intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Sản phẩm du lịch làng ven biển Gò Cỏ (Quảng Ngãi) dưới góc nhìn phát triển du lịch bền vững

Chia sẻ: Tô Nhiễm | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

3
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Sản phẩm du lịch làng ven biển Gò Cỏ (Quảng Ngãi) dưới góc nhìn phát triển du lịch bền vững" tập trung phân tích các sản phẩm du lịch của làng Gò Cỏ dựa theo các nguyên tắc chung - ba trụ cột của phát triển du lịch bền vững (kinh tế - văn hóa xã hội - môi trường). Kết quả nghiên cứu đã phát hiện những kết quả rất đáng khích lệ về nỗ lực của hợp tác xã du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, phát triển kinh tế địa phương, mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Sản phẩm du lịch làng ven biển Gò Cỏ (Quảng Ngãi) dưới góc nhìn phát triển du lịch bền vững

  1. SẢN PHẨM DU LỊCH LÀNG VEN BIỂN GÒ CỎ (QUẢNG NGÃI) DƯỚI GÓC NHÌN PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG Trần Thị Tuyết Sương1 Tóm tắt: Làng Gò Cỏ (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) là một điểm du lịch cộng đồng đã được công nhận danh hiệu OCOP 3 sao với nhiều tài nguyên du lịch đặc sắc. Hợp tác xã du lịch cùng với cộng đồng địa phương đã biết khai thác các nguồn lực sẵn có để tạo ra một không gian du lịch độc đáo, nơi du khách có thể trải nghiệm để nâng cao nhận thức về các giá trị tự nhiên, lịch sử và văn hóa của vùng đất gắn liền với văn hoá Sa Huỳnh và văn hoá Champa. Bài viết tập trung phân tích các sản phẩm du lịch của làng Gò Cỏ dựa theo các nguyên tắc chung - ba trụ cột của phát triển du lịch bền vững (kinh tế - văn hoá xã hội - môi trường). Kết quả nghiên cứu đã phát hiện những kết quả rất đáng khích lệ về nỗ lực của hợp tác xã du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, phát triển kinh tế địa phương, mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương. Từ khóa: phát triển du lịch bền vững, làng Gò Cỏ, tiêu chuẩn du lịch bền vững ASEAN. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Làng Gò Cỏ là một điểm đến du lịch cộng đồng, hoạt động hướng tới việc thực hiện các mục tiêu của du lịch bền vững. Các sản phẩm du lịch được thiết kế để tối thiểu hóa ảnh hưởng đến môi trường, phát huy giá trị di sản văn hóa và giúp cộng đồng địa phương hưởng lợi từ sự phát triển bền vững. Trong những năm qua, hoạt động du lịch làng Gò Cỏ đã có những đóng góp tích cực cho địa phương về kinh tế, văn hoá xã hội và môi trường. Câu chuyện từ một ngôi làng “bị bỏ quên” trở thành một ngôi làng “hạnh phúc” đã minh chứng cho những thành quả của cộng đồng địa phương trong việc phát triển du lịch. Tuy nhiên, hoạt động du lịch làng Gò Cỏ vẫn còn một số hạn chế về bảo vệ môi trường, nhân lực phục vụ du lịch, dịch vụ homestay,… cần được khắc phục để đảm bảo tính bền vững. Vì vậy, việc phân tích và đánh giá sản phẩm du lịch làng Gò Cỏ dựa theo các nguyên tắc của phát triển du lịch bền vững là cần thiết, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả sản phẩm du lịch cộng đồng. Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá sản phẩm du lịch ở làng Gò Cỏ dựa trên các nguyên tắc chung của phát triển du lịch bền vững (môi trường - kinh tế - văn hoá xã hội). Nghiên cứu này không chỉ đóng góp kiến thức cho lĩnh vực du lịch bền vững mà còn mang lại giá trị cho việc phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng của làng Gò Cỏ trong thời gian sắp tới. 1 Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
  2. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 391 2. CƠ SỞ DỮ LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Cơ sở dữ liệu để thực hiện bài viết bao gồm dữ liệu sơ cấp và dữ liệu thứ cấp. Dữ liệu sơ cấp được thu thập thông qua quá trình quan sát, điền dã, phỏng vấn và phát phiếu khảo sát ý kiến. Cơ sở thứ cấp được thu thập từ các văn bản hành chính nhà nước, các công trình nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, các bài viết trên các trang website uy tín,… Để thực hiện đề tài này, chúng tôi sử dụng một số phương pháp (định tính và định lượng) và kỹ thuật nghiên cứu sau đây: Phương pháp quan sát trực tiếp: tiếp cận, xem xét, thu thập dữ liệu từ thực tiễn tại làng Gò Cỏ qua nhiều lần điền dã từ năm 2020 đến nay. Phương pháp phỏng vấn trực tiếp: Trao đổi với một số thành viên HTX du lịch làng Gò Cỏ, bao gồm cả những thành viên của ban giám đốc HTX và những thành viên của các tổ phục vụ. Các cô chú đều là người dân sống lâu năm tại địa phương, tham gia từ những ngày đầu hợp tác xã du lịch cộng đồng được thành lập và hiện tại vẫn đang gắn bó rất nhiệt tình với các hoạt động của hợp tác xã. Ngoài ra, chúng tôi cũng phỏng vấn một số người dân sinh sống tại làng Gò Cỏ và khách du lịch để thu thập thông tin về hoạt động du lịch cộng đồng tại làng Gò Cỏ. Một số ý kiến nổi bật sẽ được trích dẫn trong bài viết này (bao gồm cả tên của người được phỏng vấn vì họ đã đồng ý). Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi: Bảng hỏi dành cho đại diện 37 hộ dân (trong tổng số 83 hộ dân) tại làng Gò Cỏ để khảo sát và đánh giá mức độ tham gia của người dân địa phương trong phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Bảng hỏi gồm có 3 phần: Thông tin cá nhân, Sự tham gia của người dân vào hoạt động du lịch cộng đồng tại làng Gò Cỏ, Nhu cầu và mong đợi của người dân trong việc phát triển du lịch cộng đồng tại làng Gò Cỏ. Một số kết quả khảo sát sẽ được đưa vào đề tài này như là số liệu minh chứng. Kỹ thuật phân loại kết hợp với hệ thống hóa nhằm sắp xếp các dữ liệu thành một hệ thống logic chặt chẽ theo từng vấn đề khoa học khác nhau. Kỹ thuật phân tích và tổng hợp để phân tích các nguồn tài liệu, chọn lọc những thông tin cần thiết phục vụ cho đề tài nghiên cứu. Sau đó tổng hợp tài liệu theo các vấn đề cần nghiên cứu. 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN 3.1. Cơ sở lí luận và thực tiễn 3.1.1. Các khái niệm Sản phẩm du lịch Theo Tổ chức Du lịch Liên Hiệp Quốc (UN Tourism), sản phẩm du lịch được xác định là “sự kết hợp của các yếu tố hữu hình và vô hình, chẳng hạn như tài nguyên thiên nhiên, văn hóa và nhân tạo, các điểm tham quan, cơ sở vật chất, dịch vụ và hoạt động
  3. 392 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... xung quanh một địa điểm cụ thể, đại diện cho giá trị cốt lõi của tiếp thị điểm đến và tạo ra trải nghiệm tổng thể cho du khách bao gồm cả những khía cạnh cảm xúc cho khách hàng tiềm năng. Một sản phẩm du lịch được định giá và bán thông qua các kênh phân phối và nó có vòng đời”1. Luật Du lịch Việt Nam (2017) thì định nghĩa: “Sản phẩm du lịch là tập hợp các dịch vụ trên cơ sở khai thác giá trị tài nguyên du lịch để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch”. Theo Trần Đức Thanh và các tác giả khác (2022), “đứng ở vị trí của khách du lịch, sản phẩm du lịch là tất cả những gì khách được thụ hưởng trong chuyến du lịch. Đối với nhà cung cứng du lịch, sản phẩm du lịch tập hợp những dịch vụ cần thiết để thoả mãn nhu cầu của khách du lịch trong chuyến đi du lịch”. Do đó, có thể hiểu sản phẩm du lịch bao gồm các dịch vụ hoặc trải nghiệm được cung cấp cho khách du lịch tại điểm đến mà họ đến tham quan, du lịch, từ chỗ ở, nhà hàng cho đến các hoạt động tham quan, vui chơi, giải trí, trải nghiệm,… Sản phẩm du lịch cũng đóng góp vào việc hình thành một điểm đến du lịch. Nếu một điểm đến có các sản phẩm du lịch phù hợp, điểm đến đó có thể trở thành điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch tiềm năng. Phát triển du lịch bền vững Trong báo cáo năm 1986, Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới đã đưa ra định nghĩa về “phát triển bền vững” (sustainable development). Từ đó, định nghĩa này đã trở nên phổ biến và được vận dụng nhiều trong các lĩnh vực. Khái niệm “phát triển du lịch bền vững” cũng được phát triển từ khái niệm “phát triển bền vững”. Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành quốc tế (WTTC) (1996), “du lịch bền vững là việc đáp ứng nhu cầu hiện tại của du khách và vùng du lịch mà vẫn bảo đảm những khả năng đáp ứng nhu cầu cho các thế hệ du lịch tương lai” (Nguyễn Đình Hòe, Vũ Văn Hiếu, 2001). Tổ chức Du lịch Liên Hiệp Quốc (UN Tourism) định nghĩa du lịch bền vững là “du lịch có tính đến đầy đủ các tác động kinh tế, xã hội và môi trường hiện tại và tương lai, giải quyết nhu cầu của du khách, ngành, môi trường và cộng đồng chủ nhà”2. As defined by UN Tourism, a Tourism Product is “a combination of tangible and intangible elements, 1 such as natural, cultural and man-made resources, attractions, facilities, services and activities around a specific center of interest which represents the core of the destination marketing mix and creates an overall visitor experience including emotional aspects for the potential customers. A tourism product is priced and sold through distribution channels, and it has a life-cycle” (https://www.unwto.org/tourism- development-products). 2 “Tourism that takes full account of its current and future economic, social and environmental impacts, addressing the needs of visitors, the industry, the environment and host communities” (https://www. unwto.org/sustainable-development, truy cập ngày 17/7/2021).
