng - Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 Điều 183 về hỏi cung bị can quy định: “Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầ u của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”. Điều 442 về lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân quy định: “Việc lấy lời khai của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc lấy lời khai của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân tại các địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của người đại diện, của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”. - Nghị quyết số 110/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội Khóa XIII về việc thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự (Nghị quyết số 110/2015/QH13), Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội Khóa XIV về việc thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 (Nghị quyết số 41/2017/QH14), Quyết định số 371/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 371/QĐ-TTg) giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, các Bộ: Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội vụ xây dựng Đề án về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình cụ thể thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định cụ thể n ơi có điều kiện để thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh hoạt động hỏi cung bị can kể từ ngày 01 tháng 01
  3. năm 2018. Chậm nhất đến ngày 01 tháng 01 năm 2020 thì thực hiện thống nhất ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc. - Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP ngày 01 tháng 02 năm 2018 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử (Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP), trong đó hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. d) Xuất phát từ thực tiễn công tác hỏi cung bị can Trong những năm qua, cùng với tiến trình cải cách tư pháp, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử ở nước ta đã có nhiều tiến bộ. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và các văn bản có liên quan đã quy định tương đối chặt chẽ quy trình hỏi cung bị can và đảm bảo quyền của bị can theo quy định của pháp luật. Việc tập huấn chuyên sâu, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cho các cán bộ điều tra được thực hiện thường xuyên đã nâng cao trình độ chuyên môn trong hoạt động hỏi cung bị can. Vì thế tình trạng lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp làm trái pháp luật, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, trong đó có bị can đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, vẫn còn xảy ra các trường hợp bức cung, dùng nhục hình trong hoạt động tư pháp; bên cạnh đó thực tiễn cho thấy nhiều vụ án tại Tòa, bị cáo thay đổi lời khai vì lý do bị bức cung trong quá trình hỏi cung hoặc chối tội, thay đổi lời khai dẫn đến khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Đây là vấn đề đang ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Thực tế, hoạt động ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh đã được thực hiện trước khi được quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Trong một số vụ án tội phạm thực hiện có tổ chức, có tính chất phức tạp, tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, các cơ quan tố tụng đã thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử. Tuy nhiên, quy định này chưa được luật hóa, mới dừng lại ở việc củng cố chứng cứ. Vì vậy, để có cơ sở pháp lý trong đấu tranh phòng, chống các hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn dùng bức cung, nhục hình của người thi hành công vụ, mặt khác cũng là để bảo vệ chính những người tiến hành tố tụng thì việc quy định trình tự, thủ tục chặt chẽ trong hỏi cung bị can, đặc biệt là việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh hỏi cung bị can là rất cần thiết. 