Sẽ trôi về đâu
lượt xem 1
download
1. Anh thầy bước vào. Cả lớp đứng. Sáu mươi mốt con người chào. Không một tiếng nhúc nhích, sột soạt. Anh thầy đứng trước lớp, tay trái xách cặp, tay phải đưa lên, nhẹ nhàng đặt lòng bàn tay áp vào má (tất nhiên là má phải) và khẽ nghiêng người sang phải, nhún một nhịp như điệu múa em là bông hồng nhỏ của mấy bé mẫu giáo lớn. - Chào các bạn! Mời các bạn ngồi. Sáu mươi mốt cặp mắt phóng đại lên hết cỡ. Như nhìn người ngoài hành tinh mới đáp vào lớp. Ngạc...
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Sẽ trôi về đâu
- Sẽ trôi về đâu TRUYỆN NGẮN CỦA VĂN THÀNH LÊ 1. Anh thầy bước vào. Cả lớp đứng. Sáu mươi mốt con người chào. Không một tiếng nhúc nhích, sột soạt. Anh thầy đứng trước lớp, tay trái xách cặp, tay phải đưa lên, nhẹ nhàng đặt lòng bàn tay áp vào má (tất nhiên là má phải) và khẽ nghiêng người sang phải, nhún một nhịp như điệu múa em là bông hồng nhỏ của mấy bé mẫu giáo lớn. - Chào các bạn! Mời các bạn ngồi. Sáu mươi mốt cặp mắt phóng đại lên hết cỡ. Như nhìn người ngoài hành tinh mới đáp vào lớp. Ngạc nhiên. Một vài tín hiệu phát ra. Rúc rích. “Đẹp quá!”. “X-men quá!”. “Nhưng mà sến!”. Và nghiêng ngã cười. Và cười nghiêng ngã. Mặc! Anh thầy đặt nhẹ cặp lên bàn và hướng mắt xuống dưới lớp cười góp vui. Nụ cười nhẹ hều. Nụ cười không trọng lượng. - Các bạn biết tại sao mình phải nhún xuống và nghiêng qua một bên không? Nếu mình đứng nghiêm thì khiếm nhã với các bạn, mình cúi xuống thì hóa ra mình lại quá hạ mình. Vì vậy đành nghiêng sang một bên chào các bạn. Rồi! – Anh thầy vẫn nói, hai lòng bàn tay anh thầy bắt đầu xoa vào nhau và nắm lại - Chúng ta làm quen chứ nhỉ? Có tiết mục gì làm quen không? Mình là Phan. Hoàng Trọng Phan. Sẽ chủ nhiệm, hướng dẫn lớp các bạn. Một cái trích chéo nhé. Tên như đã nói. Tuổi 25. Ăn một mâm. Nằm một mình. Nặng tròn sáu mươi kí. Dài hơn Maradona một tí, 1m70. Chấm hết. Bây giờ chúng ta nên làm gì nhỉ? Văn nghệ chút nhé? Trịnh nhé? Gì nhỉ, Hạ Trắng, Diễm Xưa, hay Dấu chân địa đàng, à không, Cho đời chút ơn chứ. Đấy, hắn đã bắt đầu đời sinh viên vào một buổi sáng đầu thu như thế! ***
- 2. Theo như giấy khám sức khỏe trước khi nhập trường và căn cứ vào những lời nhận xét sau lưng của đám con gái thời phổ thông, hắn là một chàng trai 18 tuổi đáng mặt để nhìn trong thời buổi trai giả gái, gái giả trai nhiều như rươi mùa nước nổi này. Theo như học bạ từ tiểu học tới trung học cơ sở rồi trung học phổ thông, hắn luôn được xem là “sao” của trường về thành tích học tập. Nhưng hắn muốn nói là, tất cả những thành tích ấy không phải của hắn. Giấy khen này, bằng khen nọ. Học sinh giỏi cấp lớn, học sinh giỏi cấp bé. Đều không phải của hắn. Đấy là của bố mẹ hắn, của truyền thống gia đình hắn. Huỵch toẹt ra là hắn thấy mệt mỏi lắm rồi. Mệt mỏi vì phải đeo cái gông truyền thống gia đình từ khi biết đeo ba lô vào lớp mẫu giáo học a, b, c… Ngẫm lại hắn thấy từ bé tới giờ hắn chưa bao giờ được sống cho mình gì cả. Một giây một phút cũng không. Nhất cử nhất động của hắn là do bố mẹ hắn lập trình, cứ thế mà ăn, mà ngủ, mà học theo. Hắn sống cho bố mẹ hắn thì đúng hơn. Cố gắng. Cố gắng. Và cố gắng. Học. Học. Và học. Đúng hơn là “Học, học nữa, học mãi”. Bố hắn hay nhai đi nhai lại câu nói bất hủ của vị lãnh tụ Bôn - sê - vích thời Liên Xô cũ, nói nhiều đến mức ông cứ tưởng đấy là câu nói của chính ông. Và hắn sống trong không khí ấy cho tới ngày bước chân vào đại học. Kể cả cái trường đại học này nữa. Đấy đâu phải ngôi trường đại học giành cho hắn. Hắn muốn trường Y mà. Vậy mà bố mẹ vo hắn lại, quăng vào trường Sư phạm khi quyết nhúng bút ghi vào bộ hồ sơ đăng kí dự thi. Từ tuổi 18 về trước hắn thấy mình như