intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tài liệu học tập Giáo dục và nâng cao sức khỏe - Trường ĐH Võ Trường Toản

Chia sẻ: Lôi Vô Kiệt | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:87

9
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Tài liệu học tập Giáo dục và nâng cao sức khỏe cung cấp cho sinh viên những nội dung về khái niệm truyền thông giáo dục và nâng cao sức khỏe; hành vi sức khỏe - quá trình thay đổi hành vi sức khỏe; các nội dung Truyền thông - Giáo dục sức khỏe; một số mô hình truyền thông và kỹ năng Truyền thông - Giáo dục sức khỏe; lập kế hoạch và quản lý các hoạt động Truyền thông - Giáo dục sức khỏe; tình huống tư vấn sức khỏe; truyền thông có phương tiện; lập kế hoạch một buổi truyền thông giáo dục sức khỏe;... Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tài liệu học tập Giáo dục và nâng cao sức khỏe - Trường ĐH Võ Trường Toản

  1. TRƯỜNG ĐẠI HỌC VÕ TRƯỜNG TOẢN -------------*------------- TÀI LIỆU HỌC TẬP GIÁO DỤC & NÂNG CAO SỨC KHỎE Đào tạo đại học Y đa khoa (Lưu hành nội bộ) NĂM 2018
  2. MỤC LỤC Bài 1: Khái niệm về truyền thông giáo dục và nâng cao sức khoẻ ................ 3 Bài 2. Hành vi sức khoẻ - quá trình thay đổi hành vi sức khoẻ ................... 13 Bài 3. Các nội dung TT-GDSK........................................................................ 27 Bài 4. Một số mô hình truyền thông và kỹ năng TT-GDSK......................... 35 Bài 5. Lập kế hoạch và quản lý các hoạt động TT-GDSK ............................ 46 Bài 6. Tình huống tư vấn sức khỏe ................................................................. 56 Bài 7. Truyền thông có phương tiện ............................................................... 61 Bài 8. Lập kế hoạch một buổi truyền thông giáo dục sức khỏe ....................... 2
  3. Bài 1. KHÁI NIỆM VỀ TRUYỀN THÔNG GIÁO DỤC VÀ NÂNG CAO SỨC KHOẺ MỤC TIÊU Sau bài học này học viên có khả năng: 1. Trình bày được các vấn đề sức khoẻ bệnh tật phổ biến ở các nước đang phát triển. 2. Trình bày được các khái niệm, mục đích của GDSK và NCSK. 3. Phân tích được vị trí, vai trò của GDSK trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân. 4. Trình bày được hệ thống tổ chức giáo dục sức khoẻ trong ngành y tế Việt nam. NỘI DUNG 1. Khái niệm về sức khoẻ và bệnh tật 1.1. Sức khoẻ là gì? Sức khoẻ được WHO định nghĩa là: trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tâm thần và xã hội chứ không chỉ bao gồm tình trạng không có bệnh hay thương tật. Như vậy sức khoẻ có 3 mặt: - Sức khoẻ thể chất. - Sức khoẻ tâm thần. - Sức khoẻ xã hội. 1.2. Các vấn đề sức khoẻ phổ biến ở các nước đang phát triển:  Các bệnh nhiễm trùng, siêu vi trùng và nhiễm ký sinh trùng. - Các bệnh liên quan đến nước: WHO tổng kết rằng 80% tất cả các loại bệnh tật ở nước đang phát triển có liên quan đến sử dụng nước và vệ sinh môi trường kém. Bệnh dịch đường tiêu hoá mang tính đặc trưng của nước đang phát triển. Ở Việt nam, nghiên cứu cho thấy có mối liên quan giữa các yếu tố nước không sạch, vệ sinh môi trường kém với một số bệnh lây nhiễm như tiêu chảy, tả, thương hàn, lỵ trực khuẩn, các ký sinh trùng đường ruột, sốt xuất huyết [1]. - Bệnh lao, HIV/AIDS, sốt rét, uốn ván, sốt xuất huyết, viêm não vi rút, viêm màng não do não mô cầu, lỵ amíp, bạch hầu, và tả là 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ chết trung bình 10 năm cao nhất Việt nam giai đoạn 1994 – 2003 [2].  Các bệnh không lây: Các bệnh mãn tính như bệnh tim mạch, đột quỵ, tai nạn giao thông...có xu hướng ngày càng gia tăng. 3
  4. 60 50 Tai nạn 40 Bệnh truyền nhiễm 30 20 Bệnh không truyền nhiễm 10 0 1976 1981 1986 1991 1996 2001 2006 Biểu đồ: Sự tiến triển của tử vong [3]  Bệnh tật và tử vong ở bà mẹ và trẻ em: - Tỉ suất tử vong mẹ: vẫn còn ở tỷ lệ cao, trong cuộc điều tra năm 2001, Vụ sức khoẻ sinh sản, Bộ Y tế kết hợp với Tổ chức Y tế thế giới thực hiện cuộc điều tra trên 7 vùng sinh thái của Việt nam, tỷ suất chết mẹ là 130/100.000 trẻ đẻ sống, và thay đổi theo vùng từ 120/100.000 đến 162/100.000 trẻ đẻ sống [4]. - Nguyên nhân: các nguyên nhân chính là băng huyết sau sanh, sản giật, nhiễm trùng, biến chứng nạo phá thai, vỡ tủ cung và chữa ngoài tử cung vỡ. - Tỉ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi đã giảm từ 42 o năm 1999 xuống còn 27.5 %o năm 2005. Mặc dù vậy, nhìn chung tỷ suất này vẫn còn cao. Nguyên nhân: do đẻ non, đẻ ngạt, dị tật bẩm sinh, nhiễm trùng hô hấp cấp, đuối nước [5]...  Bệnh nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây lan qua đường tình dục. Tiêm chích ma tuý là yếu tố có tác động mạnh nhất tới dịch HIV/AIDS, chiếm 40% số ca, và do có sự liên hệ chặt chẽ giữa tiêm chích ma tuý và hoạt động mai dâm, dịch đang lây vào quần chúng thông qua những người có quan hệ tình dục với gái mãi dâm, và những người có quan hệ tình dục với người tiêm chích ma tuý [6]. 2. Khái niệm về GDSK và NCSK 2.1. Giáo dục sức khoẻ là gì? Có rất nhiều yếu tố tác động đến sức khoẻ của con người, để đạt được sức khoẻ tốt hơn đòi hỏi có sự tham gia tích cực của các cá nhân, các gia đình và cộng đồng vào việc thực hành các hành vi sức khoẻ lành mạnh và tạo môi trường sức khoẻ lành mạnh. Để mọi người có thể thực hành các hành vi sức khoẻ lành mạnh cần đẩy mạnh GDSK.  Có nhiều định nghĩa về GDSK: 4
  5. Giáo dục sức khoẻ cũng giống như giáo dục chung đó là quá trình tác động nhằm thay đổi kiến thức, thái độ và thực hành của con người, phát triển những thực hành mang lại tình trạng sức khoẻ tốt nhất cho con người. Nói một cách đơn giản GDSK là hoạt động thông tin giáo dục nhằm giúp cho một người, một nhóm người hay một cộng đồng nào đó có được những việc làm có lợi cho sức khoẻ. GDSK còn được định nghĩa là một quá trình tác động có mục đích, có kế hoạch vào tình cảm và lý trí của con người nhằm làm thay đổi hành vi sức khoẻ cá nhân và tập thể trong cộng đồng.  Như vậy từ định nghĩa trên ta rút ra:  Bản chất của quá trình GDSK là: 1. Là một quá trình truyền thông: - Gồm các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông (IEC) và tuyên truyền. - Tác động qua lại giữa người làm công tác GDSK và đối tượng được giáo dục chứ không phải thông tin một chiều. 2. Là quá trình tác động tâm lý. 3. Là làm thay đổi hành vi sức khoẻ: - Nhận thức: về sức khoẻ, sự cần thiết phải bảo vệ sức khoẻ, và các biện pháp bảo vệ sức khoẻ. - Thái độ: Sức khoẻ của mỗi người là nguồn lợi của bản thân. - Lòng tin: chỉ ra cái gì được chấp nhận, cái gì không được chấp nhận. - Các hành động có lợi cho sức khoẻ.  Lĩnh vực tác động của GDSK là: - Kiến thức: thông tin truyền bá kiến thức mới hoặc làm thay đổi những kiến thức sai lầm. - Thái độ: làm chuyển đổi thái độ cũ có hại cho sức khoẻ. - Cách thực hành: Hướng dẫn những kỹ năng thực hành mới hoặc làm thay đổi cách thực hành cũ  Mục tiêu cơ bản của GDSK là giúp cho mọi người: - Xác định những vấn đề và nhu cầu sức khoẻ của họ. - Hiểu rõ những điều họ có thể làm để giải quyết những vấn đề sức khoẻ và bảo vệ tăng cường sức khoẻ bằng những khả năng của chính họ và sự giúp đỡ từ bên ngoài. - Quyết định những hành động thích hợp nhất để tăng cường cuộc sống khoẻ mạnh. Định nghĩa trên cũng cho thấy GDSK là một quá trình nên cần tiến hành thường xuyên, liên tục, lâu dài, bằng nhiều biện pháp khác nhau chứ không phải là một công việc có thể làm một lần là xong. Vì vậy, để thực hiện công tác GDSK 5
  6. chúng ta phải có sự đầu tư thích đáng, hết sức kiên trì thì mới đem lại hiệu quả cao.  Khái niệm về thông tin, truyền thông - giáo dục: - Thông tin: Thông tin sức khoẻ hay còn gọi là thông tin y tế chủ yếu nhằm cung cấp các thông tin từ nguồn phát tin (có thể là người hay các phương tiện thông tin đại chúng) gửi đến người nhận để tạo ra, nâng cao nhận thức, giác ngộ và hiểu biết của họ. Thông tin y tế chủ yếu mang tính chất một chiều: Nguồn Thông Người truyền điệp nhận Sơ đồ: Quá trình thông tin (thông tin một chiều) - Tuyên truyền: Là cách lập đi lập lại các thông tin nhiều lần về cùng một đề tài theo cùng một hình thức khác nhau khiến cho người ta lúc đầu chưa tin, lâu dần cũng phải tin đó là chân lý, là sự thật. Nó mang tính áp đặt và sử dụng nhiều kỹ xảo gây ấn tượng mạnh mẽ. Nguồn tin Thông tin Người nhận Sơ đồ: Quá trình tuyên truyền (thông tin một chiều, lập đi lập lại) - Truyền thông - Giáo dục: Là một quá trình truyền thông tác động qua lại giữa người giáo dục và đối tượng giáo dục. Đó là quá trình thông tin hai chiều, trong đó thông tin phản hồi nhận được từ đối tượng là quan trọng vì nó cho biết các đáp ứng hay phản ứng của người nhận tin nhờ đó giúp cho người phát tin kịp thời điều chỉnh các thông tin đưa tiếp sau và giúp đối tượng điều chỉnh hành vi của họ. Nguồn Thông Người Hiệu truyền điệp nhận quả Phản hồi Sơ đồ: Quá trình tuyên truyền – giáo dục (thông tin hai chiều) Mô hình truyền thông có thể tóm tắt bằng những từ sau đây: + Ai nói ‘Nguồn truyền’ + Nói gì ‘Thông điệp’ + Nói cho ai ‘Người nhận’ + Nhằm mục đích gì ‘Hiệu quả’ + Bằng con đường nào ‘Phương pháp’ + Làm thế nào để biết hiệu quả ‘Phản hồi’ 6
  7. Như vậy mối liên quan giữa GDSK với thông tin, giáo dục- truyền thông và tuyên truyền là mối liên quan giữa mục đích và phương pháp, phương tiện 2.2. Nâng cao sức khoẻ Trong những năm gần đây, quan niệm về GDSK đã được mở rộng ra thành khái niệm nâng cao sức khoẻ (NCSK). - NCSK bao gồm một loạt các hoạt động được hoạch định không chỉ nhằm thay đổi hành vi sức khoẻ của con người mà còn nhằm cải thiện các điều kiện sống và làm việc của con người thông qua những thay đổi về tổ chức luật pháp và môi trường hỗ trợ cho hành vi dẫn đến việc tăng cường cho sức khoẻ. - NCSK bao gồm cả GDSK. - GDSK là thành phần chủ chốt của NCSK. Do đó định nghĩa NCSK thường dùng là GDSK cộng với can thiệp về tổ chức và chính sách có liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những thay đổi về hành vi và môi trường để cải thiện sức khoẻ nâng cao chất lượng cuộc sống. - Khái niệm về nâng cao sức khoẻ được tuyên ngôn Ottawa nêu ra: Nâng cao sức khoẻ là quá trình giúp mọi người có đủ khả năng kiểm soát toàn bộ sức khoẻ và tăng cường sức khoẻ của họ. Để đạt được tình trạng hoàn toàn khoẻ mạnh về thể chất, tinh thần và xã hội, các cá nhân hay nhóm phải có khả năng xác định và hiểu biết các vấn đề sức khoẻ của mình và biến những hiểu biết thành hành động để đối phó được với những thay đổi của môi trường tác động đến sức khoẻ. 3. Mục đích của GDSK - Mục đích của GDSK là cung cấp cho mọi người biết những kiến thức cần thiết để bảo vệ và nâng cao sức khoẻ, kéo dài tuổi thọ có ích cho xã hội. - Giới thiệu các dịch vụ sức khoẻ để mọi người biết. - Vận động, thuyết phục để mọi người từ bỏ các hành vi lạc hậu có hại cho sức khoẻ của họ và thực hiện những hành vi sức khoẻ lành mạnh để họ tự tạo ra, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ cho bản thân, cho gia đình và cộng đồng bằng chính những nỗ lực của họ. - Chăm sóc sức khoẻ dựa vào sự tham gia của cộng đồng là một giải pháp mang lại hiệu quả cao. Chính các cá nhân trong cộng đồng được trang bị các kiến thức khoa học về phòng, chữa bệnh, họ sẽ là những người “thầy thuốc” thường xuyên chăm lo sức khoẻ cho họ, cho gia đình và cộng đồng họ một cách lâu dài, rộng rãi và có hiệu quả nhất. Đây chính là chức năng của công tác GDSK. Như vậy GDSK cung cấp các kiến thức khoa học về sức khoẻ và chăm sóc, nâng cao sức khoẻ để đạt được mục đích cuối cùng là làm cho đối tượng được GDSK thực hành những hành vi có lợi cho cho chính sức khoẻ của họ cũng như của gia đình và cộng đồng trong đó có họ sinh sống. 7
  8. 4. Vị trí, vai trò của GDSK 4.1. Vị trí của GDSK trong CSSKBĐ: Trong những năm gần đây vai trò của GDSK ngày càng có vị trí quan trọng trong CSSK nói chung và CSSKBĐ nói riêng. Từ kinh nghiệm trong thực tế đã chỉ ra rằng: các dịch vụ về chăm sóc sức khoẻ sẽ có hiệu quả thấp nếu không có sự hỗ trợ của GDSK và phối hợp với GDSK. Hội nghị Alma_Ata (do WHO và UNICEF tổ chức) năm 1978 đã chỉ ra: sức khoẻ bắt đầu từ trách nhiệm của mỗi cá nhân. Mỗi cá nhân trong cộng đồng xã hội cần có đủ sức khoẻ để sống cuộc sống lao động có ích cho xã hội. Để có cuộc sống khoẻ mạnh mỗi người cần hiểu rõ và phân biệt giữa những thực hành có lợi và thực hành có hại cho sức khoẻ, từ đó quyết định lựa chọn những phương thức thực hành có lợi nhất cho sức khoẻ [7]. Tổ chức Y tế Thế giới đã nhận rõ vai trò của GDSK và xếp GDSK là nội dung thứ 1, nội dung trung tâm trong 8 nội dung CSSKBĐ [7]. Bộ Y tế Việt Nam cũng đã đưa GDSK lên vị trí hàng đầu trong 10 nội dung của CSSKBĐ ở Việt Nam. Cung cấp nước Kiện toàn sạch và thanh mạng lưới y tế khiết môi cơ sở trường. Dinh dưỡng và Quản lý sức vệ sinh thực khoẻ phấm. Điều trị các GDSK bệnh và các Chăm sóc sức vết thương khoẻ bà mẹ trẻ thông thường. em Cung cấp Tiêm chủng thuốc thiết yếu mở rộng Phòng chống các bệnh dịch lưu hành Sơ đồ: Vị trí của GDSK trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu GDSK là một phần của chăm sóc sức khoẻ, nó liên quan đến tăng cường các hành vi lành mạnh. GDSK có liên quan đến tất cả các nội dung khác của CSSKBĐ vì tất cả các nội dung của CSSKBĐ đều có nội dung về GDSK. Ví dụ giáo dục phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, vệ sinh dinh dưỡng an toàn thực phẩm…Làm tốt công tác GDSK sẽ tạo tiền đề vững chắc để thực hiện các nội dung khác của CSSKBĐ. Ngược lại, nếu các nội dung khác của CSSKBĐ được thực hiện tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các chương trình GDSK khác. 4.2. Vai trò - GDSK là một bộ phận công tác y tế quan trọng nhằm làm thay đổi hành vi sức khoẻ góp phần tạo ra, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ cho mọi người. - Các hành vi của con người có thể là nguyên nhân của các vấn đề sức khoẻ, nhưng hành vi cũng là giải pháp chính để giải quyết các vấn đề của họ. Thông qua GDSK 8
  9. chúng ta giúp mọi người hiểu được các hành vi của họ có ảnh hưởng đến sức khoẻ của họ như thế nào. - GDSK có vai trò to lớn trong việc phòng bệnh. GDSK giúp đỡ đối tượng tự giác thay đổi hành vi sức khoẻ ở cả 3 cấp dự phòng. Do đó nếu GDSK đạt hiệu quả nó sẽ giúp làm giảm tỉ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tàn phế và tỉ lệ tử vong. - GDSK không thể nào thay thế các dịch vụ y tế khác nhưng nó cần thiết để tăng cường sử dụng hợp lý các dịch vụ y tế này. Trong thực tế nếu không làm tốt GDSK thì nhiều chương trình y tế sẽ đạt kết quả thấp và không bền vững thậm chí có nguy cơ thất bại. So với các giải pháp DVYT khác, GDSK là một công tác khó làm, khó đánh giá kết quả nhưng nếu làm tốt sẽ mang lại hiệu quả cao nhất với chi phí ít nhất, nhất là ở tuyến y tế cơ sở. - GDSK giữ một vai trò quan trọng trong việc vận động nhân dân tham gia vào các chương trình y tế xã hội. 5. Trách nhiệm thực hiện GDSK - GDSK là một bộ phận không thể tách rời của hệ thống y tế, của tất cả các chương trình y tế, của các cơ sở y tế và là một chức năng bắt buộc của tất cả cán bộ y tế chứ không phải chỉ là nhiệm vụ của các cán bộ, các tổ chức chuyên trách về GDSK. - Cần tổ chức điều phối mọi nỗ lực của cộng đồng nhằm thực hiện tốt mục tiêu chương trình GDSK. - Lồng ghép GDSK vào các hoạt động CSSKBĐ và các chương trình y tế đang triển khai ở địa phương. - Lồng ghép các chương trình GDSK vào các chương trình kinh tế xã hội nhằm tận dụng được sự hỗ trợ của chính quyền, của các tổ chức đoàn thể trong công tác GDSK (xã hội hoá GDSK). 6. Hệ thống tổ chức GDSK ở Việt Nam - GDSK là một bộ phận hữu cơ không thể tách rời của hệ thống y tế nhà nước, là một chức năng bắt buộc của mọi cán bộ y tế, của mọi cơ quan từ trung ương đến cơ sở. - GDSK là một hệ thống những biện pháp nhà nước, xã hội và y tế chứ không phải chỉ riêng ngành y tế chịu trách nhiệm. Các đoàn thể tổ chức quần chúng như Hội chữ thập đỏ, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Đoàn thanh niên,...cũng có vai trò hết sức quan trọng trong việc thực hiện GDSK. Nghĩa là phải xã hội hoá công tác GDSK. Lồng ghép GDSK vào các chương trình y tế và vào các chương trình kinh tế văn hoá xã hội của địa phương là phương thức làm GDSK khôn khéo nhất có hiệu quả nhất ở tuyến cơ sở. 6.1. Tuyến Trung ương Trung tâm truyền thông giáo dục sức khoẻ (TT-GDSK) trực thuộc Bộ Y tế: Theo quyết định số 1914/1999/QĐ-BYT ngày 28/6/1999 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe (TT - GDSK) trung ương có những chức nǎng và nhiệm vụ chính sau: - Tổ chức thực hiện truyền thông giáo dục sức khoẻ 9
  10.  Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch truyền thông giáo dục sức khỏe.  Tổ chức tuyên truyền đường lối của Đảng, các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của Ngành Y tế về chǎm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, biên soạn và sản xuất các tài liệu về truyền thông giáo dục sức khỏe. - Nghiên cứu khoa học  Nghiên cứu các hành vi sức khỏe của cộng đồng  Nghiên cứu các tài liệu truyền thông giáo dục sức khỏe.  Ứng dụng các phương pháp truyền thông giáo dục sức khỏe của các nước và các tổ chức trên thế giới vào Việt Nam. - Chỉ đạo tuyến về truyền thông giáo dục sức khỏe  Củng cố mạng lưới truyền thông giáo dục sức khỏe trong cả nước.  Chỉ đạo các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ cho mạng lưới về truyền thông giáo dục sức khỏe.  Cung ứng các tài liệu truyền thông giáo dục sức khỏe cho các đối tượng có nhu cầu. - Đào tạo cán bộ  Đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác truyền thông giáo dục sức khỏe ở các cấp.  Đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ truyền thông giáo dục sức khỏe cho các đối tượng khác có nhu cầu. - Hợp tác quốc tế  Hợp tác với các nước và tổ chức quốc tế về lĩnh vực truyền thông giáo dục sức khỏe.  Cử và nhận cán bộ để đào tạo và trao đổi kinh nghiệm về truyền thông giáo dục sức khỏe trong nước và nước ngoài. - Quản lý đơn vị  Quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của đơn vị và của các chương trình dự án theo chế độ và chính sách của Nhà nước.  Xuất bản các tài liệu truyền thông giáo dục sức khỏe để cung ứng cho các đối tượng có nhu cầu. Phòng chỉ đạo ngành của các viện chuyên khoa đầu ngành ở trung ương: Chỉ đạo hướng dẫn các cơ sở tuyến dưới các biện pháp phòng và điều trị bệnh và giải quyết các vần đề sức khoẻ thuộc ngành mình. 6.2. Tuyến tỉnh, thành phố Theo quyết định số 911/1999/QĐ-BYT ngày 31/3/1999 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Trung tâm TT – GDSK trực thuộc các Sở Y tế tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan chuyên môn thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo mọi hoạt động TT-GDSK trong phạm vi trên địa bàn [8]. Nhiệm vụ chính của các trung tâm: 10
  11. - Căn cứ định hướng chiến lược công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, kế hoạch truyền thông- giáo dục sức khoẻ của Bộ Y tế và của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để xây dựng kế hoạch Truyền thông - Giáo dục sức khoẻ (TT- GDSK) và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch sau khi được phê duyệt. - Xây dựng, quản lý và chỉ đạo các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của mạng lưới Truyền thông - Giáo dục sức khoẻ trên địa bàn. - Tổ chức, phối hợp đào tạo và đào tạo lại về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, cộng tác viên và các đối tượng làm công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ. - Tham gia và tổ chức công tác nghiên cứu khoa học về Truyền thông - Giáo dục sức khoẻ trên địa bàn. - Quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, sản xuất các tài liệu về Truyền thông - Giáo dục sức khoẻ của đơn vị theo đúng qui định của pháp luật. - Thực hiện công tác hợp tác quốc tế về Truyền thông - Giáo dục sức khoẻ theo chủ trương, đường lối của Đảng và các quy định hiện hành của Nhà nước. - Tổ chức việc tuyên truyền giáo dục pháp luật về chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân và triển khai các công tác tuyên truyền khác trong lĩnh vực y tế khi được Sở Y tế giao. Ngoài ra, các Trạm chuyên khoa, Trung tâm Y học dự phòng, các chuyên khoa đầu ngành ở các bệnh viện tỉnh, thành phố cũng tham gia chỉ đạo công tác GDSK theo các chuyên ngành dọc. 6.3. Tuyến huyện, quận Các cơ quan y tế trên địa bàn huyện bao gồm Phòng Y tế, Trung tâm y tế dự phòng, và bệnh viện huyện cần phối hợp chỉ đạo lồng ghép các hoạt động TT-GDSK với các hoạt động, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ khác, Theo quyết định số 20/2005/QĐ-BYT ngày 9 - 9 – 2005 về việc ban hành quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm y tế dự phòng huyện trong đó có phòng truyền thông giáo dục sức khoẻ [9]. Hầu hết các chương trình, dự án y tế triển khai trên địa bàn quận/huyện đều có hoạt động TT-GDSK cần được tổ chức chỉ đạo thực hiện tốt. 6.4. Tuyến phường xã Trạm y tế xã phường: Trạm y tế xã phường là tuyến y tế đầu tiên trong hệ thống y tế nhà nước, trực tiếp tiếp xúc, phục vụ sức khoẻ người dân hang ngày, vì thế các hoạt động TT-GDSK cho dân rất cần thiết và có ý nghĩa thiết thực trong công tác nâng cao sức khoẻ cộng đồng. Trưởng trạm y tế chịu trách nhiệm chỉ đạo công tác giáo dục sức khoẻ và tất cả các cán bộ y tế trong xã kể cả các cán bộ hành nghề y tế tư nhân cũng cần được động viên tham gia làm công tác GDSK. Cán bộ y tế xã phường có vai trò quan trọng trong thực hiện xã hội hoá công tác y tế nói chung và TT-GDSK nói riêng. TT-GDSK ở tuyến xã, phường sẽ không thể đạt kết quả tốt nếu không thu hút được sự tham gia của các cá nhân, các đoàn thể, các tổ chức xã hội và toàn thể cộng đồng. Nâng cao vai trò chủ động của cộng đồng trong giải quyết các vấn đề sức khoẻ đòi hỏi cán bộ trạm y tế phải đẩy mạnh các hoạt động TT-GDSK. Để giải quyết một số vấn đề bệnh tật, sức khoẻ hiện nay như lao, phong, HIV/AIDS, dân số kế hoạch hoá gia đình….thì TT-GDSK cho cộng đồng vẫn là một trong các biện pháp 11
  12. hàng đầu mà trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này là các cán bộ trạm y tế xã, phường. Cán bộ trạm y tế xã phường còn có nhiệm vụ trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo các hoạt động TT- GDSK cho cán bộ y tế thôn bản. Y tế thôn bản: Mạng lưới y tế thôn bản ở nước ta đã được hình thành theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Mỗi thôn bản có một cán bộ y tế hoạt động, đây là những cán bộ y tế chăm sóc sức khoẻ sát nhân dân. Bộ Y tế đã xác định cán bộ y tế thôn bản có nhiệm vụ chủ yếu, trọng tâm là thực hiện các hoạt động TT-GDSK cho nhân dân về vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, phòng chống các bệnh tật, tai nạn, ngộ độc phổ biến thường gặp, phát hiện sớm các bệnh thường gặp, thực hiện sơ cứu ban đầu. Để hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ của mình, các cán bộ y tế thôn bản cần được đào tạo các kiến thức và kỹ năng cơ bản về TT-GDSK và lập kế hoạch cho hoạt động GDSK tại cộng đồng. TÓM LẠI TT-GDSK giữ vai trò quan trọng bậc nhất trong các hoạt động chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Vì vậy, cần phải được hoàn thiện và phát triển. Các hoạt động này không thể tách rời các hoạt động chăm sóc sức khoẻ, các chương trình y tế, các cơ sở y tế và không chỉ là nhiệm vụ của các cán bộ, các tổ chức TT-GDSK mà là nhiệm vụ của mọi cán bộ y tế. TT-GDSK cần phải được thực hiện thường xuyên tại tất cả các cơ sở y tế như các bệnh viện, phòng khám bệnh, trạm chuyên khoa, các trung tâm y tế dự phòng, trung tâm y tế ngành, các khu điều dưỡng phục hồi sức khoẻ, các trạm y tế cơ sở xã phường, cơ quan, trườnghọc, nhà máy xí nghiệp….Hệ thống tổ chức TT-GDSK ở nước ta đã từng bước hình thành và phát triển để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong hoạt động TT- GDSK cho cộng đồng. CÂU HỎI LƯỢNG GIÁ Câu 1. Các vấn đề sức khoẻ bệnh tật phổ biến ở các nước đang phát triển là gì? Câu 2. Bản chất của quá trình GDSK là gì? Câu 3. Lĩnh vực tác động của GDSK là gì? Câu 4. Tại sao GDSK lại có vai trò quan trọng nhất trong CSSKBĐ? Câu 5. Mục đích của GDSK là gì? Câu 6. Ai có trách nhiệm thực hiện công tác GDSK? Câu 7. Tại sao tuyến xã phường lại có vai trò quan trọng trong thực hiện công tác GDSK? 12
  13. Bài 2. HÀNH VI SỨC KHOẺ - QUÁ TRÌNH THAY ĐỔI HÀNH VI SỨC KHOẺ MỤC TIÊU Sau bài học này sinh viên có khả năng: 1. Trình bày được các yếu tố ảnh hưởng đến sức khoẻ. 2. Trình bày được định nghiã hành vi sức khoẻ, các thành phần hành vi và các loại hành vi sức khoẻ. 3. Phân tích được các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi. 4. Trình bày được các bước của quá trình thay đổi hành vi sức khoẻ cá nhân, vai trò và kỹ năng của người làm công tác GDSK. NỘI DUNG MỞ ĐẦU Mục đích của GDSK là cung cấp cho mọi người biết những kiến thức cần thiết để bảo vệ và tăng cường sức khoẻ. Ngành y tế dù có đầu tư nhiều đến đâu để phát triển các cơ sở phòng bệnh, chữa bệnh cũng không thể thực hiện hết mọi nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cho mọi cá nhân trong cộng đồng. Chăm sóc sức khoẻ dựa vào sự tham gia của cộng đồng là một giải pháp mang lại hiệu quả cao. Chính các cá nhân trong cộng đồng mà các kiến thức khoa học về sức khoẻ và chăm sóc sức khoẻ sẽ là những người “thầy thuốc” thường xuyên chăm lo sức khoẻ cho họ, cho gia đình, và cho cộng đồng họ một cách lâu dài và có hiệu quả nhất. Đây chính là chức năng của GDSK nhằm mục đích cuối cùng là làm cho đối tượng được GDSK thực hành các hành vi sức khoẻ lành mạnh. Trong nhiều hoàn cảnh khác nhau không chỉ cá nhân cần thay đổi hành vi mà có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hành vi của họ. GDSK cần phân tích kỹ lưỡng các yếu tố này khi muốn thay đổi hành vi sức khoẻ của con người 1. Các yếu tố ảnh hưởng đến sức khoẻ Sức khoẻ là một lĩnh vực hết sức nhạy bén của cuộc sống. Có thể nói rằng tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống đều tác động đến sức khoẻ hoặc chịu tác động của sức khoẻ. Các nguy cơ của sức khoẻ xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau. Một số nguy cơ có nguồn gốc sinh học trong đó những cái mang tính chất di truyền. Có những nguy cơ là hậu quả của hành vi cá nhân của con người. Lại có những nguy cơ nãy sinh từ môi trường sống của từng cá nhân, bao gồm những tác động tự nhiên và những điều kiện kinh tế xã hội. Những nguy cơ này thường cùng tác động dẫn đến một bệnh nào đó.Việc kiểm soát những nguy cơ sức khoẻ không đơn giản, không thể đo được một cách chính xác tác động của từng yếu tố nguy cơ đối với sức khoẻ do tính chất phức tạp của chúng. Tuy nhiên, việc phân loại các yếu tố tác động đến sức khoẻ thành các nhóm lớn đã được một số người thực hiện. Để thuận tiện cho việc phân tích mối quan hệ giữa sức khoẻ và các yếu tố tác động có thể sử dụng phân loại theo tác giả Last và Wallet (1991) đưa ra. Theo sự phân loại này các yếu tố được xếp thành 4 nhóm chính: 13
  14. 1.1. Các yếu tố di truyền: Một số bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm (sickle-cell anemia), đái đường có thể được truyền từ cha mẹ sang con cái. Đối với các bệnh mà yếu tố di truyền có thể là một nguyên nhân nhưng không phải là nguyên nhân duy nhất như đái đường, béo phì, cao huyết áp, thì mỗi cá nhân cần tìm kiếm những lời khuyên về những việc cần làm để giảm nhẹ nguy cơ như thay đổi thói quen ăn uống hoặc cần được kiểm tra sức khoẻ thường xuyên. Trong những trường hợp này vai trò của người làm công tác GDSK rất quan trọng. Mặc khác, vai trò con người ở đây là phải tiếp tục nâng cao sự hiểu biết về những yếu tố đột biến gen do một số nguyên nhân gây ra (Ví dụ các hoá chất có trong môi trường) và cũng nên khuyến khích những người có nguy cơ do tiền sử bản thân hoặc nằm trong nhóm có nguy cơ cao, quan tâm và tìm kiếm tư vấn liên quan đến di truyền giúp họ có quyết định phù hợp với hoàn cảnh riêng của họ. 1.2. Các yếu tố môi trường: Môi trường tự nhiên: nhiệt độ, độ ẩm, mức độ ồn ào, các chất ô nhiễm, phóng xạ, thiên tai, lụt lội, gió bảo,… Khi con người bắt đầu có những khái niệm về sức khoẻ thì cũng nhận ra rằng sức khoẻ liên quan mật thiết với một số yếu tố nhất định của môi trường xung quanh. Việc bảo vệ môi trường (cũng là bảo vệ chính bản thân mình) trở thành mối quan tâm lớn và hàng đầu của các cơ quan pháp luật và thông tin đại chúng. Vấn đề môi trường lớn nhất ảnh hưởng đến sức khoẻ là sự ô nhiễm môi trường nước và thực phẩm là nguồn truyền các bệnh như tả, thương hàn. Có rất nhiều vụ ngộ độc thức ăn đồ uống kể cả đồ hộp. Các bệnh nhiễm khuẩn và bệnh do ký sinh trùng gây ra vẫn còn phổ biến ở các nước đang phát triển là hậu quả của việc dùng nước không an toàn và việc quản lý rác chưa tốt. Môi trường xã hội: Các nhà dịch tể học đã kiểm tra để xác định những ảnh hưởng của các yếu tố xã hội như thu nhập, học vấn, nghề nghiệp, giới, chủng tộc, tập quán, luật pháp, đạo đức,… đến sức khoẻ. Tình trạng kinh tế xã hội (được đánh giá dễ nhất qua thu nhập) liên quan chặt chẽ đến tình trạng sức khoẻ. Người ta đã phát hiện qua các cuộc nghiên cứu rằng điều kiện kinh tế xã hội càng tốt thì tỉ lệ tử vong càng thấp. Những người theo cùng một tôn giáo thường có một số thói quen sức khoẻ giống nhau ví dụ như việc ăn chay, kiêng rượu bia,… Những nhóm người này thường có tỉ lệ bệnh tim mạch và ung thư thấp hơn. Môi trường nhân tạo như bếp lửa bất cẩn, nhà ở chật chọi, cống rảnh lộ thiên, chai lọ vỡ, đường xá tồi tệ có thể gây ra tai nạn; Điều kiện căng thẳng ở nơi làm việc, trong gia đình và tại cộng đồng,… có thể dẫn tới bệnh tật. 1.3. Các yếu tố thuộc về chăm sóc sức khoẻ Chất lượng chăm sóc, khả năng sẵn có và việc sử dụng các dịch vụ y tế ,… đều có ảnh hưởng lớn. Ví dụ, ở Mỹ tuổi thọ được nâng lên từ 47 tuổi, năm 1900, lên 75 tuổi. Nguyên nhân lớn nhất để nâng tuổi thọ là sự giảm tỉ lệ tử vong do các bệnh nhiễm khuẩn. Các cuộc nghiên cứu cho thấy có 3 yếu tố tác động mạnh nhất đến việc nâng cao sức khoẻ: - Chăm sóc y tế tốt hơn, thuốc tốt hơn - Dinh dưỡng được cải thiện - Điều kiện lao động tốt hơn an toàn hơn 14
  15. 1.4. Hành vi cá nhân Như sự lựa chọn của cá nhân về dinh dưỡng, nghĩ ngơi, thể dục rèn luyện thân thể, nghiện hút, hành vi tình dục,… tác động mạnh đến sức khoẻ. Ở các nước đang phát triển, ngoài những những vấn đề sức khoẻ lớn là suy dinh dưỡng và nhiễm khuẩn, những vấn đề sức khoẻ của ngày nay còn có bệnh tim mạch, ung thư, nghiện hút… .Hút thuốc lá là hành vi có hại nhiều đối với sức khoẻ. Hút thuốc lá là một nguyên nhân của ung thư phổi, có liên quan đến bệnh tim mạch, viêm phế quản. Thói quen ăn uống quá nhiều mỡ làm tăng lượng cholesterol, một nguyên nhân gây bệnh tim béo phì cao huyết áp. Có những thức ăn chứa chất hoá học gây ung thư ví dụ như các loại thịt hun khói. Nghiện rượu tiêm chích, ma tuý là một vấn đề được y tế công cộng rất quan tâm vì có nhiều người có thói quen này. Nghiện rượu là một nguyên nhân trầm trọng gây tai nạn giao thông và có thể dẫn tới tử vong. Tai nạn, đặc biệt là tai nạn giao thông, đang xảy ra với chiều hướng gia tăng lý do chủ yếu là không tuân theo các luật lệ giao thông và các quy tắc an toàn lao động. Một vấn đề sức khoẻ khác liên quan nhiều đến hành vi cá nhân là AIDS. Nạn chích ma tuý gây một nỗi lo ngại cho toàn xã hội nhất là khi đại dịch HIV/AIDS đang hoành hành trên toàn cầu. Nhận xét: 1. Các bệnh di truyền và những ảnh hưởng của thời tiết thường không kiểm soát được. Tuy vậy bệnh nhân cũng cần được tham vấn để đương đầu với bệnh tật. 2. Nhiều nguyên nhân của bệnh tật có thể thay đổi. Nhờ có kháng sinh, nhờ tiêm chủng, các bệnh do vi trùng gây ra đã dần dần bị khống chế. Nhưng con người vẫn tiếp tục đối đầu với các bệnh do chính nếp sống hành vi của họ gây ra: rượu, ma túy, có thai ngoài ý muốn, tai nạn giao thông, bệnh do thực phẩm. Ngay cả các bệnh do vi trùng như STDs, bệnh nhiễm HIV/AIDS,… thì cũng có sự góp phần chủ yếu của hành vi. 2. Hành vi sức khoẻ 2.1. Định nghĩa  Hành vi là gì? - Hành vi là một phức hợp những hành động của con người xảy ra một cách thường xuyên có ý thức hoặc vô thức mà những hành động này chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bên trong cá nhân (gồm nhận thức) và bên ngoài (phong tục tập quán, thói quen, yếu tố di truyền, môi trường, xã hội, văn hoá, kinh tế, chính trị. Ví dụ: hành vi thực hiện các điều lệ về vệ sinh an toàn lao động; hành vi tôn trọng luật pháp). - Nói cách khác, Hành vi là những cách ứng xử hàng ngày đối với một sự việc một hiện tượng một ý kiến hay một quan điểm.  Hành vi sức khoẻ là gì? - Hành vi sức khoẻ là những thuộc tính cá nhân như nhận thức, niềm tin, các hành động và thói quen của con người có ảnh hưởng tốt hoặc xấu đến sức khoẻ của người đó và những người xung quanh. - Định nghĩa khác: Theo Gochman D.S, 1988, Hành vi sức khoẻ là những thuộc tính cá nhân như nhận thức, niềm tin, sự mong muốn, động cơ, giá trị, các đặc 15
  16. điểm nhân cách kể cả trạng thái tình cảm và xúc cảm, các hành động và thói quen có liên quan tới duy trì phục hồi và nâng cao sức khoẻ. 2.2. Các thành phần của hành vi Mỗi hành vi của một người là sự biểu hiện cụ thể của các yếu tố cấu thành nên nó, đó là các kiến thức, niềm tin, thái độ và cách thực hành của người đó trong một tình huống hay trong một sự việc cụ thể nào đó. 2.3. Các loại hành vi sức khoẻ Theo ảnh hưởng của hành vi, hành vi sức khoẻ có thể được phân thành 3 loại: - Hành vi có lợi cho sức khoẻ: o Những hành vi lành mạnh được người dân thực hành để phòng chống bệnh tật, tai nạn, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ, hay các hành động mà một người thực hiện để làm cho họ hoặc những người khác khoẻ mạnh và phòng các bệnh tật. Ví dụ: tập thể dục, dinh dưỡng hợp lý, thực hành vệ sinh môi trường, nuôi con bằng sữa mẹ, cho trẻ ăn dặm đúng cách, giảm các hành vi tổn hại sức khoẻ như hút thuốc lá, nuôi con bằng sữa chai, uống quá nhiều rượu. o Hành vi sử dụng các dịch vụ y tế đúng như khám thai định kì, chăm sóc sức khoẻ trẻ theo hướng dẫn của thầy thuốc, tiêm chủng cho trẻ, kế hoạch hoá gia đình, thực hiện các chương trình khám sàng lọc bệnh… o Hành vi của những người ốm: nhận ra các triệu chứng sớm và tìm kiếm các các biện pháp chẩn đoán, điều trị đầy đủ, hợp lý, ví dụ như bù nước bằng đường uống khi bị tiêu chảy, uống thuốc đúng, đủ theo chỉ định của thầy thuốc… - Hành vi ảnh hưởng xấu cho sức khoẻ: Là các hành vi nguy cơ hoặc có tác động xấu đến sức khoẻ do một cá nhân, một nhóm người hay có thể cả một cộng đồng thực hành. Một số hành vi có hại cho sức khoẻ do cá nhân và cộng đồng thực hành đã lâu và có thể trở thành những thói quen, phong tục tập quán gây ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ của nhiều người. Ví dụ hút thuốc lá, nghiện rượu, quan hệ tình dục bừa bãi; bói toán khi ốm đau; ăn uống không điều độ; dùng sữa đặc có đường thay thế sữa mẹ để nuôi trẻ sơ sinh. - Hành vi trung gian: Bên cạnh những hành vi có lợi và có hại cho sức khoẻ, chúng ta còn thấy một số cá nhân hay cộng đồng thực hành các hành vi không có lợi cũng không có hại cho sức khoẻ hoặc chưa xác định rõ. Ví dụ như đeo vòng bạc ở cổ tay trẻ em để kỵ gió, gia đình có bàn thờ tổ tiên trong nhà. Với các loại hành vi này tốt nhất là không nên tác động đến, trái lại có thể lợi dụng việc đeo vòng đó để hướng dẫn các bà mẹ theo dõi sự tăng trưởng của con mình. Trong GDSK, điều quan trọng nhất là tạo ra các hành vi lành mạnh ở trẻ em và làm thay đổi các hành vi có hại cho sức khoẻ ở người lớn. Mục đích của TT-GDSK là giúp cho cá nhân và cộng đồng hiểu rõ hành và loại bỏ các hành vi có hại cho sức khoẻ và thực hành các hành vi có lợi cho sức khoẻ. Khuyến khích thực hành các hành vi lành mạnh có thể ngăn ngừa được nhiều bệnh như Bác sỹ Hiroshi Nakajima, tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới đã phát biểu: “Chúng ta phải nhận thấy hầu hết các vấn đề sức khoẻ 16
  17. chủ yếu của thế giới và những trường hợp chết non có thể phòng ngừa được qua những thay đổi về hành vi của con người với giá thấp. Chúng ta cần phải biết các kỹ thuật giải quyết như thế nào, nhưng các kỹ thuật đó phải biến thành hành động có hiệu quả tại cộng đồng” [10]. 3. Các yếu tố ảnh hưởng tới hành vi Con người vẫn khoẻ mạnh hay ốm đau thường là kết quả của chính hành động hoặc hành vi của họ. Có nhiều lí do vì sao con người lại ứng xử như cách họ vẫn thường làm. Nếu chúng ta muốn dùng GDSK để thúc đẩy cách sống lành mạnh thì chúng ta phải biết những nguyên nhân đằng sau hành vi. Có 4 yếu tố giúp đỡ hành vi cá nhân thay đổi: 3.1. Yếu tố thuộc về nhận thức và tình cảm 3.1.1. Con người Con người có những suy nghĩ và tình cảm khác nhau đối với cộng đồng mà họ đang sống. Những suy nghĩ và tình cảm này biểu thị những kiến thức, niềm tin, thái độ và giá trị xã hội và nó giúp con người quyết định ứng xử bằng cách này hay cách khác đối với các sự việc diễn ra. 3.1.2. Kiến thức Kiến thức phản ánh sự hiểu biết của con người về một vấn đề nhất định. Kiến thức được hình thành qua học tập, quan sát và kinh nghiệm. Bắt nguồn từ kinh nghiệm hoặc tiếp thu những thông tin từ thầy giáo, cha mẹ, bạn bè, sách vỡ, báo chí. Ví dụ: đứa trẻ đưa tay vào bếp lửa sẽ hiểu biết về nhiệt và đau. Kiến thức ấy sẽ ngăn đứa trẻ không lập lại một hành động tương tự. Trẻ em có thể nhìn thấy một con vật nào đó chạy ngang qua đường và bị xe cán phải, từ sự việc này trẻ em học được rằng chạy ngang qua đường có thể nguy hiểm và cần phải cẩn thận khi đi sang đường. Kiến thức của mỗi người được tích luỹ trong suốt cuộc đời. Trong GDSK, kiến thức là cần nhưng chưa đủ để thay đổi hành vi. Điều này không có nghĩa rằng kiến thức là không quan trọng trong việc thay đổi hành vi, nhưng chỉ kiến thức không thôi thì chưa đảm bảo là con người có thể thay đổi được những hành vi có hại cho sức khoẻ. Lẽ dĩ nhiên khi con người chưa đủ kiến thức họ sẽ không thể nhận biết về tầm quan trọng của những vấn đề sức khoẻ và không thể điều khiển được hành vi sức khoẻ của họ. 3.1.3. Niềm tin Là chấp nhận hay tin tưởng một sự kiện cho là thật hoặc đúng trên cơ sở có hoặc không có kiến thức cũng như những bằng chứng cụ thể. Niềm tin của con người là một sự dẫn dắt tới hành vi. Những hành vi do ảnh hưởng của niềm tin không phụ thuộc trên những gì con người cho là đúng. Ví dụ, người ta biết rượu có thể làm ảnh hưởng đến khả năng lái xe, nhưng họ tin rằng khả năng lái xe của họ không bị rượu làm tổn hại. Các nhà quan sát đã phân loại niềm tin và cho rằng có những niềm tin có lợi cho sức khoẻ, có những niềm tin có hại sức khoẻ, và có niềm tin không ảnh hưởng gì đến sức khoẻ (đeo vòng bạc ở cổ tay để kỵ gió; nói “cơm cá” khi trẻ ách xì; hoặc nơi liệng răng sửa khi trẻ thay răng). 17
  18. Niềm tin thường do cha mẹ hoặc những người có uy tín trong xã hội truyền cho và con người chấp nhận niềm tin với lòng tự giác, tự nguyện không bao giờ có ý định thử xem nó có đúng hay không. Niềm tin được bảo tồn rất mạnh nên khó thay đổi. Vì vậy quyết định thay đổi niềm tin không luôn luôn là giải pháp tối ưu, mà cần phải tìm hiểu các biện pháp khác. Không phải niềm tin truyền thống nào cũng không tốt và cần thay đổi mà chỉ cố gắng thay đổi những niềm tin có hại. 3.1.4. Thái độ Là một khuynh hướng suy nghĩ và cảm xúc của con người về một vấn đề gì đó biểu hiện bằng sự bằng lòng (thích) hoặc sự phản đối (không thích) đối với một vấn đề nào đó. Có những loại thái độ như tích cực, tiêu cực, coi trọng, thờ ơ, coi thường… Trong lĨnh vực GDSK cần quan tâm đến thái độ của đối tượng đến các vấn đề sức khoẻ, các thói quen, phong tục tập quán ảnh hưởng đến sức khoẻ cá nhân, cộng đồng. Thái độ thường bắt nguồn từ niềm tin, kinh nghiệm tích luỹ qua cuộc sống. Thái độ rất quan trọng vì thái độ quyết định phản ứng của con người với những kiến thức mới hoặc những phương pháp thực hành mới.Ví dụ một thanh niên có niềm tin rằng hút thuốc lá là một hành động để làm người lớn. Niềm tin này dẫn đến một thái độ chấp nhận hút thuốc lá để được làm người lớn. Một người không thích mang con đến trạm y tế khám bệnh vì không thích thái độ phục vụ của nhân viên y tế do chị ta đã từng bị gắt mắng. Vì vậy cần phân tích rõ tại sao mọi người lại có thái độ nhất định đối với các hành vi sức khoẻ để có tác động phù hợp nhằm làm chuyển đổi. 3.1.5. Kỹ năng Là biểu lộ khả năng của một người làm hoặc xử lý tốt một việc gì nhờ tài năng bẩm sinh cộng với việc được đào tạo hoặc thực hành. Kĩ năng và kiến thức có mối quan hệ chặt chẽ mà trong đó kỹ năng đã ứng dụng thực hành của kiến thức. Ví dụ khi con người hiểu được rằng cần làm gì, ăn thức ăn gì hoặc tập bài thể dục gì thì ắt hẳn họ có thể xây dựng cho mình những kỹ năng trong việc thực hiện những hành vi này. 3.1.6. Giá trị Là những ý tưởng, những lý tưởng, thói quen xuất phát từ một đáp ứng thuộc về tình cảm. Giá trị có quan hệ với thái độ và vì vậy liên quan tới hành vi. Ví dụ một người đàn ông biểu hiện giá trị của ông ta đối với gia đình trong những thái độ tích cực hướng về gia đình và quan tâm tới các thành viên trong gia đình. Phát hiện và phân tích các giá trị trong cộng đồng góp phần thúc đẩy thành công GDSK. Giá trị bao gồm giá trị phi vật chất và giá trị vật chất. Một số phong tục tập quán, nền văn hoá có giá trị cao trong xã hội. Một số hành vi làm giảm giá trị cuộc sống ví dụ như: tính lười nhác, ích kỷ, thiếu trung thực v.v... làm giảm giá trị đạo đức. Những giá trị có lợi cho cá nhân và xã hội được hiểu như là các giá trị tích cực và những giá trị có hại là những giá trị tiêu cực. Giáo dục sức khỏe nhằm vào phát hiện và phân tích các giá trị trong xã hội, đưa những tư tưởng mới để duy trì và phát triển các giá trị chung, đồng thời phải tính đến những giá trị về văn hoá tín ngưỡng riêng của từng cộng đồng, tránh sự đối kháng với các giá trị của cộng đồng. 3.2. Những người có ảnh hưởng quan trọng đối với chúng ta Ảnh hưởng của những người quan trọng là nguyên nhân thứ hai tác động đến hành vi. Khi một người nào đó đối với chúng ta là quan trọng, chúng ta thường lắng nghe người ấy nói và cố gắng làm những điều người ấy làm. Những người có ảnh hưởng lớn 18
  19. với chúng ta thường là: ông bà, cha mẹ, chồng vợ, những người lãnh đạo, thầy giáo, bạn bè thân thuộc, đồng nghiệp, nhưng cũng có thể của cộng đồng nói chung. Giáo viên có ảnh hưởng vô cùng quan trọng đối với học sinh, nhất là ở lứa tuổi càng nhỏ thì học sinh càng ảnh hưởng bởi các hành vi của thầy cô giáo. Nếu học sinh nhìn thấy thầy giáo rửa tay trước khi ăn chúng có thể bắt chước hành vi này của thầy giáo không có gì khó khăn. Mọi người đều thích có bạn bè và trong nhóm bạn bè chúng ta có thể dễ thấy những hành vi ứng xử của họ tương tự như nhau. Trong nhóm trẻ em vị thành niên thân thiết với nhau, nếu có một em hút thuốc lá, các em khác có thể sẽ hút thuốc lá theo. Như vậy hành vi của cá nhân chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi những người sống xung quanh ta. 3.3. Các nguồn lực Nguồn lực là nguyên nhân thứ ba ảnh hưởng hành vi con người. Nguồn lực bao gồm nhân lực, vật lực, tài lực, thời gian để thực hiện những hành vi đề ra. Nhân lực: Nhân lực đôi khi ảnh hưởng lớn đến hành vi của chúng ta. Nếu một cộng đồng nào đó có thể huy động nguồn nhân lực dễ dàng thì việc tổ chức các lao động phúc lợi cho cộng đồng sẽ được thực hiện dễ dàng thường xuyên. Ví dụ như: huy động nhân lực tham gia xây dựng trường học, trạm y tế, làm các công trình vệ sinh, thực hiện vệ sinh đường làng ngõ xóm v.v. . . Tài lực: Tiền rất cần thiết cho một số hành vi. Có những bà mẹ rất muốn chăm sóc con cái bằng cách mua các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao như: thịt, cá, trứng v.v... cho con của họ, nhưng vì không có đủ tiền nên bà mẹ buộc phải mua các loại thực phẩm phù hợp với số tiền hiện có của mình. Có một số người buộc phải thực hiện những công việc nguy hiểm, thiếu những phương tiện bảo hộ vì muốn có tiền. Thời gian: Thời gian là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến hành vi của con người, có những hành vi phải cần có thời gian để thực hành hoặc để thay đổi được. Ví dụ một thợ may có rất nhiều việc phải làm trong khoảng thời gian ngắn. Chẳng may anh ta bị đau đầu, anh ta muốn đến bệnh viện để khám bệnh, nhưng anh ta lại sợ đi khám bệnh phải chờ đợi lâu mất thời gian vì bệnh viện rất đông người và như thế anh ta sẽ không kịp trả hàng cho khách đúng hẹn. Điều này sẽ làm mất uy tín đối với khách hàng nên anh quyết định đến hiệu thuốc gần nhà mua thuốc tự điều trị. Nguồn dịch vụ y tế rất quan trọng nhưng nếu không thuận tiện (quá đông) cũng ảnh hưởng đến hành vi sử dụng các dịch vụ đó. 3.4. Nền văn hoá Văn hoá tổng hợp của rất nhiều các yếu tố bao gồm kiến thức, mềm tin, phong tục tập quán, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, thói quen và tất cả những năng lực mà con người thu được trong xã hội. Văn hoá được thể hiện trong cách sống hàng ngày của các thành viên xã hội, văn hoá là "cách sống” (theo định nghĩa của tác giả Otto Klin Berg). Nền văn hoá đã được phát triển qua hàng ngàn năm của những người cùng chung sống trong một cộng đồng, xã hội và chia sẻ kinh nghiệm trong môi trường nhất định. Nền văn hoá tiếp tục thay đổi, có khi chậm chạp, có khi nhanh như là kết quả của quá trình tự nhiên và xã hội hoặc do giao lưu văn hoá giữa những người từ những nền văn hoá khác nhau. 19
  20. Điều quan trọng cần chú ý ở đây là văn hoá hay lối sống là sự kết hợp của hầu hết các yếu tố đã thảo luận ở trên. Trong khi các hành vi bình thường là một trong các mặt của văn hoá, ngược lại văn hoá có ảnh hưởng sâu sắc đến hành vi của con người. Trong thực tế chúng ta có thể nhìn thấy, nghe thấy, hiểu được nền văn hoá khi ta ở trong một cộng đồng, bằng quan sát các kiểu ăn mặc, sử dụng thực phẩm, tổ chức làm việc hoặc nghe từ những bài hát, các câu ca dao tục ngữ hay cách nói thông thường... của người dân. Cách chúc mừng cũng rất khác nhau trong các nền văn minh: bắt tay, ôm nhau, hôn nhau, dùng các từ đặc biệt... Cách mọi người ăn là thể hiện một phần của văn hoá: dùng đũa ăn, ăn bằng tay, ăn bằng thìa, rìa... Mỗi nền văn hoá có cách riêng của mình để làm công việc cụ thể nào đó và tin tưởng tại sao họ lại làm như vậy. Phạm vi của hành vi, niềm tin và giá trị giúp cho con người hiểu và cảm thấy cuộc sống thoải mái. Mỗi nền văn hoá đại diện cho một phương thức mà cộng đồng tìm ra để chung sống cùng nhau trong môi trường của họ. Khi một người đến một cộng đồng mới có nền văn hoá của họ, lúc đầu người này có thể gặp khó khăn và khó được cộng đồng chấp nhận vì người này không hiểu hành vi ứng xử và suy nghĩ của cộng đồng. Các giáo viên, cán bộ y tế, cán bộ làm công tác giáo dục sức khỏe khi mới đến một cộng đồng công tác đôi khi cũng gặp khó khăn tương tự do đặc điểm nghề nghiệp cách nghĩ và cách làm việc khác nhau. Vì thế trước khi tiến hành công việc họ phải nghiên cứu càng kỹ càng tốt về nguyên nhân của các hành vi của nhân dân trong cộng đồng, những đặc trưng của văn hoá cộng đồng, điều này sẽ giúp họ được cộng đồng chấp nhận và tiến hành công việc thuận lợi. Như vậy ta có thể có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến các hành vi của con người. Cùng một cách ứng xử nhưng cũng có thể có nhiều lý do khác nhau: Ví dụ: ba bà mẹ cùng cho con ăn trái cây nhưng khi hỏi, họ trả lời với những lý do khác nhau: - Bà mẹ thứ nhất cho là cho con ăn trái cây sẽ khỏe mạnh. - Bà mẹ thứ hai cho là vì bà mẹ chồng trước đây thường cho chồng bà ăn trái câ y nên bà cũng cho con bà ăn như vậy. - Còn bà mẹ thứ ba thì cho con ăn trái cây vì có giá rẻ hơn các loại bánh kẹo. Tóm lại, có nhiều lí do vì sao con người lại ứng xử như họ vẫn thường làm. Vì vậy, cần phải tìm hiểu kỹ những nguyên nhân của các hành vi chúng ta có thể có khả năng đề xuất những giải pháp thích hợp nhằm góp phần giải quyết những vấn đề có liên quan đến sức khỏe của cá nhân hay cộng đồng. 4. Mô hình phân tích hành vi - BASNEF Một số những mô hình và lí thuyết về hành vi và thay đổi hành vi đã được phát triển theo thời gian bởi một số những nhà tâm lí học, khoa học xã hội, v.v. Dưới đây là một trong số những mô hình “BASNEF”, một mô hình tổng hợp được trình bày. Mặc dù đây là sự đơn giản hóa của một thực tiễn phức tạp, mô hình này được trình bày bởi vì nó giúp chúng ta xem xét hành vi và những bước trong việc ra quyết định về giáo dục y tế. BASNEF là chữ viết tắt của niềm tin (Beliefs), thái độ (Attitudes), chuẩn mực của chủ thể (Subjective Norms) và yếu tố cho phép (Enabling Factors), là những yếu tố được cho là ảnh hưởng đến hành vi cá nhân. Mô hình Basnef được tóm tắt theo sơ đồ sau: 20
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
4=>1