2. Quan điểm chỉ đạo xây dựng Đề án a) Đề án phải bám sát và góp phần thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng về yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và cải cách tư pháp theo tinh thần các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị như: Nghị quyết số 48-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW, Kết luận số 79-KL/TW... nhằm triển khai thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nghiêm túc, đảm bảo thực hiện quyền con người, quyền công dân trong tố tụng hình sự theo quy định của Hiến pháp, pháp luật. b) Cụ thể hoá các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Nghị quyết số 110/2015/QH13, Nghị quyết số 41/2017/QH14, Quyết định số 371/QĐ-TTg, bảo đảm hình thức, nội dung đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm; tạo cơ chế pháp lý hữu hiệu để bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân. c) Tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong tố tụng hình sự của một số nước phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam, pháp luật, thông lệ và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. d) Việc thực hiện Đề án phải bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm và đúng lộ trình, tiến độ. 3. Mục tiêu của Đề án a) Mục tiêu tổng quát Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức triển khai thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố và xét xử đảm bảo quyền con người, quyền công dân. b) Mục tiêu cụ thể - Tổ chức thực hiện quy định của Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT- BCA-VKSNDTC-TANDTC- BQP đến các cán bộ có liên quan việc thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong hoạt động hỏi cung bị can (như cán bộ kỹ thuật của lực lượng hồ sơ, điều tra viên, cán bộ thực hiện công tác tạm giữ, tạm giam...);
  4. - Chuẩn bị các điều kiện vật chất, kỹ thuật phục vụ ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và thực tiễn công tác hỏi cung bị can trong hoạt động tố tụng hình sự; - Xây dựng bộ máy, cán bộ; đào tạo bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ để thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can; - Xây dựng lộ trình và phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các bộ, cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức triển khai thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc. 4. Phạm vi Đề án Đề án được thực hiện thống nhất, đồng bộ trên phạm vi toàn quốc. II. THỰC TRẠNG TỔ CHỨC BỘ MÁY, BIÊN CHẾ, CÁN BỘ, CƠ SỞ VẬT CHẤT THỰC HIỆN GHI ÂM, GHI HÌNH CÓ ÂM THANH VIỆC HỎI CUNG BỊ CAN 1. Bộ Công an a) Tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ - Cơ quan điều tra + Cơ quan An ninh điều tra, gồm: Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an; Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh. + Cơ quan Cảnh sát điều tra, gồm: Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an; Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh; Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện. - Cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra, gồm: Một số đơn vị nghiệp vụ ở Bộ Công an, Công an cấp tỉnh. - Cơ sở giam giữ, gồm: Trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam Công an cấp tỉnh, nhà tạm giữ Công an cấp huyện. b) Thực trạng cơ sở vật chất, kỹ thuật - Thực trạng về các buồng hỏi cung + Các buồng hỏi cung đa số đã cũ, xuống cấp, chỉ có một số ít được trang bị hệ thống ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo kế hoạch triển khai thí điểm hệ thống ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can. Còn lại đa số các buồng hỏi cung chưa được trang bị hệ thống ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. + Hiện nay, chỉ có các trại tạm giam cơ bản đáp ứng được số lượng các buồng hỏi cung. Còn hầu hết các trụ sở cơ quan điều tra chưa có phòng hỏi cung mà chủ yếu sử dụng phòng làm việc để hỏi cung hoặc lấy lời khai. Đối với các nhà tạm giữ có số lượng buồng hỏi cung rất nhỏ hoặc không có buồng hỏi cung, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng. + Về diện tích buồng hỏi cung: Đa số buồng hỏi cung có diện tích từ 10 m 2 đến 14 m2, chỉ có một số ít buồng hỏi cung có diện tích lớn hơn 20 m 2, một số buồng hỏi cung có diện tích nhỏ hơn 7 m 2, còn lại một số buồng hỏi cung có diện tích từ 7 m2 đến 10 m2 và 14 m2 đến 20 m2. + Về kết cấu chính: Đa số buồng hỏi cung được xây dựng có kết cấu bê tông cốt thép, một số ít là nhà lắp ghép. + Về thiết kế cách âm: Mới chỉ có một số buồng hỏi cung thiết kế cách âm, còn lại đa số chưa có thiết kế cách âm. - Hệ thống ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh đã thực hiện thí điểm Thực hiện kế hoạch về triển khai thí điểm hệ thống ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can, đến ngày 19 tháng 4 năm 2018 Bộ trưởng Bộ Công an đã quyết định các nơi có đủ điều kiện để thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh hoạt động hỏi cung bị can trong Công an nhân dân, cụ thể như sau: + Địa điểm triển khai: Ở 02 trại tạm giam của Bộ Công an, mỗi trại đã lắp đặt hệ thống ghi âm, ghi hình tại 04 buồng hỏi cung, 01 buồng trung tâm đặt thiết bị chính; Trại tạm giam số 1, Công an thành phố Hà Nội đã lắp đặt 04 buồng hỏi cung, 01 buồng trung tâm; Nhà tạm giữ Công an quận Cầu Giấy, Công an thành phố Hà Nội đã lắp đặt 04 buồng hỏi cung, 01 buồng trung tâm; Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội đã lắp đặt 04 buồng hỏi cung, 01 buồng trung tâm; Trại tạm giam Chí Hòa, Công an thành phố Hồ Chí Minh đã lắp đặt 04 buồng hỏi cung, 01 buồng trung tâm; Nhà tạm giữ Công
  5. an quận 1, Công an thành phố Hồ Chí Minh đã lắp đặt 04 buồng hỏi cung, 01 buồng trung tâm; trụ sở cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hồ Chí Minh đã lắp đặt 04 buồng hỏi cung, 01 buồng trung tâm; Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang đã lắp đặt 04 buồng hỏi cung, 01 buồng trung tâm; Nhà tạm giữ Công an thành phố Bắc Giang, Công an tỉnh Bắc Giang đã lắp đặt 04 buồng hỏi cung, 01 buồng trung tâm; trụ sở cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bắc Giang đã lắp đặt 04 buồng hỏi cung, 01 buồng trung tâm. + Cấu hình kỹ thuật: Cấu hình 1 được lắp đặt tại 10 địa điểm: Thiết bị tại mỗi phòng hỏi cung (01 camera, 01 màn hình, 01 micro và 01 tổ hợp nút ấn gồm ghi, dừng ghi, tạm dừng ghi); thiết bị tại mỗi trung tâm giám sát (01 máy chủ lưu trữ dữ liệu có dung lượng 4TB, 02 máy trạm cài đặt phần mềm ghi âm, ghi hình có âm thanh, 01 máy quẹt thẻ, 01 máy trích xuất đĩa DVD, 01 bộ lưu điện UPS). Cấu hình 2 được lắp đặt tại 01 địa điểm (Phòng cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội): Thiết bị tại mỗi phòng hỏi cung (01 camera, 01 micro, 01 máy tính cài đặt phần mềm khai báo phiên hỏi cung); thiết bị tại trung tâm giám sát (01 tủ rack lắp đặt thiết bị, 01 máy chủ lưu trữ dữ liệu, 01 switch chuyển mạch, loa, phần mềm, bộ lưu điện). Trong quá trình xây dựng và triển khai thí điểm hệ thống ghi âm, ghi hình có âm thanh để hỏi cung bị can tại 05 công an đơn vị, địa phương, đến nay theo đánh giá của các đơn vị sử dụng đã cơ bản đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ; tuy nhiên vẫn còn nhiều mặt hạn chế như âm thanh chưa rõ nét, còn tiếng ồn, công tác lưu trữ và khai thác dữ liệu cần hoàn thiện hơn nữa để đảm bảo các yêu cầu nghiệp vụ, kỹ thuật. 2. Bộ Quốc phòng a) Thực trạng tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ - Cơ quan điều tra + Cơ quan điều tra hình sự, gồm: Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng; Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương; Cơ quan điều tra hình sự khu vực. + Cơ quan an ninh điều tra, gồm: Cơ quan an ninh điều tra Bộ Quốc phòng; Cơ quan An ninh điều tra quân khu và tương đương. - Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra + Bộ đội Biên phòng có các đầu mối chức danh được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, gồm: Cục trưởng Cục trinh sát Biên phòng; Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm; Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh; Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm; Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu Cảng; Đồn trưởng Đồn Biên phòng. + Cảnh sát biển có các đầu mối chức danh được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, gồm: Tư lệnh, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; Tư lệnh vùng, Phó Tư lệnh vùng Cảnh sát biển; Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và pháp luật; Đoàn trưởng, Phó Đoàn trưởng Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy; Hải đoàn trưởng, Phó Hải đoàn trưởng; Hải đội trưởng, Phó Hải đội trưởng; Đội trưởng, Phó Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển. - Cơ sở giam giữ, gồm: Trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, trại tạm giam thuộc quân khu và tương đương, nhà tạm giữ thuộc Cơ quan điều tra hình sự khu vực, buồng tạm giữ thuộc Đồn biên phòng. Các cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong Quân đội nhân dân không có cán bộ chuyên trách phục vụ việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Đội ngũ thủ trưởng, phó thủ trưởng, điều tra viên cơ quan điều tra, thủ trưởng, phó thủ trưởng, cán bộ điều tra cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển được đào tạo cơ bản tại Học viện Cảnh sát nhân dân, Học viện An ninh nhân dân, Học viện Biên phòng và Đại học Luật... có kiến thức pháp luật và trình độ nghiệp vụ vững vàng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, hầu hết đội ngũ cán bộ chưa được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng sử dụng thiết bị cũng như thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can. b) Thực trạng cơ sở vật chất, kỹ thuật Hầu hết các cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong Quân đội nhân dân chưa có phòng hỏi cung riêng biệt. Việc hỏi cung bị can thường được tiến hành tại các phòng trực ban hình sự, phòng làm việc của Điều tra viên hoặc Hội trường của Cơ quan điều tra. Các trại giam và một số cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều
  6. tra tuy có phòng hỏi cung riêng song không đủ diện tích làm việc khi có đông người tham gia (Luật sư, kiểm sát viên, phiên dịch...). Hiện nay, các phòng hỏi cung chưa đủ điều kiện để lắp đặt các thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. 3. Bộ Tài chính a) Thực trạng tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ Các cơ quan của Hải quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, gồm: Cục Điều tra chống buôn lậu; Cục Kiểm tra sau thông quan; Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chi cục Hải quan cửa khẩu. Các đơn vị Hải quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong hoạt động hỏi cung bị can, chưa có biên chế và chế độ chính sách cho công tác này. Một số cán bộ sử dụng ghi âm, ghi hình có âm thanh nói chung mới chỉ dừng lại ở phạm vi kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bài bản. b) Thực trạng cơ sở vật chất, kỹ thuật Các đơn vị Hải quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra chưa được trang bị cơ s ở vật chất như chưa xây dựng phòng hỏi cung riêng, chưa có các trang thiết bị như camera, máy thu phát âm thanh... để phục vụ công tác này. Các thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh được đầu tư trang bị mới chỉ để nhằm phục vụ cho công tác trinh sát điều tra hoặc phục vụ cho các yêu cầu khác như giám sát kho bãi, giám sát các nơi làm thủ tục hải quan... Việc quản lý trích xuất dữ liệu, lưu giữ kết quả cũng chưa có kho bảo quản riêng. 4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn a) Thực trạng tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ - Về lực lượng Kiểm lâm Các cơ quan Kiểm lâm được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, gồm: Cục Kiểm lâm (Cục trưởng, Phó Cục trưởng và cán bộ điều tra); Chi cục Kiểm lâm (Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng và cán bộ điều tra); Hạt Kiểm lâm (Hạt trưởng, Phó Hạt trưởng và cán bộ điều tra). - Về lực lượng Kiểm ngư Cục Kiểm ngư có 05 phòng chức năng, 01 trung tâm thông tin Kiểm ngư và Chi cục Kiểm ngư vùng. Trong quá trình triển khai nhiệm vụ tuần tra trên biển các cán bộ được giao sử dụng máy ảnh, máy quay để ghi hình làm tài liệu, tuy nhiên các cán bộ này chưa được đào tạo chuyên môn về nghiệp vụ ghi âm, ghi hình có âm thanh để đảm bảo chất lượng theo yêu cầu. b) Thực trạng cơ sở vật chất, kỹ thuật - Về lực lượng Kiểm lâm Thời điểm hiện tại lực lượng Kiểm lâm từ trung ương đến địa phương chưa có trang thiết bị phục vụ việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can theo quy định trong tố tụng hình sự. - Về lực lượng Kiểm ngư Lực lượng Kiểm ngư đã bước đầu được trang bị hệ thống máy ảnh, máy quay phục vụ công tác thu thập tài liệu, chứng cứ vi phạm của các tàu cá hoạt động trên biển trong quá trình tuần tra kiểm soát bao gồm: Máy quay FDR- AXS (05 chiếc); máy quay chuyên dụng Sony (03 chiếc); máy quay Mili (02 chiếc); máy ảnh DS-126431 (04 chiếc); máy ảnh KTS Cannon 30D2 (04 chiếc). Hiện nay, sau quá trình sử dụng một số thiết bị không còn sử dụng được, một số hoạt động kém hiệu quả do ảnh hưởng của môi trường nước biển, va chạm trong quá trình tiếp cận mục tiêu. 5. Viện kiểm sát nhân dân tối cao a) Thực trạng tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ - Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, gồm: Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương. - Viện kiểm sát các cấp, gồm: Các đơn vị nghiệp vụ thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Viện kiểm sát quân sự trung ương, Viện kiểm sát quân sự quân khu hoặc tương đương, Viện kiểm sát quân sự khu vực.
  7. Tại Viện kiểm sát các cấp chưa có cán bộ chuyên môn thực hiện công tác ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Các kiểm sát viên, kiểm tra viên, điều tra viên, cán bộ điều tra của Viện kiểm sát các cấp và của hệ thống Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đều là những cán bộ có kiến thức và trình độ cao về chuyên môn pháp luật, được đào tạo cơ bản từ Học viện An ninh nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân, Đại học Luật. Tuy nhiên, hầu hết các công chức chưa được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng sử dụng trang thiết bị chuyên dụng về ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong việc hỏi cung bị can. b) Thực trạng cơ sở vật chất, kỹ thuật - Tại Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao + Về phòng hỏi cung: Tại trụ sở chính đã bố trí được các phòng hỏi cung và các phòng ghi lời khai nhưng chưa được trang bị các thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh. Tại các phòng nghiệp vụ khu vực chưa có phòng hỏi cung, phòng lấy lời khai riêng biệt. Việc hỏi cung bị can chủ yếu được tiến hành tại phòng trực ban hình sự hoặc tại Hội trường hoặc tại phòng làm việc của điều tra viên. + Về trang thiết bị phục vụ việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh di động: Hiện Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao được trang bị 14 máy quay phim các loại, 38 máy ghi âm các loại. Các trang thiết bị sử dụng bình thường, chất lượng còn khoảng 70 - 80%. Nhìn chung, hiện tại Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao chưa có các phòng hỏi cung, phòng lấy lời khai đạt tiêu chuẩn. Các thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh chất lượng đã xuống cấp, còn thiếu về số lượng. - Tại Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương + Về phòng hỏi cung: Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương chưa được trang bị phòng hỏi cung (việc hỏi cung, lấy lời khai, tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, đối chất được tiến hành tại phòng tiếp công dân hoặc phòng trực ban hình sự hoặc phòng làm việc của điều tra viên). + Về trang thiết bị phục vụ việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh di động: Hiện đang sử dụng 02 máy ghi âm thế hệ cũ (01 máy Sony, 01 máy olympus). - Tại Viện kiểm sát các cấp + Về phòng hỏi cung: Tại trụ sở Viện kiểm sát các cấp không có phòng hỏi cung hoặc phòng lấy lời khai riêng biệt mà thường sử dụng chung với phòng tiếp công dân hoặc phòng trực ban hình sự hoặc phòng làm việc của Kiểm sát viên. + Về trang thiết bị phục vụ việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh di động: Hiện tại, Viện kiểm sát các cấp được trang bị 646 máy ghi âm, 592 máy ghi hình. Tuy nhiên, các trang thiết bị đã lâu, xuống cấp, còn thiếu nhiều để có thể đáp ứng yêu cầu về nhiệm vụ mới theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. 6. Tòa án nhân dân tối cao a) Thực trạng tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ Hệ thống Tòa án nhân dân các cấp gồm: Tòa án nhân dân tối cao, 03 Tòa án nhân dân cấp cao, 63 Tòa án cấp tỉnh, 710 Tòa án nhân dân cấp huyện, 05 đơn vị giúp việc của Tòa án nhân dân tối cao với gần 15.000 cán bộ, tuy nhiên chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh, chưa có biên chế và chế độ chính sách cho công tác này. b) Thực trạng cơ sở vật chất, kỹ thuật Hiện nay, hệ thống Tòa án nhân dân có 1.369 phòng xử án, trong đó có hơn 20% phòng xử án là công trình xây dựng cấp 4, có diện tích nhỏ; trên 50% đã được xây dựng từ năm 2002, được trang bị những thiết bị làm việc cơ bản như bàn ghế phục vụ xét xử, thiết bị âm thanh... nhưng về cơ bản đã cũ, xuống cấp, lạc hậu, không đồng bộ, công năng sử dụng chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của hoạt động xét xử. Thời điểm hiện tại hệ thống Tòa án nhân dân từ trung ương đến địa phương chưa có trang thiết bị phục vụ việc nghe, xem nội dung được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can tại phiên tòa. III. NHIỆM VỤ 1. Triển khai Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC- TANDTC-BQP a) Hoạt động
  8. - Biên soạn tài liệu tập huấn Thông tư liên tịch, trong đó tập trung vào các nội dung đảm bảo thống nhất nhận thức về hoạt động ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can đã được quy định trong Thông tư liên tịch này như: Các thuật ngữ “Ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh”, “Phương tiện, thiết bị kỹ thuật sử dụng để ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh”, “Phòng ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh”, “Cán bộ chuyên môn”; về các nguyên tắc thực hiện ghi âm, ghi hình; trình tự, thủ tục thực hiện; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; bảo quản, lưu trữ kết quả (chủ thể thực hiện, hoạt động bảo quản, lưu trữ); sử dụng kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh (trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử và quá trình kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; giải quyết khiếu nại, tố cáo; thẩm định vụ án hình sự)... để làm cơ sở đề xuất trang bị các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật và tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ thực hiện công tác này. - Tổ chức tập huấn Thông tư liên tịch Tổ chức các hội nghị, lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ có liên quan đến việc thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can (như cán bộ kỹ thuật của lực lượng hồ sơ, điều tra viên, cán bộ thực hiện công tác tạm giữ, tạm giam...) về các nội dung cơ bản của Thông tư liên tịch nhằm trang bị các kiến thức cần thiết để thực hiện đúng và thống nhất. b) Thời gian thực hiện: Quý III năm 2019. 2. Chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can a) Các yêu cầu cơ bản trong trang bị hệ thống ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh hỏi cung bị can - Yêu cầu về xây dựng hạ tầng cơ bản các buồng hỏi cung + Đảm bảo an toàn tuyệt đối trong việc quản lý, giam giữ can phạm nhân; đảm bảo chống thông cung và các quy định cần thiết khác trong hoạt động tố tụng. + Đảm bảo diện tích buồng hỏi cung phù hợp với yêu cầu của hoạt động hỏi cung. + Đảm bảo yêu cầu về ánh sáng và tiêu cự phù hợp cho việc ghi hình; đảm bảo yêu cầu về tiêu âm phù hợp cho việc ghi âm. + Đảm bảo về yêu cầu cách âm chống ồn, chống tạp âm, chống lộ lọt thông tin. + Đảm bảo tính riêng tư, tránh các tác động từ bên ngoài trong quá trình hỏi cung nhưng đồng thời phải đảm bảo từ bên ngoài có thể quan sát được diễn biến bên trong buồng hỏi cung. + Đảm bảo về nhiệt độ phòng, đảm bảo sức khỏe cho những người tham gia quá trình hỏi cung. - Yêu cầu về hệ thống kỹ thuật, trang thiết bị + Đảm bảo đáp ứng yêu cầu của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP. + Quá trình thiết kế, lựa chọn thiết bị và các giải pháp kỹ thuật phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong cả nước. + Hệ thống ghi âm, ghi hình trong các buồng hỏi cung bị can phải thống nhất về cấu trúc, cấu hình kỹ thuật, nguyên lý vận hành hoạt động. Đảm bảo tính thống nhất nhằm tạo điều kiện cho công tác đào tạo tập huấn khai thác sử dụng, bảo trì, thay thế, sửa chữa. + Hệ thống có giao diện đơn giản, dễ sử dụng, tối ưu hóa các thao tác nhằm nâng cao tính tiện ích và hiệu quả sử dụng. + Hệ thống cơ sở dữ liệu phải được quản lý, lưu giữ, khai thác, sử dụng theo đúng quy định của nhà nước. - Yêu cầu về bảo mật thông tin, bảo vệ bí mật nhà nước Trong quá trình đầu tư trang bị cũng như khai thác, sử dụng phải bảo đảm yêu cầu về bảo mật thông tin và bảo vệ bí mật nhà nước. - Yêu cầu về tính mở, tính kế thừa Xây dựng và triển khai dự án trang bị cơ sở vật chất, kỹ thuật phải mang tính mở để có thể kết nối, nâng cấp, mở rộng và có tính kế thừa, tận dụng tối đa cơ sở vật chất, hạ tầng hiện có, hạn chế đến mức thấp nhất khả năng gây gián đoạn thông tin, ảnh hưởng tới hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, tiết kiệm tối đa chi phí đầu tư mới. b) Phương án trang bị hệ thống ghi âm, ghi hình có âm thanh
