intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên sư phạm: Vài suy nghĩ về thực trạng và giải pháp

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

16
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên sư phạm: Vài suy nghĩ về thực trạng và giải pháp trình bày thực trạng rèn luyện KNNN cho SVSP ở Đại học Cần Thơ; Vài nét về phương pháp phân tích thực hành nghiệp vụ; Một số kiến nghị cải cách hệ quả của việc áp dụng PPPTTHNV.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên sư phạm: Vài suy nghĩ về thực trạng và giải pháp

  1. TT phát triển Nghiệp vụ sư phạm Công tác thực tập sư phạm ở các trường sư phạm RÈN LUYỆN KỸ NĂNG NGHỀ NGHIỆP CHO SINH VIÊN SƯ PHẠM : VÀI SUY NGHĨ VỀ THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP TS. Võ Văn Chương Khoa Sư Phạm - Đại học Cần Thơ 1. Thực trạng rèn luyện KNNN cho SVSP ở Đại học Cần Thơ Trong thời gian qua, theo ghi nhận của chúng tôi, không riêng gì ở Khoa Sư Phạm trường Đại học Cần Thơ, việc rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ cho sinh viên còn tồn tại một số hạn chế sau đây : - Trong chương trình đào tạo, chúng ta chú trọng nhiều đến rèn luyện năng lực chuyên môn (trang bị kiến thức bộ môn) mà chưa chú ý đúng mức đến rèn luyện năng lực sư phạm cho sinh viên. Thời gian dành cho kiến tập sư phạm, tập giảng và thực tập sư phạm còn ít, cho nên các em khi ra trường còn rất non yếu về tay nghề. - Trong suốt thời gian kiến tập, sinh viên chỉ được dự giờ giáo viên chuyên môn từ 3 đến 5 tiết là quá ít. Hơn nữa sinh viên không được dự giờ các giáo viên khác, ngoài giáo viên hướng dẫn của mình. - Các giờ tập giảng ở trường sư phạm tưởng chừng như giúp cho sinh viên làm quen với hoạt động dạy học, rèn luyện được kỹ năng dạy học, nhưng thực ra hiệu quả không cao do sinh viên chỉ làm việc trên những tình huống sư phạm giả định, thiếu vắng chủ thể học sinh, thiếu vắng hoạt động học thực sự. Mà như chúng ta đã biết, hoạt động dạy và hoạt động học có mối quan hệ qua lại chặt chẽ với nhau, không thể tách rời. - Về thực tập sư phạm, phương thức tiến hành và cơ chế phối hợp giữa trường sư phạm và trường phổ thông còn thể hiện nhiều bất cập : + Giáo viên do trường sư phạm đề cử để hướng dẫn sinh viên thực tập chưa phát huy hết vai trò của mình : giáo viên này chỉ đơn thuần làm công việc theo dõi, quản lý nhóm sinh viên thực tập, chứ chưa đóng vai trò là một giáo viên hướng dẫn có năng lực trong chuyên ngành bộ môn và năng lực sư phạm, dự giờ các em, giúp đỡ kịp thời các em trong việc phát huy những ưu điểm cũng như khắc phục những khuyết điểm của mình trong thực tập giảng dạy. + Hầu như chúng ta phó mặc nội dung thực tập sư phạm và việc đánh giá sinh viên thực tập cho giáo viên hướng dẫn của các trường phổ thông đảm trách. Cho nên thứ nhất, những kiến thức, kỹ năng mà sinh viên lĩnh hội được trong thời gian thực tập phụ thuộc chủ yếu vào kinh nghiệm giảng dạy, năng lực sư phạm của giáo viên hướng dẫn của trường phổ thông. Thứ hai, dễ nảy sinh chuyện « đào tạo một đường, nhưng thực hành một nẽo » : nhiều trường hợp sinh viên không thể hiện được hết khả năng của mình, không vận dụng được những kiến thức lý thuyết đã học vào thực tiễn do có xu hướng xem hoặc bị « ép buộc » xem phương pháp giảng dạy, cách làm của giáo viên hướng dẫn của trường phổ thông là kiểu mẫu. 20