robot, cứ răm rắp học và làm theo hướng dẫn mặc định của bố mẹ. Tới lúc này đây hắn mới thấy như hắn đã rơi vào thế “Thôi rồi Lượm ơi”. Hắn muốn bỏ hết những gì bố mẹ đã khoác lên người hắn. 18 tuổi, hắn muốn được là một thằng người theo nghĩa là chính hắn. *** 3. Chủ nhật tuần đầu tiên mấy thằng trai trong lớp tụ tập. Dĩ nhiên hắn, với chức danh lớp trưởng đã đầu têu. Nhắc tới lớp trưởng, đoạn này phải mở ngoặc chút, chắc anh thầy nhìn vào hồ sơ còn vương ánh hào quang của những tháng ngày phổ thông mà dựng nó dậy, trao cho chức danh ấy. Hội con trai trong lớp xem ra phân bố khá đồng đều, nhìn dưới
- góc độ của những nhà địa lí tự nhiên. Bốn Thanh Hóa, hai Nghệ An, hai Hà Tĩnh, một Quảng Trị, hai Thừa Thiên Huế. - Tổng cộng 11, vừa đủ đội bóng, không cần dự bị. Một tên nhận xét. - So với nữ, tỉ lệ gần đạt 1 – 5. Một trống năm mái. Tương đương tỉ lệ đực cái loài ngan hoặc gần bằng loài dê. Hắn đế vào Cả bọn cười rũ rượi. Cả dải miền Trung nhìn trên bản đồ như dải khoai lang héo, thành một. Hết e dè. Hết lạ lẫm. Hết để ý xem thằng này thế nào, thằng kia ra sao, cái mặt có chơi được không, có thể chơi được như bạn bè thời phổ thông không? Lớp mười một trai, thêm anh thầy chủ nhiệm nữa là mười hai. Anh thầy mới tốt nghiệp được vài năm. Được giữ lại khoa làm công tác đoàn và trợ giảng. Anh thầy nói: - Phải có cái lớp ca chứ, hay ít nhất là bài nam ca của lớp. - Đúng rồi, bài gì cũng được. Nhưng làm sao đừng là Lá Diêu Bông rồi lại cứ lời ru buồn nghe mênh mang mênh mang thì đắng lắm. Hắn nói. Thế là anh thầy tập cho cả nhóm. Dô! “Tang tang tang là tang tính tình. Cuộc đời mình là chiếc thuyền nan. Trôi trôi bồng bềnh. Trôi đến Phu Văn Lâu, gặp cô em có bầu. Bầu thì bầu mà bâu cứ bâu. Tang tang tang là tang tính tình. Cuộc đời mình là chiếc thuyền nan. Trôi trôi bồng bềnh. Trôi đến cửa Ngọ Môn. Gặp cô em mất hồn. Hồn thì hồn mà hôn cứ hôn. Tang tang là tang tính tình…”. Hôm ấy nhiều tên, có cả hắn, lần đầu mới biết cái vị cay vị nồng của rượu. Dù ba năm phổ thông không lạ gì, học nát giấy, viết nát bút cái tên khoa học rượu etylic. Tê tê một hồi, cả hội quay lại chủ đề cái “hố đen” của vũ trụ, là con gái. - Con gái lớp mình cũng được chứ nhỉ? Khúc nào ra khúc đấy. - Ừ, nhìn chung là được. Tao chấm em Thảo. - Mẹ, thằng láu! Sao nhanh mắt thế. - Chuyện, thế nó không đập vào mắt mày à.
- - Em Hà cũng sắc! - Em gì nhà mày! Mày phải gọi nó bằng chị đấy. Nó thi đại học ba năm rồi mày. - Ngọc có khuôn mặt đẹp. - Nhưng eo hơi xấu. - Hơi xấu chứ kết cấu vẫn ổn. - Em chuyên trị áo đen là gì nhỉ? Oanh phải không? Ừ, Oanh cũng hay. - Đẹp. Nhưng lạnh. Nhìn như người cõi âm. - Minh thì sao? - Minh nhẹ nhàng. Rất Huế. Tướng ấy làm mẹ và làm vợ OK. … Cứ thế. Lớp có 50 nàng, nhoằng cái đã được đưa ra giải phẫu, thẩm định, căn ke tới từng chân tơ kẻ tóc theo phương châm không cho chúng nó thoát. Mặc dù học phần giải phẫu người và động vật một chữ bẻ đôi chưa được học. *** 4. Đang ngồi học thì hắn lôi điện thoại nhắn tin, gửi đồng loạt. “Cà phê đi. Chán quá”. Có vẻ như hắn chọc đúng cái tổ ngáp ngắn ngáp dài của cả bọn nảy giờ. Lũ lượt, tất nhiên là từng tên từng tên để không quá lộ liểu, kéo ra sông. Chung quy tại ông thầy dạy chán quá. Cứ đều đều nhai lại kiến thức trong giáo trình, không thêm không bớt. Giọng thì không lên không xuống. Ngồi nghe chẳng khác nào bị tra tấn. Nơ-ron thần kinh như được bện lại thành võng và ngủ trong đầu. Hình như ông thầy nạp có chừng ấy và cứ vậy xả ra hơn ba mươi năm nay. Năm nào cũng vậy. Giáo trình của thầy đóng khung, đóng băng, không thêm không bớt gì nữa, dù cuộc sống, khoa học công nghệ có vận động với tốc độ ánh sáng. - Chán, thầy dạy buồn ngủ quá!
