intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tài liệu về kỹ thuật trồng, đặc điểm sinh lý và phân bố của cây Sa Nhân tím

Chia sẻ: Nguyen Phuong Anh | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:6

110
lượt xem
12
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Cây thảo, sống lâu năm, cao 1,5 – 2,5 m hoặc hơn. Thân rễ có các lá bẹ, mọc bò lan chằng chịt trên mặt đất. Lá mọc so le thành hai dãy, hình mác, dài 20 – 30 cm, rộng 5 – 6 cm, gốc hình nêm, đầu thuôn nhọn, mép nguyên, hai mặt nhẵn, mặt trên sẫm bóng, mặt dưới nhạt; cuống lá dài 5 – 10 mm; bẹ lá to, dài, có khía, lưỡi bẹ mỏng, dài 1,5 – 3,0 cm, phần gốc ôm lấy thân.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tài liệu về kỹ thuật trồng, đặc điểm sinh lý và phân bố của cây Sa Nhân tím

  1. SA NHÂN TÍM Amomum longiligulare T. L. Wu, 1977 Tên khác: Sa nhân tím, mé trẻ bà; mác nẻng (Tày); co nẻng (Thái); sa ngần (Dao); pa đoóc (K’ Dong); la vê (Ba Na); Malabar cardamom, tavoy cardamom (Anh); amome à ligule longue (Pháp). H ọ: Gừng - Zingiberaceae Tên thương phẩm: Sa nhân, amomon Hình thái Cây thảo, sống lâu năm, cao 1,5 – 2,5 m hoặc hơn. Thân rễ có các lá bẹ, mọc bò lan chằng chịt trên mặt đất. Lá mọc so le thành hai dãy, hình mác, dài 20 – 30 cm, rộng 5 – 6 cm, gốc hình nêm, đầu thuôn nhọn, mép nguyên, hai mặt nhẵn, mặt trên sẫm bóng, mặt dưới nhạt; cuống lá dài 5 – 10 mm; bẹ lá to, dài, có khía, lưỡi bẹ mỏng, dài 1,5 – 3,0 cm, phần gốc ôm lấy thân. Cụm hoa mọc từ thân rễ thành bông ngắn. Hoa 5 – 7, tổng bao gồm lá bắc ngoài hình bầu dục, màu nâu, lá bắc trong dạng ống; đài nhỏ dài 1.5 cm, có 3 răng nhọn; tràng hình ống dài 1,3 – 1,5 cm, màu trắng, chia 3 thuỳ, mặt ngoài có lông thưa, thuỳ giữa hình trứng ngược, hai thuỳ bên hẹp; cánh môi gần tròn, đường kính 2,0 – 2,6 cm, mép màu vàng, có sọc đỏ ở giữa, đầu cánh môi xẻ hai thuỳ nhỏ gập ra phía sau, không có nhị lép, chỉ nhị dài hơn bao phấn; bầu hình trụ tròn, hơi phình ở giữa, có lông trắng. Quả hình cầu hoặc hơi hình trứng, đường kính Sa nhân tím 1,3 – 2 cm, dài 1,5 – 2,5 cm, mặt ngoài có gai ngắn, Amomum longiligulare T.L.Wu mềm, màu tím, chia 3 ô, hạt đa dạng, có áo hạt nếm 1- Cụm thân mang lá; 2- Lá bẹ; 3- Cụm quả có vị ngọt, đường kính 3 – 4 mm. Toàn cây và quả vò nát có mùi thơm. Các thông tin khác về thực vật Chi Amomum Roxb. ở Việt Nam có khoảng 30 loài, trong đó có một số loài mà quả của nó được thu hái, sử dụng với tên gọi chung là “sa nhân”. Đó là: - Amomum villosum Lour: Phân bố rộng rãi khắp các vùng núi và trung du. - A. ovoideum Pierre ex Gagnep.: Phân bố rải rác ở một số tỉnh miền núi phía Bắc. - A. thyrsoideum Gagnep.: Phân bố rải rác ở một số tỉnh miền núi phía Nam.
