intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Suy nghĩ về đạo đức sinh viên trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

16
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Suy nghĩ về đạo đức sinh viên trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay trình bày các nội dung chính sau: Sinh viên và các giá trị đạo đức hiện nay; Sự xem nhẹ thậm chí quay lưng lại với các giá trị truyền thống của dân tộc; Sự mờ nhạt và lệch lạc của lí tưởng sống; Giao lưu văn hóa thời hội nhập.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Suy nghĩ về đạo đức sinh viên trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay

  1. SUY NGHĨ VỀ ĐẠO ĐỨC SINH VIÊN TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HÓA VÀ HỘI NHẬP HIỆN NAY Trần Hoàng Phong1 1. Đặt vấn đề Xuất hiện từ những năm 70 của thế kỷ XX, đến nay toàn cầu hóa không còn là một khái niệm, một lý thuyết, mà nó đã thực sự hiện hữu và đang từng ngày từng giờ tác động lên cuộc sống, nhận thức, hành động của mỗi chúng ta. Hiểu một cách chung nhất, toàn cầu hóa là thuật ngữ dùng để chỉ quá trình làm tăng lên ngày càng mạnh mẽ những mối liên hệ, ảnh hưởng, tác động và phụ thuộc lẫn nhau giữa tất cả các quốc gia trên thế giới. Trong đó, các quốc gia dân tộc ngày càng lệ thuộc một cách tương đối vào nhau và mỗi quốc gia trở thành một mắt xích trong mạng lưới sản xuất, phân phối và tiêu thụ toàn cầu. Toàn cầu hóa đã trở thành một xu thế chính trong quan hệ quốc tế hiện nay. Xét về bản chất, toàn cầu hóa là bước phát triển cao hơn về chất của quá trình quốc tế hóa đã có từ trước đó. Nếu như quá trình quốc tế hóa ra đời, bị chi phối gắn liền với cuộc cách mạng công nghiệp thì toàn cầu hóa đi đôi và bị thúc đẩy bởi cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Nắm bắt được xu thế chung đó, từ những năm cuối của thập niên 80 của thế kỷ XX, nhất là từ sau Đại hội VII của Đảng, Việt Nam đã ngày càng chủ động, tích cực tham gia vào toàn cầu hóa bằng nhiều chính sách và bước đi vừa phù hợp nhưng cũng không kém phần táo bạo mà việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2006 là một minh chứng rõ ràng nhất. Không ai có thể phủ nhận những tác động tích cực và hiệu quả cũng như cơ hội to lớn do toàn cầu hóa đem lại. Nhưng cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, chính toàn cầu hóa cũng đã đặt ra cho chúng ta rất nhiều thách thức và vấn đề phải giải quyết. Một trong những vấn đề đang trở thành tâm điểm của sự chú ý hiện nay đó là sự thay đổi trong nhận thức về các giá trị đạo đức của một bộ phận không nhỏ sinh viên ở các trường Cao đẳng, Đại học trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay. 2. Sinh viên và các giá trị đạo đức hiện nay Giới trẻ Việt Nam nói chung và sinh viên nói riêng phần lớn là những người sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đất nước hòa bình, thống nhất và đã qua thời kì bao cấp 1 ThS - Giảng viên khoa KHXH&NV, trƣờng Đại học Đồng Tháp 55
  2. (năm sinh từ 1986 trở về sau). Chính vì vậy, họ sở hữu một nét tính cách hết sức đặc biệt và quý báu. Đó là sự nhạy cảm với thời cuộc, chủ động và dễ dàng tiếp nhận cái mới, năng động, sẵn sàng dấn thân để trải nghiệm và có xu hướng đề cao cá nhân. Xét trong bối cảnh thế giới hiện nay, khi cả thế giới đang trong trào lưu mở cửa, hội nhập thì những nét tính cách này là điều kiện vô cùng thuận lợi để sinh viên Việt Nam hội nhập thành công. Tuy nhiên, toàn cầu hóa là một hiện tượng phức tạp, đa chiều. Nó tác động đến nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống dưới nhiều khía cạnh không giống nhau. Nó đem đến nhiều thuận lợi cũng đặt ra nhiều thách thức và đôi khi có những thách thức không hề có tiền lệ. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ xin nêu một trong số những biểu hiện lệch lạc trong cách suy nghĩ, nhìn nhận, đánh giá về các giá trị truyền thống, về đạo đức, về phẩm chất của một bộ phận không nhỏ sinh viên hiện nay. 2.1. Sự xem nhẹ thậm chí quay lƣng lại với các giá trị truyền thống của dân tộc Sinh viên được xem là đại diện cho tầng lớp trí thức của đất nước. Họ được xã hội hi vọng và tin tưởng là những người có tầm hiểu biết cao trong xã hội. Họ là những người dễ dàng tiếp nhận và thích nghi với cái mới. Tuy nhiên, nét tính cách này cũng có mặt trái của nó. Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão hiện nay, thông tin bùng nổ, giới sinh viên tiếp thu những cái mới rất nhanh chóng nhưng dường như những giá trị truyền thống của dân tộc cũng vì thế mà đang bị lãng quên ngày một nhanh. Hiện nay, ở nhiều nơi và nhiều lúc đã bắt đầu xuất hiện xu hướng đối lập một cách thái quá giữa các giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Trong một bộ phận không nhỏ sinh viên ở thành thị đã và đang nổi lên xu hướng quay lưng lại với các giá trị truyền thống, đua đòi theo lối sống bên ngoài, chạy theo đồng tiền. Từ đó dẫn đến việc phủ nhận vai trò của các giá trị truyền thống, muốn xóa bỏ nó và thay thế bằng các giá trị hiện đại hơn, mới hơn. Một vấn đề đáng lo ngại trong tiến trình toàn cầu hoá hiện nay là chủ nghĩa bá quyền văn hoá Mỹ. Từ chỗ thống trị về mặt kinh tế, Mỹ đã và đang thi hành nhiều chính sách nhằm thống trị về mặt văn hoá để thực hiện mưu đồ bá chủ thế giới. Ai cũng biết hiện nay Mỹ là nước nắm trong tay tiềm lực kinh tế mạnh nhất thế giới cùng hệ thống truyền thông hiện đại vào bậc nhất. Vì mục đích lợi nhuận cũng như âm mưu đồng hoá, Mỹ đã không ngừng tung ra những sản phẩm nghe nhìn với nhiều nội dung độc hại đặc biệt là phim ảnh về tình dục và bạo lực. Nhờ có sự hỗ trợ của mạng truyền thông toàn cầu Internet mà ngày nay tất cả những thông tin này đều có thể tức thời 56
  3. được chuyển đi đến mọi ngóc ngách xa xôi nhất, xâm nhập vào các tầng lớn nhân dân của tất cả các dân tộc trên thế giới bất chấp mọi sự cấm kỵ về đạo đức, tôn giáo, tập quán, lối sống… Những loại thông tin độc hại này khi xâm nhập vào bộ phận những người trẻ tuổi sẽ có tác động hết sức mạnh mẽ, họ dễ dàng bị lôi cuốn vào vòng xoáy của nó rồi lâu dần dẫn đến tình trạng giới trẻ ngày càng có thái độ quay lưng lại với các giá trị truyền thống của dân tộc mình. Chính vì vậy mà có học giả đã từng nhận định: “Thanh niên (trong đó có sinh viên – TG) ngày nay… chẳng mấy quan tâm đến những giá trị truyền thống, đến tuổi tác và gia đình và những định chế như hôn nhân và gia đình chẳng hạn. Vấn nạn xem nhẹ lối sống đạo đức đều liên quan đến sự chạy theo văn hoá ngoại lai”1. Nhận định này có thể không hoàn toàn xác đáng bởi không phải tất cả thanh niên hiện nay đều quay lưng với các giá trị truyền thống của dân tộc. Nhưng rõ ràng nó cũng đã nêu lên được phần nào thực trạng nguy hiểm này là có thật và đang ngày càng rõ nét. Kết quả điều tra của chương trình Khoa học công nghệ cấp Nhà nước KX07-02, trong khi đa số người dân Việt Nam vẫn tự hào về những giá trị truyền thống của dân tộc và muốn bảo vệ, phát huy những giá trị truyền thống đó thì cũng có một số người cho rằng, những truyền thống đó là không có gì đáng tự hào cả, thậm chí có người còn cho rằng, những truyền thống đó là nguyên nhân của sự nghèo nàn, lạc hậu và họ không muốn bảo vệ những giá trị truyền thống đó nữa2. Cũng từ đó xuất hiện tư tưởng sùng bái hàng ngoại, văn hoá ngoại, lối sống ngoại. Một bộ phận học sinh, sinh viên thờ ơ với truyền thống, không hiểu về truyền thống lịch sử của dân tộc, về cội nguồn, về truyền thống của cha ông mình, không hiểu biết nào chính xác về các nhân vật lịch sử của Việt Nam như Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Trãi… Kết quả điểm thi môn Lịch Sử tuyển sinh vào các trường Đại học và Cao đẳng trong mấy năm gần đây đã nói lên tình trạng đáng báo động này. Đặc biệt là trong năm 2011, tình hình càng nghiêm trọng hơn, theo thống kê, số lượng bài thi bị điểm “0” và dưới trung bình tăng đột biến và chiếm đa số. Thí sinh dự thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng, theo cách gọi ngày trước là những cô tú, cậu tú, là những tân sinh viên tương lai. Họ là những người được xã hội trọng vọng vì tài năng, học thức cũng như hiểu biết đạo lý của dân tộc. Hay một cuộc điều tra của Ủy ban Thanh niên thành phố Hồ Chí Minh tiến hành trên 1800 thanh niên của 9 trường Đại học, 6 trường trung học và học nghề, 2 xí nghiệp, 16 phường xã của 6 quận ở thành phố Hồ Chí Minh đã cho ra một kết quả bất 1 Lê Hữu Nghĩa, Lê Ngọc Tòng (đồng chủ biên) (2004), Toàn cầu hoá – Những vấn đề lý luận và thực tiễn, CTQG, H, tr 242-243 2 Tương Lai (2001), Hiện đại hoá truyền thống và truyền thống hoá hiện đại, Tạp chí Cộng sản số 16, tr 50-57 57
  4. ngờ. Theo đó, có 40,75% người được hỏi hoàn toàn không biết sự kiện lịch sử hoặc lai lịch nhân vật lịch sử của tên đường phố mà mình đang sống hoặc tên trường mà mình đã/đang theo học; 43% người được hỏi cho rằng Việt Nam có 100 dân tộc khác nhau; 23% kể sai hoặc không kể được tên một danh nhân văn hoá hoặc danh tướng trong lịch sử dân tộc; 60% kể sai hoặc không kể được tên một di tích lịch sử văn hoá cũng như di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn thành phố1. Các quan niệm đạo đức trong một bộ phận sinh viên đang bị lệch chuẩn, đặc biệt là quan niệm cho rằng đạo đức và lợi ích cá nhân là đồng nhất trong mọi quan hệ. Sự gian dối, hành vi dối trá, gian lận được coi là một chuyện bình thường. Không khó để nhận thấy một rằng trong giới sinh viên hiện nay không ít người cho rằng việc sao chép tài liệu, ăn cắp ý tưởng trong quá trình làm bài thi, viết tiểu luận và khoá luận là một hành vi bình thường và không hề vi phạm đạo đức. Thậm chí có sinh viên đi thuê làm khoá luận, đồ án tốt nghiệp, hoặc đi thi hộ trong kỳ thi tuyển sinh vào đại học và cao đẳng. Hiện tượng mua bằng, bán điểm, xảy ra ngày một nhiều. Tuy nhiên, đáng báo động hơn là phần nhiều sinh viên không xem đó là việc liên quan đến đạo đức cũng như ít có sự lên tiếng phản đối một cách gay gắt hoặc không tỏ thái độ, chính kiến của mình. Xét về mặt tâm lí, hành vi sai trái cần phải bị lên án, phê phán. Nếu không nó sẽ trở thành điều bình thường và thành thói quen. Điều này thật kinh khủng nhưng dường như thực tế đang xảy ra đúng như vậy. Thực tế này đang gióng lên một hồi chuông báo động về sự am hiểu cũng như thái độ đối với truyền thống của dân tộc trong một bộ phận sinh viên hiện nay. 2.2. Sự mờ nhạt và lệch lạc của lí tƣởng sống Có một thực tế khó phủ nhận là hiện nay sinh viên đã có sự lệch lạc trong việc xác đinh lí tưởng sống của mình hay gặp khó khăn trong việc đó. Từ đó dẫn đến nhiều người trong số họ không trả lời được hoặc trả lời một cách không rõ ràng về lí tưởng sống của mình. Đối với họ lí tưởng sống là một vấn đề có vẻ xa xôi và mờ nhạt. Nếu như chỉ cách đây một thế hệ, thanh niên nói chung và sinh viên nói riêng thời kỳ đó là những người sống có lý tưởng, ước mơ, hoài bão rõ ràng. Họ muốn cống hiến, muốn sẵn sàng chấp nhận mọi gian khó kể cả hy sinh tính mạng của mình vì Tổ quốc như Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc thì giờ đây, nhìn vào lối sống, cách suy nghĩ của một bộ phận giới trẻ chúng ta không thể không khỏi lo ngại. 1 Nguyễn Minh Hòa (1995), Bảo tồn và phát triển văn hoá truyền thống trong quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá ở Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Thông tin lý luận số 10-1995, 20-24 tr. 22 58
  5. Mẫu người lý tưởng của thời kỳ trước – con người của xã hội và tập thể đã bị thay thế bằng con người cá nhân. Lối sống lý tưởng đang dần bị thay thế bởi lối sống thực dụng. Xu hướng coi trọng đồng tiền ngày càng gia tăng, thậm chí sùng bái đồng tiền. Lối sống khiêm tốn, giản dị đã và đang bị coi là lỗi thời, tụt hậu. Sống lãng phí, xa hoa, phô trương đang được coi trọng. Thói quen coi trọng gia đình, tập thể, cộng đồng đang dần bị xem nhẹ và chuyển dần sang coi trọng cá nhân. Lối sống phóng túng, buông thả, coi thường đạo lý, coi thường dư luận, lương tâm, chấp nhận lối sống vụ lợi và lợi dụng lẫn nhau ngày càng được xem là bình thường. Bên cạnh những thanh niên luôn có ý thức phấn đấu xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, bảo vệ các giá trị truyền thống của dân tộc cũng có một số thanh thiếu niên đã hấp thụ lối sống phương Tây một cách đáng ngại. Bên cạnh bộ phận sinh viên hiểu rõ nhưng mong muốn, khát vọng của mình và biết lên kế hoạch thực hiện nó ngay từ khi ngồi trên ghế của giảng đường Đại học thì cũng có không ít sinh viên không có ý thức rõ ràng về những điều mình đang làm cũng như định hướng cho tương lai. Họ xem việc ngồi học ở Đại học như một trách nhiệm và những tháng ngày ở Đại học trôi qua hết sức mờ nhạt. Nhà lý luận người Mỹ Louis Monde cũng phải thừa nhận rằng: nền văn minh đương đại (trong xu thế toàn cầu hoá) là một chiếc ôtô khổng lồ trên con đường một chiều, chạy với tốc độ ngày càng nhanh. Nhưng điều không may là chiếc ôtô này không có tay lái và cũng chẳng có phanh, còn người lái xe thì quên mất là mình phải đi về đâu1. Lí tưởng sống như ngọn đuốc soi đường đi cho người đi rừng giữa đêm tối, như chiếc la bàn định hướng cho người đi biển lúc lạc lối. Sự mờ nhạt hay lệch lạc về lí tưởng sống và sự mò mẫm trong đêm tối nơi rừng thiêng nước độc hay sự mất phương hướng giữa biển khơi bao la âu cũng là điều nguy hiểm như nhau. 2.3. Giao lƣu văn hóa thời hội nhập Giao lưu văn hoá trong thời hội nhập là một cơ hội tốt để làm phong phú thêm hệ giá trị truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, trong những sản phẩm văn hoá cũng như các giá trị là tiến bộ và phù hợp cần phải tiếp thu và học hỏi. Cũng có những sản phẩm không phù hợp, lạc hậu hoặc phản giá trị. Cho nên việc chọn lọc những giá trị từ bên ngoài là một vấn đề quan trọng. Nếu không tiếp nhận những giá trị mới, tích cực sẽ làm nền văn hoá cũng như hệ giá trị của dân tộc bị lạc hậu và già cỗi, ngược lại nếu tiếp nhận một cách dễ dàng, thiếu chọn lọc thì nền văn hoá dân tộc cũng như các 1 Trường Lưu (2003), Toàn cầu hoá và vấn đề bảo tồn văn hoá dân tộc, CTQG, H, tr 47-48 59
  6. giá trị của dân tộc sẽ bị các giá trị ngoại lai lấn át hoặc tự đánh mất chính mình. Để có thể có “sức đề kháng” về mặt văn hoá này đòi hỏi bản thân nền văn hoá bản địa phải có nguồn lực nội sinh đủ mạnh và vững chắc để có thể “miễn nhiễm” với những giá trị không phù hợp. Tuy nhiên, trong thế giới toàn cầu hoá ngày nay, không thể không thừa nhận một thực tế, đó là các dân tộc cũng như nhóm dân cư khác nhau luôn có sự chênh lệch về khả năng tiếp cận thông tin nên việc áp đặt thông tin, giá trị, chuẩn mực của một số nước này lên một số nước khác là một thực tế. Ngoài ra, ở các nước đang phát triển, đời sống nhân dân còn khó khăn, trình độ nhận thức còn hạn chế, nên việc nhận diện các giá trị và phản giá trị gặp khó khăn. Đó là điều kiện để các giá trị bên ngoài lấn át, làm xói mòn các giá trị truyền thống của dân tộc. Có thể nói, trong quá trình toàn cầu hoá, thách thức lớn nhất về mặt văn hoá, nhất là đối với các nước đang phát triển, là sự đồng nhất, sự nghèo nàn, sự pha trộn, lai tạp giữa các giá trị văn hoá của các dân tộc khác nhau. Bản sắc văn hoá dân tộc có thể bị hòa tan hoặc bị nhấn chìm trong nền văn hoá toàn cầu. Và cũng trong cái “biển” toàn cầu hoá đó, các dân tộc sẽ không còn nhận ra mình, không còn tìm thấy những nét độc đáo làm nên bản sắc của dân tộc mình và kết quả là bị đồng hoá hay xâm lăng về mặt văn hoá. Cựu Thủ tướng Malaysia, ông Mahathir Mohamad từng nói: “Các quốc gia khác biệt nhau không chỉ vì cấu tạo địa lý và chính trị mà quan trọng hơn là vì bản sắc và văn hoá của mỗi nước. Bản sắc văn hoá thể hiện qua những hệ thống giá trị của xã hội”1 3. Kết luận Toàn cầu hóa là một thực tế không thể đảo ngược, là một xu thế tất yếu, khách quan, phù hợp với quy luật vận động và phát triển của thời đại. Toàn cầu hoá là một vấn đề có tính chất hai mặt rõ rệt. Một mặt, toàn cầu hoá vừa đem đến cho công dân các nước, nhất là giới học sinh sinh viên cơ hội to lớn để học tập, tiếp cận và tiếp thu cái mới, bắt kịp xu thế của thời đại. Mặt khác, nó cũng tất yếu đặt ra những thánh thức không nhỏ. Một trong những thách thức mang tính phổ biến mà tất cả các nước đã và đang phải đối mặt trong giai đoạn hiện nay là vấn đề toàn cầu hoá làm phá vỡ cấu trúc của các xã hội truyền thống, làm suy thoái các giá trị văn hoá truyền thống, nhất là các giá trị đạo đức, phong tục, tập quán tốt đẹp, cũng như sự du nhập của các lối sống, lối suy nghĩ và hành xử xa lạ trong một bộ phận nhân dân, trong đó có giới học sinh sinh viên hiện nay. 1 Mahathir Mohamad (2004), Toàn cầu hoá và những hiện thực mới, NXB Trẻ TPHCM – Thời báo kinh tế Sài Gòn – Trung tâm kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, tr 242 60
  7. Sinh viên là tầng lớp đại diện cho ngày mai, là lực lượng lao động chính của đất nước. Chính họ là những người sẽ trực tiếp lãnh đạo, quản lí và xây dựng đất nước trong tương lai. Sinh viên Việt Nam nhìn chung có những phẩm chất và năng lực rất đáng quý, phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của thời đại hiện nay và có đủ khả năng đáp ứng những yêu cầu của đất nước. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận sinh viên hiện nay chịu tác động một cách tiêu cực của xu hướng toàn cầu hóa. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao ta vẫn phải tiếp tục mở cửa, hội nhập, đón nhận làn sóng toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ nhưng vẫn giữ được những giá trị bản sắc của mình, đồng thời tận dụng lợi thế của nó để tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam phát triển cũng như không ngừng học tập và tiếp thu các giá trị văn hóa tiên tiến của nhân loại để tiếp tục có những bước phát triển nhanh và bền vững. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Trần Đức Châm (2002), Thanh thiếu niên làm trái pháp luật thực trạng và giải pháp, Nxb. CTQG, Hà Nội. 2. Nguyễn Minh Hòa (1995), Bảo tồn và phát triển văn hoá truyền thống trong quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá ở Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Thông tin lý luận số 10-1995, 20-24. 3. Tương Lai (2001), Hiện đại hoá truyền thống và truyền thống hoá hiện đại, Tạp chí Cộng sản số 16, tr 50-57. 4. Trường Lưu (2003), Toàn cầu hoá và vấn đề bảo tồn văn hoá dân tộc, Nxb. CTQG, Hà Nội. 5. Mahathir Mohamad (2004), Toàn cầu hoá và những hiện thực mới, Nxb. Trẻ TPHCM – Thời báo kinh tế Sài Gòn – Trung tâm kinh tế châu Á-Thái Bình Dương. 6. Ngô Thị Thu Ngà (2002), “Kế thừa giá trị đạo đức truyền thống dân tộc trong xây dựng đạo đức mới cho thế hệ trẻ”, Tư tưởng văn hoá, (11), tr. 42-44. 7. Lê Hữu Nghĩa, Lê Ngọc Tòng (đồng chủ biên) (2004), Toàn cầu hoá – Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. CTQG, Hà Nội. 61
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2