- - Ừ, thầy cô gắn mác phó giáo sư, tiến sĩ mà giảng nghe như cầm ngọn tre kéo ngược. Tao thấy toàn lên lớp hở tí là khoe công trình, khoe thành tích, khoe vợ con. - Tuổi ấy giờ toàn gặm nhấm quá khứ mà. Biết làm sao được. Thông cảm đi. - Người chứ đâu phải chuột mà gặm nhấm. Thông cảm gì. Không nói được nữa thì nghĩ quách cho khỏe. Vừa hành xác mình vừa hành sinh viên. - Mà cóc biết công trình với thành tích là thật hay ảo. Nhiều tên công trình, đề tài tao biết chắc chưa bao giờ đưa ra ứng dụng thực tiễn được. - Các hội đồng nghiệm thu cũng không thực tiễn thì làm sao đề tài, đề án thực tiễn được. Hòa cả làng. Cho xong. Chỉ tổ tốn tiền nhà nước. Mà tốn tiền dân đóng thuế thì đúng hơn. - Mệt! Uống đi. Cà phê chảy hết kìa. Kệ các ông. Xã hội. Xã hội đấy. Cờ tới tay ai người ấy phất. Nếu đặt đít mày ngồi vào đấy thử xem có thế không. Cái hệ thống guồng quay bắt buộc nó phải thế. *** 5. Mùa thi. Dẫu không thích học thì mùa thi vẫn đến. Dẫu mấy ông thầy có thế nào thì vẫn ra đề, vẫn chấm bài kiểm tra. Không thi thì chờ ngày thi lại. Thi lại không qua thì học lại. Học lại tới lần thứ ba thì được đặt cách tốt nghiệp, ra trường sớm không cần bằng cấp. Mà thi thật chứ không đùa. Thế nên mỗi năm sinh viên có sáu mùa. Xuân hạ thu đông và hai mùa thi. Thôi thì đủ kiểu. Hở tí không gian là có sinh viên. Lúc này giảng đường, thư viện mới được làm tròn bổn phận, chức năng của nó. Nếu thường ngày vắng tanh như chùa Bà Đanh hay trầm ngâm như tu viện thì giờ nhộn nhịp lên cơn sốt hẳn. Mở cửa năm mười phút đã thấy nhung nhúc người với người. Rồi phòng trống, hành lang giảng đường, kí túc. Hở chỗ là có người. Hai tư trên hai bốn. Chưa hết. Không đủ còn kéo ra cả công viên. Đứng. Ngồi. Nằm. Học trong mọi tư thế. Cứ như một xã hội học tập. Nhồi nhét. Bơ phờ. Mờ mắt. Bạc râu. Dài ria. Rồi đâu cũng vào đấy. Thi cuốn chiếu. Được môn nào trả hết ngay cho thầy để lo môn khác. Ra khỏi phòng thi xem như không nhớ gì nữa. Não ai
- cũng chừng đó. Nhét một lúc là quá tải liền. Vậy là phải xả. Xả và nạp. Liên tục trong một tháng. Nơ - ron căng lên như dây đàn. Năm đầu còn biết sợ, năm hai thì những người như hắn đã đi guốc vào bụng các thầy cô. - Lo gì, qua hết. Ít nhất cũng điểm 5. Cho rớt, giữ lại mà nuôi báo cô à. - Sinh viên học đại học cũng như chơi trò trượt ống nước ở công viên nước. Khó là cái lúc chui vào. Chui được rồi, kiểu gì cũng trôi tuột ra đầu kia, dẫu cho chao đảo, lắc đi lắc lại lộn tùng phèo trong ấy, đau đầu chóng mặt rồi cũng ra. - Mà học chi cho nhiều. Hội mày học lắm, ra trường xin việc cũng chẳng bằng cái giấy thương binh của bố tao. *** 6. Học phần giáo dục quốc phòng. Đã là sinh viên thì anh nào muốn ra trường cũng phải có chứng chỉ giáo dục quốc phòng giắt lưng. Nghĩa là phải có ít nhất một tháng làm anh bộ đội. Ngày xưa thời mặc quần đùi học trường làng thầy cô dạy “cháu yêu chú bộ đội, nơi miền xa biên giới”, giờ được làm bộ đội như thật. Một tháng rời xa thành phố xem như một chuyến dã ngoại, cả hội nhảy tưng tưng. Chiếc xe của trung tâm đổ xịch giữa sân đã có tiếng còi rèn rẹt, mỗi lớp tập trung thành hai hàng dọc, nghe danh sách tiểu đội mình và về phòng, đi nhận quân trang. “Từ giờ phút này các anh các chị được xem như là một chiến sĩ. Vì vậy tất cả sinh hoạt phải theo điều lệnh. Quân lệnh như sơn”. Đấy là lời cuối cùng của anh thầy hai gạch một sao trước khi tít một hồi còi dài giải tán đội ngũ. Mỗi người được nhận hai bộ quần áo, một thắt lưng, một chiếu, một bộ chén đũa. Tất cả lôi ra từ nhà kho. Toàn mùi thuốc chống gián. Mặc kệ. Mặc như thường. Hơi đâu mà giặt lại. Xem như “mùi” quân sự. Nhưng khổ nổi người rất nhiều kích cỡ mà quần áo chỉ có vài cỡ. Bình thường không nói. Chỉ tội mấy tên thừa hoặc thiếu hoocmon sinh trưởng mà cao hoặc lùn quá. Hắn kéo hết quần áo tên này tới tên khác cũng không kiếm nổi hai bộ gọi là chui vào được. Quần dài nhất cũng trật mắt cá chân. Áo ních vào ngực căng như chim cu cu. Nhìn như lính khố xanh thời Pháp. Khổ nhất là một nàng mini nhất trung
- tâm. Nàng cao một mét bốn hai, săn tới một phần ba ống quần mà vẫn thấy dài, đi cứ như vịt bầu vào mùa đẻ. Cười chảy nước mắt. Ở trung tâm giáo dục quốc phòng được vài ngày thì trời mưa. Mưa mà vẫn phải tập, phải học. Lý thuyết ở trong nhà không nói, thực hành ngoài trời mới khổ. Thôi thì đủ. Tháo lắp súng. Ngắm bắn. Lăn. Lê. Bò. Trườn. Mưa cũng phải lăn, ướt cũng phải trườn. - Đội hình chú ý, một hàng ngang tập hợp. - Báo cáo anh thầy, ướt! - Nghiêm! Ở đây không có anh thầy, chỉ có trung đội trưởng. Giả sử tôi là địch, nấp ở gồ đất kia, chị sẽ tiến bằng cách nào? - Báo cáo, nếu trung đội trưởng là địch em sẽ, sẽ, sẽ… tán địch. - Không đùa. Híc híc. Hí hí. Mấy tiểu đội nữ cấu chí nhau cười nhí nhố. - Chú ý! Chuẩn bị trườn. - Báo cáo, em chỉ còn bộ quần áo này. Bộ kia chưa khô! - Sẵn sàng, tiến! - Báo cáo, dạ, dạ… em đang đến tháng, cho em nghỉ ạ. Anh thầy đại úy trẻ măng mặt đỏ tía tai. Lớp cười như ong vỡ tổ. Bò tới ngày thứ ba thì chịu hết nỗi. Quần áo quá bẩn mà bộ đồ trước giặt chưa khô. Mặc vào tiếp chắc người lên men. Hắn có “tối kiến”: “Tranh thủ giờ ngủ trưa ra dây phơi chôm đại một bộ đồ gần khô của ai đó. Biết ai là ai. Xem như mượn tạm”. Trưa ấy một tên trong tiểu đội loạng quạng ra phía sau trung tâm, thập thò lạc vào cả ma trận dây phơi đồ. Quân phục. Áo to áo nhỏ. Áo cánh áo lá. Quần lớn quần bé. Nam nữ đủ cả. Bay loạn xì ngầu. Lựa mãi được một bộ ước chừng vừa size, ôm về phòng hí hửng. “Giờ thì hết bẩn”. Nó vưa nói lớn vừa kéo áo khỏi móc. Nhưng ôi thôi. Phụ tùng con gái. Áo nhỏ
- quần nhỏ đỏ chói lòa treo kín phía trong rơi ra phòng lả chả. Cả phòng la, chắc tháng này xui hết tháng! Cuối đợt kiểm tra. Tin giật gân. Bắn đạn thật. Đúng dịp lễ 30.4 nên trung tâm xin kinh phí cho khóa học được bắn đạn thật. Bình thường chỉ bắn súng điện tử. Tiền đâu bắn đạn thật. Mỗi người bắn ba phát đạn AK. Cả khóa gần năm trăm sinh viên. Bắn có mà nát tiền à. Nhưng lần này dịp đặc biệt, xin được kinh phí, vậy là bắn. Hàng trăm sinh viên thành một hàng, hành quân gần mười cây số mới tới trường bắn. Các nàng đi liêu xiêu liêu xiêu. Tưởng là lả trên đường hành quân trong cái nắng lúc đầu giờ chiều. Nhưng đâu có chết. Vào trường bắn mới chết. Đòm. Đòm. Đòm. Liên tục năm người một lượt bắn. Có anh lại đòm đòm đòm. Quên khóa nấc liên thanh. Coi như rớt. Nhiều nàng yếu tim ngồi dạt sang một góc không cười không nói. Rồi một hàng nữ tiểu thư nằm xuống, run cầm cập. Anh thầy hướng dẫn bắn nhắc đi nhắc lại: “Bình tĩnh, từ từ nhìn đường ngắm, nín thở và kéo cò”. Đòm. Đòm. Đòm. Huhu. Một nàng khóc ngon lành. Bỏ súng đòi về. Hôm sau có tin lan khắp trung tâm nàng sợ quá sún đái ra quần. Ôi, ai bảo bộ đội thời bình là sướng! Hu Hu. *** 7. Một tháng học quốc phòng xong, về lại trường hay tin anh thầy chủ nhiệm chuẩn bị cưới. Mười một thằng trai nhìn nhau ngơ ngác. Sáu mốt sinh viên trong lớp nhìn nhau ngác ngơ. Anh thầy đang học dở cao học mà. Mới trợ giảng chứ mấy. Còn phải phấn đấu nhiều. Anh thầy từng nói thế. Thế mà cưới. Chẳng hiểu sao mà lần. Cả nhà anh thầy có mười anh em. Anh thầy là con út nên được ưu tiên đi học. Chín anh chị em trước chỉ được học đủ biết đọc biết viết. Tất cả dồn hết cho anh thầy. Anh thầy vào đại học, rồi được giữ lại trường, cả nhà mở mày mở mặt. “Có cố gắng cả đời cũng chả bù được hi sinh, công lao cả nhà dồn cho”. Anh thầy từng nói thế. Vậy mà đùng cái, chưa đâu vào đâu đã cưới. Nhưng hắn giật mình xong cũng không khỏi thán phục, anh thầy quá giỏi, mới đấy mà dứt điểm nhanh thật.