  2. TT phát triển Nghiệp vụ sư phạm Công tác thực tập sư phạm ở các trường sư phạm Thứ ba, thiếu sự công bằng trong đánh giá, do việc đánh giá không dựa trên những tiêu chí rõ ràng, thống nhất mà chủ yếu dựa vào cảm tính của mỗi giáo viên hướng dẫn. Và cuối cùng là thiếu sự gắn kết giữa giáo viên trường đại học và giáo viên trường phổ thông. + Ngoài ra, việc một sinh viên thực tập chỉ được làm việc trực tiếp với một giáo viên hướng dẫn của trường phổ thông trong suốt thời gian thực tập cũng làm hạn chế cơ hội quan sát, tiếp cận với nhiều phương pháp giảng dạy, giáo dục, với nhiều kinh nghiệm giảng dạy của nhiều giáo viên. Trước thực trạng nêu trên, chúng tôi cho rằng việc đưa vào thử nghiệm phương pháp phân tích thực hành nghiệp vụ (một phương pháp đã và đang được sử dụng phổ biến ở các nước phương tây trong đào tạo giáo viên sư phạm) trong thực tập sư phạm sẽ là một giải pháp hữu hiệu.Trong phần tiếp theo sau đây, chúng tôi sẽ trình bày sơ lược về phương pháp này và nêu ra một số kiến nghị cải cách hệ quả của việc sử dụng nó trong bối cảnh Việt Nam. 2. Vài nét về phương pháp phân tích thực hành nghiệp vụ 2.1. Định nghĩa Phân tích thực hành nghiệp vụ (PTTHNV) là một khái niệm đa nghĩa được sử dụng rất nhiều trong lĩnh vực đào tạo. Đa nghĩa vì nó bao hàm những quan niệm lý thuyết, cách thức và phương tiện thực hiện rất khác nhau. Ở đây, chúng tôi xin nêu ra định nghĩa mà chúng tôi chia sẽ. Theo Cl. Blanchard-Laville & D. Fablet (2000 : 285-286), phân tích thực hành nghiệp vụ là « hoạt động được tổ chức trong khuôn khổ đào tạo nghiệp vụ chính quy hay tại chức, liên quan đặc biệt đến những người là đào tạo viên, giáo viên, nhà tâm lý học, bác sĩ, những người làm công tác xã hội, phụ trách nguồn nhân lực… ». Đây là phương pháp đào tạo trong đó người học « không chỉ mô tả, trao đổi, chia sẽ kinh nghiệm nghề nghiệp cá nhân đã trải qua, mà còn phân tích kinh nghiệm đó để hiểu, ý thức rõ hơn những gì đã làm, những vấn đề đã xảy ra, những kết quả đã đạt được… », để từ đó có được kỹ năng, năng lực nghề nghiệp tốt hơn. Qua định nghĩa trên, ta có thể thấy ba đặc điểm lớn của phương pháp đào tạo nghiệp vụ này. M. Altet (2002) tóm tắt ba đặc điểm này như sau : - Phân tích thực hành nghiệp vụ là một « phương pháp có chủ đích, được định hướng bởi mục tiêu trau dồi nghiệp vụ » thông qua sự tự suy nghĩ, soi roi bản thân. Phương pháp này giúp cho người học đứng lùi lại so với hoạt động thực hành nghiệp vụ của bản thân, từ đó nhận dạng được các thái độ, cách cư xử và kỹ năng đã được vận dụng để hiểu rõ hơn và nhận thức đúng đắn hơn ý nghĩa của hành động được thực hiện trong những tình huống nghề nghiệp cụ thể. - Phân tích thực hành nghiệp vụ là một « phương pháp được tiến hành dưới dạng nhóm » : một người học hay thực tập sẽ trình bày trước các bạn cùng nhóm và một hoặc nhiều đào tạo viên chuyên nghiệp về hoạt động thực hành mình đã trải nghiệm, đưa ra cách hiểu cá nhân về hoạt động đó, nói rõ lý do lựa chọn các cách giải quyết đã sử dụng, sự nhận thức, những cảm nhận, nghi ngờ hay câu hỏi 21
