intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

SKKN: Sử dụng câu hỏi nêu vấn đề trong giờ đọc - hiểu văn bản Văn học, chương trình Ngữ Văn lớp 12

Chia sẻ: Lê Thị Diễm Hương | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:20

536
lượt xem
58
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Để làm cho học sinh chủ động, tích cực hơn; làm cho giờ dạy –học đọc hiểu VBVH sôi nổi, hào hứng và phát huy tốt hơn ưu thế của loại giờ học này nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy học môn Ngữ Văn. Mời quý thầy cô tham khảo sáng kiến “Sử dụng câu hỏi nêu vấn đề trong giờ đọc- hiểu văn bản Văn học, chương trình Ngữ Văn lớp 12”.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: SKKN: Sử dụng câu hỏi nêu vấn đề trong giờ đọc - hiểu văn bản Văn học, chương trình Ngữ Văn lớp 12

  1. SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM SỬ DỤNG CÂU HỎI NÊU VẤN ĐỀ TRONG GIỜ ĐỌC- HIỂU VĂN BẢN VĂN HỌC, CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN LỚP 12
  2. I. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI Môn Ngữ Văn ở trường THPT nói chung, ở chương trình Ngữ Văn 12 nói riêng là sự tích hợp ba phân môn: Đọc Văn, Tiếng Việt và Làm Văn. Mỗi phân môn có vai trò, nhiệm vụ và vị trí khác nhau trong việc trang bị tri thức khoa học, rèn luyện kỹ năng và bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, thái độ cho học sinh. Trong đó, phân môn Đọc Văn, nhất là các giờ đọc- hiểu Văn bản văn học (VBVH) có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm và năng lực thẩm mỹ cho học sinh. Ở một mức độ nhất định, các giờ đoc- hiểu VBVH khơi gợi được nhiều hứng thú cho giáo viên và học sinh trong hoạt động dạy cũng như hoạt động học. Sự yêu thích môn Ngữ Văn phần lớn cũng bắt nguồn từ niềm say mê các giờ Đọc-hiểu này. Tuy thế, trong một số năm gần đây, không khí và hiệu quả dạy- học Ngữ Văn, bao gồm cả dạy- học phân môn Đọc Văn và các giờ đọc- hiểu VBVH ở nhiều Nhà trường thực sự không được như mong muốn của cả người dạy lẫn người học. Không khí nhiều giờ đọc- hiểu trở nên tẻ nhạt, nặng nề, “thiếu lửa”. Nhiều giáo viên dạy cho hoàn thành nhiệm vụ còn học sinh thì thụ động, lười đọc, lười suy nghĩ, ngại phát biểu xây dựng bài hoặc nếu bị buộc phát biểu thì trả lời cho qua chuyện. Khi làm văn, học sinh viết những câu văn, bài văn nghèo nàn, ngô nghê về ý tứ, lủng củng trong diễn đạt. Hiệu quả dạy học Ngữ Văn, vì thế, bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có nhiều: nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan; nguyên nhân từ phía giáo viên, nguyên nhân từ phía học sinh. Qua hoạt động dự giờ các đồng nghiệp khá thường xuyên, tôi nhận thấy một trong rất nhiều lý do khiến học sinh không mấy hứng thú và mặn mà với các giờ đọc- hiểu VBVH là khá nhiều Giáo viên văn chưa sử dụng được hệ thống câu hỏi hướng dẫn học bài đủ sức lôi cuốn học sinh tham gia giờ học với tinh thần chủ động, tích cực và say mê. Cá biệt, có giáo viên thường xuyên nêu những câu hỏi không đạt yêu cầu về tính khoa học, tính sư phạm khiến học sinh và đôi khi cả giáo viên dự giờ cũng không biết phải trả lời như thế nào. Ở trường THPT Sông Ray, một phần do chất lượng đầu vào của học sinh thấp nên dù chương trình sách giáo khoa (SGK) Ngữ Văn mới, trong đó có SGK Ngữ Văn lớp 12 chứa đựng tiềm năng to lớn cho việc sử dụng câu hỏi nêu vấn đề (CHNVĐ) thì nhiều đồng nghiệp của tôi vẫn không đủ kiên nhẫn để sử dụng một cách tối đa câu hỏi CHNVĐ trong các giờ đọc- hiểu. Họ thường ưu tiên sử dụng những câu hỏi có tính chất tái hiện kiến thức như: Dựa vào sách giáo khoa tóm tắt những nét cơ bản về tác giả, tác phẩm; tìm dẫn chứng làm rõ những luận điểm do giáo viên nêu sẵn về nội dung, nghệ thuật của văn bản văn học,... Nếu có dùng CHNVĐ thì thường là những câu hỏi đơn giản, các dạng câu hỏi nêu vấn đề cũng không phong phú, đa dạng. Thậm chí, có giáo viên chưa biết khai thác, tận dụng triệt để và linh hoạt các CHNVĐ có sẵn trong SGK. Việc sử dụng những câu hỏi yêu
  3. cầu học sinh phải dùng tri thức đã biết để tìm tòi phát hiện tri thức mới hoặc phải tổng hợp, bao quát tri thức trên nhiều lĩnh vực, phải trăn trở suy ngẫm để mở rộng, xoáy sâu vấn đề hoặc vận dụng, liên hệ VBVH vào thực tế xã hội, thực tiễn đời sống lại càng khiêm tốn. Nói chung, việc sử dụng CHNVĐ trong giờ đọc- hiểu VBVH ở đơn vị tôi công tác chưa đạt hiệu quả cao. Xuất phát từ thực tế đó, với mong muốn làm cho học sinh chủ động, tích cực hơn; làm cho giờ dạy –học đọc hiểu VBVH sôi nổi, hào hứng và phát huy tốt hơn ưu thế của loại giờ học này nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy học môn Ngữ Văn, tôi đã tích cực sử dụng CHNVĐ trong giờ đọc- hiểu VBVH và nhận thấy đây là hướng đi rất khả quan. II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ TÀI 1. Cơ sở lý luận của đề tài 1.1. Quan niệm về văn bản văn học VBVH là văn bản nghệ thuật được sáng tạo bằng ngôn từ. Ngoài những đặc điểm chung của văn bản, VBVH có các đặc điểm riêng. Ngôn từ của VBVH được lựa chọn, tổ chức ổn định, chặt chẽ, không thể thay đổi; ngôn từ mang tính đa nghĩa, giàu sức gợi. Hình tượng trong VBVH được tạo nên bởi nghĩa của câu, của từ, của đoạn và là sản phẩm của trí tưởng tưởng, không bị giới hạn bởi không thời gian và các hiện tượng của thực tại bên ngoài. VBVH có nghĩa và ý nghĩa. Nghĩa của VBVH có tính chất đặc thù của loại hình văn bản nghệ thuật. Ý nghĩa của VBVH nảy sinh trong các quan hệ ngữ cảnh khác nhau tùy theo quan hệ với người viết, người đọc. VBVH thể hiện cá tính sáng tạo của người viết ở cách nhìn, cách cảm, cách diễn đạt hiện thực đời sống. 1.2. Quan niệm về đọc- hiểu VBVH Đọc- hiểu VBVH là khái niệm được nhiều nhà nghiên cứu về phương pháp dạy- học Văn quan tâm như GS Phan Trọng Luận, TS Đỗ Ngọc Thống, GS-TS Đỗ Thanh Hùng, GS-TS Trần Đình Sử,… Theo TS Đỗ Ngọc Thống, “Đọc-hiểu văn bản bao gồm cả việc thông hiểu nghĩa đen, nghĩa bóng, nghĩa hàm ẩn cũng như thấy được vai trò, tác dụng của các hính thức, biện pháp nghệ thuật ngôn từ, cái thông điệp tư tưởng, tình cảm, thái độ của người viết và cả những giá trị tự thân của hình tượng nghệ thuật. Đọc văn theo tinh thần đó là toàn bộ quá trình tiếp nhận, giải mã văn bản(kể cả việc hiểu và cảm thụ)” (Đỗ Ngọc Thống, 2003, “Chương trình Ngữ văn THPT và việc hình thành năng lực văn học cho học sinh”, Tạp chí giáo dục số 66, trang 26-28). GS-TS Trần Đình Sử khi chia việc đọc văn thành các khâu đọc thông, đọc thuộc, đọc kỹ, đọc sâu, đọc hiểu, đọc sáng tạo và đọc sử dụng đã khẳng định: “Trong các khâu đó, đọc- hiểu là khâu cơ bản nhất” (Trần Đình Sử, 2004, “Đọc- hiểu văn bản- một khâu đột phá trong việc dạy học văn hiện nay”, Tạp chí giáo dục số 102, trang 16-18). Như vậy, đọc hiểu là thang độ cao của việc đọc văn bản, đọc- hiểu chính là tìm ra ý nghĩa của một thông điệp được tổ chức bằng một hệ thống