  2. - Sa nhân tím (A. longiligulare T. L. Wu) kể trên. Cả 4 loài này, đều có các đặc điểm hình thái bên ngoài của cây, cụm hoa và quả tương đối giống nhau. Đặc điểm dễ nhận biết duy nhất là lá bẹ của sa nhân tím (A. longiligulare T.L.Wu) dài hơn nhiều (1,5 – 3,0 cm) so với lá bẹ của 3 loài kia (thường chỉ dài dưới 1,0 cm). Phân bố Việt Nam: Quảng Nam (các huyện Đông Giang, Tây Giang, Trà My); Quảng Ngãi (Ba Tơ, Sơn Hà, Trà Bồng, Sơn Tây, Đức Phổ); Bình Định (Vĩnh Sơn, Vân Canh); Phú Yên (Sông Hinh, Sơn Hoà); Khánh Hoà (Khánh Sơn, Khánh Vĩnh); Kon Tum (Sa Thầy); Gia Lai (K’ Bang, An Khê); Đắk Lắk (M’ Đrắk, Krông Bông, Krông Năng); Thuộc Miền Bắc mới chỉ thấy ở Thanh Hoá (Quan Hoá); Phú Thọ (Yên Lập). Ngoài ra, cây được trồng ở một vài địa phương khác. Thế giới: Trung Quốc (Hải Nam) và Lào. Phân bố sa nhân tím ở Việt Nam Đặc điểm sinh học Sa nhân tím là cây ưa ẩm, hơi chịu bóng hoặc có thể trở nên ưa sáng khi đã phát triển thành các quần thể nhỏ, dày đặc trên các nương rẫy cũ. Cây thường mọc thành đám ở ven rừng kín thường xanh nguyên sinh hay đã thứ sinh, nhất là dọc theo hành lang các khe suối; độ cao 450 – 700 m. Nhìn vào Phân bố sa nhân tím ở Việt Nam cho thấy, cây mọc tự nhiên chủ yếu ở các tỉnh phía Nam, từ Quảng Nam trở vào đến Bình Thuận. Những tỉnh Tập trung nhiều sa nhân tím phải kể đến: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai và Đắk Lắk. Sa nhân tím thuộc loại cây có biên độ sinh thái rộng, cây thích nghi cao với điều kiện khí hậu nhiệt đới điển hình ở các tỉnh phía Nam, với hai mùa mưa và khô rõ rệt, nhiệt độ không khí trung bình năm khoảng 22 – 24oC. Khi đem sa nhân tím ra trồng ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, nhiệt độ trung bình hàng năm thấp hơn phía Nam, lại có mùa đông lạnh kéo dài, nhưng cây vẫn sinh trưởng phát triển tốt. Mùa sinh trưởng mạnh của cây trùng với mùa mưa ẩm. Cây có khả năng đẻ nhánh khoẻ từ thân rễ. Vụ chồi đầu ra nhiều vào mùa xuân – hè; vụ sau là hè – thu. Nhánh cây chồi khi được 1 năm tuổi trở lên có thể ra hoa quả. Mùa hoa chủ yếu Tập trung vào tháng 4 - 5, quả già vào khoảng tháng 7. Ngoài ra, ngay khi chưa kết thúc vụ hoa quả này, từ tháng 6 đến tháng 7 cây lại ra thêm lứa hoa nữa, quả già vào tháng 10 (11). Tuy nhiên, lứa hoa quả thứ hai thường ít hơn nhiều so với lứa đầu. Hiện tượng này có thể phù hợp với Tập tính đẻ nhánh 2 lần trong năm đã nói trên. Khả năng ra hoa kết quả nhiều và đều đặn hàng năm của sa nhân tím là một ưu thế hơn hẳn so với các loài sa nhân khác ở Việt Nam (Nguyễn Tập và cộng sự, 1995). Song cần lưu ý rằng, quả chín của các loài sa nhân thường bị các loài bò sát (Rùa) hay động vật gặm nhấm (Sóc, Chuột) ăn. Bên cạnh khả năng tái sinh chồi nhánh, sa nhân tím còn có khả năng tái sinh tự nhiên từ hạt.