  4. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 393 Phát triển du lịch bền vững gắn liền với 3 trụ cột: môi trường, văn hoá - xã hội, kinh tế. Do đó, phát triển du lịch bền vững không chỉ tập trung đảm bảo các hoạt động kinh tế liên quan đến du lịch, mang lại lợi ích cho cả cộng đồng địa phương và các bên liên quan khác mà còn tập trung vào việc tối ưu hóa sử dụng các nguồn tài nguyên môi trường, bảo tồn di sản thiên nhiên và đa dạng sinh học cũng như tôn trọng và bảo tồn di sản văn hóa và giá trị truyền thống của cộng đồng địa phương, thúc đẩy sự hiểu biết và sự đa dạng văn hóa giữa các cộng đồng. Để thực hiện được du lịch bền vững, cần sự tham gia và hiểu biết từ tất cả các bên liên quan cũng như sự lãnh đạo của nhà nước và chính quyền địa phương. Phát triển du lịch bền vững là một quá trình liên tục, đòi hỏi việc liên tục đánh giá, giám sát các tác động, tiến hành các biện pháp phòng ngừa và/hoặc khắc phục khi cần thiết. 3.1.2. Giới thiệu tổng quan về làng Gò Cỏ Làng Gò Cỏ (hay còn gọi là Xóm Cỏ) là một làng ven biển nằm về phía đông nam của đầm An Khê, thuộc thôn Long Thạnh 2, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, cách Quốc lộ 1A khoảng 1,5 km về hướng Đông. Ngôi làng này nằm giữa hai dãy đồi núi cao ven biển, khá cách biệt với các khu dân cư xung quanh. Xóm Cỏ có diện tích tự nhiên khoảng 105ha, địa hình bao gồm: đồi núi uốn lượn vươn ra sát biển, các đồng bằng nhỏ hẹp ven biển và cồn cát. Độ cao địa hình không đồng đều, các khu vực chênh nhau từ 20m đến 50m so với mực nước biển (Ban quản lý công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh, 2019). Môi trường tự nhiên của làng Gò Cỏ còn khá hoang sơ, nổi bật bởi giá trị địa chất, địa mạo và đa dạng sinh học. Theo các nhà khoa học, về đặc điểm khoáng vật học, một số khối đá ở đây có thể tù kích cỡ lớn, có tinh thể thạch anh dạng lớn và các tinh thể biotit dạng vẩy (Ban quản lý công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh, 2019). Hệ sinh thái rất đa dạng với các loại môi trường sống như: rừng, biển, gành, suối, rú bụi, trảng cỏ, núi đá,… tạo nên sự phong phú của các loài động, thực vật. Hiện tại, làng Gò Cỏ có 83 hộ dân với dân số khoảng 400 người, sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp và ngư nghiệp. Theo người dân địa phương, tổ tiên của họ đã cư trú ở đây rất lâu đời. Do đó, bên cạnh những giá trị về tự nhiên, làng Gò Cỏ còn có các giá trị văn hoá đặc sắc. Hiện nay làng vẫn còn lưu giữ các di tích đền thờ, miếu hay những giếng cổ, con đường đá cổ của người Chăm tồn tại cách đây hàng trăm năm, các phong tục tập quán, phương thức đánh bắt thủy hải sản, canh tác nông nghiệp cùng một số loại hình nghệ thuật dân gian (hát hố, bài chòi,…) đặc trưng của cư dân vùng biển. Tuy nhiên, làng Gò Cỏ nằm ở vị trí khá tách biệt với xung quanh, bãi biển là bãi ngang nên không có nhiều điều kiện phát triển kinh tế, cơ hội việc làm còn khó khăn. Phần lớn người trong độ tuổi lao động đều phải rời xa quê hương để làm ăn sinh sống. Do đó, việc phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và đời sống tinh thần của người dân mà vẫn giữ gìn được các giá trị văn hoá bản địa và bảo vệ môi trường tự nhiên là điều cần thiết đối với làng ven biển Gò Cỏ.
  5. 394 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... 3.2. Sản phẩm du lịch làng Gò Cỏ 3.2.1. Mô hình du lịch cộng đồng tại làng Gò Cỏ Khách du lịch chỉ mới biết và đến Gò Cỏ trong khoảng 05 năm trở lại đây nhờ những bài báo và những bức ảnh đẹp về ngôi làng ven biển này được đăng tải trên các kênh truyền thông, đặc biệt là các trang mạng xã hội. Theo số liệu thống kê của hợp tác xã du lịch làng Gò Cỏ, năm 2019, làng Gò Cỏ đón khoảng 300 lượt khách và 5 tháng đầu năm 2020 đã đón khoảng 200 lượt khách. Cuối năm 2020, làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ chính thức được tỉnh Quảng Ngãi công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đây là tiền đề để tăng cường công tác quảng bá về thiên nhiên, văn hóa và con người Gò Cỏ đến với du khách, giúp hoạt động du lịch phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai. Mô hình du lịch cộng đồng hiện đang được triển khai tại làng Gò Cỏ là hợp tác xã du lịch với sự hỗ trợ và cùng đồng hành của Công ty Sungco. Đây là doanh nghiệp xã hội, hoạt động với sứ mệnh tạo dựng mô hình mạng lưới Hợp tác xã làng bằng sự kết hợp hòa hợp giữa hai yếu tố bảo tồn và phát triển; kích hoạt loại hình kinh tế tập thể (Hợp tác xã) của Việt Nam dựa trên việc lấy du lịch cộng đồng làm động lực để kết nối, hợp tác phát triển đa ngành. Trên cơ sở đó, hợp tác xã du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ đã được thành lập vào tháng 4 năm 2019 với 37 thành viên. Cơ cấu bao gồm: 01 giám đốc, 02 phó giám đốc, ban kiểm soát và các thành viên. Để tổ chức hợp tác xã du lịch cộng đồng đạt đến sự đồng thuận và thống nhất cao, các thành viên tham gia vào hợp tác xã đều dựa trên tinh thần tự nguyện, hiểu rõ vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của cá nhân/gia đình. Mọi quyết định được đưa ra để thực hiện đều thông qua sự bàn bạc và đồng ý của các thành viên trong hợp tác xã. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý minh bạch và rõ ràng cũng được đặt lên hàng đầu, hướng đến mục tiêu cùng nhau tạo thu nhập và phân chia lợi ích công bằng. Các thành viên sẽ trích ra 10% từ doanh thu du lịch của hộ gia đình để đóng góp vào hợp tác xã, phục vụ cho những hoạt động chung, chẳng hạn như: cung cấp nước, y tế hoặc các chương trình giáo dục… Dựa vào các nhu cầu của khách du lịch, hợp tác xã sẽ điều phối công việc giao cho các tổ phục vụ. 3.2.2. Sản phẩm du lịch trọn gói tại làng Gò Cỏ Hoạt động du lịch tại làng Gò Cỏ dựa trên nền tảng môi trường tự nhiên khá hoang sơ với cảnh quan biển kết hợp đồi núi cùng các giá trị về địa chất, địa mạo. Bãi biển ở Gò Cỏ là bãi ngang, thoai thoải với cát vàng, hạt mịn và hạt thô. Bãi biển Trăng Khuyết là một trong những bãi tắm đẹp tại làng Gò Cỏ với hình dáng như vầng trăng khuyết cùng nước biển xanh thẳm và bãi cát vàng. Ngoài ra, Gò Cỏ còn có nhiều hang động và những mũi đá nhỏ nằm chắn ngang, xen kẽ giữa các bãi biển tạo nên cảnh quan hấp dẫn. Tuy nhiên, những đặc sắc từ giá trị di sản văn hoá cùng với sự tham gia của cộng đồng địa phương mới chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt và những nét
  6. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 395 riêng cho các sản phẩm du lịch cộng đồng tại làng Gò Cỏ. Nếu như cảnh quan và môi trương tự nhiên là không gian cho các sản phẩm du lịch thì các giá trị văn hoá là những “nguyên vật liệu” chính để tạo thành sản phẩm du lịch của địa phương. Dịch vụ homestay Vốn văn hoá về không gian cư trú - những ngôi nhà đơn sơ, đặc trưng của làng quê vùng ven biển, được kế thừa từ nhiều đời cha ông đã trở thành các homestay tại làng Gò Cỏ. Khi ở tại các homestay này, khách du lịch sẽ cảm nhận được sự bình dị, mộc mạc trong cuộc sống của người dân. Du khách sẽ có cơ hội tham gia cùng gia đình chủ nhà thu thập các nguyên liệu tươi từ vườn rau hoặc bủa lưới bắt cá với một gia đình ngư dân, còn có thể tự tay nấu một món ăn địa phương dưới sự hướng dẫn của người dân địa phương nếu họ muốn… Nét đặc biệt của các homestay ở làng Gò Cỏ chính là những tấm biển được treo ở trước cổng nhà. Những tấm biển nhỏ xinh đều do các hộ gia đình tự tay làm từ những vật dụng sẵn có và trang trí bằng các sản vật địa phương. Điều tạo ấn tượng sâu sắc cho du khách nằm ở ý nghĩa đặc biệt của cái tên mà chủ nhà đặt cho các homestay, nói lên nghề nghiệp, đặc trưng riêng của mỗi gia chủ hay những giá trị mà gia chủ yêu quý, gìn giữ. Đầu làng có homestay của bác Tám với tấm biển đề tên Tám sương gió cùng hình vẽ cây đàn ghi ta bởi bác Tám chủ nhà, khi còn trẻ, rất vất vả với nghề đi biển để mưu sinh nhưng vẫn luôn yêu đời, hay đàn hát sớm chiều. Gành homestay có gia chủ làm nghề lặn rất giỏi, cả ngày gắn bó với gành đá từ sáng đến tối khuya để giăng lưới, lặn hay câu cá, câu mực. Lại có homestay tên là Nhím biển cùng hình ảnh con nhum, bởi vì chú chủ nhà chuyên làm nghề lặn dưới gành để bắt nhum biển. Dứa rừng homestay có gia chủ rất hiếu khách, siêng năng, chuyên đi thu gom dứa rừng về phơi khô để chế biến thành một loại nước giải khát rất tốt cho sức khoẻ. Còn có những homestay khác, như: Nhà tranh, Hoa giấy, Giếng cổ, Bánh ít mì… với những đặc trưng riêng. Có thể thấy, vốn văn hoá cá nhân đã phát huy được vai trò của mình, giúp cho gia chủ tạo được ấn tượng khó quên đối với du khách. Tham quan làng Tổ thuyết minh của hợp tác xã du lịch - cũng chính là những người dân bản địa, với vốn văn hoá cá nhân của mình, trực tiếp hướng dẫn khách du lịch đi men theo những con đường nhỏ quanh co trong làng để khám phá và tìm hiểu về làng Gò Cỏ. Thông qua lời giới thiệu mộc mạc, chất phác của hướng dẫn viên địa phương, khách du lịch sẽ hiểu thêm về văn hoá và con người nơi đây. Mỗi điểm tham quan và điểm dừng chân trong hành trình đều chứa đựng thông tin thú vị dành cho khách du lịch. Bởi lẽ, mỗi một thắng cảnh (Bãi biển Trăng Khuyết, Hang Gành Trên, Hang Sáo…) đều gắn với một câu chuyện hay truyền thuyết; miếu Chăm cổ, các giếng Chăm cổ, con đường đá cùng hệ thống thuỷ lợi của người Chăm là minh chứng cho sự kết nối truyền thống văn hóa Chăm - Việt ở nơi đây; các di tích lịch sử - văn hoá (Miễu Bồ