  9. - Phương án trang bị thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh: + Trang bị hệ thống thiết bị ghi âm cố định hoặc cơ động; + Trang bị hệ thống thiết bị ghi hình có âm thanh cố định hoặc cơ động. - Phương án đầu tư hệ thống lưu trữ dữ liệu Trung tâm lưu trữ dữ liệu được xây dựng ở các bộ, ngành có liên quan để phục vụ việc lưu trữ, quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc bộ, ngành mình, bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP. Việc xây dựng Trung tâm lưu trữ dữ liệu phải tận dụng tối đa các Trung tâm lưu trữ dữ liệu hiện có của các bộ, ngành để tránh lãng phí trong đầu tư. Các Bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng Quy chế quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu tại Bộ, ngành mình. 3. Xây dựng tổ chức bộ máy và bố trí cán bộ thực hiện công tác ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can a) Hoạt động: Trên cơ sở đánh giá thực trạng về tổ chức bộ máy và bố trí cán bộ thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hoạt động hỏi cung bị can đề xuất nhu cầu và đề xuất tổ chức bộ máy và bố trí cán bộ thực hiện công tác này, cụ thể như sau: - Mục tiêu, yêu cầu về tổ chức bộ máy và bố trí cán bộ + Bố trí cán bộ đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can. + Tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo đúng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. + Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy để thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hoạt động tố tụng hình sự không làm tăng thêm đầu mối tổ chức và biên chế. + Xây dựng tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng, chế độ, chính sách cho cán bộ thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh phải có lộ trình phù hợp, được tiến hành đồng bộ với việc trang bị hệ thống thiết bị kỹ thuật. - Về tổ chức bộ máy và bố trí cán bộ + Đối với đơn vị quản lý thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh và thiết bị lưu trữ tại cấp cơ sở: Quản lý, vận hành, duy trì hệ thống thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh và thiết bị lưu trữ tại cấp cơ sở. Khởi tạo hệ thống ghi âm, ghi hình có âm thanh, hướng dẫn cán bộ hỏi cung bị can sử dụng thiết bị. Truyền dữ liệu ghi âm, ghi hình có âm thanh về trung tâm lưu trữ. Phục vụ việc xem, sao chép dữ liệu phiên hỏi cung (trong trường hợp cán bộ hỏi cung làm thất lạc hoặc hỏng dữ liệu trên thiết bị ngoại vi hoặc theo yêu cầu quá trình tố tụng). Khắc phục các lỗi kỹ thuật, sự cố đơn giản của hệ thống. + Đối với đơn vị quản lý kỹ thuật hệ thống ghi âm, ghi hình có âm thanh: Quản lý kỹ thuật và đầu tư trang bị hệ thống ghi âm, ghi hình có âm thanh, trung tâm cơ sở dữ liệu. Hướng dẫn đào tạo kỹ thuật và quản lý, vận hành duy trì hoạt động hệ thống ghi âm, ghi hình có âm thanh. - Dự kiến kiện toàn tổ chức bộ máy thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can + Đối với đơn vị quản lý thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh cố định (Cơ quan điều tra, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ, Cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra): Bố trí cán bộ cần thiết thực hiện nhiệm vụ quản lý, vận hành trang thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh. - Đối với đơn vị quản lý, bảo hành, bảo trì hệ thống: Bố trí cán bộ đảm nhiệm quản lý, bảo hành, bảo trì hệ thống. b) Thời gian thực hiện: Hoàn thành trong quý IV năm 2019. IV. LỘ TRÌNH VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN
  10. 1. Lộ trình tổ chức thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc Việc thực hiện Đề án cần có lộ trình thích hợp để đảm bảo thực hiện trên phạm vi toàn quốc: - Năm 2019: Hoàn thành Đề án tổng thể và triển khai đầu tư đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, tổ chức bộ máy và bố trí cán bộ thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can. - Năm 2020: Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 thực hiện thống nhất ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc. 2. Kinh phí bảo đảm thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can Kinh phí thực hiện Đề án do ngân sách nhà nước đảm bảo và được sử dụng trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương theo quy định về phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành. Việc quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành. Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương xây dựng các dự án thành phần, bảo đảm tận dụng tối đa các nguồn lực hiện có, xác định nhu cầu kinh phí thực hiện Đề án, trong đó chi tiết: Chi đầu tư, chi thường xuyên đối với từng bộ, cơ quan trung ương và các địa phương; dự kiến nhu cầu kinh phí vận hành, duy tu hàng năm đối với từng bộ, cơ quan trung ương và các địa phương (những nội dung, nhiệm vụ đã được bố trí trong kinh phí chi thường xuyên hiện nay; những nội dung, nhiệm vụ phát sinh mới cần bổ sung kinh phí để thực hiện). Trên cơ sở xác định nhu cầu kinh phí, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương xin ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đảm bảo kinh phí thực hiện Đ ề án phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước hàng năm. V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 1. Bộ Công an a) Chủ trì thực hiện các nội dung tại Phần III Đề án này trong lực lượng Công an nhân dân. b) Trên cơ sở Đề án này và quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC- TANDTC-BQP, xây dựng Dự án “Cơ sở vật chất, kỹ thuật thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự” và Dự án “Kiện toàn tổ chức, bố trí cán bộ thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh trong tố tụng hình sự”, thực hiện các trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt dự án theo quy định pháp luật và triển khai thực hiện trong Công an nhân dân. c) Đôn đốc, hướng dẫn và phối hợp với các bộ, ngành xây dựng, thực hiện các Dự án thành phần thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. 2. Bộ Quốc phòng a) Chủ trì thực hiện các nội dung tại Phần III Đề án này trong lực lượng Quân đội nhân dân. b) Trên cơ sở Đề án này và quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC- TANDTC-BQP, xây dựng dự án thành phần, thực hiện các trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt dự án theo quy định pháp luật và triển khai thực hiện trong Quân đội nhân dân. 3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn a) Chủ trì thực hiện các nội dung tại Phần III Đề án này cho lực lượng Kiểm ngư, Kiểm lâm. b) Trên cơ sở Đề án này và quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC- TANDTC-BQP, xây dựng dự án thành phần, thực hiện các trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt dự án theo quy định pháp luật và triển khai thực hiện trong lực lượng Kiểm lâm, Kiểm ngư. 4. Bộ Tài chính a) Chủ trì thực hiện các nội dung tại Phần III Đề án này cho lực lượng Hải quan. b) Trên cơ sở Đề án này và quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC- TANDTC-BQP, xây dựng dự án thành phần, thực hiện các trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt dự án theo quy định pháp luật và triển khai thực hiện trong lực lượng Hải quan. 5. Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao a) Chủ trì thực hiện các nội dung tại Phần III Đề án cho các kiểm sát viên, điều tra viên trong ngành Kiểm sát nhân dân.
  11. b) Trên cơ sở Đề án này và quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC- TANDTC-BQP, xây dựng dự án thành phần, thực hiện các trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt dự án theo quy định pháp luật và triển khai thực hiện trong ngành Kiểm sát. 6. Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao trên cơ sở Đề án này và Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT- BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP, xây dựng dự án đảm bảo thực hiện việc nghe, xem nội dung được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can tại phiên tòa, thực hiện các trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật và triển khai thực hiện trong ngành Tòa án. 7. Yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Trên cơ sở Đề án này và quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC- TANDTC-BQP, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện nhiệm vụ được giao./
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD


ERROR:connection to 10.20.1.98:9315 failed (errno=111, msg=Connection refused)
ERROR:connection to 10.20.1.98:9315 failed (errno=111, msg=Connection refused)

 

Đồng bộ tài khoản
5=>2