  3. Bộ phận dùng và công dụng Bộ phận dùng: Quả đã phơi hoặc sấy khô; khi sử dụng bóc lấy khối hạt. Vỏ quả và thân rễ đôi khi cũng được sử dụng. Thành phần hoá học: Quả chứa tinh dầu với hàm lượng 0,65 - 2%. Thành phần chính của tinh dầu gồm α và β- pinen, camphor, limonen, borneol, bornyl acetat, myrcen. Ngoài ra, trong quả còn chứa một số nguyên tố vi lượng như Zn, Cu, Co, Mn. Công dụng: Quả sa nhân là thuốc kích thích và giúp tiêu hoá, chữa đau bụng, đầy trướng, tiêu chảy, nôn mửa, kiết lỵ thuộc hàn, động thai. Ngày dùng: 3 - 6 g dưới dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán; thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác. Hiện đã thống kê được trên 60 bài thuốc có vị sa nhân (Nguyễn Chiều, 1993; Nguyễn Tập và cộng sự, 1995). Kỹ thuật nhân giống, gây trồng Nhân giống: Có thể nhân giống sinh dưỡng hoặc bằng hạt. Nhân giống sinh dưỡng: Nhánh con: Trong quần thể sa nhân trồng hoặc hoang dại, chọn các nhánh non dưới một năm tuổi. Nhổ mạnh cho tách khỏi cây mẹ, chặt bỏ bớt phần thân rễ và phần ngọn của thân khí sinh, chỉ để lại khoảng 50 cm. Xếp và bó gọn khoảng 100 nhánh / bó; bao bọc xung quanh bằng lá chuối hay lá dong tươi; để nơi đất ẩm (phần gốc xuống dưới), râm mát. Cây giống là các nhánh con, tốt nhất nên trồng ngay; song cũng có thể vận chuyển hoặc để được 15 đến 20 ngày. Gieo hạt: Khi thu hái cần chọn những quả già (hạt màu nâu đen), bóc ra lấy khối hạt, đãi bỏ phần áo hạt; chỉ lấy hạt chìm. Hạt thu được gieo ngay lúc còn tươi. Tại vườn ươm, trước hết cần gieo hạt trên cát vàng ẩm. Hạt gieo vào tháng 7 - 8, sau 20 - 25 ngày sẽ nẩy mầm; nếu gieo vào tháng 11 - 12, sau 35 - 40 ngày mới nảy mầm. Tỷ lệ hạt nảy mầm đạt 64 - 72%. Khi cây mầm có hai lá thật, cao 10 - 15 cm nhổ ra cấy vào bầu đất. Đất trong bầu được làm nhỏ, trộn phân chuồng mục và khoảng 1 / 3 cát vàng. Cây con cấy trong bầu sẽ được chăm sóc ở vườn ươm (có giàn che lưới hoặc phên) từ 12 đến 14 tháng, sau mới đem trồng. Lúc này cây con đã cao 30 - 40 cm, có 4 - 5 lá thật, thậm chí có cây đã đẻ nhánh. Khi trồng loại cây giống gieo từ hạt sẽ có mức độ sinh tưởng và đẻ nhánh mạnh hơn cây giống là nhánh con.
  4. Kỹ thuật trồng: Nơi trồng: Sa nhân tím có biên độ sinh thái rộng, nên có thể trồng được ở nhiều nơi, từ vùng núi có độ cao dưới 800 m xuống đến vùng trung du và thậm chí cả ở đồng bằng. Tuy nhiên, nơi trồng thích hợp nhất vẫn là ở miền núi. Đó là các khoảng đất ven rừng ẩm; đất trên các nương rẫy cũ đã bỏ hoang, bắt đầu có cây bụi hay cây gỗ nhỏ tái sinh. Ở vùng núi thấp và trung du, có thể trồng xen trong các trang trại cây ăn quả… Tuy nhiên, điều kiện quan trọng nhất để trồng sa nhân là đất phải đủ ẩm. Làm đất: Chặt phát bỏ toàn bộ những cây bụi, dây leo; chỉ để lại một số cây gỗ, với tỷ lệ che bóng 30 - 40%. Cuốc bỏ gốc cây, bổ hố sâu 10 - 15 cm, cự ly 1 x 1 m / hố. Toàn bộ khâu phát rừng, làm đất cần tiến hành trước khi trồng 1 tháng. Thời vụ trồng: Tốt nhất từ tháng 2 đến tháng 4. Đối với các tỉnh phía Nam: tháng 6 - 7. Cách trồng: Bón lót phân chuồng mục vào các hố, mỗi hố 0,5 -0,7 kg (15 - 17 tấn / ha). Đặt các nhánh cây sa nhân vào hố, lấp đất và phân, giẫm chặt. Chú ý không trồng quá sâu. Với cự ly trên, mỗi héc ta có thể trồng được khoảng 10.000 khóm sa nhân. Khi trồng xong nếu gặp hạn cần tưới nước. Đối với cây giống gieo ươm từ hạt có tỷ lệ sống cao (gần như 100% ). Cây trồng là các nhánh con, tỷ lệ sống đạt trên 80%. Những cây không mọc cần trồng giặm lại. Sau 20 - 25 ngày từ gốc sẽ mọc chồi mới. Chăm sóc: Sa nhân tím là loại cây sinh trưởng phát triển nhanh, cây trồng sau 6 tháng đã có thể mọc lên 1 - 3 chồi gốc / khóm và sau 8 - 12 tháng số nhánh có thể tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp 3, gồm 6 - 9 nhánh. Chiều cao trung bình 30 - 65 cm, với 3 - 6 lá. Việc chăm sóc sa nhân chủ yếu là thường xuyên phát bỏ các cây cỏ tái sinh, nhất là phải nhổ hết các cây xâm lấn xung quanh gốc sa