  7. 396 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... Đề, Dinh Bà, Dinh các Bác, Phế tích lăng cá Ông) biểu hiện cho đời sống văn hoá của người dân; các di tích lịch sử - cách mạng (Hầm trốn pháo, hầm đá) là vết tích của thời kỳ chiến tranh ác liệt… Không trau chuốt, không mượt mà và có chút ngượng ngùng nhưng hành trình tham quan làng Gò Cỏ do chính người dân địa phương làm hướng dẫn viên mang lại cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị. Trải nghiệm thuyền nan Thuyền nan là phương tiện mưu sinh quen thuộc của ngư dân làng Gò Cỏ. Trải nghiệm thuyền nan có 3 dịch vụ: thăm quan gành, trải nghiệm câu cá và trải nghiệm bủa lưới. Những dịch vụ này đều do các ngư dân lâu năm, dày dặn kinh nghiệm hướng dẫn. Từ lúc bình minh, ngư dân sẽ chèo thuyền đi dọc theo các gành đá để du khách ngắm cảnh biển và kể cho du khách nghe những câu chuyện sống động về lịch sử, văn hoá và cuộc sống của người dân nơi đây. Bằng chính những chiếc thuyền nan và công cụ đánh bắt hằng ngày của người ngư dân làng Gò Cỏ, dưới sự hướng dẫn của các ngư dân, du khách có thể tự tay mình bủa lưới hoặc câu cá. Đối với mỗi loài cá, ngư dân sẽ hướng dẫn du khách sử dụng các loại lưới khác nhau để đánh bắt. Như vậy, gành biển là tài sản chung của cộng đồng kết hợp với tài sản riêng của người ngư dân - chiếc thuyền nan và kinh nghiệm đi biển - đã trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn. Biểu diễn nghệ thuật dân gian Bên cạnh tổ biểu diễn nghệ thuật dân gian của hợp tác xã du lịch, làng Gò Cỏ còn có Hội Bài Chòi - Hát Hố. Do đó, khách du lịch đến với Gò Cỏ sẽ được thưởng thức các làn điệu dân ca mộc mạc và giao lưu với các nghệ sĩ “địa phương”. Biểu diễn nghệ thuật dân gian vừa giúp quảng bá cho khách du lịch về một loại vốn văn hoá phi vật thể của địa phương vừa là cách mà người dân bản địa kể cho du khách nghe về cuộc sống và quê hương của họ thông qua lời ca, tiếng hát. Trường học cộng đồng Trường học cộng đồng là một chương trình độc đáo chỉ có riêng tại Gò Cỏ, mang đến cho người học có những trải nghiệm thực tế trong một lớp học thực tế do chính người dân bản địa hướng dẫn. Đối tượng mà sản phẩm này hướng đến chính là học sinh, sinh viên. Tham gia “Trường học cộng đồng”, người học sẽ được trải nghiệm 4 hoạt động chính: trải nghiệm làm nông dân, trải nghiệm đan lưới, chơi trò chơi dân gian và trải nghiệm nấu ăn. Thông qua các hoạt động trải nghiệm, người học sẽ hiểu thêm về lịch sử, văn hóa, sinh kế của người dân bản địa. 3.3. Sản phẩm du lịch làng Gò Cỏ với các mục tiêu phát triển bền vững Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Như đã trình bày ở phần giới thiệu tổng quan, ngôi làng ven biển này chỉ có 83 hộ dân, sinh sống chủ yếu bằng nghề biển và nghề nông. Đa số người trẻ tuổi đã rời bỏ làng đến những nơi khác để tìm kiếm các cơ hội việc làm, để lại làng Gò Cỏ trẻ em và người lớn tuổi. Từ khi mô hình du lịch cộng đồng được triển khai, người dân làng
  8. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 397 Gò Cỏ đã được trao tay nhiều cơ hội việc làm hơn trước. Điều này có ý nghĩa đặc biệt hơn đối với phụ nữ và một số người trẻ tuổi. Ở vùng biển nói chung và ở làng Gò Cỏ nói riêng, vì tính chất nguy hiểm của công việc nên người đàn ông thường chịu trách nhiệm chính trong việc ra biển đánh bắt hải sản. Người phụ nữ thường chỉ phụ trách việc mang hải sản ra chợ bán, ở nhà nội trợ, đan lưới hay làm thêm công việc đồng áng. Du lịch cộng đồng đã mang lại cho họ những điều thật mới mẻ. Những người phụ nữ không còn suốt ngày quanh quẩn trong nhà, những người trẻ tuổi không còn chán nản nữa. Họ có rất nhiều việc để có thể làm cùng nhau khi tham gia hợp tác xã du lịch. Những người phụ nữ lớn tuổi tham gia vào các tổ dịch vụ ăn uống để hướng dẫn cho khách cách làm một số món ăn địa phương và nấu ăn phục vụ khách hoặc tham gia vào tổ hát bài chòi giao lưu và phục vụ cho khách du lịch. Những người trẻ tuổi năng động, nhiều sức khoẻ trở thành những hướng dẫn viên địa phương đưa du khách đi tham quan làng. Người lớn tuổi trong làng mong muốn du lịch cộng đồng phát triển để con cháu họ có việc để làm, sẽ quay về quê hương đoàn tụ với gia đình. Bác Tịnh (thành viên HTXDL làng Gò Cỏ) vui vẻ chia sẻ: “Con tui đi làm ăn xa. Mà, bữa trước, thằng lớn nó kêu kiểu này con phải trở về thôi Ba. Ba mua cái thúng Ba để sẵn đi rồi con về con chèo đưa khách con kiếm sống chớ đi làm bây giờ cũng khó khăn quá. Con về con thay chân Ba con làm. Cũng