intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Song nguyên Hoàng giáp Hồ Sĩ Đống (1739 - 1785)

Chia sẻ: Nguyen Nhi | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

102
lượt xem
6
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Hồ Sĩ Đống tự Long Phủ, hiệu Dao Đình; sau đổi tên là Đồng, tự Thông Phủ, hiệu Trúc Hiên, người làng Hoàn Hậu (nay là xã Quỳnh Đôi), huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông thuộc dòng dõi Trạng nguyên Hồ Tông Thốc (1324 - ?). Theo nhà nghiên cứu Hồ Sĩ Giàng trong sách Họ Hồ trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, (Nxb Văn hóa Thông tin, H.1995), ông tổ đầu tiên của họ Hồ là Trạng nguyên Hồ Hưng Dật từ Triết Giang (Trung Quốc) sang nước ta cuối thời Ngũ đại (907-960). ...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Song nguyên Hoàng giáp Hồ Sĩ Đống (1739 - 1785)

  1. Song nguyên Hoàng giáp Hồ Sĩ Đống (1739 - 1785) Hồ Sĩ Đống tự Long Phủ, hiệu Dao Đình; sau đổi tên là Đồng, tự Thông Phủ, hiệu Trúc Hiên, người làng Hoàn Hậu (nay là xã Quỳnh Đôi), huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông thuộc dòng dõi Trạng nguyên Hồ Tông Thốc (1324 - ?). Theo nhà nghiên cứu Hồ Sĩ Giàng trong sách Họ Hồ trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, (Nxb Văn hóa Thông tin, H.1995), ông tổ đầu tiên của họ Hồ là Trạng nguyên Hồ Hưng Dật từ Triết Giang (Trung Quốc) sang nước ta cuối thời Ngũ đại (907-960). 1. Khoảng năm 960, ông về làm trại chủ ở hương Bào Đột (nay thuộc xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu). Đến đời thứ 12 có Hồ Liêm từ hương Bào Đột ra Thanh Hóa làm con nuôi cho Tuyên ph ủ sứ Lê Huấn, đổi họ là Lê. Đời thứ 13, Hồ Kha từ Quỳ Trạch (nay thuộc xã Thọ Thành, huyện Yên Thành) đi khai hoang vùng Nghĩa Liệt, lập ra trang Thổ Đôi, sách Hoàn Hậu (nay thuộc xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu). Đến đời thứ 15 có Hồ Quý Ly, Hồ Tông Thốc; đời thứ 23 có Tiến sĩ Hồ Sĩ Dương; đời thứ 24 có Hoàng giáp Hồ Phi Tích; đời thứ 25 có Tiến sĩ Hồ Sĩ Tân; đời thứ 27 có vua Quang Trung (H ồ Thơm), Hoàng giáp Hồ Sĩ Đống, nữ sĩ Hồ Xuân Hương... Lại theo học giả Trần Thanh Mại công bố trên Tạp chí Văn học, Hà Nội, số 10 - 1964, liên quan đ ến việc phát hiện tập thơ Lưu hương ký thì Hồ Sĩ Đống và Hồ Xuân Hương đều là con ông đồ Hồ Sĩ Danh. Hồ Xuân Hương là con bà vợ thiếp người họ Hà. Có thể hồi nhỏ Hồ Xuân Hương từng sống một thời gian ở quê cha, nhưng sau khi thân phụ qua đời (1783), bà về sống với mẹ ở kinh thành Thăng Long. 2. Năm Cảnh Hưng thứ 33, Nhâm Thìn (1772), Hồ Sĩ Đống thi đậu Hội nguyên, Đình nguyên (tức Song nguyên) Hoàng giáp. Theo danh s ĩ Phạm Đình Hổ (1768-1839), thi cử thời này thiên lệch, sút kém. Những đầu bài văn sách đều từ trong súy phủ chúa đưa ra “các quan soạn đề thi thì chỉ ra những câu hóc hiểm để làm cho khó. Bài văn chế sách đình đối thì sai quan đồng tiến sĩ phụng soạn. Quan soạn đề nguyên đã đỗ cuối hàng tam giáp thì không muốn cho ai hơn mình nên ra đầu đề thường rất hiểm hóc. Bởi vậy, hàng tam khôi là Trạng
  2. nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa th ường không lấy được đủ, có khi thường chỉ lấy đỗ được nhị giáp hoặc tam giáp mà thôi...”(1). Tháng Chạp năm Cảnh Hưng thứ 38, Đinh Dậu (1777), ông được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh. Tháng sáu năm M ậu Tuất (1778), thuyền qua hồ Động Đình, Chánh sứ Vũ Trần Thiệu mời hai quan Phó sứ là Hồ Sĩ Đống và Nguyễn Trọng Đương tới dặn mọi công việc và đốt tờ mật biểu xin “tiếm phong” phó quốc vương của Trịnh Sâm trước mặt hai vị sứ thần rồi tuẫn tiết. Tiếc thương vị quan trung nghĩa, Hồ Sĩ Đống làm thơ viếng: Hoàng hoa lưỡng độ phú tư tuân. Uyên đức kỳ niên cảnh ký nhân. Cộng tiễn bang giao nhàn ngọc bạch, Thùy tri tiên cốt lịch phong trần. Sinh sô lệ sái đồng chu khách, Tái bút danh qui tu ẫn quốc thần. Trù trướng thái hồ thu nguyệt sắc, Dạ lai do chiếu ốc lương tần. Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến dịch: Mấy độ hoàng hoa sứ nước người, Tuổi cao đức tốt ấy kìa ai? Bang giao những tưởng ngọc ngà đẹp, Tiên cốt nào hay gió bụi đầy. Giọt lệ đồng châu đưa một lễ, Tấm thân tuẫn quốc tiếng muôn đời. Trăng thu mơ tưởng trên hồ nọ,
  3. Thấp thoáng đầu nhà bóng lẩn soi. (2) Năm Cảnh Hưng thứ 43, Nhâm Dần (1782), ông được thăng Bồi tụng, Hữu thị lang bộ Hộ. Một năm sau (1783), được thăng hành Tham tụng, rồi về chịu tang cha, sau đổi sang võ ban làm quy ền phủ sự tước Giác Hải hầu. Ít lâu sau lại trở về ban văn, thăng Đô ngự sử, gia Thượng thư bộ Binh, tước Giác quận công. Ông vào Quảng Nam kinh lý việc biên. Trở về từ Phú Xuân, ông có làm bài thơ: Thiên lý quan hà mộng đế kinh, Quy châu cơ bạc Phú Xuân thành. Nhân do kiêu dưỡng thành lăng vũ, Thiên vị ân ưu khởi thánh minh. Sơn bắc thủy quang song trữ nhãn, Triều cơ biên sự lưỡng quan tinh. Trung tiêu cảnh cảnh tân y chẩm, Mao điếm thờ văn kê sổ thành. Bạch Hào (Nguyễn Đổng Chi) dịch: Dặm ngàn nhớ cảnh đế kinh Thuyền về tạm nghỉ bên thành Phú Xuân. Người sao kiêu ngạo vô ngần, Thương dân trời khiến thánh nhân ra đời. Núi sông đôi mắt sáng ngời, Trong triều, ngoài cõi, không nguôi tấc lòng. Canh khuya tựa gối mơ mòng, Tiếng gà điếm cỏ một vùng gáy ran. (3)
  4. Đọc thơ có thể hiểu ông luôn lo nghĩ đến việc triều chính, việc biên cương khi ông chứng kiến ở Phú Xuân lính thì kiêu, t ướng thì lười mà trấn thủ Phạm Ngô Cầu thì không có tài chống giữ. Sau khi về kinh ông đã mấy lần xin cử tướng khác vào thay thế, nhưng rồi ông qua đời và việc đó cũng bị gác lại (4). Hồ Sĩ Đống là một viên quan tài đức được nhiều người quý trọng. Song nguyên Hoàng giáp Bùi Dương Lịch (1757-1828), người cùng thời và cùng quê Nghệ An viết về ông: “Tham đốc Ban quận công Hồ Sĩ Đống là người ôn hòa, bình dị, thi đỗ Hoàng giáp, vâng mệnh đi sứ có công. Khi Tĩnh Vương (Trịnh Sâm) còn sống, ông chưa được trọng dụng nhưng lòng người đều kính phục đức vọng của ông. Đến thời Đoan Vương (Trịnh Khải) ông được thăng vọt lên chức Hành tham tụng (Quyền Tể tướng - Hồ Sỹ Hùy chú). Đến khi ông ốm, chúa thượng sai người thăm hỏi và ban cho chức tham đốc, lại được ban tước Ban quận công. Ông mất, quân lính các đoan cơ thuy ền đội ở Kinh không ai là không thương xót. Ông Bùi Hành t ụng (Bùi Huy Bích) có làm bài v ăn tế ông, trong đó có câu (dịch): Kẻ sĩ đại phu có văn học, có đức độ, có phẩm vọng như ông ít lắm” (5). 3. Đương thời Hồ Sĩ Đống còn là một nhà thơ nổi tiếng. Tác phẩm gồm có Hoa trình khiển hứng (Cảm hứng tiêu khiển trên hành trình đi sứ) sau còn gọi là Dao Đình sứ tập - là tập thơ đi sứ, theo bài tựa ông viết cuối năm Kỷ Hợi (1779) “Tập hợp được hơn trăm bài”; và Dao Đình thi tập (Tập thơ của Dao Đình). Hiện nay trong Thư viện Khoa học xã hội (Hà Nội) có 2 bản sách của Hồ Sĩ Đống, đó là Dao Đình sứ tập (Ký hiệu A515) và Dao Đình thi tập (Ký hiệu A1852). Theo Tr ần Văn Giáp trong sách Tìm hiểu kho sách Hán Nôm (T1 và T2 in chung), Nxb Khoa học xã hội, 2003, tr.960 thì Dao Đình thi tập là tập thơ chung cho tất cả các bài thơ của Hồ Sĩ Đống, còn Dao Đình sứ tập chỉ là tập thơ riêng làm trong dịp đi sứ năm 1777. Ông còn viết lời tựa cho tập Sứ hoa tùng vịnh của Nguyễn Tông Khuê khi ở Yên Kinh (Bắc Kinh).
  5. Danh sĩ Phan Huy Chú (1782-1840) khen thơ ông là “hồn hậu, phong nhã, có khí khái” và chọn giới thiệu 2 bài: Đăng Nhạc Dương lâu (Lên lầu Nhạc Dương); Đăng Hoàng Hạc lâu (Lên lầu Hoàng Hạc) trong phần Văn tịch chí bộ (6) Lịch triều hiến chương loại chí . Còn theo danh sĩ Phạm Đình Hổ thì trong khoảng đời Vĩnh Hựu (1735-1739), Cảnh Hưng (1740-1786)... chỉ có Nguyễn Tông Khuê (1693-1767), Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) và Hồ Sĩ Đống là ba nhà thơ xuất sắc hơn cả. Thơ Nguyễn Tông Khuê “thì tinh vi đẹp đẽ, nhưng có phần vụn vặt quá”, thơ của Nguyễn Huy Oánh “là bậc thanh cao, nhưng v ẫn có ý mô phỏng”, thơ Hồ Sĩ Đống “thì chủ lấy khí phách, không thèm l ấy điêu khắc vẽ vời làm khéo”(7). Cũng theo Phạm Đình Hổ, nhờ có ba nhà thơ này “thi học đời ấy đã trung hưng lên được, nhưng so với các thi gia đời Lý, đời Trần thì cũng chưa thể sánh bằng”. Dĩ nhiên, theo quan điểm chính thống, “thi học” ở đây không gồm ngâm khúc, hát nói, truy ện thơ rất thịnh đạt thời ấy mà Phạm Đình Hổ không thể không chứng kiến. Ông chỉ bàn đến các thể loại văn học mang tính chức năng, lối văn thi cử, mà thi cử xuống dốc nên thơ (buổi đầu) đời Lê trung hưng “chỉ câu nệ về khuôn phép, xu thế thấp kém, không kể làm gì” (8). Phạm Đình Hổ lý giải: “Xét đời xưa tuyển học trò ở trong nhà hương học, kén chọn lấy đức hạnh với văn nghệ, thì văn nghệ vẫn thứ yếu” (9). Với nho sĩ, “thi dĩ ngôn chí, văn dĩ tải đạo”, nhưng nói chí và chở đạo thế nào đây khi trước mắt họ hàng ngày diễn ra cảnh danh phận mờ mịt, vua Lê chỉ là hư vị, một nước vừa có vua vừa có chúa là cảnh trước đó chưa có bao giờ! 4. Hồ Sĩ Đống sống cuộc đời khá ngắn ngủi nhưng đã có những đóng góp tích cực trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, văn học. Đáng tiếc thơ ông chưa được dịch nên bạn đọc rộng rãi chưa hiểu biết mấy về ông như họ đã từng hiểu biết và vô cùng yêu mến người em gái cùng cha khác mẹ của ông là nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Có thể mượn lời của Phó Giáo sư Bùi Duy Tân nhận định khái quát về cuộc đời và thơ văn ông để kết thúc bài viết này: “Hồ Sĩ Đống là người cẩn trọng, bình tĩnh, giản dị, có tài văn chương. Sáng tác của ông thường là đề
  6. vịnh di tích, nhân v ật lịch sử, đền miếu, phong cảnh trên dọc đường đi sứ. Nhìn chung, chúng thường có những nét tươi đẹp, uyển chuyển, do khả năng đổi mới của cảm xúc và cách thể hiện độc đáo của nhà thơ. Cùng với thơ đi sứ của Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Kiều, Nguyễn Tông Quai (cũng tức là Nguyễn Tông Khuê - HSH chú), Lê Quý Đôn..., thơ Hồ Sĩ Đống góp phần tạo nên thể cách trầm hùng, nhuần nhã của thơ đi sứ thời Lê trung hưng” (10)./.
  7. Chú thích (1), (2) Phạm Đình Hổ, Vũ trung tùy bút, Nxb Trẻ, Hội nghiên cứu giảng dạy văn học Thành phố Hồ Chí Minh, 1989, tr.93, 186. (3), (4) Bùi Dương Lịch, Nghệ An ký, Nxb Khoa học Xã hội, H.1993, tr.313 - 314. (5) Bùi Dương Lịch, Lê quý dật sử, Nxb Khoa học xã hội, H.1987, tr.57. (6) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb Khoa học xã hội, 1992, T3, tr147. (7), (8), (9) Phạm Đình Hổ, Vũ trung tùy bút, Sđd, tr.144, 91, 92. (10) Bùi Duy Tân: Mục từ Hồ Sĩ Đống trong Từ điển văn học (bộ mới), NxbThế giới, H.2004, tr.642.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2