  4. ký hiệu. Trong dạy học Ngữ Văn, đọc-hiểu VBVH thực chất là tiếp nhận, giải mã văn học nhìn từ phương diện con đường- hiệu quả (đọc- hiểu), phương diện quan tâm đến vai trò người tiếp nhận để tạo nên hiệu quả tiếp nhận. Trong giờ Đọc- hiểu VBVH ở trường THPT, đối tượng tiếp nhận chính là học sinh. 1.3. Quan niệm về câu hỏi nêu vấn đề trong đọc- hiểu VBVH Câu hỏi nêu vấn đề là một yếu tố quan trọng cần được nghiên cứu kỹ trong việc ứng dụng các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực. CHNVĐ trong đọc- hiểu VBVH có thể được hiểu là những câu hỏi chứa đựng “Mâu thuẫn nghệ thuật” (điểm đáng chú ý về nội dung, nghệ thuật, về một chi tiết, hình ảnh,… nào đó của văn bản), được học sinh tiếp nhận một cách có ý thức, làm nảy sinh ở các em một sự hứng thú, suy nghĩ để tìm cách giải đáp, nhằm hiểu sâu tác phẩm. Nói cách khác, đây là loại câu hỏi đem lại cho học sinh sự khó khăn trong việc tìm câu trả lời. Muốn giải quyết nó, các em phải động não, phải suy nghĩ, tìm tòi những tri thức mới dựa trên những tri thức, kinh nghiệm sẵn có của mình. Câu hỏi CHNVĐ không phải là sự sao chép, tái hiện lại những điều đã có trong sách giáo khoa mà là những tìm tòi, phát hiện mới do thực hiện các thao tác tư duy như phân tích, so sánh, tổng hợp để hiểu sâu văn bản văn học. Trong dạy học Ngữ Văn nói chung, giờ đọc- hiểu VBVH nói riêng, CHNVĐ có tác dụng to lớn. Nó phát huy tính tích cực, độc lập suy nghĩ, tính chủ động tìm tòi, sáng tạo, kích thích hứng thú, say mê, lôi cuốn các em vào quá trình tìm hiểu sâu, khám phá các tầng nghĩa bên trong, các điểm sáng thẩm mỹ, thưởng thức cái hay, cái đẹp và trực tiếp tham gia vào quá trình biến văn bản văn học thành tác phẩm văn học với sự sáng tạo của riêng mình. Quan trọng hơn, các em được hình thành và rèn luyện khả năng tự tiếp nhận, tự đánh giá, phân tích văn bản văn học theo quan điểm của riêng mình. Ngoài ra, nó còn có tác dụng thôi thúc các em tìm hiểu thêm nhiều tư liệu lên quan đến văn bản được học. Nói chung, việc sử dụng hiệu quả CHNVĐ của giáo viên sẽ làm phát triển năng lực cảm thụ, tiếp nhận văn học của học sinh và góp phần nâng cao hiệu quả dạy học Ngữ Văn ở nhà trường phổ thông. 2. Nội dung, biện pháp thực hiện các giải pháp của đề tài 2.1. Các nguồn CHNVĐ giáo viên có thể khai thác, sử dụng trong giờ đọc- hiểu VBVH Trong xu thế đổi mới phương pháp dạy học Ngữ Văn, lấy học sinh làm trung tâm, giờ đọc- hiểu VBVH phải hướng đến mục tiêu làm cho học sinh chủ động và tích cực, sáng tạo trong việc nhận thức, chiếm lĩnh nội dung tư tưởng và đặc sắc nghệ thuật của VBVH thông qua vai trò hướng đạo của giáo viên. CHNVĐ là một cách hướng đạo. Vậy giáo viên có thể khai thác, sử dụng CHNVĐ trong giờ đọc- hiểu VBVH từ những nguồn nào? Trong thực tế, chúng ta có nhiều nguồn khác nhau để khai thác, sử dụng
  5. CHNVĐ. Sách giáo khoa (SGK)và các tư liệu tham khảo liên quan là những nguồn khá gần gũi với giáo viên. Với nguồn là SGK, giáo viên có thể sử dụng nguyên si những câu hỏi sẵn có trong phần hướng dẫn học bài hoặc xử lý những CHNVĐ của phần hướng dẫn học bài bằng cách cụ thể hóa và điều chỉnh yêu cầu của các câu hỏi theo hướng vừa bán sát mục tiêu dạy học vừa phù hợp với đối tượng học sinh của mình để đưa vào sử dụng. Trong SGK Ngữ Văn 12 (Văn học Việt Nam), nhiều câu hỏi hướng dẫn học bài Giáo viên có thể sử dụng ngay mà không cần phải gia công xử lý như câu 2 (tr.122), câu 4 (tr.123)- Đoạn trích Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm; câu 3 (tr.203)- đoạn trích Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường; câu 2, câu 3 (tr. 33)- Văn bản Vợ Nhặt của Kim Lân; toàn bộ các câu hỏi hướng dẫn học bài trong đoạn trích Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi, văn bản Đàn ghita của Lorca, tác giả Thanh Thảo và văn bản Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu. Với nhiều VBVH khác (Văn học Việt Nam), CHNVĐ của phần hướng dẫn học bài trong SGK thường đặt ra những vấn đề quá lớn, có tính khái quát, tổng hợp cao mà hầu hết các học sinh của chúng tôi không dễ tìm ra câu trả lời. Trong trường hợp này, giáo viên phải sử dụng hệ thống CHNVĐ có tính dẫn dắt, gợi mở để các em tìm hiểu từng khía cạnh cụ thể của vấn đề được nêu, sau đó tổng hợp lại dưới dạng câu trả lời khái quát. Ví dụ, để học sinh trả lời được câu hỏi “Số phận và tính cách nhân vật Mỵ qua cảnh ngộ bị bắt về làm dâu gạt nợ, cuộc sống bị đọa đày tủi cực ở nhà thống lý Pá Tra; diễn biến tâm trạng và hành động” (Hướng dẫn học bài- văn bản Vợ chồng A Phủ, tác giả Tô Hoài), giáo viên nên thiết kế các CHNVĐ nhỏ hơn, cụ thể hơn, hướng các em đến việc phân tích nhân vật trên những phương diện khác nhau (Trước khi bị bắt về làm dâu nhà Thống lý Pá Tra, Mị là cô gái như thế nào? Vì sao Mị phải làm con dâu gạt nợ? Khi trở thành con dâu gạt nợ, Mị bị đày đọa như thế nào về thể xác và tinh thần? Phản ứng của Mỵ trước cuộc sống tủi nhục đó? Trong đêm tình mùa xuân, tâm trạng Mị có sự thay đổi như thế nào? Những yếu tố nào đã tác động và làm nên sự thay đổi đó? Qua đó, em cảm nhận thêm được điều gì về nhân vật Mỵ? Trong đêm cởi trói cho A Phủ, tâm lý Mị diễn biến như thế nào? Vì sao Mỵ cởi trói và chạy theo A Phủ? Qua đó hãy đưa ra nhận xét của riêng em về cuộc đời, số phận và những đặc điểm nổi bật về con người Mỵ?,…) Tương tự, để học sinh trả lời câu hỏi “Anh/chị cảm nhận được ý nghĩa gì của truyện ngắn qua nhan đề tác phẩm, đoạn văn miêu tả cánh rừng xà nu dưới tầm đại bác, hình ảnh những ngọn đồi, cánh rừng xà nu trải ra hút tầm mắt, chạy tít tắp đến tận chân trời luôn trở đi trở lại trong tác phẩm” (Hướng dẫn học bài- văn bản Rừng xà nu, tác giả Nguyễn Trung Thành), giáo viên phải sử dụng hệ thống CHNVĐ để dẫn dắt các em tìm hiểu về hình tượng xà nu trong văn bản từ mật độ xuất hiện, đặc điểm sinh học của loại cây này đến ý nghĩa ẩn dụ, biểu tượng của xà nu qua cách miêu tả chiếu ứng giữa cây và người,...
  6. Ngoài những CHNVĐ có sẵn trong SGK Ngữ Văn, giáo viên có thể sử dụng những CHNVĐ do bản thân thiết kế, tự xây dựng bằng kinh nghiệm giảng dạy, vốn kiến thức văn học, đời sống, xã hội hoặc dựa vào tư liệu tham khảo các loại. 2.2. Các dạng câu hỏi nêu vấn đề tiêu biểu có thể sử dụng trong trong giờ đọc- hiểu VBVH Việc sử dụng nhiều loại câu hỏi (câu hỏi tái hiện kiến thức, CHNVĐ) và nhiều dạng câu hỏi khác nhau là điều tất yếu trong quá trình thiết kế và tổ chức giờ đọc- hiểu của người giáo viên. Việc làm này chẳng những đem lại không khí sinh động cho giờ học mà còn làm cho quá trình đọc- hiểu VBVH đạt hiệu quả cao bởi các vấn đề liên quan sẽ được xem xét, nhìn nhận, phân tích, đánh giá toàn diện hơn, sâu sắc hơn. Đối với CHNVĐ, chúng tôi thường sử dụng 2 dạng tiêu biểu là: Câu hỏi “vì sao” và câu hỏi “như thế nào?”. a) Dạng câu hỏi “Vì sao?” Dạng câu hỏi này yêu cầu học sinh giải thích, tìm hiểu nguyên nhân, từ đó tìm ra bản chất của vấn đề. Đây là dạng câu hỏi khá khó vì để trả lời, học sinh phải nắm thật chắc vấn đề đang tìm hiểu. Ngoài ra, các em phải có vốn kiến thức sâu, rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau; có tư duy lôgic và đôi khi phải có cả sự nhạy cảm văn học nhất định. Với dạng câu hỏi này học sinh có thể bám sát VBVH đang được tìm hiểu hoặc có thể vận dụng những kiến thức bên ngoài văn bản để tìm câu trả lời. Ví dụ, với giờ đọc-hiểu VBVH Vợ chồng A Phủ, tác giả Tô Hoài (SGK Ngữ Văn 12, tập II), để làm rõ sự cam chịu, gần như tê liệt sức sống, sức phản kháng của Mỵ khi làm con dâu gạt nợ trong nhà Thống lý hoặc để làm rõ sức sống tiềm tàng, sức phản kháng mãnh liệt của Mỵ trong đêm mùa xuân và đêm cởi trói cho A Phủ, chúng tôi đã sử dụng dạng câu hỏi này. Vì sao khi mới bị bắt về làm dâu nhà thống lý Pá Tra, Mỵ muốn ăn lá ngón để tự tử nhưng khi cha chết, dù vẫn phải sống tủi nhục trong nhà thống lý, Mỵ lại không còn ý nghĩ đó? Vì sao trong đêm mùa xuân, khi ký ức tuổi trẻ trở lại Mỵ nghĩ “Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mỵ sẽ ăn cho chết ngay chứ không buồn nhớ lại nữa”?,… Để định hướng học sinh suy nghĩ về chân lý thời đại qua câu nói của cụ Mết “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”, chúng ta cũng có thể sử dụng dạng câu hỏi này: Vì sao trong câu chuyện về cuộc đời nhân vật Tnú, cụ Mết nhắc đi nhắc lại việc Tnú không cứu được vợ con mình? Để làm rõ sự sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời của người đàn bà hàng chài trong VB Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, giáo viên có thể yêu cầu học sinh lý giải Vì sao người đàn bà hàng chài không nghe theo lời khuyên hãy bỏ lão chồng vũ phu của một người có lòng tốt và sẵn sàng bảo vệ công lý như Chánh án Đẩu?,… Trong giờ đọc- hiểu VBVH, dạng câu hỏi vì sao hay nhưng khá khó với học sinh. Vì thế, khi sử dụng, chúng ta nên cân nhắc về mật độ dùng, độ
  7. khó của câu hỏi và khả năng của từng đối tượng học sinh, nên ưu tiên cho học sinh khá giỏi trả lời những câu hỏi dạng này. Khi sử dụng CHNVĐ, bản thân giáo viên cũng luôn phải lường trước những cách lý giải khác nhau mà học sinh có thể nêu ra để có sự “chèo lái” hợp lý nhằm đạt mục tiêu giờ học. Nếu không linh hoạt trong các khâu này, chẳng những không làm rõ được bản chất của vấn đề mà còn làm cho mọi chuyện trở nên phức tạp, không khí giờ học bị ảnh hưởng,… b) Dạng câu hỏi “như thế nào?” Đây là dạng câu hỏi yêu cầu học sinh nêu cảm nhận, quan niệm, suy nghĩ, nhận thức, hiểu biết, ý kiến cá nhân về VBVH được đọc- hiểu. Đối với các giờ đọc hiểu VBVH, do đặc thù của môn Ngữ Văn, do đặc điểm riêng có của các văn bản nghệ thuật nên giáo viên cần sử dụng triệt để dạng câu hỏi này để tạo điều kiện cho học sinh thể hiện cảm nhận, suy nghĩ của riêng mình. Cùng với câu hỏi Vì sao, câu hỏi yêu cầu học sinh nêu ý kiến cá nhân về VBVH được đọc- hiểu cũng là dạng câu hỏi mở có tác dụng thiết thực đối với giờ đọc- hiểu VBVH. Trong thực tiễn tổ chức các giờ đọc- hiểu VBVH, chúng tôi thường xuyên sử dụng dạng câu hỏi này theo hai hướng sau: * Giáo viên yêu cầu học sinh nêu quan niệm cá nhân xuất phát từ bản thân VBVH được đọc- hiểu. Cụ thể là giáo viên sẽ thiết kế và sử dụng những câu hỏi để học sinh được bày tỏ ý kiến của mình về tất cả các yếu tố thuộc nội dung và hình thức nghệ thuật của VBVH được đọc- hiểu. Dạng câu hỏi này có thể được sử dụng thường xuyên trong giờ đọc- hiểu, với hầu hết các VBVH khác nhau. - Ví dụ: Nêu cảm nhận của em khi đọc đoạn thơ “Những đường Việt Bắc của ta/ Đêm đêm rầm rập như là đất rung/ Quân đi điệp diệp trùng trùng/ Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan/ dân công đó đuộc từng đoàn/ Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay” (Việt Bắc- Tố Hữu). - Cảm nhận của em về hình tượng Cây xà nu dưới ngòi bút miêu tả của nhà văn Nguyễn Trung Thành? - Ấn tượng sâu sắc nhất của em nhân vật Tnú trong “Rừng xà nu”? * Giáo viên yêu cầu học sinh nêu quan điểm cá nhân xuất phát từ những ý kiến thuận chiều hoặc ngược chiều về VBVH được đọc- hiểu. VBVH có tính đa nghĩa. Việc tiếp nhận VBVH phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như tuổi tác, giới tính, vốn văn hóa, kinh nghiệm sống, trình độ học vấn, tầm đón nhận của người đọc,… Điều đó giải thích vì sao cùng một câu thơ, cùng một VBVH nhưng có nhiều cách hiểu, nhiều quan niệm khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Chính vì thế, khi tổ chức giờ đọc- hiểu cho học sinh, người giáo viên không thể không yêu cầu học sinh nêu quan điểm cá nhân xuất phát từ những ý kiến thuận chiều hoặc ngược chiều về VBVH được đọc- hiểu. Việc làm này có tác dụng mở rộng, khắc sâu kiến thức cho học sinh hoặc định hướng để học sinh hiểu và tiếp nhận VBVH một cách phù hợp. Để thiết kế và đưa vào sử dụng những câu hỏi này, giáo viên Văn phải tích cực nghiên cứu về VBVH được đọc- hiểu; tìm hiểu các nguồn tài
  8. liệu liên quan; sàng lọc, chọn lựa những tư liệu tin cậy để sử dụng. Tuy nhiên, đây không phải là dạng câu hỏi có thể sử dụng rộng rãi với hầu hết các VBVH như kiểu câu hỏi yêu cầu học sinh nêu quan niệm cá nhân xuất phát từ bản thân VBVH được đọc- hiểu. - Một số ví dụ: Khi đánh giá về người đàn bà hàng chài, có ý kiến cho rằng vì nhận thức của chị ta về hạnh phúc gia đình quá giản đơn và ấu trĩ nên chị mới cam chịu sống với người chồng vũ phu suốt cuộc đời. Em có nhất trí với ý kiến đó không? Nếu không, hãy nêu suy nghĩ của riêng mình. (Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu) - Trong câu chuyện về cuộc đời nhân vật Tnú, cụ Mết đã nhắc đi nhắc lại việc Tnú không cứu được vợ con mình. Có người cho rằng cụ Mết làm như thế để khắc sâu nỗi đau mất người thân của Tnú, làm sâu sắc thêm lòng căm thù giặc và quyết tâm chiến đấu của buôn làng Xô- man. Em có đồng tình với ý kiến đó không? Hãy chia sẻ thêm cảm nhận của bản thân về điều đó? - Có ý kiến cho rằng: Nhân vật Mỵ trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài chứa đựng đầy mâu thuẫn nội tại, vừa nhẫn nhục cam chịu lại vừa phản kháng dữ dội và quyết liệt. Ý kiến của em về nhận xét đó? 2.3. Cách sử dụng câu hỏi nêu vấn đề trong giờ đọc- hiểu một VBVH Thông thường, giờ đọc- hiểu VBVH được tổ chức theo tiến trình: Tìm hiểu chung về xuất xứ, hoàn cảnh ra đời của đoạn trích hoặc văn bản; phân tích đoạn trích hoặc văn bản trên nhiều phương diện, nhiều khía cạnh khác nhau như bố cục, nhan đề, tình huống truyện, các nhân vật, các nội dung chính; rút ra chủ đề, tổng kết đánh giá chung về VBVH. Ở mỗi giai đoạn khác nhau của tiến trình đọc- hiểu, giáo viên đều có thể sử dụng các dạng CHNVĐ cho từng bài cụ thể. a) Sử dụng CHNVĐ cho phần tìm hiểu về xuất xứ, hoàn cảnh ra đời của VBVH hoặc đoạn trích Với phần xuất xứ và hoàn cảnh ra đời của VBVH hoặc đoạn trích, giáo viên thường có xu hướng sử dụng câu hỏi tái hiện và học sinh chủ yếu dựa vào sách giáo khoa để giới thiệu. Tuy nhiên có những trích đoạn, những văn bản mà tự thân hoàn cảnh ra đời và xuất xứ của nó đã chứa đựng rất nhiều ý nghĩa, hoặc có giá trị gợi mở đối với việc tìm hiểu, khám phá về nội dung, tư tưởng của toàn văn bản. Đối với những trường hợp này, việc sử dụng câu hỏi nêu vấn đề không chỉ cần thiết mà còn rất hữu ích. Chẳng hạn, với bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, truyện ngắn Rừng Xà nu của Nguyễn Trung Thành, CHNVĐ về bối cảnh lịch sử- xã hội khi tác phẩm ra đời sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc gợi mở và lý giải cảm hứng lãng mạn bi tráng, khuynh hướng sử thi của tác phẩm. Với trích đoạn Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, CHNVĐ về vị trí đoạn trích sẽ góp phần khắc sâu nội dung tư tưởng và giá trị của toàn bộ trường ca Mặt đường khát vọng.
  9. Tương tự như thế, chúng ta có thể đặt câu hỏi nêu vấn đề cho hoàn cảnh ra đời của văn bản văn học Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân để học sinh hiểu sâu thêm cảm hứng ca ngợi con người lao động trong tác phẩm này; đặt CHNVĐ cho hoàn cảnh ra đời của Chiếc thuyền ngoài xa để củng cố thêm kiến thức về đặc điểm lịch sử, xu hướng nghệ thuật chung của văn học sau 1975 và bước đầu định hướng về sự đổi mới của ngòi bút Nguyễn Minh Châu,… - Ví dụ: “Tây Tiến” được viết vào cuối năm 1948. Mốc thời gian đó gợi nhắc cho em điều gì về bối cảnh lịch sử- xã hội của nước ta? Theo em, bối cảnh đó có ảnh hưởng như thế nào đến cảm hứng bài thơ? Dự kiến trả lời: Bài thơ được viết trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ, hào hùng mà tinh thần chung của tuổi trẻ là “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Bối cảnh đó góp phần tạo nên cảm hứng lãng mạn bi tráng cho bài thơ - “Đất nước” được trích từ phần đầu chương V trong trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm. Theo em, vì sao đoạn trích này lại được chọn học? Dự kiến trả lời: Đây là đoạn thơ hay về đề tài Đất nước trong thơ Việt Nam hiên đại. Với quan niệm đất nước của nhân dân, “Đất nước là máu xương của mình, phải biết gắn bó và chia sẻ, phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở, làm nên đất nước muôn đời”, đoạn trích đã làm nổi bật, làm sâu sắc thêm giá trị tư tưởng của trường ca: sự thức tỉnh của tuổi trẻ đô thị vùng tạm chiếm miền Nam về non sông, đất nước, về sứ mệnh của thế hệ mình, xuống đường đấu tranh hòa nhịp với cuộc chiến đấu chống Mĩ. - “Chiếc thuyền ngoài xa” được viết vào thời điểm nào? Nó thể hiện xu hướng nào của Văn học Việt Nam sau 1975? Nó giúp em biết thêm điều gì về nhà văn Nguyễn Minh Châu? Dự kiến trả lời: Chiếc thuyền ngoài xa được hoàn thành năm 1983, là một trong những tác phẩm thể hiện xu hướng nghệ thuật của văn học thời kỳ đổi mới: Hướng nội, khai thác sâu sắc số phận cá nhân và thân phận con người đời thường. Đồng thời cho thấy Nguyễn Minh Châu là một trong những ngòi bút có nhiều đổi mới, tìm tòi trong cách khám phá và thể hiện cuộc sống thời hậu chiến. b) Sử dụng CHNVĐ cho phần tìm hiểu về bố cục VBVH Trong SGK Ngữ Văn lớp 12, ngoài một số VBVH được phân chia bố cục sẵn bởi tác giả hoặc người biên soạn (Tây Tiến, Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm, Ai đã đặt tên cho dòng sông, Rừng xà nu, Những đứa con trong gia đình,... ) vẫn có những VB mà người học phải phân chia bố cục phù hợp dựa trên những hiểu biết cơ bản về tác phẩm (Việt Bắc, Sóng, Đàn ghita của Lor-ca, Vợ chồng A Phủ, Vợ nhặt,... ). Việc phân chia bố cục VBVH trong giờ đọc- hiểu là cần thiết vì nó tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình tìm hiểu nội dung, nghệ thuật của VBVH. Do đó, chúng ta không nên bỏ qua bước này. Câu hỏi sử dụng cho phần tìm hiểu về bố cục VBVH được đọc- hiểu
  10. cũng rất đa dạng, phong phú, bao gồm cả hai dạng CHNVĐ mà chúng tôi đã trình bày ở trên. - Ví dụ: Theo em, bài thơ “Sóng” có thể được chia thành mấy đoạn thơ? Mỗi đoạn thơ thể hiện nội dung cơ bản nào? (Sóng của Xuân Quỳnh) Dự kiến trả lời: Có thể chia bài thơ thành 03 đoạn: Hình tượng sóng- 02 khổ thơ đầu, sóng- em và tình yêu- 05 khổ tiếp theo, khát vọng tình yêu muôn thuở- 02 khổ thơ cuối - Về bố cục bài thơ “Đàn ghita của Lor-ca”, có ý kiến cho rằng nên chia bài thơ thành hai đoạn: Lor-ca trong bối cảnh lịch sử- xã hội và văn học Tây Ban Nha (06 dòng thơ đầu); Lor-ca tài năng và số phận bi thảm (Đoạn còn lại). Ý kiến của em như thế nào? Dự kiến trả lời: Lor-ca là hình tượng trung tâm của bài thơ, việc chia bố cục theo hình tượng này là hợp lý. Nhưng nên chia bài thơ thành 04 đoạn để làm rõ những khía cạnh khác nhau của hình tượng Lor-ca cũng như cảm xúc của chủ thể trữ tình trong bài. Cụ thể: Lor-ca đơn độc trong hành trình cách tâm nghệ thuật- 06 dòng thơ đầu; Lor-ca với số phận bi tráng- 12 dòng tiếp theo; Lor-ca với sự nghiệp cách tân nghệ thuật còn dang dở- 04 dòng thơ tiếp theo; suy tư của nhà thơ về sự ra đi của Lor-ca- 04 dòng kết. - Vì sao có thể chia văn bản “Vợ chồng A Phủ” thành các đoạn: Đoạn 1 : Từ đầu đến “Mị đành trở lại nhà Thống lý” (tr. 06); Đoạn 2: Tiếp theo đến “Vì thế mà sinh sự đánh nhau ở Hồng Ngài” (tr. 13); Đoạn 3: Còn lại. Dự kiến trả lời: Việc chia thành 3 đoạn như trên là căn cứ vào diễn biến trong cuộc đời, số phận và tâm lý của nhân vật Mỵ. Đoạn 1: Mỵ trước khi về làm dâu nhà Pá Tra. Đoạn 2: Cuộc đời làm dâu tủi nhục và sự hồi sinh của Mỵ trong đêm mùa xuân. Đoạn 3: Sức sống và sự phản kháng quyết liệt để tự giải thoát của Mỵ trong đêm cởi trói cho A Phủ). c) Sử dụng CHNVĐ cho phần tìm hiểu về nhan đề và tình huống truyện của VBVH Đối với những văn bản mà ngay nhan đề hoặc tình huống truyện đã chứa đựng hoặc bao quát tư tưởng, quan niệm nghệ thuật của người sáng tác thì khi tổ chức giờ đọc- hiểu VBVH, giáo viên nên dành thời gian thỏa đáng để hướng dẫn học sinh tìm hiểu chúng bằng những CHNVĐ. Chương trình Ngữ Văn 12, có một số văn bản như thế: Vợ Nhặt của Kim Lân, Rừng Xà Nu của Nguyễn Trung Thành, Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi. Việc sử dụng CHNVĐ để tìm hiểu ý nghĩa nhan đề hoặc tình huống truyện trong giờ đọc- hiểu nên bám sát các bước: Tìm hiểu nghĩa gốc của những từ, cụm từ được sử dụng làm nhan đề hoặc gọi tên tình huống truyện được xây dựng trong văn bản. Đặt nhan đề đó vào bối cảnh, tình huống truyện để tìm hiểu ý nghĩa ẩn dụ, tượng trưng. Khai thác giá trị của nhan đề hoặc tình huống đó đối với việc thể hiện nội dung, tư tưởng của VBVH.
  11. - Chẳng hạn, với nhan đề và tình huống truyện trong Vợ nhặt, GV có thể sử dụng những CHNVĐ sau: Em hiểu như thế nào là vợ nhặt? Bản thân người nhặt được vợ có đặc điểm gì nổi bật về cuộc đời, số phận, hoàn cảnh sống? Anh ta đã nhặt được vợ trong hoàn cảnh nào? Qua đó, em cảm nhận như thế nào về người vợ nhặt, về số phận con người trong hoàn cảnh bi thảm đó? Nhan đề và tình huống truyện đã làm sâu sắc thêm những giá trị nào của tác phẩm? Dự kiến trả lời: Vợ nhặt: Người vợ có được ngẫu nhiên giống như người ta nhặt được món đồ ngoài đường. Người nhặt được vợ là dân ngụ cư, nghèo khổ, thô kệch nhưng nhân hậu. Tràng nhặt được vợ trong cảnh đói khát thê thảm, người đàn bà vì mong có miếng ăn để tồn tại qua đận đói khát mà theo Tràng về làm vợ. Cái đói và miếng ăn đã làm cho con người mất cả lòng tự trọng, số phận con người bị rẻ rúng tột cùng. Nhan đề làm sâu sắc thêm giá trị nhân đạo của tác phẩm ở ý nghĩa tố cáo tội ác của bọn thực dân- phong kiến, đề cao vẻ đẹp tâm hồn và khát vọng hạnh phúc của người lao động. - Trong “Chiếc thuyền ngoài xa”, Nguyễn Minh Châu đã xây dựng được tình huống truyện như thế nào? Tình huống thể hiện quan niệm gì của nhà văn về cuộc sống, về cách nhìn nhận cuộc sống của mỗi người cũng như của các nghệ sĩ? Dự kiến trả lời: Nghệ sĩ Phùng trong chuyến đi thực tế đã được chiêm ngưỡng và thu vào ống kính của mình một khung cảnh tuyệt mĩ về chiếc thuyền lưới vó trong sương sớm khi nó ở ngoài khơi xa. Nhưng khi chiếc thuyền đến gần thì chính Phùng đã tận mặt nhìn thấy khung cảnh trái ngược hoàn toàn với vẻ đẹp mình vừa phát hiện. Nhưng đó là hiện thực cuộc sống mà dù không muốn, chúng ta cũng không thể chối bỏ. Phùng đã khám phá hiện thực ấy qua câu chuyện với người đàn bà hàng chài ở tòa án huyện và nhận ra nhiều điều mới mẻ về cuộc đời. Qua tình huống này, tác giả muốn nhắn gửi thông điệp: Chúng ta không nên nhìn cuộc đời một cách đơn giản, phiến diện. Cuộc sống vốn đa diện, phức tạp, thậm chí đầy mâu thuẫn. Con người phải đứng trong nó để trải nghiệm và trưởng thành hơn. Người nghệ sĩ càng cần phải như thế. - Trình bày hiểu biết của em về tình huống truyện trong VBVH “Những đứa con trong gia đình”. Giá trị nghệ thuật của tình huống đó? Dự kiến trả lời: Trong một trận chiến đấu, nhân vật chính của tác phẩm là Việt đã bị thương và lạc đồng đội. Việt đã ngất đi, tỉnh lại nhiều lần và mỗi lần như thế những hồi ức về gia đình, người thân và đoạn đời đã qua lại hiện về trong tâm trí Việt. Với tình huống này, câu chuyện về Những đứa con trong gia đình được kể từ điểm nhìn của nhân vật Việt một cách chân thực, sinh động. Những mảnh đoạn ký ức tưởng như rời rạc, đứt đoạn đã được xâu chuỗi khéo léo thành một mạch thống nhất. d) Sử dụng CHNVĐ cho phần tìm hiểu về nội dung, nghệ thuật của VBVH
  12. Trong văn bản văn học, nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật gắn bó mật thiết, hữu cơ với nhau. Nội dung biểu hiện qua hình thức và hình thức lại chứa đựng nội dung- “Hình thức mang tính quan niệm”. Vì thế khi tìm hiểu, phân tích một văn bản văn học, chúng ta thường đi từ nghệ thuật đến nội dung, khám phá nội dung qua nghệ thuật. Việc sử dụng câu hỏi nêu vấn đề trong bước này của tiến trình đọc-hiểu cũng hướng vào các yếu tố nghệ thuật để khám phá nội dung, tư tưởng của VBVH. Câu hỏi nêu vấn đề cần nhắm đến các cấp độ ngữ- nghĩa của VBVH như ngữ âm, từ ngữ, hình ảnh, chi tiết, các “điểm sáng thẩm mỹ”, các “mâu thuẫn nghệ thuật”, cú pháp, kết cấu. - Cấp độ ngữ âm: Trong nhiều VBVH, yếu tố ngữ âm của ngôn ngữ được người nghệ sĩ dụng công khai thác nhằm đem lại hiệu quả biểu đạt về nội dung cũng như tạo âm hưởng và nhạc điệu cho câu thơ, câu văn. Do vậy, khi hướng dẫn học sinh tìm hiểu VBVH, giáo viên cần chú ý đến vấn đề này. Tất nhiên, sự chú ý khai thác các yếu tố ngữ âm trong VBVH không chia đều cho mọi giờ đọc- hiểu. Với chương trình Ngữ Văn 12, chúng ta có thể vận dụng vào các giờ đọc- hiểu một số văn bản như Tây Tiến, Việt Bắc, Đàn ghita của Lor-ca, Người lái đò sông Đà. - Ví dụ: Các âm “ơi” đi liền nhau trong những câu thơ đầu đã tạo nên âm hưởng như thế nào cho bài thơ? (Tây Tiến- Quang Dũng) Dự kiến trả lời: Các âm “ơi” đi liền nhau gợi âm hưởng ngân dài không dứt, phù hợp với việc diễn tả cảm xúc hoài niệm mênh mang, da diết của chủ thể trữ tình) - Em có nhận xét gì về sự phối hợp thanh điệu trong đoạn thơ đầu? (Tây Tiến- Quang Dũng) Dự kiến trả lời: Sự phối hợp hài hòa các thanh trắc, thanh bằng trong đoạn thơ đầu của bài thơ đã góp phần khắc họa một thiên nhiên miền Tây hùng vĩ, hoang sơ, bí hiểm nhưng không kém phần thơ mộng; một cuộc sống, chiến đấu gian khổ, khốc liệt nhưng đầy thi vị của người lính Tây Tiến - Cảm nhận của em về âm hưởng những dòng “li-la li- la li- la” trong bài thơ “Đàn ghita của Lorca.,… Dự kiến trả lời: Những dòng “li-la li- la li- la” trong bài thơ đầy sức ám ảnh và gợi nhiều liên tưởng. Nó như bản độc tấu ghi ta ngân dài, như lời ca về sự bất tử của Lor-ca trong lòng các thế hệ bạn đọc toàn thế giới. - Cấp độ từ ngữ, hình ảnh, chi tiết: Từ ngữ, hình ảnh, chi tiết là linh hồn của hình tượng nghệ thuật trong VBVH. Chính nghĩa và ý nghĩa của các yếu tố này làm nên một hiện thực đời sống chân thực và sinh động trong các VBVH. Thông qua hình tượng nghệ thuật, người nghệ sĩ gửi gắm và truyền tải đến người đọc các thông điệp đầy ý nghĩa về cuộc sống. Với bất kỳ VBVH nào, giáo viên cũng có thể sử dụng CHNVĐ để định hướng cho học sinh khám phá các yếu tố nghệ thuật này. Chúng ta có thể liệt kê một loạt các từ ngữ, hình ảnh, chi tiết cần
  13. được khám phá trong các VBVH chương trình Ngữ Văn lớp 12. Hình ảnh “cồn mây”, “ súng ngửi trời” , “ Quân xanh màu lá”, “Mắt trừng gửi mộng”, “ Rải rác biên cương mồ viễn xứ”, “Áo bào thay chiếu” trong Tây Tiến. Hình ảnh “tiếng đàn bọt nước”, “áo choàng đỏ gắt”, “vầng trăng chếnh choáng”, “yên ngựa mỏi mòn’, “ao choàng bê bết đỏ”,... trong Đàn ghita của Lor- ca. “Ai ở xa về, có việc vào nhà thống lý Pá Tra thường trông thấy có một cô gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa. Lúc nào cũng vậy,... cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi”, “Mị cúi mặt không nghĩ ngợi nữa, lúc nào cũng chỉ nhớ đi nhớ lại những việc giống nhau, tiếp nhau vẽ ra trước mắt, mỗi năm, mỗi mùa, mỗi tháng lại làm đi làm lại”, “Ở cái buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa số một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng”,... trong Vợ chồng A Phủ,... - Ví dụ: Từ “chơi vơi” diễn tả nỗi nhớ như thế nào trong lòng tác giả khi nghĩ về đơn vị cũ? (Tây Tiến, Quang Dũng) Dự kiến trả lời: Từ “chơi vơi diễn tả nỗi nhớ da diết, mênh mang, vô tận; nỗi nhớ trải rộng theo không gian, trải dài theo thời gian, nối liến quá khứ với hiện tại trong dòng hoài niệm không dứt của nhà thơ về đơn vị cũ. - Hình ảnh “cồn mây”, “súng ngửi trời” và hình ảnh “Anh bạn dãi dầu không bước nữa/ Gục lên súng mũ bỏ quên đời” giúp em cảm nhận được điều gì về cuộc sống, chiến đấu của người lính Tây Tiến? Dự kiến trả lời: Các hình ảnh gợi ấn tượng về những chặng đường hành quân gian khổ, vượt núi cao, rừng sâu, vực thẳm của người lính. Trên chặng đường nhọc nhằn ấy, nhiều người lính đã vĩnh viễn ra đi. Tuy thế, lính Tây Tiến không mất đi nét hóm hỉnh, đáng yêu và thái độ coi thường gian khó. - Hình ảnh đàn ghi ta có ý nghĩa biểu tượng như thế nào? (Đàn ghita của Lor- ca, Thanh Thảo) Dự kiến trả lời: Đàn ghi ta là hình ảnh biểu tượng cho cuộc đời, số phận, tài năng, khát vọng và tình yêu nghệ thuật của Lor- ca. Nó trường tồn cùng thời gian, bất chấp những biến động dữ dội của cuộc đời. - Các chi tiết “Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng,... Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách” đem lại cho em cảm nhận gì về nhân vật Mỵ trong đêm mùa xuân ở Hồng Ngài? (Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài) Dự kiến trả lời: Các chi tiết cho thấy Mị đang được hồi sinh bởi không khí của những đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài. Hình ảnh cô Mị mất hết ý niệm về thời gian, về cuộc sống, về bản thân mình đã được thay thế bởi một cô Mị yêu đời, tâm hồn trẻ trung, đầy sức sống và có ý thức về chính bản thân mình - Cấp độ cú pháp:
  14. Ngôn ngữ nghệ thuật thường cô đọng, hàm súc, lời ít ý nhiều, “ý tại ngôn ngoại”, ngôn tận ý bất tận. Vì vậy, trong khi khám phá các giá trị của VBVH, ngoài việc dùng CHNVĐ để tìm hiểu các cấp độ ngữ- nghĩa nêu trên, có lúc chúng ta phải dùng CHNVĐ để cắt nghĩa, lý giải ý tứ của những câu thơ cụ thể. Chẳng hạn câu thơ “Áo bào thay chiếu anh về đất/Sông Mã gầm lên khúc độc hành”, “Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy/ Hồn về Sầm nứa chẳng về xuôi”(Tây Tiến), “Thương nhau chia củ sắn lùi/ bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng” (Việt Bắc), “Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu/ Mà khi về đến quê mình thì bắt lên câu hát/ Người đến hát khi kéo thuyền vượt thác/ Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi” (Đất nước, Nguyễn Khoa Điềm), “Đường chỉ tay đã đứt/dòng sông rộng vô cùng/Lor-ca bơi sang ngang/ trên chiếc ghi ta màu bạc/chàng ném lá bùa cô gái Di-gan/vào xoáy nước/chàng ném trái tim mình vào lặng yên bất chợt” (Đàn ghita của Lor- ca, Thanh Thảo),... Với một số văn bản khác, việc khai thác cấp độ ngữ pháp có thể hướng vào nhịp điệu, các biện pháp tu từ pháp, cách tổ chức câu thơ,... Chẳng hạn, những câu văn dài trong Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân, những câu văn giàu chất thơ trong Ai đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường, những câu thơ không vần, không chấm, phẩy, không viết hoa, không phân câu theo ngữ pháp truyền thồng trong Đàn ghita của Lor- ca, tác giả Thanh Thảo,... Theo đó, CHNVĐ cũng cần bám sát khía cạnh này. Ví dụ: Câu thơ “Áo bào thay chiếu anh về đất/Sông Mã gầm lên khúc độc hành” đem lại cho em ấn tượng gì về cái chết của người lính Tây Tiến cũng như cảm hứng chủ đạo của bài thơ? (Tấy Tiến- Quang Dũng) Dự kiến trả lời: Người lính Tây Tiến nằm xuống không manh chiếu bó thân. Nhưng cái chết ấy thật bi tráng với “áo bào thay chiếu”, với “khúc độc hành” trầm hùng của dòng sông Mã. Câu thơ góp phần làm nên cảm hứng lãng mạn-bi tráng của toàn bài - Sáu câu cuối cùng của bài thơ gợi cho em ấn tượng gì về sự ra đi của Lor-ca? (Đàn ghita của Lor-ca, Thanh Thảo) Dự kiến trả lời: Lor-ca đi vào cõi vĩnh hằng thật nhẹ nhàng, thanh thản bởi tinh thần luôn chủ động, dấn thân của người nghệ sĩ. Sự ra đi đó đẹp và thật đáng kính trọng. - Cảm nhận của em khi đọc câu văn “Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết” ? (Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài) Dự kiến trả lời: Câu văn có cách ngăt nhịp ngắn, gấp và sự lặp lại nhiều lần từ “chết” đã thể hiện sự chuyển biến mạnh mẽ, nhanh chóng trong suy nghĩ, nhận thức của Mị về cảnh ngộ của A Phủ cũng như về sự độc ác, tàn bạo của Pá Tra. Chính sự phản kháng âm thầm đó cũng là một trong những động lực thúc đẩy hành động tiếp theo của Mị. - Các “điểm sáng thẩm mỹ”, các tình huống có vấn đề trong VBVH
  15. VBVH là kết quả sáng tạo của người nghệ sĩ. Nó thể hiện quan niệm, sự lý giải cuộc sống theo cách riêng của nhà văn. Các điểm sáng thẩm mỹ, các tình huống có vấn đề, các mâu thuẫn nghệ thuật do tác giả dày công tạo tác trong VBVH không nằm ngoài mục đích đó. Điểm sáng thẩm mỹ có thể là một hình ảnh, một từ “nhãn tự”, một thủ pháp nghệ thuật, một cấu trúc độc đáo, ... trong VBVH. Ví dụ: Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng trong đoạn kết của Vợ nhặt, hình ảnh ô cửa số bằng bàn tay trong Vợ chồng A Phủ, hình ảnh bàn tay Tnú trong Rừng Xà nu,... Các từ ngữ “hồn lau” trong câu thơ “ Người đi Châu Mộc chiều sương ấy/ Có thấy hồn lau nẻo bến bờ” của bài Tây Tiến, từ “bơi”, từ “ném” trong câu thơ “Lor-ca bơi sang ngang/ trên chiếc ghi ta màu bạc/chàng ném lá bùa cô gái Di-gan/vào xoáy nước/chàng ném trái tim mình vào lặng yên bất chợt” trong bài Đàn ghita của Lor-ca, Thanh Thảo,... Lối kết cấu phá vỡ trục thời gian tuyến tính trong Vợ chồng A Phủ, Vợ Nhặt, Những đứa con trong gia đình; sự đột biến cấu trúc khổ thơ trong bài Sóng; nghệ thuật so sánh được sử dụng điêu luyện trong Ai đã đặt tên cho dòng sông,... đều là những điểm sáng thẩm mỹ mà giáo viên có thể hướng dẫn học sinh khám phá bằng các CHNVĐ. Chẳng hạn: Hình ảnh ô cửa sổ bằng bàn tay trong căn buồng của Mị ở nhà Thống lý Pá Tra đem lại cho em cảm nhận gì? (Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài) Dự kiến trả lời: Ô cửa sổ bằng bàn tay trong căn buồng của Mị là kênh duy nhất nối Mị với thế giời bên ngoài khi cô đã hoàn thành công việc như một cỗ máy lao động. Nhưng khi nhìn qua ô cửa đó Mị “chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng”. Ô cửa gợi người ta liên tưởng căn buồng Mị ở như một thứ ngục thất tinh thần giam hãm cuộc đời, tuổi xuân của Mị. Nó làm tăng thêm nỗi đau và số phận bi thảm của cô khi ở Hồng Ngài. - Trong câu thơ “chàng ném lá bùa cô gái Di-gan/vào xoáy nước/chàng ném trái tim mình vào lặng yên bất chợt”, em có ấn tượng đặc biệt nhất về từ ngữ nào? Vì sao? Dự kiến trả lời: Từ “ném” được tác giả lặp hai lần vừa diễn tả hành động mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt với tinh thần chủ động đi vào cõi vình hằng của Lor-ca, vừa gợi âm hưởng bi hùng về sự ra đi của người nghệ sĩ thiên tài. - Theo quan sát của em, bài Sóng có khổ thơ nào được cấu trúc đặc biệt? Sự đột biến về cấu trúc đó có tác dụng như thế nào? Dự kiến trả lời: Trong bài Sóng, các khổ thơ đều được cấu trúc 4 dòng. Riêng khổ thơ thứ 5 lại gồm 6 dòng thơ. Sự đột biến đó làm nổi bật mối quan hệ tương đồng của 2 hình tượng song hành là sóng và em. Với cách kết cấu đó, nhà thơ diễn tả sâu sắc nỗi nhớ trong trái tim người con gái đang yêu. Nỗi nhớ ấy da diết, cồn cào, không nguôi vợi như sóng nhớ bờ nên không ngừng vỗ. Kết cấu đó đã đặt cái bất biến của tự nhiên “sóng nhớ bờ” song trùng với cái bất biến của lòng người khi yêu để gọi tên một trong
  16. những cung bậc cảm xúc vĩnh hằng của tình yêu. Đó là nỗi nhớ. Đã yêu là nhớ. Tình huống có vấn đề trong VBVH được hiểu là những tình huống đem lại nhiều cách cảm, cách nghĩ, cách tiếp nhận khác nhau, có thể trái ngược nhau hoặc những tình huống chứa đựng vấn đề nghịch lý, mâu thuẫn,... Việc tìm hiểu các tình huống này sẽ giúp người đọc, người học tìm thêm con đường đến với những thông điệp tác giả gửi vào VBVH. Trong chương trình Ngữ Văn 12, giáo viên có thể bắt gặp các tình huống có vấn đề như lời đề từ “khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn ghi ta” và đoạn thơ “Không ai chôn cất tiếng đàn/ tiếng đàn như cỏ mọc hoang/giọt nước mắt vầng trăng/long lanh trong đáy giếng” trong Đàn ghita của Lor- ca, tác giả Thanh Thảo; câu thơ “ Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm” trong Tây Tiến của Quang Dũng, hình tượng Mị trong Vợ chồng A phủ của Tô Hoài,... - Ví dụ: Với câu thơ “Không ai chôn cất tiếng đàn/ tiếng đàn như cỏ mọc hoang” có hai luồng ý kiến trái ngược nhau. Một cho rằng: Hai câu thơ ca ngợi tài năng và sự nghiệp của Lor- ca có sức sống mãnh liệt, trường tồn trong lòng người hâm mộ mọi thời đại, ngay cả khi nghệ sĩ không còn nữa. Một cho rằng: Hai câu thơ thể hiện nỗi xót xa, cảm thông của Thanh Thảo khi sự nghiệp cách tân nghệ thuật của Lor- ca không có người tiếp nối mà nguyên nhân sâu xa là hậu thế không ai hiểu hết lời di chúc của Lor- ca. Em đồng tình với ý kiến nào? Vì sao? Dự kiến trả lời: Ý kiến thứ hai hợp lý hơn. Tiếng đàn là biểu tượng của nghệ thuật, biểu tượng cho tài năng và những khát vọng cách tân nghệ thuật của Lor- ca. Không ai chôn cất tiếng đàn/ tiếng đàn như cỏ mọc hoang nghĩa là không ai dám vượt qua Lor- ca để đi tới, để tiếp tục sự nghiệp ông còn dang dở. Điều đó làm cho nghệ thuật thiếu vắng người dẫn đường. Thanh Thảo đã thể hiện sự thấu hiểu và cảm thông sâu sắc với nỗi đau của nghệ sĩ thiên tài luôn hết mình cho nghệ thuật, cho đất nước, quê hương - Trước khi cắt dây trói cho A Phủ, Mị đã chuẩn bị tâm lý “phải trói thay vào đấy, Mỵ phải chết trên cái cọc ấy” và “làm sao Mỵ cũng không thấy sợ”. Nhưng khi đã cởi hết dây trói cho A phủ, A phủ chạy khỏi thì Mị lại chạy theo. Phải chăng Mị mâu thuẫn với chính mình? Dự kiến trả lời: Bề ngoài có vẻ Mị mâu thuẫn với chính mình nhưng về bản chất, hành động đó của Mị là tất yếu. Ở thời điểm Mị nghĩ đến chuyện phải chịu trói thay và phải chết nếu A Phủ trốn thoát thì chết mới chỉ là khả năng có thể xảy ra. Nhưng khi Mị đã cởi trói cho A Phủ thì khả năng chết dần chuyển thành hiện thực, cái chết gần Mị hơn bao giờ hết. Chính vì thế, bản năng sống của một con người vốn có sức sống tiềm tàng tất trỗi dậy, thúc đẩy Mị chạy theo A Phủ. e) Sử dụng CHNVĐ cho phần rút ra chủ đề và kết luận chung về VBVH hoặc ứng dụng, liên hệ VBVH với thực tiễn đời sống.
  17. Hầu hết chủ đề của các VBVH hoặc những kết luận có tính chất tổng kết về VBVH đều được rút ra từ quá trình tìm hiểu, khám phá văn bản một cách khá đầy đủ và toàn diện. Vì thế, để xác định chủ đề và đưa ra kết luận chung về một văn bản, chúng ta không thể sử dụng câu hỏi tái hiện kiến thức. Giáo viên cần tung ra những CHNVĐ đòi hỏi khả năng tổng hợp, khái quát cao của học sinh. Khác với phần tìm hiểu xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác, trong phần rút ra chủ đề và kết luận về VBVH, câu hỏi nêu vấn đề có thể sử dụng với mọi giờ đọc- hiểu trong chương trình Ngữ Văn 12. - Ví dụ: Về chủ đề đoạn trích Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường, có người cho rằng đây là cảnh đẹp sông Hương, người khác lại khẳng định đây là lòng yêu mến đến mê say dòng sông, đất nước. Em hãy nêu ý kiến của riêng mình về vấn đề này. Dự kiến trả lời: Qua việc khắc họa vẻ đẹp đa dạng độc đáo của sông Hương, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã bộc lộ tình yêu, niềm tự hào đối với dòng sông quê hương, với xứ Huế và trên hết là với Đất nước Việt Nam tươi đẹp - Hãy đánh giá những nét khái quát nhất về giá trị nội dung tư tưởng cũng như đặc sắc nghệ thuật của bài thơ (Đàn ghita của Lor- ca, tác giả Thanh Thảo). Dự kiến trả lời: Bài thơ thể hiện tình cảm ngưỡng mộ của Thanh Thảo đối với Lor-ca. Qua đó khắc họa hình tượng bi tráng về Lor-ca, người chiến sĩ đấu tranh không ngừng cho quyền sống chính đáng của con người, người nghệ sĩ tài năng mang khát vọng cách tân nghệ thuật Tây Ban Nha nhưng phải chịu số phận bi thảm. Bài thơ có nhiều hình ảnh tượng trưng và mang hình thức âm thanh,... - Từ hình tượng Lor-ca trong bài thơ, em rút ra những bài học gì cho bản thân trong cuộc sống? Dự kiến trả lời: Bài học về tinh thần sáng tạo, biết trân trọng thành quả của người đi trước nhưng không vì thế mà rơi vào tâm lý “sùng bái quá khứ” một cách cực đoan, dẫn đến bảo thủ. Trái lại, phải mạnh dạn đổi mới và biết đấu tranh ủng hộ cái mới nếu nó tiến bộ và có giá trị,... - Nhân vật người đàn ông hàng chài trong tác phẩm vừa đáng lên án vừa có chỗ có thể cảm thông bởi xét đến cùng, anh ta cũng chỉ là một nạn nhân của hoàn cảnh sống khắc nghiệt, chính hoàn cảnh đã xô đẩy và làm anh ta bị tha hóa. Qua nhân vật này, em rút ra bài học gì cho cuộc sống? (Chiếc thuyền ngoài xa- Nguyễn Minh Châu) Dự kiến trả lời: Cuộc sống không phải bao giờ cũng thuận lợi và tốt đẹp như mong muốn của con người. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, con người cũng cần nỗ lực giữ gìn nhân cách, phẩm giá, nhân tính và vẻ đẹp tâm hồn. Đừng bao giờ tiếp tay cho hoàn cảnh và đừng biến mình thành nạn nhân của hàn cảnh,... III. HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ TÀI
  18. Sau hai năm kiên trì sử dụng câu hỏi nêu vấn đề trong các giờ đọc- hiểu VBVH, tôi nhận thấy không khí các giờ học được cải thiện đáng kể. Số lượng học sinh xung phong phát biểu xây dựng bài cũng như số học sinh trả lời được câu hỏi do giáo viên nêu ra ngày càng nhiều hơn. Một số em thì thực sự thích học môn Ngữ Văn. Qua hoạt động trả lời CHNVĐ do giáo viên đặt ra trong các giờ đọc- hiểu VBVH, kiến thức về tác phẩm của nhiều học sinh được mở rộng, khắc sâu. Nhờ thế, các em có vốn liếng văn học nhất định để làm tốt các bài nghị luận văn học. Điểm số của các bài Làm văn cũng như điểm số môn Ngữ Văn của các em được cải thiện đáng kể. Ở các lớp tôi phụ trách, tỷ lệ học sinh có điểm kiểm tra học kỳ cũng như điểm tổng kết môn Văn trên trung bình đạt từ 85% trở lên. Trong đó, điểm khá giỏi của bài kiểm tra học kỳ tăng từ 32,3% lên 46.7%, tỷ lệ khá giỏi trong điểm TB cả năm môn Văn tăng từ 21.6% lên 32.5%. Kết quả cụ thể như sau: 1. Năm học 2010- 2011 (Lớp: 12A1 và 12B6) Số lượng và tỷ lệ Trong đó, tỷ lệ điểm trên trung Ghi chú điểm khá, giỏi bình trở lên Bài KT học kỳ I 62/87 71.26% 20/62 (32.3%) Bài KT học kỳ II 70/87 80.45% 26/70 (37.1%) Tổng số học Điểm TBm HKI 72/87 82.75% 15/72 (20.8%) Điểm TBm HKII 75/87 86.20% 17/75 (22.7%) sinh: 87 Điểm TBm CN 74/87 85.05% 16/74 (21.6%) 2. Năm học 2011- 2012 (Lớp 12A4 và 12A10) Số lượng và tỷ lệ Trong đó, tỷ lệ điểm trên trung Ghi chú điểm khá, giỏi bình Bài KT học kỳ I 60/85 70.6% 28/60 = (46.7%) Bài KT học kỳ II 73/85 85.9% 30/73 = (41.1%) Điểm TBm HKI 76/85 89.4% 30/76 = Tổng số học (39.5%) sinh: 85 Điểm TBm HKII 80/85 94.1% 35/80 = (44%) Điểm TBm CN 79/85 92.9% 33/79 = (32.5%) IV. ĐỀ XUẤT, KHUYẾN NGHỊ KHẢ NĂNG ÁP DỤNG Dạy học theo hướng tích cực hóa hoạt động nhận thức của học sinh, làm cho học sinh chủ động và sáng tạo trong việc chiếm lĩnh tri thức khoa học đang là một trong những mục tiêu quan trọng của đổi mới phương pháp dạy - học hiện nay. Việc sử dụng câu hỏi nêu vấn đề để tích cực hóa hoạt động nhận thức của học sinh trong giờ đọc- hiểu VBVH, chương trình Ngữ
  19. Văn THPT nói chung, chương trình Ngữ Văn 12 nói riêng không nằm ngoài mục tiêu chung đó. Phát vấn là thao tác được sử dụng trong mọi phương pháp dạy học, từ những phương pháp dạy học truyền thống đến các phương pháp dạy học hiện đại. Hiệu quả của một giờ học phụ thuộc không nhỏ vào chất lượng hệ thống câu hỏi hướng dẫn học bài của giáo viên. Vì thế, đề tài này tuy không đặt ra vấn đề có tầm vĩ mô trong việc đổi mới phương pháp dạy học Ngữ Văn nhưng hiệu quả, tính thiết thực, tính khả thi và phạm vi ứng dụng rộng lớn của đề tài là điều không thể phủ nhận. Chính vì thế, đề tài có ý nghĩa tích cực đối với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy - học phân môn Đọc Văn nói riêng, môn Ngữ Văn nói chung. Tất nhiên, để sử dụng câu hỏi nêu vấn đề trong giờ đọc- hiểu VBVH một cách hiệu quả, giáo viên cần phải chú ý một số điểm cơ bản sau: Thứ nhất, phải đảm bảo mối quan hệ thống nhất biện chứng giữa việc tổ chức cho học sinh nắm vững nội dung, nghệ thuật của VBVH và hoạt động trả lời câu hỏi trên lớp nhằm tích cực hóa hoạt động nhận thức của các em. Thứ hai, phải lựa chọn những CHNVĐ phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung bài học, tiết học, đối tượng học sinh và thời gian, điều kiện thực tế cụ thể. Thứ ba, sử dụng CHNVĐ gắn liền với việc đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức giờ đọc hiểu VBVH. Thứ tư, sử dụng CHNVĐ gắn với đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá mức độ tiếp nhận văn bản của học sinh. Tri thức khoa học và đời sống là vô tận, hiểu biết của học trò cũng như của chính bản thân các giáo viên là hữu hạn. Không phải mọi điều chúng ta đặt ra, học sinh đều trả lời trôi chảy và trùng khớp với những gì ta đã dự kiến khi thiết kế câu hỏi nêu vấn đề. Nhưng cũng đừng vì thế mà các đồng nghiệp nản chí và ngại sử dụng CHNVĐ trong các giờ đọc- hiểu VBVH. Kiến thức các em có được qua những câu trả lời là đáng quý nhưng quý hơn nữa là việc kiên trì sử dụng CHNVĐ của giáo viên sẽ giúp các em được rèn luyện thói quen chịu khó suy nghĩ, tìm tòi và tinh thần tích cực, chủ động chiếm lĩnh tri thức trong quá trình học tập. Vì thế, tôi tha thiết mong quý đồng nghiệp sẽ kiên trì, linh hoạt và sáng tạo trong việc sử dụng CHNVĐ để nâng cao hiệu quả giờ đọc- hiểu VBVH cũng như nâng cao chất lượng dạy học Ngữ Văn ở trường THPT.
  20. V. TÀI LIỆU TAM KHẢO 1. Trần Đình Sử, 2004, “Đọc- hiểu văn bản- một khâu đột phá trong việc dạy học văn hiện nay”, Tạp chí giáo dục số 102, trang 16-18 2. Đỗ Ngọc Thống, 2003, “Chương trình Ngữ văn THPT và việc hình thành năng lực văn học cho học sinh”, Tạp chí giáo dục số 66, trang 26-28 3. Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2010, Tài liệu tập huấn giáo viên dạy học, kiểm tra đánh giá theo chuẩn kiến thức, kỹ năng trong chương trình giáo dục phổ thông, môn Ngữ Văn cấp THPT 4. Sách giáo khoa Ngữ Văn 12, tập 1 và tập 2, NXB Giáo dục, Hà Nội.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0