mừng lắm”. Cô Thương (thành viên HTXDL làng Gò Cỏ) cũng chia sẻ: “Cô rất mong muốn con cháu của cô nó về đây. Ông bà cũng mơ như vậy nhưng mà giờ chết hết rồi. Bây giờ thì về đông lắm. Chính trong gia đình của cô, con cháu của cô nó về, rồi nó phụ với cô làm homestay chứ nó không đi làm biển nữa”. Cơ hội việc làm luôn đi cùng với thu nhập được tăng lên. Dưới sự điều phối của hợp tác xã, các hộ gia đình được tham gia vào việc cung cấp các sản phẩm du lịch cho du khách. Hoạt động du lịch mang lại cho cộng đồng địa phương các “giá trị gia tăng” từ chính những sinh hoạt hay việc làm thường ngày của họ. Chẳng hạn, công việc chèo thuyền ra biển, giăng lưới đánh cá vừa là cách thức mưu sinh quen thuộc của người dân lại vừa là một dịch vụ du lịch để phục vụ cho du khách, từ đó có thể mang lại một khoản tăng thêm cho thu nhập của cộng đồng địa phương. Khoản thu từ khách du lịch, hợp tác xã chỉ thu 10% còn lại 90% là của hộ gia đình. Khảo sát 37/83 hộ dân về sự tham gia của người dân trong hoạt động du lịch cộng đồng tại làng Gò Cỏ. Chúng tôi đã nhận được một số kết quả từ người dân. Khi được hỏi: “Hoạt động du lịch có giúp ông/bà tăng thêm thu nhập không?”, kết quả khảo sát nhận được kết quả rất khả quan: 100% trả lời “Có”. Khi được hỏi: “Ông/Bà có hài lòng với mức thu nhập đó không?”, chúng tôi nhận được kết quả: 65,2% trả lời “Có” và 34,8% trả lời “Không”. Có thể thấy, mặc dù mới chỉ bắt đầu đón khách du lịch từ năm 2019, số lượng khách du lịch đến Gò Cỏ chưa cao nhưng các hộ gia đình đã nhận
  9. 398 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... được những khoản thu nhập tăng thêm từ phát triển du lịch cộng đồng và đa số hài lòng với mức thu nhập đó. Bác Tịnh (thành viên HTXDL làng Gò Cỏ) cho hay: “Từ xưa ông cha cho đến đời của tui cũng đều làm biển với cái thuyền nan. Hồi kia, tui cũng đẩy thuyền ra biển, bủa lưới, bữa kiếm một kí hay nửa kí cá thuẩn, bữa có bữa không. Mà nay có khách về đây, tôi chèo từ đây (bãi biển làng Gò Cỏ) xuống dưới kia (bãi biển làng kế bên) kiếm trăm, hai trăm ngàn thì cũng được. Còn hổng có khách thì tui cũng bủa ở đây bữa có bữa không. (Cười). Tui thấy thu nhập thêm cũng được lắm, cũng vui nữa”. Các hộ dân là thành viên của Hợp tác xã du lịch còn được tham gia học tập rất nhiều lớp học nhằm nâng cao nhận thức và bồi dưỡng văn hoá, hướng dẫn thực hành các nghiệp vụ cần thiết trong phục vụ khách du lịch... Hợp tác xã du lịch đã tổ chức cho một số đại diện đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại Cù Lao Chàm - nơi đã có kinh nghiệm trong việc phát triển du lịch cộng đồng hoặc tham gia giao lưu tại các Hội chợ văn hoá do tỉnh tổ chức. Thông qua những hoạt động này, người dân địa phương, đặc biệt là những người lớn tuổi đã được mở mang tầm nhìn, tiếp thu thêm nhiều kiến thức và kỹ năng để làm “du lịch cộng đồng”. Điều đặc biệt hơn nữa mà du lịch cộng đồng đã mang lại cho làng Gò Cỏ chính là sự hạnh phúc. Người dân nơi đây bao đời làm nông trên đá và làm biển trên bãi ngang nên cuộc sống không thể phát triển được và cái nghèo cứ “đeo bám” họ hết đời này đến đời khác. Vì mưu sinh, thế hệ trẻ lần lượt rời bỏ ngôi làng này để tìm đến những vùng đất khác, bỏ lại đây người già và trẻ con. Trong mắt những ngôi làng xung quanh, làng Gò Cỏ là một vùng đất chết, không thể sống được. Do đó, người dân ở đây luôn mang nỗi buồn vì cái nghèo, sự tổn thương vì bị coi thường và sự thiếu thốn tình cảm vì con cháu tha hương. Tuy nhiên, từ khi làm du lịch cộng đồng, đời sống tinh thần của người dân đã có những biến chuyển tích cực. Khi biết làng Gò Cỏ có những giá trị tự nhiên và giá trị di sản văn hoá quý giá và khi nhìn thấy du khách đến tham quan, người dân trở nên tự hào hơn về quê hương của mình, không còn cảm giác thua kém và tự ti. Bên cạnh đó, khi trực tiếp tham gia vào hợp tác xã du lịch để phục vụ du khách, họ cảm thấy hạnh phúc vì được cho đi nhiều giá trị và cảm thấy bản thân mình có ích cho quê hương. Giờ đây, người dân càng đoàn kết, yêu thương nhau và cùng chờ đợi một tương lai mới tốt đẹp hơn cho làng Gò Cỏ. Cô Huẩn (Phó giám đốc HTXDL làng Gò Cỏ) chia sẻ: “Ngày xưa, ở đây, mọi người đều khuyên nhủ mình là rời làng đi đi, đừng có ở đây nữa, xuống núi, đừng có ở trên đó, mỗi lần đau đi thăm cũng khổ. Nhưng bữa nay, bạn bè mình nói là mình nay sướng rồi, ở trên đó làng 3 sao rồi, mình quá hạnh phúc rồi. Từ ngày thành lập HTX là bản thân gia đình mình rất là vui và hạnh phúc. Ngôi làng của mình đã từng bị xem như là bị bỏ quên nhưng mà bây giờ đã trở thành làng 3 sao được chính phủ công nhận thì đó là vinh hạnh của toàn thể dân làng”.