- Cả lớp đinh ninh anh thầy cưới cô giảng viên trẻ, con gái thầy trưởng phòng đào tạo của trường. Chả là đầu năm tới giờ anh thầy đã tiếp cận, tung chiêu. Chuyện đang vào hồi kịch tính thì lớp đi quân sự. Giờ về thấy xong. Sao ghi bàn nhanh thế. Nhưng chỉ sự thật là không phải thế. Anh thầy có ghi bàn. Nhưng lại là một cú phản lưới nhà. Hay sút không chính xác. Nhầm cầu gôn. Mọi người tá hỏa. Người sánh duyên với anh thầy là một chị lạ mà quen, người hàng xóm, cạnh phòng trọ anh thầy. Chị hơn anh thầy năm tuổi, nghĩa là đã ba mươi tuổi. Là thợ may. Mới về xóm trọ được gần năm. Xóm trọ ở vùng ngoại ô thành phố. Anh thầy ở xóm này từ hồi năm hai đại học. Ở và kết luôn gần sáu năm trời. Ở đấy có không gian yên tĩnh, dễ làm việc. Xóm ít phòng, đa số người trọ là công nhân vệ sinh đường phố. Công việc lấy đêm làm ngày. Thành ra buổi tối trước đây anh thầy như ông vua không ngai, một mình một xóm. Từ ngày chị và bé trai lên năm về xóm, không gian ấy mới bị phá vỡ đôi chút. Hắn và lũ trai đã gặp chị nhiều lần khi tụ tập về phòng anh thầy. Trông chị khá nhanh nhẹn, tháo vát và đường được. Nấu ăn cũng đỉnh. Có hôm nhậu chuẩn bị đồ lu bu chị còn qua giúp. Chị vui vui, khi xào rán dưới ánh lửa trông hồng hào thấy cũng xinh. Cái đẹp của gái một con. Biết vậy chứ hội hắn cũng không quan tâm chồng đâu mà hai mẹ con ở một mình, hay thằng con có bố chính thức được pháp luật công nhận không? Qua loa vậy thôi. Cứ tưởng là hàng xóm. Ai dè! Anh thầy kể hôm ấy nhậu hơi quá chén, về muộn. Say, khát khô họng mà phòng lại hết nước uống. Qua phòng chị xin nước. Và tạch. Thế là hết một đời trai. Hết những ước mơ dài. Dân Sinh học thật, làm công tác đoàn với các hoạt động xã hội thật, rất có kinh nghiệm về tuyên truyền và hướng dẫn kế hoạch hóa cho đồng bào các dân tộc bằng sử dụng dụng cụ bảo hộ khi “lao động tình dục” qua biết bao mùa tình nguyện thật, nhưng chưa bao giờ anh thầy thủ cái thứ ấy trong người. Vì chỉ nghĩ đơn giản có bao giờ cần tới nó đâu. Vậy mà. Thật là người tính không bằng trời tính. Thế rồi chị nói đã dính bầu, bắt cưới. Anh thầy ngớ người. Từ chỗ từ chối dứt khoát tới van xin. Chị một mực không chịu. Anh thầy không chịu chị sẽ lao đơn lên khoa, lên trường. Chấm dứt ước mơ giảng viên, ước mơ thạc sĩ, tiến sĩ.
- Đám cưới anh thầy buồn hiu hắt. Chỉ vài thầy cô trong khoa và sinh viên thân cận. Hạn chế tối đa bạn bè. Như cưới chạy làng. Anh thầy chỉ cho mỗi mẹ biết, cả nhà, cả họ chưa ai hay. Mẹ vào mà mặt buồn như đưa đám. Nếu bố anh thầy biết khéo vác dao vào vằm anh nát thây. Đành phải lựa lời nói sau. Hôm ấy trông chú rễ như người thực vật, một thân xác không hồn. Còn cô dâu lại hở tí là cười, nụ cười của kẻ trúng số độc đắc, kẻ đào được vàng. Hắn thấy nửa buồn buồn, nửa giận giận. Lại thấy thương thương. *** 8. Hè năm ba hắn dẫn nàng về nhà. Cả nhà giật mình. Cả xóm ồn ào. - Người yêu đẹp nhỉ. - Người thành phố có khác. Thế mới là con gái chứ. - Nhưng bố con bé làm gì? - Nhà mặt phố bố làm to không? - To nhỏ cũng là nhà bố mẹ nó chứ nhà nó đâu. - Nhìn thằng Bang tề, vớ được con vợ bố chủ tịch, ra trường cái bố vợ nó lo nhà cửa và công việc cho. Lại ở ngay phố. Nó chỉ làm mỗi việc kí xẹt vào tờ đăng kí kết hôn. - Nhưng con vợ thằng Bang xấu như ma, lại là tuổi chị nó. Không biết sao thằng ấy cũng ăn nằm được. - Có nhà, có việc, có tiền là được tất. - Mà tắt đèn thì nhà ngói cũng như nhà tranh. - Khéo nó chỉ “ăn” chứ không “nằm” đâu. Cùng lắm là nhắm mắt làm nghĩa vụ. - Khác quái nào chó chui gầm chạn. - Có những cái gầm chạn như thế cũng khối thằng muốn làm chó. - Làm chó như thế cùng sướng hơn làm người. …