nhân. Để tạo cho cây sinh trưởng phát triển tốt, từ năm thứ hai trở đi, mỗi năm cần bón thúc một lần bằng phân vi sinh hay NPK (2 - 3 tấn / ha), vào đầu mùa xuân. Sau khi đã làm sạch cỏ sa nhân có hệ thân rễ mọc nổi trên mặt đất, vì thế trong quá trình chăm sóc không cần vun gốc. Cây trồng sau 2 năm bắt đầu có hoa quả (tỷ lệ 25 - 28% / tổng số khóm) từ năm thứ 3 trở đi tăng dần. Từ năm thứ 5 trở đi, ước tính năng suất sa nhân trồng có thể đạt 0,2 – 0,3 tấn / ha / năm. Khai thác, chế biến và bảo quản Như trên đã đề cập, sa nhân tím có thể thu hái 2 lần / năm. Lần thứ nhất vào tháng 6 – 7 (vụ chính), lần thứ hai: tháng 10 - 11 (vụ phụ). Thu hái sa nhân khi quả bắt đầu già. Lúc đó trên cụm quả không còn hoa, vỏ quả ngả sang màu đất, gai ở vỏ quả không còn sắc nhọn, bóp mạnh thấy cứng, khi bóc ra thấy khối hạt đầy đặn, hạt màu nâu nhạt.
  5. Dùng dao cắt cả chùm quả, sau đó đem về phơi hay sấy ở nhiệt độ 50 - 60oC cho đến khô. Tách lấy quả (bỏ cuống chung), đóng bao. Qủa sa nhân già có tỷ lệ khô / tươi vào khoảng 65 - 70%. Ở Trung Quốc, khi quả sa nhân khô vẫn còn vỏ được gọi là ’’Xác sa”; phần hạt đã bóc vỏ mới gọi là “sa nhân”. Trên thị trường, sa nhân thường được chia ra 3 - 4 loại sau: Loại 1 - Sa nhân hạt cau: thu hái từ quả già, cả khối hạt cũng như từng hạt đã bị biến dạng (nhăn nheo), màu nâu, nhấm thấy cay nhiều và rất thơm. Loại này có giá cao nhất. Loại 2 - Sa nhân đường: thu hái lúc quả còn non, cả khối hạt cũng như từng hạt đã bị biến dạng (nhăn nheo), màu nâu nhạt hay xám, khi hơi bị ẩm chuyển thành màu nâu đậm, sờ dính tay, nhấm thấy cay và ít thơm . Cũng thuộc loại quả non, có khi người ta còn chia nhóm này thành sa nhân non và sa nhân đường riêng biệt. Loại 3 - Sa nhân vụn: Chủ yếu cũng từ loại quả non, nhưng các khối hạt bị vỡ thành các phần không bằng nhau, cùng với các hạt rời. Loại này có giá trị thương phẩm thấp nhất. Vỏ quả khô cũng được dùng làm thuốc Để đóng gói và bảo quản sa nhân, người ta cũng chia thành 2 loại: sa nhân quả khô được đựng trong bao tải loại tốt; các loại sa nhân hạt thường để trong túi giấy (loại túi xi măng) bên ngoài bao thêm một túi nilon dầy hay bao tải. Để nơi khô ráo, thường xuyên kiểm tra vì rất dể bị mốc. Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn Việt Nam là một trong số ít quốc gia có nguồn sa nhân mọc tự nhiên phong phú. Dược liệu sa nhân ở nước ta trên thực tế đã và đang được thu hái từ một nhóm loài. Trong đó chắc chắn có 4 loài Amomum villosum Lour., A. longiligulare T. L. Wu, A. ovoideum Pierre ex Gagnep. và A. thyrsoideum Gagnep.. Quan sát về hình thái quả khô (già), cũng như các khối hạt của chúng thấy tương đối giống nhau, khó phân biệt. Những kết quả nghiên cứu sâu về mặt dược học và hoá học gần đây của Đào Lan Phương (1995) và Nguyễn Thị Phương Lan (2004) đã khẳng định, hàm lượng tinh dầu cũng như thành phần hoá học của tinh dầu cả 4 loài gần giống nhau và đều đạt tiêu chuẩn trong Dược điển Việt Nam quy định. Vì thế, trên thực tế quả của các loài sa nhân kể trên từ nhiều năm nay vẫn được thị trường chấp nhận Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính riêng ở Miền Bắc, từ năm1956 –1970, ngành Ngoại thương đã xuất khẩu mỗi năm từ vài chục tấn đến 200 tấn (Đinh Vân Tự, 2001). Ước tính cả nước ta hiện nay, mỗi năm cũng khai thác được 400 - 600 tấn. Do người dân tự đi khai thác trong tự nhiên, nên sa nhân của Việt Nam trên thị trường chỉ đạt loại trung bình (gọi là sa nhân xô), nghĩa là trong đó có cả quả già, quả bánh tẻ và quả non. Giá bán tại chỗ dao động từ 30.000 đến 40.000đ / kg quả khô. Tại thị trường các tỉnh biên giới phía Bắc (Cao Bằng, Lạng Sơn, Lai Châu…) giá bán này từ 50.000 đến 80.000 đ / kg quả khô (tuỳ năm) Sa nhân của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan… Giá sa nhân trên thị trường thế giới từ 7 đến 10 đô la Mỹ / kg. Nếu mỗi năm nước ta xuất khẩu được khoảng 400 tấn sa nhân, sẽ thu được từ 2,8 đến 4 triệu USD.
  6. Sa nhân là loại cây có giá trị kinh tế cao. Để nâng cao khối lượng sa nhân của Việt Nam trên thị trường quốc tế, cần lưu ý 2 giải pháp sau: Quy hoạch vùng sa nhân: Điều tra, quy hoạch toàn bộ vùng có cây sa nhân (gồm 4 loài trên) mọc tập trung tự nhiên. Căn cứ vào chính sách giao đất giao rừng, giao cho các hộ nông dân bảo vệ, trồng, chăm sóc và thu hái quả. Việc thu hái quả cần đúng thời vụ; chế biến đúng kỹ thuật. Phát triển trồng thêm sa nhân: Kết quả nghiên cứu trồng thử 2 loài sa nhân tím (A. longiligulare T. L. Wu) và sa nhân (A. villosum Lour.) của Viện Dược liệu đã khẳng định, loài sa nhân tím mọc tự nhiên cũng như khi được trồng, ra hoa, quả hàng năm nhiều hơn loài sa nhân kia. Vì thế, trước mắt nên chọn sa nhân tím là đối tượng để phát triển. Sa nhân tím là cây dễ trồng và có thể trồng được ở nhiều vùng sinh thái khác nhau, nhất là ở các vùng đệm của Vườn Quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên. Việc phát triển trồng thêm cây sa nhân ở đây còn mang lại những lợi ích khác về mặt môi trường cũng như bảo vệ nguồn gen. Việc phát triển trồng thêm và quản lý hợp lý sa nhân mọc tự nhiên, chắc chắn sẽ làm tăng khối lượng cũng như giá trị thương phẩm sa nhân của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Tài liệu tham khảo 1. Đào Lan Phương (1995). Nghiên cứu một số loài mang tên sa nhân ở Miền Bắc Việt Nam. Luận án phó tiến sỹ khoa học y Dược; Trường Đại học Dược Hà Nội; 2. Đinh Văn Tự (2001). Cây sa nhân (tài liệu chuyên đề). Dự án sử dụng bền vững LSNG Việt Nam; 3. Nguyễn Chiều (1991). Góp phần phân loại chi Amomum Roxb.Thông báo Dược liệu - Viện Dược liệu; số 3+4: 27 - 29; 4. Nguyễn Chiều (1993). Cây sa nhân và việc sử dụng sa nhân trong y học dân tộc. Thông tin y học cổ truyền; số 73: 25 - 26; 5. Nguyễn Đình Cầm, Nguyễn Ngọc Hùng (1985). Nuôi trồng khai thác sa nhân dưới tán rừng. Tập san Lâm nghiệp; số 8; trang 28 - 29; 6. Nguyễn Tập và cộng sự (1995). Nghiên cứu bảo vệ tái sinh hai cây thuốc đặc sản: sa nhân, vàng đắng…Báo cáo khoa học đề tài nghiên cứu cấp nhà nước (KV.02.04) Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; 7. Nguyễn Thị Phương Lan (2004). Nghiên cứu các loài sa nhân mọc hoang ở các xã miền núi tỉnh Ninh Thuận. Luận văn thạc sỹ dược học; Trường Đại học Dược Hà Nội; 8. Nhiều tác giả (2004). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam; Tập II. Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội; trang 643 – 648; 9. Gagnepain, F. (1937). Zingiberaceae: Lecomte, M.,H. Flore Generalede L’Indo-chine, T.VI: 103 - 117.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2