  10. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 399 Mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản Kể từ khi hoạt động du lịch cộng đồng được triển khai, nhận thức của chính quyền và cộng đồng địa phương về các giá trị di sản của làng Gò Cỏ đã thay đổi. Họ đã biết những khối đá, gành đá gắn bó với người dân lâu nay được hình thành từ nhiều triệu năm trước, có giá trị địa chất rất lớn. Họ đã biết rằng các giếng cổ, hệ thống thuỷ lợi bằng đá và con đường đá trước giờ vẫn được người dân sử dụng và bảo tồn là thuộc về văn hoá Champa. Họ cũng đã nhận thức được những điệu hát dân gian quen thuộc của người dân trong làng chính là những di sản văn hoá phi vật thể quan trọng cần được gìn giữ và trao truyền cho các thế hệ tiếp theo. Người dân làng Gò Cỏ vốn đã xem bài chòi, hát hố là món ăn tinh thần không thể thiếu, được hát khi lao động, khi nghỉ ngơi, khi ru con,... Người dân còn tự sáng tác những ca khúc riêng về quê hương mình, kể các hoạt động của người dân. Kể từ khi được biết rằng Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ của Việt Nam đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, để bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân ca Bài Chòi, Hát Hố và thúc đẩy tình yêu của mọi người và các thế hệ tiếp theo dành cho loại hình này, những thành viên tích cực của làng Gò Cỏ và các khu vực lân cận đã thành lập Hội Bài Chòi - Hát Hố làng Gò Cỏ vào ngày 21/5/2020 với 21 thành viên. Các thành viên trong Hội Bài Chòi - Hát Hố làng Gò Cỏ hầu hết là những người có tuổi thơ gắn liền với Bài Chòi, Hát Hố và biết trình bày ít nhất 1 trong 2 thể loại này. Như vậy, nhờ có du lịch cộng đồng, các giá trị di sản của làng Gò Cỏ được chính quyền địa phương và xã hội quan tâm, nghiên cứu. Kể từ khi tham gia mô hình du lịch cộng đồng, cộng đồng địa phương nhận thức được rằng quê hương mình đang lưu giữ nhiều giá trị văn hoá có ý nghĩa quan trọng, khiến cho họ thêm tự hào và gìn giữ tốt hơn. Hoạt động du lịch cộng đồng không chỉ giúp bảo tồn và phát huy giá trị của những di sản văn hoá tại làng Gò Cỏ mà còn giúp lan toả giá trị của không gian văn hoá Sa Huỳnh. Bởi làng Gò Cỏ nằm gần khu vực đầm An Khê, thuộc vùng đất Sa Huỳnh - nơi có di chỉ khảo cổ học cấp quốc gia văn hoá Sa Huỳnh. Nhắc đến làng cổ Gò Cỏ với những dấu tích của văn hoá Champa và sự gắn kết với văn hoá Sa Huỳnh nghĩa là đang phát huy các giá trị văn hoá khảo cổ học quan trọng của vùng biển đảo Quảng Ngãi. Các chương trình du lịch được hợp tác xã du lịch làng Gò Cỏ thiết kế có kết hợp tham quan tại làng Gò Cỏ với tham quan và tìm hiểu về con đường gốm sứ trên biển (thông qua các cổ vật của 9 con tàu đắm đang được trưng bày ở Trung tâm phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng Quảng Ngãi), nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh, cánh đồng muối Sa Huỳnh, bia ký Champa, làng nghề gốm Sa Huỳnh… Mục tiêu bảo vệ môi trường tự nhiên Hợp tác xã du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ, ngay từ khi mới thành lập, thường xuyên giáo dục và trao đổi với người dân về mối liên hệ mật thiết giữa môi trường, hệ sinh thái tự nhiên với đời sống của cộng đồng. Do đó, người dân địa phương ngày
  11. 400 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... càng có nhận thức rõ ràng về vai trò của bãi biển, đồi núi, rừng dứa,... đối với đời sống của mình. Chị em phụ nữ tại làng Gò Cỏ đã tự đi xin tiền của địa phương để trồng rừng dừa (220 cây dừa), tạo thêm mảng xanh, bóng mát cho bờ biển. Cộng đồng đã biết quan tâm, chăm sóc rừng dứa rừng để bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và cảnh quan, đồng thời có thể khai thác trái dứa rừng để phục vụ nhu cầu của người dân địa phương. Ngoài ra, năm 2019, Làng Gò Cỏ đã được tổ chức Môi trường Thái Bình Dương (Pacific Environment - PE) tài trợ dự án “Giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt làng Gò Cỏ” với tổng giá trị 10.000 USD. Dự án này hướng đến đạt được một số mục tiêu cơ bản về việc phân loại rác thải tại nguồn và bảo vệ môi trường. Dự án này góp phần rất lớn vào công tác bảo vệ môi trường của người dân địa phương, tạo ấn tượng tốt đối với khách du lịch khi đến tham quan du lịch tại làng Gò Cỏ. Cộng đồng người dân tại khu vực làng Gò Cỏ là cộng đồng “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần“, hướng đến mô hình “làng không rác”. Cụ thể, khách du lịch đến tham quan, học tập tại làng Gò Cỏ không được mang theo hoặc sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần. 4. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ Để nâng cao hiệu quả sản phẩm du lịch làng Gò Cỏ theo các nguyên tắc phát triển du lịch bền vững, chúng tôi đề xuất một số khuyến nghị sau: Phát huy hơn nữa giá trị của di sản văn hóa trong việc xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng. Toàn cầu hóa và quốc tế hóa đã và đang tác động mạnh mẽ, du khách ngày càng có nhu cầu tìm kiếm những nét riêng biệt của từng điểm đến. Các giá trị di sản văn hoá đặc sắc và ít nơi nào có được (như đã phân tích ở các phần trên) chính là nguồn “vốn văn hoá” đặc biệt giúp tạo nên “cái riêng”, “cái độc đáo” cho sản phẩm du lịch của làng Gò Cỏ. Càng tạo nên được những sản phẩm độc đáo và mới lạ thì sức cạnh tranh của du lịch cộng đồng tại làng Gò Cỏ sẽ càng tăng lên. Khắc phục nhanh chóng những khuyết thiếu trong việc phát triển du lịch bền vững. Việc phát triển du lịch cộng đồng tại làng Gò Cỏ vừa mang lại cho địa phương nhiều cơ hội nhưng cũng không ít những thách thức. Trong quá trình hoạt động, nếu không đảm bảo sự cân bằng giữa các mục tiêu nêu trên thì sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Một trong số đó là việc tiếp xúc với các nền văn hoá ngoại lai, nguy cơ đánh mất đi các giá trị nguyên bản của văn hoá hoặc biến đổi văn hoá là rất cao. Hay là, vấn đề bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều bất cập vì làng chưa có nhà vệ sinh công cộng để phục vụ cho du khách và chưa có bố trí nhân lực chuyên trách làm vệ sinh môi trường… Để tránh lúng túng và đi sai hướng thì việc định hướng sớm các chiến lược và nguyên tắc hoạt động để giảm thiểu những tác động tiêu cực do du lịch mang lại là việc cần làm trước mắt đối với du lịch cộng đồng tại làng Gò Cỏ. Thường xuyên trao đổi, nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân địa phương về việc bảo tồn di sản và phát triển du lịch cộng đồng hướng đến mục tiêu bền vững. Cộng
  12. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 401 đồng địa phương tại làng Gò Cỏ có vai trò quan trọng và không thể thay thế trong việc gìn giữ các giá trị di sản và phát triển du lịch. Vì vậy, việc thường xuyên trao đổi, thảo luận và triển khai các khóa huấn luyện, đào tạo để nâng cao nhận thức, kỹ năng “làm du lịch” của người dân là điều cần thiết. Tùy vào từng đối tượng mà có cách thức đào tạo, hướng dẫn phù hợp. Khi hiểu rõ về ý nghĩa di sản và phát triển du lịch cộng đồng cũng như biết được mình có vai trò quan trọng như thế nào, cộng đồng sẽ phát huy tốt nội lực của mình. Đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất du lịch phù hợp với phát triển du lịch cộng đồng. Mặc dù khi chọn loại hình du lịch cộng đồng, du khách thường không có yêu cầu quá cao nhưng về cơ bản đảm bảo nhu cầu ăn uống, nghỉ ngơi cũng như các yếu tố về vệ sinh vẫn cần phải đảm bảo. Việc đầu tư đối với cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất trong du lịch cộng đồng cũng cần sự phù hợp, để có thể đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch mà không đánh mất đi sự mộc mạc, giản dị ban đầu của ngôi làng. Du lịch bền vững là một xu hướng tất yếu của ngành du lịch thế giới. Đông Nam Á là một khu vực có tiềm năng phát triển du lịch bền vững lớn. Để thúc đẩy du lịch bền vững trong khu vực, cần có sự nỗ lực của các quốc gia, doanh nghiệp du lịch, và cộng đồng địa phương. Làng Gò Cỏ với những lợi thế riêng biệt, đang trở thành một trong những điểm sáng về phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn ở Việt Nam. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Ban quản lý công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh. (2019). Lý Sơn - Sa Huỳnh. Diện mạo một công viên địa chất toàn cầu. Bình Định: Công ty In Nhân Dân Bình Định. Giấy phép xuất bản số 22/GP-STTTT do Sở TT&TT Quảng Ngãi cấp ngày 27/5/2019. 2. Bùi Thị Hải Yến. (2012). Du lịch cộng đồng. Hà Nội: NXB Giáo dục Việt Nam. 3. Hợp tác xã du lịch làng Gò Cỏ và Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương (Pacific Environment - PE). (2019). Thông cáo báo chí Hội nghị triển khai dự án “Giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt làng Gò Cỏ”. 4. Lương Hồng Quang. (2018). Phát triển văn hoá dựa vào cộng đồng: Các tranh luận lý thuyết và thực tiễn. Hà Nội: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. 5. Nguyễn Đình Hoè, Vũ Văn Hiếu. (2001). Du Lịch Bền Vững. NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội. 6. Nguyễn Thị Vân Hạnh. (2023). Phát triển du lịch bền vững. NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. 7. Quốc hội. (2017). “Luật Du lịch”. Cổng thông tin điện tử Chính phủ. (https://datafiles. chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2017/07/09.signed.pdf). Truy cập tháng 5 năm 2023. 8. Trần Đức Thanh, Phạm Hồng Long, Vũ Hương Lan. (2022). Nhập môn Du lịch. Hà Nội: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. 9. UN tourism. Product Development. UN Tourism (https://www.unwto.org/tourism- development-products). Truy cập tháng 2 năm 2024 . 10. UNEP, UN tourism. (2005). Sustainable development. UN Tourism (https://www.unwto.org/ sustainable-development). Truy cập tháng 2 năm 2024.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2