  3. TT phát triển Nghiệp vụ sư phạm Công tác thực tập sư phạm ở các trường sư phạm của mình về những gì đã diễn ra. Như vậy, phân tích thực hành nghiệp vụ không phải là một cuộc nói chuyện bình thường, một cuộc trao đổi đơn thuần về nghề nghiệp hay một sự so sánh giản đơn các quan điểm mà đó là một sự chất vấn thực sự về ý nghĩa của một hoạt động thực hành và sự chất vấn này được tiến hành tập thể. - Phân tích thực hành nghiệp vụ « được tiến hành dưới sự hướng dẫn của một hay nhiều đào tạo viên chuyên nghiệp ». Đào tạo viên, với tư cách là chuyên gia, trước tiên sẽ giúp người học lùi lại so với hoạt động thực hành nghiệp vụ của bản thân, có suy nghĩ, nhận thức rõ hơn về hoạt động này. Sau khi nhóm đã trao đổi, thảo luận xong, đào tạo viên sẽ trình bày sự phân tích mang tính chuyên nghiệp của mình, nêu những quan điểm đa diện, đa chiều về sự phức tạp của tình huống nghề nghiệp, đưa ra những cách lý giải mang tính giả thuyết, từ đó giúp cho những người học trong nhóm có cái hiểu bao quát và rõ hơn về hoạt động thực hành nghiệp vụ đang được phân tích và về ý nghĩa của nó. Như vậy, trong phương pháp này, đào tạo viên không phải là người đưa ra những công thức, phương pháp hay, dạy cho người học những cách làm phổ biến, những ngón khéo của nghề, hay đưa ra khuôn mẫu cho một hoạt động thực hành đạt chuẩn, mà là người cung cấp những mốc hay cơ sở lý thuyết để giúp người học có thể định vị hoạt động thực hành đang được phân tích so với những mốc hay cơ sở lý thuyết đó, từ đó tự xác định cho mình những điểm có thể cải tiến trong thực hành nghiệp vụ. Như vậy, trong phương pháp phân tích thực hành nghiệp vụ, lý thuyết và thực hành được kết hợp hài hòa và xen kẽ nhau theo kiểu : LÝ THUYẾT - THỰC HÀNH – LÝ THUYẾT - THỰC HÀNH. Có nghĩa là trong chương trình đào tạo nghiệp vụ chính quy chẳng hạn, người học trước tiên sẽ được tiếp cận với các kiến thức lý thuyết liên quan đến nghề được đào tạo, sau đó ứng dụng những kiến thức được học vào thực tập. Trong quá trình thực tập, các buổi phân tích thực hành nghiệp vụ sẽ giúp cho người học nhận thức rõ hơn những thành công hay thất bại trong việc vận dụng lý thuyết vào thực hành, những điểm mạnh, điểm yếu của mình và bổ sung những kiến thức lý thuyết mới cần thiết để người học tham khảo, từ đó tự xác định cho mình những điều có thể cải tiến trong thực hành và cách thức tiến hành những cải tiến đó. Hay nói cách khác, việc vận dụng phương pháp phân tích thực hành nghiệp vụ giúp cho người học trao dồi và phát triển kỹ năng, năng lực nghề nghiệp thông qua thực hành nghiệp vụ và nhằm mục đích thực hành nghiệp vụ. Chính vì thế, phương pháp phân tích thực hành nghiệp vụ là một trong những công cụ đào tạo hiệu quả được sử dụng trong khuôn khổ một mô hình đào tạo mang tính chuyên nghiệp hóa. Đối với người học, phân tích thực hành nghiệp vụ là cơ hội để họ có thể chuyên nghiệp hóa kỹ năng, năng lực nghề nghiệp của họ. 2.2. Các bước tiến hành Việc vân dụng phương pháp phân tích thực hành nghiệp vụ vào thực tiễn rất đa dạng và phong phú. Nhưng trên cơ sở những đặc điểm đã nêu ở phần trên, chúng tôi có thể nói phương pháp phân tích thực hành nghiệp vụ được tiến hành theo năm bước chính : 22
  4. TT phát triển Nghiệp vụ sư phạm Công tác thực tập sư phạm ở các trường sư phạm - Bước 1 : một người học hay thực tập sẽ thuyết trình trước các bạn cùng nhóm và một hoặc nhiều đào tạo viên chuyên nghiệp về hoạt động thực hành mình đã trải nghiệm (có thể dùng băng ghi hình để hổ trợ), sau đó tự phân tích tình huống và nêu lên những ước nguyện của mình, điều mình muốn thực hiện trong tương lai để cải thiện hoạt động nghiệp vụ của bản thân. - Bước 2 : các thành viên trong nhóm đặt câu hỏi cho người trình bày để nắm rõ tình huống nghề nghiệp vừa được thuật lại. - Bước 3 : các thành viên trong nhóm đưa ra các giả thuyết và trao đổi để cùng nhau tìm hiểu tình huống, xác định những gì có thể thay đổi để cải thiện tình huống. - Bước 4 : người trình bày phát biểu, phản ứng lại với những gì mình đã nghe. - Bước 5 : đào tạo viên trình bày sự phân tích mang tính chuyên nghiệp của mình, nêu những quan điểm đa diện, đa chiều về sự phức tạp của tình huống nghề nghiệp, đưa ra những cách lý giải mang tính giả thuyết, từ đó giúp cho những người học trong nhóm có cái hiểu bao quát, rõ hơn về hoạt động thực hành nghiệp vụ đang được phân tích và về ý nghĩa của nó. Ở bước này, đào tạo viên có thể cung cấp một số kiến thức lý thuyết mới bổ sung giúp cho người học có thể lý thuyết hóa hoạt động thực hành nghiệp vụ mà nhóm đang phân tích và có phương hướng cho việc cải thiện hoạt động thực hành nghiệp vụ trong tương lai. 2.3. Vai trò và tâm thế của những người tham gia PTTHNV 2.3.1. Đào tạo viên Trong phương pháp phân tích thực hành nghiệp vụ, đào tạo viên phải là người : - chuyên nghiệp trong thực hành giảng dạy, chuyên nghiệp trong đào tạo theo phương pháp dẫn dắt, đi cùng và có năng lực trong phân tích thực hành nghiệp vụ, trong hình thành tri thức và trong nghiên cứu ; - Đóng vai trò là người trung gian hòa giải có nhiệm vụ giúp người học tự xây dựng kỹ năng, năng lực nghề nghiệp cho mình, đứng lùi lại so với hoạt động thực hành nghiệp vụ của bản thân, nhận thức, hiểu rõ hơn về sự vận hành và khả năng của bản thân, và nhiệm vụ tạo ra khoảng không gian thuận lợi cho sự trao đổi, thảo luận, chia sẽ kinh nghiệm (trong vai trò này, đào tạo viên phải biết từ chối đưa ra một kiểu mẫu duy nhất, biết thiết lập mối quan hệ tin cậy với người học, không làm thay người học, biết cân đối giữa mục đích yêu cầu cần đạt được của hoạt động phân tích thực hành nghiệp vụ và những điều cần để cho người học tự xây dựng) ; - Đứng trong tâm thế của người dẫn dắt, đi cùng người học, tức phải biết lắng nghe, luôn sẵn lòng với người học, tôn trọng người học, tỏ ra ân cần và có khả năng thấu hiểu người học. 2.3.2. Người học 23
  5. TT phát triển Nghiệp vụ sư phạm Công tác thực tập sư phạm ở các trường sư phạm Người học ở đây bao gồm người thuyết trình và các thành viên khác trong nhóm. Để phương pháp phân tích thực hành nghiệp vụ đạt được mục tiêu của nó, người học phải đóng vai trò là một chủ thể tích cực trong quá trình phân tích, trao đổi thảo luận và trong lĩnh hội tri thức. Nói cách khác, người học không còn ở trong tâm thế thụ động, trông chờ vào sự truyền đạt những kiến thức chuẩn mực, đã được thiết lập sẵn và bất biến từ đào tạo viên, mà phải tự xây dựng kiến thức cho riêng mình, tự trao dồi bản thân thông qua sự tự suy nghĩ, soi rọi bản thân và thông qua sự xung đột với chính bản thân và với các thành viên khác trong nhóm. 3. Một số kiến nghị cải cách hệ quả của việc áp dụng PPPTTHNV Để có thể vận dụng hiệu quả phương pháp phân tích thực hành nghiệp vụ vào trong bối cảnh đào tạo sinh viên sư phạm Việt Nam, trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi xin mạn phép nêu ra một số cải cách cần thiết trong chương trình đào tạo như sau : - Thứ nhất, trong chương trình đào tạo, ngoài việc giảng dạy kỹ hơn những môn lý thuyết như tâm lý, giáo dục học, phương pháp giảng dạy bộ môn, chúng ta còn cần phải bổ sung kiến thức thực tế cho sinh viên bằng cách mời những giáo viên giỏi ở các trường phổ thông báo cáo cho sinh viên các chuyên đề phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ sư phạm như kinh nghiệm của giáo viên giỏi, kinh nghiệm công tác chủ nhiệm lớp, thiết kế giáo án điện tử, sử dụng đồ dùng dạy học, đánh giá học sinh, quản lý các hoạt động ngoài giờ lên lớp… Thông qua các buổi báo cáo chuyên đề này, giảng viên các khoa, trường sư phạm có mối quan hệ gắn bó hơn với giáo viên phổ thông, nắm vững hơn thực tế, những gì đang diễn ra ở các trường phổ thông, từ đó có thể chuẩn bị cho sinh viên tốt hơn trước khi gửi các em về trường phố thông thực tập và phối hợp tốt hơn với giáo viên phổ thông trong việc thực hiện công tác rèn luyện nghiệp vụ này. - Thứ hai, trong chương trình đào tạo cần có thời gian riêng dành cho các hoạt động rèn luyện nghiệp vụ như nghiên cứu giáo án mẫu, giờ dạy mẫu và xây dựng giáo án. Riêng phần tập giảng, vì không hiệu quả do những lý do đã nêu ở phần đầu bài viết, chúng tôi thiết nghĩ nó không cần thiết nữa. Các giờ giảng thực tập ở trường phổ thông mới là những giờ tập giảng thực sự lý tưởng và mang lại hiểu quả cao. Dĩ nhiên, muốn thế thì phương thức tiến hành thực tập, đặc biệt là phương thức đánh giá phải được thay đổi cho phù hợp (chúng tôi sẽ trình bày rõ hơn điểm này ở những đề nghị tiếp theo). - Thứ ba, trong thời gian kiến tập, chúng ta phải làm sao tạo điều kiện cho sinh viên được dự giờ nhiều hơn và không chỉ dự giờ giáo viên hướng dẫn mà còn được dự giờ các giáo viên khác. - Thứ tư, khi thực tập, sinh viên được vào giảng dạy ngay và thông qua các buổi phân tích thực hành nghiệp vụ chúng ta sẽ đánh giá quá trình tiến bộ, năng lực nghề nghiệp của sinh viên. Như vậy, sinh viên sẽ không phải mất thời gian cho việc quan sát giáo viên hướng dẫn dạy mẫu và dạy thử trước khi dạy chính thức để được đánh giá như cách làm mà chúng ta thường thấy từ trước đến nay. Cần nói thêm là ba kiến nghị trước nhằm mục đích chuẩn bị cho kiến nghị thứ tư này, tức 24
  6. TT phát triển Nghiệp vụ sư phạm Công tác thực tập sư phạm ở các trường sư phạm trang bị tốt hơn cho sinh viên những kiến thức lý thuyết và thực tế trước khi thực tập. - Thứ năm, giảng viên các khoa, trường sư phạm và giáo viên phổ thông phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc thực hiện nội dung thực tập, hướng dẫn sinh viên thực tập. Cụ thể, giáo viên phổ thông vẫn được phân công như trước đây để giao nhiệm vụ thực tập cụ thể cho sinh viên và theo dự giờ trực tiếp các em (các giờ dạy này sẽ được ghi hình lại phục vụ cho các buổi phân tích thực hành nghiệp vụ) ; còn giảng viên trường sư phạm sẽ tham gia chủ trì các buổi phân tích thực hành nghiệp vụ (với sự có mặt của giáo viên phổ thông và các sinh viên thực tập cùng bộ môn) và sẽ là người đóng vai trò quyết định trong đánh giá sinh viên (dĩ nhiên có sự tham khảo ý kiến của giáo viên phổ thông trực tiếp phụ trách sinh viên). Ngoài ra, chương trình thực tập phải được xây dựng một cách mềm dẽo để sinh viên có thể dự giờ các bạn thực tập cùng bộ môn và có thời gian dành cho các buổi phân tích thực hành nghiệp vụ. - Thứ sáu, việc đánh giá sinh viên thực tập phải dựa trên những quan sát về quá trình tiến bộ của sinh viên trong suốt thời gian thực tập, được nhận thấy qua các buổi phân tích thực hành nghiệp vụ (sinh viên vận dụng những điều đã học vào thực tế như thế nào ? sinh viên tiếp thu được gì qua các buổi phân tích thực hành nghiệp vụ ? sinh viên đạt được những tiến bộ nào trong thực hành nghiệp vụ sau mỗi buổi phân tích thực hành nghiệp vụ ?). Đồng thời, việc đánh giá này còn phải dựa trên các tiêu chí rõ ràng, ví dụ như dựa trên hệ thống kỹ năng và năng lực sư phạm của một giáo viên. Trên đây chỉ là những ý tưởng sơ bộ về việc ứng dụng phương pháp phân tích thực hành nghiệp vụ trong việc nâng cao hiệu quả rèn luyện kỹ năng, năng lực nghề nghiệp cho sinh viên sư phạm. Chúng tôi ý thức được rằng các ý tưởng sơ bộ này để được chấp nhận đưa vào áp dụng phải trải qua cả một quá trình thảo luận, trao đổi, nghiên cứu và thử nghiệm. Qua bài viết này, chúng tôi hy vọng nhận được nhiều ý kiến đóng góp xây dựng từ các chuyên gia, các đồng nghiệp để có thể đào sâu hơn nữa suy nghĩ của mình. Đồng thời cũng hy vọng thu hút được sự quan tâm của những nhà nghiên cứu hoạch định chương trình đào tạo ở các khoa, trường sư phạm đến những tồn tại liên quan đến nội dung rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên, góp phần tìm ra giải pháp hữu hiệu cho những tồn tại này. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Altet M. (1994), La formation professionnelle des enseignants, Nxb PUF, Paris, 283 tr. 2. Altet M. (2002), « Une démarche de recherche sur la pratique enseignante : l’analyse plurielle », trong tạp chí Revue française de pédagogie, số 138, tr. 85- 93. 3. Blanchard-Laville Cl. & Fablet D. (2000), L’analyse des pratiques professionnelles, Nxb. L’Harmattan, Paris, 286 tr. 25
  7. TT phát triển Nghiệp vụ sư phạm Công tác thực tập sư phạm ở các trường sư phạm 4. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2004), Đổi mới nội dung và phương pháp dạy học ở các trường Đại học Sư phạm, Kỷ yếu hội thảo (1/2003, Ba Vì), 452 tr. 5. Develay M. (1996), Peut-on former des enseignants ?, Nxb. ESF, Paris, 156 tr. 6. Raynal F. & Rieunier A. (2005), Pédagogie : dictionnaire des concepts clés, Nxb. ESF, Paris, 420 tr. 7. Robo P. (2002), « L’analyse de pratiques professionnelles : un dispositif de formation accompagnante », trong tạp chí Vie pédagogique, số 122, tr. 7-11. 26
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
5=>2