- Không biết bao nhiêu tiếng xới vô xới ra, dây cà sang dây muống, chuyện nọ xọ chuyện kia, nghe lộn mòng mòng. Hắn cười. Nàng cũng cười, nói người làng hắn hay thật. Nhiều lúc hắn nghĩ chuyện hắn và nàng cũng buồn cười. Hắn chưa bao giờ nói yêu. Mọi sự đến tự nhiên như tự nhiên nó phải vậy. Có lúc hắn nghi ngờ có phải hắn đã có người yêu rồi không? Có phải mình đang yêu không? Tình yêu là vậy à? Sao không thấy giống phim, chẳng giống tiểu thuyết, cũng không như truyện, báo chí họ nói. Hay nghệ thuật là thứ chúa cường điệu mọi thứ. Hắn không tìm thấy mẫu tí ti nào gọi là tình yêu như sách vở, phim ảnh nói. Hắn quen nàng hết sức ngẫu nhiên. Trên chuyến xe khách ngột ngạt và bức bách, lần về hè năm hai. Khi hắn vừa ngồi xuống ghế thì gặp cảnh một cô gái về Vinh bị bắt chẹt giá. Tên thu tiền với thân hình hộ pháp, mặt mày bặm trợn nhất định đòi số tiền gấp đôi so với cô gái trả giá từ trước khi lên xe. Sau một hồi nói đi nói lại, cô gái không chịu, đòi xuống đi xe khác. Nhưng tên hộ pháp vẫn giữ khư khư ba lô cô gái và ấn cô ngồi nguyên tại chỗ. Trong khi cô gái sụt sùi khóc thì tên thu tiền dẫu miệng văng tục bắn tung tóe nước bọt. Điên tiết hắn đứng dậy và đưa ức lòng bàn tay phải táng một lực vẹo quai hàm. Tên thu tiền vừa ngã xuống thì hai thằng phía sau lao lên. Do khoảng cách giữa hai dãy ghế quá hẹp nên chỉ đủ để một tên lên. Hắn đu người theo thành ghế, chân phải tung ra trước chặn cánh tay phải dơ thanh sắt đang trên đà dáng xuống, đồng thời chân trái tung một lực cực mạnh của ót chân vào ngực. Tên thứ hai ngã sóng xoài. Hắn tiếp tục nhảy phốc lên thì tên thứ ba quăng dao nhảy khỏi xe. Thì ra ba tên là cò xe. Chúng giả đò lên xe, đóng giả lơ xe, gặp khách sẽ chạy xuống đỡ hành lí. Sau đó chúng đòi tiền giá gấp đôi, gấp rưỡi. Chúng trả lại tiền xe đúng giá cho nhà xe, phần dôi ra chúng lấy. Nếu nhà xe chống thì chúng phá xe, hết đường làm ăn. Hồi năm nhất mới vào trường hắn đã quyết, học chỉ là chuyện nhỏ. Đủ rồi. Cầm chừng thôi. Là hắn còn bị lời nói của mẹ trước khi lên đường nhập học níu lại. Giường như những người phụ nữ, những người mẹ luôn linh cảm được những ý nghĩ của con cái mình. Nếu không có những lời mẹ, có lẽ hắn đã bỏ ngang xương giữa chừng mà đi bạt mạng. Mẹ nói “Chịu khó bốn năm nữa thôi. Làm gì cũng phải có cái bằng đã. Ở thời nào
- không biết. Xã hội giờ nó vậy. Mình sống trong nó mình phải chịu nó con ạ. Cố gắng nhé”. Hắn nghĩ tới cái dáng lam lũ quần quật của mẹ mà không bỏ. Dù có thể sau bốn năm hắn không an phận chấp nhận mọi thứ dễ dàng như bố mẹ. Vì vậy hắn không bỏ. Không bỏ nhưng hắn tự ra mục tiêu bốn năm. Học cầm chừng. Biết chơi guitar thành thạo. Lên hết đai một môn phái nào đó. Và cuối cùng là phải tán được một em. Tất cả để bù lại ba năm phổ thông ép xác, tu theo dòng khổ hạnh của bố mẹ. Việc đầu tiên là học đàn. Ngày đầu tiên ông thầy bảo thử cầm đàn xem cái dáng thế nào. Sau hắn mới biết ông thầy này nhận học viên mới bao giờ cũng yêu cầu học viên thử cầm đàn, một cách tự nhiên, và bằng cặp mắt của mình ông phán ngay là người đó có học được không, học được tới cấp độ nào. Với hắn, loay hoay ôm cây đàn một hồi, ông thầy kết luận hắn cầm đàn mà như cầm súng. Thế là thôi. Hắn không buồn cố. Việc thứ hai học võ. Hôm nhập môn, sư phụ nói chân hắn vòng kiềng thế kia thì luyện còn phải mệt. Nhưng được cái dở chân nhưng còn có tay. Nếu võ là môn chỉ tập bằng chân chắc hắn cũng “sờ tốp” cái kế hoạch cá nhân lại. Và từ việc học võ mới dẫn tới quen nàng. Đấy là lần đầu tiên hắn ra đòn, trừ những lần đấu tập với đồng môn. Chẳng một tiếng nói yêu. Tối tối cuối tuần hắn chở nàng đi ngang đi dọc. Bún hến, chè bắp Cồn Hến. Bún thịt nướng Kim Long. Ốc Nam Dao. Bánh canh Hàn Thuyên. Cà phê Thảo Nguyên. Công viên Thương Bạc. Cầu tre hồ Tịnh Tâm…. Hắn bên nàng. Nàng bên hắn. Nhẹ nhàng thế. Thế rồi tới năm ba hắn nói “Về nhà anh chơi nhé”. Nàng “Ừ”. Cũng nhẹ nhàng như hơi thở. *** 9. Dạo này “đội bóng không người dự bị” hay nhậu. Chủ yếu là hắn kêu tụ tập. Vì hắn kiếm được mồi. Một ngày đẹp trời hắn gặp ông anh thằng bạn chạy xe trái cây từ nam lên cửa khẩu, thế là hắn xin đi theo. Lần đầu tính đi chơi, sau lên thấy hàng trên cửa khẩu được. Mua nhiều thì không có tiền và cũng sợ bị tóm như dân buôn. Nhưng ít thì vô tư. Mỗi lần hắn chỉ xách vài cái mày tính cũ mèm, thêm vài chiếc điện thoại. Về phố bán lại
- cũng đủ tiền vung vít. Thường thường nửa tháng hắn nhảy theo xe một chuyến. Êm ru. Lại có đồng vào đồng ra. Lần này được dịp thực hành giải phẫu sinh lí động vật. Mổ thỏ. Thế là mồi xả láng. Cô giáo bảo mỗi tổ chỉ mổ một con, còn lại để hôm sau lớp khác thực hành. Chẳng biết vô tình hay cố ý (mà phần chắc là cố ý) mấy tên làm kiểu gì mà giết toi một em thỏ nữa. Thế là tất cả có năm em. Vừa nhậu vừa phá mồi cũng no. Chuyện trước chuyện sau lại quay về mấy nàng. Tình hình chiến sĩ có vẻ căng. Mười một tên, xem ra có hắn là có tí mắm tí muối. Còn lại, gà què ăn quẩn cối xay cũng không xong. Tự bao biện là bụt chùa nhà không thiêng. Nhưng đem chuông đi đánh xứ người cũng không được. Kết quả vẫn cứ phòng không nhà trống. Chạy nhông nhông mà chẳng có một bóng hồng ngồi sau xe. Rồi cả bọn giật mình khi một đứa nói hôm qua gặp thầy C. đưa em L. vào phòng khám tư mãi bên Gia Hội. - Thật không! Thầy C. mới đi cấp cứu vì suy tim hồi qua mà. Chính xác chứ? - Mắt tao 10/10. Không lẽ phải dùng thêm kinh hiển vi hay kính lúp. - Tốt mái thì hại trống thôi. - Mà mày đã ngủ cùng giường, đắp cùng chăn với L. rồi đúng không? - Mô có. Đừng bậy bạ. - Chứ lại không. Có giai đoạn học cả ngày mày chuyên ăn và nghỉ trưa ở phòng L. - Ừ thì, à cùng. Ở lại. Nhưng mỗi lần vậy nó sang phòng bên mà. - Có thánh mới kiếm chứng được. - Mà có đúng thì mày cũng ngủ trên giường nó, đắp chăn của nó. - Như vậy là nằm cùng giường và đắp cùng chăn với nó còn gì. - Còn thiếu mỗi nó. Cả bọn truy. Rồi cả bọn cười hỉ hả. Và hát. Hát để xả hơi rượu. Hát cho nhanh tỉnh. Lại “Thành Nội mùa này phố cũng như sông, nước lút ngập mông, em đi chơi không phải
- mặc quần…” Lời bài hát Hà Nội mùa vắng những cơn mưa được chế thành Thành Nội mùa lũ hát não nề trong tiếng đàn guitar đứt dây với một màn hợp âm như tiếng dế. Ngoài hiên Huế vào mùa mưa tơi tả. *** 10. Cuối cùng rồi cũng hết. Hết bốn năm làm anh ét vê sư phạm. Hắn nhìn lại thấy mình chẳng mô phạm thêm được chút nào. Mười một thằng trai cộng thêm anh thầy làm một “cuộc chia li màu đỏ”. Đấy là một buổi chiều công viên bên sông Hương lặng gió. Tên người Huế về nhà xách lên con bạch tuộc gần ba cân, nói xào với thơm diệt bia hơi phải biết. Ăn bạch tuộc rồi đây ra đời làm bạch tuộc với đời. Vậy là mười hai con người với sáu xe làm một cuộc diễu hành từ bờ nam qua bờ bắc. Vừa an tọa nơi công viên, một đứa có sáng kiến “Bỏ đồ đó, tắm cái đã. Bốn năm chưa biết nước sông Hương thế nào”. Thế là cả bọn đánh trần ào xuống. Hả hê nhé. Gột rửa hết nhé. Có gì bỏ lại sông, trả lại Huế nhé. Mai về. Mai xa nhé. Cả bọn làm náo loạn khúc sông cho tới khi mặt trời đỏ ối, phả hắt lên phía thượng nguồn rồi chìm nghỉm sau dãy núi xa mới lên bờ nhậu. Hôm ấy có lẽ là ngày xấu số với các cặp tình nhân. Công viên thường ngày cỡ năm giờ chiều đã nhung nhúc từng cặp từng cặp. Càng về đêm mật độ càng cao, với đủ tư thế, ngồi trên xe, ngồi trên cỏ, ngồi trong nhau, nằm trên cỏ, rồi năm trên nhau… Với đủ tần số phát: rinh rích, ư hự, e é, hồng hộc, hỗn hễn… Nhưng hôm nay tiếng dô đã át đi tất cả. Nhiều cặp ra rồi rút lui, có lẽ họ kéo vào chân Thành Nội. Trong ấy chắc đông lên đột biến. Nếu gặp đúng hôm giờ Trái Đất, tắt điện một giờ, tối om om, không biết điều gì sẽ xảy ra. Cái này cần một điều tra xã hội học cũng nên. Còn lúc ấy mười một chàng và một anh thầy thi nhau tổng kết: - Bốn năm, với gần một trăm lần thi hết môn. Sấp ngửa rồi cũng qua hết. Thế mà tao lại thấy hình như mình ngu dần đi thì phải, ngu dần đều. Năm một năm hai đi gia sư rất O.K, năm ba năm tư thì chịu. Vừa rồi mấy đứa phải rủ nhau vào lớp luyện thi đại học ôn lại bài tập sinh học để ra đi dạy đấy, ngày xưa có bài nào không làm được đâu, vậy mà giờ
- không còn lưu chút dữ kiện nào cả. Hóa ra đại học ở mình toàn học những thứ đâu đâu ấy. - Vậy mà sinh viên khoa mình tỉ lệ tốt nghiệp cao nhất trường đấy. 20% giỏi, 75% khá, còn lại trung bình khá. Kinh thật. Đúng là con hát mẹ khen hay. - Thì thầy cô nới thế sinh viên ra trường dễ xin việc, dễ cạnh tranh với sinh viên các trường khác. Sướng củ tỉ còn gì. - Nhưng mà cóc thật. - Ha ha. Thật, mày nghĩ bây giờ có cái gì thật. Đến bánh chưng bánh dày dâng lên cụ tổ Hùng Vương còn giả thì còn cái gì thật. Muốn thật phải về thời… nguyên thủy, về với ông tổ cởi truồng họ Homo sapiens. - Mà cái gì cũng giả được nhỉ. Có khi nào trái đất này cũng giả không. Nó lừa loài người không chừng. Khéo nay mai nó nổ cái bụp như bong bóng lợn phải gai thì ngỏm củ tỏi hết. - Không cần nổ thì tự con người cũng đang làm nó nổ đấy. Không thấy bão lụt, hạn hán, sóng thần, băng tan, rừng tự cháy, hiệu ứng nhà kính… đấy à. - Thôi dẹp. Còn khuya. Lúc ấy con cháu chắt chút chít cũng đã kịp tan vào ba tấc đất rồi. Nói chuyện mình – Anh thầy lên tiếng. Tổng kết xem có ai có thể đưa được nàng nào về dinh không? Mười một tên ngơ ngác nhìn nhau. Nhìn trước. Nhìn sau. Nhìn ngàng. Nhìn dọc. Trắng tay vẫn hoàn tay trắng. Toàn những tên tán võ miệng. Chẳng sơ múi được gì. Có hắn còn túm được nàng. Dẫn về quê hẳn hoi. Nhưng cũng vậy. Chia tay rồi. Mới hôm qua. Chẳng trách ai cả. Tình yêu mà mổ xẻ được, mà đổ lỗi được, phải trái được, e không còn là tình yêu nữa. Chia tay nhẹ nhàng như khi đến thôi. Trước mặt cả hai còn mịt mù lắm. Nàng không thể xa gia đình. Nàng nói thế. Cái thế nó thế. Không đành lòng bỏ lại bố mẹ già lầm lũi cả đời rồi. Chàng cũng là con một. Nàng sẽ về quê kiếm một anh chồng nào đó, chỉ cần tử tế một chút, rồi sống bên gia đình là được. Hắn thì chưa biết. Chỉ biết cả hai đã có những tháng năm sống cộng sinh thật đẹp, vậy thôi.
- Đời vẫn trôi mà. Ngày mai ra trường sẽ thế nào chưa mấy thằng biết. Có đưa đã có ông bà, bố mẹ “rấm” cho một chỗ, chỉ việc về đặt đít vào là xong. Có đứa sẽ lấp xấp xang bang. Rồi lăn lộn. Rồi sấp ngửa. Như cái L. ấy, nhấy định có thầy C. bảo lảnh rồi, lúc đầu tưởng nó ở lại khoa, nhưng không được, có con của thầy to hơn nhét về, chắc L. sẽ được nhét vào một trường cao đẳng nào đấy thôi, chí ít là một trường cấp 3 ngon của thành phố. Thầy C. phải lo để còn bảo toàn cái bụng nó đang lù lù nổi lên nữa chứ, trong ấy có cục cưng quý tử đội mũ rơm, chống gậy đi lùi khi thầy về miền an sanh cực lạc. Và anh thầy, anh thầy không biết sẽ trụ được với chị vợ bao lâu nữa? Riêng hắn, người viết cũng không biết là hắn sẽ đi đâu, và làm gì. Chỉ tin rằng hắn sẽ không đứng trên bục giảng ở một ngôi trường nào đó. Hắn không an phận nữa mà. Nhưng mà đi đâu nữa thì chưa biết. Thôi hẹn năm năm hay mười năm sẽ hội ngộ lại. Chắc chắn sẽ khác. Khác thế nào, chưa biết. Lúc ấy, có lẽ người viết truyện này sẽ viết tiếp. Còn lúc này đây, dường như đêm sông Hương đã chuẩn bị lăn vào giấc. Bài hát cuối cùng mười một chàng trai cất lên là bài hát đầu tiên anh thầy tập cho cả hội “Tang tang tang là tang tính tình. Cuộc đời mình là chiếc thuyền nan. Trôi trôi bồng bềnh…”.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Mẹ Chồng Ăn Thịt Cả Nhà Nàng Dâu
177 p | 87 | 17
-
Nỗi đau của đom đóm - Phần 18
6 p | 83 | 13
-
Thắng cảnh Ghềnh Ráng, nơi trời đất xếp bày.Danh thắng quốc gia Ghềnh
3 p | 122 | 12
-
hướng về phía mặt trời
97 p | 104 | 8
-
Cuộc đời một chiếc lá
7 p | 106 | 6
-
Đám cưới tình đầu
11 p | 82 | 6
-
Vancouver - Thành phố lý tưởng để sống
5 p | 114 | 6
-
Sẽ không để em xa anh
12 p | 76 | 5
-
Truyện ngắn Cát sẽ trôi về đâu
14 p | 56 | 5
-
Mưa rơi ở thành phố lạ
7 p | 80 | 4
-
Khoảng trời chim bay
5 p | 73 | 4
-
Khối vuông sáu mặt
4 p | 85 | 4
-
Trải nghiệm đầu đời
5 p | 50 | 3
-
Như ngày xưa ấyKì 2 - Trở về
17 p | 53 | 3
-
Truyện ngắn Vệt nắng cuối trời
11 p | 69 | 3
-
Cát sẽ trôi về đâu
11 p | 53 | 3
-
ANH SẼ TRỞ VỀ…”
12 p | 85 | 3
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn