YOMEDIA
ADSENSE
Sông Lam, dòng chảy những chiến công
70
lượt xem 3
download
lượt xem 3
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
Tôi có may mắn từng được lên tận miền biên giới, nơi dòng Nậm Nơn và Nậm Mộ chảy vào đất Việt. Và nhiều lần đến với Cửa Rào, nơi hợp lưu của hai con sông ấy để “sinh thành” nên dòng Lam, biểu tượng của văn hóa xứ Nghệ. Và từng được dạo chơi ở vùng Cửa Hội, nơi dòng sông hòa vào biển lớn.
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Sông Lam, dòng chảy những chiến công
- Sông Lam, dòng chảy những chiến công Tôi có may mắn từng được lên tận miền biên giới, nơi dòng Nậm Nơn và Nậm Mộ chảy vào đất Việt. Và nhiều lần đến với Cửa Rào, nơi hợp lưu của hai con sông ấy để “sinh thành” nên dòng Lam, biểu tượng của văn hóa xứ Nghệ. Và từng được dạo chơi ở vùng Cửa Hội, nơi dòng sông hòa vào biển lớn. Nếu ai có dịp xuôi ngược dòng Lam, hẳn sẽ rất đỗi tự hào về sông nước quê hương, là dòng chảy của thời gian và chứa đựng bao trầm tích lịch sử – văn hóa… Theo số liệu của ngành Địa lý, sông Lam bắt nguồn trên lãnh thổ nước bạn Lào, chảy qua nội địa nước ta với chiều dài hơn 360 km. Sau khi “nhập tịch” vào Việt Nam, đi qua bao thác ghềnh hiểm trở trên địa bàn huyện Kỳ Sơn và Tương Dương, dòng Nậm Nơn và Nậm Mộ gặp nhau ở ngã ba Cửa Rào thuộc xã Xá Lượng (Tương Dương). Từ đây, dòng sông mang tên sông Cả (sông lớn), hay còn gọi là sông Lam. Dòng Lam chính là huyết mạch của xứ Nghệ, góp phần hình thành, vun đắp truyền thống lịch sử và văn hóa vùng quê mang đậm dấu ấn bản sắc. Nói cách khác, dòng sông này gắn liền với số phận và từng bước đi thăng trầm của quê hương xứ Nghệ suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Thật sự không quá lời khi nói rằng mỗi khúc sông, bến nước đều chứa đựng một câu chuyện lịch sử. Sông vẫn miệt mài đổ ra biển lớn, dòng thời gian vẫn trôi về miền vô tận, những cột mốc lịch sử vẫn sừng sững hiện diện dọc đôi bờ và trong tâm thức người dân xứ Nghệ.
- Xin được bắt đầu từ ngã ba Cửa Rào, nơi khởi nguồn của dòng Lam thơ mộng. Mỗi lần đặt chân đến nơi đây, tôi lại nhớ đến lời nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: “Rồi lại thấy ở nước mình có cái gì đó gần như tín ngưỡng với ngã ba sông. Ngã ba sông nào cũng huyền sử, huyền thoại, ít nhiều thiêng liêng, cũng là vùng rừng- đất- nước- trời mà bà con bản xứ cũng như các lữ khách đều mê mải kiếm tìm…”. Quả thật, từ bao đời nay, trong tâm thức người dân bản xứ, ngã ba Cửa Rào là một địa điểm rất đỗi linh thiêng. Thiêng vì trên doi đất nằm ở vị trí giữa ngã ba sông có một ngôi đền cổ kính, nơi gửi gắm đời sống tâm linh của những cư dân vùng thượng nguồn. Thiêng vì ở nơi đây có những cây cổ thụ hàng nghìn năm tuổi in bóng xuống dòng nước trong xanh như là những chứng nhân trong suốt dòng chảy lịch sử. Cũng chính nơi đây, các nhà khảo cổ học từng phát hiện được nhiều hiện vật có giá trị như dụng cụ sản xuất bằng đá, trống đồng và một số vũ khí được làm từ chất liệu đồng và đặt tên cho di chỉ này là Đồi Đền. Các hiện vật phát hiện tại di chỉ
- khảo cổ học Đồi Đền được xác định thuộc nền văn hóa Phùng Nguyên, cách ngày nay chừng trên dưới 4.000 năm. Như vậy, cách đây hơn 4 thiên niên kỷ, đôi bờ dòng Lam đã trở thành nơi cư trú và sản xuất của người Việt cổ. Xứ Nghệ từng là mảnh đất “phên dậu” của quốc gia Đại Việt. Đây chính là tiền đồn để các vương triều thay phiên nhau trấn giữ từng tấc đất biên cương trước họa xâm của giặc Chiêm Thành, Ai Lao, Bồn Man. Đôi bờ dòng Lam vẫn còn in đậm dấu ấn của một thời binh lửa, vẫn còn đó những câu chuyện của một thời chiến chinh. Và nói đến mảnh đất xứ Nghệ, chúng ta không thể không nhắc tới công lao của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang (988- 1057), người có công chiêu dân lập ấp, khai phá giang sơn và giữ yên bờ cõi. Sau khi dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, triều đình nhà Lý đã cử ông vào đây lo việc thiết lập kỷ cương, giữ cho đời sống luôn ổn định. Phụng mệnh triều đình, Lý Nhật Quang đã thực hiện nhiều kế sách để phát triển kinh tế, giữ vững biên cương như chỉ đạo dân binh mở mang sản xuất, đào kênh dẫn nước. Đặc biệt, với tầm nhìn chiến lược của một vị tướng tinh thông binh pháp, ông chính là người mở con đường thượng đạo từ lỵ sở Bạch Đường (xã Bồi Sơn- Đô Lương ngày nay) men theo sông Lam, lên tận vùng biên giới Ai Lao (huyện Kỳ Sơn). Quốc lộ 7A chạy dọc theo sông Lam ngày nay là dấu tích của con đường thượng đạo năm xưa, gắn liền với tên tuổi và công lao khai phá của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang. Theo sử sách, ông bị thương trong một trận chiến với giặc Ai Lao ở miền Tây Nghệ An và mất lúc rút về đến lỵ sở Bạch Đường. Trên đường rút về lỵ sở, nơi nào ông bị rỏ máu xuống đất, người dân nơi đó liền lập đền thờ. Vì lẽ đó, ngày nay đi suốt triền sông Lam, chúng ta thường bắt gặp những ngôi đền thờ Lý Nhật Quang. Đó là đền Quả Sơn, nằm uy nghi nơi vùng đất Bạch Đường xưa- 1 trong 4 “tứ linh” theo quan niệm của người dân xứ Nghệ. Ngược lên các huyện Anh Sơn, Con Cuông và Tương Dương đều có đền thờ Uy Minh Vương. Được biết, ở vùng đất Thanh- Nghệ- Tĩnh có tới hơn 50 ngôi đền thờ Lý Nhật Quang. Như vậy, đã gần 1.000 năm trôi qua, đã bao lần vật đổi sao dời, tang thương dâu bể nhưng dòng Lam vẫn còn lưu dấu và soi tỏ công đức của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang để hôm nay người dân Nghệ An thêm tự hào về truyền thống dựng nước và giữ nước.
- Lễ hội đầu nguồn sông Lam Xin được trở lại thượng nguồn sông Lam, nơi có ngôi đền thiêng ở ngã ba sông huyền thoại. Ngôi đền ấy đã có lịch sử gần 700 năm và có hai tên gọi: đền Cửa Rào và đền Vạn. Ngã ba sông là nơi từng ghi dấu sự hy sinh của tướng sỹ nhà Trần trong cuộc chiến với giặc Ai Lao để giữ yên bờ cõi. Tương truyền, vào khoảng năm 1335, giặc Ai Lao tràn xuống quấy nhiễu vùng đất Nam Nhung (gồm các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương và Con Cuông ngày nay). Trước họa ngoại xâm, dù tuổi đã cao nhưng Thượng hoàng Trần Minh Tông vẫn quyết định thân chinh cầm quân vào dải đất biên thùy miền Tây xứ Nghệ để dẹp giặc, giữ yên bờ cõi. Thượng hoàng đã cử Đoàn Nhữ Hài lúc đó đang chỉ huy quân Thần Vũ và Thần Sách, kiêm chức Kinh lược Địa sứ Nghệ An làm Đốc tướng. Trong một trận chiến diễn ra tại vùng ngã ba sông, do sương mù dày đặc, bị địch phục kích bất ngờ nên vị Đốc tướng nhà Trần và nhiều quân sỹ triều đình đã hy sinh. Qua cơn binh lửa, cuộc sống trở lại thanh bình, người dân ấp Nam Nhung lập đền thờ tại dải đất nằm giữa ngã ba sông để tưởng nhớ công lao của Đốc tướng binh sỹ nhà Trần đã hy sinh vì sự bình yên của cuộc sống vùng biên cương. Xuôi về Con Cuông, trên vách núi Thành Nam, thuộc xã Chi Khê, vẫn còn tấm bia của Nguyễn Trung Ngạn khắc năm 1335, thường gọi là Bia Ma Nhai (Ma Nhai kỷ công bi văn). Nội dung của Bia Ma Nhai ca ngợi uy thế của
- triều đình nhà Trần và công lao của Thượng hoàng Trần Minh Tông và quân sỹ nhà Trần trong việc đánh đuổi giặc Ai Lao. Từ núi Thành Nam nhìn sang bên kia sông là đất Bồng Khê hiện vẫn còn dấu tích của thành Trà Lân. Nơi đây, gần 600 năm trước Bình Định Vương Lê Lợi đã lãnh đạo nghĩa quân Lam Sơn đánh một trận “trúc chẻ tro bay”, mở ra một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp bình Ngô vĩ đại. Hạ được thành Trà Lân, nghĩa quân Lam Sơn tiếp tục xuôi theo sông Lam xuống để hạ Thành Nghệ An, mở rộng căn cứ và tạo thời cơ để tiến quân ra Bắc. Ngày nay, nhiều tên núi, tên đất và tên làng nằm dọc sông Lam vẫn còn mang đậm dấu tích cuộc hành quân đánh đuổi giặc Minh của nghĩa quân Lê Lợi. Đó là Bãi Xa, Bãi Sở (Tương Dương), Đò Rồng, Bồ Ải, Khả Lưu (Anh Sơn), Lam Thành (Hưng Nguyên)- nơi tướng giặc Minh là Thái Phúc phải “mở cửa xin hàng”… Nói thêm về sự tích bến Đò Rồng (nay thuộc xã Tường Sơn- Anh Sơn), đoạn sông chảy qua đây có một hòn núi nhô ra khiến dòng nước bị chắn đột ngột và thay đổi hướng tạo nên một vực sâu với nhiều xoáy nước nguy hiểm. Tương truyền, để đề phòng địch, Lê Lợi và các tướng lĩnh chọn khu vực này để vượt sông sang phía hữu ngạn quan sát trận địa của chúng ở Bồ Ải và Khả Lưu. Vì thế, chiếc đò chở Lê Lợi qua sông được gọi là Đò Rồng, vị trí Lê Lợi ngồi quan sát địch được gọi là Bến Ngự. Nói về dòng Lam, không thể không nhắc tới Cửa Hội, nơi dòng sông hòa cùng biển lớn. Sau hành trình hàng trăm cây số với vô số thác ghềnh hiểm trở, đi qua bao bản làng và miệt mài bồi đắp phù sa cho những cánh đồng, nương, bãi đến đây dòng sông kết thúc sứ mệnh của mình. Cũng như Cửa Rào- điểm khởi nguồn, Cửa Hội- điểm kết thúc cũng là một vùng đất thiêng và giữ vị trí trọng yếu trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Cửa Hội xưa thuộc Phủ Vĩnh Doanh, chính là tiền đồn phía Đông Nam của quốc gia Đại Việt. Vào thời Hậu Lê, Thái úy- Quận công Nguyễn Sư Hồi (con trai trưởng của Thái sư- Cương quốc công Nguyễn Xí) được phong làm Trấn thủ thập nhị hải môn (quản lý 12 cửa biển từ Sầm Sơn đến Cửa Tùng) đã chọn vùng đất này lập đại bản doanh thủy quân. Từ đó về sau, các triều đại phong kiến Đại Việt đều chọn nơi đây làm căn cứ thủy quân
- để bảo vệ chủ quyền, lãnh hải. Vì lẽ đó, có thể nói Cửa Hội chính là vị trí tiền tiêu, là địa bàn chiến lược để đối phó với những mối nguy đến từ phía biển. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dòng sông Lam cũng mang nặng những chiến công với những địa danh nổi tiếng một thời: Bến Thủy (Thị xã Vinh), Vạn Rú (Nam Đàn), bến phà Đô Lương… Dưới làn mưa bom, bão đạn của kẻ thù, từng đoàn quân trùng trùng điệp điệp vượt sông để vào tuyến lửa, những con đò vẫn kiên cường, nhẫn nại qua sông vì chiến trường miền Nam đang vẫy gọi. Suốt chiều dài của dòng chảy lịch sử và chiều dài của không gian, dòng Lam đã chở nặng những chiến công oanh liệt và cũng không ít lần thấm máu của thế hệ tiền nhân để đổi lấy cảnh sống thanh bình. Điều đó, chúng ta không được phép lãng quên, và không ai được phép làm tổn hại đến dòng sông quê hương…
ADSENSE
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn