intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tác động của TPP tới thương mại hàng hóa của Việt Nam

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:15

28
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Trong những năm qua thương mại hàng hóa của Việt Nam là yếu tố quan trọng của tăng trưởng kinh tế. TPP tác động tới thương mại là rất rõ ràng. Tác động tích cực tới xuất khẩu nhiều nhóm hàng chủ lực của Việt Nam và cơ hội hoàn thiện, bổ sung thể chế thương mại. Tác động bất lợi trong nhập khẩu hàng hóa ảnh hưởng đến thị trường trong nước. Phát huy tác động tích cực, hạn chế tác động bất lợi phải đổi mới tư duy hội nhập và có các giải pháp đồng bộ, dài hạn cả vĩ mô và vi mô.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tác động của TPP tới thương mại hàng hóa của Việt Nam

  1. TÁC ĐỘNG CỦA TPP TỚI THƯƠNG MẠI HÀNG HÓA CỦA VIỆT NAM GS.TS. Hoàng Đức Thân Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Tóm tắt Trong những năm qua thương mại hàng hóa của Việt Nam là yếu tố quan trọng của tăng trưởng kinh tế. TPP tác động tới thương mại là rất rõ ràng. Tác động tích cực tới xuất khẩu nhiều nhóm hàng chủ lực của Việt Nam và cơ hội hoàn thiện, bổ sung thể chế thương mại. Tác động bất lợi trong nhập khẩu hàng hóa ảnh hưởng đến thị trường trong nước. Phát huy tác động tích cực, hạn chế tác động bất lợi phải đổi mới tư duy hội nhập và có các giải pháp đồng bộ, dài hạn cả vĩ mô và vi mô. 1. Tác động của TPP đến thể chế thương mại Việt Nam Vào ngày 04/10/2015, Bộ trưởng của 12 nước tham gia TPP gồm Australia, Brunei Darussalam, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam đã tuyên bố kết thúc đàm phán với kết quả là một Hiệp định có những tiêu chuẩn cao, tham vọng, toàn diện và cân bằng với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ tạo ra và duy trì việc làm; tăng cường đổi mới, năng suất, và sức cạnh tranh; nâng cao mức sống; giảm đói nghèo ở các nước ký kết; đồng thời thúc đẩy quản lý hiệu quả, minh bạch, bảo vệ người lao động, và bảo vệ môi trường. Theo Văn phòng đại diện thương mại Hoa Kỳ có năm đặc điểm chính đã làm TPP trở thành một Hiệp định quan trọng của thế kỷ XXI, đặt ra các tiêu chuẩn mới cho thương mại toàn cầu, đồng thời tiếp tục giải quyết các vấn đề của thời đại mới. Những đặc điểm đó bao gồm [3]: Tiếp cận thị trường toàn diện. TPP đã xóa bỏ hoặc giảm thuế quan và các rào cản phi thuế quan một cách đáng kể đối với mua bán hàng hóa và dịch vụ, bao trùm một mảng lớn về thương mại, bao gồm hàng hóa, dịch vụ và đầu tư nhằm tạo ra các cơ hội mới và lợi ích cho doanh nghiệp, công nhân và người tiêu dùng của các nước ký kết. 485
  2. Cách tiếp cận các cam kết khu vực. TPP hỗ trợ sự phát triển sản xuất, chuỗi cung ứng và thương mại liền mạch, tăng cường hiệu quả, tạo và hỗ trợ việc làm, nâng cao mức sống, tăng cường các nỗ lực bảo tồn, hỗ trợ hội nhập xuyên biên giới, cũng như mở cửa thị trường trong nước. Giải quyết các thách thức thương mại mới. TPP thúc đẩy sự đổi mới, năng suất và tính cạnh tranh nhờ vào việc xem xét giải quyết các vấn đề mới, trong đó có phát triển kinh tế kỹ thuật số và vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế toàn cầu. Thương mại toàn diện. TPP bao gồm các yếu tố mới nhằm đảm bảo các nền kinh tế ở các mức độ phát triển khác nhau và các doanh nghiệp có quy mô khác nhau đều có thể đạt được lợi ích từ thương mại. Hiệp định bao gồm cam kết giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiểu được Hiệp định, nắm bắt các cơ hội và buộc chính quyền các nước tham gia TPP phải chú ý đến những thách thức đặc thù của mình. Hiệp định cũng bao gồm những cam kết cụ thể về phát triển và xây dựng năng lực thương mại để đảm bảo rằng tất cả các bên có thể tuân thủ cam kết trong Hiệp định và tận dụng được những lợi ích. Nến tảng hội nhập khu vực. TPP được định hình như một nền tảng cho hội nhập kinh tế khu vực và nhắm đến cả những nền kinh tế khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Phạm vi áp dụng của TPP - TPP bao gồm 30 chương về thương mại và các vấn đề liên quan đến thương mại, từ thương mại hàng hóa đến hải quan và trợ giúp thương mại; biện pháp vệ sinh dịch tễ; rào cản kỹ thuật đối với thương mại; biện pháp phòng vệ thương mại; đầu tư; dịch vụ; thương mại điện tử; mua sắm công; sở hữu trí tuệ; lao động; môi trường; các chương “ngang” nhằm mục đích đảm bảo TPP tận dụng được các tiềm năng về phát triển, năng lực cạnh tranh và sự toàn diện; giải quyết tranh chấp, các điều khoản ngoại lệ và điều khoản thi hành. - Ngoài cập nhật các phương pháp truyền thống đối với vấn đề của các hiệp định thương mại tự do trước đây, TPP còn đưa vào các vấn đề thương mại mới và các vấn đề xuyên suốt, bao gồm các vấn đề liên quan đến internet và nền kinh tế kỹ thuật số, sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước trong đầu tư và thương mại quốc tế, khả năng của các doanh nghiệp nhỏ để tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại và các chủ đề khác. - TPP kết nối một nhóm gồm nhiều nước đa dạng về mặt địa lý, ngôn ngữ và lịch sử, kích thước và mức độ phát triển. Tất cả các nước ký kết TPP nhận thấy rằng sự đa dạng là một tài sản đặc thù nhưng cũng đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ, 486
  3. xây dựng năng lực cho các nước TPP kém phát triển hơn và phát triển năng lực để thực hiện những nghĩa vụ mới trong một số trường hợp trong thời gian chuyển tiếp đặc biệt và có cơ chế cho phép một số bên thêm thời gian. TPP là hiệp định đa phương thế hệ mới nhưng tác động lớn nhất của nó vẫn là lĩnh vực thương mại. Những phạm vi áp dụng của TPP đặt ra những vấn đề rất lớn cho hoàn thiện thể chế thương mại của Việt Nam. Vấn đề đổi mới, bổ sung và hoàn chỉnh thể chế thương mại có ý nghĩa then chốt, động lực trong tận dụng cơ hội, giảm thiểu các thách thức khi TPP có hiệu lực. Về tư duy xây dựng thể chế thương mại: Tuân thủ các quy định của quốc tế, theo nguyên tắc thị trường và vận hành của kinh tế thị trường. Đây là cơ hội để hình thành đồng bộ thể chế kinh tế thị trường Việt Nam hiện đại. Hội nhập TPP là trình độ cao của quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế. Thực thi TPP, Việt Nam tham gia vào một tổ chức chung, một trào lưu chung của quốc tế, mỗi quốc gia trở thành một bộ phận trong một tổng thể các quốc gia của TPP. Tham gia vào khu vực TPP thì mỗi quốc gia vẫn tồn tại với tư cách là quốc gia độc lập tự chủ. Tuy nhiên, khi đã gia nhập thì phải tuân thủ các nguyên tắc chung, phải thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của một thành viên, phải điều chỉnh chính sách của mình cho phù hợp với luật chơi chung. Các định chế quốc tế là những quy định chung bắt buộc các nước muốn tham gia phải công nhận và thực thi. Đó là vấn đề bất khả kháng đối với các quốc gia, mặc dù qua thương lượng đã có lộ trình thực hiện hợp lý với trình độ của quốc gia mình. Điều chỉnh chính sách cho phù hợp với các định chế quốc tế là điều kiện tối quan trọng để có thể hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Điều tiết hoạt động kinh tế nói chung, thương mại nói riêng ở mỗi quốc gia thành viên đều do ba lực lượng thực hiện (1) Chính phủ quốc gia; (2) các thể chế và định chế cam kết trong TPP; (3) Các công ty xuyên quốc gia và đa quốc gia. Vấn đề là tính chủ động của nhà nước trong phát huy vai trò của mình và phối hợp với các lực lượng khác để điều tiết hiệu quả nền kinh tế. Về nội dung thể chế: Để thực thi cam kết trong TPP, Việt Nam sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi nhiều quy định pháp luật về thương mại hàng hóa, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường, mua sắm công… Thực hiện mục tiêu hoàn chỉnh thể chế thương mại theo cam kết TPP của Việt Nam có liên quan đến quy định của rất nhiều bộ, ngành phụ trách các lĩnh vực theo phạm vi điều chỉnh của TPP. Cần phải có chương trình tổng thể để sửa đổi, bổ sung các quy định và yêu cầu gắt gao về tiến trình thực hiện. Bài học từ hoàn thiện thể chế thương mại 487
  4. khi gia nhập WTO sẽ rất bổ ích cho các cơ quan xây dựng pháp luật và hoạch định chính sách thương mại quốc gia. Về nguyên tắc phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, nhất quán, dễ tiên đoán của thể chế thương mại. Thể chế thương mại hướng tới tạo lập môi trường pháp luật kinh doanh thuận lợi, tối giản thủ tục hành chính, tự do hóa thương mại trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng, bảo đảm sự điều tiết của nhà nước tuân thủ qui luật khách quan của kinh tế thị trường. Định vị lại doanh nghiệp nhà nước và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phải chuyển căn bản từ nhà nước quản lý, can thiệp sang nhà nước điều tiết và cung ứng dịch vụ công. 2. Tác động đến xuất nhập khẩu hàng hóa Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với các nước tham gia ký kết TPP chiếm tỷ trọng cao. Tác động tích cực, tiêu cực, thời cơ và thách thức đối với xuất nhập khẩu hàng hóa khi thực hiện TPP có ý nghĩa quyết định kết quả và hiệu quả tham gia TPP của Việt Nam. Tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với các nước tham gia TPP thế hiện dưới đây. Bảng 1. Xuất nhập khẩu hàng hóa và cán cân thương mại Việt Nam trong TPP TT Chỉ tiêu Đơn vị tính 2012 2013 2014 1 Tổng xuất khẩu cả nước 100USD 114529200 132031900 150217139 2 Xuất khẩu vào TPP 100 USD 45115000 51919841 58676848 3 Tỷ trọng /Tổng KNXK % 39,4 39,3 39,06 4 Tổng nhập khẩu cả nước 1000 USD 113780400 132032610 147849081 5 Nhập khẩu từ TPP 100 USD 27262600 30090641 35508202 6 Tỷ trọng /Tổng KNXK % 23,96 22,79 24,01 7 Cán cân thương mại NS(-) XS(+) +17852400 +21829200 +23168646 Nguồn: Tổng cục Thống kê 2015 và tính toán của tác giả Nhiều nước tham gia TPP là đối tác thương mại chủ yếu của Việt Nam như Hoa Kỳ, Singapore, Nhật Bản, Malaysia... Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào các nước tham gia TPP chiếm trên 39% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và chiếm tỷ trọng 23-24% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước. Quan hệ thương mại của Việt Nam với khu vực TPP luôn ở trạng thái xuất siêu. Rõ ràng đây là thị trường lớn đối với xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Với những quan hệ 488
  5. truyền thống đã tạo dựng trong APEC, ASEAN thì những cơ hội đến với Việt Nam trong xuất nhập khẩu hàng hóa với khu vực này là rất lớn. Trong xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với các thành viên TPP tính tương đồng ít và tính bổ sung lại khá cao. Những đặc điểm về địa lý, đặc trưng sản xuất hàng hóa cần được nghiên cứu kỹ để có chính sách xuất nhập khẩu hợp lý của cả nhà nước và doanh nghiệp. Bảng 2. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào các nước TPP Đơn vị: 1000 USD TT Nước tham gia TPP 2012 2013 2014 1 Australia 3208700 3762300 4304072 2 Brunây 16900 17480 49626 3 Canada 1156500 1557463 2077656 4 Chi lê 168600 219647 520783 5 Nhật Bản 13064500 13550252 14674923 6 Malaysia 4500300 4982739 3926398 7 Mexico 682800 892212 1035858 8 New Zealand 184000 273944 315858 9 Peru 100600 109806 186890 10 Singapore 2367700 2691711 2942040 11 Hoa Kỳ 19665200 23862287 28634744 Tổng cộng 45115000 51919841 58676848 Nguồn: Tổng cục Thống kê 2015 Trong số 11 nước xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong TPP thì Hoa Kỳ là lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu trên 28 tỷ USD năm 2014 và dự báo khoảng 30 tỷ vào năm 2015. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ tăng trung bình khoảng 20%/năm, cao hơn mức tăng bình quân xuất khẩu cả nước cùng kỳ. Tiếp theo là Nhật Bản với kim ngạch xuất khẩu trên 14 tỷ USD năm 2014 và dự tính đạt trên 15 tỷ năm 2015. Xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường Malaysia, Singapore cũng có mức tăng cả kim ngạch và khối lượng trong những năm qua. Thị trường có mức tăng kim ngạch xuất khẩu cao nhất là Canada 489
  6. và Mexico. Nhìn tổng thể xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào các nước thành viên TPP đều có sự tăng trưởng tốt. Đây là tín hiệu đáng mừng và tạo niềm tin cho các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng phát triển xuất khẩu vào các thị trường này khi TPP chính thức có hiệu lực. Tất nhiên cơ hội với các mặt hàng xuất khẩu, với các doanh nghiệp không giống nhau. Bảng 2. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ các nước TPP Đơn vị : 1000 USD TT Nước tham gia TPP 2012 2013 2014 1 Australia 177220 158600 205560 2 Brunây 610600 605307 102297 3 Canada 455700 406279 385133 4 Chi Lê 370100 314161 367474 5 Nhật Bản 11602100 11562092 12857046 6 Malaysia 3412000 4097049 4203573 7 Mexico 111800 114248 262658 8 New Zealand 384900 454788 2054730 9 Peru 96600 42843 97982 10 Singapore 6691000 5686131 6834730 11 Hoa Kỳ 4826400 5221743 6286979 Tổng cộng 27262600 30090641 35508202 Nguồn: Tổng cục Thống kê 2015 Nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ các nước TPP có mức độ khác biệt khá lớn. Nhật Bản là nước Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ TPP. Năm 2014, Việt Nam nhập khẩu gần 13 tỷ USD từ thị trường này. Thị trường Singapore, Hoa Kỳ là những thị trường Việt Nam nhập khẩu đứng thứ hai, thứ ba trong TPP, nhập khẩu trên 5 tỷ USD. Trong 11 nước đối tác thương mại trong TPP của Việt Nam thì 6 nước Việt Nam xuất siêu là Australia, Canada, Nhật Bản, Malaysia, Peru và Hoa Kỳ; 5 nước Việt Nam nhập siêu là Brunây, Chi Lê, Mexico, New Zealand và Singapore. Trong tương lai, khi thực hiện cam kết TPP, cán cân thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên TPP chắc chắn có sự thay đổi. 490
  7. Phân tích tác động của TPP đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cần phải nghiên cứu từ thực trạng xuất khẩu và năng lực của Việt Nam và đặc biệt là cam kết mở cửa thị trường của các nước. Tổng hợp từ các cam kết của các nước cho thấy, các nước cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu dành cho hàng hóa của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực khoảng từ 78-95% số dòng thuế, đồng thời xóa bỏ hoàn toàn từ 97-100% dòng thuế. Các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế trong vòng 5-10 năm, trừ một số mặt hàng nhạy cảm có lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan. Trong cuộc họp báo diễn ra vào chiều ngày 9/11/2015, đại diện Bộ Tài chính cũng đã cung cấp thêm các thông tin về cam kết thuế nhập khẩu mà các nước dành cho Việt Nam một khi Hiệp định TPP chính thức đi vào hiệu lực, cụ thể [1]: Cam kết của Hoa Kỳ: Hoa Kỳ cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế, trừ một số sản phẩm đường áp dụng hạn ngạch thuế quan. Về nông nghiệp, Hoa Kỳ sẽ xóa bỏ ngay 55,4% số dòng thuế nông nghiệp (tương đương 97,7% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam, đạt 0,95 tỷ USD) ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gạo, mật ong, cà phê, chè, hạt tiêu, điều, rau quả đều được xóa bỏ thuế ngay. Vào năm thứ 10, tổng số dòng thuế nông nghiệp mà Hoa Kỳ xóa bỏ cho Việt Nam là 97,4%. Quốc gia này cũng áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với 35 dòng thuế đường và sản phẩm chứa đường. Về công nghiệp (trừ dệt may), sẽ có 85,6% tổng số dòng thuế công nghiệp được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực (74,2% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ, tương đương với 6 tỷ USD). Vào năm thứ 10, Hoa Kỳ sẽ xóa bỏ xấp xỉ 100% số dòng thuế công nghiệp cho Việt Nam. Đối với thủy sản, Hoa Kỳ sẽ xóa bỏ ngay hoặc vào năm thứ 3 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực (riêng cá ngừ chế biến xóa bỏ vào năm thứ 10).Đối với giày dép, 85% số dòng thuế giày dép được xóa bỏ ngay (tương đương 39,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ, đạt 1,15 tỷ USD), đồng thời 3,2% số dòng thuế có kim ngạch lớn (58% kim ngạch xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD) Hoa Kỳ cam kết giảm ngay từ 40% - 55% mức hiện hành và xóa bỏ hoàn toàn thuế suất vào năm thứ 12. Đồ gỗ, cao su, dây cáp điện, Hoa Kỳ sẽ xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu, trừ lốp ô tô (xóa bỏ thuế vào năm thứ 10) và 2 dòng thuế dây cáp điện (xóa bỏ thuế vào năm thứ 5). Điện, điện tử: khoảng 80% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay, một số mặt hàng còn lại được xóa bỏ vào năm thứ 3 đến năm thứ 5 và chỉ một số ít sản phẩm được xóa bỏ vào năm thứ 10. Sản phẩm nhựa: 50% số dòng thuế được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực, còn lại xóa bỏ sau tối đa vào năm thứ 5 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Đối với dệt may, 73,1% số dòng thuế (1.182 dòng) sẽ được 491
  8. xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, chiếm 46,1% kim ngạch (tương đương 3,5 tỷ USD). Vào năm thứ 5 sau khi Hiệp định được triển khai, sẽ có thêm 7% số dòng thuế dệt may sẽ được xóa bỏ thuế. Ngay tại thời điểm bắt đầu thực hiện Hiệp định, 19,7% số dòng thuế có kim ngạch lớn, chiếm tổng số 51,3% xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ được giảm thuế suất từ 35-50% so với mức hiện hành và được xóa bỏ hoàn toàn vào năm thứ 12 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Cam kết của Canada: Canada cam kết xóa bỏ ngay 94,9% số dòng thuế, tương đương 77,9% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam (0,88 tỷ USD) ngay khi Hiệp định có hiệu lực và tổng số dòng thuế được xóa bỏ lên tới 96,3% số dòng thuế, tương đương với 93,4% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam vào năm thứ 4. Tuy nhiên, Canada vẫn duy trì hạn ngạch thuế đối với 96 dòng thuế của 3 nhóm mặt hàng: (i) thịt gà; (ii) trứng và (iii) bơ sữa và sản phẩm bơ sữa. Nông sản, điện, điện tử của Việt Nam được Canada xóa bỏ phần lớn thuế quan ngay thời điểm bắt đầu triển khai cam kết. Mặt hàng đồ nội thất, cao su sẽ được xóa bỏ hoàn toàn ngay từ khi Hiệp định có hiệu lực hoặc vào năm thứ 5. Các mặt hàng dệt may sẽ được xóa bỏ 100% thuế vào năm thứ 4, trong đó 42,9% kim ngạch xuất khẩu dệt may được hưởng thuế 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Canada sẽ xóa bỏ đa số thuế đối với mặt hàng giày dép ngay khi Hiệp định có hiệu lực (chiếm 67% kim ngạch xuất khẩu giày dép), 12% kim ngạch xuất khẩu sẽ xóa bỏ thuế vào năm thứ 7, 1 dòng thuế có kim ngạch lớn (chiếm 10,7% kim ngạch giày dép) sẽ được cắt giảm 75% so với mức hiện hành và 9 dòng cam kết xóa bỏ vào năm thứ 12 (9,5% kim ngạch xuất khẩu giày dép). Cam kết của Nhật Bản: Nhật Bản cam kết xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với 86% số dòng thuế (chiếm 93,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản, tương đương 10,5 tỷ USD) và xóa bỏ đối với khoảng 95,6% số dòng thuế vào năm thứ 11. Đối với nông sản từ Việt Nam, Nhật Bản không cam kết mặt hàng gạo và áp dụng hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm một phần hoặc cam kết kèm theo các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số mặt hàng nhạy cảm như thịt trâu bò, thịt lợn, sữa, sản phẩm sữa, lúa mỳ, lúa gạo và các chế phẩm phẩm của chúng. Nhiều mặt hàng ưu tiên của Việt Nam được rút ngắn đáng kể lộ trình so với cam kết tại Hiệp định FTA Việt Nam - Nhật Bản như đa số mặt hàng thủy sản có thế mạnh của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực như các mặt hàng cá ngừ vây vàng, cá ngừ sọc dưa, cá kiếm, một số loài cá tuyết, surimi, tôm, cua ghẹ,.... Toàn bộ các dòng hàng thủy sản không cam kết xóa bỏ thuế trong FTA Việt Nam - Nhật Bản sẽ được xóa bỏ trong TPP 492
  9. với lộ trình xóa bỏ vào năm thứ 6, năm thứ 11 hoặc năm thứ 16 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Trong khi đó, mặt hàng rau quả, Nhật Bản cam kết mức thuế 0% vào năm thứ 3 hoặc năm thứ 5 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; Mặt hàng mật ong: Xóa bỏ thuế vào năm thứ 8; Mặt hàng giày dép: 79,5% kim ngạch xóa bỏ thuế vào năm thứ 10 và các mặt hàng còn lại (giày da) sẽ xóa bỏ thuế suất vào năm thứ 16; và Mặt hàng vali, túi xách bằng da: Xóa bỏ thuế vào năm thứ 16. Đối với dệt may, 98,8% số dòng thuế sẽ xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 97,2% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Nhật Bản. Những mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế vào năm thứ 10. Cam kết của Mexico: Tại thời điểm bắt đầu thực thi cam kết, tổng số 77,2% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ thuế ngay (chiếm 36,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico, tương ứng với 282 triệu USD). Vào năm thứ 10, sau khi Hiệp định có hiệu lực, 98% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu, tương ứng với 440 triệu USD. Mexico không cam kết xóa bỏ thuế đối với mặt hàng đường và áp dụng hạn ngạch thuế đối với sữa kem và sản phẩm; dầu cọ. Đối với thủy sản như cá tra, cá basa, Mexico sẽ xóa bỏ thuế vào năm thứ 3 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; Tôm đông lạnh xóa bỏ vào năm thứ 13; Tôm chế biến xóa bỏ vào năm thứ 12. Cá ngừ chế biến xóa bỏ thuế vào năm thứ 16, trong đó giữ nguyên mức thuế cơ sở trong 5 năm đầu tiên rồi giảm dần về 0%. Đối với nông sản, thóc, gạo lứt và gạo tấm xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực; các mặt hàng gạo xay xát sẽ giảm về 0% vào năm thứ 10. Gạo: xóa bỏ thuế vào năm thứ 11. Cà phê: xóa bỏ thuế cà phê hạt Robusta vào năm thứ 16, cà phê hạt Arabica và cà phê chế biến giảm mức thuế suất 50% so với mức thuế hiện hành vào năm thứ 5 và năm thứ 10 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Đối với dệt may, Mexico xóa bỏ thuế theo lộ trình và tối đa vào năm thứ 16. Giày dép, xóa bỏ thuế theo lộ trình và tối đa vào năm thứ 13; Túi xách cũng được xóa bỏ thuế vào năm thứ 10. Cam kết của Peru: Peru cam kết xóa bỏ tới 80,7% số dòng thuế cho Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 62,1% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam (15,6 triệu USD) và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,4% tổng số dòng thuế vào năm thứ 17. Peru duy trì thuế theo biến động giá đối với 47 dòng thuế gồm sữa, ngô, gạo, đường. Các mặt hàng nông sản có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như điều, chè, tiêu, rau quả và một số loại cà phê cũng đều được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Nhóm mặt hàng dệt may, giày dép lại có lộ trình cắt giảm dài, xóa bỏ thuế nhập khẩu vào năm thứ 10 đến năm thứ 16 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. 493
  10. Cam kết của Australia: Tổng số 93% số dòng thuế của Australia, tương đương 95,8% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Australia (2,9 tỷ USD) sẽ được xóa bỏ thuế ngay khi thực hiện Hiệp định. Các sản phẩm còn lại sẽ được xóa bỏ thuế với lộ trình cắt giảm cuối cùng tối đa vào năm thứ 4. Cam kết của New Zealand: New Zealand sẽ xóa bỏ 94,6% số dòng thuế cho Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 69% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này (101 triệu USD). Vào năm thứ 7 năm kể từ khi thực hiện Hiệp định, các dòng thuế còn lại sẽ dần được xóa bỏ hoàn toàn. Cam kết của Malaysia: Malaysia cam kết xóa bỏ ngay đối với 84,7% số dòng thuế khi Hiệp định có hiệu lực và xóa bỏ dần có lộ trình đối với các dòng thuế còn lại. Vào năm thứ 11, tổng số dòng hàng cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu của Malaysia lên tới 99,9%. Tuy nhiên, Malaysia áp dụng hạn ngạch thuế đối với 15 dòng thuế trứng gia cầm, thị gà, thịt lợn và thịt bò. Cam kết của Chi Lê: Chi Lê cam kết xóa bỏ đối với 95,1% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 60,2% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Chi Lê (76 triệu USD). Vào năm thứ 8, Chi Lê sẽ xóa bỏ 99,9% số dòng thuế, tương ứng với 100% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam. Các mặt hàng nông sản, thủy sản có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Giày dép, cao su sẽ được xóa bỏ thuế theo lộ trình tối đa vào năm thứ 4. Mặt hàng dệt may sẽ được xóa bỏ tối đa vào năm thứ 8. Cam kết của Brunei: Ngay tại thời điểm bắt đầu thực hiện Hiệp định, Brunei sẽ xóa bỏ 92% số dòng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam (tương đương 7.639 dòng) và sẽ xóa bỏ tới 99,9% vào năm thứ 7 và sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu vào năm thứ 11. Cam kết của Singapore: Singapore xóa bỏ hoàn toàn thuế quan đối với tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam ngay khi thực hiện Hiệp định. Như vậy có thể khái quát tác động tích cực của Việt Nam trong tiếp cận thị trường là rất lớn. Cơ hội nói chung với xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam lớn hơn nguy cơ. Nhóm ngành hưởng lợi nhiều nhất là các ngành thâm dụng lao động và một số sản phẩm nông nghiệp. Điều này xuất phát từ lý thuyết lợi thế của thương mại quốc tế khi Việt Nam có trình độ thấp hơn các nước khác trong TPP. Ngành giày dép, dệt may, thủy sản, nông sản sẽ có khả năng tăng xuất khẩu vào các nước TPP. Trong đó ngành giày dép và dệt may có kỳ vọng tăng cao do hiện nay xuất 494
  11. khẩu chủ yếu vào Hoa Kỳ, Nhật Bản và các dòng thuế theo cam kết của các nước này giảm mạnh. Thủy sản có lợi khi xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản khi thuế nhập khẩu giảm về 0% so với mức trung bình 6,4-7,2% nếu không có TPP. Nhóm hàng xuất khẩu có bất lợi là những mặt hàng công nghệ cao và công nghệ chế biến hiện đại. Ngành chế biến thực phẩm với quy mô và công nghệ hiện nay không thể cạnh tranh với các quốc gia lớn là Nhật Bản, Hoa Kỳ. Ngành mía đường sẽ gặp nhiều khó khăn do công nghệ lạc hậu, chi phí sản xuất cao và Australia, nước xuất khẩu mía đường lớn thứ ba thế giới, sẽ chi phối thị trường các nước TPP. Ngành máy móc thiết bị cũng sẽ bị ảnh nhiều do các quốc gia tham gia TPP có trình độ công nghệ cao hơn Việt Nam nhiều. Tác động của TPP lên ngành chăn nuôi là không tươi sáng với sự sụt giảm sản lượng trong rất nhiều tiểu ngành, đặc biệt là chăn nuôi lợn và gia cầm. Nguyên nhân là do quy mô sản xuất nhỏ lẻ và chuỗi giá trị manh mún, dựa nhiều vào nhập khẩu đầu vào sản xuất của ngành. Ngành thức ăn chăn nuôi và ngành dược phẩm cũng có nhiều bất lợi khi TPP có hiệu lực vì chủ yếu cũng dựa vào nhập khẩu nguyên liệu. TPP mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ là những động lực chính cho sự tăng trưởng và việc làm tốt tại các quốc gia trên thế giới. Nhưng ở nhiều nước, kể cả Mỹ - chỉ có một tỉ lệ nhỏ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện xuất khẩu. Nguyên nhân chính là các rào cản thương mại như thuế cao, những quy định phức tạp và tình trạng quan liêu thường tạo ra những thách thức lớn cho các doanh nghiệp nhỏ với kinh nghiệm và nguồn lực còn hạn chế. Việt Nam là một quốc gia với một môi trường kinh doanh năng động và số lượng lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Việt Nam và nhiều doanh nghiệp nhỏ có thể hưởng lợi đáng kể từ TPP. Và bởi vì thương mại điện tử là một công cụ hiệu quả cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các điều khoản TPP về thúc đẩy thương mại số có thể hỗ trợ đắc lực cho mục tiêu tham vọng của Việt Nam trong việc thúc đẩy xuất khẩu trực tiếp của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt một phần tư tổng sản lượng xuất khẩu của Việt Nam. 3. Tác động của TPP đến thương mại trong nước Trước hết, TPP tác động đến lợi ích của các chủ thể trong nền kinh tế quốc dân. Tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế nói chung, gia nhập TPP nói riêng có 3 chủ thể: Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nếu xem xét một cách riêng biệt lợi ích của ba chủ thể đó, việc tham gia thực hiện các cam kết của TPP có ảnh hưởng rất khác nhau. 495
  12. - Lợi ích trực tiếp của Nhà nước là nguồn thu thuế xuất nhập khẩu sẽ giảm sút, nếu như không tác động kích thích tăng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu đến mức mà số lượng thu thuế được do tăng doanh thu không bù đắp được sự cắt giảm thu do giảm thuế suất. - Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh chịu hai loại tác động ngược chiều: được lợi do tăng được khả năng cạnh tranh về giá cả và chịu sức ép cạnh tranh lớn hơn do xóa bỏ các hàng rào bảo hộ thuế và phi thuế. Việc cắt giảm thuế xuất nhập khẩu không ảnh hưởng trực tiếp đến tài chính doanh nghiệp, bởi vì thuế xuất nhập khẩu là thuế gián thu, một thành phần của giá thành, sẽ do người tiêu dùng chi trả. - Người tiêu dùng được lợi do giá cả rẻ hơn và chủng loại, chất lượng hàng hóa phong phú, đa dạng hơn. Có thể nói rằng thiệt hại trực tiếp của Nhà nước về thuế và sự được lợi trực tiếp của người tiêu dùng do giảm thuế trong giá là hai khoản bù trừ cho nhau. Đây là sự thay đổi trong phân phối thu nhập, phần thu nhập của Chính phủ chuyển sang tay tư nhân. Điều này sẽ gián tiếp tác động đến cơ cấu đầu tư xét theo chủ thể kinh tế. Đầu tư của tư nhân cho sản xuất kinh doanh sẽ có thể tăng lên trong tương lai nhờ khoản tiết kiệm qua giá mua hàng rẻ hơn. Tác động hai mặt của việc xoá bỏ hàng rào bảo hộ mậu dịch đối với các doanh nghiệp dễ trông thấy về định tính, song khó dự báo về định lượng. Xóa bỏ bảo hộ có thể buộc doanh nghiệp phải cải tổ toàn diện để đối đầu trực tiếp với sức ép cạnh tranh từ các nước trong khu vực. Cạnh tranh có thể thúc đẩy sản xuất phát triển, nhưng đồng thời cũng có thể làm điêu đứng và phá sản hàng loạt doanh nghiệp, thậm chí hàng loạt ngành. Xóa bảo hộ chắc chắn dẫn đến việc thay đổi cơ cấu kinh tế và đặt các doanh nghiệp trước thử thách khốc liệt. Tác động dài hạn của toàn bộ quá trình tham gia TPP, của quá trình hội nhập với các nước thành viên TPP tới cơ cấu nền kinh tế có mức độ quan trọng hơn nhiều so với nguồn thu ngân sách. Bởi vì nó quyết định việc lựa chọn một chiến lược cơ cấu thích ứng với tình thế của một nền kinh tế không còn có các hàng rào bảo hộ mậu dịch che chắn, từ đó quyết định diện mạo nền kinh tế trong tương lai và vị thế của Việt Nam trong nền kinh tế mở khu vực và toàn cầu. Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế bắt buộc các quốc gia phải thực thi chính sách mở cửa, tự do hóa thương mại, đầu tư. Do đó, mỗi quốc gia phải điều chỉnh, sửa đổi chính sách hiện hữu để hình thành chính sách kinh tế phù hợp của mình theo hướng mở cửa và tự do hóa kinh tế. Những tác động mạnh mẽ về kinh tế tất yếu sẽ tác động ảnh hưởng đến chính trị, xã hội, văn hóa ở mỗi quốc gia. Như vậy, 496
  13. đánh giá định tính và định lượng tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đối với Việt Nam là vấn đề rất quan trọng và cấp thiết. Thứ hai, tác động đến cạnh tranh ở thị trường trong nước. Một mặt, TPP bắt buộc các doanh nghiệp được hoạt động trong môi trường cạnh tranh bình đẳng và tạo áp lực cải tổ, đổi mới. Cạnh tranh có thể là động lực để các doanh nghiệp tự đổi mới và nâng cao năng lực để phát triển tốt hơn. Cạnh tranh cũng giúp xóa những đơn vị sản xuất yếu kém, không thích hợp với tình hình mới (đây cũng là điều nên xảy ra, dù rằng Việt Nam chưa quen với tình trạng phá sản của các doanh nghiệp yếu kém). Ngoài ra, không thể không nhắc tới những khả năng hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và đối tác từ TPP để cùng phát triển. Mở cửa thị trường cũng là cơ hội để thu hút đầu tư vào các ngành có lợi thế, đặc biệt các ngành cần vốn và công nghệ quản lý cao. Mặt khác, nguy cơ mất thị trường vào các doanh nghiệp nước ngoài và tiềm ẩn sự phá sản. Quá trình mua bán, sáp nhập làm cho nhiều doanh nghiệp, nhiều thương hiệu của Việt Nam sẽ do nước ngoài chi phối. Thứ ba, tác động đến thị trường mua sắm công. Đối với Việt Nam, việc mở cửa thị trường mua sắm công theo cách này có được suy đoán là sẽ gây ra những tác động bất lợi (với những lo ngại tương tự như lo ngại của nhiều nước về sự “tấn công” của các nhà cung cấp nước ngoài khiến doanh nghiệp nội địa không cạnh tranh nổi trong các vụ đấu thầu lớn) trong khi khả năng Việt Nam tiếp cận được với thị trường mua sắm công của các đối tác TPP là hầu như không có (do hạn chế về năng lực cạnh tranh). Tuy nhiên, việc mở cửa thị trường mua sắm công có thể mang lại những lợi ích nhất định trong hoàn cảnh riêng của Việt Nam. Đó là cơ hội để minh bạch hóa thị trường và là biện pháp tốt để cải thiện các điều kiện mua sắm công từ đó có thể lựa chọn được các nhà cung cấp tốt hơn. 4. Giải pháp bảo đảm hội nhập TPP hiệu quả Trước hết, cần đổi mới tư duy hội nhập lấy chất lượng và hiệu quả làm mục tiêu. Hội nhập từ dưới lên trên và hội nhập từ bên trong ra bên ngoài. Quyết định thành công của hội nhập TPP chủ động, hiệu quả là doanh nghiệp, doanh nhân. Phát triển bền vững thị trường trong nước kết hợp với phát triển thị trường quốc tế sẽ quyết định thành bại của tiến trình thực hiện cam kết TPP. Thứ hai, xây dựng và triển khai chiến lược tổng thể về thực thi TPP. Xây dựng chiến lược tổng thể về TPP với lộ trình cụ thể để các ngành, địa phương và doanh nghiệp tổ chức sắp xếp lại sản xuất - kinh doanh, đổi mới cơ chế quản lý nhằm nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Tổng hợp các cam kết về TPP 497
  14. của Việt Nam và các thành viên để xây dựng chương trình, lộ tình thực hiện. Các bộ, ngành và địa phương cũng xây dựng chương trình, kế hoạch chủ động thực hiện TPP trong phạm vi bộ, ngành, địa phương quản lý. Thứ ba, đổi mới hoạt động thông tin, truyền thông về TPP. Tác động của TPP đến toàn bộ xã hội, do đó, thông tin về nội dung của Hiệp định phải đến được mọi người, mọi doanh nghiệp. Các cơ quan chuyên môn phải biên soạn loại thông tin khái quát, phổ thông để phổ biến chung, các thông tin chuyên sâu cho từng ngành, lĩnh vực để cho các doanh nghiệp nghiên cứu trong xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh và các quyết sách của doanh nghiệp. Các phương tiện thông tin đại chúng cần có chuyên đề, chuyên mục, nhiều tin, bài giới thiệu về TPP. Xây dựng chương trình đưa nội đung giáo dục về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung, TPP nói riêng vào các trường Đảng, trường Hành chính, trường Đại học và Cao đẳng. Các Hiệp hội ngành hàng nghiên cứu, tổ chức giới thiệu, hướng dẫn cho các doanh nghiệp trong ngành nội dung sâu về TPP. Thứ tư, xây dựng, sửa đổi, bổ sung pháp luật, cơ chế, chính sách kinh tế thương mại. Rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật và cơ chế, chính sách hiện hành. Đối chiếu nhằm tìm ra những điều không phù hợp với quy định quốc tế và cam kết TPP, từ đó đề xuất những nội dung sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản pháp quy để đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, của Chính phủ và các bộ. Kiện toàn các tổ chức pháp chế của ngành, địa phương và doanh nghiệp, củng cố hệ thống tòa án kinh tế, lao động, hành chính và các tổ chức trọng tài. Thứ năm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh ở cả ba cấp độ: Sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia. Đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, chất lượng, tái cấu trúc lại ngành, doanh nghiệp, Điều tra, phân loại, đánh giá khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm, ngành hàng, dịch vụ, từng doanh nghiệp, từng địa phương. Thứ sáu, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm trên cơ sở chiến lược kinh doanh phù hợp, đổi mới phương thức kinh doanh, tăng cường tiềm lực của doanh nghiệp và phát triển các liên kết trong và ngoài nước. Doanh nghiệp tích cực và chủ động tham gia vào quá trình phân công lao động quốc tế, tham gia vào mạng sản xuất, mạng phân phối khu vực và quốc tế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. 498
  15. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Tài chính (9/11/2015), Họp báo chuyên đề về cam kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương trong lĩnh vực tài chính. 2. BSC Research (05/10/2015): Báo cáo vĩ mô đặc biệt 1 Hiệp định TPP giữa Việt Nam và 11 quốc gia khác. 3. Đặng Đình Đào, Hoàng Đức Thân (2012), Giáo trình Kinh tế thương mại 4. Hoàng Đức Thân (2013), Đề tài cơ sở trọng điểm TĐ09/2013 5. Tổng cục Thổng kê (2015), Số liệu thống kê về Thương mại 6. Văn phòng đại diện Thương mại Hoa Kỳ, Minh Khoa (dịch) (10/2015), Toàn văn bản tóm tắt Hiệp định TPP bằng tiếng Việt. 499
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
7=>1